Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Tâm Kinh (bản dịch tiếng Việt)

13/06/201101:50(Xem: 7375)
5. Tâm Kinh (bản dịch tiếng Việt)

KINH TRÁI TIM TUỆ GIÁC VÔ THƯỢNG
(PRAJÑĀPĀRAMITĀSŪTRA-HRDAYA-SÙTRA)
Khải Thiên Dịch và chú giải

Phần Một
V. Tâm Kinh (bản dịch tiếng Việt)
Kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng

A- Khi tiến sâu (1) vào nguồn mạch của Tuệ giác Vô thượng (2), Người Tỉnh Thức Bình Yên (3) soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể (4) đều là Không (5), liền thoát ly mọi khổ ách.

B- Này người con dòng Sari (6), hình thể chẳng khác chân không (7), chân không chẳng khác hình thể; hình thể là chân không, chân không là hình thể; cảm xúc (8), niệm lự (9), tư duy (10) và ý thức (11) đều là như vậy.

C- Này người con dòng Sari, tất cả hiện hữu được biểu thị là Không; nó không sanh, không diệt; không nhơ, không sạch; không tăng, không giảm.

D- Vì thế, này người con dòng Sari, trong Không không có hình thể, không có cảm xúc, không có niệm lự, không có tư duy, không có ý thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có hình thể, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm (12) và hiện hữu (13). Không có đối tượng của mắt, cho đến không có đối tượng của ý thức; không có minh, không có vô minh; không có sự chấm dứt của minh, cũng không có sự chấm dứt của vô minh; cho đến không có tuổi già và sự chết, cũng không có sự chấm dứt tuổi già và sự chết; không có khổ đau, không có nguyên nhân của khổ đau, không có sự chấm dứt khổ đau, và không có con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau (15); không có trí giác (16) cũng không có sự thành tựu trí giác.

E- Người Tỉnh Thức Bình Yên, do không sở đắc nên sống an lành trong Tuệ giác Vô thượng và thoát ly tất cả chướng ngại. Và rằng, vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời những cuồng si mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

F- Tất cả chư Phật trong ba đời (17) đều nương vào Tuệ giác Vô thượng mà thành tựu (18) chánh giác.

G- Vì thế, nên biết rằng Tuệ giác Vô thượng là sức thần (19) kỳ vĩ, là sức thần của trí tuệ vĩ đại, là sức thần cao tuyệt, là sức thần tối hậu, vô song; có thể trừ diệt tất cả khổ đau. Sức thần thoắt sinh từ Tuệ giác Vô thượng này là sự thật, là chân lý. Sức thần có năng lực tối thượng đó được tuyên nói trong kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng rằng:

“Đi qua, đi qua,
Đi qua bờ bên kia,
Đã đi qua đến bờ bên kia, Svāhā!”

Chú thích đặc biệt của bản dịch tiếng Việt:

(1) Cụm từ “tiến sâu” trong bản dịch này mang ý nghĩa: sự “thể nhập” hay “thể nghiệm” của dòng tâm thức trong “thiền quán”. Trạng thái của dòng tâm thức này dĩ nhiên được vận hành trên căn bản của tâm thức an định.

(2) “Nguồn mạch của Tuệ giác Vô thượng” được dịch từ cụm từ “thâm Bát nhã-profound Prajñāparamitā”; ở đây, “trí tuệ bên kia bờ” hay “trí tuệ đáo bỉ ngạn” — trí tuệ (prajñā), bên kia bờ (pāramitā) có thể được hiểu là “tuệ giác vô thượng”. Vì lẽ, chỉ có hàng đại Bồ tát từ Bát Địa (trong Thập địa) trở lên mới phát huy trí tuệ đặc biệt này. Từ “nguồn mạch” được thêm vào trong bản tiếng Việt để nhấn mạnh yếu tố “thẳm sâu” của tuệ giác, một loại tuệ giác đầu nguồn mang tính cách uyên nguyên và vô phân biệt.

(3) “Người Tỉnh Thức Bình Yên” trong nguyên văn của bản kinh là Bồ Tát Avalokitésvara (Bodhisattva Avalokitésvara). Ở đây, Avalokitésvara được dịch theo hai cách: Quán Thế Âm và Quán Tự Tại. Trong bản dịch chữ Hán của Ngài Huyền Trang, danh từ này được dịch là Quán Tự Tại. Từ kép Sanskrit này được kết hợp bởi: Avalokita có nghĩa là quán, chiếu kiến, hay nhìn khắp nơi; và isvara có nghĩa là chúa tể, hay bậc siêu nhân có quyền năng hành xử một cách tự do. Vấn đề này cũng được bàn đến trong Bát Nhã Tâm Kinh Tán của Viên Trắc (Wonch’uk). Trong bản tiếng Việt, danh từ này được dịch là “Người Tỉnh Thức Bình Yên” nhằm mô tả trạng thái “an tịnh” trong tâm thức của Bồ Tát, người đang trú trong thiền định và kiến chiếu đương thể (năm hợp thể) tức không.

(4) “Năm hợp thể” là năm uẩn (skandhas).

(5) “Không” tức là Śūnyatā.

(6) Mẹ của Sāriputra là người rất thông minh nên có hiệu là Sari. Trung Hoa dịch chữ Sariputra là Xá Lợi Tử, hay Xá Lợi Phất nghĩa là, đứa con dòng Xá Lợi (Sari). Do đó, ở đây dịch là: Người con dòng Sari, lối dịch này đã được sử dụng trong bản dịch “Kinh Ruột Tuệ Giác Siêu Việt” của Thi Vũ, do Trí Quang giới thiệu, xuất bản năm 1973, tại Paris.

(7) “Hình thể và chân không” là hai từ biểu thị cho sắc và không. Cả hai từ này đều mang tính cách giả định. Ví dụ: khi nói đến sắc tức là nói đến một hình thể, một vật hữu hình, một vật chất…mà nó đối nghịch lại với không: như chân không, không hình thù, không hiện hữu hay không thực có. Dĩ nhiên, không trong đối lập với sắc ở đây được hiểu là giả định; nhưng Không trong tinh yếu của Bát Nhã là Śūnyatā, nó vượt lên trên mọi phân biệt, đối lập giữa sắc và không.

(8) “Cảm xúc” tức là Thọ uẩn (vedanayā).

(9) “Niệm lự” là một cách diễn dịch về Tưởng uẩn (samjñā: những niệm lự hay các ấn tượng của tri giác).

(10) “Tư duy” tức là Hành uẩn (samskāra-mental formations). Tư duy là yếu tố căn bản trong đời sống tâm thức, nó nổi bật trong mọi sự tạo tác và tựu thành của nghiệp (karmic formations).

(11) “Ý thức” (vijñāna) là Thức uẩn, bao gồm cả ba yếu tố: cảm xúc (thọ), niệm lự (tưởng), và tư duy (hành).

(12) “Xúc” (sparśa) trong (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Xúc là tiếp xúc, giao thoa giữa các căn và trần.

(13) Hiện hữu được dùng đồng nghĩa với pháp (dharma).

(14) Vô minh (avidyayā), nguồn gốc của sự khổ đau.

(15) Tứ đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế).

(16) Trí giác dịch từ "Vô trí diệc vô đắc".

(17) Ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai.

(18) Thành tựu ở đây có nghĩa là đã giải thoát khỏi thế giới sinh tử của nhị nguyên.

(19) “Sức thần” tức là năng lực phi thường được sinh khởi linh ngữ hay thần chú (mantra).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567