Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Công đức của Thập thiện hạnh

26/01/201103:52(Xem: 6177)
Công đức của Thập thiện hạnh

THẬP THIỆN LƯỢC GIẢI

Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Phương Đông 2011

Công đức của Thập thiện hạnh

Công đức của 10 thiện hạnh là những gì mà ta có được sau khi tu 10 thiện hạnh.

I. Công đức xa lìa sát sinh

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa sát sinh thì được thành tựu 10 pháp không phiền não. Thế nào là mười?

1. Bố thí ‘sự không sợ’ cùng khắp.

2. Thường khởi đại từ tâm.

3. Đoạn hẳn tất cả tập khí sân nhuế.

4. Thân thường không bệnh.

5. Thọ mệnh dài lâu.

6. Thường được phi nhân bảo hộ.

7. Không có ác mộng, ngủ thức an vui.

8. Diệt trừ oán kết, các oán tự giải.

9. Không sợ đường dữ.

10. Mạng chung sinh Thiên.

Đó là 10 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật được ‘Phật tùy tâm tự tại thọ mệnh’.

GIẢI THÍCH

Không sát sinh là nhân mà quả là 10 công đức trên. Chúng ta không sát sinh thì chúng ta hưởng được 10 điều đó. Tùy mức độ giữ gìn mà 10 điều nhận được đó có sâu hay cạn, nhiều hay ít.

Nếu chúng ta không được một trong các điều trên, thì có thể chúng ta đã phạm vào giới này.[1] Kiểm nghiệm lại, nếu thấy mình có chủng nhân này thì cố gắng hạn chế.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội sát sinh có thể làm cho chúng sinh đọa Địa ngục, Súc sinh và Ngạ quỉ. Nếu sinh trong loài Người thời mắc hai quả báo là mạng ngắn và nhiều bệnh”. Thấy chết yểu hay bệnh nhiều thì biết là do nghiệp sát mà ra. Thế giới hiện nay, do chiến tranh và giết hại nhiều quá, nên nạn tai, chết yểu và bệnh tật rất nhiều.

Thọ mệnh của chúng sinh bị ràng buộc trong nghiệp lực, còn Phật thì tùy tâm cảm ứng với chúng sinh mà có thọ mệnh ngắn dài, nên nói Phật tùy tâm tự tại thọ mệnh, là chỉ cho cái dụng tự tại mà Phật đã có.

II. Công đức xa lìa trộm cắp

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được 10 pháp bảo tín. Thế nào là mười?

1. Tài của tích chứa. Vua, giặc, lửa, nước và con hư không thể phá tán.

2. Nhiều người thương yêu.

3. Người không phụ gạt.

4. Mười phương khen ngợi.

5. Không lo tổn hại.

6. Danh thơm lưu truyền.

7. Ở trong chỗ đông không sợ hại.

8.Tài, mệnh, sắc, lực an lạc, biện tài đầy đủ không thiếu.

9. Thường nhớ nghĩ bố thí.

10. Mạng chung sinh Thiên.

Đó là 10 công đức.

Nếu hay hồi hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, chứng được trí đại bồ đề thanh tịnh.

GIẢI THÍCH

Hiện tại, của cải tài vật của mình bị mấy nạn như hỏa hoạn, lũ lụt, thiên tai mất mùa, người thân phá tán, nhà nước xâm hoại, người ngoài lừa gạt, chiến tranh giặc giã làm tiêu tán v.v… thì biết mình đã phạm vào giới này, không hiện tại thì ở quá khứ.

Trộm cắp, là chỉ cho việc lấy đi những gì không phải là của mình, không được người khác cho phép mà lấy v.v…

. Đi ngang qua nhà người, thấy cây mận trái nhiều quá, nhìn lui nhìn tới thấy không có ai, hớt mấy trái đem về, là vướng vào giới trộm cắp.

. Làm hàng gian hàng giả là trộm cắp.

. Làm công mà xén bớt của chủ là trộm cắp.

. Làm chủ nhưng tận dụng năng lực của người quá giờ qui định mà không thêm lương là trộm cắp.

. Làm quan mà xén bớt của dân, nhờ quyền lực mà có tài lộc, tham nhũng, ăn chặn của dân v.v… đều thuộc dạng trộm cắp.

. Chơi hụi rồi giựt luôn là trộm cắp.

. Mượn mà không trả là trộm cắp.

. Lừa gạt là trộm cắp.

Nêu ra mấy điều trên để tạm hình dung về hai chữ ‘trộm cắp’. Trộm cắp còn nhiều dạng khác nữa. Hiện tại đây, nếu tạo những cái nhân như thế, thì biết tương lai mình sẽ gặt cái quả là bị lụt lội, lửa cháy, con phá, nhà nước bức ép, trộm cướp hoặc vì giặc giã mà tài của tiêu tán.

Hiện tại nếu gặp những cảnh như thế thì phải biết mình đã làm điều gì đó không đúng pháp. Nếu suy xét trong hiện tại thấy không có, thì biết nhân này có thể đã tạo ở những kiếp trước.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội trộm cắp cũng làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài Người thì mắc hai quả báo là nghèo cùng và tài sản chung không được tự do dùng”.

Muốn chấm dứt những cái quả như thế thì phải sám hối và nhất quyết không tham của người, đồng thời mang tiền của ra bố thí trở lại, thì nạn cũ mới tiêu, quả tốt mới tới.

III. Công đức xa lìa tà hạnh

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa tà hạnh thì được 4 pháp người trí ngợi khen. Thế nào là bốn?

1. Các căn điều thuận.

2. Lìa hẳn rộn ràng.

3. Được đời khen ngợi.

4. Vợ hay chồng không bị xâm phạm.

Đó là 4 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, được tướng ‘Trượng phu ẩn mật tạng’ của chư Phật.

GIẢI THÍCH

Tà hạnh, là chỉ cho giới dâm.

Với phật tử xuất gia thì việc này hoàn toàn bị cấm từ tướng cho đến tâm.

Với phật tử tại gia, nói trong điều kiện Việt Nam hiện nay, thì được quyền có vợ có chồng nhưng chỉ nên một và chỉ một mà thôi. Có một người rồi mà đèo thêm một người khác nữa dù chỉ trong tâm tưởng, là phạm giới.

‘Đồng thời’ đương nhiên là không được, nhưng có thể cứu xét trong trường hợp ‘thứ lớp’. Tức với người trước, đã ‘giải quyết’ thỏa thuận tốt đẹp xong đâu đó rồi mà gặp người sau thì có thể tiến tới. Bởi trong vấn đề tình cảm mà nhiều người ‘đồng thời’ quá thì thường dễ gây đau khổ cho nhau, là cái nhân sinh ra những quả báo không tốt sau này, nên Phật đặt ra giới này.

Với hàng phật tử tại gia, nếu đã phát tâm tu Phật, thì tâm thanh tịnh là cần thiết, nên việc giữ gìn cũng cần như hàng xuất gia. Càng giữ được thanh tịnh chừng nào thì càng tốt chừng đó.

Phạm giới thì ta không có được bốn công đức trên. Nếu không phạm giới thì có được bốn công đức nói trên.

Rộn ràng, ái tình là thứ khiến tâm rất rộn ràng. Đức Phật nói trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Ái dục không gì hơn sắc dục. Ngoài sắc dục không có thứ gì lớn bằng. May là chỉ có một. Nếu có cái thứ hai như nó thì người trong thiên hạ không thể làm đạo gia”. Ái dục khiến tâm loạn động rộn ràng, định lực và trí tuệ không thể có. Nếu có cũng không thể sâu, đường sinh tử không thể dứt, nên dù chỉ là kẻ tu tiên, nếu tu muốn có kết quả còn phải giữ gìn, huống là người tu Phật? Đây là lý do khiến Tì kheo và những người phát tâm tu Phật phải chuyển ái dục thành từ bi.

Với người tại gia, thường chỉ tập trung vào phước báu Trời Người, chưa có tâm dứt bỏ sinh tử, nên Phật cho lập gia đình.

Hỏi: Giới luật là những gì thuộc về tướng, là thứ tùy duyên có thể thay đổi theo căn khí của từng người và đời sống xã hội của từng thời. Thời nay có thể cho tăng chúng lập gia đình?

Đáp: Giới luật, đúng là thứ tùy duyên có thể thay đổi, nhưng thay đổi thế nào thì việc thay đổi đó cũng không thể làm mất đi tinh thần mà Phật đã đặt ra cho việc tu hành. Tùy duyên mà phải bất biến. Bất biến nói đây, chỉ cho tinh thần cốt lõi của việc tu hành: Định, tuệ và giải thoát v.v…

Ái dục là thứ làm nhiễu loạn định tâm, dính vào sắc dục ngoài việc không có định tuệ, còn xảy ra những tệ nạn khác như lấy của tín thí làm của chung, tâm ngã, ngã sở thêm lớn v.v… Nó là thứ khiến việc tu đạo và hành đạo của tăng chúng dễ đi ngược với những gì Phật đã dạy, nên giới này không thể thay đổi theo duyên. Vô lượng vô lượng kiếp về sau cũng không thể thay đổi.

Các căn điều thuận, căn là chỉ cho những gì có trên thân tướng của mình như mắt, tai v.v… Những thứ này không chống trái với người đời, gọi là thuận. Như người đời có hai mắt mà mình chỉ có một mắt, thì không gọi ‘thuận’. Đã thuận như người đời mà cũng có tác dụng bình thường như nó vốn có, gọi là ‘điều’. Như người đời có hai mắt, mình cũng có hai mắt nhưng hai mắt mình lại không thấy, hay thấy mờ mờ thì không gọi là ‘điều’. Thân tướng như người đời mà công dụng cũng như thế, gọi là ‘các căn điều thuận’.

Không bị xâm phạm, là vợ hay chồng của mình không bị ai ‘chiếm dụng’. ‘Chiếm dụng’ nói đây có hai nghĩa:

. Bị chiếm dụng do chính vợ hay chồng mình tự nguyện, chỉ cho tình trạng ông ăn chả bà ăn nem.

. Bị chiếm dụng do bức ép. Như việc quan quân ngày xưa bắt ép vợ người mà các tuồng tích hay hát.

Nếu giữ được giới ‘chính chuyên’ này thì sẽ không bị hai sự chiếm dụng đó xảy ra trong hiện tại và tương lai.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội tà dâm cũng làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thì mắc hai quả báo: Vợ không trinh lương và quyến thuộc không được tùy ý”.

Trượng phu ẩn mật tạng, là một trong 32 tướng tốt của đức Phật.

IV. Công đức xa lìa vọng ngữ

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa vọng ngữ thì được 8 pháp chư Thiên khen ngợi. Thế nào là tám?

1. Miệng thường thanh tịnh thơm mùi hoa ưu bát.

2. Được người đời tin phục.

3. Phát ngôn thành chứng, Người Trời thương kính.

4. Thường dùng lời êm diệu an ủi chúng sinh.

5. Được ý lạc thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh.

6. Nói không sai lầm, tâm thường hoan hỉ.

7. Phát ngôn tôn trọng, Trời Người phụng hành.

8. Trí tuệ thù thắng không thể chế phục.

Đó là 8 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, liền được ‘Như Lai chân thật ngữ’.

GIẢI THÍCH

Vọng ngữ, là những lời nói không thật. Không có nói có, có nói không có, làm chưa được nói được, nói không đúng sự thật v.v… đều thuộc dạng này. Bán hàng chất lượng quảng cáo không đúng, hàng gian hàng giả đều lọt vào giới này. Giới này tăng tục gì cũng dễ phạm. Nhiều khi chuyện không đáng gì cũng nói dối.

Được người đời tin phục, là cái quả dễ trực nhận nhất khi mình không nói dối, gọi là uy tín. Có tín thì có tin. Có uy thì có phục. Như trong cuộc sống hiện nay, mình mua món gì mà dùng qua, nó đúng như lời đã quảng cáo khoảng 90% là lòng tin của mình liền xuất hiện. Khi cần, dù có mắc hơn mấy món khác ít nhiều, mình cũng chỉ mua hàng với nhãn mác đó. Việc này biểu hiện mình có niềm tin với nhãn mác đó. Uy tín là thứ rất cần thiết trong đời sống xã hội, gia đình v.v…

Phát ngôn thành chứng, là nói gì có đó, lời nói đều được thực tế chứng minh. Như lên thăm Sư ông, Sư ông nói về một chuyện gì đó chưa xảy ra trong đời sống của mình, nhưng rồi nó lại thành hiện thực, đó là một trong các dạng gọi là ‘Phát ngôn thành chứng’. Đây là quả báo mà người không vọng ngữ có được. Nghĩa là, nhân là ‘Có sao nói vậy’ thì quả là ‘Nói gì có nấy’.

Trí tuệ thù thắng không thể chế phục, là một trong các công đức có được nếu không nói dối. Vì sao ‘không nói dối’ đưa đến công đức ấy?

Tì kheo Cù Ba Ly một lần lên bẩm với Phật là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên làm việc rất ác. Thế Tôn bảo không có chuyện đó. Cù Ba Ly không chịu, sau bị quả báo mụt nhọt nổi khắp người, lúc đầu nhỏ sau to dần, máu mủ vỡ ra nhem nhuốc rồi chết và đọa vào Địa ngục.

Mục Kiền Liên xin Phật xuống đó để hóa độ cho Cù Ba Ly, Phật bảo chẳng cần, nhưng ngài vẫn cứ đi. Cù Ba Ly vừa nghe danh đã lên tiếng: “Nay ta đã đọa xuống cõi ácnày, vẫn không thoát được thầy hay sao?”.

Nói dối, có thứ là do cố tâm nói dối, do sợ mà nói dối, nhưng cũng có khi chỉ vì vọng tưởng mà nói dối. Tức việc nói dối không do cố tâm mà do mình có cái nhìn không đúng với sự việc, mình để cho những tư kiến của mình chồng lên cái thấy ấy, nên sự việc qua mình mới thành lệch lạc, rồi mình thành kẻ nói dối, chứ không hẳn mình muốn nói dối. Rõ ràng, Cù Ba Ly vẫn đinh ninh Mục Kiền Liên làm việc xấu nên mới nói ra câu ấy. Cho nên, muốn nói đúng sự thật, có khi cũng phải nhờ đến trí tuệ thù thắng mới nhìn được sự việc đúng đắn mà nói lại lời đúng đắn.

Ngay cả việc nói dối bình thường thôi, cũng cần có trí tuệ mới không nói dối. Trí tuệ đó là gì? Là tin nhân quả và làm theo những gì mình đã hiểu.

Như vậy, trí tuệ là cái nhân mà cũng là cái quả của việc không vọng ngữ, nên trong phần quả báo có nói đến công đức trí tuệ thù thắng không thể chế phục. ‘Không thể chế phục’, là người đời không thể chế phục được trí tuệ ấy.

Nếu thấy xảy ra những hiện tượng ngược lại với trên, thì có thể mình đã phạm vào giới nói dối.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội vọng ngữ cũng làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thì mắc hai quả báo: “Bị phỉ báng và khi dối”. Nói không đúng sự thật thì bị mắng và bị khinh thường là lẽ tất nhiên trong cuộc sống.

V. Công đức xa lìa hai lưỡi

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa hai lưỡi thì được 5 pháp không thể hoại. Thế nào là năm?

1. Được thân bất hoại, không thể hại.

2. Được quyến thuộc bất hoại, không thể phá hại.

3. Được lòng tin bất hoại thuận với bản nghiệp.

4. Được pháp hành bất hoại, chỗ tu kiên cố.

5. Được thiện tri thức bất hoại, không dối.

Đó là 5 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, được quyến thuộc chân chánh, các ma ngoại đạo chẳng thể phá hoại.

GIẢI THÍCH

Hai lưỡi, là nói lời chia rẽ. Tới người này nói người kia, tới người kia nói người này để thực thi ý định chia rẽ.

Được thân bất hoại, không thể hại, câu này có hai phần. Phần ‘không thể hại’ giải thích cho hai chữ ‘bất hoại’ nói trước. Nghĩa là, thân bất hoại nói đây không phải là được cái thân không bao giờ hoại mà là không ai xâm hại được mình. Bốn câu sau cũng theo đó mà hiểu về hai chữ ‘bất hoại’.

Không dùng miệng lưỡi hại ai, tức không gây cái nhân bất thiện, thì không ai có thể hại mình.

Tôi có quen một người, vị này có tài ăn nói rất hay, rất ngọt, ai nghe cũng tin nhận. Có điều vị này lại dùng cái ngọt, cái hay, cái người hay tin nhận ấy vào việc chia rẽ gia đình người khác. Không phải do cố tâm mà do chống đỡ cho những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho gia đình người ta. Và rồi, không ai làm gì hết, gia đình của vị này tự xào xáo, ly tán, vợ chồng vị ấy đã không thuận mà gia đình con cái của vị ấy cũng không thuận. Nhiều biến cố xảy ra thấy đau lòng. Cái nhân chia cắt gia đình người khác thì gia đình mình sẽ tự có cái quả xa lìa, không thuận hòa, chẳng đợi ai phải nói vô nói ra. Đó là một bài kinh sống khiến tôi suy ngẫm rất nhiều khi chưa đủ duyên đọc được kinh Thập Thiện. Giờ đọc được những gì Phật dạy đây, càng thấm hơn nữa. Thấm để mà tránh. Bởi sống trong đời, mấy cái tật này dễ vướng vô cùng.

Kinh Hoa Nghiêmnói: «Tội lưỡng thiệt khiến chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thì mắc hai quả báo: Quyến thuộc trái lìa và thân tộc tệ ác». Thấy những hiện tướng này xảy ra với mình, thì phải nghĩ đến cái nhân là ‘dùng lời nói chia rẽ người’. Phải sám hối và chừa bỏ cái nhân ấy, thì cái quả mới chuyển và không xảy ra nữa.

VI. Công đức xa lìa ác khẩu

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa ác khẩu thì được thành tựu 8 pháp tịnh nghiệp. Thế nào là tám?

1. Lời nói không trái độ.

2. Lời nói đều lợi ích.

3. Lời nói đều khế lý.

4. Ngôn từ mỹ diệu.

5. Lời nói có thể y thuận.

6. Lời nói được tín dụng.

7. Lời nói không thể chê.

8. Lời nói được ưa thích.

Đó là 8 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, được đầy đủ tướng ‘Phạm âm thanh của Như Lai’.

GIẢI THÍCH

Lời ác, là lời mang tính nguyền rủa.

“Nói như thế là đọa Địa ngục”, nếu mình nói câu ấy với lời nói nhẹ nhàng để khuyên răn một lời nói không phải, thì nó không mang tính nguyền rủa. Nhưng nếu nó được phun ra với một tâm thức đang tức giận thì nó liền trở thành một loại ác khẩu. Vì thế, ác khẩu thường xuất hiện với tâm sân giận oán thù. Để không bị phạm vào lỗi này thì việc đầu tiên là điều phục tâm sân giận.

Cố tâm nói dối để hại người khác hoặc dùng lời nói chia rẽ người khác cũng mang tính ác khẩu. Vì muốn cho hả giận mà nói cho thiên hạ đau lòng v.v… cũng gọi là ác khẩu. Nếu chúng ta giữ gìn lời nói của mình không rơi vào những trường hợp trên thì mình sẽ được 8 thứ quả báo nêu trên.

Độ, là phép đã chế ra, như Lục độv.v…

Lời nói không trái độ, là lời nói mang chiều hướng khế lý.Khế lý, là không trái với lý đạo, là lý thật đang chi phối thế giới này, như lý Tánh Không, lý Nhân Duyên, Nhân Quả. Ngoài ra, những lời nói nào mang tính luân thường đạo lý như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần, kiệm, liêm, chính dạy người đạo đức làm người, cũng gọi là lời nói không trái độ.

Lời nói đều lợi ích, là lời nói không chỉ khế lý mà còn khế cơ. Khế cơ, là phù hợp với tâm trạng và căn cơ của từng người, đủ để người tin nhận.

Dì tôi khi sắp chết, thần sắc thấy cũng tươi tỉnh. Tôi đứng gần kề bảo dì niệm Phật để đi cho nhẹ nhàng, liền thấy sắc diện bà bực bội. Khuyên người niệm Phật khi ra đi là việc làm rất ‘khế lý’. Nhưng người ta không theo mà còn bực bội, vì mình không biết ‘khế cơ’. Bà tham gia cách mạng từ lúc nhỏ, không tin vào mấy việc niệm Phật v.v… mà bảo bà niệm Phật thì khế cơ làm sao được. Lời nói ‘khế lý’ trở thành vô ích, có khi còn hại cả người, chỉ vì thiếu tính ‘khế cơ’. Cho nên, có những loại lời nói xem ra là thiện, nhưng dùng không đúng lúc, đúng nơi, đúng người thì cũng chưa hẳn mang lợi ích cho người.

Nếu thực hành được giới không ác khẩu này, chúng ta sẽ được cái quả là lời nói của mình khi nào cũng tương hợp, khiến người vui vẻ thuận theo, nghĩa là vừa ‘khế lý’ lại vừa ‘khế cơ’.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội ác khẩu làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài Người thì mắc hai quả báo: Thường nghe tiếng ác và lời nói nhiều tranh cãi”.Bị thiên hạ rủa hay phải sống trong một môi trường tranh tụng náo loạn v.v… là cái quả của ác khẩu. Nặng thì đọa vào Địa ngục, Ngạ quỉ hay Súc sinh.

VII. Công đức xa lìa lời thêu dệt

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa lời thêu dệt thì được 3 thứ quyết định. Thế nào là ba?

1. Được người trí yêu thương.

2. Có thể dùng trí như thật mà đáp hỏi.

3. Có uy đức tối thắng đối với Trời Người.

Đó là 3 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, được Như Lai thọ ký không luống dối.

GIẢI THÍCH

Nói thêu dệt là nói thêm vào. Việc này ai cũng dễ vướng. Có việc do cố tâm làm, nhưng có việc do cái nhìn của mình không đúng mà chuyện một thành hai. Bởi ai cũng chất cả bồ định kiến trong đầu, nên nhiều khi nhìn sự việc không còn chính xác. Cố tâm thêu dệt thì quả báo nặng. Không cố tâm, chỉ do thiếu trí tuệ thì quả báo nhẹ hơn.

Người mà khi nào lời nói cũng đi đôi với sự thật, sẽ được sự kính trọng của mọi người.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội ỷ ngữ cũng làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài Người thì mắc hai quả báo: Lời nói không người lãnh thọ và lời không rõ ràng”.

VIII. Công đức xa lìa tham dục

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa tham dục thì được thành tựu 5 loại tự tại. Thế nào là năm?

1. Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.

2. Tài vật tự tại, tất cả oán giặc không thể làm tổn hại.

3. Phước đức tự tại, tùy lòng ưa muốn, vật dụng đều đầy đủ.

4. Vương vị tự tại, đồ vật quí lạ, đều được dâng hiến.

5. Những vật có được, thù thắng hơn trăm ức lần chỗ mong cầu, vì thời xưa không bỏn xẻn ganh ghét.

Đó là 5 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, được ba cõi tôn trọng, đều cung kính cúng dường.

GIẢI THÍCH

Tham dục, là ham muốn. Ham muốn lợi dưỡng, tiếng tăm, tài vật, sắc đẹp v.v… Với những gì mình ưa thích liền sinh tâm mong muốn đoạt lấy, từ đó đưa đến các khổ. Luận Câu Xáphân tích rất rộng về hai chữ tham dục này.

Tham có ở cả ba cõi. Tham ở cõi Dục gọi là Dục tham. Dục tham có hai loại:

1. Năm thứ thuộc 5 căn như mắt ưa nhìn sắc đẹp, thân thích sự xúc chạm v.v…

2. Ham muốn tài lợi, sắc đẹp, danh vị, ăn uống và ngủ nghỉ.

Tham ở cõi Sắc và Vô sắc gọi là Hữu tham. Tính của Hữu tham tuy bị nhiễm ô che lấp thánh đạo, nhưng vì tác dụng nó nhẹ nên không đủ lực chiêu cảm quả báo.

Tham dục hiện khởi ở rất nhiều mặt. Nơi một người bình thường thì loại tham dục này chia đều ở các mặt như ăn uống, ngủ nghỉ, ái dục, quyền lực v.v… Tùy tập khí huân tập ở đời trước mà mặt này nổi trổi hơn mặt kia. Có người thích ăn nhiều, ưa thích đồ ngon vật lạ, suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện ăn, ăn sao cho ngon. Có người thì ái dục mạnh, thấy sắc là động lòng, tiền tài kiếm được đều tập trung phục vụ cho mặt này. Đó đều là những dạng biểu hiện cho tham dục.

Với những vị đã xuất gia, mặt ăn ngủ và ái dục đã bị thúc liễm, thì nó sẽ biểu hiện ra ở những mặt khác, vi tế hơn. Nếu không thúc liễm ăn ngủ và ái dục thì nó cũng sẽ hiện khởi như người ngoài đời.

Tham dục, tính của nó là khiến tâm vọng động lao lư nên người tu thiền định cần phải thúc liễm nó rất nhiều. Thời khóa ở chùa, làm nhiều, ăn ít, ngủ ít v.v… là để trừ bỏ thói tham dục này.

Xưa, Phật chế ra giới ăn đúng ngọ cũng là để trừ bỏ tham dục. Do điều kiện và căn cơ của người thời nay đã khác, nên giới đúng ngọ cũng không còn. Thay vào đó, chúng ta được học: “Ăn chỉ biết ăn, không phân biệt ngon dỡ. Niệm ngon dỡ nếu xuất hiện thì buông. Dù là món ngon vật lạ cũng không có tâm tìm kiếm. Với những gì mình ưa thích không để tâm chạy theo v.v…”, đều là những pháp giúp ta từ bỏ dần mặt tham dục này.

Quả báo của việc lìa tham dục rất lớn. Phước đức có được tương đương với phước đức cõi Trời.

Hiện đời, ai được những quả báo trên thì biết quá khứ đã từng tu cái nhân lìa tham dục. Trong khi hưởng những quả báo đó, nếu không biết tiết chế tiếp mà để tham dục hiện khởi trở lại, thì khi cái quả của ‘cái nhân lìa tham dục’ đã hết, ta lại chịu quả báo của những nhân vừa gây tạo trong quá trình hưởng thụ. Như vậy, muốn nó không hết thì trong cái duyên tự tại và đầy đủ ấy, ta vẫn phải tiếp tục hạn chế các tham dục.

Hỏi: Tu là để có quả mà hưởng. Nhận được quả rồi, lại tiếp tục phải tạo nhân gìn giữ tham dục, vậy thì tu cái nhân ấy để làm gì?

Đáp : Với Bồ tát đạo, tu nhân ấy là con đường cần thiết để ta phát triển định lực và trí tuệ. Dù đích nhắm là định lực và trí tuệ, nhưng ta vẫn có đầy đủ các công đức trên, vì đó là cái quả tất nhiên phải có khi ta tu cái nhân ‘lìa tham dục’. Song vì đích nhắm của ta là trí tuệ và định lực nên việc hưởng thụ không xảy ra. Dù trong hoàn cảnh phước báu tột cùng, ta vẫn tình nguyện lìa tham dục. Điển hình là hoàng tử Tất Đạt Đa đã bỏ cung thành ra đi, Tổ Trúc Lâm bỏ vương vị, hành hạnh đầu đà v.v…

Còn nếu gây nhân ấy với mục đích hưởng thụ thì ta phải chấp các việc sau:

1/ Phước đức cõi Trời Người là vô thường, khó mà được sự đầy đủ tự tại mãi mãi.

2/ Được cái phước tột cùng rồi, có khi đi thẳng vào Địa ngục như người xưa từng nhắc nhở. Bởi trong quá trình hưởng thụ, tâm tham dục phát sinh, trí tuệ lu mờ, trong điều kiện đầy đủ quyền hành và tiền bạc, ta rất dễ gây tạo ác nghiệp. Một khi ác nghiệp đủ duyên thì cảnh giới Địa ngục hiện tiền. Dù cảnh giới Địa ngục chưa hiện tiền, nhưng do quá trình hưởng thụ quá sung sướng, nên khi gặp cảnh giới đối với người khác là bình thường, thì với mình lại trở thành địa ngục, như người xưa thường nói: “Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”.

3/ Phước báu dù đầy đủ tuyệt đỉnh, cũng phải biết hạn chế những ham muốn của mình ở một mức nào đó, không nên vun vít quá tay, mới mong không đọa vào đường dữ ở những kiếp sau. Phước báu càng lớn, càng phải đọc học kinh sách cho nhiều, nhất là những kinh Phật dạy về nhân quả, để tránh gây tạo tội ác.

Do việc hưởng thụ phước hữu vi bị ràng buộc trong qui luật đối đãi của thế gian như thế mà một thiền sư đã nói: “Khi ta thấy rõ vạn pháp trong thế giới này đều hạn cuộc và tương đối thì ta sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất”. ‘Thấy rõ vạn pháp’ nghĩa là thấy được bản chất khổ, không, vô thường, vô ngã của các tướng sinh diệt ấy. Tuy các tướng ấy là không, vô thường, vô ngã nhưng nếu ta có tâm chấp đắm, thì chúng sẽ có lực trói buộc ta, và nếu không cưỡng được lòng tham dục của mình đối với chúng, ta sẽ tạo vô vàn ác nghiệp, và thế là … khổ.

Nói về quả báo của tham dục, kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội tham dục làm cho chúng sinh bị đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài Người thì mắc hai quả báo: Lòng không biết đủ và tham muốn không nhàm”. Tham dục nguy hiểm như thế. Nếu chúng ta thỏa mãn nó, cũng có nghĩa là chúng ta đang huân tập tiếp tham dục vào tàng thức. Thứ gì huân tập nhiều, thứ đó tăng trưởng nhiều, lực của nó càng mạnh mẽ, muốn bỏ càng khó, muốn dứt càng khổ. Phải nhớ đến tính huân tập của tâm mà lìa dần tham dục.

IX. Công đức xa lìa sân nhuế

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa sân nhuế thì được 8 thứ tâm pháp hỷ duyệt. Thế nào là tám?

1. Không có tâm tổn não.

2. Không có tâm sân nhuế.

3. Không có tâm tranh tụng.

4. Tâm nhu hòa chất trực.

5. Được tâm từ của bậc thánh.

6. Thường có tâm lợi ích, an chúng sinh.

7. Thân tướng đoan nghiêm, chúng đều tôn kính.

8. Vì hòa nhẫn nên chóng sinh vào cõi Phạm thiên.

Đó là 8 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, được tâm vô ngại của Phật, người nhìn không chán.

GIẢI THÍCH

Sân nhuế, là tướng sân trong ba tướng tham, sân si. Hờn, giận, bực v.v… đều là bà con của sân.

Sân là cái nhân tạo ra ác nghiệp rất lớn. Giết người, đánh lộn v.v…phần lớn đều do sân hận mà ra. Với người tu thiền định, sân cũng có tác hại không nhỏ. Nó giống như những đợt sóng trào làm tâm chao đảo, nóng bức, mất sự thanh lương tự tại. Sư Suy Hải tu thiền nhập định, nhưng do chấp ngã, không làm chủ được sân hận, thổ huyết mà chết, đọa ngay vào thân Súc sinh.

Kinh Hoa Nghiêmnói: “Tội sân hận làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài Người thì mắc hai quả báo: Thường bị người khác tìm chỗ hay dỡ và luôn bị người khác não hại”.

Để đối trị hay giải tỏa tâm sân, Phật dạy chúng ta quán từ bi, là nuôi lớn lòng thương và có sự thông cảm với người, ta sẽ không sân.

Quán Nhân quả Nhân duyên cũng là pháp để trị bệnh sân. Thấy mọi sự ở thế gian, dù thuận hay nghịch đều do cái nhân mình đã tạo ra trong quá khứ, hoặc thấy mọi sự xảy ra hiện nay đều do nhân duyên đã qua, rồi hạ hỏa với những nghịch cảnh mà mình đang gặp phải, là ta đang quán Nhân duyên Nhân quả để dừng đi nghiệp sân.

Quán các pháp như huyễn không thật cũng là pháp để giải tỏa sự sân hận. Bởi mọi thứ đã như huyễn, trong đó thân tâm ta cũng như huyễn thì có gì để sân hận nữa.

Tùy nhân duyên của từng người, phù hợp với pháp quán nào thì dùng pháp ấy để dừng sân nhuế.

Sân nhuế biểu hiện cho cái ta bị đụng chạm khi gặp nghịch duyên. Chấp ngã là nguyên nhân của mọi trở ngại. Trí tuệ không phát huy được cũng vì chấp ngã. Vì thế, đây nói lìa được sân nhuế, ta sẽ được tâm vô ngại của Phật. Nghĩa là muốn được tâm vô ngại của Phật, phải trừ bỏ sân nhuế.

X. Công đức xa lìa tà kiến

CHÁNH VĂN

Này Long vương! Nếu lìa tà kiến thì được thành tựu 10 pháp công đức. Thế nào là mười?

1. Được ý lạc chân thiện, bạn bè chân thiện.

2. Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng trọn chẳng làm ác.

3. Chỉ qui y Phật, không qui y các Thiên, Thần v.v... khác.

4. Trực tâm chánh kiến, lìa hẳn lưới ngờ đối với tất cả các việc kiết hung.

5. Thường sinh vào cõi Người Trời, không rơi vào ác đạo.

6. Vô lượng phước huệ chuyển chuyển tăng thắng.

7. Xa hẳn đường tà, thường hành thánh đạo.

8. Không khởi thân kiến, bỏ các ác nghiệp.

9. Trụ vô ngại kiến.

10. Chẳng rơi vào các nạn.

Đó là 10 công đức.

Nếu hay hồi hướng về Vô thượng chánh đẳng chánh giác thì khi thành Phật, chóng được tất cả Phật pháp, thành tựu thần thông tự tại.

GIẢI THÍCH

Tà kiến, thuộc về ý nghiệp. Đây là phần quan trọng nhất trong Thập thiện. Bởi Ý nghiệp dẫn khởi hai nghiệp còn lại. Muốn hành được Thập thiện cũng phải có chánh kiến mới hành được. Chánh kiến đó là gì? Là tin vào Nhân quả, thực lý chi phối thế gian này. Cho nên, trong Bát chánh đạo, chánh kiến đứng đầu, và một trong ba đại nguyện của phu nhân Thắng Man là “Nguyện đời đời sinh ra đều được chánh pháp trí”. Có chánh pháp trí, mới không bị tà kiến chi phối.

Ý lạc chân thiện, có chánh kiến thì không có tư tưởng xấu ác, không nói lời xấu ác, không làm việc xấu ác, nên nói thiện. Sống thiện và hành thiện là dụng của tâm chân thật, nên nói chân. Sống thiện sống chân thì tâm được an lạc, nên nói lạc. Chân, thiện và lạc ấy đều do có chánh kiến. Chánh kiến thuộc ý nghiệp, nên nói ý lạc chân thiện.

Tin sâu nhân quảlà biết rõ nhân nào sinh ra quả nào, rồi theo đó mà sống không sai lệch. Như biết bố thí sẽ sinh ra cái quả giàu sanh phú quí, lấy của người sẽ sinh ra cái quả nghèo hèn, thiên tai, con phá v.v… nên nhất quyết không tham lam, không lấy của người, chỉ bố thí để cầu phước báo giàu sang là ta đang tin sâu nhân quả.

Nghe như vậy, có khi mình sẽ khởi tâm: ‘Thời này lương thiện quá làm sao giàu có được, không giàu có lấy gì mà bố thí’. Câu nói như thế chắc được nhiều người ủng hộ, nhưng nó cũng biểu hiện cho cái gọi là không tin vào nhân quả. Đó là một loại tà kiến. Cũng chính vì những tư tưởng như thế mà thế giới ngày càng hỗn mang, kẻ giàu có cũng nhiều mà kẻ nghèo khổ không ít. Chẳng qua chỉ là nhân quả trả vay mà thôi. Đời sống vật chất rất cao nhưng bệnh hoạn nạn tai rất nhiều v.v...

Phải có phước báu đời quá khứ, ta mới có được những thuận lợi tốt đẹp trong kiếp này. Trong những thuận lợi đó, nếu tin vào nhân quả ta sẽ hạn chế bớt những cái nhân bất thiện. Đây nói hạn chế bớt mà không nói dứt khoát phải từ bỏ, vì muốn thà bỏ thân mạng cũng chẳng làm ác, phải là người tin sâu nhân quả. Còn đa phần, một khi lợi lộc đã hiện thì lý nhân quả khi đó dễ ẩn. Rất nhiều lý do để biện minh cho việc kiếm lợi bất chính của mình mà không thấy rằng lòng tham đã che mờ lý trí.

Xưa ở thành Phất ca la, có người tên Thiện Na, làm họa sĩ nơi xa 12 năm, được 30 lạng vàng đem về nước cũ. Trên đường về gặp tăng chúng, liền sinh lòng tin thanh tịnh, liền hỏi thầy Duy na:

- Trong chúng đây cần bao nhiêu vật thì đủ một ngày ăn?

- 30 lạng thì đủ một ngày ăn.

Nghe rồi liền lấy 30 lạng giao cho thầy Duy na xin cúng dường một ngày cơm và trở về nhà với hai tay không.

Về tới nhà, vợ nghe thấy tức quá, trói mang lên quan trị tội. Quan hỏi, người vợ thuật lại sự tình rồi nói: “Chồng con si quần, vợ con không nuôi mà đem cho hết người khác”. Quan liền hỏi anh:

- Sao không mang tiền về cho vợ con mà lại mang cho tăng chúng như thế?

- Dạ thưa, đời trước tôi không làm công đức nên đời này nghèo khó, phải rời quê nhà chịu đủ mọi đắng cay. Nay gặp ruộng phước, nếu không gieo thì đời sau lại khổ, không biết ngày nào ra khỏi. Tôi nay mang tất cả số vàng ra cúng một lần, vì muốn dứt ngay sự nghèo cùng trong kiếp này.

Đại quan là một vị phật tử, nghe vậy động lòng cảm phục, nghĩ thầm: “Thật là việc hiếm có. Bao năm khó nhọc mới được một ít vàng, vậy mà dám cúng hết. Đúng là người rất thiện!”. Nghĩ xong, liền lấy chuổi ngọc đang mang nơi cổ tặng anh, lại phân cho anh một thôn, cùng với các vật dụng như xe ngựa v.v… rồi nói:

- Ngươi phát niềm tin thanh tịnh, vật phẩm cúng dường của ngươi cũng thanh tịnh, lại cúng dường được cho chúng tăng thanh tịnh, nên quả lớn phát sinh theo ý nguyện.

Đó là câu chuyện Bồ tát Long Thọ kể lại trong luận Đại Trí Độ, phần Bố thí ba la mật. Cúng dường cầu phước thì chưa phải là Bố thí ba la mật, nhưng cúng như anh chàng ấy thì thời nay không mấy ai làm được, cũng không mấy ai chấp nhận được. Bởi nếu có tâm, tin vào nhân quả thì cũng có thể chỉ cúng một phần, một phần mang về cho vợ con, đằng này lại dốc hết túi ra mà cúng. Nhưng bởi ý nguyện của anh là muốn dứt ngay sự nghèo khó nên anh trút hết cúng một lần.

Đưa câu chuyện đó ra, không phải để chúng ta phải y đó mà bố thí. Bố thí là việc tùy duyên, tức mọi thứ còn lệ thuộc vào mục đích cúng dường, hoàn cảnh và tâm thức của từng người, nên không có một tiêu chuẩn nhất định nào trong việc này. Đưa câu chuyện ấy ra là để thấy hình ảnh của một người tin sâu nhân quả. Các việc khác thì chưa biết thế nào, nhưng với việc này, phải nói anh tin sâu nhân quả. Ý nguyện được đáp ứng tức khắc như thế khiến niềm tin vào nhân quả lại lần nữa khắc sâu vào tâm thức của anh, khiến niềm tin vào nhân quả ngày càng kiên cố. Như vậy, để biểu hiện cho việc tin sâu nhân quả là niềm tin phải đi đôi với việc làm. Niềm tin đi đôi với việc làm thì niềm tin ấy ngày mỗi sâu xa kiên cố.

Qui y Phậtcó hai nghĩa:

1. Qui y Phật Thích Ca v.v…: Quay về và nương tựa chư Phật. Đức Phật không dạy ta nương tựa ngài theo kiểu ban phước giáng họa, vì ngài không có khả năng đó. Ngài chỉ có khả năng chứng nghiệm chân lý và truyền bá lại con đường đi đến chân lý ấy. Ngài dạy chúng ta sống thiện để có quả báo tốt đẹp. Vì thế quy y Phật cũng có nghĩa là học pháp của Phật, hành hạnh của Phật để chứng nghiệm những gì Phật đã nói.

2. Qui y Phật của chính mình: Quay về và y tựa bản tâm chân thật của chính mình. Học pháp của Phật, hành hạnh của Phật rồi chứng nghiệm những gì Phật đã chứng nghiệm thì cái quả rốt ráo mà mình nhận được là sống lại được với tâm chân thật của chính mình. Đó là Phật tâm. Kinh Pháp Hoa gọi là Tri kiến Phật. Vì sao gọi là Tri kiến Phật? Vì sống lại được với tâm đó thì ta có cái thấy biết của Phật, cũng có vô lượng công đức như Phật.

Lìa tà kiến mà có được công đức ‘Không qui y Thiên, Thần, Quỉ, Vật’, thì biết qui y các Thiên, Thần, Quỉ, Vật là ta không có chánh kiến. Vì sao? Vì có chánh kiến rồi sẽ nhận ra rằng: Chỉ có cái thấy của đức Phật, chỉ những gì Phật đã chứng nghiệm mới có thể giúp ta hiện đời giảm khổ được vui, tương lai lại được cái lạc rốt ráo.

Nói vậy, không có nghĩa là phủ nhận đạo lý của những đạo giáo khác. Nếu đồng cái thấy về thực tướng ở thế gian, đồng mục đích lợi ích cho chúng sinh, thì chỗ dạy của chư vị sẽ tương đồng. Chỉ là sâu hay cạn, là phục vụ cho hạnh phúc thế gian hay xuất thế gian mà thôi. Đây nói qui y Phật, vì chỉ có giáo lý của Phật mới hướng chúng ta đến chỗ giải thoát tột cùng. Cũng chỉ có phần giáo lý thâm sâu của đức Phật mới giúp ta có cái thấy biết như thật, từng phần hay toàn triệt, đối với những gì đã xảy ra, hiện xảy ra và sẽ xảy ra ở thế gian này.

Qui y các Thiên, Thần … khác, là giao phó tính mệnh của mình cho các vị đó, cầu mong sự ban phát phước lành từ các vị đó. Làm như thế là không tin hiểu nhân quả, là không thấy được qui luật nhân quả đang chi phối thế giới này. Qui luật ấy nói rằng: Mọi thứ ta có hiện nay đều là cái quả do thân, khẩu và ý nghiệp của mình đã tạo ra trong quá khứ. Mình có suy nghĩ, lời nói và hành vi thiện thì khi đủ duyên, mình sẽ có cái quả hạnh phúc, may mắn, tốt đẹp. Suy nghĩ, lời nói và hành vi bất thiện thì khi đủ duyên, mình sẽ có cái quả là nạn tai, bất hạnh và đau khổ. Vì thế, cúng kiến cho Thiên, Thần, Quỉ, Vật với tâm niệm như cúng dường bố thí cho mọi loài chúng sinh khác thì không lỗi. Làm việc đó như một cách xả ngã, tiêu trừ lòng tham, mở lòng từ với mọi loài, cũng là gieo duyên để cùng tiến về đạo vô thượng trong tương lai thì tốt, nhưng cúng kiến với tâm niệm cầu xin là ta đang phạm vào lỗi tà kiến nói đây.

Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Bồ tát Thập trụ, có một pháp mà Bồ tát phải hành trên con đường Phật đạo là: «Đối với chúng sinh, phải phát tâm Như Lai». Tổ Hiền Thủ giải thích: «Là đối với chúng sinh kém đức hơn mình, kính đồng như Phật». Điều đó cho thấy ‘không qui y’ không có nghĩa là coi thường, không có tâm cung kính đối với ma quỉ hay thần thánh. Với tất cả mọi loài cần phải có tâm cung kính. Tâm này giúp chúng ta phá trừ sự kiêu mạn, là nhân của ba đường dữ.

Với các việc kiết hung: Kiết là tốt, hung là xấu. Đây muốn nói đến việc bói toán, xin xăm v.v… là dùng các hiện tượng bên ngoài mong sửa trị những thứ bất như ý của mình. Phật nói nếu lìa tà kiến rồi thì không bị các việc ấy làm rối tâm.

Việc coi bói, coi tướng, soi căn, soi nghiệp này ăn rất sâu trong tiềm thức của con người. Đến nỗi đối với việc vào chùa tu hành mà vẫn hỏi thầy một câu: «Thầy coi con có căn tu không thầy?». Vì sao nó lại ăn sâu trong tiềm thức mình như thế?

Vì các hiện tượng ấy đáp ứng được phần nào những mong cầu nghi ngại của mình mà bản thân mình chưa thể tự giải quyết được trong thế giới rộng lớn đầy huyền bí này. Ngoài việc đó ra, đáp án của nó có khi lại rất tương hợp với những gì xảy ra trong hiện tại và tương lai. Vì thế mình dễ tin tưởng và bám víu vào những thứ đó. Nếu hiểu rằng các hiện tượng đó chỉ là cái quả của những nhân thiện và ác mà ta đã gieo trong quá khứ, giờ đủ duyên liền hiện hình, thì mọi việc không có gì để nói. Bởi hiểu được như thế thì mình sẽ tu nhân tích đức, dùng đó để thay đổi đi các quả xấu. Nhưng thường, mình lại quên cái nhân đó mà cứ bám chặt vào những hình thức kiết hung để hành sự, nên sự việc thành mê tín dị đoan.

Không rơi vào ác đạo, vì có chánh kiến thì ba nghiệp đều thiện. Nhân thiện thì quả sẽ thiện. Nếu thấy vào ác đạo, là do hạnh nguyện mà đi.

Trụ vô ngại kiến, là trụ vào cái thấy vô ngại. Vì ‘vô ngại’ nên tuy nói trụ mà thật là không trụ.

Chẳng rơi vào các nạn, vì có chánh kiến, sống với chánh kiến thì không gieo các nhân ác, nên không gặt các quả xấu. ‘Chẳng rơi vào các nạn’ nói đây có hai nghĩa:

- Không gặp các nạn tai.

- Gặp các nạn tai mà vẫn bình thản như không.

Với quả báo của tà kiến, kinh Hoa Nghiêmnói: «Tội tà kiến làm cho chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thì mắc hai quả báo: Sinh trong nhà tà kiến và tâm dua vạy». Hiện tại, mình tà kiến mà ở trong gia đình cũng tà kiến thì đó là chuyện hẳn nhiên. Đồng nghiệp đã hiển rõ. Nhưng có khi mình thấy mình tin Tam bảo, làm việc phước thiện nhưng gia đình mình lại chỉ tin vào chuyện cúng sao giải hạn, bài bác việc ăn chay, không tin nhân quả v.v… thì cần coi lại cái chủng tà kiến nó đang ngủ ngầm trong mình, hay đã hiển lộ ở mặt nào đó mà mình chưa thấy.

Chủng tà kiến này có hai dạng:

1. Theo nghiệp lực mà đi.

2. Theo nguyện lực mà đi.

Cũng có thể là vừa nguyện lực vừa nghiệp lực.

Nếu theo dạng nghiệp lực mà đi thì rơi vào trường hợp kinh đang nói đây.

Nếu theo dạng nguyện lực thì chủng tà kiến là những gì đã có trong quá khứ, nhưng nay đã được thuần chuyển. Nó không còn lực để dẫn ta đầu thai vào cảnh giới đó. Muốn vào cảnh giới đó, tuy phải nương chủng ấy mà đi, nhưng lực dẫn đi lại là lực của đại nguyện. Nương nguyện lực đó để thực hiện hạnh nguyện độ sinh theo dạng đồng sự.

Cô là một người tin Tam bảo, ăn chay trường nhưng trong gia đình, cha mẹ và anh chị không tin Tam bảo, có đi chùa cũng chỉ để vui chơi hay cầu may. Trong gia đình lại thường xảy ra những việc không hay. Cô chán nản và bực bội với những gì mình đang gặp trong hiện tại, oán trách người thân, chán nản với những việc thiện mình đang làm.

Tin Tam bảo, ăn chay trường là những biểu hiện của chánh kiến. Nhưng gặp hoàn cảnh éo le v.v… mà oán trách người là mình chưa hiểu được lý Duy tâm, chưa tin vào lý Nhân quả Phật đã dạy. Nếu tin vào nhân quả, mình phải biết những gì mình đang gặp hiện nay là bắt nguồn từ cái nhân thân, khẩu và ý nghiệp của mình. Không tin nhân quả biểu hiện cho việc thiếu chánh kiến. Cũng do cái chủng thiếu chánh kiến, mình mới sinh vào gia đình tà kiến trong kiếp này.

Nói ra thế để thấy, khi mình chưa phải là Phật thì chánh kiến và tà kiến là hai thứ trộn lẫn nhau trong con người mình. Vì thế, khi thấy thân ruột của mình ‘tà kiến’ thì phải hiểu mình cũng còn những phần tà kiến chưa gột hết. Phải biết mà coi lại cái chủng tà kiến này, nó hiện đang tồn tại ở mặt nào trong mình? Mình chánh kiến rồi đó nhưng có khi chỉ mới tám phần, vẫn còn hai phần là tà kiến. Quan sát để biết mà sửa trị. Tâm thay đổi thì thế giới của mình sẽ thay đổi.

Cũng như chúng tôi, giải thích bộ kinh này không phải vì đã được chánh kiến hoàn toàn. Tin vào nhân quả, sống được với lý Nhân quả mà chưa tin vào lý Duy tâm thì cũng chưa phải là kẻ có chánh kiến hoàn toàn. Tin lý Duy tâm mà chưa sống được với lý Duy tâm ấy thì trên sự, vẫn còn dính dáng ít nhiều đến tà kiến. Song làm ra sách là để vừa học, vừa củng cố thêm chánh kiến cho mình, cũng là để san sẻ những điều Phật Tổ đã dạy trong kinh cho những vị hữu duyên cùng biết.



[1] Nói ‘có thể’ vì từ nhân ra quả, còn bị lệ thuộc vào duyên. Nên có khi ‘nhân’ thấy giống nhau mà ‘quả’ lại khác nhau, thấy ‘quả’ giống nhau mà ‘nhân’ lại khác nhau.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com