Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Làm vua bảy ngày

05/04/201113:34(Xem: 6104)
15. Làm vua bảy ngày

TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

PHẦN III: Những chuyện thuộc nhiều giai đoạn khác

15. Làm vua bảy ngày

Nước Ấn Độ có một vị vua nổi tiếng nhất, tài ba nhất, đức độ nhất, và được dân chúng kính trọng ngưỡng mộ nhất, đó là vua A Dục. Sau khi Phật nhập Niết-bàn chừng một trăm năm, vua A Dục đã thống nhất nước Ấn Độ và để lại cho đất nước này một trang sử huy hoàng.

Vua A Dục là một vị Phật tử thuần thành. Lúc còn tại vị, không những ông dốc lòng tin tưởng đức Phật mà còn hết sức tích cực lo việc truyền bá Chánh pháp.

Để phát khởi lòng tin của dân chúng đối với Phật pháp, ông đã mất không biết bao nhiêu là tâm trí lẫn công sức, tiền tài vào việc lập tháp cúng dường đức Phật ở khắp mọi nơi.

Ngày hôm nay, nước Ấn Độ còn lại rất nhiều di tích của những chùa và tự viện lớn. Rất nhiều trong số đó là những kiến trúc được xây lên từ thời vua A Dục.

Vua hết sức nhiệt tình trong việc truyền bá và tự mình tu tập Phật pháp nên bản thân có được một cuộc sống rất phong phú và an vui. Điều làm cho ông buồn tiếc nhất là người em tên là Thường Tu, người em của ông, không những không tin Phật mà còn tin theo tà giáo, đi đến đâu cũng hủy báng Phật pháp. Vua A Dục thường khuyên răn ông, nhưng Thường Tu rất cố chấp, vua không biết phải xử trí bằng cách nào.

Một hôm trời tối, Thường Tu bước vào hoàng cung, nói với vua A Dục rằng:

– Vương huynh! Hôm nay đệ khám phá ra một điều và nghĩ tới một số vấn đề, không biết có thể nói với vương huynh không?

Thường Tu nói xong, mở to hai mắt nhìn thẳng vua A Dục, đợi lệnh của vua.

– Thường Tu! Hiền đệ là người em mà ta thương mến nhất, từ trước tới giờ ta không hề có sự phân biệt với hiền đệ, đệ nên thường giúp ta trong việc trị nước mới phải, vậy có chuyện chi mà đệ không nói được với ta chứ? Đệ muốn nói gì thì cứ nói đi!

Thường Tu bèn tỏ ra rất nghiêm chỉnh:

– Vương huynh! Đệ muốn nói với vương huynh một vài lời trung thật. Huynh đối với mấy ông tỳ-kheo Phật giáo quá đỗi cung kính, quá đỗi ủng hộ mấy ông ấy, coi chuyện Phật sự còn quan trọng hơn việc quốc gia. Đệ thấy mấy ông tỳ-kheo chẳng có gì xứng đáng cho vương huynh cung kính tôn trọng như thế cả, nên đệ khuyên vương huynh nên coi trọng việc nước hơn.

Những lời hủy báng của Thường Tu, vua A Dục nghe như những mũi tên đâm vào tim, trong lòng rất buồn nên vội vàng ngăn lại rằng:

– Thường Tu, đệ hãy ngừng ngay những lời nói ấy. Hủy báng Tam Bảo là có tội. Đệ không hiểu sự cao quý của các vị tỳ-kheo, họ là những người đã đoạn trừ được ái dục, xa lìa thân quyến để xuất gia cửa Phật, khoác áo cà-sa, hoằng pháp lợi sinh, tìm cầu sự an lạc cho nhân dân, cho xã hội. Phật giáo có hưng thịnh thì đất nước mới ổn định được.

Nghe những lời của vua A Dục, Thường Tu đã không đồng ý mà còn nói rằng:

– Vương huynh! Huynh không nên tin họ như thế, cúng dường mấy ông tỳ-kheo ấy thì có lợi ích gì? Đệ thấy không những vô ích cho quốc gia, mà còn có hại đối với nhân tâm. Cả ngày họ không làm việc, ngồi đó mà hưởng phúc, không lẽ dân chúng không muốn bắt chước sống như thế hay sao? Hơn nữa, huynh nói họ là những người đã đoạn trừ ái dục, kỳ thật chuyện ấy không thể nào có được. Huynh xem, loài vật còn biết thế nào là tình ái, huống chi là loài người?

Những tà ngôn tà kiến ấy làm cho vua A Dục rất buồn khổ, cuối cùng ông nghĩ ra một giải pháp để sửa đổi quan niệm lầm lạc của Thường Tu.

Một hôm vua A Dục bí mật gọi một vị đại thần vào cung, căn dặn phải làm như thế, như thế... Vị đại thần lập tức vâng theo lời dặn dò của vua mà thi hành.

Vào lúc trời chạng vạng tối, vua A Dục đang tắm ngoài ao, thì vị đại thần nọ cùng Thường Tu bước vào cung, thấy vua A Dục vắng mặt mà vương mão cùng long bào thì bày ngay đấy, vị đại thần bèn nói với Thường Tu rằng:

– Thân vương! Tướng mạo, khuôn mặt của ngài và đại vương hết sức giống nhau, nếu ngài khoác long bào vào thế nào cũng có người lầm tưởng ngài là vua A Dục. Thân vương, ngài làm thử mà xem!

Thường Tu biết đây là một việc phạm pháp, nhưng tâm hiếu kỳ và tâm hư danh thúc đẩy, ông bèn mặc long bào và đội vương mão lên. Đúng ngay lúc ấy vua A Dục bước vào, thấy thế nổi giận, trách mắng Thường Tu rằng:

– Ngươi thật là to gan, dám lén lấy áo mão của ta mà mặc, có phải là ngươi muốn làm phản không? Ngươi tính chuyện soán ngôi, có phải chăng?

Chứng cớ đã rành rành, Thường Tu còn chạy chối vào đâu được? Vua A Dục hạ lệnh:

– Đem hắn ra ngoài cửa thành chém đầu lập tức!

Vị đại thần nọ bèn vội vàng tiến đến can gián:

– Đại vương! Thường Tu là em vua, không phải người ngoài, hơn nữa đây là lần đầu tiên xúc phạm long nhan, xin đại vương tha tội cho thân vương!

Vua A Dục nhìn xuống nét mặt ủ dột của Thường Tu, rồi đột nhiên hỏi:

– Thường Tu, ta hỏi ngươi, ngươi có thích làm vua không?

Thường Tu trả lời rất nhỏ:

– Tuy rất thích nhưng thần không dám vọng tưởng.

– Làm vua thì vui sướng ở chỗ nào?

Bây giờ thì Thường Tu đã lấy lại can đảm, trả lời rằng:

– Vua là người được tôn trọng nhất nước, những khoái lạc vua hưởng kể ra không hết, mà những diễm phúc vua có thì nói ra cũng không cùng tận. Đồng thời cũng không có ai ở trên cai quản vua, như thế không phải vui sướng là gì?

– Được! Ngươi đã muốn làm vua thì ta nhường ngôi cho ngươi trong bảy ngày, ngươi có quyền tận hưởng ngũ dục tùy thích. Nhưng mãn kỳ hạn ấy, ngươi sẽ bị xử tử.

Vua A Dục quy định như thế xong bèn lui về hậu cung, và bí mật ra lệnh cho một vị thị thần đến trước cửa nhà của Thường Tu, chờ ông này chiều chiều từ cung điện trở về thì nhắc nhở một câu.

Người thị thần tay cầm thanh đao bén, đứng ngay tại cửa nhà, mỗi khi thấy Thường Tu trở về thì lớn tiếng hô rằng:

– Thêm một ngày vừa mới trôi qua, còn mấy ngày nữa thì xử tử hình!

Thường Tu rất sợ chết, nghe thế mỗi ngày mỗi thêm phiền não, bất an. Không những ông không khởi lên được một niệm dục lạc nào, mà còn lo âu đến nỗi hình dung tiều tụy hẳn. Bảy ngày làm vua trôi qua trong khổ sầu, đến sáng ngày thứ tám, vua A Dục lên ngôi báu trở lại, hai bên có văn võ bá quan đứng hầu, hỏi Thường Tu rằng:

– Sao, ngươi làm vua bảy ngày, hẳn là đã hưởng thụ rất nhiều dục lạc phải không?

Thường Tu nghe vương huynh hỏi như thế thì ủ rũ cúi đầu trả lời:

– Trong bảy ngày vừa qua, thật sự đệ không nghe, không thấy gì hết, nói chi tới chuyện hưởng thụ. Mỗi ngày về đến cửa nhà, thấy tên thị thần tay cầm thanh đao sáng loáng, miệng lại hô lớn số ngày còn lại, đủ làm cho đệ ưu khổ rồi, còn tâm trí đâu mà nghĩ tới mấy thứ lạc thú kia nữa? Vì thế cho nên trong bảy ngày qua, đệ không nhìn thấy, cũng không nghe thấy gì cả.

Câu nói của Thường Tu làm cho vua A Dục hết sức vui lòng và yên tâm, ông bèn nói:

– Thường Tu, các vị tỳ-kheo xuất gia thường tư duy đến vấn đề sinh tử lớn lao ấy, vì thế họ không thể có tâm trí đâu mà sinh khởi niệm ái dục hay tham luyến vật chất bên ngoài.

Vua A Dục còn thuyết rất nhiều pháp liên quan tới sự đau khổ của nhân sinh đối với vấn đề sinh tử, khiến Thường Tu cảm động rơi lệ, bèn phát tâm quy y Phật pháp và còn xin vương huynh cho phép mình xuống tóc xuất gia nữa.
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]