Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tín Tâm Minh

26/04/201311:30(Xem: 4589)
Tín Tâm Minh


VÀI CHÚ GIẢI VỀ THIỀN ĐỐN NGỘ

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

---o0o---

Chương 4 b

TÍN TÂM MINH

---o0o---

Tác giả bản văn Tín Tâm Minh là Ngài Tam Tổ Tăng Xán (?-606). Ngài là Tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa nối pháp Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Nhị Tổ Huệ Khả. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma nếu tính theo dòng pháp từ Ấn Độ lại là Tổ Sư thứ 28, như vậy Ngài Tăng Xán là Tổ thứ 30 tính từ Phật Thích Ca.

Ở thời này hình như sự truyền pháp không qua một huấn luyện đặc biệt nào cả. Theo Truyền Đăng Lục thì mọi chuyện cứ như là "đại ngộ ngay dưới lời." Như lúc Nhị Tổ Huệ Khả truyền tâm ấn cho Tam Tổ Tăng Xán như sau:

Một cư sĩ tuổi ngoài bốn mươi đến đảnh lễ Huệ khả bạch: "Đệ tử mắc chứng phong dạng, thỉnh Hòa Thương từ bi sám hối tội giùm!"

Sư nói: "Đưa cái tội ra đây ta sám cho."

Cư sĩ hồi lâu bạch: "Đệ tự kiếm tội mãi mà chẳng thấy đâu cả."

Sư nói: "Thế là ta đã sám xong tội của người rồi đó. Từ nay, ngươi khá y nơi Phật Pháp Tăng mà an trụ."

Cư sĩ bạch: "Nay tôi thấy Hòa Thượng thì biết đó là Tăng, nhưng chưa rõ thế nào là Phật và Pháp."

Sư nói: "Là tâm là Phật, là tâm là Pháp, Pháp và Phật chẳng hai, Tăng bửu cũng y nhiên là vậy."

Cư sĩ bạch: "Nay tôi mới biết tội tánh chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa; cũng như tâm, Phật là vậy, pháp là vậy, chẳng phải hai vậy."

Cư sĩ được Huệ Khả thế phát, sau đó biệt dạng mất trong đời, ít ai rõ được hành tung. Một phần là do nạn ngược đãi Phật giáo ở đời Bắc Châu, do vua Võ Đế chủ xướng. Đến năm thứ mười hai đời Khai Hoàng, nhà Tùy, Tăng Xán tìm được bậc pháp khí để truyền lại ngôi Tổ vị, đó là Đạo Tín.

Cũng theo Truyền Đăng Lục thì Tam Tổ Tăng Xán truyền tâm ấn cho Tứ Tổ Đạo Tín cũng theo kiểu "mượn lời mà nhổ chốt" vậy.

Đạo Tín Bạch: Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho đệ tử con đường giải thoát.

Sư (Tăng Xán) hỏi: Ai trói ngươi?

Tín bạch: Không ai trói hết.

Sư nói: Vậy sao còn cầu giải thoát?

Tín phát đại ngộ ngay "dưới lời nói," bỏ công chín năm khổ cầu.

Tăng Xán biết cơ duyên đã đến bèn treo cho Đạo Tín làm tín vật cái áo pháp truyền lại từ sơ tổ Đạt Ma, rồi thu thần tịch diệt vào năm 606.

Ngoài Đạo Tín là dòng chính, Tăng Xán còn truyền tâm ấn cho một pháp sư Ấn Độ là Lưu Chi (Vinitaruci) và khuyên nên sang phương Nam tiếp độ chúng sanh. Đó là dòng Thiền đầu tiên ở Việt Nam, và Lưu Chi là Tổ Sư vậy. Ngài tịch năm 594 đời Hậu Lý Nam Đế.

Chỉ có thể nói được rằng hoàn toàn không một pháp trao người. Chính thật là cửa không cửa vậy. Bản văn Tín Tâm Minh cũng nằm trong truyền thống quí phái đó, hiển Tông chỉ Thiền không qua lời phương tiện.

Bản văn gồm 146 câu thơ, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng là 584 chữ. Được dùng trong tất cả các Thiền đường Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn như một sách giáo khoa, với niềm tin là hội được căn bản này thì chẳng còn băn khoăn về chuyện "ngồi với không ngồi" hay "tham với không tham" nữa.

Ai hiểu được bản văn này thì hiểu được hơn bốn mươi tác phẩm của Krishnamurti, và ngược lại. Tông chỉ Thiền minh bạch trong từng đoạn văn nhưng hoàn toàn không có cửa vào cho học nhân, và đây mới đúng là Thiền chánh tông vậy.

Bản chú giải này sẽ dựa trên bản dịch của Ngài Trúc Thiên, một vị Bồ Tát hiện thân cư sĩ, một học giả uyên bác về Đạo Phật, người đã dịch nhiều tác phẩm quan trọng của Thiền ra tiếng Việt, mà nhiều thế hệ sau phải mang ơn, trong đó có cả người đang chú giải. Các câu chẵn sẽ được đánh số cho tiện theo dõi.

Tên tác phẩm là Tín Tâm Minh.

TÍN TÂM MINH

Chí đạo vô nan

2 Duy hiềm giản trạch

(Đạo lớn chẳng khó gì

Cốt đừng chọn lựa thôi)

Minh là bản văn, là lời thốt lên, gọi lên, trình bày, để nói lên điều gì đó, hoặc là để làm sáng ra. Tín Tâm là tin vào Tâm, không phải là Tâm mình hay tâm người hay tâm một ai vì tất cả những cái ngỡ như là tâm mình, tâm người hay tâm một ai đều là sở chấp hư vọng, không thật.

Thanh Tịnh Đạo Luận viết:

Có sự khổ nhưng không có người thọ khổ

Có tác nghiệp nhưng không có nghiệp giả

Có Niết bàn nhưng không có người vào Niết bàn

Tất cả những gì gọi là mình, người, hay một ai đều chỉ là bọt sóng dậy trên đại dương, nhưng Tánh nước vẫn là một. Những gì gọi là Tâm của mình, người, hay một ai trong Tự Tánh vẫn là Nhất Chân Pháp Giới Tâm (chữ của kinh Lăng Nghiêm, chữ tương đương là The Universal Mind của Krishnamurti được phân tích trong sách The Future of Humanity), hoàn toàn không khác nhau tới một sợi tóc nhưng đã bị Vô Minh bịt mắt che tai.

Như vậy, Tín Tâm đây có nghĩa là tin vào Nhất Chân Pháp Giới Tâm này là mẹ sanh muôn pháp.

Ngay hai câu đầu tiên của bản văn đã nêu lên Tông chỉ Thiền một cách minh bạch nhưng cũng đã xô bao nhiêu Tăng Ni đời sau phải ngác ngác ngơ ngơ. Hai câu này sẽ được giải dài dòng ở đây, vì chính là chìa khóa vào toàn bản văn và cũng là vào Nhà Tổ vậy.

"Đạo lớn thì không khó, miễn đừng lựa chọn thôi." Tại sao vậy? Câu này vẫn là hiển Tông chỉ trong thể phủ định với đề nghị "đừng." Cũng không có chữ "phải"!

Có điều gì trên đời mà không là lựa chọn đâu? Đi tu là chọn con đường thành Phật, bỏ con đường chúng sanh. Không cần nói tới chuyện đi tu, chỉ nói chuyện làm Phật tử thôi cũng là lựa chọn rồi, ngay khi thọ Tam Quy Ngũ Giới. Luôn luôn có lựa chọn giữa đúng với sai, giữa Phật với Ma, giữa chính với tà, giữa Thiện với Ác. Như vậy không lựa chọn nghĩa là gì? Tông chỉ thật sâu kín, khó tin, khó hiểu, khó vào.

Lựa chọn là một tác dụng của tâm. Không lựa chọn là vào được chỗ không một tác dụng (hay nỗ lực) của Tâm; chỗ vô vi, vô tác, vô nguyện của Tâm; tắt một lời là vào chỗ vô phân biệt của Tâm (lời này ưa bị các học giả hiểu lầm nhất). Lựa chọn là phân biệt. Không lựa chọn là vô phân biệt.

Làm sao để sống được với trí vô phân biệt?

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng nói với Trí Hoàng như sau:

"...Đúng như lời Huyền Sách nói, ông cứ để tâm ông tự nhiên như hư không, mà vẫn không một kiến giải nào về cái không ấy, thì tâm sẽ ứng dụng tự do, không vướng mắc, dầu làm gì, động hay tịnh, vẫn là vô tâm, và đó là lúc phàm hay thánh đều quên hết, năng (chủ) và sở (khách) đều dứt trọn, tánh và tướng đều như như, tức là không lúc nào chẳng là định vậy..."

Lời trên khi được chiết giải một cách kỹ thuật đã trở thành pháp Mặc Chiếu của Thiền Tào Động vậy. Bấy giờ thì dù có mưa bão sấm chớp hay không, thì hư không ấy (hay Tâm Vô Tâm ấy) vẫn hằng bất động vậy, đấy chính là nghĩa thường định của Tổ Sư Thiền, dù là đang đi đứng chạy nhảy vui đùa ca hát...

Thầy tôi thường nói, "Phải Thấy Tánh trước, rồi vào trong Tánh mà làm gì cũng chẳng sai," là cũng là đề nghị ấy. Tánh, tức là Tâm Vô Phân Biệt, là cái được Lục Tổ Ví như hư không, hoặc như kinh ví như Tánh nước của Đại dương. Bọt sóng rồi sẽ tan, sóng rồi sẽ lặng, mây rồi sẽ qua đi, nhưng hư không kia cũng như Tánh nước kia vẫn hằng bất động. Đây còn gọi là pháp tu Vô Sanh Diệt Môn vậy. Vào được chỗ này, còn được gọi là vào cõi Phật A Súc (tức Phật Bất Động).

Tại sao phải tu pháp Vô Sanh Diệt này?

Một vị Cổ Phật hóa hiện vào thế kỷ 20 này, Ngài Krishnamurti trả lời câu hỏi vừa đặt, trong quyển Đường Vào Hiện Sinh, bản Việt dịch của Trúc Thiên, như sau:

"...Phàm có hợp thì có tan; và cái không hợp thì chỉ có thể thấu triệt được bằng sức tự tri. Cái tôi là cái có hợp, nên chỉ bằng cách tháo banh cái tôi ra, thì cái không phải là kết quả của ảnh hưởng, cái không có nguyên nhơn mới thấu triệt được..."

(Đường Vào Hiện Sinh, trang 315)

Có hợp thì có tan, nhà Phật gọi là có sanh thì có diệt. Chữ cái không hợp của Krishnamurti, nhà Phật gọi là cái vô sanh diệt.

Như thế nào để vào pháp Vô Sanh Diệt?

Đơn giản nhất vẫn là không lựa chọn. Khai triển ra thì sẽ nói như Lâm Tế Lục, đừng cầu bên ngoài, đừng cầu bên trong, đừng tạo tác, đừng mong làm Phật, vân vân...

Như vậy, nói theo cơ phong sẽ là sanh diệt với vô sanh diệt là cảnh giới gì nhỉ, sinh tử với Niết bàn là trò nhảm gì nhỉ, mới hợp với Tông nhỉ.

Vào được cửa này thì bấy giờ nói xuôi nói ngược gì cũng đúng, nói Tánh nói Tướng gì vẫn khế hiệp. Ta có thể theo dõi các sách nói sau về chuyện Sinh với Tử, trích lời 2 vị Thiền Sư, sách Moon In A Dewdrop, tác giả là Ngài Dogen (Đạo Nguyên):

Thiền Sư Jiashan nói: "Bởi vì một vị Phật ở trong sinh với tử, cho nên không có chuyện gì gọi là sinh với tử hết."

Thiền sư Dingshan nói: "Bởi vì một vị Phật không ở trong sinh với tử, cho nên Phật không bị mê mờ bởi sanh với tử." (trang 74).

Chữ Phật đó chính là Tự Tánh Thanh Tịnh vậy, vào đó mà tu thì còn sợ gì nữa. Nhưng khi vào được pháp định này thì sẽ thấy rằng Tánh vẫn không lìa Tướng vậy.

Như thế nào để vào được pháp định này? Chỉ cần buông bỏ hết mọi lựa chọn, dù Tướng hay Tánh, dù có hay không, dù Phật hay Ma thì Tâm sẽ hồn nhiên thường định vậy. Buông bỏ mọi lựa chọn mà cũng không thấy cả cái buông bỏ đó, ấy mới thật là buông bỏ. Nói cách minh bạch hơn, buông bỏ tất cả mà vẫn thấy không có ai đang buông bỏ và không có gì đang được buông bỏ, ấy mới thật là buông bỏ. Trong cảnh giới này thì, có muốn gọi là buông bỏ hay nhấc lên cũng chỉ là tạm gọi thôi, có thể cho là cùng nghĩa cũng được, mà trái nghĩa cũng được, vì lời nào cũng vẫn là xa lắm.

Đó chính là ý của Triệu Châu khi bảo một vị Tăng buông hết đi, Tăng trả lời là không một vật thì còn gì là buông. Triệu Châu đáp, vậy thì nhấc lên. Buông tất cả rồi tức là đang ở cảnh giới của vô ngã (nói theo kinh Luận), hay là vô tâm (nói theo Thiền), thì lấy ngã nào với tâm nào mà nhấc lên nữa. Nhưng cũng chính ở cảnh giới này của định mà muôn pháp mới được thành tựu, nên còn tạm gọi là nhấc lên, do đây mà Lục độ vạn hạnh mới thật sự là Lục độ vạn hạnh. Còn như nếu lấy tâm sanh diệt mà tu Lục độ vạn hạnh thì vẫn còn xa đạo lắm vậy, nếu không muốn mượn lời chư Tổ mà bảo đấy chính là ngoại đạo giả danh con Phật.

Đản mạc tắng ái

4 Đỗng nhiên minh bạch

(Quí hồ không thương ghét

Thì tự nhiên sáng ngời)

Thương đây (ái) là phản nghĩa của ghét (tắng), là những phản ứng có điều kiện của tâm, là những đáp ứng từ những phóng chiếu của tâm, là những đánh thức tình cảm của cái đã biết (the known, chữ của Kirshnamurti), chứ hoàn toàn không phải là từ bi gì cả. Đừng có thương với ghét, tức là đừng có nhìn đời bằng cái đã biết mà sẽ có những đáp ứng tình cảm thương ghét xảy ra, thì tự nhiên cái bất khả tri hiển lộ.

Lòng Đại Bi hoàn toàn không có nghĩa của chữ thương ghét trên. Đại Bi là tình yêu thương khởi dậy từ khi nhìn thấy Sự Thật, không do một nguyên nhân nào, không là một đáp ứng từ thiên kiến nào, và hoàn toàn không phân biệt, cũng như mặt trời thì phải chiếu sáng vậy. Vấn đề là khi đám mây thương-ghét-của-đáp-ứng-và-điều-kiện tan đi thì ánh mặt trời hiện ra. Lúc bấy giờ thì, như Thầy tôi nói: "Có chĩa súng vào ngực bắt con căm thù thì cũng không căm thù nổi."

Hào li hữu sai

6 Thiên địa huyền cách

(Sai lạc nửa đường tơ

Đất trời liền phân cách)

Thiếu nhi Việt Nam thường chơi trò chơi "Thiên Đường Địa Ngục hai bên..." Chúng ta, nhân loại cũng đang chơi trò chơi "Niết bàn Phiền não hai bên..." Vấn đề chỉ là sơ xẩy chút niệm của tâm mà có thể kéo chúng ta đi chưa biết tới kiếp nào gỡ được.

Thầy tôi nói: "Cầm một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ, sóng có thể gợn tới vô lượng kiếp sau."

Nhưng nếu nói rằng xóa sạch cả hai bờ Niết bàn phiền não thì vẫn còn là Như Lai Thiền, chưa là Tổ Sư Thiền. Mới biết, vào được Tông chỉ thật sự là khó. Ngay đến bài kệ nghèo (có trích dẫn ở trên) của Ngài Hương Nghiêm vẫn còn bị sư huynh là Ngài Ngưỡng Sơn chê là mới thấu Như Lai Thiền, chưa đạt Tổ Sư Thiền.

Dục đắc hiện tiền

8 Mạc tồn thuận nghịch

(Chớ nghĩ chuyện ngược xuôi

Thì hiện liền trước mắt)

Thế nào là chuyện ngược xuôi? Chưa Ngộ thì bất cứ gì cũng là chuyện ngược xuôi hết, chuyện Phật với Ma, phiền não với Niết bàn, Thiện với Ác, Đúng với Sai, v.v... Ngộ rồi, thì tất cả đều là giải thoát.

Ngay đến các thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng vẫn là chuyện ngược xuôi vậy. Có thể tìm một thí dụ cho minh bạch nghĩa này, từ bài Bát Nhã Tâm Kinh, một trong sáu cửa vào nhà Tổ.

Thừa Thanh Văn đặt trên căn bản Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bát Nhã Tâm Kinh viết: "Vô Khổ Tập Diệt Đạo." Dịch là, trong cảnh giới của giác ngộ thì thấy rằng, vốn thật không hề có cái gì gọi là Đau khổ, không hề có cái gì gọi là Nguyên nhân của đau khổ, không hề có cái gì gọi là khả năng trừ diệt nguyên nhân của đau khổ, và cả con đường giải thoát cũng không hề có nữa.

Phá Thừa Thanh Văn xong, Tâm kinh lại phá bỏ Thừa Duyên Giác: "Vô vô minh, diệc vô vô minh tận." Vốn thật không từng có cái gì gọi là vô minh, mà cũng không từng có cái gì gọi là chấm dứt cái vô minh. Vô minh là đầu mắc xích của 12 Nhân duyên.

Kinh tiếp: "Nãi chí vô lão tử, diệc vô Lão tử tận." Dịch là, cho tới không hề có cái gì gọi là già chết, và cũng không hề có cái gì gọi là chấm dứt già chết. Lão tử, tức già chết, là mắc xích cuối cùng của 12 Nhân duyên. Bát Nhã Tâm Kinh thế là đã phá triệt để cả đầu và cuối của Thập Nhị Nhân Duyên.

Lời của Tâm kinh mạnh bạo như vậy, đâu hề có dịu dàng hơn lời của Lâm Tế, Đức Sơn đâu.

Phá bỏ hai Thừa Thanh văn và Duyên Giác xong, Tâm kinh lại phá bỏ Bồ Tát thừa. Bồ Tát phải tu Lục Độ Ba La Mật, trong đó cuối cùng là Trí Huệ Ba La Mật, gọi tắt là Trí. Ba La Mật, phạn ngữ là paramita, tức đáo bỉ ngạn, tức qua bờ bên kia, tức là đắc vậy. Kinh lại nói, "Vô Trí diệc vô Đắc," vốn thật không hề có cái gì gọi là Trí, mà cũng không hề có cái gì gọi là chứng đắc, và rồi cũng không hề có cái gì gọi là cái có thể đắc hết.

Phá hết cả 3 thừa xong thì còn thừa nào để mà tu? Không còn điều gì để tu hết, vì sự thật đã hiển lộ trước mắt vậy (đắc hiện tiền).

(Ghi chú cho ấn bản năm 2001: Theo Hòa Thượng Duy Lực trong một bài lược giải, bài Bát Nhã Tâm Kinh này còn có ý phá luôn cả Phật Thừa qua câu "Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn." Xin ghi thêm nơi đây để học nhân tham khảo.)

Vi thuận tương tranh nhau

9 Thị vi tâm bệnh

(Đem thuận nghịch chỏi

Đó chính là tâm bịnh)

Bất thức huyền chỉ huyền

10 Đồ lao niệm tịnh

(Chẳng nắm được mối

Hoài công lo niệm tịnh)

Nếu không nắm được huyền chỉ, tức Tông Chỉ Thiền Đốn Ngộ, thì sẽ mệt sức niệm tịnh vậy. Niệm tịnh là nghĩ tới, gìn giữ cái tịnh. Làm vậy thì mệt cả đời mà biết tới kiếp nào tới. Sao không chịu dấn bước một lần nắm lấy cái Bất Động giữa tất cả cái Động, nắm lấy cái Vô Niệm giữa biển trời của Niệm thì tức thì xong vậy. Còn cứ ngồi tịnh hoài mà không thâm nhập được ý chỉ thì chỉ là mài ngói làm gương vậy. Than ôi, giác ngộ đâu có ở chỗ ngồi với không ngồi.

Viên đồng thái hư

14 Vô khiếm vô dư

(Tròn đầy tợ thái hư

Không thiếu cũng không dư)

Hai câu này chỉ vào Thanh Tịnh Pháp Thân mà nói. Chứng nhập được cảnh giới này thì không còn gì để nói năng, tư lường, ngờ vực, tu với không tu nữa. Chứng nhập Pháp Thân thì mọi chuyện phiền não với Niết bàn đều vắng bặt, chỉ là giấc mộng đêm qua thôi.

Ngài Bàng Uẩn tham vấn Mã Tổ hỏi:

- Ai chẳng cùng muôn pháp làm bạn?

Câu này chỉ thẳng vào Pháp Thân mà hỏi. Tuyệt diệu, hỏi được câu này là chơi trò cơ phong được rồi vậy, đem ngôn ngữ bình thường mà hỏi ý tột cùng là nội công thâm hậu rồi vậy. Muôn pháp là các pháp sanh diệt. Kẻ không cùng muôn pháp làm bạn là pháp vô sanh vậy. Bọt sóng có thể thay đổi, thiên biến vạn hóa, nhưng Tánh nước không hề đổi vậy.

Mã Tổ đáp:

- Khi nào ông uống cạn nước Tây giang, ta sẽ nói cho ông nghe.

Bàng Uẩn ngộ ngay dưới lời.

Làm sao uống cạn hết nước Tây giang được nếu không chứng nhận được cảnh giới viên đồng thái hư kia, tức là ngộ tính vô ngã, chứng nhập Pháp thân. Bấy giờ thì đâu có cần lời với không lời, nghe với không nghe. Làm cái gì thì bấy giờ cũng chỉ là bày trò đóng tuồng cho đời sau ngơ ngơ ngác ngác vậy.

Lương do thủ xả

16 Sở dĩ bất như

(Bởi mảng lo giữ bỏ

Nên chẳng được như như)

Mạc trục hữu duyên

18 Vật trụ không nhẫn

(Ngoài chớ đuổi duyên trần

Trong đừng ghì không nhẫn)

Nhứt chủng bình hoài

20 Dẫn nhiên tự tận

(Cứ một mực bình tâm

Thì tự nhiên dứt tận)

Như có nghĩa là thì như vậy, là nghĩa tánh bất động của vạn pháp, là nghĩa cõi Phật A Súc (Bất Động) được hóa hiện trong từng hạt bụi của cõi Ta Bà này, là Tánh nước không hai không biến đổi trong vô lượng bọt sóng.

Nếu cứ giữ bỏ (thủ xả) thì chẳng nhập được cảnh giới đó của chư Phật vậy. Thế nào là giữ bỏ? Là nghĩa hai đầu của tâm phân biệt vậy, nói khác là, hành nghiệp của tâm lựa chọn vậy.

Một khi thấy được Tánh Như của vạn pháp thì không còn thấy có trong với ngoài nữa, nói khác thì là, vẫn thấy có trong với ngoài nhưng cả hai hiện rõ một Tánh nên ngoài không bụi nào bám được và trong thì chẳng cần ghì, với giữ, với chấp trì gì cả kể cả cái Tánh không của vạn pháp.

Khi duyên trần đến, thì phản ứng của người không tu thường là mê muội chạy đuổi theo, còn phản ứng của người tu thường là quán Tánh không của các pháp để khỏi mê mờ. Theo Tổ Sư Thiền thì như vậy vẫn là sai. YÙ chỉ nơi đây là:

Cứ một mực bình tâm

Thì tự nhiên dứt tận

Bình tâm đây chính là bình thường tâm, nghĩa là nói ở phần đầu, cũng chính là nghĩa chữ hồn nhiên, ngây thơ mà Krishnamurti thường nói. Bồ Đề Đạt Ma cũng nói với Huệ Khả tương tự: "Ngoài dứt chư duyên, Trong không toan tính, Tâm như tường vạch, mới là nhập Đạo." Phải minh bạch ngôn ngữ chỗ này là, cứ thoải mái hồn nhiên thôi, đừng khởi tâm theo đuổi hay dứt bỏ hay toan tính gì cả, dù là toan tính làm Phật.

Chỉ động qui chỉ

22 Chỉ cách di động

(Ngăn động mà cầu tịnh

Hết ngăn lại động thêm)

Duy trệ lưỡng biên

24 Ninh tri nhứt chủng

(Càng trệ ở hai bên

Thà rõ đâu là mối)

Bốn câu này là Tổ Tăng Xán phá Như Lai Thiềân, cả Tiểu Thừa và Đại Thừa. Hai câu đầu phá nguyên tắc đối trị của Thiền Tiểu Thừa. Hai câu sau phá nguyên tắc chuyển y của Thiền Đại Thừa. Tổ Sư Thiền là pháp tu-cái-không-tu, tìm ngay tận gốc Tánh mà tu nên không thấy có gì là đối trị hay chuyển y hết. Nghĩa tận gốc Tánh này còn gọi tắt là Tông. Cho nên còn gọi Tổ Sư Thiền là Tâm Tông, hay tắt là Tông để phân biệt với Giáo.

Nhứt chủng bất thông

26 Lưỡng xứ thất công

(Đầu mối chẳng rõ thông

Hai đầu luống uổng công)

Khiển hữu một hữu

28 Tòng không bối không

(Đuổi có liền mất có

Theo không lại phụ không)

Đầu mối, tức nhứt chủng, tức gốc Tánh, tức Nhất Chân Pháp Giới Tâm, không vào Tánh mà tu thì biết tới bao giờ xong. Hai câu đầu đoạn này nhấn mạnh nghĩa của bốn câu trên.

Theo đuổi cái có làm chi vì chư pháp vốn vô thường, vả lại chúng ta đã muôn kiếp chạy theo cái có rồi. Bọt sóng đã tan rồi hợp vô lượng kiếp rồi cơ mà.

Nhưng nếu theo cái không thì cũng sẽ phản bội cái không, không hiểu theo nghĩa phản nghĩa của Có, vì ngay khi ấy Không đã trở thành một đối tượng của Tâm, tức là trở thành một pháp phân biệt, thì lại hỏng nữa. Ngay cả đây có là cái Chân Không Diệu Hữu thì cũng chỉ mới hợp giáo nghĩa kinh điển, chứ vẫn chưa hợp Tông chỉ.

Có thể lấy một ví dụ để thấy các cách hiển Tông chỉ khác nhau, thích hợp cho đoạn văn này.

Sư Toàn Khoát Nham Đầu cùng hai bạn đạo là các Sư Khâm Sơn, Tuyết Phong lúc đang tham học Đức Sơn, có lần họp nhau, bỗng dưng Tuyết Phong chỉ một chén nước (đây có thể hiểu như là một hành động thách đấu, một chiến thư vậy).

Khâm Sơn nói: "Nước trong, trăng hiện." Trăng là Tánh của Tâm, là Diệu Minh Chân Tâm của vạn pháp. Khi cặn lắng xuống, khi sóng êm đi, khi mây tan hết, thì đương nhiên Pháp Thân hiện.

Tuyết Phong nói: "Nước trong, trăng chẳng hiện." Ở đây là cảnh giới nước với trăng đã là một Tánh, thấy được chỗ này là vào được Định của Tổ Sư Thiền rồi vậy. Còn thấy có trăng hiện là vẫn còn thấy trăng là đối tượng của nước, cho nên mới cần có nước trong để cho trăng hiện, nhưng thoát ý Ngài Tuyết Phong, chúng ta nên hiểu là dù cho nước có trong đi nữa, trăng vẫn không lìa nước thì gọi chi là hiện hay chẳng hiện. Hoàn toàn không có chuyện chủ nước với khách trăng gì cả.

Nhưng ta nên chờ xem câu trả lời của Ngài Nham Đầu mới là diệu chỉ.

Sư Nham Đầu đá chén nước rồi đi.

Đây chính là ý chỉ Bồ Đề Đạt Ma vậy, hoàn toàn xa lìa tất cả những gì của có với không, của chủ thể nước với khách thể trăng, của Tướng với Tánh, vân vân... Câu trả lời vượt lên (hướng thượng) này chỉ bất ngờ có khi tâm đã hoàn toàn tương ưng vậy.

Đa ngôn đa lự

30 Chuyển bất tương ứng

(Nói nhiều thêm lo quẩn

Loanh quanh mãi chẳng xong)

Tuyệt ngôn tuyệt lự

32 Vô xứ bất thông

(Dứt lời dứt lo quẩn

Đâu đâu chẳng suốt thông)

Nói năng với suy nghĩ chỉ làm lớn thêm tâm phân biệt thôi, chỉ càng lúc càng xa đạo vậy. Phải chấm dứt cái gốc của nói năng với suy nghĩ này, tức là gốc tâm phân biệt lựa chọn này thì mới xong được.

Nhưng nếu không dùng ngôn ngữ thì khó phát triển Tâm tông, nên chư Tổ khi dùng lời có nhấn mạnh là phải dùng hoạt cú chứ đừng dùng tử cú. Hoạt cú là trong lời không có lời, tức không có vướng chuyện hai đầu đúng sai, phải trái, có không, lành dữ, vân vân... Còn tử cú là trong lời có lời.

Lấy thí dụ trong cuộc đấu pháp 3 vị Sư ở đoạn trên. Lời của Ngài Khâm Sơn, nước trong trăng hiện, là một phương tiện an tâm được, nhưng vẫn bị xét là tử cú, vì là trong lời có lời, có hai đầu đúng sai, chủ khách... Lời của Ngài Tuyết Phong, nước trong trăng chẳng hiện, là hoạt cú vì trong lời không còn hai đầu nữa, gì mà trong với chẳng trong, hiện với chẳng hiện, dù là nước trong đi nữa trăng cũng chẳng hiện vì nước với trăng không hai không khác.

Nhưng tới hành động của Ngài Nham Đầu mới là tối hậu cú vậy. Đá chén nước là xa lìa tất cả những gì gọi là tử với hoạt rồi vậy. Tông chỉ thật sự là khó tin, khó hiểu, khó vào.

Qui căn đắc chỉ

34 Tùy chiếu thất tông

(Trở về nguồn nắm mối

Dõi theo ngọn mất tông)

Tu du phản chiếu

36 Thắng khước tiền không

(Phút giây soi ngược lại

Trước mắt vượt cảnh không)

Tiền không chuyển biến

38 Giai do vọng kiến

(Cảnh không trò thiên diễn

Thảy đều do vọng kiến)

Bất dụng cầu chơn

40 Duy tu tức kiến

(Cứ gì phải cầu chơn

Chỉ cần dứt sở kiến)

Tám câu này lại lần nữa hiển Tông chỉ vậy. Câu đầu, qui căn đắc chỉ, là yêu cầu nắm lấy Tánh và tu. Tánh nước chỉ có một, nhưng bọt sóng thì vô lượng hết hợp rồi tan, làm sao theo sóng mà tu nổi.

Niệm thì ngàn niệm vạn niệm dù có theo dõi quan sát hết chỉ rồi quán, cũng chẳng biết tới bao giờ thể nhập Tánh Vô Tự Tánh của Niệm được. Sao không vào các cảnh giới Vô Niệm mà tu, là về ngay tận gốc mẹ sanh của Niệm, thì sẽ đốn nhập vậy. Và các cảnh giới Vô Niệm mới hiện rõ Tánh Vô Tâm của vạn pháp vậy.

Lấy thí dụ như gương sáng. Nếu cứ theo các ảnh hiện thì vô lượng ảnh vậy, công đâu mà chạy theo bóng với hình. Khi có ảnh ví như có Niệm, khi không ảnh ví như Vô Niệm, nhưng có ảnh với không ảnh vẫn do từ một Tánh sáng của gương mà ra. Lìa tánh sáng này thì không thể có chuyện ảnh với vô ảnh.

Tông chỉ chính là theo Tánh sáng đó mà tu, chẳng bận tâm chuyện có ảnh hay không ảnh (xa lìa cả Có và Không). Pháp Định này chính là Tối Thượng Thừa vậy.

Hai câu, "Cảnh không trò thiên diễn, thảy đều do vọng kiến," tương đương với ý kinh Hoa Nghiêm: "Tâm như diễn viên, ý như thằng hề." Vốn thật là không đó (là bổn lai vô nhất vật, chỉ Tánh mà nói), nhưng thiên biến bạn hóa vì do Tâm động, do sở kiến hư vọng, do phân biệt, nên Chân Tâm bị chấp y làm tâm mình, tâm người, tâm một ai, nên mới trở thành nhảy múa lung tung như diễn viên, như thằng hề. Nếu lấy cái tâm diễn viên, thằng hề đó mà tu thì muôn kiếp không xong vậy. Vậy nên Tổ Sư Thiền không lấy tâm đó mà tu, chỉ riêng lấy Tánh của Tâm mà tu nên còn gọi là "giẫm ngược sóng và nước," lật ngược Tướng là Tánh, lật ngược Tâm là Vô Tâm, vào Tánh này mà tu thì như Lục Tổ nói, dù có múa gươm vào trận vẫn là thường định, vẫn là hiển hiện Pháp Thân trước mắt vậy.

Bấy giờ thì cần chi mà mê làm Phật, làm Tổ, cần chi mà cầu chơn nữa vì thấy được sóng là nước tức thì vào ngay vị vô công dụng hạnh rồi vậy.

Nhị kiến bất trụ

42 Thận vật truy tầm

(Hai bên đừng ghé mắt

Cẩn thận chớ đuổi tầm)

Tài hữu thị phi

44 Phấn nhiên thất tâm

(Phải trái vừa vướng mắc

Là nghiền đốt mất tâm)

Bốn câu này chỉ lập lại các ý trên và cảnh giác học nhân không bận tâm tới tất cả gì gọi là nhị biên (hai bên).

Tông chỉ Thiền là đi con đường vượt lên (hướng thượng). Dẹp chuyện (nói dẹp vẫn còn sai, vì dẹp là một hành động, một nỗ lực của Tâm) hai bên, phải trái, vân vân... là trở lại ý câu miễn đừng lựa chọn.

Nhị do nhứt hữu

46 Nhứt diệc mạc thủ

(Hai do một mà có

Một rồi cũng buông bỏ)

Nhứt tâm bất sanh

48 Vạn pháp vô cửu

(Một tâm ví chẳng sanh

Muôn pháp tội gì đó)

Vô cửu vô pháp

50 Bất sanh bất tâm

(Không tội thì không pháp

Chẳng sanh thì chẳng tâm)

Năng tùy cảnh diệt

52 Cảnh trục năng trầm

(Tâm theo cảnh mà bặt

Cảnh theo tâm mà chìm)

Công án: "Vạn pháp quy Nhất, Nhất quy hà xứ," tức là, vạn pháp quy về Một, vậy Một quy về đâu, là một công án thuộc loại khó giải, khó nhập, khó hội. Bởi vì công án này vừa khai thị Pháp Thân (quy về đâu, không thâm nhập Pháp Thân thì không thấy được cái đâu, cái xứ này), vừa khởi tâm phân biệt nơi học nhân, giữa nhiều và một, giữa một và cái chưa biết. Trong pháp Tham Công Án nêu nơi phần đầu, thì cách dụng tâm để giải công án này dễ bị phân đôi. Chư Tổ có vị còn tránh, huống gì là chúng ta.

Tuy nhiên hai câu: "Hai do một mà có, một rồi cũng buông bỏ" làm phá hủy công án trên, mà không cần phải trả lời chữ đâu vậy.

Ta thấy, nắm vững Tông thì công án này tự hủy. Và ngược lại, khi giải được vài công án căn bản thì vững vàng an trụ trong Tông chỉ được vậy.

Nếu phải trình bày kiến giải cho Thầy thì bắt buộc phải hiển Tông chỉ (bằng lời hoặc cách nào đó) cho công án này.

Nhưng nếu đang vấn đáp cơ phong với người khác thì phải tránh chữ Một và chữ về đâu vì bất kỳ câu nói nào vướng vào hai chữ có ý khởi tâm phân biệt này đều sai, đều không hiển được cảnh giới vô phân biệt. Nhưng khi chạy trốn những chữ này cũng vẫn là sai Tông chỉ. Vấn đề là trong sóng nắm lấy nước thôi, trong niệm khai thị vô niệm thôi, và trong lời phải hiểu được cái không lời.

Các câu tiếp theo ý là, tâm sanh thì mới có tội, tâm không sanh thì không có gì gọi là tội lỗi. Tới đây chúng ta sẽ thấy hai quan điểm khác nhau về tội trong Thiền.

Quan điểm thứ nhất là, đã vô tâm thì không có tội gì hết, là xa lìa nhân quả. Tuệ Trung Thượng Sĩ đứng về lập trường này. Để trả lời câu hỏi của Sư Pháp Loa: "Chúng sanh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu, làm thế nào thoát khỏi tội báo?" Thượng Sĩ trả lời:

"Nếu có người đứng xây lưng lại, thình lình có vua đi qua sau lưng, người ta không biết hoặc cầm vật gì ném vào vua, người ấy có sợ không? Ông vua có giận không? Như thế biết rằng hai việc ấy không dính dấp gì nhau vậy."

Ngài kín đáo dặn thêm: "Đừng bảo cho người không ra gì hết."

Tín Tâm Minh đứng về lập trường này.

Quan điểm thứ hai là, dù là vô tâm nhưng vẫn phải chịu chung một cộng nghiệp như chúng sanh. Thầy tôi nhấn mạnh ý bất muội nhân quả (không mê mờ nhân quả) để chống lại ý bất lạc nhân quả (không rời vào nhân quả) như sau: "Ngay đến Phật còn phải chịu dư nghiệp nữa, như lúc bị nhức đầu ba ngày vì đã đánh vào đầu con cá voi ba gậy từ nhiều kiếp về trước." Cho nên đừng ném viên sỏi nào vào mặt hồ.

Tuy nhiên, khi tôi hỏi về việc nên giữ giới luật thế nào, Thầy đáp:

- Con chỉ cần giữ một giới thôi, đó là giới của Phật?

- Thưa Thầy, giới của Phật là giới nào?

Thầy đáp:

- Giới của Phật là Bình Đẳng.

Xin ghi lại cả hai quan điểm ở đây để học nhân tùy nghi.

Hai câu cuối "Tâm theo cảnh mà bặt, cảnh theo tâm mà chìm" là một cảnh giới của pháp định này, được Ngài Tăng Xán nêu ra để giải thích nghĩa vô Tâm thì vô Tội đã nêu trên.

Cảnh do năng cảnh

54 Năng do cảnh năng

(Tâm là tâm của cảnh

Cảnh là cảnh của tâm)

Dục tri lưỡng đoạn

56 Nguyên thị nhứt không

(Ví biết hai đằng dứt

Rốt cùng chỉ một không)

Nhứt không đồng lưỡng

58 Tề hàm vạn tượng

(Một không, hai mà một

Bao gồm hết muôn sai)

Bất kiến tinh thô

60 Ninh hữu thiên đảng

(Chẳng thấy trong, thấy dục

Lấy gì mà lệch sai)

Khi thể nhập được Tông chỉ, thì tâm học nhân sẽ tự nhiên rơi vào các cảnh giới của pháp định này, được diễn bày bằng 8 câu trên. Các giới này đã diễn bày rõ trong bài "Ảnh Trầm Hàn Thủy." Hai câu "Tâm là tâm của cảnh, Cảnh là cảnh của Tâm" chỉ giai đoạn 3 trong Tứ Liệu giản của dòng Lâm Tế. Chữ Tâm đây tức là chữ Nhân trong bài kệ. Đây chính là cảnh giới Tâm Vật Nhất Như, người với hoa vô biệt. Sáu câu sau là phần thứ tư của Tứ Liệu Giản, là cảnh giới của tuyệt cùng Tông chỉ. Pháp định này còn được gọi là Tối Thắng Kim Cương Định vậy.

Đại đạo thể khoan

62 Vô dị vô nan

(Đạo lớn thể khoan dung

Không dễ mà chẳng khó)

Tiểu kiến hồ nghi

64 Chuyển cấp chuyển trì

(Kẻ tiểu kiến lừng khừng

Gấp theo và chậm bỏ)

Đối với kẻ một phen thấy Tánh thì không còn gì là khó nữa. Còn chưa thì dĩ nhiên là không dễ.

Cả gia đình Ngài Cư Sĩ Bàng Uẩn đều là bậc đại ngộ. Một lần Ông nói:

- Khó khó mười tạ dầu mè trên cây vuốt.

Bàng phu nhân đáp:

- Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ Sư.

Linh Chiếu, cô con gái, tiếp theo:

- Cũng chẳng khó, cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt thì ngủ.

Câu đáp của Linh Chiếu là giai đoạn của kẻ đang bảo nhậm Tâm Giác Ngộ. Nhưng câu của Bàng phu nhân có thể dùng làm phương tiện an tâm được. YÙ là cứ sống thoải mái tự nhiên như đầu ngọn cỏ vậy, gió thổi thì nghiêng, không thì đứng, đừng một cưỡng tâm nào hết, là hợp được ý của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma vậy. Trên đầu trăm cỏ ý Tổ Sư, bách thảo đầu thượng Tổ Sư ý, là một câu đáp hợp với đa số căn cơ vậy.

Chấp chi thất độ

66 Tâm nhập tà lộ

(Chấp giữ là nghiêng lệch

Dấn tâm vào nẻo tà)

Phóng chi tự nhiên

68 Thể vô khứ trụ

(Cứ tự nhiên buông hết

Bổn thể chẳng lại qua)

Bốn câu này cũng hiển Tông chỉ. Nghĩa này đã rất minh bạch trong bài thơ Đại Thủ Ấn Văn được dịch ở đoạn trên. Một chữ phóng cũng đủ vào pháp rồi vậy. Phóng là buông bỏ, là cởi mở, là thoải mái, là chàng Qui Tông đi tiêu chảy, là người Đạo Nguyên buông xả thân tâm. Là công án Tùy Tha Khứ, là cho theo người mà đi...

Nhiệm tánh hiệp đạo

70 Tiêu dao tuyệt não

(Thuận tánh là hiệp đạo

Tiêu dao dứt phiền não)

Hệ niệm quai chơn

72 Trầm hôn bất hảo

(Càng nghĩ càng trói thêm

Lẽ đạo chìm mê ảo)

Bất hảo lao thần

74 Hà dụng sơ thân

(Mê ảo nhọc tinh thần

Tính gì việc sơ thân)

Nếu đã thuận Tánh được thì pháp tu chỉ còn là cứ vui chơi suốt một đời thôi. Lần đầu tiên khi gặp Thầy tôi, tôi có hỏi hàm ý chính trị:

- Như thế nào để hộ trì chánh pháp Như Lai?

- Phải Thấy Tánh.

Chỉ ba chữ trên cũng đủ quét sạch hết những mây mù chính trị để đưa học nhân vào sân chùa đùa chơi cùng Chư Tổ. Thấy Tánh là yêu cầu đầu tiên của Tổ Sư Thiền. Vào cảnh giới này rồi cứ vui chơi suốt một đời thôi dù đã là chuyển pháp luân rồi vậy. Còn làm gì chỉ là tùy duyên thôi.

Phải Thấy Tánh chính là thông điệp của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma vậy. Như vậy, ý chỉ của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma là gì? Câu trả lời chính xác và trực tiếp nhất là của Ngài Lâm Tế:

- Nếu có ý, tự cứu cũng chẳng xong.

Câu này thích hợp để chú giải đoạn này vậy.

Phải Thấy Tánh cũng là chìa khóa giải được tất cả các công án về Pháp Thân: Thí dụ như công án Chích Thủ Diệu Thanh, Tiếng Vỗ Của Một Bàn Tay, một khi học nhân đã thâm nhập Tánh Nghe Thường Trụ thì làm gì còn bị lừa gạt bởi chuyện hai bàn tay với một bàn tay, hay chuyện tiếng vỗ có với tiếng vỗ không; Tánh Nghe có bao giờ gián đoạn đâu, có bao giờ sanh đâu mà nói tới diệt...

Dục thú nhứt thặng

76 Vật ố lục trần

(Muốn thẳng đường nhứt thặng

Đừng chán ghét sáu trần)

Lục trần bất ác

78 Hoàn đồng chánh giác

(Sáu trần có xấu chi

Vẫn chung về giác đấy)

Trí giả vô vi

80 Ngu nhơn tự phược

(Bậc trí giữ vô vi

Người ngu tự buộc lấy)

Nhất thặng đây chính là Nhất thừa, là con đường làm Phật. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, là đối tượng của sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đừng có say mê nhưng cũng đừng chán ghét nó vì trong cái thấy này thì vạn pháp (tất cả bọt sóng trên biển) trong vũ trụ đều từ Nhất Chân Pháp Giới Tâm (Tánh nước của đại dương) mà ra. Vì vậy cho nên cứ hồn nhiên thoải mái như đóa huệ ngoài đồng là đủ vậy. Vô vi là nghĩa, không làm, mượn từ tư tưởng Lão Trang trong truyền thống Trung Hoa để dùng tương đương với các chữ vô tác, vô nguyện của nhà Phật.

Pháp vô dị pháp Pháp

82 Vọng tự ái trước

(Pháp chẳng khác pháp

Do ái trước sai lầm)

Tương tâm dụng tâm

84 Khởi phi đại thác

(Há chẳng là quấy lắm

Sai tâm đi bắt tâm)

Bốn câu này là phá bỏ pháp của Như Lai Thiền. Tất cả các pháp môn của Tiểu Thừa và Đại Thừa đều là tương tâm dụng tâm.

Trong chỗ cứu cánh thì phải thấy như vậy. Tuy nhiên, chúng ta là những học nhân của thời Mạt Pháp này ít người vào được cảnh giới này của pháp định bổn nhiên đó, cho nên cần tránh mượn lời chư Tổ mà nói chỗ chưa tới của mình, e thế nào cũng có lỗi vậy.

Phá bỏ tư tưởng tương tâm dụng tâm ở nhiều chỗ khác còn gọi đó là, tâm thượng sanh tâm, tuyết thượng gia sương, đầu thượng trước đầu.

Mê sanh tịch loạn

86 Ngộ vô hảo ác

(Mê sanh động sanh yên

Ngộ hết xấu hết tốt)

Nhứt thiết nhị biên

88 Vọng tự châm chước

(Nhứt thiết việc hai bên

Đều do vọng châm chước)

Tất cả các cảnh tịch (vắng lặng) và loạn (động) đều là các cảnh hư vọng sóng và không sóng của mặt nước, là ảnh và không ảnh của gương soi. Thâm nhập được pháp môn hướng thượng nhất lộ, một đường vượt lên, là sống an nhiên trong tánh của nước và gương thì các cảnh hư vọng đó, sóng và không sóng, ảnh và không ảnh, tịch và loạn, đều tự nhiên xa lìa.

Ngộ rồi thì cũng tự nhiên xa lìa các cảnh của Thiện và Ác. Làm thiện thì được hưởng quả phước ở các cõi trời người. Làm ác thì gặp quả xấu. Pháp môn này hoàn toàn xa lìa tất cả những gì của Thiện và Ác. Đây chính là Đại Giải Thoát pháp môn vậy.

Thâm nhập được pháp định này thì sẽ nói như Ngài Viên Ngộ:

"Nếu là người thấu đạt nên bắt lấy bò của dân cày, đoạt lấy cơm của kẻ đói."

Dân cày là người đi gieo trồng ruộng phước (phước điền). Kẻ đói là người đang tìm cầu Phật Pháp. Tất cả những hành động gieo trồng ruộng phước với tìm cầu Phật Pháp đều là sai lầm, chỉ thêm tà kiến, luân hồi miên viễn thôi, đều chỉ là những khởi động của tâm. Cứ hồn nhiên thoải mái thì đâu là chẳng đại phước điền, khắp pháp giới đâu mà chẳng là cơm (vô tình thuyết pháp).

Mộng huyễn không hoa

90 Hà lão bã tróc

(Mơ mộng hão không hoa

Khéo nhọc lòng đuổi bắt)

Đắc thất thị phi

92 Nhứt thời phóng khước

(Chuyện thua được thị phi

Một lần buông bỏ quách)

Nhãn nhược bất thụy

94 Chư mộng tự trừ

(Mắt ví không mê ngủ

Mộng mộng đều tự trừ)

Tâm nhược bất dị

96 Vạn pháp nhứt như

(Tâm tâm ví chẳng khác

Thì muôn pháp nhứt như)

Vạn pháp đều là hoa đốm hư không vậy, vấn đề chỉ là buông bỏ hết thì tâm nhập được. Nếu thấy rằng ta đang sống ở trong một giấc mộng thì không gì có thể làm ta vướng bận được. Nếu thấy ta đang ở trong một vở kịch thì những hồi chuyển biến của vở tuồng đâu có đắm trước được ta. Tất cả những xoay chuyển của các hồi chỉ còn là dư nghiệp thôi.

Nhứt như thể huyền

98 Ngột nhĩ vong duyên

(Nhứt như vốn thể huyền

Bằn bặt không mảy duyên)

Vạn pháp tề quán

100 Qui phục tự nhiên

(Cần quán chung như vậy

Muôn pháp về tự nhiên)

Hai câu đầu chỉ vào Tự Tánh Thanh Tịnh. Hai câu sau là yêu cầu vào Tánh mà tu, là pháp môn thoải mái tự nhiên nhất của Phật.

Huệ Năng hỏi Chí Thành pháp dạy Giới Định Huệ của Đại Sư Thần Tú, Chí Thành thưa:

- Đại Sư Thần Tú dạy chúng tôi:

Các điều dữ chớ phạm, đó gọi là giới,

Các điều lành vâng làm, đó là huệ,

Giữ ý mình trong sạch, đó là định.

Huệ Năng nói:

- Giới Định Huệ của thầy ông dùng để tiếp độ người Đại Thừa; giới định huệ của tôi để tiếp độ hàng Tối Thượng Thừa. Mọi pháp tôi nói ra đều ra từ tự tánh, không bao giờ lìa Tự Tánh... Nghe kệ ta đây:

Tự tâm vốn không bao giờ quấy, đó là tự tánh giới,

Tự tâm vốn không bao giờ si, đó là tự tánh huệ,

Tự tâm vốn không bao giờ loạn, đó là tự tánh định.

........

Tự tánh vốn không quấy, không si, không loạn, lúc nào trí tuệ cũng chiếu soi, tự do tự đại, dọc ngang đều ứng đối đặng cả. Tự tánh tự sáng tự tỏ (tự ngộ), thoáng tu thoáng ngộ, không thứ lớp gì hết. Muôn vật đều "không tịch" thì có gì là thứ lớp?

(Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Đốn Tiệm).

Dẫn kì sở dĩ

102 Bất khả phương tỉ

(Đừng hỏi vì sao cả

Thì hết chuyện sai ngoa)

Chỉ động vô động

104 Động chỉ vô chỉ

(Ngăn động chưa là tịnh

Động ngăn khác tịnh xa)

Lưỡng kí bất thành

106 Nhứt hà hữu nhĩ

(Cái hai đà chẳng được

Cái một lấy chi mà...)

Đoạn này cũng chỉ lập lại một số ý đã nói ở trên. Hai câu giữa: "Ngăn động chưa là tịnh, Động ngăn khác tịnh xa" chỉ tất cả các pháp môn có tu có chứng. Đã có tu thì đương nhiên có chứng, có chứng thì đương nhiên có đắc, có đắc thì đương nhiên có cái gọi là sở đắc. Và cái có sở đắc đương nhiên cũng chỉ là hư vọng vì là cái có nguyên nhân, có tạo thành, do nhân duyên mà nên. Luật nhân quả rất minh bạch, cái có hợp thì có tan, có sanh thì có diệt. Vậy thì phải vào pháp môn không tu không chứng.

Thế nào để vào pháp môn vô tu vô chứng này? Đó là cái nhiều không lập, mà cái một cũng không trụ vào.

Cứu cánh cùng cực

108 Bất tồn quĩ tắc

(Rốt ráo đến cùng cực

Chẳng còn mảy quĩ tắc)

Khế tâm bình đẳng

110 Sở tác câu tức

(Bình đẳng hiệp đạo tâm

Im bặt niềm tạo tác)

Tới chỗ cùng cực thì không có gì gọi là quĩ tắc, con đường, phương pháp hay nguyên tắc nữa.

Tăng hỏi Lâm Tế:

- Tại sao Hòa thượng không dạy ngồi Thiền, tụng kinh?

- Ta không dạy ngồi Thiền, tụng kinh mà chỉ dạy làm Phật, làm Tổ.

Ta có thể đối chiếu pháp ngoại trên với công án "Vô phận sự" của Triệu Châu như sau:

Tăng hỏi Triệu Châu:

- Nhiệm vụ của thầy tăng là gì?

Triệu Châu đáp:

- Vô phận sự.

Vấn đề chỉ là khế hiệp với Tâm Bình Đẳng, tức là Tánh Soi Chiếu Bình Đẳng Vô Phân Biệt của gương, hay Tánh Sáng Chiếu Bình Đẳng Vô Phân Biệt của mặt trời, hay vị mặn bình đẳng chan hòa vô phân biệt trong vô lượng bọt sóng của biển.

Nhưng chính cái "im bặt niềm tạo tác" cũng phải là một tự nhiên nhi nhiên, chứ nếu không thì chính "cái không làm" đó cũng đã trở nên "làm cái không làm" rồi vậy. Và như vậy hẳn đã là sai rồi vậy.

Hồ nghi tận tịnh

112 Chánh tín điều trực

(Niềm nghi hoặc lắng dứt

Lòng tin hòa lẽ thực)

Nhứt thiết bất lưu

114 Vô khả kí ức

(Mảy bụi cũng chẳng lưu

Lấy gì mà kí ức)

Hư minh tự nhiên

116 Bất lao tâm lực

(Bổn thể vốn hư minh

Tự nhiên nào nhọc sức)

Một khi thâm nhập được Pháp Thân Thường Định rồi thì tất cả niềm nghi hoặc đều được giải trọn, bấy giờ mới tin tất cả lời nói xuôi nói ngược nói dọc nói ngang của chư Tổ đều chỉ vào Tánh mà nói. Trong cảnh giới này thì tâm sẽ hiện ra tánh sáng chiếu soi vô phân biệt của gương xưa.

Trong cảnh giới này thì sống cũng như đã chết, và xa lìa hoàn toàn những gì của hai thế giới sống với chết. Nói như Krishnamurti thì là, mời rủ cái chết về vui cười nhảy múa với cái sống. Nhưng đây cũng là nơi tâm được cực kỳ linh hoạt, nhảy bén, không trở ngại. Câu hỏi ở đây nên là, vậy thì cái gì linh hoạt, nhạy bén đó, và cái gì sống, cái gì chết đó? Câu trả lời cho cái gì này nằm trong các công án Pháp Thân vậy.

Còn câu hỏi về cảnh giới của sống và chết, sống ư, chết ư, lại nằm trong một công án Cơ Quan, Đại Ngô và Tiệm Nguyên điếu tang. Tóm tắt công án như sau:

Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến nhà thí chủ điếu tang. Tiệm Nguyên vỗ hòm và nói: "Sống ư? Chết ư?" và Đạo Ngô đáp: "Sống ư? Ta không nói. Chết ư? Ta không nói." (Đây là câu đáp loại hoạt cú, trong lời không có lời. Đạp lên đây sẽ bị trượt té. Dù vậy, Ngài vẫn chưa hiển Tông chỉ ở đây. Tuy nhiên, thấy rõ là nói Chết cũng sai, mà nói Sống thì hoàn toàn hỏng. Bởi vì lúc đó có thể vặn là, Ai Chết với Ai Sống?)

Tiệm Nguyên hỏi thêm: "Tại sao không nói?" (Tiệm Nguyên bị vướng vào cái có lời nên mới hỏi câu này. Đáng lý ra, thấy Đạo Ngô nói thế, thì phải nhận ra ngay là có nói Chết hay nói Sống thì đều sai cả. Không học được môn võ cơ phong này thiệt uổng.)

Đạo Ngô đáp: "Không nói là không nói." (Cây đáp này minh bạch hơn câu trên, thứ nhất là làm mất tính phân đôi của câu trên, thứ nhì là chỉ vào Tánh Không Tịch của muôn pháp).

Trên đường về Tiệm Nguyên lại hỏi: "Nếu hòa thượng không nói, con quật ngã hòa thượng liền." Đạo Ngô đáp: "Quật thì cứ quật, còn nói thì không nói." Tiệm Nguyên bèn đánh Thầy. Đạo Ngô nói: "Con nên rời chùa một thời gian. Nếu Thầy Thủ tòa biết được sẽ làm khó dễ cho con." Tiệm Nguyên bỏ đi. Tiệm Nguyên đến một ngôi chùa nhỏ, tình cờ nghe một tục gia đệ tử tụng kinh Phổ Môn: "Ưng dĩ Tì Khưu thân đắc độ giả, tức hiện Tì Khưu thân nhi vị thuyết pháp." Tiệm Nguyên hốt nhiên đại ngộ tự nhủ: "Quả ta đã lầm. Lúc ấy chẳng hiểu Tiên Sư làm gì hết. Sự tình này thiệt chẳng ở nơi lời." (Than ôi, bây giờ mới biết là sự này chẳng ở nơi lời, vì lời nào cũng đều sai, chỉ nên thầm ám hội thôi, vì lời nào cũng kẹt cả.)

Về sau, Tiệm Nguyên đến với Thạch Sương yêu cầu soi sáng cho chuyện trên. Thạch Sương cũng trả lời như Đạo Ngô: "Sống ư? Ta không nói. Chết ư? Ta không nói." (Câu trả lời này có tác dụng khác với câu của Đạo Ngô vì khi Tiệm Nguyên nghe kinh Phổ Môn đã hội được ý vô lượng ứng hóa thân, trong đó có Tì Khưu thân, cũng do từ một Phật Quan Âm mà nên, tức từ một Tánh nước mà nên vô lượng sóng, nhưng vẫn còn ngờ vực về cảnh giới).

Thạch Sương lặp lại: "Không nói là không nói." Tiệm Nguyên bừng tỉnh. (Làm sao đạt được cái tâm trực nhận rằng chỗ này không nói được? Chính cái tâm đó mới là đất tâm cho vô lượng công đức sinh khởi.)

Một hôm, Tiệm Nguyên vác xẻng vào Pháp đường, đi qua đi lại, bản ý là để trình bày kiến giải. Thạch Sương hỏi: "Làm gì vậy?" Tiệm Nguyên nói: "Tìm linh cốt của Tiên Sư."

Thạch Sương nói: "Sóng sông nhấp nhô, sóng biển ào ạt. Linh cốt nào của Tiên sư mà tìm ở đây."

Tiệm Nguyên đáp: "Chính là lúc ra sức."

Câu vặn hỏi cuối cùng của Thạch Sương thật là hay, và câu đáp cuối của Tiệm Nguyên thật tuyệt diệu. Không thâm nhập nổi pháp định này, pháp định của cái chết vui đùa với cái sống, mà cũng là xa lìa cả hai cảnh giới chết và sống đó thì không vấn đáp sắc bén được như vậy.

Thái Nguyên Phù phê bình: "Linh cốt Tiên Sư còn đó." Còn Ngài Tuyết Đậu làm bài tụng gợi ý rất minh bạch, lời nào cũng chỉ vào Pháp Thân như sau:

Thỏ, ngựa có sừng

Trâu, dê không sừng

Không chút mảy may

Bằng núi, bằng non

Linh cốt vàng ròng nay còn đây

Sóng biển ồ ạt, thôi hết đường

Thôi hết đường (vô xứ trước, chủ điểm còn là ở đây)

Lẻ dép về Tây bặt dấu luôn.

Ta thấy như sau, các cảnh giới sống và chết đều đã được giải rất rõ trong Kinh Luận, hành nghiệp làm sao, nhân nào, quả nào, các cảnh trung ấm thân (thần thức người chết) như thế nào và ở bao lâu, ở đâu thì đi, kể cả các cảnh Niết bàn, vân vân... Tuy nhiên, để hội tất cả các lời vấn đáp của công án này bắt buộc phải thâm nhập được pháp định này, và ngược lại, thâm nhập vào pháp định này được thì tự nhiên đắc tứ vô ngại biện tài, lời nào cũng ở trong Tánh mà nói.

Phi tư lượng xứ

118 Thức tình nan trắc

(Trí nào suy lượng được

Thức nào cân nhắc ra)

Chơn như pháp giới

120 Vô tha vô tự

(Cảnh chơn như pháp giới

Không người cũng không ta)

Phi tư lượng xứ có nghĩa là cảnh giới của không suy tư, đo lường, cân nhắc, lựa chọn, phân biệt gì hết. Nói khác là mảnh đất của Vô Tâm thì tình thức không thể dò tới được.

Tào Động Trung Hoa còn lấy ba chữ phi tư lường làm yếu quyết an tâm như sau: "Phải tư lường cái rốt ráo không thể tư lường. Cái rốt ráo không thể tư lường thì làm sao có thể tư lường? Phải phi tư lường vậy."

Chỉ có phi tư lường mới vào được cảnh giới vô tâm, vô niệm, non-thinking của Krishnamurti và thể nhập được cái thấy mình người không khác, người hoa vô biệt, ta và pháp giới không hai, mà vốn thật là không người không ta vậy.

Chỉ có ở trong Pháp Thân mới hội được mấy câu thơ sau của Phó Đại Sĩ:

Tay không: nắm cán mai (Ai tay không?)

Đi bộ: lưng trâu ngồi (Ai đi bộ?)

Theo cầu qua bến nước (Ai qua cầu?)

Cầu trôi nước chẳng trôi (Einstein tam muội?)

Pháp định này còn được gọi là Chơn Như Tam Muội vậy.

Yếu cấp tương ưng

122 Duy ngôn bất nhị

(Cần nhứt hãy tương ưng

Cùng lẽ đạo bất nhị)

Bất nhị giai đồng

124 Vô bất bao dong

(Bất nhị thì hòa đồng

Không gì chẳng bao dong)

Thập phương trí giả

126 Giai nhập thử tông

(Mười phương hàng trí giả

Đều chung nhập một tông)

Vấn đề của người tu Thiền là phải thể nhập Tánh Bất Nhị của vạn pháp. Kinh Duy Ma Cật đưa cao Bất Nhị Pháp môn cũng chỉ vào đây vậy.

Tuy nhiên cần chú ý là chư Tổ không nói là Một, mà chỉ nói là Không Hai là để chỉ cái tánh hư minh chiếu soi của gương không gọi được là Nhiều, nhưng gọi là Một cũng chỉ là cưỡng gọi.

Đứng về mặt giáo điển thì có thể gọi là Một được, để chỉ cho Thánh Trí Tự Giác, cho Nhất Chân Pháp Giới Tâm, cho Tánh ướt của nước, cho vị mặn của biển, cho Tánh soi chiếu của gương, cho Tánh bất động bao dong của hư không, cho Tánh Thường Định vững vàng kiên cố không dời đổi của đất (hoặc núi).

Nhưng đứng về mặt Tông thì cứ hồn nhiên như thơ trẻ là được, Nhiều với Một cũng đều không lập hết thì mới ngộ nhập được pháp định này. Đây còn gọi là Đại Viên Mãn pháp môn vậy.

Tông phi xúc diên

128 Nhứt niệm vạn niên

(Tông này vốn tự tại

Khoảnh khắc là vạn niên)

Vô tại bất tại

130 Thập phương mục tiền

(Dầu có không không có

Mười phương trước mắt liền)

Vào được Tông chỉ thì cực kỳ là thoải mái, hồn nhiên, hoàn toàn chẳng còn bận tâm chuyện gì nữa, dù đó là chuyện Phật hay đạo. Thể nhập được pháp thường định của Tự Tánh Thanh Tịnh thì chẳng còn gì ngăn ngại được nữa. Có gì còn chăng chỉ là chút dư nghiệp, món nợ cũ nhiều đêm trước, lớp sóng dậy nhiều ngàn ngày hôm qua thôi.

Cũng như căn phòng tối từ vô lượng kiếp, chỉ cần một sát na của ánh sáng bật lên thì bóng tối triệu nghìn kiếp trước đều biến mất.

Câu hỏi là, như vậy ánh sáng đó, giây phút giác ngộ đó, có khi nào bị mê mờ trở lại không?

Phật trả lời trong kinh Lăng Nghiêm là không.

Thanh Tịnh Đạo Luận trả lời là:

"Vô minh phiền não không có khởi đầu, nhưng có chấm dứt. Giác ngộ (Niết bàn) có khởi đầu, nhưng không có chấm dứt."

Đó là sự thật. Tuy nhiên người tu phải tự cảnh giác là, tập khí lâu đời cũng cần nhiều năm sau mới sạch được dù đã là bậc Đại Ngộ. Triệu Châu còn cần 30 năm chỉ để bảo nhậm cái tâm thể đó, huống gì là chúng ta.

Chỉ có trong cảnh giới này mới thấy là bất kỳ một khởi tâm nào cũng là trở ngại. Cho nên Ngài Lâm Tế còn nói: "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ," gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ. Đây chỉ là cách nói nhấn mạnh thôi, nhưng phải thấy rằng còn mang tâm phùng Phật sát Phật vẫn còn là sai vậy.

Có lẽ cách trả lời sau của Triệu Châu hay hơn. Khi một vị Tăng sắp đi, có xin một lời khuyên. Triệu Châu đáp:

- Chỗ nào có Phật, đừng dừng lại. Chỗ nào không có Phật, cũng đi qua luôn.

Câu này thật tuyệt diệu, vừa hiển được Tông chỉ, vừa có thể làm phương tiện an tâm được nữa vậy.

Chúng ta có thể thử sửa lại câu nói của Triệu Châu như sau mà vẫn hợp Tông chỉ:

- Dù có Phật hay không Phật, dừng lại với qua luôn cũng không là điều để nói.

Câu tiếp theo là nhất niệm vạn niên không có nghĩa là một niệm dài vạn năm, mà chỉ có nghĩa là trong pháp định này thời gian đã chấm dứt, hoàn toàn không còn cái gì gọi là hôm qua, hôm nay và ngày mai nữa. Đây thật sự là một pháp môn khó tin, khó hiểu, khó vào.

Ở Việt Nam, sau khi qua vài giai đoạn tu hành, tôi có trình kiến giải lên Thầy tôi bằng 3 bài thất ngôn bát cú, trong đó có hai câu:

Nhược đắc vạn niên an nhất niệm

Nhi thành diệu sắc tại bào thân

(Nếu an được vạn năm trong một niệm

Thì sẽ thành được thân diệu sắc của Phật trong tấm thân bọt nước này.)

Thầy vẫn lắc đầu từ chối, cho là chưa phải. Đây chính là tuyệt đại bí mật của Tông chỉ vậy. Nếu xét theo pháp Cơ Phong Vấn Đáp thì chỉ có thể nói là hai câu này còn thuộc loại trong lời có lời. Nhưng nếu xét về mặt kiến giải thuần túy thì sao? Tôi vẫn chưa có dịp để hỏi lại chỗ này. Câu này còn sai một điểm trong pháp Cơ Phong nữa là, câu đầu chỉ vào cảnh giới định chấm dứt thời gian, câu sau lại nói có sự thành tựu diệu sắc tại thân bọt nước hàm nghĩa trong thời gian, thế là mâu thuẫn vậy. Trong trường hợp không có thầy để tham vấn, học nhân có cách nào để tự trắc nghiệm không?

Trước tiên là tự mình mình biết chỗ đứng của mình qua các cảnh giới của định. Tới chỗ thì biết là định này hoàn toàn không có do huân tập tu hành mà nên, và cũng hoàn toàn không do một nỗ lực nào của Tâm mà thành tựu dù là đã phải ngồi nhiều năm để tham công án. Biết rõ ràng thêm nữa là nhận định này hoàn toàn không do tướng ngồi mà thành, không do bất kỳ một nhân duyên nào mà thành, mà nó hiển hiện trước mắt như cổ đức gọi là gương xưa.

Thứ đến là, nên giải một số công án căn bản và đọc lại tất cả kinh điển Đại Thừa. Còn bất kỳ một chỗ nghi nào trong kinh mà không đối chiếu được với pháp định này, thì là còn thiếu sót.

Cực tiểu đồng đại

132 Vong tuyệt cảnh giới

(Cực nhỏ và cực lớn

Đồng nhau, bặt cảnh duyên)

Cực đại đồng tiểu

134 Bất kiến biên biểu

(Cực lớn là cực nhỏ

Đồng nhau, chẳng giới biên)

Có một công án thường được nhắc tới là: "Quả núi tu di trong hạt cải." Khi thâm nhập Pháp Thân thì vô lượng Tam muội đều thành tựu. Cảm giác đầu tiên của người vừa trải qua một phen chết lớn là chứng nhập được cái thấy như huyễn, tức Như Huyễn Tam Muội mà kinh Kim Cang nói tới. Riêng bốn câu này của Ngài Tăng Xán diễn bày cái thấy Sự Sự Vô Ngại của kinh Hoa Nghiêm trong pháp định này.

Hữu tức thị vô

136 Vô tức thị hữu

(Cái có là cái không

Cái không là cái có)

Ngôn phong Bát Nhã xuất hiện ở đây: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị..."

Ngôn phong Lăng Nghiêm hiển thị cách khác như: "Toàn Tướng tức Tánh, Toàn Tánh tức Tướng."

Nhược bất như thị

1387 Tất bất tu thủ

(Ví chửa được vậy chăng

Quyết đừng nên nấn ná)

Đây là lời cảnh sách, nếu chưa thâm nhập được các cảnh giới nói trên thì đừng nấn ná mà thời gian qua mau. Người xưa nói: "Chuyện lớn chưa xong như đưa ma mẹ. Chuyện lớn xong rồi như đưa ma mẹ." Chuyện lớn đây là nghĩa đại ngộ vậy.

Có lời cảnh sách khác lại nói: "Đối với người tu, không có cả thì giờ cắt móng tay huống là nói chuyện tào lao."

Nhứt tức nhứt thiết

140 Nhứt thiết tức nhứt

(Một tức là tất cả

Tất cả tức là một)

Trong pháp định này lại hiện lên cảnh giới Sự Sự Vô Ngại của Hoa Nghiêm kinh.

Đản năng như thị

142 Hà lự bất tất

(Quí hồ được vậy thôi

Lo gì chẳng xong tất)

Thâm nhập được các giới cảnh này của định mà không hoàn toàn do một nỗ lực của Tâm, cho nên đây còn gọi là Đốn Ngộ Thiền, là Pháp Môn Một Đời Thành Phật, Truyền Riêng Ngoài Kinh Điển.

Tín Tâm bất nhị

144 Bất nhị Tín Tâm

(Tín Tâm chẳng phải hai

Chẳng phải hai tín Tâm)

Ở đây khẳng định một lần nữa là, Chơn Tâm hay là Diệu Minh Chơn Tâm, hay là Nhất Chân Pháp Giới Tâm vốn thật là không hai. Muốn thấy được Tánh Không Hai này phải vào được các pháp định của Như Lai và Tổ Sư Thiền.

Hoàn toàn không có chuyện gì gọi là Tâm mình, Tâm người, Tâm một ai, tất cả đều là bọt sóng trên đại dương, là mây hợp rồi tan trên hư không, là ảnh hiện rồi biến trong gương sáng.

Nhưng phải nhắc lại rằng nếu nói là Một, vẫn còn sai Tông chỉ. Khi hiển Tông chỉ, hoàn toàn không dùng lời khẳng định được, mà luôn dùng để phủ định.

Ngôn ngữ đạo đoạn

146 Phi cổ lai câm

(Lời nói làm đạo dứt

hẳng kim cổ vị lai)

Khi dùng ngôn ngữ là luôn luôn mắt kẹt thế đúng sai hai đầu (nhị nguyên). Thứ nữa ngôn ngữ không diễn tả được các cảnh giới này. Người xưa thường dùng sự im lặng để chỉ cảnh tuyệt cùng, nhưng lối ẩn dụ bằng im lặng lại cũng dễ gây hiểu lầm vậy. Để khẳng định mạnh mẽ cho sự im lặng đó, trong một công án nêu trên, Đạo Ngô và Thạch Sương đã nói: "Không nói là không nói."

Một Thiền Sư Việt Nam có thơ:

Nói ra thì bị kẹt

Không nói lại không xong

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng

Đó là trường hợp Ngài là họa sĩ nữa, còn chúng ta không biết tới một nét vẽ thì sao.

Chư Tổ còn cảnh giác cái thế này là, mở miệng ra thì đầu mọc sừng, ý là đầu thai vào đường dữ.

Để diễn tả pháp định đầy ngôn ngữ phủ định này, Krishnamurti gọi đây là thiền của phá hoại tuyệt đối (absolute destruction), của thanh tịnh bùng vỡ (shattering purity). Ngôn ngữ này cũng còn văn chương quá, chưa đủ làm một định nghĩa cách khoa học.

Có một công án diễn tả cảnh giới này là công án "Người mang ba tật ách: mù, câm, điếc." Gợi ý ở đây là, thấy mà không có người thấy, nói mà không có người nói và nghe mà không có người nghe.

Cũng chuyện nói được với không nói được xin ghi lại đây hai công án liên hệ sau.

Một hôm, Nam Tuyền đóng cửa phương trượng (nhà thầy trụ trì ở vuông vức một trượng), lấy tro rắc ngoài cửa, bảo:

- Nếu có người nói được liền mở cửa.

Có nhiều vị Tăng nói, mà không hợp ý Sư.

Triệu Châu Tùng Thẩm nói:

- Trời xanh.

Sư liền mở cửa.

Gợi ý: tro rắc ngoài cửa, ý là chúng sanh đang ở trong nhà lửa, làm cách nào để giải thoát. Trời xanh ý là, vốn thật hư không không có một gợn mây.

Lần khác, nhà Đông, nhà Tây tranh nhau con mèo. (Than ôi, đã là Sư rồi mà vẫn còn giành mèo của nhau.) Nam Tuyền trông thấy, liền bảo chúng:

- Nói được là cứu con mèo, nói không được thì chém nó.

Chúng tăng ngơ ngác không nói được. Sư liền chém con mèo. Triệu Châu Tùng Thẩm ở ngoài đi vào. Sư dùng câu nói trước hỏi. Tùng Thẩm cởi giày để trên đầu đi ra. Sư bảo:

- Giá khi nãy có ngươi ở đây, đã cứu được con mèo.

Gợi ý: Trong truyền thống văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, đầu là địa vị tôn quý nhất. Có nhiều kinh và thần chú tên bắt đầu bằng chữ Đại Phật Đảnh... Chúng ta lại thường đọc thấy, Phật quán đảnh thọ ký... Và chân (với dép) là địa vị thấp hèn nhất. Cách bày tỏ lòng tôn kính Phật ngày xưa thường là quỳ lạy lấy tóc xõa ra lau chân đức Phật.

Với tất cả các phương tiện trình bày trên, ta có cách nào tóm gọn một lời về Tông chỉ chăng? Lời hiển Tông chỉ đề nghị nơi đầu bài là: "Phiền não với Niết bàn cũng chưa từng mộng qua, vọng với chân đều không lập, thì còn có một pháp nào mà tu nữa," thực sự vẫn còn ở trong thể phủ định, chưa tìm được một lời khẳng định cho minh bạch hơn.

Có cách nào minh bạch được chăng, xin nhường lại cho người đọc. Xin tạm ngưng đây vậy.

Lời cảm ơn: Trong khi hoàn thành bài này đã tham khảo nhờ các tài liệu và sách của hai Đại Đức Phụng Sơn (pháp từ Tào Động Nhật Bản, hiện trụ trì Thiền Thất Trúc Vàng, Nam California) và Giác Thanh (hiện trụ trì Lộc Uyển Tự, San Diego, California) lúc đó cùng ở Virginia cuối thập niên 1980s. Vậy xin ghi lời thành kính cảm ơn ở đây và hồi hướng đến khắp pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.


Chân thành cảm ơn đạo hữu Nguyên Giác đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này. 
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)


Trình bày: Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]