Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[51 - 60]

13/02/201217:42(Xem: 6599)
[51 - 60]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

51. VIỆC LÀM TRONG ĐỜI GISHO

Gisho thọ giới làm ni khi cô vừa mười tuổi. Cô nhận sự huấn luyện y như các chú con trai. Khi được mười sáu tuổi, cô hành cước từ Thiền sư này đến Thiền sư khác, tham học với tất cả các sư.

Cô lưu lại với Thiền sư Unzan ba năm, Thiền sư Gukei sáu năm, nhưng chưa được cái thấy thanh tịnh. Cuối cùng cô đến Thiền sư Inzan.

Inzan cho cô thấy không có sự phân biệt chuyện tính phái của cô. Sư chửi mắng cô như giông bão. Sư tát tai cô để thức tỉnh bản tánh nội tại của cô.

Gisho lưu lại với Inzan mười ba năm, và cô tìm được cái cô đã tìm.

Thiền sư Inzan viết một bài kệ ca ngợi cô:

Đã mười ba năm theo ta tu học,

Sáng lẫn chiều công án liền tham.

Tetsuma ở Trung quốc ngày xưa

Đã vượt qua tất cả những gì Gisho nay làm được

Kể từ khi Mujaku thực có chân tài

Không ai sánh được với Gisho hiện tại!

Nhưng tông môn ta còn lắm ải phải qua,

Bàn tay sắt ta luôn luôn có sẵn,

Chờ Gisho đến nhận mang về.

Sau khi giác ngộ, Gisho đến tỉnh Banshu bắt đầu dựng chùa riêng và dạy hai trăm ni cô cho đến khi Gisho qua đời vào tháng tám một năm nọ.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

52. NGỦ NGÀY

Thích Tông Diễn từ giả thế giới này khi sư sáu mươi mốt tuổi. Hoàn thành sự nghiệp của đời mình, sư để lại một giáo lý vĩ đại, phong phú hơn nhiều Thiền sư khác. Các đệ tử của sư thường ngủ trưa vào những giữa mùa hè, trong khi sư làm ngơ điều này và chính sư không bao giờ lãng phí một phút.

Sư đã học giáo lý của tông Thiên thai lúc mười hai tuổi. Một ngày mùa hè không khí oi nồng chú tiểu Tông Diễn nằm sải chân ra ngủ trong lúc thầy đi vắng.

Ba tiếng đồng hồ trôi qua, bỗng nhiên thức giấc, chú nghe tiếng chân thầy bước vào, nhưng trễ quá rồi. Chú nằm ỳ ra đó, chắn ngang lối vào cửa.

“Xin lỗi con, xin lỗi con,” thầy chú thì thầm, cẩn thận bước qua người chú, tựa như bước qua người của một khách quí. Từ đó Tông Diễn không bao giờ ngủ trưa nữa.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

53. TRONG CÕI MỘNG

Một đệ tử của Thích Tông Diễn kể: “Thầy chúng tôi thường ngủ trưa một giấc ngắn. Chúng tôi trẻ con hỏi tại sao thầy ngủ trưa, thầy chúng tôi đáp, “Tôi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời xưa giống như Khổng Tử vậy.” Khi Khổng Tử ngủ, mộng thấy các hiền triết thời thượng cổ rồi kể lại cho đệ tử nghe.

Một hôm trời nóng ghê gớm, vài đứa chúng tôi ngủ một giấc ngắn. Bị thầy mắng, chúng tôi giải thích, “Chúng con đi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời thượng cổ như Khổng Tử vậy.” Thầy liền hỏi, “Thế có tin tức gì của các hiền triết đó không?” Một đứa trả lời, “Chúng con vào cõi mộng, gặp các vị hiền triết và hỏi có thấy thầy chúng con đến đây mỗi buổi trưa không, nhưng họ bảo là không thấy một kẻ nào như vậy.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

54. THIỀN CỦA TRIỆU CHÂU

Triệu Châu bắt đầu học Thiền lúc sáu mươi tuổi và tiếp tục cho đến năm tám mươi khi ngộ đạo.

Sư dạy Thiền từ lúc tám mươi cho đến năm một trăm hai mươi tuổi.

Một đệ tử hỏi sư: “Nếu trong tâm chẳng có gì hết, thì thế nào?”

Triệu Châu đáp: “Buông nó xuống.”

Người đệ tử hỏi tiếp: “Nếu chẳng có gì hết, làm sao buông?”

Triệu Châu nói: “Thì giở nó lên.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

55. NGƯỜI CHẾT TRẢ LỜI

Khi Mamiya, sau này trở thành một giảng sư nổi tiếng, đến tham học với một Thiền sư, vị Thiền sư ấy bảo sư chứng minh tiếng vỗ một bàn tay.

Mamiya tập trung tâm lực tham tiếng vỗ một bàn tay có thể là gì.

“Ông tham chưa tận lực,” thầy sư nói. “Ông còn bị thức ăn, của cải, đồ vật và âm thanh đó ràng buộc nhiều quá. Thà ông chết đi còn hơn. Chết sẽ giải quyết được công án.”

Lần kế tiếp Mamiya gặp thầy, thầy lại bảo chứng minh tiếng vỗ một bàn tay. Lập tức Mamiya ngã xuống làm như chết.

Thầy sư quan sát: “Ông chết được rồi, còn tiếng vỗ thì thế nào?”

“Con chưa giải được,” Mamiya đáp và nhìn lên.

“Người chết không nói. Cút đi,” thầy sư nói.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

 

56. THIỀN TRONG NẾP SỐNG ĂN MÀY

Tosui là một Thiền sư rất nổi tiếng. Sư đã sống ở nhiều chùa và dạy ở nhiều tỉnh khác nhau.

Ngôi chùa cuối cùng sư viếng, tập trung người theo nhiều đến nỗi Tosui bảo họ sư sẽ bỏ toàn bộ việc thuyết pháp. Sư khuyên họ giải tán và đi bất cứ nơi nào họ muốn. Sau đó không ai thấy tung tích sư ở đâu.

Ba năm sau, một trong các đệ tử của sư khám phá thấy sư sống với một vài người ăn mày dưới một gầm cầu ở Kyoto. Anh ta liền van nài sư chỉ dạy.

“Nếu anh có thể sống như tôi một đôi ngày, tôi có thể dạy cho,” sư đáp.

Vì vậy người đệ tử cũng mặc quần áo ăn mày và sống một ngày với sư. Ngày hôm sau, một người ăn mày chết. Nửa đêm Tosui và đệ tử đem xác đi chôn trên một sườn núi. Sau đó họ trở lại chỗ ở dưới gầm cầu.

Phần đêm còn lại Tosui ngủ ngon lành, còn người đệ tử không thể ngủ nổi. Đến sáng Tosui bảo: “Hôm nay chúng ta không phải đi xin ăn. Người bạn đã chết để lại một ít ở đàng kia.” Nhưng người đệ tử không nuốt nổi một miếng nhỏ.

Tosui kết luận: “Tôi đã nói anh không thể làm được như tôi. Hãy cút khỏi chỗ này, đừng làm phiền tôi nữa.”

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

57. ĂN CẮP TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ

Một buổi chiều khi Thiền sư Thất Lý (Shichiri) đang tụng kinh thì một tên cắp tay cầm thanh kiếm bén bước vào, đòi sư đưa tiền nếu không thì y lấy mạng sống của sư.

Thất Lý bảo y: “Đừng quấy rầy tôi. Tiền ở trong ngăn kéo kia anh có thể lấy đi.” Rồi sư tiếp tục tụng kinh.

Sau đó một chút sư dừng lại bảo: “Đừng có lấy hết. Tôi cần một ít để ngày mai đóng thuế đó.”

Kẻ xâm nhập gom góp phần lớn số tiền và bắt đầu chuồn. “Hãy cảm ơn người cho quà chứ,” sư nói thêm. Người kia cảm ơn rồi bỏ đi.

Vài ngày sau người ấy bị bắt và thú nhận đã ăn cắp của nhiều người, trong số đó có Thiền sư Thất Lý. Khi được gọi đến làm nhân chứng, sư nói: “Người này không phải là kẻ cắp, ít nhất cũng về phần tôi. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta có cảm ơn tôi.”

Sau khi mãn hạn tù, người đó đến thăm Thất Lý và trở thành đệ tử của sư.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

58. ĐÚNG VÀ SAI

Khi Thiền sư Bàn Khuê tổ chức một kỳ nhập thất bảy ngày, đệ tử nhiều nơi trên đất Nhật đến dự. Tại một trong các cuộc hội họp này, một đệ tử bị bắt về tội ăn cắp. Sự vụ được báo cáo đến Bàn Khuê với yêu cầu rằng phải trục xuất kẻ có tội. Bàn Khuê làm ngơ vụ này.

Sau đó người đệ tử lại bị bắt trong một hành vi tương tự, Bàn Khuê cũng lại bỏ qua sự vụ một lần nữa. Điều này khiến các đệ tử khác tức giận, làm đơn thỉnh nguyện đuổi tên ăn cắp, tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi tập thể.

Sau khi đọc đơn thỉnh nguyện, sư cho gọi mọi người tập họp lại, nói:

“Các anh biết cái gì phải và cái gì không phải. Các anh có thể đi chỗ khác để học nếu các anh muốn, nhưng người anh em khốn khổ này không biết phải quấy. Nếu tôi không dạy anh ta thì ai dạy? Tôi sẽ giữ anh ta lại đây dù cho tất cả các anh có bỏ đi hết.”

Một suối nước mắt trào xuống rửa sạch khuôn mặt của người anh em đã từng là kẻ ăn cắp. Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)


59. CỎ CÂY GIÁC NGỘ THẾ NÀO

Vào thời Kiêm Thương (Kamakura), Shinkan học Thiên Thai tông sáu năm, học Thiền bảy năm, rồi sư sang Trung hoa tham thiền thêm mười ba năm nữa.

Khi sư trở về Nhật nhiều người muốn tham kiến và hỏi những vấn đề khó hiểu. Nhưng khi Shinkan ít khi tiếp khách và trả lời những câu hỏi của họ.

Một hôm một tăng nhân năm mươi sáu tuổi cầu ngộ, nói với sư: “Tôi đã học giáo lý Thiên Thai tông từ lúc còn bé, nhưng có một điều tôi không thể hiểu được. Thiên Thai nói rằng ngay cả cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Đối với tôi điều này quả thật kỳ lạ.”

“Bàn chuyện cỏ cây giác ngộ làm gì?” Shinkan hỏi. “Vấn đề là chính ông làm sao giác ngộ. Ông có bao giờ xét đến điểm này không?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điểm ấy,” ông tăng già lấy làm kinh ngạc.

“Vậy, hãy về nghĩ kỹ xem,” Shinkan kết thúc.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)

60. NGHỆ SĨ BẦN TIỆN

Gessen là một nhà sư nghệ sĩ. Trước khi bắt đầu vẽ sư luôn luôn đòi trả tiền trước, tiền công thường cao. Sư nổi tiếng là “Nghệ Sĩ Bần Tiện.”

Có lần một geisha (kỹ nữ) tặng tiền để nhờ sư vẽ một bức tranh. Sư hỏi: “Cô trả tôi bao nhiêu?”

Cô gái đáp, “Bất cứ giá nào ông muốn, nhưng tôi muốn ông làm việc trước mặt tôi.”

Vì thế một hôm cô geisha gọi Gessen đến. Cô ta tổ chức một bữa tiệc cho một người khách bao cô.

Gessen vẽ bức tranh bằng nghệ thuật dùng cọ lông. Khi bức tranh hoàn thành, sư đòi một món tiền cao nhất thời bấy giờ.

Sư nhận tiền công. Lúc ấy cô geisha quay phía người khách bao cô, nói: “Ông nghệ sĩ này chỉ muốn tiền. Tranh của ông ta đẹp nhưng tầm hồn ông ta bẩn thỉu; tiền đã làm biến nó thành bùn. Tác phẩm do một tâm hồn bẩn thỉu như thế vẽ ra không đáng được trưng bày. Nó chỉ bằng cái quần lót của tôi thôi.”

Cô geisha cởi cái váy ra rồi bảo Gessen vẽ một bức tranh khác lên phía sau cái quần lót của cô ta.

“Cô sẽ trả bao nhiêu?” Gessen hỏi.

“Ồ, bao nhiêu cũng được,” cô gái đáp.

Gessen kêu một giá thích thú, vẽ bức tranh theo cách thức đòi hỏi, rồi bỏ đi.

Sau này người ta biết rằng Gessen có một số lý do cần có tiền:

Nạn đói dữ dội đến viếng tỉnh sư ở. Người giàu không giúp kẻ nghèo, vì thế Gessen có một kho chứa bí mật không ai biết, ở đó sư dự trữ thóc, sẵn sàng cho lúc khẩn cấp.

Từ làng của sư đến Thánh Điện Quốc Gia đường đi thật là tồi tệ, nhiều khách bộ hành phải khổ sở khi đi qua đó. Sư muốn làm con đường tốt hơn.

Thầy của sư đã qua đời mà không thực hiện được ý muốn xây một ngôi chùa, Gessen muốn hoàn thành ngôi chùa đó cho thầy.

Sau khi Gessen thực hiện được ba ước nguyện đó, sư vất bỏ cọ vẽ và những đồ dùng của người nghệ sĩ, vào núi ở, không bao giờ vẽ nữa.

(Thiền Cốt Thiền Nhục)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/03/2012(Xem: 3811)
Bất cứ người nào theo học khóa thiền Vipassana trong vòng mười ngày, đều có thể nhìn thấy sự sai lầm về mặt này của khoa tâm lý học hiện đại. Anh ta biết ngay từ kinh nghiệm bản thân là các sự kiện tâm lý nội tại có thể được quan sát trực tiếp. Mỗi thiền sinh của Vipassana đều trở thành một bác sĩ tâm lý thực thụ cho chính mình. Và xuyên qua môn khoa học thuần khiết về quán sát tự thân, anh ta bắt đầu thoát khỏi đau khổ.
16/02/2012(Xem: 13773)
Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
21/12/2011(Xem: 5350)
Giác ngộ không phải là cầu toàn, vì càng cầu toàn con càng khổ đau thất vọng, mà là cần thấy ra bản chất bất toàn của cuộc sống. Chỉ cần vừa đủ trầm tĩnh sáng suốt...
07/12/2011(Xem: 6351)
Cựu TT Bill Clinton tập Thiền Phật giáo, ăn chay để cải thiện sức khỏe và đời sống tâm linh Từ khi bệnh tim gây ra nỗi kinh hoàng cho cựu Tổng thống Bill Clinton, ông đã tìm nhiều cách để giúp đầu óc thư giãn. Ông có đời sống bận rộn, đi lại nhiều trong cương vị làm đại sứ cho Hoa Kỳ, và cần phải giữ đầu óc cho minh mẫn Cali Today News - Cựu Tổng Thống Bill Clinton đã chọn cách cải thiện sức khỏe cho ông để đạt tới những đỉnh cao tinh thần bằng cách học Thiền Phật giáo để giúp ông thư giãn.
25/11/2011(Xem: 4069)
Khi bước vào các ngôi chùa trên khắp thế giới, dù là chùa Bắc Tông hay Nam Tông, chùa Thiền hay Tịnh Độ, lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy an lạc, hạnh phúc và sinh lòng kính ngưỡng, vì lúc nào tôi cũng nhìn thấy trứơc mắt mình là rất nhiều các vị Thánh Tăng đang đi lại, đang thuyết pháp, đang tụng kinh, đang thiền định… dù đó là một vị sư già, một ni cô trẻ, hay một chú tiểu đang học vần. Họ có thể là các vị Tu Đà Hòan đang trở lại cõi này trong kiếp thứ 4 hay thứ 5, trong 7 kiếp còn sót lại sau khi đắc quả thánh đầu tiên.
25/11/2011(Xem: 5100)
Đạo Phật trên ý nghĩa thiết yếu là “biện chứng giải thoát” hay là con đường gỉai thoát. Gỉai thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi. Tuy cùng đi trên một con đường, nhưng vì con người có nhiều tâm tính, trình độ, khả năng và căn cơ khác nhau, lại vì tùy hoàn cảnh, tùy phong tục, tập quán, luật lệ thay đổi theo từng địa phương và tùy thời điểm, cho nên Đức Phật đã đưa ra vô số phương tiện khác nhau, thường được tiêu biểu bằng con số 84 nghìn pháp môn, để hướng dẫn mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát. Cầu nguyện và tụng kinh, tuy không phải là cứu cánh, nhưng cũng là một trong 84 nghìn pháp môn.
22/10/2011(Xem: 3362)
Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ xa dần các tà kiến và các thiên chấp; sẽ sống với nhân cách tự-do-tinh-thần; cởi bỏ gánh nặng nô lệ thị phi, tập tục.
20/10/2011(Xem: 3862)
Trong cuộc sống, bạn có thể nhận thấy rằng nhiều việc có xu hướng xẩy ra rất sai lạc, hoặc ít nhất, thì những điều đó không đúng như ý bạn mong đợi. Nên, mặc dù nhiều lần gây tổn thương, nhưng bạn vẫn phải tiếp tục đối diện và cố gắng vượt qua, để tìm kiếm hạnh phúc mỏng manh tiềm ẩn trong tâm, mà bạn theo đuổi. Nhưng, nhìn lại, nó khó khăn như là phải đánh vật với vỏ sĩ Mike Tyson. Không ai có thể đạt được mơ ước như là tránh không bị các vấn đề của bệnh tật, tuổi già, cái chết, có kẻ thù v.v… Tuy nhiên, có một phương pháp có thể loại bỏ các vấn nạn khổ đau có trong ngữ vựng.
07/10/2011(Xem: 8235)
Chúng ta đã và đang thấy trong kỷ nguyên hiện đại những sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực phát triển vật chất. Như một kết quả, có một sự cải thiện đáng kể trong đời sống của con người. Tuy thế, cùng lúc ấy, chúng ta cũng cảnh giác rằng sự phát triển vật chất đơn thuần không thể trả lời cho tất cả những ước mơ của nhân loại... Tôi nghĩ nhiệm vụ quan trọng nhất của bất cứ một hành giả của một tôn giáo nào là thẩm tra chính họ trong tâm hồn của chính họ và cố gắng để chuyển hóa thân thể, lời nói
12/09/2011(Xem: 5758)
Suốt bốn mươi lăm năm đức Phật chỉ thuyết giảng hai điều: (1) Khổ và (2) con đường đưa đến sự diệt Khổ. Để diệt trừ cái khổ, người ta phải nhận ra bản chất nội tại của vấn đề khổ. Mà để được vậy, trước hết người ta phải cần có một cái tâm an tịnh mà thiền Phật giáo gọi là samatha (thiền chỉ).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567