Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giữa một cõi thánh phàm bên nhau

25/11/201111:49(Xem: 4067)
Giữa một cõi thánh phàm bên nhau
chua truc lam bach maGIỮA MỘT CÕI THÁNH PHÀM BÊN NHAU
Tâm Diệu

Khi bước vào các ngôi chùa trên khắp thế giới, dù là chùa Bắc Tông hay Nam Tông, chùa Thiền hay Tịnh Độ, lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy an lạc, hạnh phúc và sinh lòng kính ngưỡng, vì lúc nào tôi cũng nhìn thấy trứơc mắt mình là rất nhiều các vị Thánh Tăng đang đi lại, đang thuyết pháp, đang tụng kinh, đang thiền định… dù đó là một vị sư già, một ni cô trẻ, hay một chú tiểu đang học vần. Họ có thể là các vị Tu Đà Hòan đang trở lại cõi này trong kiếp thứ 4 hay thứ 5, trong 7 kiếp còn sót lại sau khi đắc quả thánh đầu tiên.

Khi bước đi giữa các phố chợ quê nhà, tôi vẫn luôn luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và sinh lòng kính ngưỡng, dù quanh tôi là bụi bặm thổi tung đường xá, là ồn ào inh tai xe cộ, vì lúc nào tôi cũng nhìn thấy trứơc mắt mình là rất nhiều các vị Thánh Cư Sĩ, các vị Bồ Tát hiện thân, dù đó là một bà già mù chữ đang cầm xâu chuỗi niệm Phật, dù đó là một ông gìa đạp xe xích lô, dù đó là một em bé lớp tiểu học đang nghịch phá, hay các em sinh viên vào chùa chỉ nghĩ tới việc cầu xin Phật cho thi đậu cuối năm. Họ có thể là các vị Tu Đà Hòan đang trở lại cõi này trong kiếp thứ 4 hay thứ 5, trong 7 kiếp còn sót lại sau khi đắc quả thánh đầu tiên.

Đúng vậy, chúng ta đang sống trong cõi thánh phàm đồng cư. Và thánh quả Tu Đà Hòan, theo lời Phật dạy, là chỉ cần tịnh tín và tịnh giới, là những vị vẫn còn sót chút phiền não tham sân si nhưng tâm họ không còn để bị lôi kéo nữa, thậm chí họ cũng chưa đủ sức thiền định để biết mình đã đắc quả hay chưa… Nhưng các vị Thánh này đang ở quanh ta, và theo Kinh Phật, thì nhiều vô kể.

Sau đây là một vài tìm hiểu về Thánh Quả Tu Đà Hoàn:

Tu Đà Hoàn là thánh quả đầu tiên trong bốn thánh quả của Phật giáo [1], dịch âm từ gốc chữ Sanskrit là Tu Đà Hoàn, Trung Hoa dịch ra ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Nhập lưu. Nhập là vào, lưu là dòng, nghĩa là vào được dòng Thánh. Nghĩa thứ hai là nghịch lưu. Nghịch là ngược lại, Lưu là dòng, nghĩa là đi ngược lại dòng nước mà lên nguồn, là đi ngược lại dòng Lục-trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của người phàm. Nghĩa thứ ba là Thất lai. Thất là bảy, Lai là trở lại. Tu Đà Hoàn là những vị tu hành đạt được chứng quả nhưng vẫn còn phải trở lại trần gian bảy lần nữa rồi sau đó mới chứng quả A La Hán, mới không còn sanh tử luân hồi. Người tu chứng quả Tu Đà Hoàn, tuy còn sanh tử bảy lần nữa, song tâm không thối lui, quyết chắc sẽ giác ngộ, từ đó tiến vào dòng Thánh đến trọn vẹn thành bậc A La Hán.

Lộ trình dẫn đến thánh quả trên được gọi là vượt dòng tức là lội ngược dòng nước thế gian mà lên nguồn. Những người xuất gia thì sẽ đạt đến quả vị cao nhất là quả vị thứ tư, còn các Phật tử tại gia tu hành tinh tấn triệt để, thì chỉ có thể đạt đến quả vị thứ ba mà thôi, tuy cũng có trường hợp đặc biệt có thể đắc quả vị thứ tư như đức vua Tịnh Phạn khi nhập diệt đã đắc thánh quả A La Hán.

Theo kinh Nguyên Thuỷ, Tương Ưng Bộ [2], có bốn điều kiện mà một người dù không là Phật tử, nếu thoả mãn bốn điều kiện này sẽ đắc thánh quả Tu Đà Hoàn. Bốn điều kiện đó là: (Thứ nhất) có lòng tin không lay chuyển nơi Phật, (Thứ hai) có lòng tin không lay chuyển nơi Pháp, (Thứ ba) có lòng tin không lay chuyển nơi Tăng, và (Thứ tư) nghiêm chỉnh hành trì giới luật và đoạn trừ được ba thứ phiền não đầu tiên trong mười thứ trói buộc chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Người nào thành tựu bốn điều kiện này sẽ được nhập vào dòng thánh và sẽ không còn bị đọa vào ác đạo tức ba đường ác: Địa ngục, Ngạ quỷ, và Súc sanh.

Những người theo đạo Phật gồm bốn thành phần: nam cư sĩ, nữ cư sĩ, tăng và ni. Hai thành phần đầu là giới Phật tử tu tại gia, có gia đình và hai thanh phần sau là giới xuất gia, tu tại chùa, sống đời sống độc thân. Tất cả bốn thành phần đều được gọi chung là Phật tử, hay Tứ Chúng, là những đệ tử của đức Phật cùng nhau tu tập, thẳng tiến trên hành trình giải thoát, giác ngộ.

Nói đến hành trình là nói đến người đi, nói đến những đoạn đường đi qua. Người đi có kẻ đến trước, có kẻ đến sau, có những thanh niên sức khỏe dồi dào đi nhanh, có bậc phụ lão gìa yếu đi chậm, những đoạn đường đi qua có chỗ bằng phẳng, có chỗ gập ghềnh. Đi nhanh không có nghĩa là sẽ đến trước hay ngược lại đi chậm không có nghĩa là sẽ đến sau. Ai biết là họ đã khởi hành từ lúc nào, từ kiếp nào. Ai biết tâm họ tu như thế nào. Không vì thành phần người đi khác nhau, không vì những đoạn đường khác nhau mà ta thối chuyển, mà không cố gắng vượt qua những đoạn đường gập ghềnh. Đức Phật dạy, dù tu tại gia hay xuất gia, việc trước tiên là phải nỗ lực tu tập để thành tựu hai pháp cơ bản, đó là tịnh tín và tịnh giới. Người tại gia quy y Tam Bảo cần phải có một lòng tin không lay chuyển, tin một cách đúng đắn, sâu sắc, bền bỉ và kiên cố đối với đức Phật, đối với Pháp và đối với Tăng thì sẽ thành tựu được tịnh tín. Một Phật tử tại gia khi đã quy y Tam Bảo và thọ trì Năm giới, hàng ngày gìn giữ năm giới và thực hành mười điều thiện áp dụng cho người tu tại gia của Phật chế là thành tựu được pháp tịnh giới. Người xuất gia cũng vậy, cũng phải thành tựu hai pháp cơ bản đó, là tịnh tín và tịnh giới. Thành tựu tịnh tín thì người xuất gia và người tại gia đều giống nhau, đều phải có lòng tịnh tín không lay chuyển đối với Phật, Pháp và Tăng. Về tịnh giới, người xuất gia nghiêm chỉnh gìn giữ giới luật đã thọ nhận do Phật qui định là thành tựu được pháp này. Giới xuất gia cấp Sa-di có 10 giới, Tỳ-kheo có 250 giới, Tỳ-kheo-ni có 348 giới. Cả hai giới tại gia và xuất gia thành tựu được hai pháp cơ bản đầu tiên này là đã đi được hơn ba phần tư chặng đường tới quả vị Tu Đà Hoàn.

Tại sao con đường đi đến giải thoát lại cần phải có lòng tin không lay chuyển đối với Phật, Pháp và Tăng?

Trong đạo Phật, mặc dầu lòng tin là gốc đạo, là mẹ các công đức, là nguồn gốc của muôn hạnh lành, người không có lòng tin coi như tự mình đóng bít cửa ngõ vào đạo của mình, nhưng lòng tin này phải luôn luôn đi đôi với sự thấy biết và hiểu biết, tức sự xét đoán của lý trí, sự học hỏi và kinh nghiệm của bản thân. Ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng không phải là những thứ gì ở trên trời cao mà là những gì con người có thể thấy biết, hiểu biết và với tay tới được. Phật là một người đã từng sống trong lịch sử. Cuộc đời và giáo pháp của Ngài còn tồn tại trong văn tự kinh sách và trong sự tu tập của rất nhiều người trải dài qua nhiều thời đại, qua nhiều quốc độ, được thể hiện qua nhiều tăng đoàn xuất gia và nhiều đoàn thể cư sĩ tu hành tại gia. Chúng ta có thể tiếp cận, tìm hiểu, thử nghiệm và kiểm chứng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào không mấy khó khăn. Ví dụ như thấy một đoàn thể tăng nghiêm trì giới luật qua biểu lộ của sự bình an, thanh tịnh. Một vị thầy đức hạnh biểu lộ qua hành động, nhân cách và giới phẩm hay một vị pháp sư chân chính giảng dạy không vì ước muốn danh tiếng hay lợi lộc vật chất cá nhân. Sự thấy biết, hiểu biết này dẫn đến niềm tin đích thực, chân chính và không lay chuyển nơi Phật, Pháp và Tăng và do đó tin rằng, ngoài Phật, Pháp và Tăng ra không có một con đường giải thoát chân chính nào khác.

Thấy và hiểu rõ Phật pháp ở đây không có nghĩa là chỉ tin thế gian là vô thường, là khổ đau phiền não mà là hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau phiền não chính là do dục vọng của con người gây nên, và phương pháp diệt trừ khổ đau chính là ở sự tu hành chân chính, và nhờ kết quả ấy đi đến giải thoát: đó là con đường giải thoát chân chính. Sự giải thoát này nhiều hay ít, cao hay thấp tùy thuộc vào sự đoạn trừ dục vọng nhiều hay ít, một chốc lát hay mãi mãi của một người.

Dựa vào niềm tin chắc chắn ấy, bất luận là tu tại gia hay xuất gia đều có thể chế ngự được nguyên nhân gây ra khổ đau là dục vọng, và những phiền não do dục vọng phát sinh bằng cách không làm các việc ác, làm các việc lành, và tự nỗ lực thanh tịnh hoá tâm ý. Nói một cách khác, đường lối tu hành của người tại gia hay xuất gia không khác nhau, cả hai cùng đi trên một lộ trình giải thoát khỏi dục vọng, tùy theo điều kiện và cấp độ tu tập mà có những thành tựu khác nhau.

Nguyên tắc hành trì mà Đức Phật hướng dẫn cho các đệ tử khép mình vào đó, trước là để chế ngự và sau đó là đoạn trừ dục vọng, trừ khử các động lực bất thiện của tâm ý là tham, sân và si, nhưng đồng thời cũng để phát triển các thiện nghiệp. Những nguyên tắc hành trì đó chính là Giới Luật.

Ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và Năm giới cùng mười điều thiện là những gì mà bất cứ ai cũng có thể với tới, tìm, hiểu, tiếp xúc, thừa nhận và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nếu có lòng tin vững mạnh, không lay chuyển nơi Tam Bảo và thực hành nghiêm chỉnh những nguyên tắc hành trì, chắc chắn sẽ mang lại an lạc cho bản thân, hạnh phúc cho gia đình và hoà bình cho cộng đồng xã hội. Ngoài ra, việc thực hành giới luật sẽ phát sinh ra Định và từ Định sẽ phát sinh ra Tuệ, sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với sự giải thoát.

Người cư sĩ tu hành tại gia đặt trọn vẹn lòng tin không lay chuyển nơi Tam Bảo và nghiêm chỉnh hành trì năm giới luật và mười điều thiện là đã đến rất gần ngôi vị thánh Tu Đà Hoàn, gần nhập được vào dòng thánh. Nếu đoạn trừ được ba thứ phiền não đầu trong mười thứ phiền não trói buộc [3] chúng sinh trong sinh tử luân hồi là đắc thánh quả Tu Đà Hoàn, được nhập vào dòng Thánh và sẽ không còn bị đoạ vào ba ác đạo. Ba phiền não đó là: Thân kiến, Hoài nghi và Giới cấm thủ. Thân kiến tức chấp cái thân này là Ta hay của Ta, chấp cái thân này hoặc là thường còn hay là đoạn diệt. Hoài nghi là tánh do dự lừng chừng, không có niềm tin ở chân lý, lẽ phải, không nhận định rõ lý sự nhân quả, và Giới cấm thủ là khư khư giữ chặt lấy một số giới cấm không đưa đến giải thoát của ngoại đạo. Giới luật Phật chế là để giúp con người giải thoát, giúp con người tự cởi trói những trói buộc do chính con người tự cột vào. Trái lại, có một số giới cấm phi lý không do một đấng giác ngộ chế lập, mà do một số vị thầy, vì ước muốn danh tiếng hay lợi ích cá nhân, muốn lôi cuốn đệ tử bằng những điều luật vô lý, khó theo, ví dụ như có điều luật bảo rằng ép xác khổ hạnh có tác dụng tiêu trừ dục vọng, có khả năng giải thoát, hay tin rằng tắm nước sông Hằng có khả năng rửa sạch phiền não khổ đau của con người, thế mà đến nay vẫn còn có người cho là đúng mà tiếp tục bám chặt vào không chịu buông bỏ.

Người có lòng tin không lay chuyển nơi Tam Bảo và nghiêm chỉnh hành trì giới luật, tức là đã có chính kiến, chính tin và tịnh giới. Do đó hai thứ phiền não Hoài nghi và Giới cấm thủ sẽ tự tiêu trừ. Duy có phiền não Thân kiến là tương đối khó trừ khử. Thân kiến là một trong năm thứ kiến [4] thuộc bộ sáu căn bản phiền não [5]. Tiếng Sanskrit gọi là Tác-ca-da-kiến, gồm ngã kiến và ngã sở kiến. Đối với thân thể là do năm uẩn hòa hợp tạo nên, không nhận thức rõ như vậy, lại lầm chấp trong đó có một thực thể trường tồn duy nhất làm chủ tể, đó gọi là ngã kiến. Đối với những sự vật sở hữu của thân, chúng ta cũng không nhận thức chúng là giả hữu như huyễn, không có tự tha gì cả, thế mà nhận lầm chúng có thật và thuộc về ta, đó gọi là ngã sở kiến. Ai đoạn trừ được Thân kiến này, sau khi đã đặt trọn vẹn lòng tin không lay chuyển nơi Tam Bảo và nỗ lực hành trì giới luật là thành tựu được chặng đường đầu tiên, nhập được vào dòng thánh tức đắc quả vị thánh Tu Đà Hoàn hay còn gọi là Nhập Lưu quả hay Dự Lưu quả. Lộ trình tâm dẫn đến thánh quả này được gọi là “Dục bộc lưu” tức vượt dòng sông tham sân si ở cõi dục. Tuy nhiên, theo kinh sách, vị thánh Nhập lưu chưa tận diệt được hoàn toàn dục ái, sân và si, nhưng đối với vị đó, những điều này đã suy yếu, lại không thô thiển như trong trường hợp của người phàm, thế nên, chúng không thể dẫn đến tái sanh vào ba đường ác.

Đạo Phật là con đường giải thoát, nhưng giải thoát, theo Phật là tâm giải thoát. Như vậy thì mục đích tu hành, có thể nói, chủ yếu là ở cái Tâm có dính mắc hay không dính mắc với cảnh trần. Nếu tâm không dính mắc, chính là tâm thanh tịnh vậy. Có nghĩa là đối với cảnh bên ngoài, dù đẹp hay xấu, trái hay phải, thuận hay nghịch, tiếng khen hay tiếng chê, mà không khởi niệm thương hay ghét, khen hay chê, ưa thích hay tức giận, lòng không xao xuyến, không dấy động.

Vậy làm thế nào để được như vậy, để sáu căn không dính mắc với sáu trần? Làm thế nào mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi...?

Có một bầy khỉ, con khỉ chúa lãnh đạo bầy khỉ nhỏ, không cho phép khỉ bỏ bầy đi kiếm ăn một mình nguy hiểm. Nhưng trong bầy có một con khỉ tham ăn, tách ra khỏi bầy đi kiếm ăn riêng lẻ. Chẳng may gặp người thợ săn dùng một loại cây nhựa thật dính để làm bẫy, bên cạnh cây nhựa là những miếng mồi ngon nhử khỉ. Vì lòng tham nên chú khỉ ta vừa chụp lấy mồi nên hai tay bị dính nhựa, rồi hai chân cũng bị dính luôn, thế là người thợ săn bắt về.

Qua câu chuyện thực tế này chúng ta thấy rằng, khi sáu căn tức sáu bộ phận của con khỉ bị dính bẫy rồi, người ta bắt dễ dàng không ai có thể cứu được. Tương tự như hồi còn nhỏ chúng ta thích ăn kẹo, nhiều khi tham quá thò tay vào hũ kẹo nắm thật nhiều, không thể nào rút tay ra được.... Muốn rút tay ra được chỉ cần buông bỏ kẹo. Đức Phật dạy chúng ta hãy lội ngược dòng trần, đừng để sáu căn nhiễm dính với sáu trần, các Tổ dạy chúng ta buông xả, xả trong tâm lẫn xả ngoài tâm, đừng tiếc, đừng tham như đứa trẻ tham kẹo hay đừng tham như con khỉ tham mùi thơm.

Người đắc quả vị Tu Đà Hoàn là người đã được nhập lưu, nghĩa là vào được dòng Thánh. Đã nhập vào dòng thánh, có nghĩa là tâm không còn xao động, lòng không còn xao xuyến, không còn bị ô nhiễm khi tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nói một cách khác, như kinh Kim Cang nói: “Gọi là nhập lưu mà thật ra không có chỗ vào, vì không vào (tức không nhiễm), sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là Tu-Đà-Hoàn”.

Có rất nhiều trường hợp người cư sĩ, không xuất gia, cũng chứng đắc Thánh Quả. Trên thực tế, người tại gia tu hành cũng không kém gì bậc xuất gia về phương diện chánh kiến, tịnh tín, tịnh giới, và an tâm, bởi thế rất nhiều người đã tỏ ra có sức diệu dụng như khi sắp chết thì lòng thanh thản, thong dong, không sợ hãi.

Trong lịch sử thời đức Phật, nhiều vị thiện tín giàu lòng quảng đại và tâm đạo nhiệt thành của Đức Phật, là cư sĩ Anāhapindika, nữ cư sĩ Sujàtà cùng năm trăm lẻ sáu nam cư sĩ ở thành Sàkata đắc Thánh qủa Dự Lưu Tu-Đà-Hoàn; Cư sĩ Mahànàma dòng Thích Ca, cư sĩ Sudatta cùng hơn chín mươi nam cư sĩ ở thành Nàtika đắc Thánh qủa Nhất Lai Tư-Đà-Hàm; Người thợ lò gốm Ghatikàra đắc Thánh quả Bất lai A-Na-Hàm và đức vua Tịnh-Phạn (Suddhodana) nhập diệt với đạo quả Bất sinh A-La-Hán.

Trong đời hiện tại, theo như lộ trình tu kể trên, chắc có thể, có rất nhiều người tu hành tại gia lẫn xuất gia đã đắc Thánh quả, nhất là thánh quả Tu Đà Hoàn mà chúng ta không biết. Giữa một cõi phàm, thánh bên nhau, tứ chúng đồng cư, tứ chúng đồng hành trên cùng một lộ trình dẫn đến giải thoát, chúng ta khó mà biết được, ai đã khởi hành trước, ai đang đến và ai sẽ đến và ngay cả chính chúng ta cũng không biết chúng ta đã tu từ kiếp nào và cũng không biết chúng ta đã tới hay đang tới. Chỉ biết rằng ai cũng có thể đắc thánh qủa Tu Đà Hoàn nếu có lòng tin không lay chuyển nơi Tam Bảovà nghiêm chỉnh thực hành lời chỉ dạy của đức Phật là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” (không làm các điều ác, làm tất cả việc lành và tự làm cho tâm mình trong sạch).

Tâm Diệu

Chú Thích:
[1] Ba thánh quả kia là: Nhất lai Tư Đà Hàm, Bất lai A Na Hàm và Bất sinh A La Hán.
[2] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập 5 Ch. 11 Đoạn IV. Sàriputta, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam xuất bản 1993: /tu5-55a.htm
[3] Sáu loại phiền não căn bản gồm: Tham, Sân, Si (vô minh), Mạn, Nghi và Kiến. Kiến là kiến giải sai lầm được tách thành năm thứ kiến: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ và Giới cấm thủ. Tổng hợp lại thành 10 phiền não. Trong 10 phiền não thì tham, sân, si, mạn là tư hoặc. Nghi và kiến là kiến hoặc.
[4] Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ
[5] Tham, sân, si, mạn, nghi và kiến: nguồn gốc sinh ra các loại phiền não khác
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/09/2022(Xem: 2272)
Duyên khởi cho bài viết này là từ một bản tin BBC News có nhan đề “Thiền định chánh niệm có thể khiến con người xấu tính đi?”--- và từ một số cuộc nghiên cứu khác đã giúp chúng ta có cái nhìn đa diện hơn về Thiền chánh niệm, một pháp môn nhà Phật đang thịnh hành khắp thế giới. Trong khi Thiền chánh niệm (Mindfulness meditation) lợi ích nhiều vô tận, vẫn có một số bất lợi sinh khởi. Có phải là vì thế gian chưa làm cho phù hợp? Do vậy, người viết đã tìm đọc nhiều hơn, để nhìn lại vấn đề theo nhiều khía cạnh. Và rồi dò theo con đường xưa, Đức Phật đã dạy thiền như thế nào? Kinh điển rất mực mênh mông, bài viết này chỉ là tổng hợp một phần nhỏ, chủ yếu là trích dẫn những lời dạy thực dụng của Đức Phật. Đối với các sai sót có thể có, người viết xin được sám hối.
26/08/2022(Xem: 2283)
Sai lầm lớn nhất của con người là cố chấp cái nhìn cục bộ của mình. Thực ra chân lý là pháp phổ biến, không dành riêng cho bất cứ ai. Mỗi người giác ngộ chân lý qua tầm nhìn của mình về chính mình và vạn pháp. Người có tầm nhìn lớn nhất là người thông suốt được tất cả tầm nhìn của nhân loại. Như đức Phật thấy được 62 tà kiến của thế gian. Đừng hiểu tà kiến là thấy sai, cái sai không phải ở thấy mà ở cố chấp cục bộ. Ví dụ như những người mù sờ voi, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt
25/08/2022(Xem: 1898)
Thiền tập CHÁNH NIỆM sẽ giúp cho chúng ta cảm nhận được sự an lạc trong từng giây phút của cuộc sống. Thiền cũng tăng sự tập trung, tăng kỹ năng nhớ, vượt qua áp lực căng thẳng trong đời sống hằng ngày… Thể theo nhiều yêu cầu của các bạn trong và ngoài nước, buổi họp ra mắt lớp Thiền Tập Chánh Niệm và Yoga sẽ được họp qua hệ thống ZOOM. Vào: * Ngày 24 tháng 09, 2022 lúc 6:30pm-8:00pm (Central time/Hoa Kỳ-Tối Thứ 7 tại Hoa Kỳ) *Nhằm ngày 25 tháng 09, 2022 lúc 6:30am-8:00am (sáng Chủ Nhật tại Việt Nam)
07/01/2022(Xem: 3229)
Chứng ngộ không phải là một kết luận mà người ta đạt được bằng suy luận; nó coi thường mọi xác định của trí năng. Những ai đã từng kinh nghiệm điều nầy đều không thể giải thích nó một cách mạch lạc và hợp lý. Một khi người ta cố tình giải thích nó bằng ngôn từ hay cử chỉ, thì nội dung của nó đã bị thương tổn ít nhiều. Vì thế, kẻ sơ cơ không thể vói tới nó bằng những cái hiển hiện bên ngoài, mà những ai đã kinh nghiệm qua một lần chứng ngộ thì thấy rõ ngay những gì thực sự không phải là nó. Kinh nghiệm chứng ngộ do đó luôn luôn mang đặc tính ‘bội lý,’ khó giải, khó truyền. Theo Thiền sư Đại Huệ thì Thiền như là một đống lửa cháy lớn; khi đến gần nhất định sém mặt. Lại nữa, nó như một lưỡi kiếm sắp rút ra khỏi vỏ; một khi rút ra thì nhất định có kẻ mất mạng. Nhưng nếu không rút ra khỏi vỏ, không đến gần lửa thì chẳng hơn gì một cục đá hay một khúc gỗ. Muốn đến nơi thì phải có một cá tính quả quyết và một tinh thần sung mãn. Ở đây chẳng có gợi lên một chút suy luận lạnh lùng hay phân biệt
12/12/2021(Xem: 3218)
Thế Tôn là bậc tuệ tri mọi pháp, bậc y vương, thầy của trời người trong tam giới. Vì thế, Đấng Thiện Thệ trong 45 năm thuyết pháp đã để lại cho thế gian một kho tàng pháp bảo, là những diệu dược tùy theo bệnh (tham sân si) của chúng sanh mà kê toa thích ứng nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, niết bàn. Riêng trong tạng Pali, ngoài tứ niệm xứ, minh sát tuệ, Thế Tôn từ mẫn với trí tuệ toàn giác (tuệ tri mọi pháp) đã 'có nhiều phác đồ điều trị khác nhau trên nền tảng của đạo đế: Bát Chánh Đạo' diệu dụng mà theo đó tùy theo căn cơ (tùy pháp, hành pháp), sẽ đến bờ giải thoát, hoặc bậc hữu học vv.
16/11/2021(Xem: 7107)
01. Niết-bàn 02. Vô minh 03. Giáo lý Vô thường 04. Không có ngã hay Không phải ngã 05. Pháp môn Không phải ngã 06. Định nghĩa của Niệm 07. Giáo dục lòng Từ Bi 08. Tin vào Trái Tim: Giáo lý về Saṁvega & Pasāda 09. Làm sao để hiểu tâm mình? 10. Hoà Giải, Phải & Trái 11. Gốc rễ của chủ nghĩa Lãng mạn Phật giáo * AFFIRMING THE TRUTHS OF THE HEART - BUDDHIST ESSAYS by Thanissaro Bhikkhu CONTENTS 01. The Image of Nirvāṇa 02. Ignorance 03. All About Change 04. No-self or Not-self? 05. The Not-self Strategy 06. Mindfulness Defined 07. Educating Compassion 08. Affirming the Truths of the Heart: The Buddhist Teachings on Saṁvega & Pasāda 09. How to Read Your Own Mind 10. Reconciliation, Right & Wrong 11. The Roots of Buddhist Romanticism
06/11/2021(Xem: 8966)
Kinh Hoa Nghiêm là tên gọi tắt của bộ ‘Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh’ do Ngài Long Thọ Bồ tát viết ra vào thế kỷ thứ 2, tức khoảng 600 năm sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Hoa Nghiêm (Avatamsaka) có nghĩa là đóa hoa tuyệt đẹp, thanh khiết. Phần Hán tự đã được dịch ra từ thế kỷ thứ 5, dưới ba hệ thống Bát Nhã (40 quyển), Giác Hiền (60 quyển) và Nan Đà (80 quyển) . Nhập-Pháp-Giới (Gandavyuha) là phẩm thứ 39 trong số 40 phẩm, cũng là phẩm dài nhất, tiêu biểu cho giáo lý căn bản của kinh Hoa Nghiêm nói riêng và Phật giáo Đại thừa nói chung, diễn tả con đường cầu đạo của ngài Thiện Tài Đồng Tử qua 52 vị Thiện Tri Thức dưới nhiều hình tướng, khởi đầu là ngài Văn Thù Sư Lợi, chư Thiên, Dạ thần, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Đức Phật Di Lặc..., và cuối cùng là Ngài Phổ Hiền.
18/06/2021(Xem: 9286)
Tác phẩm này là tuyển tập 7 bài pháp thoại của tôi trong các khóa tu thiền Vipassanā tại chùa Giác Ngộ và một số nơi khác. Kinh văn chính yếu của tác phẩm này dựa vào kinh Tứ niệm xứ thuộc kinh Trung bộ và kinh Đại niệm xứ thuộc kinh Trường bộ vốn là 2 bản văn quan trọng nhất giới thiệu về thiền của đức Phật. Thiền quán hay thiền minh sát (Vipassanā bhāvanā) còn được gọi là thiền tuệ (vipassanāñāṇa). Giá trị của thiền quán là mang lại trí tuệ cho người thực tập thiền. Minh sát (vipassanā) là nhìn thẩm thấu bằng tâm, nhìn mọi sự vật một cách sâu sắc “như chúng đang là”, hạn chế tối đa sự can thiệp ý thức chủ quan vào sự vật được quan sát, khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng trần cảnh. Khi các suy luận dù là diễn dịch, quy nạp, tổng hợp, phân tích… thoát ra khỏi ý thức về chấp ngã chủ quan và chấp ngã khách quan, lúc đó ta có thể nhìn sự vật đúng với bản chất của chúng. Cốt lõi của thiền quán là chính niệm trực tiếp (satimā) và tỉnh giác trực tiếp (sampajāno) với đối tượng
03/04/2021(Xem: 4649)
Trước khi vào nội dung bài viết ta nhắc lại một vài kiến thức của vật lý cấp 2 phổ thông cần thiết cho chủ đề này. Một vài thuật ngữ: Trọng tâm G của một vật: là điểm đặt của trọng lực P tác dụng lên vật đó (P được biểu thị bằng một mũi tên thẳng đứng có chiều hướng xuống dưới). Chân đế: là đa giác lồi nhỏ nhất chứa tất cả các điểm tiếp xúc giữa một vật với mặt phẳng đỡ nó. Chân đế là một hình phẳng, nó cũng có trọng tâm G1, với những hình đặc biệt như hình vuông thì trọng tâm của nó là giao điểm của 2 đường chéo, nếu là hình tam giác thì trọng tâm của nó là giao điểm của 3 đường trung tuyến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567