Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Karmapa Dezhin Shegpa

31/03/201107:52(Xem: 3676)
05. Karmapa Dezhin Shegpa

CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999

5
Karmapa Dezhin Shegpa
(1384-1415)

DEZHIN SHEGPA, sanh lúc bình minh ngày 18 tháng 6 năm con Chuột Mộc (1384) bởi hành giả yogin Guru Rinchen và vợ là Lhamo Kyi. Khi mang thai đã có nhiều điềm lành và ngay sau khi sanh ra, Dezhin Shegpa thốt lên : “Kính lễ tất cả chư Phật. Tôi là Karma Pakshi. Om Mani Padme Hum.”

Đến năm tuổi, Dezhin Shegpa được mời đến Kongpo Ngakphu, ở đấy có một đại thiền giả bị trượt ngã trên tuyết và bị gãy ba xương sườn. Đứa bé hậu thân xoa bóp sườn ông và ông được chữa lành, không đau đớn nữa.

Trong thời gian này, Dezhin Shegpa nhận được vài sự thụ pháp và kinh điển cho sự thực hành về sau. Chúng gồm Sáu giáo pháp của Naropa và Đại Ấn của Tilopa, những giáo huấn chính của phái Kagyu. Năm bảy tuổi, ngài tu tập sự với đại trụ trì Ngakphu Sonam Zangpo, học tập cả giáo lý Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Rồi ngài chính thức lên ngôi tại tu viện Tsurphu. Ngài bắt đầu tu học với vị thầy, cho đến khi thọ Tỳ kheo giới năm mười chín tuổi trong một giới đàn lớn (tám mươi vị) chưa từng có ở Tây Tạng.

Khi sự giáo dục căn bản đã xong, Dezhin Shegpa bắt đầu du hành. Trên đường đi, ngài gặp pháp sư phái Nyingma là Sangye Lingpa, mà ngài đã từng biết trong đời trước. Pháp sư tặng ngài một khăn quàng và ít vàng, và ngài nhắc ông nhớ lại ông còn sở hữu một cây gậy để đi dạo của Karmapa. Sangye Lingpa ngạc nhiên bởi khả năng trí huệ của ngài và trở nên rất sùng mộ ngài. Tiếp tục du hành, Karmapa nhận sự truyền pháp của Vajramala và các giáo huấn khác từ vị thánh thiền sư Yeshe Pal.

Sau đó, ngài được mời thăm xứ Kham. Trong cuộc du hành này ngài đã ban giáo pháp cho cả hai phía tại gia và xuất gia. Những lời dạy tùy duyên hợp với thính chúng, bao gồm mọi khía cạnh của Phật pháp, từ căn bản Đại thừa cho đến Mật thừa. Chấm dứt cuộc viếng thăm, ngài trở về Tsurphu.

Karmapa thứ năm chú tâm đến sự hòa giải các cộng đồng chia rẽ và cố gắng thiết định Bất hại, Bất bạo động như là khuôn khổ cho mọi thái độ chính trị và xã hội. Ngài sáng lập các chỗ nuôi dưỡng bảo vệ cho thú rừng hoang dã, và cũng chấm dứt nạn đòi tiền mãi lộ. Tâm từ bi của ngài biểu lộ nơi cả hai mặt xã hội và tôn giáo.

Một khía cạnh quan trọng trong nghề nghiệp của Karmapa là mối tương giao của ngài với hoàng đế đời Minh, Yung Lo. Vị vua này, được gợi ý bởi một giấc mơ về đức Quán Thế Âm, và cùng với sự thúc dục của hoàng hậu, mời Karmapa đến thăm Trung Hoa vào năm 1406. Bức thư mời có đoạn viết : “Cha tôi và cha mẹ hoàng hậu của đã mất. Ngài là niềm hy vọng độc nhất của tôi ; là tinh hoa của Phật tánh. Xin hãy đến ngay. Tôi gởi tặng ngài một số nén bạc, một trăm năm mươi đồng tiền, hai mươi cuộn lụa, một số trầm, một trăm năm mươi bịch trà và mười cân hương.”

Khi đến Nam kinh ba năm sau đó, ngài được đón tiếp bởi mười ngàn vị tăng. Tại cung điện, vua chào đón ngài và tặng khăn quàng và một vỏ ốc quý, vòng xoắn của nó xoay về bên phải. Nhà vua nghĩ rằng nếu Karmapa thực có tha tâm thông như người ta nói, thì ngài sẽ biết ý nhà vua và sẽ có những thứ quà tặng như của nhà vua. Khi vua nghĩ thế, Dezhin Shegpa rút ra khỏi túi ngài một khăn quàng và tù và bằng vỏ ốc, vòng xoắn xoay về bên phải và trao cho nhà vua.

Nhà vua khoản đãi vị guru mới tìm thấy này, cho ngài vị trí danh dự bên trái vua. Để biểu lộ lòng sùng mộ, nhà vua cho ngài một cái ngai cao hơn ngai của mình. Suốt một tháng sau, khi Karmapa còn nghỉ ngơi sau chuyến đi dài, vua và triều thần tiếp tục đem đến những quà tặng. Theo cách này, một không khí tuân phục và ngưỡng mộ giáo pháp đã phát triển.

Cuối cùng, vào ngày 5 tháng 2 năm con Chuột Thổ, Dezhin Shegpa bắt đầu giảng dạy. Trong hai tuần tiếp theo ngài ban cho vua và hoàng hậu các lễ thọ pháp về Quán Thế Âm màu đỏ, Vajrakilaya, Guhyasamaja, Maitreya (Di Lặc), Vajradhatu (Kim Cương Giới), Hevajra, Tara, Vairocana (Tỳ Lô Giá Na), Bhaisajyaguru (Dược Sư) và Quán Âm Thiên Thủ. Trong những tuần này, ngài biểu lộ bản chất thần diệu của năng lực giác ngộ, năng lực này được đánh thức bởi sự thành tựu các giáo lý Kim Cương thừa.

Ngày thứ nhất khi nhà vua dâng y cho guru của mình và chư tăng, một ngôi chùa hiện ra giữa không trung.

Ngày thứ hai, một cầu vồng giống như cái bình bát hiện ra, với những đám mây giống như thánh chúng La Hán.(1)

Ngày thứ ba, không khí ngập đầy hương thơm và một cơn mưa nhỏ và nhẹ rơi xuống.

Ngày thứ tư, một cầu vồng rực rỡ hiện trên nhà của ngài.

Ngày thứ năm, không gian đầy những dấu hiệu tốt lành và dân chúng tin rằng họ có thể thấy các vị La hán trên đường phố.

Ngày thứ sáu, nhiều ánh sáng phát ra từ bàn thờ của ngài.

Ngày thứ bảy, một ánh sáng rực rỡ màu đỏ không thể có trên trái đất này đến từ tượng Phật của chánh điện soi khắp nền.

Ngày thứ tám, hai vầng sáng xuất hiện trong không trung : một bay lượn trên vùng lăng tẩm và một lơ lửng trên cung thành.

Ngày thứ chín, một đám đông nói rằng họ thấy một nhà sư già bay trên không trung và biến mất nơi cửa của ngôi chùa.

Ngày thứ mười, một con sếu và một con chim giống như chim Garuda màu xanh bay với nhau trên trời.

Ngày thứ mười một, những tia sáng rực rỡ như chảy về phía đông phát từ ngôi chùa của ngài và căn nhà ngài đang ở.

Ngày thứ mười hai, một cơn mưa hoa rơi xuống cung thành.

Ngày thứ mười ba, dân chúng nói rằng họ thấy vài vị tăng trên bầu trời, tụng kinh và lễ lạy hướng về chỗ ở của ngài Karmapa.

Ngày thứ mười bốn, các buổi lễ hoàn tất. Một bầy sếu nhảy múa trên trời và các đám mây có hình dáng của chư thiên, chim Garuda,(2) sư tử, voi, tháp(3) và rồng.

Ngày tiếp theo, ngài được tôn vinh bởi nhà vua, và được vua đặt cho một pháp danh tôn quý bằng tiếng Trung Hoa. Ngày hôm sau là buổi tiếp đãi ngài tại cung điện. Để chấm dứt, một buổi tiệc chót ở nơi cư ngụ của ngài. Suốt các lễ lạc này, sự hiển lộ của năng lực Kim Cương thừa đã được ngài khơi dậy vẫn tiếp tục diễn ra.

Vua Yung Lo nghĩ rằng những sự cố thần kỳ ông đã được chứng kiến nhờ vào lòng tin của mình cần phải lưu giữ lại cho hậu thế. Ông ra lệnh cho các nghệ sĩ tài hoa vẽ lại chúng trong những bức lụa dài, một trong những bức tranh đó được giữ ở Tsurphu. Chính nhà vua đề thơ lên những bức tranh, được dịch ra thành năm thứ tiếng : Tạng, Hoa, Mông, Yugor và Thổ.

Sau các buổi lễ và ban pháp, ngài hành hương đến Ngũ Đài Sơn, năm đỉnh núi của đức Văn Thù. Mặc dù xa vị thầy của mình, nhà vua vẫn tiếp tục trải qua những cảm nghiệm từ lời dạy của ngài như là kết quả của sự sùng mộ không lay chuyển của mình.

Khi Dezhin Shegpa hành hương trở về, ngài khám phá ra nhà vua đang bận bịu với những kế hoạch xâm lăng Tây Tạng. Yung Lo tìm cách hợp lý hóa ý định của mình, nói với Thầy rằng : “Tôi chỉ muốn gởi một đạo quân ít người đến Tây Tạng, vì ở đó trong tương lai có quá nhiều giáo phái xung đột nhau. Tốt nhất là phải tập hợp tất cả vào trong giáo phái của thầy. Như thế mỗi năm sẽ có hội nghị tôn giáo Tây Tạng kết hợp mọi học phái khắp nước.”

Karmapa không bị quyến rũ bởi ý định tham vọng này, và làm ông nản chí bằng cách nói : “Chỉ một giáo phái thôi thì không đủ sắp đặt cho nhiều loại người. Không ích gì khi nghĩ rằng nên tập trung tất cả mọi giáo phái vào một cái. Mỗi học phái riêng biệt được đặc biệt lập ra để hoàn thành một khía cạnh đặc biệt cho phúc lợi của dân chúng. Thế nên, xin đừng gởi binh.” Yung Lo bị thuyết phục bởi những lời nói này và chấp thuận theo ý Thầy.

Thật ra, ngài đã giải trừ cho nhà vua khỏi ý định xâm lăng một lần thứ hai nữa. Điều này xảy ra khi phái bộ đại sứ của Trung Hoa ở Tây Tạng bị tấn công bởi một đám thổ phỉ gần chùa Drigung. Khi vua nghe tin này, ông sửa soạn xuất quân trừng phạt nhưng Karmapa lại thuyết phục thành công chớ đáp ứng bằng việc chống lại bạo lực khủng bố. Bằng cách ấy, Karmapa chính ngài cũng hướng về sự truyền bá con đường bất bạo động và khoan dung.

Mối liên lạc giữa nhà vua và Karmapa là sự thành tâm và tin cẩn sâu đậm. Như là kết quả của lòng sùng mộ của nhà vua, một hôm trong một buổi lễ, Yung Lo thấy được bản chất vô hạn của tâm ngài Karmapa, mà tượng trưng là vương miện Kim Cương màu đen. Nhà vua hiểu rằng chính nhờ vào lòng sùng mộ vào bậc guru của mình mà ông có thể thấy được vương miện Kim Cương đen, nó hiện diện vô hình trên đầu mỗi hóa thân Karmapa. Thế rồi ông quyết định làm một cái theo khuôn mẫu thấy được, trang hoàng bằng vàng và ngọc để cúng dường guru của mình. Dezhin Shegpa làm một buổi lễ trình ra cho dân chúng thấy phiên bản này của cái vương miện, trong buổi ấy ngài hiện thân như là tâm Đại Bi của đức Quán Âm. Bằng cách ấy ngài truyền thông nguồn tâm cảm của chính tâm linh mình. Từ lúc đó trở đi, buổi lễ “Vương miện Kim Cương đen” trở thành một nghi thức trong hoạt động Phật sự của các vị Karmapa.

Năm 1408, ngài loan báo cho vua quyết định trở lại Tây Tạng. Yung Lo bất ngờ bởi tin này, nói rằng : “Ngài đã quá tốt lòng khi đến nơi đây nhưng ngài ở lại không lâu. Ngày trước một vị vua thì quyền hành nhiều hơn vị guru của mình, nhưng ngài, vị guru của tôi, quyền lực hơn cả tôi. Tôi không thể can ngăn ngài khi ngài đã muốn, nhưng xin hãy trở lại đây khi tôi yêu cầu.”

Sau một cuộc hành trình dài, cuối cùng ngài đến Tsurphu. Ngôi tự viện đã hư hỏng vì động đất bởi thế ngài bắt tay vào việc sửa sang. Cùng lúc, ngài chỉ huy việc chép lại Tam Tạng trên vàng và bạc. Ngài đóng góp tài sản và lương thực cho các vị tăng và dân chúng vùng trung Tây Tạng.

Karmapa được các vị đồng thời rất tôn kính. Je Tsong-khapa gởi cho ngài một lá thơ, trong đó viết : “Ngài như một vị Phật thứ hai. Tôi rất muốn được thấy ngài nhưng đang mắc ba năm nhập thất. Thế nên, tôi xin gởi ngài bức tượng Di Lặc của ngài Atisa.”

Mặc dầu có trách nhiệm khổng lồ điều hành phái Karma Kagyu, ngài không bao giờ rời khỏi thái độ nhã nhặn và từ hòa. Trung Mase Togden, người lập ra hệ thống chùa Surmang, một lần đòi hỏi Karmapa quở trách nhóm Karma Garchen đã phá bỏ những giao ước của họ. Ngài bảo rằng : “Suốt đời tôi không bao giờ giận dữ. Tôi sẽ không bao giờ giận dữ.” Một câu chuyện về ngài kể rằng có một thiền tăng thích ngủ hơn hành thiền. Tuy nhiên, trong giấc ngủ, khuôn mặt tươi cười và đôi khi toàn bộ phần trên thân của Karmapa hiện ra với ông. Bị chấn động vì ý nghĩa của sự khẩn thiết rút ra từ điều này, vị tăng ấy trở nên một người tham thiền siêng năng cần mẫn.

Năm 1415, ngài được mời đến xứ Kham, ngài từ chối, nói rằng ngài sẽ gặp dân chúng xứ Kham sớm trong một trường hợp khác. Sau năm đó, ngài mắc bệnh đậu mùa. Dặn dò đệ tử giữ gìn các tập sách và các pháp khí của mình xong, ngài ra đi vào ngày trăng tròn, năm ba mươi mốt tuổi. Sau khi thân thể ngài được hỏa thiêu, nhiều hình của các vị hóa thần như Guhyasamaja và Hevajra hiện lên trên xương của ngài.

Các đệ tử chính của vị Karmapa thứ năm là Trung Mase Togden, vua Yung Lo và Shamar Chophel Yeshe, cũng như Drigung Kagyu, Chen-Nga Dondrup Gyalpo và Minyak Tokden.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]