Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài giảng của ngày thứ sáu

25/04/201312:19(Xem: 2810)
Bài giảng của ngày thứ sáu

Những Bài Giảng Tóm Tắt

Của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày

Thích Minh Diệu dịch

---o0o---

BÀI GIẢNG CỦA NGÀY THỨ SÁU

Tầm quan trọng của tu tập tâm tĩnh thức và sự xả ly đối với các cảm thọ

Bốn đại và mối quan hệ của chúng với các cảm thọ

Bốn nguyên nhân sinh khởi của một vấn đề

Năm hạ phần kiết sử: tham, sân, thân và tâm hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ

Ngày thứ sáu đã qua, quý vị còn lại bốn ngày để thực tập. Trong bốn ngày, quý vị có thể loại trừ một số tâm phiền não, và nắm bắt phương pháp để thực hành trong suốt cuộc đời. Nếu quý vị hiểu biết và áp dụng đúng phương pháp tu tập trong đời sống hằng ngày, chắc chắn quý vị sẽ gặt hái nhiều lợi ích. Vì vậy, quý vị phải hiểu đúng đắn phương pháp tu tập.

Đây không phải là đường lối tiêu cực. Giáo pháp dạy chúng ta chấp nhận sự thật cay đắng của khổ, nhưng cũng hướng dẫn chúng ta phương pháp thoát khổ. Vì lý do này giáo pháp là đường hướng của chủ nghĩa lạc quan, kết hợp với chủ nghĩa thực tế cũng như “chủ nghĩa thực hành”, nghĩa là mỗi người phải thực hành để tự giải thoát.

Toàn bộ phương pháp thực hành được giải thích trong bài kệ:

Tất cả sakhārālà vô thường,

Khi hiểu điều này với trí tuệ chân thật,.

Chúng ta thoát khỏi mọi khổ đau.

Đây là con đường thanh tịnh.”[1]

Ở đây, thuật ngữ sakhārā ngoài ý nghĩa là phản ứng của tâm mà còn có nghĩa là kết quả của những phản ứng đó. Mỗi phản ứng là một hột giống, chính hột giống này tạo thành kết quả, và tất cả những gì mà chúng ta kinh qua trong cuộc đời là kết quả, kết quả của những hành động của chúng ta, đó là sakhārāquá khứ hoặc hiện tại. Do đó, sakhārā có nghĩa là: “Vạn vật sinh ra, rồi trưởng thành, suy tàn, và hoại diệt”. Tâm sẽ không thanh tịnh nếu chỉ chấp nhận thực tại này bằng tình cảm, hoặc vì tín ngưỡng, tri thức. Tiến trình sinh diệt phải được chính chúng ta kinh nghiệm và chấp nhận ở mức độ thực tế. Nếu chúng ta kinh nghiệm vô thường nhờ quán sát trực tiếp những cảm thọ trên thân, kinh nghiệm hiểu biết này mới là trí tuệ chân thật, trí tuệ của chúng ta. Và nhờ trí tuệ này chúng ta sẽ giải thoát khổ đau. Chúng ta không còn khổ sở nữa mặc dù cái đau của thân thể vẫn còn, thay vào đó chúng ta có thể mỉm cười, vì chúng ta có thể quán sát nó.

Thói quen của tâm là tìm cách tống đi những cảm thọ khổ và kéo lại những cảm thọ lạc. Khi nào chúng ta còn tham gia vào trò chơi của khổ và lạc, không thích và thích, tâm chúng ta vẫn còn bị khuấy động, và đau khổ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nhưng một khi chúng ta thực hành quán sát một cách khách quan và cũng không phân biệt cảm thọ, khi đó tiến trình thanh lọc tâm có hiệu nghiệm, và phản ứng mù quáng theo thói quen và khổ đau tích tụ trong chúng ta dần dần suy yếu và tan vỡ. Chúng ta phải học cách quán sát thật chính xác.

Điều này không có nghĩa là do thực hành thiền Minh Sát Tuệ chúng ta trở thành “cỏ cây”, thụ động để cho những người khác làm hại đến mình. Ngược lại, chúng ta đã học cách hành động thay cho cách phản ứng lại. Trước đây, chúng ta đã sống cuộc đời bằng những phản ứng, và phản ứng luôn luôn là tiêu cực. Giờ đây chúng ta đang học phương cách để sống thích hợp, sống một đời sống lành mạnh với việc làm đúng đắn. Bất cứ khi nào có chuyện rắc rối xảy ra trong cuộc sống, vì đã học cách quán sát chúng ta sẽ không phản ứng mù quáng. Thay vì chúng ta chờ vài giây, giữ tâm tỉnh giác và xả ly với cảm thọ, sau đó sẽ quyết định và chọn giải pháp hành động. Hành động như vậy, chắc chắn có lợi, vì nó phát xuất từ tâm bình tĩnh; nó sẽ là hành động sáng tạo, có lợi cho chúng ta và mọi người.

Tuần tự, khi vô minh đoạn trừ, chúng ta tu tập quán sát hiện tượng của thân và tâm và các phản ứng sẽ được đoạn trừ. Thói quen của phản ứng phát xuất từ vô minh. Một số người chưa bao giờ quán sát thực tại, không biết những gì đang xảy ra bên trong tâm thức, không biết cách phản ứng lại như thế nào với tham ái hoặc sân hận, lại tạo thêm những căng thẳng và đau khổ cho họ.

Vấn đề khó khăn là tính vô thường của tâm thức vi tế hơn của thân thể. Tiến trình tâm thức xảy ra quá nhanh đến nỗi chúng ta không thể nhận ra chúng trừ phi chúng ta tu tập quán sát tiến trình hoạt động của chúng. Chúng ta bị vô minh che phủ, không nhận chân thực tại, do đó chúng ta phản ứng lại ngoại cảnh như sắc, thanh, hương, v.v... Sự thật này rõ ràng là như vậy, nhưng nếu ai đó thực hành quán sát tự thân sẽ thấy rằng ở mức độ vi tế hơn, thực tại lại khác đi. Toàn bộ sự vật hiện tượng hiển thị đối với ai chỉ khi anh ta hoặc cô ta kinh nghiệm được nó, nghĩa là, khi đối tượng đó tiếp xúc với một trong sáu giác quan. Ngay khi có xúc sinh khởi lập tức chúng ta có sự rung cảm hay còn gọi là cảm thọ sinh khởi. Một tưởng xuất hiện để đánh giá cảm thọ đó tốt hoặc xấu. Các cảm thọ tốt xấu này dựa vào những kinh nghiệm và định kiến của quá khứ (sakhāra). Theo cách đánh giá nhuốm màu này, cảm thọ trở nên lạc hoặc khổ, và theo loại cảm thọ này, chúng ta bắt đầu phản ứng với thích hoặc không thích, tham đắm hoặc sân giận. Cảm thọ là cầu nối đã bị mất giữa khách thể và sự phản ứng. Toàn bộ tiến trình này xảy ra quá nhanh chóng đến nỗi chúng ta không thể nhận ra nó: khi một phản ứng đạt đến ở cấp độ nhận thức, nó được tái hiện và gia tăng hàng tỉ tỉ lần, và nó trở nên quá mạnh đến nỗi nó có thể chế ngự tâm thức một cách dễ dàng.

Bồ tát Siddhattha Gotamathành tựu giác ngộ không những nhờ khám phá ra gốc rễ của tham ái và sân hận mà còn đoạn trừ chúng ngay khi chúng sinh khởi ở cấp độ cảm thọ. Những gì chính Ngài đã thực hành, Ngài dạy lại cho người khác. Ngài không phải là người duy nhất truyền dạy phương pháp đoạn trừ tham ái và sân hận; ngay cả trước thời Ngài, phương pháp này đã được dạy ở Ấn độ. Lời dạy của đức Phật không phải độc nhất về phương diện đạo đức, cũng không phải độc nhất về lãnh vực phát triển khả năng điều phục tâm. Tương tự, trí tuệ ở các cấp độ: tri thức, tình cảm, tín ngưỡng đã tồn tại trước thời đức Phật. Yếu tố độc đáo của giáo lý đức Phật nằm ở lãnh vực khác, đó là xác nhận cảm thọ thuộc về thân là điểm then chốt, chính cảm thọ này là nơi tham ái và sân hận phát sinh, và chúng phải được đoạn trừ ở đó. Nếu không giải quyết những cảm thọ này, chúng ta chỉ tu tập tâm ở mức thô thiển, trong khi đó ở cấp độ sâu thẳm của tâm thức các thói quen phản ứng vẫn tiếp tục. Nhờ hành trì tỉnh giác với mọi cảm thọ trên thân và giữ bình thản đối với những cảm thọ đó, chúng ta chặn đứng các phản ứng vừa phát sinh: chúng ta đoạn trừ khổ đau.

Đây không phải là một giáo điều buộc mọi người phải chấp nhận bằng niềm tin, cũng không phải là một triết lý được chấp nhận bằng lý trí. Quý vị phải khảo sát nơi tự thân để khám phá ra sự thật. Chỉ chấp nhận là sự thật khi quý vị có kinh nghiệm về nó. Nghe chân lý là điều rất quan trọng, nhưng chân lý đó phải dẫn đến hành trì thực tiễn. Tất cả những lời dạy của đức Phật phải được hành trì và tự kinh nghiệm, nhờ thế chúng ta mới có thể vượt thoát khổ đau.

Toàn bộ cấu trúc thân thể đã được đức Phật giải thích rằng chúng được kết hợp từ các vi bào (kalāpā) bao gồm bốn đại và những tính chất phụ của chúng phối hợp lại với nhau. Chúng ta dễ dàng thấy thế giới bên ngoài cũng như thế giới của tự thân gồm có: thành phần rắn, chúng ta gọi là địa đại, một số thuộc lỏng gọi là thuỷ đại; một số thuộc về khí gọi là phong đại; và trong mỗi thành phần, nhiệt lượng đều có mặt gọi là hỏa đại. Tuy nhiên, nếu quán sát thực tại ngay chính bản thân, chúng ta sẽ hiểu được bốn đại này ở cấp độ vi tế hơn. Toàn bộ những gì thuộc trọng lượng từ nặng đến nhẹ thuộc về địa đại. Hoả đại thuộc về nhiệt lượng kể cả từ cực lạnh đến cực nóng. Phong đại có nghĩa là sự chuyển động từ trạng thái tĩnh đến trạng thái động. Thuỷ đại mang đặc tính liên kết nhau. Các phần tử sinh ra kết hợp với một hay các đại có tính vượt trội. Các đại còn lại nằm ở dạng tiềm ẩn. Trở lại vấn đề, một cảm thọ phát sinh tuỳ thuộc vào tính chất của đại mà các phần tử của đại đó nổi bật so với các đại kia. Nếu một vi bào sinh khởi thuộc về hoả đại (do hoả đại chế ngự), cảm thọ phát sinh: nóng hoặc lạnh, và tương tự các đại khác cũng vậy. Đây là qui luật của những cảm thọ sinh khởi trong thân. Nếu chúng ta bị vô minh, các đánh giá và phản ứng của cảm thọ sinh khởi tạo ra đau khổ mới cho chính chúng ta. Nhưng nếu trí tuệ sinh khởi, chúng ta hiểu rằng những vi bào đang sinh khởi do sự chế ngự của một trong bốn đại, và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng là các hiện tượng đang thay đổi không có chủ thể, sanh khởi và biến hoại. Nhờ tuệ tri này, khi đối diện với các cảm thọ chúng ta không đánh mất tâm bình thản .

Khi tiếp tục quán sát tự thân, chúng ta sẽ thấy rõ tại sao vi bàosinh khởi: đó là chúng sinh ra nhờ chúng ta cung cấp năng lượng cho dòng sinh mệnh, dòng vận hành của thân và tâm. Dòng vận hành của thân đòi hỏi cung cấp bằng vật chất, có hai loại vật chất: đó là thức ăn chúng ta ăn và môi trường chúng ta đang sống. Dòng vận hành của tâm đòi hỏi cung cấp bằng chất tố tinh thần, và nó cũng có hai loại: đó là sakhāra ở hiện tại hoặc quá khứ. Nếu ở sát na hiện tại chúng ta nạp vào một yếu tố sân hận, ngay lập tức tâm của ta tác động lên thân thể, và kalāpāsẽ bắt đầu sinh khởi với sự vượt trội của yếu tố lửa, gây cho chúng ta cảm nhận một cảm thọ nóng. Nếu chúng ta nhập vào yếu tố sợ hãi, kalāpā tạo ra lúc đó sẽ có sự vượt trội của yếu tố không khí, và chúng ta cảm nhận một cảm thọ hoảng hốt; và v.v…. Loại truyền nhập thứ hai của tâm thức là sakhāra quá khứ. Mỗi sakhāra là một hột giống và hột giống này sau một thời gian sẽ tạo ra một kết quả. Bất cứ những cảm thọ gì chúng ta cảm nhận trong khi chúng ta gieo, một cảm thọ tương tự sẽ phát sinh khi kết quả sakhāracủa cảm thọ đó sinh ra ở bề mặt của tâm thức.

Về bốn nhân tố này, chúng ta không nên cố đặt một đại nào có trách nhiệm cho sự sinh khởi một cảm thọ đặc biệt. Chúng ta chỉ nên chấp nhận bất kỳ cảm thọ nào sinh khởi. Nỗ lực duy nhất là nên quán sát mà không tạo ra phản ứng (sakhāra)mới. Nếu chúng ta không tạo ra phản ứng mới, phản ứng cũ sẽ tự động cung cấp kết quả của nó, hiện hành như một cảm thọ. Chúng ta cứ tiếp tục quán sát và nó sẽ tan biến. Lại nữa chúng ta không phản ứng lại; vì vậy sakhāra cũ khác phải cung cấp kết quả của nó. Nhờ tu tập chánh niệm tỉnh giác và giữ tâm xả ly, tuần tự chúng ta cho phép sakhāra cũ sinh khởi và tan biến, như vậy, chúng ta đoạn trừ được khổ đau.

Thói quen tạo ra phản ứng mới cần phải được loại trừ, và nó chỉ có thể được loại trừ tuần tự nhờ vào việc thực tập thường xuyên.

Tất nhiên có nhiều cản trở và chướng ngại trên con đường tu tập: Có năm kẻ thù hung bạo luôn luôn tìm cách áp đảo quý vị và ngăn chận tiến trình tu tập của quý vị. Hai kẻ thù đầu tiên là tham ái và sân hận. Mục đích của việc tu tập thiền Minh Sát Tuệ là để loại trừ hai loại tâm phiền não căn bản này, hơn nữa chúng có thể xuất hiện trong lúc quý vị đang thiền định, và nếu chúng thâm nhập vào tâm thức thì tiến trình thanh lọc phiền não dừng lại. Quý vị có thể tham ái về những cảm thọ vi tế, hoặc ngay cả tham ái đối với cảnh giới Niết-bàn; cả hai không có điều gì khác nhau. Tham ái là ngọn lửa thiêu đốt cũng giống như nguồn nhiên liệu; nó đưa quý vị xa rời con đường giải thoát. Tương tự, quý vị có thể bắt đầu phát khởi sân giận vì sự đau đớn mà quý vị cảm nhận, và một lần nữa quý vị đi lạc phương hướng.

Một kẻ thù khác là sự lười biếng và dã dượi. Suốt đêm quý vị ngủ đầy đủ, nhưng khi ngồi hành thiền, quý vị vẫn cảm thấy rất buồn ngủ. Buồn ngủ này do tâm bất tịnh của quý vị tạo ra, nó làm xao lãng công huân hành trì thiền Minh Sát Tuệ, và như thế chính nó làm ngưng trệ sự thiền định của quý vị. Quý vị chiến đấu chống lại sự áp đảo của kẻ thù này. Thở mạnh chậm rãi, hoặc đứng dậy, rửa nước lạnh vào mắt, hoặc đi bộ vài phút rồi ngồi tham thiền lại.

Một trong hai vấn đề sau đây có thể xảy ra, quý vị có thể cảm nhận sự rung động mạnh, hoặc một sự kiện khác là khi những phiền não cố làm ngưng sự tu tập thiền Minh Sát Tuệ của quý vị. Ngoại trừ thời gian thiền định, còn lại suốt ngày, quý vị chạy hết nơi này đến nơi khác, làm đủ mọi việc. Sau đó, quý vị mới hiểu ra rằng quý vị đã lãng phí thời giờ, và bắt đầu khóc và hối hận. Nhưng trên con đường hành trì giáo pháp không có chỗ để cho quý vị khóc. Nếu quý vị đã tạo ra sai lầm, thì quý vị nên sám hối sai lầm đó trước một vị trưởng thượng mà quý vị đặt trọn niềm tin của mình nơi vị này, và kiên quyết cẩn trọng không để lập lại sai lầm trong tương lai.

Cuối cùng, một địch thủ nguy hại nhất là nghi ngờ, hoặc nghi ngờ vị Thầy, hoặc về phương pháp, hoặc về khả năng của chúng ta để thực hành phương pháp. Chấp nhận điều gì một cách mù quáng thì không có lợi ích gì, nhưng cũng không nên luôn luôn nghi ngờ một cách phi lý. Một khi quý vị còn nghi ngờ, quý vị không thể bước đi ngay cả một bước trên con đường tu tập. Nếu quý vị không rõ bất cứ điều gì, đừng ngần ngại hãy đến với người hướng dẫn của quý vị. Trình bày vấn đề với vị ấy, và hiểu vấn đề một cách thích hợp. Nếu quý vị thực hành như quý vị đã được yêu cầu, kết quả chắc chắn sẽ đến với quý vị.

Phương pháp hành trì chỉ bằng qui luật tự nhiên, chứ không phải bằng bất cứ ảo thuật hoặc phép màu nào cả. Bất cứ ai bắt đầu thực hành phù hợp với qui luật tự nhiên, chắc chắn khổ đau sẽ được đoạn trừ; đây là phép màu hữu hiệu nhất.

Nhiều người đã ghi nhận lợi ích của phương pháp này, không phải chỉ những người đến với đức Phật vào thời của Ngài, mà còn nhiều người ở thời đại sau này, và ở thời đại hiện nay. Nếu chúng ta hành trì thích hợp, cố gắng giữ tâm tỉnh giác và xả ly, thì những lớp phiền não của quá khứ sinh ra trên bề mặt của tâm thức sẽ được đoạn trừ. Giáo pháp mang lại những kết quả tuyệt vời tại đây và ngay bây giờ, đã cho chúng ta những thành quả. Vì vậy, hãy thực hành với tâm tự tin và hiểu biết. Hãy sử dụng cơ hội tốt nhất này để loại trừ khổ đau, và an hưởng chân an lạc.

Cầu nguyện cho quý vị hưởng hạnh phúc chân thật.

Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc.

[1] Pháp cú kinh, phẩm đạo số 20, câu 277.

"Tất cả hành vô thường"

Với Tuệ, quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán;

Chính con đường thanh tịnh."

---o0o---

Source: www.buddhismtoday.com

Trình bày: Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567