Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Công án của Phật Thích Ca & Tổ Ðạt Ma.

22/04/201318:31(Xem: 7795)
Công án của Phật Thích Ca & Tổ Ðạt Ma.

CÔNG ÁN
CỦA PHẬT THÍCH CA VÀ TỔ ĐẠT MA
Thích Duy LựcDịch từ Hán sang Việt và Lược Giải
Từ Ân Thiền Đường Santa Ana Hoa Kỳ Xuầt Bản

LỜI DỊCH GIẢ

Ròng rã bốn mươi chín năm đức Phật thuyết pháp, đều là tùy theo căn cơ, hay nói cho rõ hơn, tùy theo bệnh “chấp thật” sâu hoặc cạn của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Vì thế, kinh Phật đã phân chia ra “Liễu nghĩa” và “Bất liễu nghĩa”. Đồng thời chư Tổ cũng luôn luôn nhắc Phật tử phải tuân theo qui luật “Tứ y”, trong đó có “Y kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa”. Kinh bất liễu nghĩa chỉ là để tạm thời đối trị với những người bệnh chấp thật còn quá nặng mà thôi. Còn đối với đương cơ nào mà Ngài thấy có thể trực nhận được bản tâm thì Ngài dùng công án, thí dụ như Niêm Hoa Thị Chúng mà nhiều Phật tử đã biết.

Trên đường hoằng pháp, đức Phật đã sử dụng rất nhiều công án, và đã có nhiều thính chúng ngộ được bản tâm. Nhưng vì các công án ấy được ghi lại rải rác trong các kinh nên ít ai để ý. Sau này có người gom góp lại cho hệ thống và in trong sách Chỉ Nguyệt Lục (Lịch sử Thiền tông Trung Hoa).

Lần đầu tiên phiên dịch công án của Phật Thích Ca, chúng tôi muốn trình bày có chứng liệu với quí độc giả rằng: Cơ xảo của chư Tổ Thiền tông vốn cội nguồn truyền thừa từ chính đức Phật, và Ngài cũng đã rất nhiều lần sử dụng đến các công án. Do đó, công án của đức Phật còn truyền lại rất nhiều.

Cuốn sách này, chúng tôi chỉ dịch từ trang 17 đến trang 24 trong Chỉ Nguyệt Lục và một công án Phật trả lời cho vị Tu sĩ thế luận Bà La Môn (1) trong kinh Lăng Già.

Mục đích của Phật và chư Tổ khi sử dụng công án là cốt để đương cơ ngay đó hoát nhiên trực ngộ. Nếu ngay đó chưa ngộ được, thì tất nhiên phát ra nghi tình (2), rồi do nghi tình đó, sau này sẽ được ngộ. Chứ không phải muốn người nghe hiểu theo lời nói văn tự. Nếu hiểu theo lời nói văn tự là trái ngước với ý chỉ của Thiền tông, lại đóng bít cửa ngộ của người hành giả, vĩnh viễn không thể chứng ngộ.

Nay xin hành giả tham thiền khi đọc đến chỗ không hiểu chớ nên dùng ý thức để nghiên cứu tìm hiểu. Cần phải ngay chỗ không hiểu phát khởi nghi tình, và luôn luôn giữ mãi cái nghi tình đó thì sẽ được “từ Nghi đến Ngộ”, đúng như lời Phật dạy vậy.

THÍCH DUY LỰC

(1) Thế luận Bà La Môn: Thế luận là pháp thế gian, xuất phát từ nhất niệm vô minh, đều ở trong phạm vi tương đối. Vì có vô minh là hư huyễn chẳng thật, nên Phật nói là Thế luận.

(2) Nghi tình: Tình trạng không hiểu, không biết của bộ óc mà không cho bộ óc suy nghĩ hay tìm hiểu.

CÔNG ÁN CỦA PHẬT THÍCH CA

(Trích trong Chỉ Nguyệt Lục)

Tiểu sử PHẬT THÍCH CA

Thích Ca Mâu Ni là Phật thứ tư trong Hiền kiếp, họ Sát Lỵ, cha là Tịnh Phạn Vương, mẹ là Ma Da. Dòng Sát Lỵ làm vua từ khi châu Diêm Phù Đề bắt đầu. Phật trải qua nhiều kiếp tu hành được Phật Nhiên Đăng thọ ký kế vị Phật Ca Diếp, thành Phật trong kiếp này.

Phật xưa kia đắc đạo Bồ tát, sanh cõi trời Đâu Suất, tên Hộ Minh Đại Sĩ. Khi nhân duyên đến, cách đây khoảng 3021 năm (1030 năm trước tây lịch), Ngài giáng sanh tại Népal. Theo lịch Trung Quốc là mồng 8 tháng 4 năm Giáp Dần, niên hiệu 24, triều đại Châu Chiêu Vương. Lúc ra đời, Ngài phóng đại trí quang minh soi khắp mười phương thế giới, có hoa sen vàng từ dưới đất nổi lên hứng hai chân Ngài. Khi ấy Ngài một tay chỉ trời một tay chỉ đất, đi vòng bảy bước, mắt nhìn bốn phương nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Sau khi giáng sanh, hiện ra đủ thứ thần dị như đã được ghi trong các kinh. Năm 19 tuổi, mồng 8 tháng 2, Ngài có ý muốn xuất gia, trong tâm nghĩ rằng sẽ được gặp nhân duyên, nên đi dạo khắp bốn cửa thành, đích thân gặp thấy bốn việc sanh, lão, bệnh, tử liền quyết chí tìm cách để lìa hẳn.

Ngay giữa đêm đó, có người ở cõi trời Tịnh Cư hiện trước cửa sổ bạch rằng: “Thời xuất gia đã đến, Ngài hãy ra đi”. Rồi có chư Thiên ôm chân ngựa Ngài đang cỡi bay ra khỏi thành, khi ấy Ngài phát thệ nguyện rằng: “Nếu chẳng dứt tám khổ, chẳng thành vô thượng Bồ đề, chẳng Chuyển pháp luân, thì không bao giờ trở về”.

Phụ vương Tịnh Phạn thương nhớ Ngài, sai nhiều đại thần đi khuyên Ngài trở về cung, Ngài nhất định không về. Ngài vào núi Đàn Đặc tu đạo, lúc đầu theo ngoại đạo A Lam Ca Lam ba năm, học Định Bất Dụng Xứ, sau biết quấy liền bỏ. Rồi đến nơi Uất Đầu Lam Phất ba năm, học Định Phi Phi Tưởng, sau biết quấy cũng bỏ. Kế đến núi Đầu Dơi, cùng các ngoại đạo hằng ngày chỉ ăn mạch, mè, trải qua sáu năm. Rồi Ngài tự nghĩ rằng: “Tu khổ hạnh này chẳng thể giải thoát chân chính. Ta sẽ thọ thực lại”. Rồi xuống sông Ni Liên Thiền tắm rửa, nhận sữa cúng đường của con gái chăn dê. Kế đến gốc cây Bồ đề, Thiên Đế đem cỏ Tường Thoại trải tòa ngồi cho Ngài. Khi ấy gió dịu mây đẹp dấy lên từ bốn phương, thiên ma sợ Ngài thành đạo nên thống lãnh ma chúng đến làm mọi cách ngăn trở, như hiện hình khủng bố, hoặc hiện người nữ nhan sắc. Ngài đều an nhiên chẳng động, lại dùng ngón tay chỉ đất khiến đất chấn động mạnh, bọn ma đều ngã té liền bị hàng phục. Nên kinh nói: “Dùng vô tâm ý, vô thọ hạnh mà hàng phục hết thảy các ngoại đạo tà ma”.

Đến đêm mồng 7 tháng 2 năm Quý Mùi là năm thứ ba Châu Mục Vương, Ngài nhập Chân Tam Muội. Rạng sáng mồng 8, vào lúc sao Mai mọc, Ngài hoát nhiên đại ngộ thành Đẳng Chánh Giác, than rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ trí huệ đức tướng Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Khi ấy Ngài ba mươi tuổi.

Sau khi thành đạo sáu năm, Ngài về cung vì vua Tịnh Phạn thuyết pháp. Vua rất vui mừng, cho dòng quý tộc năm trăm người theo Phật xuất gia.

LƯỢC GIẢI:

“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Có Tăng hỏi tổ Vân Môn: Tại sao Phật Thích Ca nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn?”

Tổ Vân Môn đáp: Khi ấy nếu tôi gặp thấy sẽ đánh chết cho con chó ăn để mong thiên hạ được thái bình.

Lời nói của Phật là muốn hiển bày nghĩa bất nhị của tự tánh. Lời của tổ Vân Môn cũng là muốn hiển bày nghĩa bất nhị của tự tánh.

Tại sao tổ Vân Môn nói đánh chết rồi cho con chó ăn? Tại nếu không cho con chó ăn thì vẫn còn xương thịt, nghĩa là còn dấu tích của độc tôn, (tổ Vân Môn và Phật) chưa phải là nghĩa bất nhị của tự tánh.

٭

CÔNG ÁN

Một hôm Thế Tôn thăng tòa, đại chúng tụ tập xong, Văn Thù đánh dùi bạch chúng rằng: Xem kỹ của pháp vương. Pháp của Pháp vương là như thế!

Thế Tôn liền xuống tòa.

٭

Một hôm Thế Tôn thăng tòa, ngồi im lặng. A Nan bạch dùi (dùng dùi đánh chuông) rằng: Xin Thế Tôn thuyết pháp.

Thế Tôn nói: Trong hội có hai Tỳ kheo phạm luật nên chẳng thuyết pháp.

A Nan dùng tha tâm thông quán biết hai Tỳ kheo đó rồi đuổi ra. Thế Tôn vẫn còn im lặng, A Nan bạch nữa: Hai Tỳ kheo phạm giới đã bị đuổi ra rồi, sao Thế Tôn vẫn không thuyết pháp?

Thế Tôn nói: Ta chẳng vì Thanh văn Nhị thừa thuyết pháp.

Rồi xuống tòa.

٭

Một hôm Thế Tôn thăng tòa. Ca Diếp bạch dùi rằng: Thế Tôn đã thuyết pháp xong.

Thế Tôn liền xuống tòa.

٭

Thế Tôn lên cõi trời Đao Lợi vì mẹ thuyết pháp, Ưu Thiên Vương nhớ Phật, sai thợ điêu khắc, khắc tượng Phật bằng gỗ Chiên Đàn. Khi Thế Tôn từ trời Đao Lợi xuống, tượng cũng ra nghênh tiếp. Thế Tôn gọi ba lần, tượng cũng đáp lại ba lần. Thế Tôn nói: Vô vi chân Phật thật ở thân ta. Vậy ở thân nào?

٭

Thế Tôn ở cõi trời Đao Lợi chín mươi ngày, rồi từ giã cõi trời đi xuống. Tứ chúng bát bộ đều đi nghênh tiếp. Có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nghĩ rằng: Tôi là người Ni ắt phải xếp hàng sau lưng các đại Tăng khi gặp Phật. Chi bằng dùng thần lực biến thành Chuyển Luân Thánh Vương có ngàn con hộ vệ để được gặp Phật trước mọi người.

Thế Tôn vừa thấy liền quở rằng: Liên Hoa Sắc! Ngươi đâu thể qua mặt các đại Tăng mà gặp ta. Ngươi dù thấy sắc thân ta nhưng chẳng thấy Pháp thân ta. Tu Bồ Đề tuy tĩnh tọa trong hang lại được thấy Pháp thân ta.

٭

Thế Tôn đem hạt châu Ma Ni Tùy Sắc hỏi Ngũ Phương Thiên Vương: Hạt châu này màu gì?

Khi ấy Ngũ Phương Thiên Vương mỗi người đều lần lượt nói ra màu sắc do mình thấy.

Thế Tôn giấu hạt châu rồi giơ tay hỏi: Hạt châu màu màu gì?

Ngũ Phương Thiên Vương nói: Trong tay Phật không có hạt châu, vậy đâu có màu gì?

Thế Tôn nói: Các ngươi sao mê muội điên đảo quá, Ta đem hạt châu thế gian cho xem thì nói có xanh, vàng, đỏ, trắng. Ta thị hiện hạt châu chân thật lại chẳng biết gì cả.

Ngay khi ấy Ngũ Phương Thiên Vương đều tự ngộ đạo.

٭

Thế Tôn thăng tòa, có một Phạn Chí (3) cúng dường hoa ngô đồng.

Phật bảo: Buông xuống đi!

Phạn Chí buông hoa bên tay trái xuống.

Phật bảo tiếp: Buông xuống đi!

Phạn Chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.

Phật lại bảo: Buông xuống đi!

Phạn Chí nói: Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?

Phật nói: Chẳng phải ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi.

Phạn Chí ngay đó ngộ vô sanh nhẫn.

(3) Phạn Chí dịch nghĩa là Tịnh Duệ (con cháu của dòng thanh tịnh), tự xưng tổ tiên của họ được sanh từ miệng của Phạn Thiên (vua cõi trời) nên lấy họ Phạn, cùng thuộc phái Bà La Môn. Chỉ ở Ấn Độ mới có nên người đời gọi là Ấn Độ giáo. Họ có kinh điển riêng, đời đời kế thừa nhau làm nghề nghiệp. Kẻ tại gia hoặc xuất gia đều ỷ vào kinh điển của họ cho là hay nhất, nên thành ra ngạo mạn, phần nhiều hay tranh biện. Họ cho Phạn Thiên là tác giả của vũ trụ, ấy là Thần ngã.

٭

Phổ Nhãn bồ tát muốn gặp Phổ Hiền mà không được, cho đến nhập định ba lần, quán khắp Tam Thiên Đại Thiên thế giới tìm Phổ Hiền cũng chẳng thể thấy, liền đến bạch Phật, Phật nói: Ngươi hãy ở nơi Tịnh Tam Muội khởi niệm liền thấy Phổ Hiền.

Phổ Nhãn vâng lời vừa khởi một niệm thì thấy Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà từ trên trời đến.

٭

Ngũ Thông Tiên Nhân hỏi Phật: Thế Tôn có lục thông, con có ngũ thông. Thế nào là một thông kia?

Phật gọi: Ngũ Thông Tiên Nhân!

Tiên Nhân: Dạ!

Phật nói: Thế nào là “một thông kia” ngươi đã hỏi ta?

٭

Một hôm Thế Tôn bảo A Nan: Sắp tới giờ ăn, ngươi phải cầm bát vào thành khất thực.

A Nan: Dạ.

Thế Tôn nói: Ngươi đi bình bát phải đi theo nghi thức quá khứ của bảy Phật.

A Nan hỏi: Thế nào là nghi thức của bảy Phật?

Thế Tôn gọi: A Nan!

A Nan: Dạ.

Thế Tôn nói: Cầm bình bát đi đi!

٭

Có Tỳ kheo hỏi Phật: Con đối với Phật pháp chỗ thấy thì có, chỗ chứng thì chưa phải. Thế Tôn làm sao khai thị?

Thế Tôn nói: Tỳ kheo! Ông ta làm sao khai thị. Câu hỏi này là ngươi.

٭

Thế Tôn cùng Kỳ Bà thấy một cái mả trong đó có năm bộ xương. Vì Kỳ Bà rất khéo phân biệt âm thanh nên Thế Tôn gõ vào một bộ hỏi Kỳ Bà: Cái này đã sanh chỗ nào?

Đáp: Sanh cõi người.

Phật gõ bộ khác hỏi: Sanh chỗ nào?

Đáp: Sanh cõi trời.

Rồi Phật gõ bộ khác nữa, hỏi: Sanh chỗ nào?

Kỳ Bà chẳng biết chỗ sanh.

٭

Bảy hiền nữ đi dạo vườn Thi Đà, một người chỉ thi hài nói: Thi hài ở đây, người đi chỗ nào?

Một hiền nữ khác nói: Làm sao! Làm sao!

Các hiền nữ cùng quán kỹ, mỗi mỗi khế ngộ.

Việc này cảm thông được Đế Thích. Đế Thích đến rải hoa rằng: Các Thánh tỷ có cần gì, tôi sẽ cung cấp suốt đời.

Một hiền nữ nói: Nhà tôi tứ sự (ăn, mặc, ngọa cụ, y dược) thất bảo thảy đều đầy đủ. Chỉ cần ba món đồ “một là cần cái cây chẳng có gốc, hai là cần miếng đất chẳng âm dương, ba là cần một thung lũng có tiếng kêu mà chẳng âm vang”.

Đế Thích nói: Tất cả đồ cần dùng tôi đều có. Đối với ba món này tôi thực không có.

Hiền nữ nói: Nếu ông không có làm sao mà biết giúp người?

Đế Thích chưng hửng. Rồi tất cả cùng đi bạch Phật.

Phật bảo: Kiều Thi Ca (tên của Đế Thích)! Các đệ tử đại A la hán của ta, chẳng hiểu nghĩa này, chỉ có các đại Bồ tát mới hiểu nghĩa này.

٭

Xưa kia Thế Tôn tu hành nơi nhân địa rũ tóc ra che lên đất sình, dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng chỉ chỗ đất trải đất đó nói: Miếng đất này nên lập một ngôi chùa.

Khi ấy trong chúng có một trưởng giả đem cây nêu cắm ngay chỗ đó rằng: Kiến lập ngôi chùa xong!

Bấy giờ chư Thiên cùng nhau rải hoa tán thán.

٭

Thế Tôn cùng A Nan đang đi trên đường thấy một cái tháp của Phật xưa. Thế Tôn liền đảnh lễ.

A Nan nói: Đây là tháp của người nào?

Thế Tôn nói: Tháp của chư Phật quá khứ.

A Nan hỏi: Chư Phật quá khứ là đệ tử của ai?

Thế Tôn nói: Là đệ tử của ta.

A Nan nói: Phải nên như thế.

٭

Ngày giải hạ tự tứ (tự kiểm thảo), vì ngài Văn Thù nhập hạ ở ba chỗ nên ngài Ca Diếp muốn bạch dùi (đánh chuông) đuổi ra. Vừa cầm dùi thì thấy năm trăm ngàn muôn ức Văn Thù, Ca Diếp dùng hết thần lực của mình mà vẫn không giơ dùi lên được.

Thế Tôn hỏi Ca Diếp: Ngươi muốn đuổi Văn Thù sao?

Ca Diếp chẳng trả lời.

٭

Ở cửa Đông thành La Phiệt, có một bà già cùng sanh một ngày với Phật mà không muốn gặp Phật. Mỗi khi thấy Phật đến liền trốn tránh. Mặc dù như thế nhưng nhìn qua nhìn lại bên Đông bên Tây đều thấy Phật, rồi dùng tay che mặt thì cả mười ngón tay, cho đến bàn tay, thảy đều thấy Phật.

٭

Văn Thù đến chỗ hội trường của chư Phật nằm lúc tất cả chư Phật đều trở về bổn xứ. Chỉ có một người nữ ngồi gần tòa Phật đang nhập định.

Văn Thù bạch Phật rằng: Tại sao người này được gần bên cạnh Phật, mà con thì không được?

Phật bảo Văn Thù: Ngươi muốn biết phải khiến cho người nữ này xuất định rồi tự hỏi cô ta.

Văn Thù nhiễu quanh người nữ ba vòng, búng ngón tay một cái không thấy xuất định, cho đến đưa tới Phạn Thiên dùng hết cả thần lực cũng không thấy xuất định.

Thế Tôn nói: Giả sử bá thiên ức Văn Thù cũng chẳng thể khiến người nữ này xuất định được. Ở phương dưới đi qua bốn mươi hai hằng hà sa số quốc độ có Bồ tát Võng Minh mới khiến người nữ này xuất định được.

Một lúc sau Đại sĩ Võng Minh từ dưới đất vọt lên đảnh lễ Thế Tôn.

Thế Tôn bảo Võng Minh: Hãy khiến người nữ này xuất định.

Võng Minh đi đến trước mặt người nữ búng ngón tay một cái thì người nữ xuất định liền.

٭

Ương Khoát Ma La đi khất thực đến cửa nhà một Trưởng giả, trong nhà có một phụ nữ đang gặp sản nạn.

Trưởng giả nói: Ông là bậc Thánh đệ tử của Phật, vậy có pháp nào giúp thoát khỏi sản nạn này chăng?

Ương Khoát nói với Trưởng giả rằng: Tôi vừa mới nhập đạo, chưa biết pháp này. Hãy đợi tôi về hỏi Thế Tôn rồi sẽ trở lại báo cho biết.

Liền trở về đem chuyện này bạch Phật, Phật bảo Ương Khoát: Ngươi đi mau nói cho họ rằng “Ta từ pháp Hiền Thánh đến nay chưa từng sát sanh”.

Ương Khoát vâng lời Phật, chạy nhanh đến báo cho nhà Trưởng giả phụ nữ nhà đó nghe xong tức khắc sanh đứa con ra.

٭

Một hôm Thế Tôn thấy Văn Thù đứng ngoài cửa nên kêu: Văn Thù! Văn Thù! Tại sao không vào cửa đi?

Văn Thù nói: Con chẳng có một pháp ở ngoài cửa, sao lại bảo con đi vào cửa!

٭

Bồ tát Vô Biên Thân đem cây trúc trượng đo lường đảnh của Thế Tôn. Một trượng sáu, Ngài cứ đo mãi như thế đến cõi trời Phạm Thiên cũng không thấy đảnh của Thế Tôn, rồi bỏ trúc trượng chắp tay thuyết kệ rằng:

Hư không chẳng biên giới,

Công đức Phật cũng vậy.

Nếu có kẻ đo lường,

Suốt kiếp chẳng thể hết.

٭

Vua Càn Thát Bà vì Thế Tôn cúng dường âm nhạc. Lúc ấy sơn hà đại địa đều phát ra tiếng đàn, Ca Diếp đứng dậy múa vũ.

Vua hỏi Phật: Ca Diếp là bậc A la hán, tập lậu đã sạch, tại sao còn có tập khí sót lại vậy?

Phật nói: Thật chẳng có sót lại, chớ nên phỉ báng pháp.

Vua lại đàn thêm ba lần, Ca Diếp cũng múa vũ ba lần. Vua nói: Ca Diếp múa vũ như thế, há chẳng phải tập khí sao?

Phật nói: Ca Diếp thật chẳng múa vũ.

Vua nói: Sao Thế Tôn lại vọng ngữ?

Phật nói: Không vọng ngữ. Lúc ngươi đàn thì sơn hà đại địa, gỗ đá đều phát ra tiếng đàn phải chăng?

Vua nói: Phải.

Phật nói: Thì Ca Diếp cũng như thế. Cho nên nói thật chẳng múa vũ.

Vua mới tín thọ.

٭

Thế Tôn ở cõi trời thứ sáu thuyết Đại Tập Kinh. Vua cõi trời ấy kêu khắp cõi người, cõi trời, tất cả ác quỷ, thần đều nên tập hội thọ sự phó chúc của Phật để ủng hộ chánh pháp. Nếu có ai không đến thì Tứ Thiên Môn Vương sẽ đem bánh xe sắt nóng bắt họ tập trung. Sau khi tập hội xong, ai cũng vâng lời Phật dạy, mỗi mỗi tự phát hoằng thệ ủng hộ chánh pháp. Chỉ có một ma vương nói với Phật rằng: “Cồ Đàm! Con ��ợi tất cả chúng sanh thành Phật hết, cõi chúng sanh đã không, chẳng có tên gọi chúng sanh nữa, con mới phát Bồ đề tâm”.

٭

Đề Bà Đạt Đa phỉ báng Phật, nên ngay cái thân đang sống mà đã bị đọa địa ngục.

Phật bảo A Nan đi hỏi: Ngươi ở trong địa ngục có yên không?

Đáp: Tôi dù ở địa ngục nhưng vui như cõi trời Tam thiền.

Phật lại sai A Nan hỏi nữa: Ngươi muốn cầu ra không?

Đáp: Tôi đợi Thế Tôn đến mới ra.

A Nan nói: Phật là Đạo sư tam giới, há có phần vào địa ngục ư?

Đề Bà nói: Phật đã không có phần vào địa ngục thì tôi há có phần ra địa ngục ư!

٭

Văn Thù bỗng khởi Pháp Kiến, Phật Kiến, bị sức oai thần của Thế Tôn đày đi núi Nhị Thiết Vi.

٭

Trên hội Linh Sơn có năm Tỳ kheo đắc định Tứ Thiền, đủ năm thần thông mà chưa đắc Pháp nhãn. Mỗi vị dùng thần thông Túc mạng tri thì đều tự thấy giết cha hại mẹ và phạm những tội nặng. Do đó mỗi người trong tâm tự hoài nghi, thành ra đối với pháp thâm sâu chẳng thể chứng nhập. Lúc ấy, Văn Thù thừa oai thần lực của Phật, tay cầm kiếm bén bức bách Như Lai.

Thế Tôn nói với Văn Thù rằng: Ngưng! Ngưng! Chớ nên hại ta mà tạo tội ngũ nghịch. Nhưng nhất quyết hại ta thì phải khéo hại cái ngã chấp của ta. Văn Thù Sư Lợi! Ngươi từ xưa nay chẳng có ngã nhân (ta và người), chỉ vì nội tâm thấy có ngã nhân. Khi nội tâm chẳng khởi, thì ngã nhân ắt phải diệt, tức gọi là hại cái ngã chấp của ta.

Do đó, năm trăm Tỳ kheo tự ngộ bản tâm như mộng như huyễn. Ở trong mộng huyễn chẳng có ngã nhân, cho đến năng sanh sở sanh, cha mẹ đều như mộng huyễn, chẳng có ngã nhân. Rồi năm trăm Tỳ kheo cùng nói kệ tán thán rằng:

Văn Thù bậc đại trí,

Thấu đạt nguồn đáy pháp.

Tự tay cầm kiếm bén,

Bức bách thân Như Lai.

Kiếm vậy, Phật cũng vậy,

Một tướng chẳng có hai.

Vô tướng vô sở sanh,

Đâu thể nói giết hại.

Ngã nhân đã không có,

Thì còn ai tạo tội.

٭

Ngoại đạo hỏi Phật: Không hỏi có lời, không hỏi chẳng lời?

Thế Tôn im lặng giây lâu.

Ngoại đạo tán thán rằng: “Thế Tôn đại từ đại bi khai phá đám mây mê muội cho con khiến con được ngộ nhập”. Rồi đảnh lễ ra đi.

A Nan bạch Phật: Ngoại đạo đắc đạo lý gì mà tán thán như vậy?

Thế Tôn nói: Như con tuấn mã ở thế gian, thấy bóng roi liền chạy nhanh.

٭

Vua Ba Tư Nặc hỏi Phật: Trong Thắng nghĩa đế có Thế tục đế chăng? Nếu nói không thì trí chẳng nên hai, nếu nói có thì trí chẳng nên một. Cái nghĩa của một hai ấy là thế nào?

Phật nói: Đại Vương! Ông ở kiếp Long Quang Phật trong quá khứ từng hỏi nghĩa này. Nay ta vô thuyết, nay ông vô thính, vô thuyết vô thính ấy là nghĩa một hay nghĩa hai?

٭

Ngoại đạo hỏi Phật: Hôm qua thuyết pháp gì?

Phật nói: Thuyết pháp nhất định.

Ngoại đạo lại hỏi: Hôm nay thuyết pháp gì?

Phật nói: Pháp chẳng định.

Ngoại đạo nói: Tại sao hôm qua thuyết pháp nhất định, nay lại thuyết pháp chẳng định?

Phật nói: Hôm qua “định”, hôm nay “chẳng định”.

٭

Ngoại đạo hỏi Phật: Các pháp là thường ư?

Phật không đáp.

Lại hỏi: Các pháp vô thường ư?

Phật cũng không đáp.

Ngoại đạo nói: Thế Tôn là bậc đầy đủ tất cả trí huệ, tại sao không đáp?

Phật nói: Vì các câu hỏi của ngươi đều là hý luận.

٭

Lúc Phật đang ngồi dưới gốc cây Nê-cô-luật thì có hai thương gia hỏi Phật: Có thấy xe qua không?

Đáp: Chẳng thấy.

Hỏi: Có nghe tiếng xe không?

Đáp: Chẳng nghe.

Hỏi: Phải đang thiền định không?

Đáp: Chẳng thiền định.

Hỏi: Phải đang ngủ không?

Đáp: Không ngủ.

Người thương gia tán thán rằng: Lành thay! Lành thay! Thế Tôn đại giác nên chẳng thấy nghe.

٭

Có một Phạn Chí Móng Tay Dài xin biện luận nghĩa lý với Phật, giao ước trước rằng: Nếu tôi thua thì sẽ tự chém đầu để tạ lỗi.

Thế Tôn hỏi: Nghĩa lý của ngươi lấy gì làm tôn chỉ?

Phạn Chí nói: Tôi lấy “tất cả đều chẳng thọ nhận” làm tôn chỉ.

Phật nói: Tôn chỉ này ngươi thọ nhận chăng?

Phạn Chí quay đầu bỏ đi, giữa đường chợt tĩnh ngộ, than rằng: “Nghĩa lý của ta có hai chỗ thua. Tại sao? Nếu nói thọ nhận thì chỗ thua là thô (lớn), nếu nói chẳng thọ nhận thì chỗ thua là tế (nhỏ). Tất cả trời, người và Nhị thừa đều chẳng biết cái nghĩa lý chỗ thua của ta, chỉ có Thế Tôn với các Đại Bồ tát mới biết”. Nghĩ thế, ông liền trở về trước Phật nói: “Nghĩa lý tôi có hai chỗ thua nên xin tự chém đầu để tạ lỗi”.

Phật nói: Trong pháp ta chẳng có việc này. Ngươi biết quấy thì nên hồi tâm hướng đạo.

Do đó Phạn Chí cùng năm trăm đệ tử đồng thời theo Phật xuất gia, sau này đều chứng quả A la hán.

٭

Một hôm Thế Tôn đang ngồi thấy hai người khiêng con heo đi ngang, Phật hỏi: Cái đó là gì?

Họ nói: Phật có đầy đủ trí huệ lại không biết con heo sao?

Phật đáp: Cũng nên hỏi qua vậy.

٭

Phật ở hội Linh sơn “niêm hoa thị chúng”. Lúc ấy chúng đều im lặng, chỉ một mình Tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Thế Tôn nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng (từ nghi đến ngộ), Niết bàn diệu tâm, Thực tướng vô tướng, Pháp môn vi diệu, Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp”.

Rồi Thế Tôn đến trước tháp Đa Tử bảo Ma Ha Ca Diếp ngồi kế cạnh, dùng Tăng già lê (áo cà sa) quàng lên thân Ca Diếp và bảo rằng: “Ta đem chánh pháp nhãn tạng mật phó cho ngươi, ngươi nên hộ trì”. Rồi bảo A Nan làm phó, giúp Ca Diếp hoằng hóa, chớ cho đoạn tuyệt. Xong Phật thuyết kệ rằng:

Bản pháp vốn vô pháp,

Vô pháp cũng là pháp.

Nay phó chúc vô pháp,

Pháp pháp đâu từng pháp.

Thế Tôn thuyết kệ xong lại bảo Ca Diếp: “Ta đem áo Kim Lan Tăng già lê truyền phó cho ngươi để chuyển trao cho Phật vị lai”. (Nay Ca Diếp đang nhập định tại núi Kê Túc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chờ ngày Phật Di Lặc ra đời).

Ca Diếp nghe kệ xong đảnh lễ chân Phật, tán thán rằng: Lành thay! Lành thay! Con sẽ vâng lời Phật.

Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, Văn Thù thỉnh Phật tái Chuyển pháp luân. Thế Tôn quở rằng: Văn Thù! Ta bốn mươi chín năm trụ thế chưa từng thuyết một chữ. Nay ngươi thỉnh ta tái Chuyển pháp luân, vậy cho ta đã từng Chuyển pháp luân sao?

٭

Thế Tôn ở trong hội Niết Bàn tay đặt trên ngực bảo chúng rằng: “Đại chúng hãy khéo quán xét cái thân vàng này, chiêm ngưỡng cho đủ, chớ nên hối tiếc. Nếu nói ta diệt độ thì chẳng phải đệ tử của ta. Nếu nói ta chẳng diệt độ thì cũng chẳng phải đệ tử của ta”. Khi ấy cả triệu ức chúng thảy đều khế ngộ.

٭

Lúc bấy giờ Thế Tôn đến thành Câu Thi La bảo đại chúng rằng: “Nay ta đau lưng muốn nhập Niết bàn”. Rồi Ngài đi bộ đến gần bờ sông Ni Liên, giữa hai cây Sa La, nằm nghiêng phía mặt im lặng thị tịch. Sau đó Ngài lại từ trong quan tài ngồi dậy vì mẹ thuyết pháp, lại đặc biệt đưa ra hai chân để hóa độ Kỳ Bà và thuyết kệ vô thường rằng:

Chư hạnh vô thường là pháp sanh diệt,

Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt làm vui.

Lúc ấy các đệ tử dành nhau đem trầm hương thiêu đốt quan tài. Sau khi lửa tàn, quan tài v���n còn nguyên. Đại chúng thấy vậy, ngay trước Phật tán kệ rằng:

Vật phàm dù cháy bừng,

Đâu thể thiêu thân Thánh.

Xin thỉnh lửa Tam muội,

Để thiêu sắc thân vàng.

Lúc bấy giờ, quan tài tự nhảy lên cao bằng cây Sa la, rồi lên xuống bảy lần như vậy trên không xong hóa ra lửa Tam muội, trong chốc lát biến thành tro, có cả thảy tám giạ bốn đấu xá lợi. Hôm đó, nhầm ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thân, tức năm thứ năm mươi hai đời vua Chiêu Mục Vương. Một ngàn bảy trăm năm sau khi Thế Tôn nhập diệt, giáo pháp được truyền sang Trung Quốc, tức nhằm năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Bình đời Hậu Hán (năm 67 sau Tây Lịch).

Ngay Thế Tôn nhập Niết bàn, ngài Ca Diếp là người đến sau cùng, Thế Tôn thò hai chân từ trong quan tài ra thị hiện cho Ca Diếp xem.

٭

CÔNG ÁN TRÍCH TRONG KINH LĂNG GIÀ

Một hôm Thế Luận Bà La Môn hỏi Phật rằng: Cồ Đàm! Tất cả là sở tác ư?

Phật nói: Bà La Môn! Nói có sở tác là thế luận một.

Hỏi: Tất cả chẳng phải sở tác ư?

Đáp: Tất cả chẳng phải sở tác là thế luận hai.

Hỏi: Tất cả thường ư? Tất cả vô thường ư? Tất cả sanh ư? Tất cả bất sanh ư?

Đáp: Ấy là thế luận ba, bốn, năm, sáu.

Hỏi: Tất cả một ư? Tất cả khác ư? Tất cả đủ ư? Tất cả chẳng đủ ư? Tất cả đều do mỗi mỗi nhân duyên mà thọ sanh ư?

Đáp: Ấy là thế luận bảy đến mười một.

Hỏi: Tất cả vô ký (chẳng thiện chẳng ác) ư? Tất cả ký (hoặc thiện hoặc ác) ư? Hữu ngã ư? Vô ngã ư? Có kiếp này ư? Chẳng kiếp này ư? Có các kiếp khác ư? Chẳng kiếp khác ư? Có giải thoát ư? Chẳng giải thoát ư? Tất cả là sát na ư? Tất cả không sát na ư? Là hư không ư? Là chẳng phải hư không ư? Cồ Đàm! Có năng tác ư? Chẳng có năng tác ư? Có trung ấm ư? Chẳng có trung ấm ư?

Đáp: Bà La Môn! Những câu hỏi như thế đều là thế luận, chẳng phải sở thuyết của ta. (4)

(4) Năng sở: Năng là chủ động, sở là bị động.

Thí dụ: Năng lễ, sở lễ thì năng là thân, sở lễ là Phật. Mắt là năng thấy, vật là sở thấy; tai là năng nghe, âm thanh là sở nghe.

CÔNG ÁN CỦA TỔ ĐẠT MA

Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma là người Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua nước Hương Chí, họ Sát Đế Lợi, trước tên là Bồ Đề Đa La, về sau khi đắc pháp nơi Tôn giả Bát Nhã Đa La, Tôn giả nói: “Ngươi đối với các pháp đã được thông đạt. Đạt Ma là thông đạt đại nghĩa, nên ta đổi tên cho ngươi là Đạt Ma”.

Tổ hỏi Tôn giả: Nên đi nước nào làm Phật sự?

Tôn giả nói: Ngươi dù đắc pháp, chưa thể đi xa; hãy tạm ở Nam Thiên Trúc, đợi sau khi ta diệt độ sáu mươi bảy năm, thì nên sang Trung Quốc thí đại pháp dược, tiếp người thượng căn. Chớ nên đi gấp mà có thể thành chướng duyên.

Tổ lại hỏi: Nước Trung Quốc có bậc đại sĩ kham làm pháp khí chăng? Ngàn năm về sau có chướng nạn chăng?

Tôn giả đáp: Chỗ ngươi hoằng hóa, người được chứng quả Bồ đề chẳng thể kể xiết. Sau khi ta diệt độ hơn sáu mươi năm, nước ấy có nạn, tà pháp trôi nổi, ngươi hãy khéo đi hàng phục. Ngươi đến nước ấy chớ nên lưu lại miền Nam vì họ chỉ ham công nghiệp hữu vi, chẳng thấu lý Phật, dù ngươi đến cũng chẳng thể lưu lại đó đâu. Nghe bài kệ ta đây:

Giữa đường vượt biển gặp con dê,

Một mình vắng lặng lén qua sông,

Đáng tiếc roi ngựa dưới mặt trời,

Hai cây quế tươi lâu mãi mãi.

Tổ lại hỏi: Về sau còn có việc gì không?

Tôn giả đáp: Một trăm năm mươi năm về sau thì có nạn nhỏ. Nghe kệ sấm đây:

Trong tâm cát tường, bên ngoài hung,

Tăng phòng thiên hạ gọi không trúng,

Vì gặp độc long sanh võ tử,

Bỗng gặp chuột con tịch vô cùng.

Tổ lại hỏi: Về sau thế nào?

Tôn giả đáp: Hai trăm năm mươi năm về sau, dưới Tòng Lâm sẽ gặp một người đắc đạo quả. Nghe kệ sấm đây:

Trung Quốc tuy rộng chẳng đường khác,

Càng nhờ con cháu đi dưới chân,

Gà vàng biết ngậm một hạt lúa,

Cúng dường mười phương La Hán Tăng.

Tổ vâng lời dạy bảo, siêng năng phục bốn mươi năm, đến khi Tôn giả viên tịch mới ra hoằng hóa khắp trong nước. Lúc ấy có hai sư, một vị là Phật Đại Tiên, một vị là Đại Thắng Đa, trước là bạn của Tổ cùng học Thiền quán Tiểu thừa với ngài Phật Đà Bạt Đà. Phật Đại Tiên đã gặp Tôn giả Bát Nhã Đa La, bỏ Tiểu thừa hướng Đại thừa, được ngộ và cùng Tổ hoằng hóa. Lúc bấy giờ người đời xưng là “hai cửa cam lồ”. Còn Phật Đại Thắng Đa La chia môn đồ thành sáu tông:

1. Hữu Tướng tông.

2. Vô Tướng tông.

3. Định Huệ tông.

4. Giới Hạnh tông.

5. Vô Đắc tông.

6. Tịch Tịnh tông.

Các tông mỗi mỗi tự ôm chặt kiến giải của tông mình tự cho là cội nguồn, triển khai hoằng hóa khác nhau.

Tổ than rằng: Một thầy kia đã lún chân xuống sình lại còn chi ly làm sáu tông, nếu ta chẳng đi phá trừ thì họ vĩnh viễn bị trói trong tà kiến.

Nói xong hiện chút thần lực đến nơi Hữu Tướng tông hỏi: Sao lại gọi tất cả các pháp là Thực tướng?

Tông trưởng trong chúng là Tát Bà La đáp: Nơi các tướng chẳng biết lẫn nhau gọi là Thực tướng.

Tổ hỏi: Tất cả tướng chẳng biết lẫn nhau, nếu gọi là Thực tướng thì lấy gì để xác định?

Đáp: Nơi các tướng thực bất định. Nếu các tướng nhất định thì sao gọi là thực! (5)

Tổ hỏi: Các tướng bất định, chẳng nói chứng các tướng. Khi nói chứng các tướng thì nghĩa ấy cũng bất định vậy.

Tổ hỏi: Ông nói bất định tức là Thực tướng. Định nếu bất định tức phi Thực tướng.

Đáp: Định đã bất định tức phi Thực tướng. Vì biết ta phi (ta phi là vô ngã) nên bất định bất biến.

Tổ nói: Nay ông bất biến sao gọi Thực tướng. Nếu biến thì biến mất, cũng không gọi là Thực tướng.

Đáp: Bất biến nên tồn tại, vì tồn tại chẳng thực nên gọi là biến Thực tướng để xác định nghĩa ấy.

Tổ hỏi: Thực tướng chẳng biến, biến thì chẳng thực. Nơi pháp hữu vô cái nào gọi là Thực tướng?

Tát Bà La biết Tổ là Thánh sư, đã thấu suốt nghĩa lý, liền dùng tay chỉ hư không rằng: Đây là hữu tướng của thế gian vì có thể không. Nay thân ta được giống không này chăng?

Tổ nói: Nếu thấu Thực tướng thì thấy phi tướng. Nếu liễu phi tướng, sắc ấy cũng vậy. Khi ở nơi sắc chẳng mất bản thể của sắc, ở trong phi tướng chẳng ngại sự có. Nếu được thấu hiểu như thế, ấy gọi là Thực tướng.

Họ nghe xong tâm ý khai mở, khâm phục lễ bái tín thọ.

(5) Kinh Kim Cang viết: “Nếu thấy các tướng không phải là tướng mới là thấy Thực tướng”.

٭

Tổ thình lình biến mất, rồi đến chỗ Vô Tướng tông hỏi: Ông nói Vô tướng làm sao chứng tỏ?

Trong chúng họ có ông Ba La Đề đáp: Vì tâm chẳng hiện nên nói Vô tướng.

Tổ hỏi: Tâm ông chẳng hiện lấy gì chứng minh?

Đáp: Ta biết Vô tướng, tâm chẳng lấy bỏ. Đang lúc biết cũng chẳng có kẻ biết.

Tổ nói: Nơi hữu và vô, tâm chẳng lấy bỏ, cũng chẳng có kẻ biết thì cái biết thành không.

Họ nói: Nhập Tam muội Phật còn vô sở đắc, huống là Vô tướng mà còn muốn biết nó.

Tổ hỏi: Tướng đã chẳng biết, ai nói hữu, vô. Còn vô sở đắc thì lấy gì gọi là Tam muội?

Đáp: Ta nói chẳng chứng nghĩa là chứng vô sở chứng. Vì phi Tam muội, ta nói Tam muội.

Tổ hỏi: Nếu phi Tam muội lấy gì đặt tên. Ông đã chẳng chứng “vô chứng” làm sao mà chứng?

Ba La Đề nghe Tổ phân tích liền ngộ bản tâm, đảnh lễ với Tổ tạ lỗi sám hối. Tổ thọ ký rằng: Ông không bao lâu sẽ chứng quả. Nước này có ma nhưng sẽ hàng phục.

Nói xong thình biến mất.

٭

Tổ đến Định Huệ tông hỏi: Ông học định huệ là một hay là hai?

Trong chúng họ có ông Bà Lan Đà đáp: Định huệ ta đây chẳng một chẳng hai.

Tổ hỏi: Đã chẳng một hai sao gọi định huệ?

Đáp: Ở định chẳng định, nơi huệ chẳng huệ. Một tức chẳng một, hai cũng chẳng hai.

Tổ hỏi: Lúc một chẳng một, lúc hai chẳng hai, đã chẳng định huệ lấy gì gọi là định huệ?

Đáp: Chẳng một chẳng hai, định huệ năng biết, chẳng định chẳng huệ thì cũng như vậy.

Tổ nói: Huệ chẳng phải huệ, lấy gì để biết? Chẳng một chẳng hai, ai định ai huệ?

Bà Lan Đà nghe xong, tâm nghi liền tan rã.

٭

Tổ đến Giới Hạnh tông hỏi: Thế nào là giới? Thế nào là hạnh? Cái giới hạnh là một hay là hai?

Trong chúng họ có một Hiền giả đáp: Một hai, hai một do nó tự sanh. Tuân theo giáo điều chẳng nhiễm gọi là giới hạnh.

Tổ nói: Ông nói tuân theo giáo điều tức là có nhiễm. Vậy một hai cùng phá, đâu thể nói là tuân theo giáo điều. Cả hai đều chống trái (6) chẳng theo nơi hạnh thì trong ngoài chẳng rõ, sao gọi là giới?

Đáp: Ta nói trong ngoài, ấy đã biết xong, đã được thông đạt. Nếu nói chống trái, cũng đúng cũng sai. Nói đến thanh tịnh, tức giới tức hạnh.

Tổ hỏi: Cũng đúng cũng sai sao nói thanh tịnh? Đã được thông đạt còn gì trong ngoài?

Hiền giả nghe xong liền tự hổ thẹn, tỏ lòng khâm phục.

٭

Tổ đến chỗ Vô Đắc tông hỏi: Ông nói vô đắc, vô đắc làm sao đắc? Đã vô sở đắc cũng vô đắc để đắc.

Trong chúng họ có ông Bảo Tịnh đáp: Ta nói vô đắc, chẳng phải vô đắc để đắc. Lúc nói đắc cái đắc, vô đắc là đắc.

Tổ hỏi: Đắc đã vô đắc thì chẳng phải là đắc. Đã nói đắc cái đắc, vậy đắc cái đắc đó làm sao đắc?

Đáp: Thấy đắc là phi đắc, phi đắc gọi là đắc. Nếu thấy vô đắc gọi là đắc cái đắc.

Tổ nói: Đắc đã phi đắc, đắc cái vô đắc. Đã vô sở đắc lấy gì đắc cái đắc?

Bảo Tịnh nghe xong bỗng phá lưới nghi.

٭

Tổ đến chỗ Tịch Tịnh tông hỏi: Thế nào là tịch tịnh? Ở trong pháp này ai tịch ai tịnh?

Trong chúng họ có một Tôn giả đáp: Tâm này bất động, ấy gọi là tịch. Nơi pháp vô nhiễm, ấy gọi là tịnh.

Tổ nói: Bản tâm bất tịch mới phải nhờ tịch tịnh. Nếu vốn là tịnh thì đâu cần tịch tịnh.

Họ nói: Các pháp vốn không vì không đã không. Vì không đã không nên ở nơi cái không đã không ấy gọi là tịch tịnh.

Tổ nói: Không không đã không, các pháp cũng vậy. Tịch tịnh vô tướng thì cái nào là tịch, cái nào là tịnh?

Tôn giả ấy nghe Tổ chỉ dạy hoát nhiên khai ngộ.

٭

Từ đó sáu tông đều thệ nguyện quy y nên sự giáo hóa của Tổ cùng khắp Nam Thiên Trúc. Tiếng tăm vang cả nước Ấn Độ, trải qua sáu mươi năm, độ chúng sanh vô lượng. Sau gặp lúc vua Dị Kiến (cháu gọi Tổ bằng chú) muốn hủy diệt Phật pháp, Tổ thương xót muốn cứu vớt cháu. Khi ấy sáu tông đều thầm nghĩ Tổ sẽ có cách để cứu vãn pháp nạn. Tổ từ xa biết ý của các chúng nên âm thầm búng tay báo tin cho họ.

Sáu tông đều cùng nghe được mà nói: “Tiếng búng ngón tay là hiệu báo tin của thầy chúng ta”. Rồi đều đến chỗ Tổ ở.

Tổ nói: Nay Phật pháp có chướng nạn, ai đi diệt trừ?

Có ông Tôn Thắng trước kia thuộc Vô Tướng tông xin đi.

Tổ nói: Ngươi dù biện tài thông minh nhưng đạo lực chưa đủ, lại với vua chẳng có duyên.

Thắng không nghe, tự đến vua Dị Kiến rộng thuyết pháp yếu.

Vua nói: Cái pháp của ông hiểu biết đó hiện nay ở đâu?

Thắng nói: Nhưng sự thống trị, giáo hóa của nhà vua là hợp với đạo vua, vậy hiện nay đạo vua ở đâu?

Vua nói: Đạo của ta sẽ trừ pháp tà. Pháp của ông sẽ hàng phục người nào?

Lúc bấy giờ, Tổ đang ngồi trên tòa đã biết trước lý của Tôn Thắng sẽ thua, bảo Ba La Đề rằng: Tôn Thắng chẳng nghe lời ta, đi biện luận với vua sắp thất bại rồi. Ngươi hãy mau đi cứu.

Ba La Đề nói: Xin nhờ thần lực.

Nói xong, có đám mây đỡ chân đưa đi gặp vua. Vua đang hỏi Tôn Thắng, chợt thấy, ngạc nhiên quên hỏi tiếp mà nhìn Ba La Đề nói: Kẻ bay trên không đến là chánh hay là tà?

Đề nói: Ta chẳng phải tà chánh mà đến đây để chánh lại cái tà. Tâm vua nếu chánh thì ta chẳng tà chánh.

Vua tuy cảm thấy kinh dị nhưng tánh kêu mạn đang lúc bừng, liền ra lệnh đày Tôn thắng đi xa.

Ba La Đề nói: Vua đã có đạo sao lại đày Sa môn? Ta dù không hay, xin vua cứ hỏi.

Vua giận mà hỏi: Thế nào là Phật?

Đề đáp: Kiến tánh là Phật.

Vua hỏi: Sư kiến tánh chăng?

Đề đáp: Ta kiến Phật tánh.

Vua hỏi: Tánh ở chỗ nào?

Đề đáp: Tánh ở nơi tác dụng.

Vua hỏi: Là tác dụng gì, nay ta chẳng thấy?

Đề đáp: Hiện đang tác dụng, vua tự chẳng thấy.

Vua hỏi: Nơi ta có chăng?

Đề đáp: Vua nếu tác dụng thì thể cũng khó thấy.

Vua hỏi: Nếu khi đang dụng có mấy chỗ xuất hiện?

Đề đáp: Nếu xuất hiện sẽ có tám chỗ.

Vua nói: Tám chỗ xuất hiện nào nói cho ta nghe.

Ba La Đề liền thuyết kệ rằng:

Nơi thai là thân

Ra đời là người

Nơi mắt là thấy

Nơi ta là nghe

Nơi mũi là ngửi

Ở miệng đàm luận

Ở tay cầm lấy

Ở chân đi đứng

Hiện khắp bao gồm hằng sa thế giới

Thu nhiếp lại ở trong hạt bụi nhỏ

Kẻ nhận được, biết là Phật tánh

Kẻ chẳng biết gọi là linh hồn.

Vua nghe kệ xong tâm liền khai ngộ, sám hối tạ lỗi nhìn nhận trước kia làm sai. Rồi vua hỏi: Sư nối pháp ai?

Đề đáp: Bồ Đề Đạt Ma, tức là chú của Đại Vương.

Vua liền cho cận thần nghênh tiếp Tổ đến cung vua. Tổ bảo vua sám hối lỗi trước. Vua nghe xong rơi lệ cảm tạ, rồi ra lệnh cho Tôn Thắng về nước.

Cận thần nói: Tôn Thắng khi bị đày đã gieo mình xuống vực bỏ mạng rồi.

Tổ nói: Thắng còn sống, lệnh vua triệu sẽ đến.

Ban sơ, Tôn Thắng bị đày, tự thấy hổ thẹn gieo mình xuống vực. Bỗng có thần nhân cứu để trên tảng đá.

Thắng nói: Ta là bậc Sa môn lấy chánh pháp làm chủ, vì chẳng thể sửa cái quấy của vua nên bỏ mình tự trách. Nay thần sao tự cứu giúp, xin nói rõ nguyên do?

Thần nhân bèn nói kệ rằng:

Xưa thọ đến trăm tuổi,

Tám mươi vẫn làm sai.

Thân cận bậc chí tôn,

Huân tu mà nhập đạo.

Tuy có ít trí huệ,

Nhưng còn nhiều nhân ngã.

Gặp các bậc Hiền Thánh,

Chưa nổi lòng cung kính.

Hai mươi năm công phu,

Cái tâm vẫn chưa tịnh.

Vì thông minh khinh mạn,

Mà thọ quả như thế.

Ngươi gặp vua bị khinh,

Cảm quả đúng như vậy.

Từ nay chẳng giải đãi,

Chẳng lâu thành bậc trí.

Chư Thánh đều hộ niệm,

Như Lai cũng như vậy.

Thắng nghe kệ vui mừng, rồi tĩnh tọa trên tảng đó. Đến đây, sứ thần của vua vào núi triệu về.

Khi đó ở trong cung, Tổ nói với vua: Biết Thắng chịu đến chăng?

Vua nói: Chưa biết.

Tổ nói: Phải ra lệnh thứ hai mới được.

Khi sứ thần đến núi thì Thắng từ chối. Quả thực, sau đó được lệnh thứ hai mới chịu về.

Tổ nghĩ đến việc Đông độ Trung Quốc theo như Phật đã thọ ký rằng “Năm trăm năm về sau ngọn đèn trí Bát nhã sẽ tỏ ánh sáng nơi đó”, nên phó chúc đệ tử là Bát Nhã Mật Đa La lưu ở Thiên Trúc hoằng pháp, rồi tự mình sang Trung Quốc. Trước khi khởi hành, Ngài tới lễ bái tháp chư Tổ, từ giả bạn học và khuyên vua siêng tu hạnh nghiệp, nói: “Tôi đi mười chín năm sẽ về”.

Tổ đi đường biển trải qua ba năm mới đến Trung Quốc, nhằm năm thứ bảy niên hiệu Phổ Thông đời Lương, là ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý. Lúc ấy châu trưởng Quảng Châu là Tiêu Ngang nghênh tiếp cúng dường đủ lễ, trình biểu văn báo cho Võ Đế. Võ Đế sai sứ thần nghênh thỉnh, nhằm ngày 11 tháng 10, Tổ đến thủ đô Kim Lăng.

Võ Đế hỏi: Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, cất chùa, in kinh, độ Tăng chẳng thể kể xiết. Như thế có công đức gì?

Tổ đáp: Chẳng phải là công đức.

Võ Đế hỏi: Tại sao chẳng phải là công đức?

Tổ đáp: Ấy chỉ là cái tiểu quả trời người, là cái nhân hữu lậu, như ảnh tùy hình, dù có mà chẳng thật.

Võ Đế hỏi: Thế nào chân công đức?

Tổ đáp: Tịnh trí diệu viên thể tự không tịch. Công đức như thế chẳng do làm việc thế gian mà cầu được.

Võ Đế lại hỏi: Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?

Tổ đáp: Rõ ràng vô thánh.

Võ Đế hỏi: Hiện ở trước mặt trẫm là ai?

Tổ trả lời: Không biết.

Võ Đế không ngộ được.

Tổ biết cơ chẳng khế hợp, đến ngày 19 tháng đó âm thầm qua sông đi nước Ngụy. Ngày 23 tháng 11 đến thành phố Lạc Dương, ngụ tại Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn. Suốt ngày im lặng hướng vách tĩnh tọa, người đời chẳng biết lại gọi là “Bà La Môn quán vách”.

Biệt truyện ghi rằng:

“Sau khi Tổ bỏ đi, Võ Đế đem chuyện này nói với Chí Công.

Công hỏi: Bệ hạ biết người này chăng?

Võ Đế trả lời: Không biết.

Công nói: Ấy là Quan Âm Đại Sĩ truyền tâm ấn Phật.

Võ Đế ăn năn muốn sai sứ thần đuổi theo thỉnh về.

Công nói: Đừng nói sai một sứ thần, dẫu cho người cả nước đi thỉnh, Ngài cũng không về”.

Sau này, Thiền sư viên Ngộ kể chuyện này với chúng rằng: Cái không biết của Võ Đế nói, so với cái không biết của Tổ Đạt Ma nói, là đồng hay là khác? Giống thì có giống, phải thì không phải. Phần đông hiểu lầm rằng cái “không biết” của Tổ Đạt Ma là đáp về thiền, cái “không biết” Võ Đế đáp câu hỏi của Chí Công, là cái không biết thuộc về nhận biết. Đoán mò như thế trọn chẳng dính dáng. Nếu lúc bấy giờ, Chí công hỏi như thế thì cần trả lời như thế nào? Theo ta thì chẳng bằng một gậy đánh chết cho xong, tránh cho người ta suy đoán hồ đồ.

٭

Có tăng Thần Quang ở xứ Y Lạc, rộng xem đủ thứ kinh sách, khéo luận lý nhiệm màu, thường than rằng: “Giáo của Khổng Tử nói về phong tục lễ nhạc, sách của Lão Trang cũng chưa đến diệu lý cùng tột. Gần đây nghe nói Đại sĩ Đạt Ma là bậc chí nhân, ở Thiếu Lâm Tự chẳng cách xa, phải đến tham vấn”. Bèn đi đến chỗ Tổ tham học. Thấy Tổ suốt ngày im lặng hướng vách không một lời dạy bảo, Quang tự thầm nghĩ: “Người xưa từng trải tóc che sình, cho đến chẳng tiếc máu thịt, xương tủy để cúng dường cầu đạo. Xưa còn như vậy, nay ta không làm được sao”. Gặp đêm tuyết lớn, Quang đứng hầu ngoài cửa suốt đêm, gần sáng tuyết ngập quá đầu gối nhưng vẫn đứng yên chỗ đó, một lòng cung kính.

Tổ nhìn thấy, thương xót hỏi rằng: Ngươi đứng lâu trong tuyết muốn cầu việc gì?

Quang rơi lệ nói: Xin Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ rộng độ chúng sanh.

Tổ nói: Diệu đạo của chư Phật phải nhiều kiếp siêng năng tinh tiến, hành chỗ khó hành, nhẫn chỗ khó nhẫn mới được, đâu thể dùng thiểu đức thiểu trí, khinh tâm mạn tâm mà được.

Quang nghe lời Tổ khích lệ, liền lấy dao bén chặt cánh tay trái để trước bàn Tổ.

Tổ biết là pháp khí, nói: “Chư Phật ban sơ cầu đạo vì pháp quên mình. Nay ngươi chặt cánh tay trước ta cầu pháp, ta cũng hứa khả”. Do đó Tổ đổi tên cho Quang là Huệ Khả.

Huệ Khả hỏi: Pháp ấn của chư Phật con được nghe chăng?

Tổ nói: Pháp ấn của chư Phật chẳng do người khác mà được.

Khả nói: Tâm con chưa an, xin thầy an cho.

Tổ nói: Đem tâm lại để ta an cho.

Giây lâu, Khả nói: Tìm tâm trọn chẳng thể đắc.

Tổ nói: Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

٭

Chín năm sau, Tổ muốn về Thiên Trúc, một hôm nói với môn đồ rằng: Thời tiết đã đến, các ngươi hãy tự kể sự sở đắc của mình.

Có đệ tử Đạo phó nói: Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, ấy là dụng của đạo.

Tổ nói: Ngươi được da của ta.

Ni Tổng Trì nói: Hiểu biết của con như Tôn giả Khánh Hỷ thấy cõi Phật Bất Động, một cái thấy vốn đầy đủ, chẳng cần thêm cái thấy nữa.

Tổ nói: Ngươi được thịt của ta.

Đạo Dục nói: Tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có, chỗ thấy của con không có một pháp để đắc.

Tổ nói: Ngươi được xương của ta.

Sau cùng, Huệ Khả ra lễ bái rồi trở về đứng lại chỗ cũ.

Tổ nói: Ngươi được tủy của ta. Thuở xưa, Như Lai đem Chánh pháp nhãn tạng phó chúc cho Đại sĩ Ca Diếp rồi truyền thừa từng đời cho đến thân ta. Nay ta phó chúc cho ngươi, ngươi hãy hộ trì. Đồng thời truyền cà sa cho ngươi để làm tin cho pháp.

Khả xin Tổ chỉ dạy cho rõ.

Tổ nói: Trong truyền pháp ấn để khế chứng bản tâm, ngoài phó cà sa để xác định tông chỉ. Vì sợ người đời sau lòng tin chưa vững sanh ra nghi ngờ, nói “Ta là người Ấn Độ, ngươi là người Trung Quốc, nhờ gì mà đắc pháp, lấy gì để chứng tỏ”? Nay ngươi thọ nhận y, pháp này. Về sau có chướng nạn xảy ra hãy lấy y, và kệ truyền pháp của ta dùng để chứng minh thì sự giáo hóa sẽ vô ngại.

Hai trăm năm sau khi ta nhập diệt phải ngưng sự truyền y. Về sau, chánh pháp cùng khắp pháp giới, kẻ biết đạo thì nhiều, kẻ hành đạo thì ít, kẻ thuyết lý thì nhiều, kẻ thấu lý thì ít. Nay ngươi xiển dương pháp này chớ khinh người chưa ngộ. Hễ được một niệm trở về cội nguồn thì đồng như bản đắc, sự âm thầm mặc chứng sẽ muôn muôn ngàn ngàn. Hãy nghe ta nói kệ đây:

Ta đi đến đất này,

Truyền pháp cứu người mê.

Một bông nở năm nhánh,

Kết quả tự nhiên thành.

Tổ lại nói: Ta có kinh Lăng Già bốn quyển nay cũng giao phó cho ngươi dùng để ấn chứng hậu học. Ấy là tâm địa yếu môn của Như Lai khiến các chúng sanh khai thị ngộ nhập.

Từ khi ta đến đất này đã bị đầu độc năm lần. Ta đem độc để trên tảng đá thì tảng đá nổ bung. Ta lìa Ấn Độ đến Trung Quốc là vì thấy đất này có khí tượng Đại thừa, nên vượt biển vì pháp cầu người. Vì nhân duyên chưa đến nên thị hiện ngu dại hướng vách chờ đợi, nay được ngươi để phó pháp thì ý ta đã thỏa mãn.

Nói xong cùng môn đồ đến chùa Thiên Thánh ở Vũ Môn, lưu lại đó ba ngày. Có Thái thú Kỳ Thành tên Dung Huyền Chi hâm mộ Phật thừa, hỏi Tổ rằng: Ở Tây Thiên Ấn Độ, sự truyền thừa làm Tổ là thế nào?

Tổ nói: Thấu tâm tông (Thiền tông) của Phật, hạnh giải tương ưng, ấy gọi là Tổ.

Lại hỏi: Ngoài ra còn có gì nữa?

Tổ nói: Cần tin tự tâm bất nhị chẳng có tương đối. Nên đối với các chẳng chấp hữu vô, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng trí chẳng ngu, chẳng mê chẳng ngộ. Đã được thấu đạt nên xưng là Tổ.

Huyền Chi nói: Đệ tử quy y Tam bảo đã nhiều năm mà trí huệ ám muội, còn mê chân lý. Vừa nghe sư nói vẫn chưa biết rõ, xin sư từ bi khai thị tông chỉ.

Tổ biết Huyền Chi khẩn thiết, liền thuyết kệ rằng:

Cũng chẳng thấy ác mà khinh chê,

Cũng chẳng thấy thiện mà khen ngợi,

Cũng chẳng xa ngu mà gần trí,

Cũng chẳng bỏ mê mà lấy ngộ,

Đại đạo thì siêu việt số lượng,

Thông tâm Phật thì tự động độ sanh,

Chẳng trói buộc nơi phàm Thánh,

Siêu nhiên gọi đó là Tổ.

Huyền Chi nghe kệ bi, hỷ xen nhau mà rằng: Xin sư thường trụ thế gian để hóa đạo quần sanh.

Tổ nói: Ta sẽ đi về, chẳng thể ở lâu. Chúng sanh căn tánh muôn ngàn sai biệt nên ta phải gặp nhiều ngu mê làm chướng nạn cho ta (biết trước sẽ bị người đầu độc).

Huyền Chi nói: Có thể cho biết người nào để đệ tử vì sư trừ được chăng?

Tổ nói: Ta truyền Phật bí tạng để lợi ích kẻ mê, đâu thể hại người để tự yên. Ắt chẳng có lý này.

Huyền Chi nói: Sư nếu không nói ra làm sao thị hiện sức biến thông quang chiếu.

Tổ bất đắc dĩ mới cho bài sấm rằng:

Thuyền sông vạch sóng ngọc,

Ống đuốc mở khóa vàng.

Ngũ khẩu cùng đi chung,

Cửu thập vô nhân ngã.

Huyền Chi chẳng thể đoán hiểu được, đành lễ bái cáo từ.

Lúc bấy giờ, Vua nước Ngụy rất kính Phật thừa. Trong đạo có nhiều Cao Tăng như Quang Thống luật sư, Lưu Chi tam tạng… đều là loan phụng trong hàng Cao Tăng, mà tư tưởng chủ trương lại trái ngược nhiều với Tổ. Đạo phong của Tổ truyền đi khắp nơi, kẻ trí thức đều quy tụ lại cầu pháp làm cho họ sanh tâm ganh tị, đầu độc năm lần cũng không gây hại được. Đến lần thứ sáu, Tổ đã truyền pháp cho Nhị Tổ, việc hóa duyên đã xong, nên thị hiện trúng độc mà tịch. Môn đồ mai táng Tổ trên núi Hùng Nhĩ, xây tháp nơi Định Lâm Tự.

Năm ấy sứ thần nước Ngụy là Tống Vân từ Sung Đỉnh (biên giới Ấn Độ) về, giữa đường thấy Tổ xách chiếc giầy đi nhẹ nhàng như bay.

Vân hỏi: Đại sư đi đâu vậy?

Tổ nói: Đi về Thiên Trúc.

Vân về kinh tâu chuyện với vua. Khi vua ra lệnh cho môn đồ của Tổ đào mả thì thấy trong quan tài trống rỗng chỉ còn có một chiếc giầy. Vua ban chiếu đem chiếc giầy ấy thờ phụng nơi Thiếu Lâm Tự.

Đến năm thứ mười lăm niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, nhằm năm Đinh Mão, bị tín đồ trong đạo ăn trộm đem về Ngũ Đài Sơn. Hiện nay đã mất tích chẳng biết ở đâu.

---o0o---

Nguồn: thuvienhoasen.org

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2013(Xem: 5079)
Khi đề cập đến Thiền Tông người ta hay liên tưởng đến Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) người đã mang sứ mệnh cao cả truyền trao cho con người. Cuộc đời của Bồ Đề Đạt Ma tựa như ánh sáng rực rỡ quét sạch bóng đêm phủ xuống cuộc đời chớp nhoáng như điện xẹt và phong thái lạ lùng quái đản đó đưa tên tuổi của người đi vào huyền thoại. Cho đến bây giờ hình ảnh và âm vang vô tận của những lời thuyết pháp vẫn còn chấn động cả thiền môn, rung chuyển trong tận cùng tâm thức, hình bóng của người đã ngả dài trong suốt lịch sử nhân loại, vươn lên tìm một sinh lộ cho sự trở về uyên nguyên giác ngộ, không nhất thiết và giới hạn ở phương vị nào cho sự trở về ấy.
07/09/2011(Xem: 4128)
Đại Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn 5) tổ chức tại Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp Quốc từ ngày 8 đến ngày 11-09-2011
07/08/2011(Xem: 13053)
Nói đến tinh thần "Hòa quang đồng trần" tức là nói đến tinh thần nhập thế của đạo Phật, lấy ánh sáng của đức Phật để thắp sáng trần gian, “sống trong lòng thế tục, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm”, và biết cách biến sứ mệnh đạo Phật thành lý tưởng phụng sự cho đời, giải thoát khổ đau cho cá nhân và xã hội. Thời đại nhà Trần và đặc biệt vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã làm được điều này thành công rực rỡ, mở ra trang sử huy hoàng cho dân tộc.
24/11/2010(Xem: 12317)
Bộ Ảnh về Cuộc Đời Đức Phật, Bộ hình phác họa về lịch sử, cuộc đời đức Phật do một họa sĩ người Thái Jamnuon Jhanando thực hiện. Những lời giải thích do cá nhân chúng tôi chú thích, nếu có sai sót xin nhờ quý vị chỉnh sửa dùm cho đúng. Kính tri ân…
24/09/2010(Xem: 7807)
Khi nói tới Thiền tông thì tên tuổi của tổ Lâm Tế đượcnhắc nhở đến nhiều nhất vì dòng Thiền của tổ vẫn cònđược truyền tiếp mạnh mẽ cho tới ngày nay. Tại NhậtBản hai tông Zen, tức Thiền tông, còn tồn tại đến nay làtông Lâm Tế (Nhật: Rinzai) và Tào Ðộng (Nhật: Soto). TạiViệt Nam thì trừ vài chùa là thuộc tông Tào Ðộng còn lạiđều thuộc tông Lâm Tế. Như vậy nói tới Thiền tông thìkhông thể không biết về đường lối tu hành do tổ Lâm Tếtruyền lại.
23/09/2010(Xem: 4198)
“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ” Nếusự hiện diện của Bồ Đề Đạt Ma là kẻ đi trong cô đơn nhất, thì sự hiện hữu của Lục Tổ Huệ Năng là kẻ sống với cô đơn nhất. Huệ Năng con người đã được mệnh xưng là kẻ siêu việt trong lịch sử Thiền Tông mà cho đến bây giờ chưa một ai có thể đương đầu nổi, một kẻ cô đơn vượt thoát ra ngoài tử sinh chỉ duy nhất một lần nghe kinh. .. Ảnh hưởng của Huệ Năng đi vào tâm thức con người không qua cửa ngõ suy luận, mà đi vào một cách nhẹ nhàng, khi cảm nhận được sự biến dịch không tồn của sự vật.
22/09/2010(Xem: 8731)
Tổ Hoàng Bá giữ một vai trò rất quan trọng trong lịch sử Thiền Tông vì đệ tử của tổ là tổ Lâm Tế, người đã sánglập ra tông Lâm Tế. Muốn hiểu rõ về tông Lâm Tế thì cần biết rõ về tổ Hoàng Bá là người đã đào tạo tổ LâmTế. Tại Trung Hoa, sau thời Lục Tổ thì Thiền Tông chia làm5 tông: Lâm Tế, Tào Động, Quy Nhưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn. Phần lớn các chùa tại Việt Nam trước đây đều thuộc tông Lâm Tế. Tại Nhật Bản thì hiện nay Zen (Thiền Tông)chỉ có hai tông được phát triển mạnh nhất là Lâm Tế (Nhật: Rinzai) và Tào Động (Nh: Soto)...
22/09/2010(Xem: 7942)
Thiền có thể nào là một hệ thống giáo nghĩa? Hay một cách trực diệnhơn, Thiền có thể nào bị đóng khung trong một hệ thống học lý? Cái gìbị đóng khung hay bị hệ thống hóa đều không còn giữ được bản sắc sinhphong và hoạt dụng của chân thân. Thiền từ tôn chỉ đến phương tiện hànhđạo đều cốt ở chỗ dĩ tâm truyền tâm, đối vật chỉ vật, ứng biến vô ngần,chuyển hóa diệu dụng, không trụ trước, chẳng nệ không... Ngộ chứng của Thiền chính là khai phát đến tận cùng biên tế sâu nhiệm của trí tuệ Bát Nhã để mở ra diệu dụng không thể nghĩ bàn của trí tuệ rốt ráo này...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]