Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Buổi sáng ngồi yên

15/03/201114:21(Xem: 3206)
7. Buổi sáng ngồi yên

LỜI KINH XƯA BUỔI SÁNG NÀY
Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I. Đóa tường vi vẫn nở

Buổi sáng ngồi yên

Mấy năm xa trở lại, rừng núi Kim Sơn vẫn thế. Vẫn một nhịp điệu của trời mây. Căn lều của tôi nằm bên dưới một rặng thông già có cành lá phủ thấp, che mây, chở nắng. Hôm mới đến, tôi với thầy Quảng Đạo loay hoay dựng lên, chiếc lều nhỏ nhưng vững vàng. Nơi này thuận tiện, buổi tối ấm, buổi trưa mát. Ngoài cửa lều là một khoảng không gian rộng, nhìn xuống bên dưới một triền đồi cao. Phía bên kia là không gian của trời biển mênh mông, rộng mở, ôm mấy từng mây cũng đủ vừa.

Sáng nay, tôi đi xuống lều Trăng Lên uống trà và thăm thầy Quảng Tiến. Đêm qua trời có trăng phải không? Khuya ra về tôi thấy rừng núi Kim Sơn thức dậy, hùng tráng, huyền bí trong đêm trăng sáng. Tu viện đã ngủ yên sau thời công phu tối. Tiếng chuông mõ lặng im. Tôi nghe tiếng chân mình đi trên cát bụi. Tôi ngước nhìn lên cao, khung trời lấp lánh ngàn sao như thấp xuống thật gần. Dải ngân hà nằm vắt ngang bầu trời khuya như một vạt mây xám. Tách trà sáng nay thầy pha thật ngon. Thầy bảo trà này được ướp bằng ánh trăng!

Những ngày đầu ở tu viện tôi vẫn còn mang theo mình đời sống của phố thị, có những tập quán khó quên và thói quen chưa kịp buông bỏ. Nhưng ở đây, thức dậy, mỗi ngày là một ngày mới. Tôi có hết không gian và thời gian cho riêng tôi. Ta sẽ làm gì cho hạnh phúc của mình trong ngày hôm nay?

Từng bước chân đi

Nơi đây mỗi ngày tôi tập đi thiền hành. Tôi tập đi thật chậm rãi. Tôi tập để lại những dấu chân an lạc trên con đường mình đi qua. Những ngày ở đây tôi đi nhiều lắm. Tôi đi nhiều hơn là tôi đứng, tôi ngồi và tôi nằm. Tôi đi lên thiền đường, tôi đi vào phòng ăn, tôi đi xuống lều Trăng Lên, tôi đi lên thất Tĩnh Tâm, tôi qua tu viện Madona, tôi về cốc Sư Phụ, tôi đi dưới nắng, tôi bước trong mây, tôi ra hiên chánh điện nhìn mây, tôi xuống động Quan Âm thăm những ông tiên đánh cờ bên thác... Tôi tập đi thiền hành vì tôi muốn làm gì đó cho hạnh phúc của mình!

Con đường tu viện đất cát. Tôi để ý thấy rõ những dấu chân của mình để lại mỗi ngày trên con đường đi, giữa trăm ngàn dấu chân khác. Có những dấu chân in sâu, có những dấu chân nhẹ nhõm, có những dấu tích của hạnh phúc, có những dấu tích của sự âu lo. Mà trong cuộc sống cũng vậy, bao giờ ta cũng để lại dấu vết của mình, hạnh phúc hoặc muộn phiền, cho dù ta có ý thức được việc ấy hay không. Và những ngày ở nơi này, tôi muốn để lại một chút gì của sự thực tập thảnh thơi trên những con đường của tu viện.

Mấy hôm ở đây, ngày nào cũng nắng đẹp. Những khi ra đứng dưới tán cây đan mộc cao như núi, khuất ánh nắng mặt trời, tôi thấy mát lạnh. Có lần đang đi dạo ven triền núi, mây từ ngoài biển đột nhiên kéo vào như sương mù, bay ngang qua rừng đan mộc, thấm vào áo, vào tóc, vào mặt tôi, lạnh buốt. Lúc ấy, tôi đứng lại thật yên không dám bước đi, sợ những bước chân của mình sẽ làm mây tan mất.

Trong đạo Bụt có nói về lý vô tác (apranahita), tức là ta không đặt một đối tượng nào trước mặt mình. Vô tác còn có nghĩa là không có gì cần được tạo tác nữa, không có gì cần được thực hiện nữa, kể cả sự giác ngộ hay đạt đạo. Tôi nghĩ, phải có thái độ ấy ta mới có thể sống được trong giờ phút hiện tại. Nhờ vô tác mà nơi nào, chốn nào cũng là bây giờ và ở đây. Ta không bị tương lai níu kéo, vì mỗi bước chân đều đưa ta về đến ngay nơi mình đang muốn đến. Tôi nhớ có lần đọc một bài thơ của một vị thiền sư, thỉnh thoảng ông lại hỏi chiếc bóng của mình “Đi đâu bây giờ đây?” Thì chỉ là một bước chân này thôi. Cuộc sống này đâu thể có gì là quan trọng hơn bước chân kế tiếp của mình, phải không bạn? Vì bước chân ấy sẽ đưa ta trở về trong giờ phút hiện tại này! Nếu ta ý thức rằng mỗi bước chân cũng quan trọng như con đường mình đi, thì làm sao ta có thể lạc lối được? Nơi nào bạn đến mà lại không phải là bây giờ và ở đây!

Bạn biết không, tôi nghĩ nhờ có thái độ vô cầu mà ta không đánh mất đi giờ phút hiện tại nhiệm mầu này. Đi về một tương lai nào đó đều là chuyện sai lầm. Trên hành trình của sự sống, mỗi bước chân đều có thể hạnh phúc và tròn đầy như nhau.

Những ngày tu học ở đây, tôi tập đi thiền hành cho thật vững chãi. Tôi nghĩ là những bước chân của mình nơi đây cũng đã là chững chạc và thảnh thơi lắm rồi. Tôi tập bước những bước từ tốn, không để một việc gì thúc hối. Mà cuộc sống của tôi ở đây có gì để phải thúc hối? Có một lần nằm trong lều, trời tờ mờ sáng, nhìn ra ngoài màn cửa tôi chợt thấy Sư Ông đang đi dạo với chú thị giả. Sư Ông có những bước chân thật chậm rãi, đều đặn như nhịp của thời gian. Bóng hai người đi chậm và nhẹ như mây ngoài biển trôi vào trong hôm nào vũ trụ chợt đứng yên. Tôi chợt ý thức rằng những bước chân của mình vẫn còn nhiều vội vã quá! Cuộc sống nơi đây không có gì để thúc hối, nhưng biển sóng trong tôi vẫn cứ còn xô đẩy mãi nhau.

Sự sống có mặt

Tôi nghĩ, sự sống này chỉ có thể có mặt khi chúng ta dám bước chậm lại. Những bước chân hấp tấp và lo âu của ta nhiều khi vô tình làm kinh động đến tính chất nhiệm mầu của sự sống. Làm sao ta có thể thấy được mây vướng trong khe núi, một đóa hoa tím vàng nở trên vách đá, tiếng hót của loài chim lạ, những khoảng rừng âm u không ánh sáng, tiếng suối thủy tinh róc rách... khi bước chân ta đi quá vội vàng!

Nhưng tôi nghĩ nhiều khi chúng ta vội vã không phải vì vô tình mà là vì cố ý. Ta không muốn tiếp xúc với những gì thật sự xảy ra trong giờ phút này. Ta sợ không dám mở lòng ra trước những hạnh phúc và khổ đau trước mặt. Và hình ảnh ta tạo dựng lên trong một tương lai xa xôi nào đó, bao giờ cũng đem lại an ổn cho ta hơn!

Những ngày sống nơi đây, tôi tập thắp sáng hiện hữu bằng những bước chân thiền hành. Có hôm bệnh nằm trong lều, thức dậy nhìn ra thấy Sư Ông đang hướng dẫn đại chúng đi thiền hành. Nhìn một đoàn trăm người đi trong yên lặng, tôi cũng phải cố gắng bước ra. Hạnh phúc sao khi cõi Ta-bà này đột nhiên biến thành tịnh độ! Đi với một tăng thân nhiều chánh niệm, con đường tôi đã bước qua biết bao nhiêu lần giờ phút này bỗng nhiên bừng sáng dậy. Những chiếc lá như xanh hơn, nắng ấm hơn, trời cao hơn, mây trắng hơn, hạnh phúc chừng như gần gũi hơn, và cát bụi nơi này cũng trở thành thanh tịnh hơn.

Ngồi thiền là đem lại sự an ổn cho thân tâm, ta đem thân và tâm trở lại thành một mối trong một vị thế và không gian cố định. Thiền hành là thực tập đem sự an ổn ấy ra tiếp xúc với sự sống, cởi mở với những gì đang có mặt chung quanh ta. Ta bước đi mà thân với tâm vẫn là một, vẫn có mặt trong trời đất. Ta mở mắt nhìn mà vẫn thấy được chân tâm.

Ánh trăng đầu núi

Tôi phải bước xuống một con dốc nhỏ mới vào tới lều Trăng Lên của thầy Quảng Tiến. Lều thầy nằm trên một triền đồi cao, trên đầu một rừng thông xanh cao vút. Phía dưới sâu là con đường thiền hành của tu viện. Buổi sáng thầy đưa tôi ra ngoài hành lang nhìn biển và mây. Buổi tối trên đầu chúng tôi có một dải ngân hà như khói mây và trăm vạn ngàn vì tinh tú lấp lánh không gian. Căn lều thầy đẹp. Không gian nơi đây cứ như trong truyện xưa tích cũ, thời những vị thiền sư chỉ thích đi mây về gió, “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Các ngài không cần gì hết, rũ bỏ chuyện đời bên ngoài tách trà thơm.

Có một đêm chúng tôi ngồi nói chuyện cho đến khuya. Trăng sao lên cao, sương xuống lạnh hồi nào không hay. Thầy kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa, chuyện những ngày túi đời còn vác trên vai lang thang tầm đạo, chuyện Krishnamurti, chuyện con thuyền nhỏ lênh đênh trên sóng nước Hudson, chuyện những ngày nắng, những ngày mưa... À, vì đêm đã hơi khuya nên tôi chưa kịp hỏi thầy về hạnh phúc của một người tu sĩ, về chuyện của bây giờ và ở đây. Trà thầy pha ngon. Tôi không biết pha trà, tôi cũng không biết thưởng thức trà, nhưng tôi thích uống trà. Tôi nghĩ trà ngon là nhờ được ướp bởi sự có mặt chân thành của người đối ẩm.

Tôi về lại bên này thì trời cũng chớm vào thu. Tôi thấy có những nhóm lá đỏ bắt đầu ẩn hiện trong khu rừng ven bờ hồ, mai mốt này rồi cũng sẽ bắt đầu trút lá. Những ngày gió lớn lá sẽ bay đầy không trung như những loài chim lạ. Lá thả xuống nằm yên trên mặt nước hồ thu. Tôi sẽ ra đây ngồi nhìn màu sắc về hội tụ trong một thời gian đứng yên. Trời thu đẹp. Bao giờ cũng đẹp. Trăm năm trước sau gì cũng vẫn đẹp. Hôm gặp cô Thanh Hiền, cô có nhắc chuyện những chiếc lá thu bên này. Tôi quên nói với cô rằng mùa thu trên tu viện có cái đẹp của trăng, của sao, của một biển trời tinh tú. Mùa thu lạnh nên trời bên ấy trong lắm, vũ trụ sẽ thấp xuống thật gần. Hôm nào lỡ thời công phu khuya, cô nhớ ra trước hiên vớt dùm tôi vài chùm tinh tú nhé. Tôi sẽ đem về thả vào văn thơ tôi mà mang ra khoe với những người yêu thơ bên này. Chắc là họ sẽ phục lắm!

Mấy hôm tu học trên tu viện, tôi chợt ý thức rằng hạnh phúc là chuyện cá nhân. Có thể hạnh phúc của tôi còn là hạnh phúc của người khác, và cũng có thể hạnh phúc của tôi còn tùy thuộc vào sự an lạc của những người chung quanh tôi. Nhưng tôi nghĩ, hạnh phúc của tôi là chuyện của riêng tôi. Sáng nay đi thiền hành, tôi tìm lại được những dấu chân xưa của ngày mới đến, trên con đường đi xuống ngôi lều nhỏ nằm gần thất của Sư Ông. Chiếc lều mỏng manh phủ đầy cát bụi. Giá có một cơn mưa núi rừng là ướt át cả đến tận bên trong. Tôi đứng yên nhìn mà tội nghiệp. Những bước chân an lạc của tôi trong ngày hôm nay nhẹ in dấu lên trên con đường mòn xưa cũ. Khổ đau nào rồi cũng sẽ phải chuyển hóa thành hiện hữu nhiệm mầu. Phải không bạn, hạnh phúc là chuyện riêng tư? Tôi đến đây tu học, tôi tập đi những bước chân thiền hành vững chãi thảnh thơi, tôi nhìn mây trôi trên rừng đan mộc, tôi giữ yên một trang kinh, tôi ôm chén trà ấm trong lòng hai bàn tay, vì tôi biết rằng hạnh phúc là chuyện của riêng tôi.

Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?

Trời vào thu nên bên này mưa nhiều lắm, chắc trời bên ấy cũng thế. Tôi ngồi yên nơi bàn viết cạnh cửa sổ. Ngoài trời chuyển mưa nên trong phòng đã thấy tối lù mù. Sắp đặt lại chồng sách vở, tôi tìm thấy một bài thơ tôi làm khi còn ở bên ấy. Chị Quảng Tâm có nhờ tôi viết mấy hàng cho quyển sách mới của chị, tôi viết rồi mà quên đưa. Thôi thì chịu trễ vậy, mai mốt gặp chị rồi sẽ trao sau.

Trời Kim Sơn cao
Quảng mây bay rộng
Tâm thế sự nhẹ
Mai muộn phiền xa.

Sáng nay trời kéo nhiều mây đen và có gió lớn, nhưng tôi nghĩ chắc sẽ không mưa. Tôi ra ngoài sân pha một chút trà thơm, uống hương của mây và ngồi nghe tiếng lá. Trời chuyển nhiều dông gió nhưng tôi lại cảm thấy yên. Tôi cũng vậy, muộn phiền nào rồi mai cũng sẽ trôi xa.

Hôm qua tôi về nhận được thư của Sư Phụ viết từ am Ngọc Sáng. Đọc thư thầy mà tôi lại cứ thấy mênh mông nhớ về bên ấy. Tôi cảm xúc được tấm lòng của thầy đối với đệ tử, bên này cũng như bên ấy. Lòng từ của thầy vẫn rộng lớn như trời biển Kim Sơn. Tôi thích bốn câu trong bài thơ Xóm cũ:

Bước vào đời ngang qua trái đắng
Khổ đau nào đọng lại ăn năn
Hạnh phúc chân như đâu chỗ tới
Giọt lệ nào ngọc sáng long lanh?

Trên đường về xóm cũ, bước chân thầy để lại những dấu tích của từ nhẫn và khiêm hạ, cho tôi học, cho tôi nương nhờ. Trời mùa thu bên ấy chắc lạnh nhiều. Nhớ nhắc Sư Phụ giữ gìn sức khỏe giùm tôi, các thầy cô nhé...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]