Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[191 - 200]

13/02/201217:42(Xem: 8378)
[191 - 200]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

191. THẾ NÀO LÀ NGÃ MẠN?

Tể tướng Quách Tử Nghi đời nhà Đường là một chính khách lỗi lạc cũng là một vị tướng tài ba. Sự thành công của ông trên cả hai phương diện chính trị và quân sự khiến cho ông được cả nước ngưỡng mộ như một anh hùng thời đại. Nhưng danh vọng, quyền lực, giàu sang và thành công đã không xao lãng được lòng ưa thích và sùng mộ của vị tể tướng đối với Phật pháp. Tự coi mình như là một Phật tử bình dị, khiêm tốn và nhiệt thành, ông thường viếng vị Thiền sư ưu ái của mình để tham học.

Ông và vị Thiền sư dường như rất hợp nhau. Sự kiện ông giữ chức tể tướng và địa vị xã hội cao thời xưa ở Trung Quốc, dường như không có ảnh hưởng gì đến sự kết giao của họ. Hiển nhiên không có dấu vết lễ phép đáng kể nào về phía Thiền sư hay sự trịch thượng rởm nào về phần quan tể tướng hiện diện trong mối quan hệ của họ, dường như đây là một quan hệ thuần túy trong đạo giữa một bậc tôn sư và một đệ tử thuần thành.

Tuy nhiên, một hôm Quách Tử Nghi đến viếng Thiền sư như thường lệ và hỏi một câu như vầy: “Bạch hòa thượng, Phật giáo giải thích ngã mạn như thế nào?” Thiền sư mặt bỗng biến xanh, bằng một phong thái đầy cao ngạo và khinh khi, nói với quan tể tướng: “Này thằng ngu, ngươi nói cái gì?” Sự khinh thị thách thức này đã xúc phạm đau đớn phạm tình cảm của vị tể tướng đến độ mặt ông ta bắt đầu tỏ vẻ giận dữ. Lúc ấy Thiền sư mỉm cười, nói: “Thưa ngài, đấy chính là ngã mạn.”

(Thiền Đạo Tu Tập)

192. TÁM GIÓ THỔI CHẲNG ĐỘNG

Tô Đông Pha, thi hào lừng danh thời nhà Tống, là một Phật tử nhiệt thành. Ông có người bạn rất thân tên là Phật Ấn, là một Thiền sư sáng ngời trí tuệ.

Chùa của Phật Ấn ở bờ phía tây sông Dương tử, còn nhà của Tô Đông Pha thì ở bờ phía đông. Một hôm Tô Đông Pha đến thăm Phật Ấn, thấy sư đi vắng, bèn ngồi ở thư phòng đợi Phật Ấn về. Ngồi lâu chán nản, cuối cùng, ông nghuệch ngoạc lên một tờ giấy tìm được trên bàn. Những chữ sau chót viết như vầy: “Tô Đông Pha, người Phật tử vĩ đại, dù có tám gió thế gian hợp lại cũng không làm động được.” Sau khi chờ thêm một chặp nữa, Tô Đông Pha thấm mệt ra về.

Khi Phật Ấn trở về, thấy chữ của Tô Đông Pha trên bàn, sư thêm một dòng như sau: “Nhảm nhí! Những gì ông nói không bằng một cái rắm!” và gửi đến cho Tô Đông Pha.

Khi Tô Đông Pha đọc lời phê bình xấc xược này, ông phẫn nộ vô cùng, lập tức lấy thuyền sang sông, vội vã trở lại chùa. Chụp lấy tay Phật Ấn, Tô Đông Pha hét to: “Thầy có quyền gì nhục mạ tôi như vậy? Tôi không phải là một Phật tử nhiệt thành chỉ vì Phật pháp sao? Thầy biết tôi bao lâu rồi mà không thấy điều đó, thầy có mù không?” Phật Ấn im lặng nhìn Tô Đông Pha vài giây, rồi mỉm cười, chậm rãi nói: “Tô Đông Pha, nhà Phật tử vĩ đại tuyên bố rằng dù có tám gió thế gian hợp lại cũng không làm lay động chút nào, bây giờ chỉ có một phát rắm cũng làm cho ông ta bay từ bờ này sang bờ kia sông Dương tử!”

(Thiền Đạo Tu Tập)

193. BÀ LÃO HAY KHÓC

Ngày xưa có một bà lão được người ta gọi là “bà lão hay khóc,” bởi vì lúc nào bà cũng khóc. Trời mưa bà cũng khóc, trời nắng bà cũng khóc.

Có người hỏi:

- Này bà lão, tại sao lúc nào bà cũng khóc?

Bà lão đáp:

- Bởi vì tôi có hai đứa con gái . . . Một đứa lấy anh bán giày, một đứa lấy anh bán dù. Những ngày trời nắng, tôi nghĩ việc bán dù của của đứa con gái lớn tôi mới ế ẩm làm sao, nên tôi khóc. Những ngày trời mưa, tôi nghĩ không ai đến mua giày của đứa con gái nhỏ tôi, nên tôi khóc.

Người kia bảo:

- Nhưng tại sao bà không nghĩ con gái lớn của bà bán dù đắt hàng biết mấy vào những ngày mưa dầm, và con gái nhỏ của bà bán giày chạy như tôm tươi vào những ngày nắng ráo?

Bà lão tỉnh ra, kêu: “À há!” Rồi từ đó về sau, bà lão hay khóc không còn khóc nữa. Thay vào đó, bà luôn luôn vui vẻ mỉm cười bất kể trời nắng hay mưa.

(Chơn Không Gầm Thét)

194. TÔI ĐÃ DIỆT HẾT TẬT XẤU RỒI

Một hôm, khi Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo đang ngồi thiền trong núi, một vị giám quân hồi hưu đến nói với sư về ý định đi tu của ông:

- Bạch thầy, khi nào tôi diệt hết các tật xấu của tôi, tôi sẽ trở lại làm đệ tử của thầy.

- Tốt.

Mấy hôm sau ông ta trở lại nói với sư:

- Bạch thầy, tôi đã diệt hết các tật xấu của tôi rồi.

- Sao ông thức dậy sớm thế? Vợ ông ở nhà đang ngủ với người đàn ông khác đó.

- Hừ, tên đầu trọc! Sao ngươi dám. . . ?!

- Tôi nghĩ rằng ông đi tu bây giờ hơi sớm đấy. Tốt hơn ông nên chạy về nhà tập tự kìm chế mình thêm nữa.

(Chơn Không Gầm Thét)

195. CON NHỆN VÀ THIỀN TĂNG

Ngày xưa có một ông tăng mỗi khi ngồi thiền thì thấy có một con nhện khổng lồ đến quấy rầy, khiến ông không thể thiền định được. Ông đến trình thầy:

- Bạch thầy, mỗi khi con ngồi thiền con nhện khổng lồ ấy cứ xuất hiện, dù con làm gì cũng không thể đuổi nó đi được.

Sư bảo:

- Hừ, lần sau khi anh đi ngồi thiền, hãy mang theo cây bút lông, nếu con nhện ấy xuất hiện nữa, hãy vẽ lên bụng nó một vòng tròn; rồi anh sẽ biết nó thuộc loại ma nào.

Vì vậy, ông tăng nghe lời thầy khuyên, ngay khi ông tăng vẽ xong vòng tròn trên bụng con nhện, con nhện liền biến mất và ông tăng có thể an tâm tiếp tục tọa thiền.

Khi ông tăng xả tư thế thiền định, điều đầu tiên ông thấy là một cái vòng tròn bự màu đen ngay trên cái bụng của ông.

(Chơn Không Gầm Thét)

196. GIÀU VÀ NGHÈO

Một hôm một anh nông dân khám phá ra một pho tượng vô giá trên sườn núi trong một khu rừng. Đó là pho tượng của một trong mười tám vị la hán.

- Chao ôi, một la hán bằng vàng!

- Có lẽ cả trăm lạng vàng ròng.

- Ha-ha, đủ để ăn cả đời không hết.

Gia đình và bè bạn của người nông dân, tất cả đều kích động vì vật tìm được. Nhưng người nông dân cảm thấy phiền muộn và chỉ ngồi quanh với cái nhìn tư lự trên khuôn mặt. . .

- Bây giờ anh giàu rồi, còn lo gì nữa?

- Lo cái gì?

- Tôi nghĩ không ra mười bảy tượng la hán kia ở đâu!

(Chơn Không Gầm Thét)

197. NÚI TU DI CHỨA TRONG HỘT CẢI

Thời nhà Đường ở Trung quốc có một cư sĩ tên là Lý Bột, rất thích đọc sách. Bởi vì ông đã đọc hơn mười ngàn quyển sách nên người ta gọi ông là Lý Vạn Quyển.

Một hôm, ông đến tham kiến Thiền sư Qui Tông Trí Thường, hỏi:

-Trong Kinh Duy Ma Cật có đoạn nói: “Một hột cải chứa trọn trong núi Tu Di, và núi Tu Di chứa trọn trong một hạt cải.” Phần đầu tin được, phần sau vô lý chăng? Làm sao một ngọn núi lớn như thế có thể chứa trọn trong một hạt cải nhỏ tí như vậy?

Qui Tông hỏi:

- Ông được gọi là Lý Vạn Quyển phải không? Làm sao mười ngàn quyển sách có thể chứa trọn trong cái sọ nhỏ xíu của ông?

(Chơn Không Gầm Thét)

198. TRÚC CAO, TRÚC THẤP

Một hôm Thanh Bình Linh Tuân hỏi Thúy Vi Vô Học:

- Đại ý Phật pháp là gì?

Thúy Vi bảo:

- Đợi đến lúc không có ai, tôi sẽ nói cho ông biết.

Khi mọi người đi hết, Linh Tuân nhắc:

- Bây giờ là lúc không có ai hết.

Thúy Vi bảo:

- Hãy theo tôi.

Thúy Vi dẫn Linh Tuân đến một khóm trúc ngoài vườn chùa, chỉ Linh Tuân xem, và nói:

- Trúc cao thì cao, trúc thấp thì thấp.

Ngay đó, Linh Tuân ngộ được Đạo Thiền.

Một ông tăng khác hỏi Qui Tông Đạo Thuyên khi sư đang quan sát các khối đá trong núi Cửu Phong, chỗ sư ở:

- Ở đây có Phật pháp không?

Sư đáp:

- Có.

Ông tăng chưa hiểu bèn hỏi nữa, Đạo Thuyên đáp:

- Đá lớn thì lớn, đá nhỏ thì nhỏ.

(Chơn Không Gầm Thét)

199. TÔI CHẲNG CÓ GÌ GIẤU ÔNG

Một hôm nhà nho Hoàng Sơn Cốc tham kiến Hối Đường Tổ Tâm, hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Hối Đường đáp:

- Khổng Tử nói rằng, “Ta không có gì giấu các anh.” Thiền cũng vậy, chẳng có gì giấu ông. Ông hiểu không?

Sơn Cốc nói:

- Dạ không.

Vì thế Hối Đường bảo:

- Hãy theo tôi ra phía sau núi này . . .

Khi đến bên một khóm hoa quế, mùi hương thơm ngát, Hối Đường hỏi:

- Ông có nghe mùi hoa quế thơm không?

Sơn Cốc đáp:

- Dạ có.

Hối Đường nói:

- Đấy, tôi cũng chẳng có gì giấu ông.

(Chơn Không Gầm Thét)

200. KHÔNG TA KHÔNG NGƯỜI

Một hôm Vân Nham đến tham kiến Thiền sư Bách Trượng, gặp lúc Bách Trượng đang lao động, bèn hỏi:

- Hằng ngày hòa thượng đổ mồ hôi lao nhọc như thế này là vì ai?

Bách Trượng đáp:

- Có người cần vậy.

Vân Nham lại hỏi:

- Sao không bảo y tự làm lấy?

Bách Trượng đáp:

- Y chẳng tự mình làm được.

(Chơn Không Gầm Thét)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2012(Xem: 21766)
Thế giới đang sử dụng Thiền như thức ăn như nguồn sống không thể thiếu trong cuộc đời thường. Ngay ở nước Mỹ, quốc gia tân tiến bậc nhất về khoa học kỹ thuật cũng đã áp dụng Thiền như một phương thuốc trị liệu tâm lý.
13/09/2012(Xem: 5745)
Có câu chuyện Thiền trích dịch từ cuốn “Collection of Stone and Sand”, xuất hiện vào thế kỷ 13, do thiền sư Muju viết bằng Nhật ngữ, tên là Shasekishu, dịch giả Paul Reps dịch sang Anh Ngữ...
03/09/2012(Xem: 4023)
Thuận tánh khởi tu là một thành ngữ được dùng nhiều trong Thiền tông, và nói chung, trong kinh luận Đại thừa. Thuận tánh là y vào tánh, ở nơi tánh, ở trong tánh, làm theo tánh. Tánh là bản tánh, pháp tánh, tánh Không, Như Lai tạng tánh, tánh Giác, Phật tánh… Thuận tánh khởi tu là y theo tánh mà khởi hạnh tu. Ý nghĩa này còn được diễn tả bằng những từ ngữ như Xứng tánh khởi tu (Thiếu Thất lục môn), tùy thuận tánh Giác (Kinh Viên Giác), an trụ tánh Giác, xứng tánh làm Phật sự (kinh Nhật tụng), thuận tánh khởi tu, thuận tánh khởi dụng (Thiền sư Hàm Thị giảng Kinh Lăng-già)…
01/09/2012(Xem: 12209)
Phật tính [1] có thể là bản chất trống rỗng của tâm thức, mà trong trường hợp nào nó không là một thức. Nó cũng liên hệ đến tâm tịnh quang nguyên sơ là điều liên hệ hơn đến giáo huấn mật thừa tantra.
24/08/2012(Xem: 4872)
Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen Zenji, hay Eihei Dogen (1200-1253)) là một đại thiền sư thời cổ, và được nhiều người xem như một vị thiền sư vĩ đại nhất. Phật giáo đồ Nhật Bản trong tất cả mọi tông phái đều kính ngưỡng Đạo Nguyên như một vị bồ tát. Ngài là người đầu tiên đã đem dòng thiền Tào Động đến Nhật Bản. Sau khi học đạo với các vị thầy ở Nhật, Đạo Nguyên qua Trung Hoa tu học. Ngài đại ngộ ngay khi sư phụ Trung Hoa của ngài là Ju Ching nói phải “buông hết cả thân lẫn tâm”. Sau đó ngài đã đến trình kiến giải và được sư phụ ấn chứng. Lòng đầy tri ân, Đạo Nguyên quỳ sụp xuống đảnh lễ thầy. Ju Ching nói, “Buông luôn cả cái buông!” “Hiện thành công án” (Genjokoan) là một chương nổi tiếng trong quyển “Chánh Pháp Nhãn Tạng” (Shobogenzo), nói đến sự liên hệ của tu thiền và giác ngộ. Đây là một tuyệt tác vô song, với những lời lẽ thâm sâu bàng bạc ý vị thơ, biểu lộ tri kiến của một bậc giác ngộ đã vượt ngoài đối đãi.
07/07/2012(Xem: 14389)
Trong mỗi buổi lễ hàng ngày, các thiền viện thuộc tông Tào Động (Sōtō Zen) Nhật Bản đều có tụng bài Sandōkai, như vậy cho thấy rõ tầm quan trọng của bài tụng này trong tông phái Tào Động. Nhiều thiền sư Nhật đã giảng và viết về bài đó một cách kỹ lưỡng để các thiền giả hiểu rõ ý nghĩa.
06/07/2012(Xem: 5550)
Bắt đầu từ ngày mai, học viện chúng ta có thể nói hoạt động mỗi năm một lần, kỷ niệm thư viện Hoa Tạng, cố viện trưởng cư sĩ Hàn Anh vãng sanh năm thứ tám. Mỗi năm vào ngày này, chúng ta đều có tổ chức nghi thức truy điệu.
06/07/2012(Xem: 9668)
Trước tiên xin cảm ơn Ngài vô cùng vì đã nói chuyện với chúng tôi sáng nay. Thưa Đức Thánh Thiện, Ngài vừa nói chuyện với sinh viên ở San Diego về 'lòng từ bi không biên giới', bây giờ tôi muốn hỏi Ngài trước hết về 'lòng từ bi trong biên giới'. Ngài nghĩ Hoa Kỳ có phải là một quốc gia từ bi không?
24/06/2012(Xem: 7929)
Đây là nhắc nhở cho tất cả về ý nghĩa "Đưa Tâm Về Nhà". Bây giờ mình phải ngược dòng lưu chuyển để đưa tâm về nhà. Như đã nói, hiện tại mình đang ở đây nhưng tâm mình thì đang lang thang ở quê người, đó gọi là xa quê, xa nhà, là mất gốc. Lang thang đây là lang thang ở trong các trần, đuổi theo các duyên, nó buông cái này, bắt cái kia hoài không chịu dừng. Chính đó là tâm sinh tử, là tâm biến động. Do vậy mà trôi theo dòng luân chuyển sinh tử luân hồi. Vua Trần Thái Tông tuy là vua nhưng ông cũng tu thiền, sáng tỏ được tâm nên trong bài kệ "Núi Thứ Nhất", vua nói rằng:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]