Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngũ uẩn trong Giáo Lý Nguyên Thủy của Ðức Phật.

22/04/201319:55(Xem: 30217)
Ngũ uẩn trong Giáo Lý Nguyên Thủy của Ðức Phật.

NGŨ UẨN

Trong Giáo Lý Nguyên Thủy

Của Ðức Phật

Những ai muốn học hỏi, nghiên cứu và tu tập theo Chánh Pháp không thể không biết đến Ngũ Uẩn. Ðó là một trong những giáo lý vô cùng quan trọng và phải được hiểu rõ một cách tường tận, chính xác để có thể tu tập cho hiệu quả, rốt ráo. Vậy năm uẩn này là gì? Chúng liên hệ với nhau ra sao? Thông hiểu được chúng thì sẽ giúp ích như thế nào cho sự tu tập của chúng ta?

Trước khi đi vào đề tài, người viết xin được bày tỏ đôi lời như sau:

_ Quý vị độc giả có thể sẽ nhận thấy rằng cách diễn giải về Ngũ Uẩn của bài viết này rất khác biệt với cách diễn giải trong nhiều sách giáo khoa Phật học. Nếu thế, xin quý vị đừng bị vướng mắc vào sự khác biệt ấy để rồi đi đến kết luận cách nào là đúng, cách nào là sai. Thật ra chẳng có vấn đề đúng hay sai ở đây mà chỉ có sự thích hợp hay không thích hợp với căn cơ tu chứng của mỗi người. Cả hai cách diễn giải, tuy là khác biệt, đều xuất phát từ một nguồn gốc chung - những lời giảng dạy của đức Phật trong 45 năm (có sách ghi là 49 năm) hoằng hóa của Ngài. Sự hoằng hóa ấy luôn luôn hội đủ cả hai yếu tố khế lý(đúng với sự thật) và khế cơ(phù hợp với căn cơ của người nghe). Cho nên cũng cùng một đề tài nhưng Ngài lại giảng một cách khác biệt đối với từng đối tượng được giảng: thô phù hay vi tế, đơn giản hay cao siêu... tùy theo căn cơ của mỗi người.

_ Mục đích của bài này không phải là để thuyết phục quý vị độc giả chấp nhận suông những gì sẽ được trình bày ở đây, mà là để nêu lên một khía cạnh rất cụ thể và thiết thực về Ngũ Uẩn, dựa trên giáo lý Nguyên Thủy của đức Phật trong các kinh tạng Pali. Người viết mong rằng quý vị hãy nhận xét thật khách quan xem cách diễn giải này có hợp lýhay không, và nếu thấy hợp lý thì kế đến hãy đích thân kiểm chứngnó bằng kinh nghiệm của chính mình. Chỉ khi nào cả hai điều kiện ấy đều được thõa mãn thì mới nên chấp nhận.

Bài viết này sẽ bàn về ngũ uẩn trên phương diện con người, cho nên không bao trùm luôn tất cả mọi loài chúng sanh. Chúng ta biết rằng con người được tạo thành bởi hai phần: THÂN THỂ (vật chất) và TÂM THỨC (tinh thần). Tuy nhiên, khi nói đến cấu tạo của con người, đức Phật đã phân tích hai phần này ra thành năm yếu tố, gọi là ngũ uẩn: Sắc, Thức, Tưởng, Thọ, Hành. “Uẩn” có nghĩa là nhóm, tiếng Pali: khandha. Sau đây là biểu đồ phân chia để quý vị dễ theo dõi:

43nguuana

Trước hết, SẮCuẩn là tất cả những gì cấu tạo nên toàn bộ thân thể của con người từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài trên phương diện vật chất: tay, chân, da, thịt, răng, tóc, xương, máu, nước, không khí, năng lượng...v.v. Uẩn này dễ hiểu nên bài viết từ đây sẽ tập trung vào bốn uẩn kia - bốn uẩn thuộc về lãnh vực tinh thần- TÂM THỨC.

Ðức Phật đã nhận định rằng: Tâm thức là yếu tố quan trọng nhất trong mỗi con người bởi nó điều khiển, chi phối hết tất cả; và nó cũng thật là phức tạp, mênh mông, sâu thẳm! Do đó, khi giảng dạy về tâm thức, Ngài phải trình bày sao cho thật cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu để phù hợp với trình độ nhận thức của đại đa số người nghe lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà Ngài đã phân tích tâm thức ra làm bốnuẩn để giảng giải. Bốn uẩn này hoàn toàn khác nhau, nhưng lại liên hệ với nhau vô cùng khắn khít để lập thành một chuổi phản ứng(chain reaction):(1)Thức --> (2)Tưởng --> (3)Thọ --> (4)Hành. Chúng sẽ được lần lượt giải thích theo thứ tự từ 1 đến 4 như sau (thứ tự này cho thấy cái nào xảy ra trước, cái nào xảy ra sau trong một chuổi phản ứng cực kỳ nhanh lẹ; chữ trong dấu ngoặc là từ đồng nghĩa của tiếng Pali):

1 -THỨC(viññāna): cognition/consciousness - là những gì mà tâm trí cảm nhận, thấy biết được qua sáu thức: nhãnthức(cái biết của mắt), nhĩ thức(cái biết của lỗ tai), thiệt thức(cái biết của lưỡi), tĩ thức(cái biết của mũi), thân thức(cái biết của thân thể) và ý thức(cái biết của ý). Sáu thức này là kết quả của sự tiếp xúc giữa sáu căn(sáu giác quan) với sáu trầntương ứng (xem biểu đồ minh họa trong phần chú thích). (1)

Quý độc giả có thể sẽ không đồng ý với cách diễn giải ở trên về THỨC uẩn, bởi vì nhiều sách giáo khoa Phật học đã giải thích THỨC uẩn một cách cao siêu, rộng lớn hơn nhiều (bao hàm cả A-lại-da thức...v.v.). Nếu thế, xin quý vị tạm gác điểm bất đồng này qua một bên, và vẫn tiếp tục đọc với một tinh thần cởi mở, không cố chấp. Dĩ nhiên, điểm khác biệt ấy không thể bị phớt lờ đi, cho nên sẽ được bàn luận thêm trong phần chú thích.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ để minh họa cho dễ hiểu (ví dụ này là để giúp cho sự trình bày được rõ ràng hơn, chứ không phải là để “chứng minh”): Ðang lái xe trên đường về nhà, ta chợt nhớ lại sự việc ngày hôm nay ở sở làm, ta đã bị người nọ mắng chưởi vào mặt, và ta lại nổi tức lên khi nghĩ đến chuyện đó. Trong ví dụ này, THỨC uẩn là những âm thanh, hình ảnh đang hiện lên trong ký ức của ta về việc bị mắng chưởi ở sở làm, và nó thuộc về ý thức.

2 - TƯỞNG(saññā): perception - là sự nhận diện, đánh giá, phán xét của tâm trí (tri giác)đối với những gì đã được cảm nhận bởi THỨC ở bước 1. Sự đánh giá ấy rất đa dạng, phong phú, nhưng tựu chung lại chỉ có ba loại tổng quát: tốt, xấu, và không tốt không xấu.

43nguuanb

Trong ví dụ trên, khi những âm thanh, hình ảnh về việc ta bị mắng chưởi ở sở đang hiện lên trong ký ���c, lập tức tâm trí ta liền đánh giá chúng rằng: “ Ðây là sự nhục mạ, xúc phạm đến ta”. Ðó chính là TƯỞNG - cái tri giác của ta. Xin lưu ý: ở thời điểm này, chưa có cảm xúcnào nổi lên hết! Tri giác chỉ thuần túy là sự đánh giá, phán xét, không có dính dáng đến bất kỳ cảm xúc nào cả.

3 - THỌ(vedanā): sensation - là những cảm giác về thân thể mà được phát khởi lên dựa

theocái tri giác đã xảy ra ở bước 2. Do đó, chúng cũng gồm có ba loại tổng quát: dễ chịu (lạc thọ) - nếu tri giác cho là tốt; khó chịu (khổ thọ) - nếu tri giác cho là xấu;và không dễ chịu không khó chịu (xả thọ) - nếu tri giác cho là không tốt không xấu. Xin lưu ý: Bởi vì THỌ là cảm giác ở thân thể cho nên nó liên quan đến cả hai phương diện vật lý và tâm lý (phải có cái tâm thì mới “cảm giác” được chứ!). Nó là chiếc cầu nối liền THÂN và TÂM.

Một vài ví dụ về THỌ: đói bụng, khát nước, buồn ngủ, ngứa ngáy, ngột ngạt, tê buốt, nóng nực, rạo rực, lâng lâng, nhẹ nhõm...v.v. Ðừng hiểu lầm rằng THỌ uẩn cũng bao gồm luôn các cảm giác về tâm lý(tức giận, vui tươi, khổ sở, thương nhớ, thèm khát...v.v.), bởi vì cảm giác tâm lý (xúc cảm) là thuộc về HÀNH uẩn. Ðây là điểm rất quan trọng!

Cũng dùng ví dụ ở trên: sau khi cái TƯỞNG (tri giác) cho rằng ta đã bị người kia nhục mạ, xúc phạm ở sở làm, lập tức khổ thọ- những cảm giác khó chịu ở cơ thể - liền nổi lên, chẳng hạn như: trong người bứt rức, ruột gan sôi lên...v.v. Người viết xin thú nhận rằng đây là chỗ rất khó diễn tả, bởi vì bản thân mình không có đủ từ ngữ để sử dụng, và hơn nữa thông thường chúng ta không để ý gì nhiều đến các cảm giác của cơ thể trong thực tế hằng ngày. Một điều xin lưu ý là: ở thời điểm này, vẫn chưa có cảm xúc tâm lýnào nổi lên hết.

4 - HÀNH(sankhāra): mental volition/reaction - là những hiện tượng tâm lý hay cảm xúcmà tâm thức phát khởi lên dựa theosự kích động của THỌ đã xảy ra ở bước 3. Nếu bị kích động bởi lạc thọ, những hiện tượng tâm lý này sẽ mang tính cách ưa thích, say đắm (craving) - ví dụ: hãnh diện, hả hê, mong mỏi, thèm khát, làm biếng, kiêu ngạo, tham lam...v.v. Nếu bị kích động bởi khổ thọ, chúng sẽ mang tính cách chê ghét, bực bội (aversion) - ví dụ: tức giận, buồn rầu, cố chấp, chán nản, lo âu, ganh ghét, khổ sở...v.v.

Xin lưu ý: Có những hiện tượng tâm lý được phát khởi hoàn toàn ngoài sự kích động của THỌ (mặc dù lạc thọhay khổ thọđang hiện diện), chẳng hạn như: bình thản, tinh tấn, hoan hỷ, từ bi...v.v. Tuy không có nằm ở trong cái chuổi phản ứng (1)Thức --> (2)Tưởng --> (3)Thọ --> (4)Hành, những hiện tượng tâm lý này cũng thuộc về HÀNH uẩn. Chúng là những phẩm chất cao đẹp mà mỗi chúng ta đang cố gắng phát triển trong quá trình tu tập của mình. Bởi vậy, HÀNH uẩn mang một ý nghĩa rộng lớn hơn là THỨC, TƯỞNG hay THỌ uẩn.

Trở lại với ví dụ ở trên, sự tức giận của ta khi đang lái xe chính là HÀNH, nó phát khởi lên do bị kích động bởi những khổ thọ(trong người bứt rức, ruột gan sôi lên...v.v.) đã xảy ra ở bước 3. Ðọc đến đây, quí vị có thể sẽ nảy ra nghi vấn: Làm sao lại quả quyết được rằng những khổ thọnày phải xảy ra trước rồi sau đó mới dẫn đến sự tức giận, mà không thể là ngược lạihoặc là cả hai xảy ra cùng một lúc? Ðây là điều mà chúng ta không nên tranh luận bàn cãi, bởi vì chỉ tư duy, suy luận mà thôi thì sẽ không bao giờ đi đến giải đáp thõa đáng, giống như một nhóm người bị mù mà lại đi tranh cãi lẫn nhau về màu sắc. Chỉ có thực chứngthì mới giải tỏa được mọi sự nghi ngờ.

Bốn uẩn Thức, Tưởng, Thọ và Hành luôn luôn hoạt động theo thứ tự từ 1 đến 4 như trên, nhưng không phải chỉ theo một chiều đơn giản như thế! Mối tương quan vi tế của chúng được diễn tả đầy đủ hơn qua biểu đồ sau đây (xin quý vị hãy hiểu thật rõ điểm này):

43nguuanc

Có nghĩa là: HÀNH, sau khi đã phát khởi lên dựa theo sự kích thích gián tiếpcủa THỨC & TƯỞNG và kích thích trực tiếpcủa THỌ, quay ngược trở lại để củng cố thêm cái TƯỞNG (tri giác). TƯỞNG càng được củng cố thì THỌ (cảm giác về thân thể) càng thêm mạnh mẽ, và HÀNH (hiện tượng tâm lý) lại càng thêm mãnh liệt! HÀNH sau đó tiếp tục quay ngược trở lại để củng cố TƯỞNG.... Cứ thế, chúng cứ lập đi lập lại, tạo nên một vòng luân hoànmà tự nó củng cố, tăng trưởng chính nó (self-feeding cycle).

Như vậy ta đã hiểu tổng quát về Thức, Tưởng, Thọ và Hành; tuy nhiên những gì đã được trình bày ở trên, cho dù nghe hợp lý, vẫn chỉ là lý thuyết suông. Quý vị độc giả tất nhiên vẫn còn nghi ngờ hoặc thậm chí bác bỏ (nhất là phần THỌ và cái vị trí thứ 3 của nó trong chuổi phản ứng). Vì thế, việc kế tiếp là mỗi chúng ta hãy đích thân kiểm chứng lại cái chuổi phản ứng này xem có đúng với thực tế hay không; và đó là điều phải nói là rất khó, nhưng mà làm được, nếu có phương pháp thực tập rõ ràng (sẽ được đề cập ở đoạn dưới)! Sở dĩ rất khó là vì hai lý do sau đây:

1-Chuổi phản ứng (1)THỨC -->(2)TƯỞNG --> (3)THỌ --> (4)HÀNH xảy ra vô cùng nhanh lẹ, giống như một luồng điện hay tia sét. Vì thế, đối với mỗi sự kiện trong thực tế hằng ngày, hầu hết chúng ta đều không cảm nhận được sự hoạt động của tất cả4 uẩn này và thứ tựhoạt động của chúng. Thông thường, ta chỉ biết đến cái thứ nhất (Thức), thứ hai (Tưởng) và thứ tư (Hành) mà thôi, ta không hay biết hoặc không để ý đến cái thứ ba (Thọ). Trở lại với ví dụ ở trên: khi đang lái xe và chợt nhớ lại chuyện bị mắng chưởi ở sở làm (hoạt động của THỨC), ta cảm thấy rằng “mình đã bị nhục mạ, xúc phạm quá đáng” (TƯỞNG) và lại nổi tức lên! (HÀNH). Trong quá trình ấy, ta không để ý đến hoặc chẳng hề hay biết gì về những cảm giác khó chịuđang nổi lên ở cơ thể (THỌ). Chính những khổ thọnày mới là yếu tố kích thích trực tiếp nhấtđể gây nên sự tức giận của ta.

2-Hoạt động của TƯỞNG, THỌ và HÀNH luôn luôn xảy ra ở 2 cấp độ như sau:

Ðầu tiên, chúng xảy ra trong VÔ THỨC (2), tức là không hề được cảm nhận hay thấy biết, nằm ngoài sự điều khiển do chủ ý của ta. Sau đó, khi đã đủ sức mạnh nhờ cái vòng luân hoàn(xem biểu đồ B) được lập đi lập lại nhiều lần, chúng mới bắt đầu lộ diện ra trên bề mặt của tâm thức - surface layer of the mind - gọi là Ý THỨC, có nghĩa là ở giai đoạn này chúng mới được thực sự cảm nhận, thấy biết, và điều khiển do chủ ý của ta. (Xin lưu ý: chữ “ÝTHỨC” ở đây thuộc về Tâm Lý học Tây Phương, được tạm dịch từ chữ “conscious mind”, cho nên nó mang ý nghĩa khác với chữ “ý thức” trong phần Thức uẩn ở đoạn trước.)

Tuy nhiên, xét về tâm thức của đại đa số mọi người, phần Ý THỨCchỉ chiếm vỏn vẹn chưa được 1%; tất cả phần còn lại, hơn 99%,đều thuộc về VÔ THỨC.

43nguuand

Người viết không có kỳ vọng là quý độc giả sẽ tin ngay vào dữ kiện trên, nhưng cũng mong rằng quý vị đừng vội bác bỏ nó chỉ vì chưa kiểm chứng được. Sau đây là một vài ví dụ để chứng minh cho sự hoạt động của cái VÔ THỨC mênh mông, sâu thẳm trong mỗi con người:

-Về thân thể: hơi thở, nhịp tim, tiêu hóa thức ăn, bài tiết, hoạt động của tất cả các cơ quan nội tạng (gan, phổi, thận, ruột...v.v.), hoạt động của hàng tỉ các tế bào trong cơ thể...v.v.

-Về tâm thức: nằm mơ, nhớ lại được những sự kiện quá khứ xa xưa thật rõ ràng khi bị thôi miên, đang ngủ rất say nhưng vẫn cảm giác được bị muỗi cắn, biết là uống rượu rất tai hại nhưng một người nghiện vẫn cứ tiếp tục uống, biết làm biếng là không nên nhưng vẫn cứ tiếp tục làm biếng, biết không nên giận dữ nhưng vẫn cứ nổi sân hận, biết không nên âu lo nhưng vẫn cứ thắt thỏm bất an, biết là nên thiểu dục tri túc nhưng vẫn ước ao, ham muốn...v.v.

Chính cái kho tàng VÔ THỨC là nơi chứa đựng tất cả những gì mà đức Phật gọi là “vô minh”(Pali: anusaya hoặc anusaya-kilesa). Và chính vì VÔ THỨC điều khiển hơn 99%toàn bộ con người chúng ta từ thân thể đến tâm thức, chúng ta chưa bao giờ là “chủ nhân ông” thực sự của bản thân mình. Cho nên thật là ngờ nghệch khi nghĩ rằng ta có thể tu sữa, chuyển hóa được tâm tính của mình từ ngọn đến ngành, nếu ta chỉ biết loay hoay trong cái ÝTHỨC, cái 1%nhỏ bé, cỏn con của tâm thức!

Bây giờ, chúng ta hãy đi vào mục tiêu thiết thực nhất của bài viết: Hiểu được Thức, Tưởng, Thọ, Hành là gì và chúng hoạt động tương quan với nhau ra sao thì giúp ích như thế nào cho sự tu tập của chúng ta?

Trước hết, ta nhận ra rằng uẩn HÀNH (sankhāra) chính là cái mà ta phải tu sữa, thanh lọc trên bước đường tu tập, bởi vì nó là nơi phát khởi lên tất cả những thói hư tật xấu, những phiền não, khổ đautrong chúng ta.

Giống như một vị thầy thuốc, khi đã biết cái ung nhọt trên người bệnh nhân đang nằm ở đâu, kế đến, ta phải tìm cho ra nguyên nhân của nó và ngăn chận cái nguyên nhân này.

Dựa theo chuổi phản ứng: (1)Thức --->(2)Tưởng --->(3)Thọ --->(4)Hành, ta thấy rằng Thức, Tưởng và Thọ đều là những nguyên nhân để dẫn đến HÀNH, nhưng THỌ là cái trực tiếp nhất, cho nên cũng là quan trọng nhất. Hơn nữa, cái giai đoạn THỌ --->HÀNH lại là giai đoạn dễ dàng nhất mà chúng ta có thể ngăn chận, không để cho các trạng thái tâm lý mang tính cách phiền não phát khởi lên theo sự kích động của THỌ. Tại sao nói giai đoạn này là dễ ngăn chận nhất? Tại vì ta không thể nào chận được cái THỨC (trừ phi phải phá hủy hết cả 6 giác quan!!!); ta làm sao dẹp bỏ được cái TƯỞNG (tri giác) khi ta là con người chứ không phải là vật vô tri vô giác?!; và ta cũng không thể nào ngăn chận được cái THỌ vì nó bắt buộc phải phát khởi lên khi có sự hiện diện của tri giác, cơ thể con người chúng ta là như thế!

Vì vậy, ta đi đến kết luận rằng: Cái phương hướng để tu tập cho hiệu quả nhất làchúng ta phải làm sao để cho tâm trí đừng bị kích động bởi THỌ, tức là nếu có lạc thọthì đừng say đắm vào nó, nếu có khổ thọthì đừng bực tức, khổ sở.... Dĩ nhiên, phải có một phương pháp thật cụ thể, rõ ràng để thực tập thì ta mới làm được như vậy. Phương pháp đó là thiền Vipassana (3),do chính đức Phật chỉ dạy. Ðây là một pháp môn Thiền Quán, trong đó, cái đối tượng để được quán chiếu chính là THỌ - cảm giác ở thân thể. Bài viết này không bàn sâu vào thiền Vipassana, nhưng sẽ nêu lên 2 điểm cốt lõi sau đây trong việc thực tập phương pháp này (nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì dứt khoát không phải là thiền Vipassana):

1.TỈNH THỨC:

Hành giả thực tập thiền Vipassana phải theo dõi, quán sát những cảm giác ở thân thể một cách liên tục, sâu sắc với một tâm trí đầy sự tỉnh thức. Sự quán sát ấy phải được trau luyện, phát triển không ngừng chẳng những trong lúc tọa thiền mà còn trong tất cả mọi hoạt động hằng ngày của cuộc sống. Nhờ duy trì liên tục sự tỉnh thức, tâm trí của hành giả sẽ càng ngày càng thêm nhạy bén, tinh tế và thâm sâu, khiến cho phần VÔ THỨC càng lúc càng giảm bớt, và phần Ý THỨC càng lúc càng tăng trưởng (theo tỉ lệ %). Tuy nhiên, đó chỉ mới là số lượng, chỉ là một nữa của vấn đề! Nếu sự tu tập chỉ đem lại cái giảm thiểu về vô thức và tăng trưởng về ý thức mà thôi thì chưa phải là “diệt trừ VÔ MINH” như đức Phật khuyên dạy. Ở đây, Ngài nói đến cả hai phương diện: số lượng và chất lượng. Do đó, trong khi quán sát các cảm giác ở thân thể, hành giả phải dùng cái tâm trí nhạy bén, tinh tế của mình để thực hiện thêm một điều nữa. Ðó chính là điểm thứ hai sau đây.

2.BÌNH THẢN:

Phải cố gắng giữ vững sự bình thản, khách quan trong suốt quá trình quán sát ấy. Nhờ vậy, hành giả sẽ thực chứngđược cái bản chất VÔ THƯỜNG của tất cả mọi cảm giác. Chúng phát khởi lên và rồi sẽ tan biến đi, bất kể mãnh liệt hay dai dẳng đến cỡ nào, bất kể khoái lạc hay khó chịu đến đâu! Càng chứng nghiệm được sự VÔ THƯỜNG này bao nhiêu, hành giả càng nhận chân được thế nào là KHỔ (nhờ vậy mà thoát khổ) và càng thấm thía được cái chân lý VÔ NGÃ bấy nhiêu. Dĩ nhiên, trong tiến trình chuyển hóa ấy, tâm trí của hành giả sẽ càng lúc càng thêm tự tại, thanh thoát và khinh an. Tưởng cũng nên nói thêm rằng: vô thường(anicca), khổ(dukkha), vô ngã(anattā) - Tam Pháp Ấn của đức Phật - là những chân lý để đưa đến giải thoát, nhưng nếu ta chỉ biết tư duy, suy luận, lý giải mà thôi thì vĩnh viễn ta sẽ không bao giờ chứng ngộ được đó là gì. Giống như một người bệnh sẽ không bao giờ được lành bệnh nếu người ấy chẳng hề uống một viên thuốc nào cả mà chỉ lo đi tìm hiểu, nghiên cứu và giảng giải về thang thuốc đó. Hãy sắn tay áo lên và tu tập, thưa quý vị, vì chỉ có thực hành thì mới đem lại được sự giác ngộ và giải thoát. Ðừng để cái hiểu biết về tư duy (văn tuệ & tư tuệ) trở thành một chướng ngại cho chính mình nếu nó làm cho mình thõa mãn, tự hào. Hãy sử dụng nó như là bản đồ chỉ đường cho ta, như là một động lực để thúc đẩy ta tinh tấn mãi trong sự tu tập của mình!

Hai yếu tố TỈNH THỨC và BÌNH THẢN ở trên phải được phát triển song song, không thể chỉ tập trung vào một cái và lơ là đi cái kia nếu muốn tiến xa trên con đường giải thoát. Giống như đôi cánh của một con chim, cả hai chiếc cánh ấy phải đều được khỏe mạnh như nhau thì nó mới có thể bay xa được.

Cầu chúc tất cả quý vị sẽ tạo dựng được cho mình đôi cánh như thế, luôn luôn nuôi dưỡng củng cố nó, và sử dụng nó để bay thật xa, bay vượt khỏi những phiền não trong cuộc sống hằng ngày, và bay mãi cho đến đích tối hậu của sự giải thoát. Nơi ấy nằm ngoài mọi sự lý luận, suy tưởng, ngoài sự diễn tả của lời nói, ngôn từ, và ngoài cái khuôn khổ chật hẹp, nhỏ nhoi của thế giới dục lạc mà chúng sanh, do vô minh, đang tự trói buột, giam hãm mình trong đó, để rồi cứ lăn lộn chìm đắm mãi theo dòng sinh tử luân hồi khổ đau, bất tận.

V.D.

CHÚ THÍCH:

(1)THỨC uẩn được diễn giải trong bài viết này như sau:

Trong họa đồ trên, ý cănlà bộ não (brain); “pháp trần” là các phản ứng sinh hóa học (biochemical reactions) xảy ra trong các tế bào của não; “ý thức” là những cảnh tượng hay ý nghĩ (mental thoughts or images) đang nổi lên trong đầu.

Tuy nhiên, nhiều sách giáo khoa Phật học lại diễn giải rất khác biệt như sau:

Ý căn” là Mạt-na thức (thức thứ bảy trong Duy Thức học); “pháp trần” là cái bóng dáng của năm trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc) còn lưu lại trong ý thức (gọi là “lạc tạ ảnh tử”); “ý thức” là cái biết của Mạt-na thức, là thức thứ sáu trong Duy Thức học. Ngoài ra, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC cũng được giải thích một cách rộng lớn, cao siêu, trừu tượng hơn nhiều (bao hàm cả A-lại-da thức - thức thứ tám). Theo ý kiến của người viết, đó là do sự khác biệt giữa giáo lý Nguyên Thủyvà giáo lý Ðại Thừa. Mấy trăm năm sau khi đức Phật đã nhập Niết Bàn thì phong trào Ðại Thừa mới phát khởi, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi có sự khác biệt giữa hai đường lối giảng dạy ấy. Sự khác biệt này hoàn toàn không có nghĩa là cách nào đúng cách nào sai, mà phải được hiểu trên phương diện thích hợphay không thích hợpvới căn cơ tu chứng của mỗi người. Trong bài này, người viết cố gắng hết sức trong khả năng hạn hẹp của mình để trình bày, phân tích ngũ uẩn theo tinh thần nguyên thủy mà đức Phật đã giảng dạy khi Ngài còn tại thế. Dĩ nhiên, bài viết sẽ không sao tránh khỏi các khiếm khuyết; kính mong quý vị độc giả hoan hỷ góp ý xây dựng.

Sau đây là một vài nhận định riêng của người viết về giáo lý ngũ uẩn: Ngũ uẩn là giáo lý mà đức Phật giảng giải cho tất cả những ai chưa chứng quả vị A-la-hán. Ðối với những người này, đức Phật không bao giờ đề cập đến khái niệm A-lại-da thức vì ngại rằng họ có thể sẽ hiểu sai lệch rồi đâm ra chấp ngã. Mọi sự giảng dạy của Ngài luôn luôn hội đủ cả hai yếu tố khế lýkhế cơ là vậy! A-lại-da thức là một lãnh vực rất cao siêu; nó không phải là điều để người chưa có cấp độ tu chứngđúng mức đem ra nghiên cứu, bàn luận; giống như một người chưa học xong tiểu học, trung học thì không thể luận bàn về kiến thức của đại học.

(2)Chữ “VÔ THỨC” trong bài viết này không phải là một từ ngữ Phật pháp, mà là một danh từ của Tâm Lý học Tây Phương - Western Psychology, được tạm dịch từ chữ “unconscious mind”. Người viết sử dụng chữ này, thay vì là một thuật ngữ Phật pháp, vì thấy nó rất thông dụng, dễ hiểu đối với đa số độc giả.

(3)Thiền Vipassanalà một phương pháp tu tập do chính đức Phật Thích Ca khám phá ra, đích thân mình thực hành theo đó để đạt đến quả vị giác ngộ viên mãn. Sau đó, Ngài bắt đầu chỉ dạy lại cho biết bao nhiêu người lúc bấy giờ; năm anh em Kiều Trần Như là năm vị đầu tiên được đức Phật hướng dẫn phương pháp thiền này trong khuôn khổ của bài pháp thoại Tứ Diệu Ðế. Hiện nay, thiềnVipassanađang được chỉ dạy rất thịnh hành ở khắp nơi trên toàn thế giới theo đúng với tinh thần nguyên thủy của thời đức Phật còn tại thế. Nếu quý vị muốn tìm hiểu thêm về phương pháp thiền này hay muốn ghi danh theo học thì hãy vào website: www.dhamma.org hoặcwww.vri.dhamma.org.


---o0o---


Ý kiến bạn đọc
20/05/201915:02
Khách
Trước ngài Cưu Ma La Thập thì các ngài dịch là ngũ chúng, nhưng đến ngài La Thập thì dịch là ấm, tức che lấp thật trí (trí bát nhã). Bản chất của: sắc, thọ, tưởng, hành, thức không che mất thật trí, nên đức Phật dạy: "Cái thấy chỉ bằng cái thấy, cái nghe chỉ bằng cái nghe, cái biết chỉ bằng cái biết....". Ngài Cưu Ma La Thập là bậc thánh tăng nên hiểu đúng ý của đức Phật mới dịch là ấm. Còn sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là 5 ấm bởi bản chất của nó như thực, nên không che mất thật trí; mà cái che mất thật trí là do đối cảnh sanh tình bởi biến kế sở chấp (tập - khởi bởi sự tương tác giữa căn + trần + thức hình thành 18 giới phân biệt của tâm thức chủ quan). Vượt qua thức tri, tưởng tri và mộng tưởng tri nên Phật nói "soi thấy 5 uẩn đều không"; chứ không phải hoại diệt thế giới ngoại tại khách quan. Đó chính là sự nhầm lẫn của một số học giả, bởi không có công phu thiền định. Cái sắc chân thật ở trước mặt thì bất cứ ai thấy cũng như nhau (chư pháp tùng bổn lai thường tự tịch diệt tướng); còn cái sắc ấm chủ quan là do tâm thức giả lập của từng người, từng vùng miền, từng dân tộc nên mới có sai khác là: Cái cốc, cái tách, cái chum, cái ly, a cup of tea.... Cốc, tách, ly, chum, cup mới là sắc ấm hay sắc uẩn (phàm hữu ngôn thuyết giai phi thật nghĩa). Ngày nay học giả nhiều quá nên càng làm cho xa rời chân lý Phật dạy!
03/02/201902:49
Khách
Em mới tìm hiểu về Phật pháp, đọc ngũ uẩn từ các nguồn khác rất khó hiểu, khi đọc bài viết của thầy em đã giải toả được nhiều rút mắc. Chân thành cảm ơn nhữnh đúc kết và chia sẽ giá trị, logic của thầy!
31/08/201620:36
Khách
Bạn Phu Sa Pham
Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn hơn 2500 năm trước. Bây giờ ko còn ai có thể giải thích cho bạn kỹ càng sự giống nhau và khác nhau giữa vô vàng những văn bản trong đạo Phật mà phần nhiều có thêm bớt hoặc sai lệch. Nhưng những nét chính thì tôi nghĩ vẫn còn đó. Đó là thế gian này vô thường, khổ đau và vô ngã. Mà ngũ uẩn là minh chứng cho điều ấy.Thay vì đi tìm sự ko tương đồng, khác nhau giữa những dị bản. Sao bạn không thực hành và tìm thấy chân lý ngay trong chính bản thân mình. Có nhiều pháp môn nhưng tất cả ko nằm ngoài Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
02/04/201623:23
Khách
Tôi có thắc mắc sau : căn cứ bài giảng giải này, tôi đã thử chiêm nghiệm và thấy có đúng thực tế, nhưng thứ tự : thức --> thọ --> tưởng --> hành có khác thứ tự trong lý duyên khởi : vô minh --> hành --> thức v.v,, vậy phải giải thích chỗ khác biệt này ra sao ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 6076)
Dưới đây là hai bản dịch về Thiền tập dựa theo truyền thống Tây Tạng. Hai bản văn này đang được phổ biến rộng rãi trong giới Phật Tử Tây Phương để đáp ứng nhu cầu Thiền tập. Các pháp tu dưới đây tuy được viết từ truyền thống Tây Tạng nhưng thực sự cũng đã ẩn tàng trong nhiều truyền thống Thiền tập khác của Phật Giáo. Bản văn đầu tiên là của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
22/04/2013(Xem: 5754)
Bí mật của hành thiền tiến bộ và thành công là luôn giữ cho được tâm trạng cân bằng và thoải mái, không căng thẳng mà cũng không căng thẳng. Kinh 42 Chương kể chuyện tăng sĩ Sona, khi hành thieenfkhoong làm sao giữ được tâm trạng cân bằng. Khi thì đầu óc căng thẳng quasinh ra đau đầu, khi thì buông lỏng quá sinh ra buồng ngủ. Không biết làm sao được, Sona đến gặp Phật, Phật hỏi.
22/04/2013(Xem: 10683)
Ngày nay việc thực hành Thiền Quán đã được phổ biến rộng rãi khắp thế giới, tuy nhiên, để đạt được sự thành công như hiện nay, pháp hành này đã trải qua nhiều biến đổi tế nhị. Thay vì được giảng dạy như một phần chính yếu của con đường tu tập Phật giáo, bây giờ pháp hành này thường được trình bày như một môn học thế gian mà những kết quả đạt được thuộc về đời sống trong thế giới này hơn là sự giải thoát siêu thế gian.
22/04/2013(Xem: 5313)
Thiền sư Dhammarakkhita là một vị cao tăng tinh thông Tam tạng, nhưng Ngài lại ưa thích pháp hành nên thường đi một mình vào rừng hành đạo. Ngài được các vị Thiền sư tiền bối khen ngợi là người giàu ý chí, kiên nghị, dũng cảm và có khả năng về cả pháp học lẫn pháp hành. Ngài được Phật tử Thái Lan mời làm viện chủ một thiền viện nổi tiếng theo truyền thống của Thiền sư Achar Nep lỗi lạc.
22/04/2013(Xem: 5166)
Những trang sau đây là những phần mới được thêm vào cho quyển sách – “Đạo Phật là gì ?” in lần thứ hai. Vì có nhiều người rất hâm mộ việc thực tập thiền và cũng có một số người tách rời khỏi nguồn truyền thống sống động này, và hy vọng rằng những điều sau đây sẽ có giá trị cho những người thực tập thiền, ngoài những quyển sách bổ sung.
22/04/2013(Xem: 6057)
Như vậy là chỉ tu tập phép niệm thân này thôi (không phải niệm cả bốn xứ là: thân, thọ, tâm và pháp), hành giả nếu kiên trì, siêng năng cũng đạt được mười thành quả đáng khích lệ nói trên. Phật dạy:"Này các Tỳ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như thành cỗ xe, được làm thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể được mong đợi. Thế nào là mười?…" (Xem trong 280, kinh đã dẫn).
22/04/2013(Xem: 5601)
Trong các khóa thiền tập của chúng ta, các thiền sinh phải tập chú niệm trong cả bốn tư thế đi, đứng, ngồi, nằm. Họ phải duy trì chánh niệm trong mọi thời khắc, ở mọi tư thế của họ. Tuy nhiên, tư thế chính trong khi thực tập quán niệm là tư thế ngồi với chân xếp chéo. Bởi vì thân thể con người không thể nào chịu đựng được cách ngồi nầy trong nhiều giờ, nên chúng ta xen kẽ các suất ngồi thiền với các suất đi kinh hành.
22/04/2013(Xem: 6479)
Ngôn ngữ của Thiền, không phải là ngôn ngữ mới chính là ngôn ngữ. Một tiếng hét vang vọng đất trời của Ngài Lâm Tế làm bừng vỡ chân tâm của hành giả; những chiêu gậy hàng ma tuyệt hảo của Ngài Bách Trượng xua đi đám mây mù che mắt thế gian; sự im lặng đến vô tình của Ngài Bồ Đề Đạt Ma hay một đóa sen Đức Phật đưa lên ở hội Linh Sơn... đó là ngôn ngữ của Thiền.
22/04/2013(Xem: 4972)
Tháng 10 năm nay ông chia sẻ với các Tăng Ni sinh-viên ban Hoằng pháp năm thứ 3 và lớp Thạc sĩ Phật học tại Học viện Vạn Hạnh TP HCM, lớp Trung cấp Phật học tại Học viện Long An, với Phật tử và CLB Thanh niên chùa Từ Tân, chùa Bát Nhã TP HCM, chùa Vĩnh Hưng, Long an và chùa Bửu Nghiêm tỉnh Gia lai. Các buổi trao đổi tại TP HCM và Gia lai có quay film.
22/04/2013(Xem: 6485)
Vào tuổi 39, Janet Clarke khám phá rằng cô đã bị bướu cột sống khiến cô đau lưng triền miên. Các loại thuốc giảm đau cũng có giúp cô đôi chút, nhưng mãi cho đến khi cô tham dự một khóa Thiền tập ở Lytham, cô mới khám phá ra một vũ khí lợi hại bên trong cơ thể của mình : đó là tâm của cô.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]