Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Đóa tường vi vẫn nở

15/03/201114:21(Xem: 2943)
6. Đóa tường vi vẫn nở

LỜI KINH XƯA BUỔI SÁNG NÀY
Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I. Đóa tường vi vẫn nở

Đóa tường vi vẫn nở

Trời năm nay mùa lạ. Có những ngày mưa nhiều hơn những ngày nắng. Trọn tuần rồi, ngày nào chiều cũng mưa. Sáng hôm nay trời đẹp, tôi pha một ấm trà thơm, ra sau nhà ngồi dưới nắng và lá. Bạn biết không, cây quỳnh sau nhà cũng vừa mới nở mấy đóa, nụ vẫn còn nhiều. Trà ở đây là của Thầy cho, của người ta mang sang từ quê nhà. Tôi chưa uống nhưng thấy hương vị có vẻ cũng thơm và ngon lắm.

Buổi sáng nay trời thật mát, có nắng và gió. Trên cao ngàn đốm nắng lẩn nấp, nhảy múa với những tờ lá xanh.

Nơi tôi đến có một bờ hồ rộng, có những loài chim lạ thỉnh thoảng bay ngang qua đây, duỗi cánh ghé lại nghỉ bên những bờ lau sậy. Những giờ rảnh tôi thường ra đây ngồi. Mặt hồ rộng mở lớn thêm không gian và bầu trời. Những ngày im gió, mặt hồ yên như một tấm gương lớn, phản chiếu mây trên cao, rừng xanh bên bờ. Một buổi chiều ngồi yên bên hồ, cuộc đời chợt thấy lớn.

Hạnh phúc là đi tìm?

Trước một không gian đẹp, một hạnh phúc, chúng ta ngồi yên được bao lâu bạn nhỉ? Tôi đã thường có thói quen đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc mình tưởng lúc nào cũng phải có mặt ở một nơi khác. Nơi đây có thể là hạnh phúc, là an ổn đó, nhưng chưa phải là cái mà mình muốn.

Những ngày xưa tôi vẫn mơ mình được làm mây thong dong trên núi, bay ngang qua những đại dương lớn. Tôi mơ được làm những dòng nước trong mát, chảy róc rách êm trên một lòng suối có những viên sỏi nhỏ; tôi mơ làm những tảng đá cổ ngủ yên trên đỉnh núi cao khuất trong mây... Hạnh phúc tôi nằm xa xôi trong những giấc mơ ấy. Nhưng có một lần ngồi thật yên, tôi chợt hiểu rằng, có bao giờ mình lại không là mây đâu, có ai bảo ta không thể là những dòng suối trong, là những tảng đá xưa trên núi vắng? Vì cuộc đời là thay đổi, là sinh diệt, chúng ta có bao giờ không là mây, là mưa, là nắng, là lá, là của nhau đâu, phải không bạn?

Mấy tuần trước tôi có đi tham dự một khóa tu. Trời tháng sáu của Vermont lạnh như mùa thu. Mỗi khi đi ra ngoài tôi phải khoác thêm một chiếc áo ấm. Nơi đây những ngày mưa nắng bất thường như những áng mây kéo vào từ biển hồ. Những hạt mưa cuối tháng năm làm ấm những giọt nắng đầu tháng sáu. Khuôn viên trường đại học St. Micheal yên lành và thẳng tắp. Những giờ không làm gì tôi thường tìm vào thư viện, nơi đây sách vở im lặng với bàn ghế. Tôi ngồi yên nhìn những hạt mưa nhỏ bên ngoài khung cửa sổ lớn, bay trong nắng sớm. Ở đây, tôi cảm thấy mỗi người như một trang kinh, phơi rộng trên bàn viết.

Buổi sáng nay trời St. Micheal đẹp, tôi muốn được đi cùng bạn trên con đường nhỏ dẫn đến giáo đường. Thử một lần thôi, ta chỉ đi mà không cần phải tìm kiếm một cái gì hết, cho dù đó có là một hạnh phúc. Những bước chân của ta đi trên những trang kinh, giữa những dòng kệ, đi trong hơi thở của sự sống... Thử một lần thôi, ta hãy bước đi cho yên, để cho hạnh phúc về đây đi tìm ta, cho đủ vừa bạn nhé! Tôi nghe tiếng chuông giáo đường thánh thót đổ trên những nóc nhà cao, trên con đường nhỏ tôi đi.

An trú trong hiện tại

Trong những khóa tu ta thường nghe nói nhiều về việc an trú trong giờ phút hiện tại. Nhưng bạn nghĩ sao? Đó có thể là một hiện thực không? Ta có thể nào thật sự có hạnh phúc trong giờ phút hiện tại này không? Hay đó chỉ là một việc không tưởng và không thật. Tôi có thể ngồi yên nơi đây, hoặc đặt những bước chân thảnh thơi trên một con đường đất đẹp bên hồ nước trong, có hoa vàng và nắng ấm. Nhưng liệu tôi có thể ngồi yên trong một phòng cấp cứu chờ nghe tin một người thân không? Tôi có thể mỉm cười an lạc khi nghe tiếng chuông điện thoại reo giữa đêm khuya không? Cuộc sống có những bất an không ngờ, không ai biết, thế thì hiện tại này ta có thể nào thật sự là an ổn không?

Nhưng thôi, chúng ta cũng không vội đi tìm câu trả lời làm gì. Vì ta đã nói là mình sẽ thôi đi tìm kiếm rồi mà! Ta hãy ngồi xuống đây uống tách trà thơm buổi sáng nay. Trà thơm này là của Thầy gửi tặng đó. Tách trà sáng nay có ánh nắng ban mai, nó chứa cả trời mây. Uống trà là một nghệ thuật đó bạn. Cũng như hái trà và pha trà, đây là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều công phu. Uống trà là một lễ nghi cần sự có mặt hoàn toàn của ta. Ta ngồi cho thật yên, cho thật vững chãi, với chén trà nâng trong hai tay, cho thật tròn đầy. Nếu ta có thể thật sự tiếp xúc được với tách trà trước mặt, thì ta cũng sẽ có khả năng sống trọn vẹn trong giờ phút này. Vì sự sống trăm năm của ta nào có nằm bên ngoài những việc làm hằng ngày của mình đâu? Ta có thể tập sống với hiện tại khi ngồi trên xe điện ngầm, khi xuống xe đi vào sở làm, khi quét lá ngoài sân, khi bửa củi, gánh nước...

Có người nói rằng, đôi khi hiện tại đầy những khổ đau, làm sao ta có thể an trú trong hiện tại được? Mà có thật vậy không bạn? Nhưng nếu ta không an trú trong bây giờ và ở đây thì ta sẽ an trú trong bao giờ và ở đâu? Nếu ta không có hạnh phúc được trong giờ phút này thì ta sẽ có hạnh phúc trong giờ phút nào? Và giả sử như giờ phút này không có gì là đau khổ cả, chỉ là một thực tại bình thường thôi, liệu ta có khả năng trở về an trú trong hiện tại không? Hay ta lại cũng chỉ sống theo thói quen của mình, chạy quẩn quanh theo những tập khí, và rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh chung quanh? Vấn đề đâu phải là hiện tại này có khổ đau hay không, phải không bạn? Vấn đề là ta có thật sự muốn được an lạc hay không.

Muốn an lạc, được an lạc

Ngày xưa có một vị thiền sư viết bốn chữ Nho “Dục an tắc an” trên một cái chụp đèn đặt trên bàn viết của thầy. “Dục an tắc an” có nghĩa là: “Nếu anh thực sự muốn được an lạc thì tự khắc anh được an lạc, ngay trong giờ phút này.” Bốn chữ ấy tuy đơn sơ nhưng tôi thấy nó có một sức mạnh có thể phá tung được màn lưới khổ đau, sinh tử của ta.

Muốn an lạc thì ta phải tự khắc được an lạc, thật ra việc ấy đối với tôi bây giờ còn xa vời lắm. Nhưng tôi vẫn xem câu châm ngôn ấy như là một vì sao bắc đẩu trong sự tu tập của mình. Tôi đâu cần phải đi đến ngôi sao bắc đẩu, nhưng chắc chắn là tôi muốn đi về phương hướng ấy. Tôi muốn được an lạc.

Và dầu trong giờ phút hiện tại này cuộc đời có một biến cố gì đi chăng nữa, tôi nghĩ việc tốt nhất mà ta có thể làm là thật sự có mặt với tình trạng ấy để đối phó với nó. Thật sự có mặt để tiếp xúc với hoàn cảnh ấy thôi cũng là đầy đủ lắm rồi, bạn biết không!

Mấy năm trước tôi có dịch quyển “Wherever you go, there you are” ra tiếng Việt, với tựa là “Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây”. Tôi thích cái tựa ấy lắm. Nơi đâu ta đến mà chẳng phải là ở đây? Lúc nào ta đang sống mà không phải là bây giờ ? Nếu ta không sống trong giờ phút hiện tại này thì ta sẽ sống trong giờ phút nào đây hở bạn? Đó không phải là một câu hỏi mà là một lời xác định. Tương lai của ta thật ra chính là bây giờ và ở đây. Nếu ta không ngồi yên được trong giờ phút này thì giờ phút kia cũng sẽ vậy mà thôi! Có lẽ thực tại ta bi đát là vì đi đâu ta cũng vác theo những muộn phiền, lo lắng và sợ hãi của chính mình.

Trong khóa tu vừa qua, có hai người bạn hát tặng cho chúng tôi nghe một khúc nhạc của Trịnh Công Sơn:

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên.
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim...

Câu hát nhẹ nhàng như một lời tâm sự, thấm thía như một buổi chiều vàng đầy nắng ngoài sân nhà. Đất nước ấy, quê hương ấy cũng là cuộc sống này, cuộc đời mà ta đang cưu mang. Và trái tim ấy cũng là sự an lạc, vững vàng của mình trong giờ phút hiện tại. Cuộc đời này còn cần gì hơn là hạnh phúc trong tim của bạn, trong tim của tôi? Cái mà ta thật sự có thể chia sẻ cho người chung quanh là niềm hạnh phúc và sự an lạc của mình. Còn món quà nào quý giá hơn!

Khóm tường vi vẫn nở

Có lẽ tôi sẽ không nhận thấy được cái đẹp của khu rừng nhỏ cạnh nhà nếu trời đất không có bốn mùa. Có lẽ tôi sẽ không ý thức được rằng mình đang sống, nếu cuộc đời không vô thường, không thay đổi. Vì có mất mát nên sự sống mới có thể tồn tại. Như vậy khổ đau cũng là chất liệu của hạnh phúc, phải không bạn? Nhưng việc ấy không có nghĩa là muốn được hạnh phúc ta phải đi tìm kiếm khổ đau. Vấn đề là ta không cần phải sợ hãi khổ đau.

Ngày tháng ở đây tôi chỉ biết tập ngồi cho yên, đi đứng cho vững vàng, thế thôi. Tôi tập uống chén trà trong hai tay của mình cho thật trọn vẹn. Chuyện hạnh phúc, khổ đau chắc chắn sẽ có mặt trong cuộc đời của tôi. Tôi sẽ đem ra hong dưới nắng, chúng sẽ hóa thành mây đi thong dong vào giữa trời.

Cuộc đời nhiệm mầu, có những ngày nắng và dăm ba ngày mưa. Tôi không muốn đóng khung, giam giữ sự sống lại bằng cái biết nhỏ nhoi của mình. Một cái biết khô cứng và tương đối về vấn đề hạnh phúc và khổ đau.

Có lần tôi được nghe đọc một bài thơ:

Sáng nay vừa thức dậy,
Nghe tin em gục ngã,
Nơi chiến trường.
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa...

Tôi chợt hiểu. Giữa những hoàn cảnh khổ đau, bi đát nhất, cuộc đời này vẫn đang có những hạnh phúc hiện hữu. Một đóa hoa tường vi vẫn nở bên tường, dưới hàng giậu xanh tươi. Bạn đừng hỏi tôi về cái đẹp của một đóa tường vi vừa nở. Tôi không trả lời được đâu. Nhưng cần gì bạn nhỉ... cuộc đời có biết bao là những đóa tường vi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]