Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[91 - 100]

13/02/201217:42(Xem: 6740)
[91 - 100]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

91. CÁI TÂM ĐÁ

Pháp Nhãn (Hogen) là một Thiền sư Trung quốc, sống trong một ngôi chùa ở miền quê. Một hôm có bốn ông tăng hành cước xuất hiện và hỏi xem họ có thể đốt lửa trong chùa để sưởi ấm hay không, vì trời tuyết lạnh lắm.

Trong khi họ nhóm lửa, Pháp Nhãn nghe họ tranh luận về chủ và khách. Sư nhập bọn với họ và nói: “Có một hòn đá bự. Các ông xem nó ở trong hay ở ngoài tâm các ông?”

Một ông tăng đáp: “Theo quan điểm của Phật giáo mọi vật là đối thể hóa của tâm, vì vậy tôi nói hòn đá ở trong tâm tôi.”

Pháp Nhãn nhận xét: “Cái đầu của ông chắc phải nặng lắm, nếu ông mang một hòn đá như thế trong tâm ông.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

92. KHÔNG VƯỚNG BỤI TRẦN

Thiền Nguyệt (Zengetsu) là một Thiền sư Trung hoa sống vào đời nhà Đường. Sư viết những lời sau đây để khuyên đệ tử:

Sống trong thế gian nhưng không tạo tác vướng mắc vào bụi trần là con đường của Thiền sinh chân chính.

Khi thấy người khác làm việc tốt, tự mình hãy noi gương. Khi nghe người khác lầm lỗi, hãy tự khuyên mình chớ bắt chước.

Dù cho một mình trong phòng tối, hãy cư xử như đang đối diện với người khách quí. Hãy biểu lộ tình cảm của mình nhưng không đi quá bản tánh chơn thật.

Nghèo là kho tàng quí giá của mình. Chớ đem đổi nó để lấy đời sống dễ dãi.

Một người có thể tỏ vẻ ngu đần nhưng thực ra không phải vậy. Có thể người ấy đang cẩn thận bảo vệ trí tuệ mình.

Đức hạnh là kết quả của tự khép mình vào kỷ luật, không phải từ trên trời rơi xuống như mưa hay tuyết.

Khiêm tốn là nền tảng của mọi đức hạnh. Hãy để cho người láng giềng khám phá trước khi tự mình cho họ biết.

Một tâm hồn cao quí không bao giờ tự cưỡng bách mình tiến tới. Lời của nó giống như hạt châu hiếm có, ít khi phô bày và có giá trị lớn.

Đối với người đệ tử chân thành, mỗi ngày là một ngày tốt. Thời gian trôi qua nhưng y không bao giờ lê lếch phía sau. Vinh cũng như nhục không bao giờ làm y lay động.

Tự khiển trách mình, không bao giờ khiển trách người khác. Đừng bàn cãi đúng sai.

Có những điều, mặc dù đúng, vẫn bị cho là sai qua nhiều thế hệ. Vì giá trị chân chính có thể được nhận ra sau nhiều thế kỷ, không cần phải thèm khát sự đánh giá tức thời.

Hãy sống với nguyên nhân và để hậu quả cho đại luật vũ trụ vận hành. Hãy trải qua mỗi ngày trong chiêm nghiệm thanh bình.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

93. GIỮ MÌNH TRONG SẠCH

Thiền sư Hiện Quang, mất năm 1220, là đời thứ 14 dòng Vô Ngôn Thông. Sư dung mạo xinh đẹp, tiếng nói êm ái, mồ côi từ thuở nhỏ, nếm đủ mùi gian nan. Năm 11 tuổi, sư được Thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi và nhận làm học trò. Sư rất thông minh, mỗi ngày đọc hàng vạn chữ. Sư đã đọc khắp sách của Tam giáo, nhưng về tông chỉ của Thiền môn, sư chưa kịp suy cứu thì Thiền sư Thường Chiếu đã qua đời. Về sau, mỗi khi biện luận với ai, đến chỗ thâm yếu, bị bắt bẻ, sư trả lời không được. Sư hối hận tự than:

-Ta cũng như con nhà giàu to, lúc cha mẹ còn sống chỉ biết ăn chơi lơ đễnh, đến khi cha mẹ mất đi, thành ra mờ mờ mịt mịt. Chẳng biết của nhà mình để đâu, rốt cuộc chỉ là kẻ nghèo thiếu.

Từ đó, sư dạo khắp tùng lâm, tìm thiện tri thức. Đến chùa Thánh Quả gặp Thiền sư Trí Thông nói cho một câu, sư liền phát minh tâm địa.

Sau vì nhận món quà của công chúa Hoa Dương mà tiếng ong ve nổi lên vang dậy. Sư nghe rồi tự nghĩ:

- Phàm cùng người thế tục tới lui, ắt chẳng khỏi bị hủy nhục. Xét lại ta phải chịu như thế sao?. . .

Rồi sư vào thẳng trong núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An theo Thiền sư Pháp Giới thọ giới đầy đủ.

Một hôm sư thấy thị giả bưng cơm, sẩy tay làm rơi xuống đất, sợ quá thị giả lấy tay hốt cơm vẫn còn lộn đất. Sư tự hối nói:

- Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung cấp đến phải như thế.

Từ đây, sư mặc bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được, không dùng cơm nữa. Trải qua mười năm như thế.

Sau vì muốn an dưỡng tuổi già, sư vào sâu trong núi Từ Sơn kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi đi kinh hành dưới rừng, sư bẻ nhánh cây bó một bó gánh về, các loài dã thú trông thấy sư đều nép phục.

(Thiền Sư Việt Nam)

94. SỰ PHÁT ĐẠT CHÂN THỰC

Một người nhà giàu yêu cầu Thiền sư Tiên Nhai (Sengai) viết một câu gì đó cho sự thịnh đạt liên tục của gia đình nhờ đó có thể tàng trữ được từ đời này sang đời khác.

Tiên Nhai bèn lấy một tờ giấy lớn viết: “Cha chết, con chết, cháu chết.”

Người nhà giàu nổi giận. “Tôi nhờ thầy viết một câu gì cho gia đình tôi hạnh phúc kìa! Tại sao thầy lại làm chuyện khôi hài như vậy?”

Tiên Nhai giải thích: “Không khôi hài đâu. Nếu con ông chết trước ông, chắc ông sẽ buồn lắm. Nếu cháu ông chết trước con ông, tất nhiên cả hai người, ông và con ông sẽ nát lòng. Nếu gia đình ông, từ đời này sang đời khác, qua đời theo thứ tự như tôi vừa viết, âu cũng là dòng đời tự nhiên. Tôi gọi đó là sự phát đạt chân thật.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

95. CÁI LƯ HƯƠNG

Kame là tên của người đàn bà ở Nagasaki, là một trong vài người làm lư hương ở Nhật. Một cái lư hương như thế là một tác phẩm nghệ thuật chỉ được dùng trong phòng trà hay trước bàn thờ gia đình.

Cha của Kame trước kia cũng là một nghệ sĩ như thế. Kame thích uống rượu. Bà cũng thích hút thuốc và giao du với hầu hết những người đàn ông trong thời đó. Khi nào kiếm được ít tiền bà đãi tiệc mời các nghệ sĩ, thi sĩ, thợ mộc, công nhân, những người đàn ông thuộc tất cả các ngành nghề. Các phác họa bà vẽ có liên quan với các quan hệ của họ.

Kame cực kỳ chậm rãi trong sáng tạo, nhưng khi tác phẩm của bà hoàn thành, nó luôn luôn là một kiệt tác. Bà đã trì hoãn làm như thế cho đến ngót nửa năm trôi qua. Lúc đó ông thị trưởng, đã được thăng chức đến văn phòng ở một thành phố xa xôi, đến viếng bà. Ông ta thúc giục bà bắt đầu làm cái lư hương của ông.

Cuối cùng có cảm hứng, Kame làm cái lư hương ấy. Sau khi hoàn thành, bà đặt nó lên bàn. Bà chăm chú ngắm nó rất lâu. Bà hút thuốc và uống rượu trước nó y như một người bạn. Bà quan sát nó cả ngày.

Cuối cùng, Kame nhặt chiếc búa lên, đập nó nát ra từng mảnh. Bà thấy nó không phải là một tạo phẩm hoàn hảo như ý bà muốn.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

96. PHÉP LẠ CHÂN THẬT

Khi Thiền sư Bàn Khuê đang giảng dạy tại chùa Long Môn, một tu sĩ Chơn Ngôn tông, tin vào sự cứu độ của Phật A Di Đà bằng cách niệm danh hiệu ngài, ganh tị số thính giả to lớn của sư và muốn tranh luận.

Giữa lúc Bàn Khuê đang nói chuyện thì tu sĩ đó xuất hiện. Ông ta làm ồn ào đến nỗi Bàn Khuê phải tạm dừng bài giảng và hỏi tại sao ồn ào.

Tu sĩ khoa trương, “Người sáng lập môn phái chúng tôi có phép thần thông như vầy: ngài cầm cây bút lông đứng ở bờ sông bên này, người thị giả cầm tờ giấy đứng ở bờ sông bên kia, và thầy của chúng tôi đã viết thánh danh A-di-đà qua không khí. Ông có thể làm được việc kỳ diệu như thế không?”

Bàn Khuê nhẹ nhàng đáp: “Có lẽ con cáo của anh biểu diễn trò lừa đảo, nhưng đó không phải là cách của Thiền. Phép lạ của tôi là khi đói thì ăn, khi khát thì uống.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

97. HÃY NGỦ ĐI

Nga Sơn đã ngồi bên cạnh thầy là Tích Thủy (Tekisui) ba ngày trước khi Tích Thủy qua đời. Tích Thủy đã chọn sư làm người thừa kế.

Gần đây một ngôi chùa bị cháy và Nga Sơn đang xây dựng lại cơ ngơi. Tích Thủy hỏi: “Anh sẽ làm gì khi xây lại chùa?”

“Khi nào hòa thượng lành bịnh chúng con muốn hòa thượng nói chuyện ở đó.”

“Giả sử rằng ta không sống đến lúc đó thì sao?”

“Lúc đó chúng con sẽ tìm một người khác,” Nga Sơn đáp.

“Giả sử các anh không tìm được người khác thì sao?” Tích Thủy hỏi tiếp.

Nga Sơn lớn tiếng đáp: “Đừng hỏi những câu ngốc nghếch như vậy. Hãy ngủ đi.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

98. KHÔNG CÓ GÌ HIỆN HỮU

Sơn Cương Thiết Chu, khi còn là một Thiền sinh trẻ, viếng hết sư này đến sư khác. Sư đến tham kiến Thiền sư Độc Viên (Dokuon) ở chùa Tướng Quốc (Shokuko).

Muốn bày tỏ thành tựu của mình, sư nói: “Tâm, Phật và chúng sinh rốt ráo chẳng hiện hữu. Chân tánh của vạn pháp là không. Không có ngộ, không có mê, không có thánh, không có phàm. Không có cho, không có nhận.”

Độc Viên lặng lẽ hút thuốc, không nói gì. Thình lình sư nện cho Sơn Cương một điếu tre, khiến cho ông tăng trẻ nổi cơn tức giận.

Độc Viên hỏi: “Nếu không có gì hiện hữu, sự tức giận của ông từ đâu tới?”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

99. BẮT CHIM

Thiền sư Tức Lự, đời thứ 14 dòng Vô Ngôn Thông, lúc nhỏ rất thông minh. Sư đọc hết các sách thế tục. Một hôm, sư bỏ hết sở học, theo làm đồ đệ Thông Thiền Đại Sĩ để thưa hỏi chỗ huyền yếu.

Thường đến ngày giải hạ thì đóng bàn, sư đốn cây bắt được một con chim mãi quỹ (chim này kêu vào mùa xuân) đem về dâng cho thầy .

Thông Thiền kinh ngạc bảo:

- Ngươi đã làm tăng, sao lại phạm tội sát sanh? Làm sao tránh khỏi quả báo ngày sau?

Sư đáp:

- Con chính khi ấy chẳng thấy có vật này, và cũng chẳng thấy có thân con, cũng chẳng biết có quả báo sát sanh, cho nên mới làm thế này.

Thông Thiền biết sư là pháp khí, bèn cho vào thất, mật truyền tâm ấn rằng:

- Ngươi nếu dùng đến chỗ đất ấy, dù có tạo tội ngũ nghịch thất giá, cũng được thành Phật.

Có vị tăng bên cạnh trộm nghe lời này, bèn kêu to rằng:

- Khổ thay! Dù có việc thế ấy, tôi cũng chẳng nhận.

Thông Thiền lên tiếng bảo:

- Trộm! Trộm! Đâu nên, phi nhơn sẽ gặp cơ hội tốt.

Sư nghe câu nói này liền lãnh ngộ.

(Thiền Sư Việt Nam)

100. ĐÃ ĐẾN LÚC CHẾT

Thiền sư Nhất Hưu, lúc còn bé đã tỏ ra rất khôn lanh. Thầy của sư có một cái tách trà rất quí, một món đồ cổ hiếm có. Nhất Hưu bất ngờ làm bể cái tách, rất bàng hoàng lo lắng. Nghe tiếng chân thầy đến gần, Nhất Hưu dấu cái tách vỡ ra phía sau. Khi thầy xuất hiện, Nhất Hưu hỏi: “Tại sao người ta phải chết?”

“Đó là tự nhiên,” lão sư giải thích. “Mọi vật đều phải chết vì đã sống đủ lâu rồi.”

Nhất Hưu giơ cái tách vỡ ra, nói: “Cái tách của thầy đã đến lúc phải chết.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2017(Xem: 17618)
Có tu có học có hành Đêm ngày tự có phước lành phát sanh Không tu không học không thành Dù trăm tài sản cũng đành bỏ đi .
31/10/2017(Xem: 9112)
Đối Thoại Thiền_Giai Không (Thích Bảo Lạc)
21/10/2017(Xem: 7802)
Vỏn vẹn 5 tháng sau khi cho ra mắt cuốn “Thiền Tập Trong Đời Thường” do Ananda Viet Foundation xuất bản, Nguyên Giác lại cho ra đời tác phẩm mới nhất “Thiền Tông Qua Bờ Kia” đã được Cư Sĩ Tâm Diệu – giám đốc điều hành Ananda Viet Foundation cũng là nhà xuất bản ca ngợi như sau, “Điều chúng tôi cảm thấy thích thú là cuốn sách này trình bày rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các trường phái và tông phái Phật Giáo. Chúng tôi xin chúc mừng Cư Sĩ Nguyên Giác về tác phẩm này với công trình khảo sát và dịch thuật rất cẩn trọng của ông. Chúng tôi cũng ước mong độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn và nguồn cảm hứng để chọn cho mình một pháp hành (phương pháp hay môn để thực tập). Vì chỉ có pháp hành (thực tập) mới giúp cho hành giả chúng ta an trú tâm và an tịnh nội tâm.”
18/10/2017(Xem: 8221)
Thiền dưới ánh sáng Khoa Học - Thích Nữ Hằng Như
12/09/2017(Xem: 4543)
Đối với một người quan tâm đến thành tựu giác ngộ thì việc tu học có quan trọng hay không? Một số dòng truyền thừa đặt nặng việc hành thiền hơn tu học, và nói rằng không cần thiết phải tu học, vì điều này chỉ khiến tâm tràn đầy tư tưởng, và tư tưởng thì không phải là thiền. Tạp chí Mandala đã chọn lựa và trưng cầu ý kiến cùng sự quan sát của một số lạt ma, học giả và hành giả.
25/08/2017(Xem: 5478)
Việc tu hành của người theo đạo Phật là nhằm tu sửa, thanh tịnh hoá Thân Tâm. Phật dạy Con Người do năm Uẩn hợp lại mà thành. Đó là Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn và Thức Uẩn. Sắc ở đây ám chỉ cơ thể của chúng ta, còn bốn uẩn kia hợp lại là Danh. Danh là một tên gọi khác của Tâm. Như vậy Sắc là vật chất nên có hình tướng, màu sắc, chúng ta có thể nhìn thấy và sờ mó được. Còn Tâm thì chỉ là ý niệm, khái niệm hay là trạng thái nên nó trừu tượng, không nhìn thấy, không va chạm được, thì làm sao sửa đổi hay thanh tịnh Tâm? Cho nên, nếu như chúng ta không hiểu rõ Tâm là gì thì rất khó mà tu tập.
21/08/2017(Xem: 4881)
Bài này sẽ trình bày một số pháp vào định, dựa trên nhiều truyền thống. Tuy được viết để trả lời nhiều thắc mắc, bài này vẫn là một khảo sát không thẩm quyền, vì bản thân người viết tu học chưa tới đâu. Trong các phần dựa vào kinh và luận, hy vọng các ghi chú cuối bài sẽ làm sáng tỏ hơn. .
13/08/2017(Xem: 9064)
Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi. Đầu tiên, thầy nói chuyện với những ai mới tập thiền, một số sư, một số ni chưa quen; và nhất là chúng điệu và cư sĩ. Ai ngồi kiết già, bán kiết già được thì ngồi, ai không có già nào cả, cũng không sao. Trong trường hợp này, lựa chọn thế ngồi cho thoải mái, lưng phải thật thẳng, giữ đầu và cổ tương đối vững vàng, đừng gục xuống mà cũng đừng thẳng đuột. Tuy nhiên, tốt nhất nên tập ngồi kiết già hoặc bán già vì các con còn trẻ, trẻ thì dễ tập, dễ uốn!Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi.
08/08/2017(Xem: 4665)
Chúng ta gọi “trận đồ tâm thức” để chỉ cho những gì gian nan, khó hiểu, tự nhiên chệch ra ngoài sách vở… Bởi vì, có một số người tập Thiền một thời gian, thế rồi đâm ra hoang mang, lo lắng, khi nhìn thấy cái rỗng rang của tâm thức như nhảy vào vực sâu. Trong khi đó một số người tập thiền rồi tự xưng là Phật, là A La Hán đương đại duy nhất, là đại giáo chủ, là siêu sư phụ, và là vân vân. Có phải vì họ đã nhìn thấy hào quang? Có phải họ đã nghe tiếng lạ? Có phải vì họ thấy toàn thân lay động như có cõi vô hình nhập vào?
18/07/2017(Xem: 5036)
Một thời, người học Phật đã quen nghĩ rằng Tổ Sư Long Thọ đã khai sơn ra hệ tư tưởng Bát Nhã, nổi bật là câu "Ly nhất thiết chư tướng tức danh chư Phật" trong Kinh Kim Cang. Thực ra, chính Đức Phật đã nói về pháp Định Vô Tướng rất nhiều lần trong Tạng Pali. Tuy nhiên, bài này sẽ nói tới pháp thế gian trước, rồi mới bàn về pháp xuất thế gian sau. Vì chúng sanh ưa chấp tướng. Có phải Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc – vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới -- là một Phật Tử tàng hình? Nếu đúng như thế, hiển nhiên là một bất ngờ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567