Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Phật Pháp - Dharma

02/04/201101:41(Xem: 4450)
1. Phật Pháp - Dharma

KINH NGHIỆM THIỀN QUÁN
Tác giả: Joseph Goldstein - Nguyễn Duy Nhiên dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I. Con đường tu tập

Phật Pháp - Dharma

“Đã hoàn tất những gì phải hoàn tất.”

Trong kinh điển Phật giáo, câu này bao giờ cũng gây phấn khởi cho tôi. Nó xuất hiện trong những bài ca chứng đạo, là lời mà các vị tu sĩ cảm tác thốt lên trong phút giây giác ngộ. Những lời cảm tác ấy đem lại cho tôi niềm vui rất lớn, vì chúng nhắc tôi nhớ rằng: chúng ta thực sự có thể đi trọn con đường tu tap. Giây phút ấy chắc sẽ là nhiệm mầu lắm, khi ta có thể cất tiếng hát lên lời ca ấy: “Đã hoàn tất những gì phải hoàn tất.”

Nhưng chúng ta bao giờ cũng bị ám ảnh bởi một nỗi nghi ngờ: “Ta có thể đạt được giác ngộ không? Đức Phật có thể thực hiện việc ấy, nhưng còn tôi, liệu tôi có thể thực hiện việc ấy không?” Câu trả lời là: Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể thực hiện việc ấy, nếu biết phương pháp.

Ta tu tập đạo Phật là để khám phá ra phương pháp ấy, để có thể được tự tại và giải thoát. Trọng tâm của việc tu tập chỉ là để thực hiện bấy nhiêu đó thôi. Sự giải thoát sẽ đem lại những đức tính như là từ bi, an lạc, một tuệ giác thấy được rằng tất cả mọi vật đều có liên hệ mật thiết với nhau.

Chữ Dharma trong Phạn ngữ (Sanskrit), hay Dhamma trong tiếng Pali, là một danh từ rất rộng nghĩa. Nó bao trùm và chứa đựng tất cả. Một trong những nghĩa của Dharma là chân lý, là pháp, tức tự tính của vạn vật. Nó cũng có nghĩa là những yếu tố đặc biệt của một hiện tượng và những luật tự nhiên điều khiển hiện tượng ấy. Dharma cũng có nghĩa là những lời dạy của Đức Phật và con đường tu tập đưa đến giác ngộ. Vì thế cho nên danh từ Dharma bao trùm tất cả. Mọi sự vật trên đời này đều là Dharma, vì mọi vật đều phải tuân theo luật tự nhiên của chính nó.

Đức Phật đã nhìn thấy rất rõ rằng, những trạng thái khác nhau của tâm và những hành động khác nhau của thân sẽ đưa đến những kết quả hoàn toàn khác biệt. Tâm bất thiện sẽ tạo nên kết quả xấu, và tâm tốt lành sẽ có những kết quả tốt. Hiểu được sự thật này, ta sẽ có khả năng thấy được những gì trên đời này gây ra khổ đau cho ta, và những gì có thể mang lại tự do, hạnh phúc.

Trên con đường tu tập chân chánh không có vấn đề cưỡng bách, ép buộc. Đức Phật đã vẽ ra cho chúng ta một bản đồ tổng quát của thực tại. Khi chúng ta hiểu được cặn kẽ bản đồ ấy, ta có thể tự do chọn lựa con đường nào mình muốn theo. Đơn giản lắm! Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc, và nếu chúng ta biết được những hạt giống của hạnh phúc thì cứ tiếp tục tưới tẩm chúng đi, rồi chắc chắn một ngày hạnh phúc sẽ đơm bông kết trái.

Sở dĩ chúng ta có được một sự chọn lựa vì Dharma là một thực tại của định luật tự nhiên. Nó là đường lối chuyển biến, vận hành của vạn vật. Nếu cuộc sống của ta chỉ là một tập hợp của những sự việc xảy ra theo kiểu rủi may, không theo một định luật vật lý hay tâm lý nào hết, thì ta sẽ không bao giờ quyết định được đường hướng của đời mình. Chúng ta sẽ chỉ là những chiếc lá vàng rụng bay lả tả, bị cuốn theo cơn lốc xoáy của cuộc đời.

Trong giai đoạn đầu tu tập, mặc dù chúng ta có thể cảm thấy tâm mình như là một con trốt sinh hoạt quay cuồng, nhưng dần dần năng lượng của thiền tập sẽ giúp ta phân định và sắp đặt tất cả. Theo thời gian, ta sẽ trở nên an ổn, vững vàng, và có thể định tâm để thấy được yếu tố nào mang lại an lạc hoặc gây ra khổ đau. Mọi việc trên đời này - hạnh phúc hay khổ đau - đều xảy ra theo quy luật. Sự tự tại của ta tùy thuộc vào sự sáng suốt trong chọn lựa.

Mục tiêu tối hậu của sự tu tập là làm sao để phát triển được những tính thiện trong tâm ta. Con đường tu tập là để chuyển hóa tâm thức, thanh lọc hết những tham, sân, si, sợ hãi, ganh tỵ, hiềm khích - các năng lực tiêu cưc gây nên khổ đau cho chính ta và cho thế giới chung quanh.

Tất cả chúng ta đều chia sẻ mục tiêu giải thoát rất cơ bản ấy, mà tiềm năng đó bao giờ cũng sẵn có trong tâm mỗi người. Trong những năm đầu tu tập ở Ấn Độ, toi theo học với ngài Munindra-ji, một trong những vị thầy của tôi tại Bồ-đề Đạo tràng, nơi Đức Phật đã thành đạo. Bồ-đề Đạo tràng là một ngôi làng nhỏ với nhiều ngôi chùa thật đẹp. Những khi tôi và ngài Munindra có dịp cùng nhau đi bộ ngang qua làng, ngài thường chỉ cho tôi những người dân làng mộc mạc từng là học trò của ngài. Đa số những người ấy đều đã đạt được một trình độ giác ngộ nào đó.

Có dịp nhìn thấy những người ấy là một khích lệ lớn cho tôi, vì nhìn bề ngoài thì không cách nào ta có thể đoán rằng họ có một trình độ tâm linh cao. Trông họ như những dân làng hiền hoà, đang sống một cuộc đời bình thường như mọi người khác. Đó cũng là lần đầu tiên tôi chứng ngộ được chân lý, mà ta thường hay nói, là giác ngộ không tùy thuộc vào giai cấp xã hội hay trình độ học thức của ta. Tất cả mọi người đều có những điểm chung căn bản là đang sống với đầy đủ tâm thức và thân thể. Tu tập là tỉnh thức và thanh lọc bản tâm của mình, vì lợi ích của bản thân và muôn loài chúng sinh.

Và ý thức ấy là một khuôn vàng thước ngọc, có thể dùng để đo lường, làm mẫu mực cho mọi hành động của ta. Việc mà ta sắp làm đây - bất cứ là hành động gì - liệu có giúp ta trên con đường giác ngộ, hay sẽ gây cản trở? Cho dù trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào của cuộc sống, ta đều có thể tu tập. Khi ta ý thức đươc con đường giải thoát và thật tâm tu tập, thì dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, ta vẫn tin chắc rằng rồi có một ngày sẽ được hát lên bài ca giác ngộ của chính mình: “Đã hoàn tất những gì phải hoàn tất.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]