Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Dạy Vượt Qua Thiện Ác

09/08/201123:51(Xem: 3083)
Phật Dạy Vượt Qua Thiện Ác

PHẬT DẠY VƯỢT QUA THIỆN ÁC
Cư Sĩ Nguyên Giác

Phật Tử vẫn thường nằm lòng với câu 183 trong Kinh Pháp Cú, “Đừng làm ác, hãy làm thiện, giữ tâm trong sạch. Đó là lời chư Phật.” Nơi đây, hãy suy nghĩ về một câu hỏi xa hơn: có phải rằng Niết Bàn, cảnh giới mà Phật gọi là không tham sân si, không sanh diệt, không trở thành, không tạo tác... cũng là cảnh giới xa rời thiện ác? Từ đây, câu hỏi sẽ khảo sát trong bài này sẽ là, có phải Đức Phật cũng dạy pháp vượt qua thiện ác?

Để dễ tiếp cận, chúng ta sẽ nêu câu hỏi cụ thể, rằng “Ai đã vượt qua cả thiện và ác?” và các trích dẫn nơi đây sẽ chỉ tập trung riêng vào Kinh Pháp Cú (Dhammapada).

Đọc kỹ Kinh Pháp Cú, chúng ta sẽ thấy Đức Phật:

- nói trong đoạn 39 rằng người đã buông bỏ cả thiện và ác thì không sợ hãi gì;
- nói trong đoạn 97 rằng người đã phá hủy các nhân duyên cho mọi pháp thiện và ác là người tối thắng;
- nói trong đoạn 126 rằng người không trụ vào tất cả pháp thiện và ác thì thành tựu Niết Bàn;
- nói trong đoạn 267 rằng người đã ném bỏ hết mọi pháp thiện và ác thì được gọi là một vị sư;
- và nói trong đoạn 412 rằng người vượt qua sự trói buộc của mọi pháp thiện và ác thì được Phật gọi là một vị Bà La Môn.

Dưới đây sẽ trích dẫn 5 bản dịch Kinh Pháp Cú sau: 2 bản Việt dịch bởi HT Thích Thiện Siêu và HT Thích Minh Châu, 2 bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu và Acharya Buddharakkhita (các đoạn dẫn ra, sẽ được dịch ra Việt ngữ trong bài này). Các liên kết mạng cho 4 bản này sẽ ghi ở cuối bài này. Riêng trường hợp bản của Ngài Thiện Siêu có kèm bản Anh dịch của Đại Sư Narada, mà chúng ta sẽ dẫn ra chỉ một câu trong đoạn 97 của Pháp Cú. Riêng Ngài Thiện Siêu còn cẩn thận dịch 2 cách, trước là dịch nghĩa theo văn xuôi, rồi mới chuyển thành văn vần cho dễ tụng, dễ nhớ.

Sau đây là các đoạn Pháp Cú 39, 97, 126, 267 và 412.

Đoạn 39.

Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
39. Người tâm đã thanh tịnh, không còn các hoặc loạn, vượt trên thiện và ác, là người giác ngộ chẳng sợ hãi.

39. Người tâm không ái dục,
Không bị sân nhuế hành,
Vượt trên mọi thiện ác,
Tỉnh giác, hết sợ quanh.

Bản dịch HT Thích Minh Châu:
39. Tâm không đầy tràn dục,
Tâm không (hận) công phá,
Đoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi.

Bản dịch Thanissaro:
39. For a person of unsoddened mind, unassaulted awareness, abandoning merit & evil, wakeful, there is no danger no fear. (Dịch: Với người có tâm không ái dục, có tuệ không dao động, xả ly thiện và ác, tỉnh thức, sẽ không còn nguy hiểm, không còn sợ hãi.)

Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
39. There is no fear for an awakened one, whose mind is not sodden (by lust) nor afflicted (by hate), and who has gone beyond both merit and demerit. (Dịch: Sẽ không còn nỗi sợ nào cho người đã tỉnh thức, người có tâm không nhiễm ái dục, không nhiễm sân hận, và người đã vượt qua cả thiện và ác.)

Đoạn 97.

Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
97. Những vị A la hán chẳng còn phải tin ai, đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân cùng quả báo ràng buộc, lòng tham dục cũng xa lìa; Thật là bậc Vô thượng sĩ.

97. Không tin nơi người khác,
Thông đạt lý vô sanh,
Cắt đứt mọi hệ lụy,
Triệt tiêu các mối manh (Bản của Ananda: who has put an end to occasion [of good and evil]; Dịch: người đã kết thúc mọi nhân duyên cho thiện và ác.)
Tận diệt mọi tham ái,
Bậc thượng sĩ tu hành.

Bản dịch HT Thích Minh Châu:
97. Không tin, hiểu vô vi.
Người cắt mọi hệ lụy
Cơ hội tận, xả ly
Vị ấy thật tối thượng.

Bản dịch Thanissaro:
97. The man faithless / beyond conviction; ungrateful / knowing the Unmade; a burglar / who has severed connections; who's destroyed his chances / conditions; who eats vomit: / has disgorged expectations: the ultimate person. (Dịch: Người không còn cần đức tin / đã vượt qua tín điều; không còn gì để bất đồng / hiểu được cái Không Tạo Tác; người đã phá ngục / người đã cắt mọi nhân duyên; người đã hủy các cơ duyên / các điều kiện; người đã nhai thuốc để ói mửa [xả ly]: / người đã xả ly mọi mong đợi: bậc tối thượng.)

Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
97. The man who is without blind faith, who knows the Uncreated, who has severed all links, destroyed all causes (for karma, good and evil), and thrown out all desires — he, truly, is the most excellent of men. (Dịch: Người không còn niềm tin mù quáng, người biết cái Không Tạo Tác, người cắt mọi liên hệ, phá hủy mọi nhân duyên (với nghiệp là, thiện và ác), và xả ly mọi tham ái -- người đó thực sự là bậc tối thượng.)

Đoạn 126
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
126. Con người sinh ra từ bào thai, nhưng kẻ ác thì đọa vào địa ngục, người chính trực thì sinh lên chư Thiên, còn cõi Niết bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử.

126. Một số sanh bào thai,
Kẻ ác đọa ngục hình,
Người hiền lên thiên giới,
La hán chứng vô sinh.

Bản dịch HT Thích Minh Châu:
126. Một số sinh bào thai,
Kẻ ác sinh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Niết Bàn.

Bản dịch Thanissaro:
126. Some are born in the human womb, evildoers in hell, those on the good course go to heaven, while those without effluent: totally unbound. (Dịch: Một số sẽ sinh vào bào thai [cõi người], kẻ ác xuống địa ngục, người thiện sinh lên trời, người không nhiễm nghiệp: sẽ vào cõi vô sanh.)

Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
126. Some are born in the womb; the wicked are born in hell; the devout go to heaven; the stainless pass into Nibbana. (Dịch: Một số sinh vào bào thai; kẻ ác sinh vào điạ ngục; người thiện tín sẽ lên trời; người vô nhiễm sẽ vào Niết Bàn.)

Đoạn 267
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
267. Bỏ thiện và bỏ ác, chuyên tu hành thanh tịnh, lấy “Biết” chánh pháp mà ở đời, mới thật là Tỷ kheo.

267. Ai siêu việt thiện ác,
Sống đức hạnh tuyệt vời,
Thấu triệt được lẽ đời,
Là tỳ kheo đích thực.

Bản dịch HT Thích Minh Châu:
267. Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm Hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh tỷ kheo.

Bản dịch Thanissaro:
267. But whoever puts aside both merit & evil and, living the chaste life, judiciously goes through the world: he's called a monk. (Dịch: Bất kỳ ai vượt qua thiện ác, sống được đời thanh tịnh, cẩn trọng vượt qua thế giới này: vị đó là một nhà sư.)

Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
267. Whoever here (in the Dispensation) lives a holy life, transcending both merit and demerit, and walks with understanding in this world — he is truly called a monk. (Dịch: Bất kỳ ai nơi đây [trong giáo đoàn] sống đời thánh hạnh, vượt qua cả thiện và ác, và đi với hiểu biết trong thế giới này -- vị đó chân thực là một nhà sư.)

Đoạn 412
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
412. Nếu ở thế gian này không chấp trước thiện và ác, thanh tịnh không ưu lo, đó gọi là Bà la môn.

412. Người siêu việt thiện ác,
Dứt phiền não buộc ràng,
Thanh tịnh sống thênh thang,
Bà la môn ta gọi.

Bản dịch HT Thích Minh Châu:
412. Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà-la-môn.

Bản dịch Thanissaro:
412. He has gone beyond attachment here, for both merit & evil — sorrowless, dustless, & pure: he's what I call a brahman. (Dịch: Người đã vượt qua mọi dính mắc nơi đây, xả ly cả thiện ác – không buồn phiền, không vương bụi & giữ trong sạch: Ta gọi đó là một Bà La Môn.)

Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
412. He who in this world has transcended the ties of both merit and demerit, who is sorrowless, stainless and pure — him do I call a holy man. (Dịch: Người nào trong cõi này đã vượt qua cả thiện và ác, người không buồn, vô nhiễm, và thanh tịnh – Ta gọi đó là một thánh nhân.)

Ngôn ngữ vượt qua thiện ác nêu trên của Kinh Pháp Cú, sau này được giữ làm pháp an tâm của Tổ Sư Thiền, trong đó Lục Tổ Huệ Năng nói cụ thể trong Pháp Bảo Đàn Kinh -- bản Việt dịch của Minh Trực Thiền Sư, nơi phẩm Định Huệ sẽ trích như sau.

Nhưng thế nào là pháp của Lục Tổ Huệ Năng:

“...Chư Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trên truyền xuống, trước hết lập Không Niệm (Vô Niệm) làm tông, Không Tướng (Vô Tướng) làm thể, Không Trụ (Vô Trụ) làm gốc. Không niệm nghĩa là trong khi niệm, lòng không động niệm. Không tướng nghĩa là đối với sắc tướng, lòng lìa sắc tướng. Không trụ có nghĩa là đối với các điều lành dữ, tốt xấu ở thế gian, cùng với kẻ thù, người thân, đối với lúc nghe các lời xúc phạm, châm chích, khinh khi, tranh đấu, Bổn tánh con người xem cả thảy như không không, chẳng nghĩ đến việc đền ơn trả oán. Trong niệm niệm lòng không nghĩ đến các cảnh mình đã gặp trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối tiếp nhau chẳng dứt, thì gọi là bị buộc ràng. Đối với các pháp, niệm niệm lòng không trụ vào đâu thì khỏi bị buộc ràng. Ấy là lấy Không Trụ làm Gốc...”(hết trích)

Như thế, ở cái nhìn này, Pháp Bảo Đàn Kinh là một ấn bản mới của Kinh Pháp Cú, và lời Đức Phật dạy về pháp xả ly mọi thiện ác, lành dữ, tốt xấu, ân oán buộc ràng... đã được Ngài Huệ Năng diễn lại một cách sinh động.

GHI CHÚ LIÊN KẾT:

Kinh Pháp Cú (Dhammapada).
Bản Việt dịch của HT Thích Thiện Siêu và bản Anh dịch của Đại sư Narada:
/D_1-2_2-69_4-10977_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu:
/D_1-2_2-69_4-8448_5-50_6-1_17-34_14-1_15-1/
Bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu:
http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.intro.than.html
Bản Anh dịch của Acharya Buddharakkhita:
http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.intro.budd.html
Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Định Huệ:
/D_1-2_2-58_4-648_5-50_6-2_17-88_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
http://old.thuvienhoasen.org/kinhphapbaodan-minhtruc-04.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/12/2014(Xem: 7701)
Thiền làm gia tăng sự thông minh trên nhiều phương diện, từ việc Thiền làm cho hai bán cầu não hoạt động song phương góp phần tăng trí nhớ, đến việc giúp não bộ lớn hơn và cảm xúc thông minh được hoàn thiện. Thiền làm gia tăng chất xám và chất trắng của não bộ. Chất xám có nhiệm vụ gạn lọc tin tức... Chất trắng ảnh hưởng đến kỷ năng truyền đạt.
01/12/2014(Xem: 10125)
Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (1685–1768) là vị Tổ trung hưng thiền Lâm Tế tại Nhật Bản. Xa rời phương thức đánh hét cùng các ngôn ngữ siêu tuyệt, Ngài cố công diễn tả Thiền bằng ngôn ngữ dễ hiểu để tầng lớp bình dân có thể hiểu được. Khi hiểu được tức là tu được. Mọi người nhận được làn gió mới làm sống dậy niềm tin vào chính mình, đưa cuộc đời qua hết khổ ải. Muôn người nhớ ơn Ngài. Năng lực cứu bạt của một vị thiền sư không nằm ở chỗ khiến người ta kính ngưỡng tôn thờ mình, mà nằm ở chỗ làm cho người hết khổ. Cuộc đời của thiền sư Bạch Ẩn là bức tranh sống với câu chuyện ―Thế à! cho đến bây giờ vẫn được nghe kể. Biên dịch lại là góp thêm công hạnh của Ngài. Đây là một tác phẩm công phu trong vườn Thiền Phật giáo, xin trân trọng giới thiệu.
29/11/2014(Xem: 7620)
Trên nguyên tắc những gì tốt đẹp sinh ra từ những gì không tốt đẹp. Quý vị hãy nhìn vào những cánh hoa sen thì sẽ rõ: chẳng phải là xinh đẹp và tươi mát hay sao! Những cánh hoa ấy mọc trong bùn đất dơ bẩn và hôi tanh, thế nhưng một khi đã vươn lên khỏi bùn thì hoa lại trở nên sạch sẽ và tinh khiết. Người ta có thể kết các cánh hoa ấy lại để làm vương miện cho một vị vua, bởi vì các cánh hoa ấy sẽ không còn quay lại với lớp bùn nhơ trước đây nữa (một người tu tập đạt được giải thoát sẽ không còn quay lại với thế giới luân hồi). Cánh hoa sen cũng là hình ảnh của một người hành thiền nghiêm chỉnh cố gắng và luyện tập kiên trì.
20/11/2014(Xem: 9962)
Tôi đã lớn lên cùng với những dòng Bát Nhã Tâm Kinh. Những lời sắc bất dị không đã nghe âm vang như tiếng mõ ban mai, như tiếng tim đập của những ngày vui và của những đêm buồn, như tiếng mưa rơi mái hiên trong những buổi chiều ngồi đọc thơ Nguyễn Du.
19/11/2014(Xem: 5326)
Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) và Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726) là hai vị thiền sư của thế kỷ XVII, nổi tiếng nhất, sống lâu nhất và để lại nhiều tác phẩm nhất, với số tác phẩm thuộc loại đồ sộ nhất của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu những chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải, sắp xếp chúng thành một trình tự dầu chưa hẳn đã hoàn chỉnh, chúng ta có thể nhận ra Thiền tông vào thế kỷ XVII của Việt Nam như thế nào, và rộng ra, con đường Thiền của Việt Nam như thế nào. Những chỉ dạy của ngài không phân thành từng đề mục, nhưng ở đây chúng ta cố tìm cho ra những điểm chính và đặt thành tiêu đề phù hợp với con đường Phật giáo nói chung, để hình dung ra một cách có hệ thống con đường Thiền cho những người tu học đời sau như chúng ta.
12/11/2014(Xem: 14529)
Tốt nghiệp đại học, đang làm giám đốc điều hành cho một công ty chuyên về máy tính với tiền lương lên đến vài trăm ngàn đô la một năm, thế nhưng, James Christopher, một thanh niên Pháp vẫn quyết định bỏ việc sang Việt Nam đi tu.
31/10/2014(Xem: 6295)
Thiền có vô số lợi ích, bài viết ngắn nầy chỉ giới thiệu vài sự diệu dụng của Thiền mà mỗi người nên biết, nếu muốn có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Thiền góp phần chữa được nhiều thứ bệnh, nhất là các bệnh thuộc loại tim mạch và hệ thống hô hấp… Tại sao? Y giới, nhất là qua sự thí nghiệm của BS Herbert Benson, Đại học Harvard
26/10/2014(Xem: 8137)
...Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng, sẽ đưa đến kết quả đúng như ý muốn. Khi làm một công việc gì, thông thường chúng ta phải biết trước rồi làm sau, như vậy sẽ có kết quả tốt. Như quý vị muốn đi từ đây ra đằng kia thì đầu tiên phải mở mắt trước, thấy đường rồi mới đi, còn nếu cứ nhắm mắt mà đi thì chắc chắn sẽ bị té. Vì quý vị muốn ngồi thiền cho nên quý Thầy sẽ nói sơ qua lý do tại sao chúng ta ngồi thiền, ngồi như thế nào, có những sự chuẩn bị gì, rồi trong khi ngồi chúng ta phải dụng công như thế nào…. Khi quý vị nắm vững, hiểu rõ rồi thì khi ngồi sẽ có sự phấn chấn, có lòng thiết tha, từ đó sự tu hành sẽ dễ tiến bộ hơn. Cụ thể là trước tiên mình phải hiểu thiền là gì, sau đó ứng dụng tọa thiền mới có kết quả tốt.
29/09/2014(Xem: 6918)
Theo tích truyện Suvaṇṇakārattheravatthu ở trong bộ chú giải Dhammapadaṭṭhakathā có kể đại lược là: “Tôn giả Sāriputta có một tỳ-khưu đệ tử còn trẻ đến xin đề mục thiền định; thấy sức vóc trai tráng, khí huyết phương cương, ngài liền bảo, hãy niệm thân bất tịnh (asubha), cốt ý là để đối trị với dục vọng và tham ái. Vị tỳ-khưu trẻ vào rừng, suốt bốn tháng ròng rã chăm chuyên niệm 32 thể trược, thỉnh thoảng đến nghĩa địa để nhìn ngắm tử thi nhưng “tướng bất tịnh” vẫn không hiện ra. Chán nản, vị tỳ-khưu trẻ muốn hoàn tục.
06/09/2014(Xem: 9761)
Cụ bà Phúc Thái sinh năm 1923 tại Thái Bình, di cư vào nam 1935, lập gia đình và có 7 người con, hiện cụ có 16 người cháu và 6 chắc. Hiện cụ đã 91 tuổi đang tịnh dưỡng thiền tập và sống khỏe tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567