Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Hai: Cái nhìn bao quát thế gian và nếp sống theo chánh pháp

14/05/201107:52(Xem: 6821)
Phần Hai: Cái nhìn bao quát thế gian và nếp sống theo chánh pháp

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Hai

CÁI NHÌN BAO QUÁT THẾ GIAN VÀ NẾP SỐNG THEO CHÁNH PHÁP

Chúng ta có thể băn khoăn: "Ta đến trần gian này như thế nào? Tại sao ta lại sinh ra đời? Ta là ai và tại sao có một số việc chỉ xảy đến cho ta mà không xảy đến cho những người khác? Tâm thức của chúng ta tác động đến những cảm nhận của chúng ta như thế nào?"

Để tìm ra lời giải đáp, chúng ta hãy phóng tầm nhận thức ra khỏi kiếp sống này để có cái nhìn tổng thể rồi tìm ra giải pháp cho những điều bất như ý của chúng ta trong cách quan sát toàn cục và bao biện hơn. Là con người chúng ta có những năng lực tiềm ẩn nào? Ai có thể hướng dẫn chúng ta trong việc hiện thực hóa những năng lực tiềm ẩn đó và chúng ta phải đi theo hướng nào? Khi nhận thức của chúng ta càng được mở rộng và càng có chiều sâu thì năng lực để làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa càng trở nên mạnh mẽ. Năng lực này lại được tăng cường nhờ vào việc tu tập từ bi và trí tuệ.

-ooOoo-

VII. TÂM Ý LÀ KẺ TẠO TÁC RA CẢM NHẬN CỦA CHÚNG TA

Cái ý phát khởi trước rồi mới có hành động,
Cái ý dẫn dắt mọi hành động; chính ý tưởng làm phát sinh hành động.
Nếu ai đó nói ra hay hành động với ý tưởng sa đoạ,
thì khổ não sẽ đi theo người đó như bánh xe lăn theo con bò kéo xe.

Cái ý phát khởi trước rồi mới có hành động,
Cái ý dẫn dắt mọi hành động, chính ý tưởng làm phát sinh hành động.
Nếu ai đó nói ra hay hành động với ý tưởng thanh thoát,
thì hạnh phúc chắc chắn sẽ đi theo người đó như bóng không rời hình
.
(kinh Pháp Cú, câu 1 và 2)

Theo đạo Phật thì cái ý của chúng ta là kẻ tạo tác cũng là nguồn cội làm phát sinh ra những niềm vui và nỗi buồn của chúng ta. Điều này có ý nghĩa rất thâm sâu: Vì chính mỗi người chúng ta điều khiển cái ý hướng riêng của bản thân mình cho nên chung cuộc chúng ta phải chịu tránh nhiệm đối với những vui buồn do cái ý của chúng ta đem lại. Không có cơ sở nào để đổ lỗi cho người khác về những khốn khổ mà chúng ta gặp phải khi chính ý lực hay ý hướng của chúng ta là nguồn gốc của những khốn khổ đó. Tương tự như vậy muốn có được hạnh phúc, chúng ta không cần phải cầu vái, phỉnh nịnh một ai ở bên ngoài cả mà chúng ta phải tạo nên nguồn cội của hạnh phúc bên trong bản thân mình bằng cách phát huy những ý tưởng lành mạnh.

Chữ "ý" trong đạo Phật bao hàm nhiều lãnh vực hoạt động tâm lý khác nhau gồm ý tưởng và cảm nhận, nhận thức và cả tình cảm của chúng ta nữa. Như vậy cái ý bao hàm không phải chỉ là cái suy nghĩ, chí hướng hay chỉ thuộc chức năng của não bộ như người ta vẫn thường nghĩ. Cái ý không hình không dạng và không phải do vật chất tạo thành nên người ta không thể đo đếm được nó.

Cái ý là cái cảm nhận hạnh phúc và đau khổ; cái suy nghĩ, cái thấy, cái nghe, ngửi, nếm và xúc chạm. Cái ý cũng là cái trong sáng và tỉnh thức vì nó phản ánh những đối tượng của nhận thức đồng thời lại vướng mắc với những đối tượng đó. Mặc dù chúng ta có thể nói "cái ý của chúng ta" nhưng nó không có nghĩa là một cái ý tổng thể chung nhất mà chỉ có nghĩa là cái ý cá nhân của mỗi một người trong chúng ta. "Dòng ý thức" là từ ngữ dùng để chỉ cho sự có mặt liên tục của ý thức từ phút giây này sang phút giây kế tiếp.

Cái ý tạo tác ra những vui buồn của chúng ta theo hai nguyên lý: (1) Cái ý làm động cơ cho hành động hay còn gọi là nghiệp. Những hành động mà chúng ta thực hiện sẽ tạo ra dấu ấn trong dòng tâm thức của chúng ta. Khi những dấu ấn nghiệp thức này chín muồi thì chúng sẽ tác động lên những hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải. (2) Cái ý của chúng ta sẽ lý giải và phân tích mọi sự, mọi chuyện mà chúng ta đối diện và như vậy cái ý điều tiết nhận thức của chúng ta. Qua cơ chế đó, cái ý của chúng ta là kẻ quyết định ta sẽ tiếp nhận những sự kiện của cuộc đời ta theo cách như thế nào. Ở đây chúng ta sẽ xem xét sâu xa hơn hai nguyên lý này.

Cái ý là kẻ tạo tác ra nghiệp

Trong bài kinh Gieo Mạ, Đức Phật cho chúng ta biết làm thế nào mà cuộc sống lại là kết quả của những hành động mà chúng ta thực hiện, và làm thế nào mà những hành động này lại có gốc gác từ cái ý của chúng ta. Vô minh chính là nguồn gốc. Vô minh tạo ra những trạng thái nhiễu loạn khác như sân hận và chấp thủ. Bị thúc đẩy bởi những trạng thái nhiễu loạn nên chúng ta hành động. Những hành động có ý thức hay còn gọi là nghiệp đã để lại dấu ấn trong dòng chảy tâm ý của chúng ta. Những dấu ấn nghiệp thức giống như là một lực lượng tồn đọng (trong tâm ý) khi chúng ta hoàn thành xong một hành động. Một cách âm thầm, lực lượng này đã chảy theo dòng chảy tâm thức của chúng ta. Khi thời cơ chín muồi thì những lực lượng nghiệp thức tiềm ẩn này trỗi dậy tạo nên những vui buồn của chúng ta.

Tiến trình này rất phức tạp và thường phải mất nhiều thời gian quán chiếu, chiêm nghiệm chúng ta mới có thể hiểu thấu đáo. Dưới đây chỉ là một cách diễn đạt ngắn gọn với những khái niệm tổng quát mà thôi.

Theo cái nhìn của Phật giáo, tâm ý hiện tại của chúng ta đang bị vô minh che mờ: Chúng ta không biết được chúng ta là ai theo ý nghĩa thâm sâu nhất; chúng ta cũng không biết con người và vạn vật đang tồn tại như thế nào. Không ý thức được bản chất tối hậu ra sao nên chúng ta cứ tưởng rằng chúng ta là vững mạnh, có thực chất và có thể nắm bắt. Ảo tưởng về cái ngã càng trở nên rõ ràng khi chúng ta ở trong một trạng thái khích động. Thí dụ, khi chúng ta tức giận thì chúng ta có cảm giác rằng có một cái tôi mà cái tôi này đang bực dọc một cách chính đáng. Nhưng nếu chúng ta tự hỏi mình: "Ai đang giận dữ đó?" Thì lập tức chúng ta khó có thể chỉ ra một cách chính xác một cái "tôi" dường như là độc lập đó. Thật ra cái tự ngã hay cái "tôi" là có chớ không phải không nhưng nó tồn tại không giống như cách mà chúng ta nghĩ đâu.

Chúng ta tìm cách để bảo vệ và làm thỏa mãn cái ngã độc lập này; những ý niệm sai lầm đã khiến cho chúng ta làm như vậy. Thế nên chúng ta bị vướng mắc vào sự vật làm cho chúng ta vui thích, ngược lại chúng ta bực tức những sự vật hay người nào can thiệp vào hạnh phúc của chúng ta. Từ quan điểm vô minh này phát sinh ra tánh ganh tỵ, lòng kiêu ngạo, tâm hẹp hòi, cố chấp, lười trễ và hàng loạt những tính xấu khác của con người. Những trạng thái nhiễu loạn này cản trở những phẩm tính tốt đẹp của chúng ta và làm cho chúng ta không thể trở nên mẫu người như chúng ta muốn.

Bị thúc bách bởi những trạng thái nhiễu loạn này nên chúng ta tạo nghiệp. Nghiệp có nghĩa là những hành động có ý đồ được thực hiện qua thân, khẩu và ý; tức là những điều mà chúng ta nghĩ, nói và làm. Ba loại hành động này phát sinh từ cái ý của chúng ta. Trước tiên một động lực phát khởi trong tâm ý rồi chúng ta mới thể hiện động lực đó ra thành hành động bên ngoài. Có những khi chúng ta không ý thức được những động lực nằm bên trong nên chúng ta cảm thấy ngạc nhiên với những hành động mà chúng ta làm hay những lời mà chúng ta nói. Nhưng nếu chúng ta có tỉnh giác thì chúng ta sẽ thấy được rằng tất cả những hành động của chúng ta đều được khởi phát bởi những động lực nằm sẵn trong tâm ý rồi.

Thí dụ trước khi chúng ta chỉ trích một người nào đó thì ý tưởng này khởi lên, "Người này đang làm cho ta không vui. Ta phải ngăn chặn người này lại." Rồi chúng ta to tiếng với người ấy, kể lể cho người khác thấy những khuyết điểm của người đó. Đức Phật dạy rằng hành động như vậy sẽ tạo nên những dấu ấn nghiệp trong dòng tâm thức của chúng ta; về sau, khi chúng ta gặp những hoàn cảnh bên ngoài đồng tình thuận hạp thì dấu ấn nghiệp thức sẽ có điều kiện để trở nên chín muồi và quyết định trạng thái vui buồn của chúng ta.

Cũng như một hạt giống nhỏ bé có thể phát triển để trở thành một cây to có nhiều trái, một hành động duy nhất có thể tạo ra nhiều kết quả khác nhau: những người khác sẽ chỉ trích chúng ta, những người xung quanh không thân thiện với chúng ta, chúng ta sẽ có thói quen chỉ trích người khác và khi mệnh chung chúng ta sẽ sinh vào cảnh giới kém may mắn.

Cũng vậy, khi chúng ta có những động cơ tốt, không có tính chất vị kỷ đồng thời quan tâm tới sự lợi lạc của người khác thì chúng ta sẽ thể hiện ra bằng những hành động lợi lạc. Điều này tạo nên những dấu ấn tốt trong tâm thức của chúng ta; những dấu ấn tốt này sẽ tạo nên nhiều kết quả: những người khác sẽ mến chúng ta, nơi chúng ta cư trú rất đáng ưa thích, chúng ta sẽ có những phẩm tính tốt đẹp và khi mệnh chung chúng ta sẽ sinh vào những cảnh giới may mắn.

Như thế, trong những thời gian khác nhau, chúng ta có những trạng thái và tình cảm nhiễu loạn khác nhau như tức giận, cố chấp và hẹp lượng, đồng thời chúng ta cũng có trạng thái và tình cảm tốt đẹp khác nhau như thương yêu, tự trọng, trí tuệ và quan tâm tới người khác. Đạo Phật là một con đường tẩy trừ trạng thái nhiễu loạn và phát triển trạng thái tốt đẹp với mục đích mang lại hạnh phúc cho bản thân chúng ta và cho những người xung quanh.

Nhận lấy tái sinh

Nhờ vào quán trí thâm sâu về cách thức mà các pháp hiển hiện, Đức Phật biết được rằng những trạng thái nhiễu loạn và nghiệp lực khiến cho chúng sinh phải bị tái sinh. Trong giây phút sắp từ bỏ thân này những người phàm phu chúng ta theo bản năng cảm thấy thèm khát, níu giữ xác thân. Rồi người phàm phu gần như hoảng loạn khi từ bỏ xác thân và vĩnh biệt mọi sự vật thân thuộc quanh họ. Cũng giống như khi người chết thấy rõ ràng rằng mình đang từ từ rời bỏ thân xác này và đang kết thúc sinh mạng thì người chết bèn lập tức nắm chắc một thân thể khác.

Hai lực lượng - thèm khát và níu giữ - hoạt động như những nhân tố tiền đề hỗn hợp để làm cho những dấu ấn nghiệp thức được chín muồi trong giây phút mệnh chung. Khi mà những dấu ấn nghiệp thức này bắt đầu chín muồi thì cái ý của người đang chết lập tức bị lôi cuốn vào một xác thân khác và kiếm cách tái sinh vào xác thân đó. Trong trường hợp của loài người thì sau khi trải qua giai đoạn trung ấm giữa mạng sống này và mạng sống kế tiếp, tâm thức của chúng ta đi vào một cái trứng đã thụ tinh. Thế là theo ngày tháng chúng ta phát triển các uẩn của một con người gồm thân thể và ý thức.

Trong đời sống mới này, chúng ta nhận thức những người và những sự vật nhờ vào các giác quan mới. Khi cảm nhận được những niềm vui và nỗi buồn, chúng ta lại phát sinh chấp thủ, sân hận hay bình thản. Những động lực này thúc đẩy chúng ta hành động. Những hành động của chúng ta lại tạo nên nhiều dấu ấn mới nữa trong dòng chảy của tâm thức và đến khi chúng ta phải vĩnh viễn từ bỏ xác thân thì chúng ta lại một lần nữa bị thôi thúc tìm tái sinh trong một thân xác khác.

Vòng tròn tái sinh như vậy được gọi là luân hồi (samsara). Luân hồi không phải là một cảnh giới: nó không phải là thế giới của chúng ta. Đúng hơn luân hồi, còn gọi là vòng tròn hiện hữu, tức là tình trạng mà chúng ta nhận lấy hết cuộc sinh tồn này đến cuộc sinh tồn khác dưới sự điều khiển của những lực lượng nhiễu loạn và những hành động tạo nghiệp.

Như vậy những lực lượng của chính chúng ta đã khiến cho chúng ta sinh ra và trưởng thành như chúng ta đang hiện diện ở đây. Tuy nhiên nghiệp không phải là một "khối đông cứng," cũng không mang tính chất cố định của định mệnh nên số phận của chúng ta không phải đã được sắp đặt trước đâu vào đó rồi. Tất cả đều tùy thuộc vào hoàn cảnh mà chúng ta đang sống và trạng thái tâm ý của chúng ta. Chính hoàn cảnh sống và ý hướng hay ý chí của chúng ta sẽ quyết định dấu ấn nghiệp lực nào chín muồi và những dấu ấn nghiệp nào không chín muồi được. Hơn nữa, chúng ta có khả năng kiểm soát được hành động của mình và qua đó định dạng cho tương lai.

Đây là quy luật của nghiệp, là sự vận hành của nguyên nhân và hậu quả trong dòng chảy tâm ý của chúng ta. Chúng ta cảm nhận niềm vui hay nỗi buồn là do những hành động có tác ý mà chúng ta đã làm trong quá khứ. Tâm ý của chúng ta trước đây đã tạo tác ra những hành động hay là những hạnh nghiệp. Như vậy thì tâm ý của chúng ta là kẻ tạo tác chủ chốt đã tạo ra những cảm nhận vui buồn mà chúng ta đang nhận lãnh.

Phải chăng có một khởi thủy?

Một số người tự hỏi: "Tiến trình này bắt đầu như thế nào? Phải chăng có một điểm khởi đầu cho cái vũ trụ này và vạn loại sinh linh trong đó?"

Quá trình tiến hóa về phương diện vật lý của vũ trụ này là một đối tượng nghiên cứu của khoa học. Khoa học đã xem xét tính chất liên tục về phương diện vật chất của vũ trụ này. Khoa học đã nghiên cứu xem làm thế nào mà nhân và quả vận hành để tạo ra vô vàn những sự vật muôn màu muôn vẻ trong vũ trụ của chúng ta.

Phải chăng vật chất trong vũ trụ có một nguyên nhân tức là một thời điểm khi đó chưa có một dạng vật chất nào cả, chưa có một dạng năng lượng nào cả? Khó mà chứng minh được rằng có một thời gian lúc đó vật chất chưa có, và năng lượng cũng chưa có. Giả sử có một thời gian như vậy thì vật chất từ đâu phát sinh? Không có gì làm nguyên nhân thì làm sao tạo tác ra sự vật được? Người ta có thể khẳng định rằng vũ trụ hiện nay mà chúng ta thấy là dạng biến hóa của một năng lượng vật chất đã có sẵn từ trước.

Tâm ý của chúng ta không phải được làm bằng vật chất và do vậy nguyên nhân của nó cũng không phải là vật chất. Tương tự như vấn đề khởi nguyên của vật chất, tâm ý của chúng ta phát sinh từ một tâm ý có trước trong dòng chảy của tâm ý. Chúng ta có thể tìm lại tâm ý của chúng ta lui lại từng bước một trở về trước cho đến hồi chúng ta còn thơ ấu. Tâm ý của chúng ta đã thay đổi từ hồi đó, và tâm ý hiện nay của chúng ta được tạo tác bởi và có liên quan với tâm ý trước đây của chúng ta.

Như vậy chúng ta có thể đi ngược dòng thời gian tìm lại lúc dòng tâm ý của chúng ta xuất hiện, đó là lúc thọ thai. Cái tâm thức đi vào một cái trứng đã thụ tinh trong tử cung cũng phải từ một nhân trước đó. Theo Phật giáo thì phải có một tâm ý trước đó, tức là tâm ý của một đời sống trong kiếp trước. Cứ như vậy mà truy ngược về quá khứ vô cùng tận. Không có một điểm đầu tiên. Một dãy số đại số cũng không có số nào có thể gọi là số đứng đầu, vì người ta có thể thêm vào một con số nữa. Cũng vậy dòng chảy của tâm ý của chúng ta không có điểm khởi đầu.

Những trạng thái nhiễu loạn của chúng ta, trong đó có vô minh, cũng phát sinh từ những nguyên nhân tức là những trạng thái nhiễu loạn có trước. Dòng chảy của những trạng thái nhiễu loạn này có mặt từ vô cùng vô tận về quá khứ. Nếu có một cái mốc thời gian đầu tiên của những trạng thái nhiễu loạn thì chúng ta lại phải nêu ra cái gì là nguyên nhân của trạng thái nhiễu loạn đầu tiên đó. Nếu thoạt kỳ thủy chúng ta thanh tịnh và sau đó chúng ta trở nên vô minh thì vô minh từ đâu mà phát sinh? Không thể có những chúng sinh thanh tịnh nhận thức được thực tại là gì rồi lại trở nên vô minh. Nếu một người trong hiện tại đang trở nên vô minh thì chắc chắn trước đó trong quá khứ người ấy đã không phải là hoàn toàn thanh tịnh.

Không có ai làm chúng ta vô minh. Không ai có thể đổ những gáo nước đen vô minh vào trong dòng chảy của tâm thức chúng ta.

Theo quan điểm của Phật giáo thì chẳng có ích lợi gì trong việc tìm kiếm khởi thủy của đời sống và điểm bắt đầu của những trạng thái nhiễu loạn của chúng ta. Đức Phật rất là thực tế, luôn nhấn mạnh việc xử lý tình trạng trước mắt và cố gắng cứu vãn nó. Bị lạc hướng vào trong những ức đoán phiếm luận vô bổ khiến cho chúng ta không tận tâm lo cho những việc hiện tại hầu cải thiện chúng.

Thí dụ một người bị xe tải tông đổ máu nằm giữa đường. Ông ta cứ nằng nặc đòi biết ai là người lái chiếc xe tải đó, hãng nào đã sản xuất ra chiếc xe "chết tiệt" như vậy, xe đó đời nào, rồi mới chịu băng bó và chữa trị. Trong khi bận rộn và mất thời giờ trong quá trình tìm hiểu về chiếc xe tải đã gây tai nạn cho mình thì người ấy chết. Chúng ta cho rằng người ấy là một kẻ ngu. Biết được nguồn gốc của chiếc xe tải thì vết thương trên người không bớt đi chút nào, máu cũng không ngưng chảy chút nào, vi trùng cũng không ngừng xâm nhập cơ thể qua vết thương. Biết được ai là người tài xế đã lái chiếc xe tải gây tai nạn thì cũng không thay đổi được gì trong việc người ấy phải đối diện với tử thần. Người khôn ngoan hơn sẽ xử lý tình huống trước mắt, tìm cách cứu cấp để vượt qua cơn hiểm nghèo.

Cũng vậy, thay vì mất thời giờ vô ích trong việc bàn luận, đoán già đoán non về một khởi điểm không hề có, tốt hơn hết chúng ta nên xem xét những cái khó khổ trong hiện tại, tìm ra nguyên nhân của chúng - những trạng thái nhiễu loạn - và khắc phục chúng. Đức Phật không bàn về nguyên nhân của vũ trụ, vì bàn về việc đó không giúp cho chúng ta giải quyết được những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải và làm cho cuộc sống tốt hơn. Thay vào việc đó Đức Phật đã tìm cách giải thích cách thức mà tâm ý của chúng ta tạo nên những cảm nhận vui buồn thông qua việc thúc đẩy chúng ta hành động tạo nghiệp. Hiểu biết được việc này giúp cho chúng ta có thể chế ngự và làm cho thanh tịnh quá trình này.

Ý là kẻ lý giải về hoàn cảnh của chúng ta

Phương cách thứ hai tâm ý tạo nên những cảm nhận vui buồn của chúng ta là nó lý giải những sự kiện mà chúng ta gặp phải. Chính cách lý giải của chúng ta về một sự kiện nào đó sẽ quyết định chúng ta sẽ tiếp nhận sự kiện đó như thế nào. Mặc dù thường thường chúng ta đều cho rằng chúng ta đã thấy rõ ràng chính xác là như vậy nhưng những cảm nhận của chúng ta thực sự đã bị lược qua màn lý giải của tâm ý và đã bị nhuốm màu theo cách phóng ảnh của tâm ý chúng ta.

Thí dụ khi hai người gặp ông Trần, một người thích ông và người kia thì không thích. Người này nhận xét ông Trần là có ý tứ, thông minh và có óc hài hước. Người kia thì cho rằng ông Trần là một người hay cợt nhả người khác, có đầu óc cạnh tranh và không màng đến cảm xúc của người khác. Cả hai đều nghĩ rằng họ đã thấy đúng về ông Trần là như vậy. Nếu thấy đúng, thì cả hai phải thấy ông Trần như nhau. Rõ ràng là họ nghĩ về ông Trần với những quan điểm khác nhau.

Cả hai người đều nghe những lời của ông Trần nói nhưng mỗi người lại lý giải nội dung lời nói một cách khác đi. Tâm ý của mỗi người phóng nhanh qua một quá trình từ nhận thức (âm thanh hay biểu hiện mà mỗi người nhận được qua các giác quan) đến kết luận (ý nghĩa của những dữ liệu đã được xử lý).

Như vậy, một người cảm nhận rằng những cách đùa của ông Trần là hóm hỉnh và có ý tốt nên nghĩ: "Ông Trần là một người tốt. Tôi thích thân cận với ông ta". Về sau lúc nào anh này cũng xem ông Trần là bạn và tin rằng sẽ vui vẻ với nhau. Chị kia thì lý giải cách khác cho rằng lời nói đùa của ông Trần là biếm nhẻ nên nghĩ: "Ông Trần là kẻ tự thị, tôi không thích ông ta." Về sau lúc nào chị kia cũng xem ông Trần là kẻ không đáng ưa và có tâm trạng khinh ghét.

Cả hai đều tưởng rằng điều họ nghĩ về ông Trần là đúng. Nhưng thật ra nhận thức của hai người về về ông ấy đều đã được tiến hành thông qua bức màn của tâm ý hay của những quan niệm có trước. Những phẩm chất tốt hay xấu, đáng mến hay đáng ghét của ông Trần đều được tạo nên bởi những phóng ảnh của ông Trần hiện ra trong tâm ý của người gặp ông. Tự thân ông Trần không có và không thuộc về những phẩm tính đó.

Cách mà chúng ta lý giải về một tình cảnh sẽ quyết định cảm nhận của chúng ta về tình cảnh đó. Chúng ta có thể nhìn người mẹ của chúng ta và nghĩ rằng: "Mẹ lúc nào cũng bảo chúng ta việc này việc kia. Mẹ có nhiều yêu cầu quá." Sau đó, mỗi lần gặp bà chúng ta không cảm thấy thoải mái.

Ngược lại, chúng ta có thể suy nghĩ: "Mẹ đã sanh thân chúng ta ra. Mẹ đã săn sóc cho chúng ta suốt thời còn trong nôi, lúc mà chúng ta hoàn toàn không có thể tự mình làm được gì cả ngay cả việc ăn uống của bản thân. Mẹ đã dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải." Như vậy người mẹ là hiện thân của một trái tim thương yêu. Mỗi lần gặp là mẹ luôn tỏa rạng tình thương và chúng ta cảm thấy thương mẹ.

Vì chúng ta lý giải một số hành vi của những người khác là tổn hại nên chúng ta dán nhãn "kẻ đối nghịch" cho họ. Từ đó về sau trong đôi mắt của chúng ta họ là những kẻ đối nghịch. Cũng vậy, vì chúng ta dán nhãn "tử tế" cho một số hành vi của người khác và xem họ là những người bạn nên từ đó về sau trong đôi mắt của chúng ta những người đó là bằng hữu. Bằng hữu hay kẻ đối nghịch thật sự phát xuất từ tâm ý của chúng ta. Chính chúng ta tạo ra. Sau khi tạo ra bằng hữu và kẻ đối nghịch bằng sức mạnh của tâm ý, chúng ta luyến ái bạn và cố gắng làm hại kẻ đối nghịch. Thật ra chúng ta đã luyến ái và thù ghét những cái mà chính tâm ý chúng ta đã tạo ra.

Chúng ta lý giải về hoàn cảnh và những con người liên quan đến chúng ta như thế nào là tùy vào mức độ thanh tịnh của tâm ý chúng ta. Giống như một sự vật phản chiếu trên một tấm gương dơ bẩn thì bức ảnh đó u ám và không khả ái, cũng như vậy khi bị phóng ảnh qua một tâm ý ô nhiễm với những trạng thái nhiễu loạn và những dấu ấn nghiệp lực đen tối thì hình ảnh của một sự vật cũng u ám và không khả ái. Nhưng nếu như sự vật đó được phản chiếu qua một tấm gương không tì vết thì hình ảnh thu nhận sẽ trong sạch và xinh đẹp. Giống như vậy, qua cảm nhận của một tâm ý thanh tịnh thì bất cứ sự vật gì cũng dễ thương cả.

Một số người mắc bệnh tâm lý nên cứ ngỡ rằng những người xung quanh đang rắp tâm hại họ. Bị khủng hoảng vì sợ hãi, họ còn thấy có những hình ma bóng quế mà thật ra không có gì cả. Mặc dầu họ cứ tin tưởng rằng những gì họ thấy là đúng nhưng chúng ta không thấy như vậy. Do những hành động khác nhau trong quá khứ và chức năng hoạt động của trạng thái tâm lý nhiễu loạn hiện tại mà có sự khác nhau như thế.

Đối với một người đã tiến xa trên con đường giác ngộ thì thế gian này là thanh tịnh. Đối với một người mà tâm hồn chứa đầy sự sân hận thì thế gian tồi tệ này là cảnh địa ngục. Thế gian này tự nó không phải là đầy niềm vui hay đầy nỗi khổ và cảm nhận của chúng ta về nó tùy thuộc vào hành vi mà chúng ta đã làm trong quá khứ và tùy thuộc vào cách mà chúng ta cảm nhận nó trong hiện tại. Cảnh địa ngục và cảnh thanh tịnh là do tâm thức của chúng ta tạo tác. Tâm thức của chúng ta là đầu nguồn, là kẻ tạo dựng ra những cảm nhận của chúng ta.

Biết như vậy chúng ta luôn nhận thức rằng phương pháp duy nhất để đạt được một trạng thái hạnh phúc hoàn hảo và lâu bền là làm cho tâm ý của chúng ta thanh tịnh, tức là không còn những trạng thái tâm lý nhiễu loạn, những dấu ấn và những nhơ uế do nghiệp cũ của chúng ta để lại. Chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện việc này và chúng ta có thể thực hiện được. Một đoạn thi ca Phật giáo hiện đại dựa trên kinh Pháp Cú đã viết như sau:

Do chúng ta làm nên điều quấy,
Do chúng ta làm nên nỗi đau.
Do chúng ta dừng tay tội lỗi
Do chúng ta thanh tịnh nhiệm mầu

Không người nào cứu rỗi được ta
Không ai có thể, không ai đâu.
Đức Phật chỉ chỉ đường dẫn lối
Còn chúng ta phải bước chân mau.

Chư Phật chỉ cho chúng ta con đường cần phải đi. Chư Phật biết con đường vì chính các ngài đã đi qua con đường đó. Những vị hiện giờ là chư Phật trước kia cũng đã từng bị rối ren mù mờ và khó khăn như chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đi theo con đường này mà chư vị đã làm thanh tịnh được tâm ý và phát triển đến chỗ viên mãn những phẩm chất cao thượng nhất của con người và trở thành những vị Chánh Đẳng Giác. Chúng ta cũng có thể làm y như vậy.

Chư Phật hướng dẫn chúng ta, chúng ta phải làm theo sự hướng dẫn đó. Thầy giáo có thể dạy chúng ta nhưng thầy giáo không thể học dùm cho chúng ta; cũng vậy, chư Phật có thể hướng dẫn chúng ta phương cách thực hành nhưng chính chúng ta phải là người thực hành. Một bài kinh nói rằng:

Để rửa trôi đi những nặng nề ác trược
Chư Phật đâu thể "sái tịnh" bằng giọt nước;
Để tẩy trừ niềm đau và nỗi khổ
Chư Phật đâu thể dùng bàn tay ấn quyết;
Chư Phật cũng đâu thể nào "chuyển khoản"
Sự giác ngộ sang "tài khoản" của chúng sinh.
Để độ thoát vạn loại hàm linh.
Chư Phật chỉ truyền dạy con đường như thật.

Trong khi đạo Phật nhấn mạnh trách nhiệm mà mỗi cá nhân phải tự làm, điều đó không có nghĩa là chúng ta đơn thân độc hành trên con đường đạo. Chúng ta có thể nương tựa vào sự hướng dẫn và phấn khởi với Ngôi Tam Bảo: chư Phật, Giáo Pháp và Tăng-già.

Chư Phật là những vị đã thanh lọc hoàn toàn tất cả sân hận, tham nhiễm, u mê và vị kỷ ra khỏi tâm thức; đã phát triển viên mãn tất cả những phẩm tính tốt đẹp như tâm từ bình đẳng, lòng bi thương xót và trí tuệ soi sáng.

Giáo pháp hay giáo lý là những miêu tả về thực tại như thật cùng với những trạng thái và trường hợp chấm dứt tình trạng rối khổ do vô minh gây nên. Theo nghĩa phổ thông thì giáo pháp là những lời dạy của Đức Phật dẫn dắt chúng ta nhận chân ra thực tại như thật.

Tăng-già là nói đến những vị đã nhận ra được thực tại vô ngã, cái thực tại mà trong đó không có một cái ngã tự nó tồn tại một cách độc lập. Những vị đã tiến xa trên con đường giải thoát và giác ngộ này có thể là tăng ni mà cũng có thể là cư sĩ tại gia. Nhưng theo nghĩa phổ thông thì tăng-già là đoàn thể của các vị tăng ni, những người đã dành hết cuộc đời của mình cho việc tu tập bản thân và làm lợi lạc cho người khác.

Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ học hỏi sâu xa hơn về vấn đề làm thế nào mà tâm ý tạo tác nên những cảm nhận của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ biết được cách để điều phục tâm viên ý mã rất khó điều phục của mình để có thể tạo được nền tảng của hạnh phúc, làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và có được những mối liên hệ hòa hợp tốt đẹp với tha nhân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]