Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Tu Tập Giải Thoát

19/01/201122:22(Xem: 3934)
Chương 8: Tu Tập Giải Thoát

Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Chương 8: Tu Tập Giải Thoát

Hiuwan Fashih

Pháp Sư Hiuwan, người Hoa thuộc trường phái Thiên Thai, hiện đang sinh sống tại Đài Loan. Sư đã 81 tuổi, là hoạ sĩ, thiền sư, nhà học giả, nhà giáo dục. Vừa qua Sư đã xây dựng được một trường kỹ thuật có thể chứa khoảng 600 sinh viên. Không thể ngờ dù tuổi đã cao, Sư vẫn rất năng động; tuy nghiêm nghị nhưng Sư cũng rất tử tế.

PHẬT XUỐNG NÚI

Từ lâu, tôi đã thích về giáo dục và Phật giáo. Năm 1942, trong chiến tranh Nhật Bản, tôi đang trú ngụ tại một chùa trên Đỉnh Omei, Trung Quốc. Một buổi sáng, đọc thơ của một vị tăng thời xưa, tôi bắt đầu có ý muốn xuất gia để tránh khỏi những rắc rối của thế gian. Tôi bắt đầu sống trong chùa và dạy học ở một trường dành cho các vị ni. Sau đó tôi viếng thăm Ấn Độ một thời gian. Khi trở về, tôi dựng nên bốn trường học ở Hồng Kông và dạy học cho trẻ tỵ nạn người Hoa.

Tôi được mời vẽ chân dung đức Phật, vì thế tôi đọc rất nhiều sách về nghệ thuật Phật giáo. Tôi đã bỏ ra sáu năm để vẽ 10 bức họa. Cho đến lúc đó tôi rất thích văn hoá và nghệ thuật Trung Hoa, các tác phẩm hay của Khổng Tử, nhưng tâm trí tôi chưa cởi mở. Sau khi hoàn thành 10 bức hoạ, tôi nhận ra rằng cuộc đời cũng giống như tranh. Trước đó tôi chưa bao giờ có cảm xúc mạnh đối với đức Phật, cũng như tôi chưa bao giờ có cảm xúc về bất cứ việc gì chung quanh tôi; tôi chỉ thích các tư tưởng. Nhưng khi vẽ xong các tấm hình về đức Phật, trong tôi có một cái gì đó đã được thông suốt.

Một số học sinh tôi dạy rất nghèo nàn, dơ bẩn. Tôi đã hỏi đức Phật: “Tôi đang sống trong cuộc đời nầy, họ cũng thế. Tại sao họ lại quá nghèo?” Đức Phật đây là sự tử tế trong lòng tôi. Tôi nhận ra rằng nghệ sĩ thường có tấm lòng tràn đầy từ bi, vì người ấy nhìn và phải nhận thức được mọi thứ để vẽ. Lòng từ bi và trí tuệ của đức Phật -cả 40 năm sau những chữ nầy vẫn gây xúc động trong tâm tôi. Tôi trở thành một tu sĩ không phải chỉ cho tôi, nhưng vì đức Phật phải xuống núi để giúp những chúng sanh đang đau khổ.

GIÁO DỤC KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ HỌC VỊ

Tôi rất lo lắng về sự xuống dốc của các giá trị đạo đức trong thời đại máy móc nầy, và nghĩ rằng các đề tài nhân văn cần phải được dạy trong chương trình khoa học và kỹ thuật. Giáo dục không chỉ là phổ biến kiến thức học vị, nhưng cũng cần phải dạy về các giá trị luân lý. Vì lẽ nầy, tôi bắt tay vào việc xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Huafan vào năm 1987.

Đã từ lâu tôi có ý muốn xây dựng một trường học về văn hoá và Phật giáo Trung Hoa ở Đài Loan, nhưng Bộ Giáo Dục không còn cho phép mở trường đại học nhân văn. Họ chỉ muốn mở trường đại học cho sinh viên học những kỹ năng thiết thực, để tìm được việc làm. Tôi nhận thấy rằng kiến trúc cũng là nghệ thuật, vì thế chúng tôi quyết định là trường đại học của chúng tôi sẽ chuyên về ngành kiến trúc và các kỹ thuật liên quan.

Chúng tôi có một câu lạc bộ Phật giáo, nhưng không liên quan gì đến Phật giáo. Tuy nhiên, vì tôi là ni sư và là người sáng lập, điều nầy cũng phần nào ảnh hưởng cách điều hành trường, và các sinh viên mời tôi dạy thiền. Tôi hy vọng rằng họ sẽ phấn khởi với các giá trị Phật giáo và sẽ hâm mộ nghệ thuật.

Nền giáo dục giải thoát làm trong sạch tâm thức. Không phải từ ngôn ngữ hay sách vở - khi bạn nhìn một vật gì và có cảm giác thích thú bên trong, nghĩa là khi ấy bạn đã học được một điều gì đó. Nếu các sinh viên suy nghĩ về cuộc sống nhiều hơn, thì họ sẽ hiểu nó nhiều hơn. Biết áp dụng các giá trị đạo đức, có hiểu biết về trí tuệ siêu việt và có lòng từ bi đối với người khác là những nội quy của trường đại học kỹ thuật nầy.

GIÁO DỤC ĐỂ GIẢI THOÁT

Thầy của tôi là Thượng toạ Tan Hsu, người đã hiến cả cuộc đời để lo cho giáo dục. Khi mất, ông không nhắm mắt cho đến khi tôi lập thệ nguyện ngay lúc ấy, rằng tôi sẽ hiến dâng cuộc đời tôi cho sự nghiệp giáo dục.

Đây không phải là cho tôi, không có gì là cho tôi cả. Điều quan trọng là nơi đây sẽ thành trường đại học, cơ sở nghiên cứu về giáo dục Phật giáo. Kỹ thuật và văn hoá cần phải bổ sung cho nhau, và tôi muốn thực hiện điều nầy cho xã hội. Tôi mong muốn hoà hợp kỹ thuật, văn hoá, cùng với Phật giáo và nghệ thuật.

Khởi đầu giáo dục nhằm dạy cho con người biết “vươn tới điều tốt đẹp nhất”. Ngày nay giáo dục rất phát triển, nhưng dường như không thành công trong việc giúp đỡ con người vươn tới điều tốt đẹp nhất. Một nền giáo dục lý tưởng không phải chỉ trao tay kiến thức, mà còn bao gồm những phương cách thanh lọc tâm, để học giả không bị giao động bởi vật chất thế gian, và để đạt đến trí tuệ siêu việt. Giáo dục để giải thoát có nghĩa là nuôi dưỡng sự tỉnh thức và chuyển hoá ý thức trở thành trí tuệ.

GIÁO DỤC TỰ NHIÊN

Nền giáo dục hữu hiệu nhất là phát triển cá tính và dạy ta làm thế nào để có được sự an vui trong cuộc sống. Kết hợp môi trường thiên nhiên với giáo dục sẽ dễ thành công, và tạo được nhiều cơ hội. Từ lâu Ấn Độ đã nhận thấy sự cần thiết của giáo dục giữa môi trường thiên nhiên, để thực hiện được sự phát triển của thân tâm.

Một rễ cỏ nhỏ, một hạt cát; mỗi thứ là một vũ trụ thu nhỏ, giúp chúng ta nhận thức được mối liên hệ giữa một cá nhân và thế giới, cũng như trạng thái vô hạn của trí tưởng tượng. Thiên nhiên và con người tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, vì thế nên sống chung hoà hợp với nhau. Như thế, một nền văn hoá không bị giới hạn sẽ tự nhiên xuất hiện.

“Nền giáo dục tự nhiên” của đức Phật là một tiến trình của giải thoát; là bản tánh chân thật của con người để vươn tới giải thoát. “Giáo dục tự nhiên” không chỉ có nghĩa là truyền dạy sự hiểu biết, nuôi dưỡng tình thương và lòng từ bi, mà cũng là sự thực tập và chứng nghiệm thực sự.

Môi trường giáo dục cần phải xa những nơi đô thị bụi bặm, ồn ào, ở giữa rừng cây yên tịnh. Nhà ở cần phải đơn sơ, thoải mái. Môi trường học tập cần được trang trí với các tác phẩm văn chương, nghệ thuật, nên chứa đựng những sản phẩm đưa nguời ta đến với các tư tưởng tôn giáo và thiền định. Về mặt học vị, sức mạnh của trí tưởng tượng và phẩm chất của lòng từ bi cần được phát huy.

PHƯƠNG THUỐC HỮU HIỆU

Nếu muốn thanh tịnh tâm thức, gạt bỏ những lo âu đời thường và đạt được trí tuệ miên viễn, chúng ta phải giữ nội tâm tỉnh thức, quen dần với sự yên tịnh và trầm lắng. Một tâm thức an lạc và thông thái sẽ giúp ta phân biệt được việc tốt xấu.

Nền giáo dục thông thường chỉ phát huy việc chia sẻ và thu thập kiến thức. Giáo dục giải thoát của Phật giáo rèn luyện về cả hai mặt kiến thức và đạo đức, nhằm mục đích trừ diệt si mê để trí tuệ được hiển lộ. Lý tưởng Phật giáo là để đạt mục đích của việc dạy đồng thời cũng là học.

Trong thời đại bùng nổ tri thức, kỹ thuật tân tiến dường như đang phát triển bằng các bước nhảy vọt. Nhưng tri thức nhân loại càng phát triển, thì tâm thức con người càng trở nên cô đơn, tuyệt vọng. Đây là lúc chúng ta cần phải khảo sát kỹ lưỡng, sâu sắc về những nhu cầu đích thực của nhân loại.

Làm thế nào để các bạn trẻ phát triển sự tự tin? Thanh lọc tư tưởng của họ sẽ mang lại lòng từ bi và trí tuệ, rồi họ sẽ nhìn thấy mọi thứ quanh họ đáng quý và họ sẽ thực sự tôn trọng sự tương quan giữa mọi vật. Như vậy, các bạn trẻ có thể cống hiến cho thế giới nầy, phấn đấu, lên kế hoạch cho sự phát triển tốt đẹp hơn của thế giới.

THANH TỊNH VÀ LINH HOẠT

Tôi thiền về mọi việc mà tôi làm. Khi còn trẻ tôi nghiền ngẫm về một công án Thiền trong vòng tám năm. Tôi tranh đấu ngày đêm, nhưng luôn có cảm giác còn một cái gì đó mà tôi chưa thấu triệt, các cánh cửa nội tâm của tôi dường như bị khoá chặt.

Sư Tan Hsu dạy Kinh Pháp Hoa (Lotus Flower Sutra) ở Hồng Kông. Sư thuộc trường phái Thiên Thai và đến từ miền đông Trung quốc. Khi tôi được biết về Kinh Pháp Hoa và trường phái Thiên Thai, tôi đã có một cảm nhận rõ rệt. Lần đầu tiên được gặp vị bổn sư, tâm tư và suy tưởng của tôi đã thay đổi. Có rất nhiều nguyên tắc và chân lý đáng được học hỏi từ truyền thống Thiên Thai.

Từ năm 1953 tôi đã thực hành samatha(thiền chỉ để được thanh tịnh) và vipassana (tuệ giác dẫn đến sự linh hoạt). Quan trọng là phải hiểu về trạng thái của “thanh tịnh và linh hoạt”. Nếu không hiểu điều nầy, thì ta không thể hiểu được thiền. Trạng thái thiền định của chúng ta phải trong sáng và linh hoạt.

TRƯỜNG PHÁI THIÊN THAI

Các giáo lý căn bản của trường phái Thiên Thai dựa trên Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra). Ba đại ý đã được nhắc đến trong chương hai “Phẩm phương tiện”, về sự bình đẳng, độc lập và dũng cảm đều tương quan lẫn nhau. Đây là những mục đích táo bạo của trường phái Thiên Thai.

Bình đẳng có nghĩa là không có sự phân biệt giữa các đức Phật và chúng sanh; mọi người đều có cùng Phật tánh. Tình thương yêu và lòng bi mẫn chỉ có thể phát sinh từ tâm bình đẳng. Sự độc lập biểu lộ thể tánh giác ngộ của tất cả chúng sanh, là điều khiến cuộc đời tươi sáng hơn. Sự dũng cảm có nghĩa là một người có tình thương và lòng từ bi cao cả sẽ không dễ bị bất cứ điều gì chi phối. Nếu mọi người có thể phản ứng, hành xử dựa trên ba điểm căn bản nầy, thì thế giới sẽ đầy dẫy những con người có phẩm cách và sáng suốt.

Theo trường phái Thiên Thai, toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo được coi là “Kinh điển và thiền định”. Việc nghiên cứu kinh điển đi chung với thiền định, có nghĩa là: sẽ không có mâu thuẫn giữa tri thức và tâm linh. Dựa trên các kết quả hổ trợ nhau của việc thực hành và nghiên cứu trí tuệ, đúng theo luật nhân quả, giáo Pháp vi diệu sẽ hiển bày.

Theo trường phái Thiên Thai về samatha/ vipassana, cả hai thiền định và trí tuệ đều đầy đủ. Có thể nói rằng: “Samathabước đầu làm lắng dịu những yếu tố tinh thần đang ràng buộc con người vào đau khổ, vipassanalà phương tiện thiết yếu để gạt bỏ hết cấu uế”.

Phái Thiên Thai phân biệt ba loại thanh tịnh - chỉ- tri kiến- tuệ- đó là làm thanh tịnh tâm trí qua việc chấm dứt phân biệt giữa các đối nghịch, thực tập các phương tiện tinh xảo phù hợp với tình thế và chân lý giác ngộ; và ba tri kiến siêu việt về tánh không, trạng thái hiện hữu do duyên hợp và trung đạo. Tất cả được tạo ra để mọi người tuỳ theo khả năng của mình mà ứng dụng các phương pháp.

ĐIỀU KHIỂN TÂM

Khi bạn đã vào trong thiền đường, tại sao bạn vẫn còn hỏi: “Cửa ở đâu?” Bạn có thể đến nơi nầy hoặc nơi kia để tìm kiếm một cái gì đó, nhưng bạn luôn phải quay trở về. Khi bạn đã hiểu về vấn đề sanh tử, bạn sẽ không còn cảm thấy buồn ngủ trong lúc thực tập thiền.

Nữa đêm khi mọi vật đều yên tỉnh, nếu chúng ta quan sát tâm trong cô tịch ta có thể thấy tận nơi sâu thẳm đó có một sự sáng suốt tuyệt diệu. Chúng ta ý thức trực tiếp mọi thứ với một trạng thái tỉnh thức rõ ràng. Khi đó chúng ta đã đạt đến trạng thái của thiền định [dhyana].

Phương cách để thanh tịnh tâm thức là điều khiển nó. Phật giáo đầy dẫy những cách thức để điều khiển tâm thức, một trong những phương thức ấy là đếm hơi thở. Đây là đếm hơi thở từ một đến mười và ngoài việc đếm số ra, không có một ý nghĩ nào khác có thể lọt vào tâm. Nếu bạn bị chi phối bởi những ý nghĩ khác, thì bạn phải bắt đầu đếm từ một trở lại.

Lúc ban đầu có thể bạn chỉ đếm “một” mỗi lần bạn hít vào và thở ra, vì tâm thức bạn còn lăng xăng. Sau đó, khi tâm bạn trở nên lắng đọng hơn, bạn có thể đếm từ một, hai, ba, cho đến mười. Nếu bạn suy nghĩ về việc nào khác, bạn sẽ quên đếm, vì thế bạn luôn phải trở về với đếm số. Nghe giống như là mẫu giáo vậy, nhưng nhờ đó tâm bạn dần dần sẽ trở nên yên tịnh hơn cho đến khi bạn có thể đếm từ một đến mười mà không bị chi phối. Thì đấy là thiền định.

Tiếp theo, bạn có thể niệm hồng danh Phật A Di Đà: “Amitofo, Amitofo” (A Di Đà Phật, A Di Đà Phật). Bắt đầu bạn niệm lớn tiếng, sau đó bạn có thể niệm khẽ trong lòng. Niệm danh hiệu Amitofo có thể làm cho tâm ta rất yên tĩnh.

Trước hết bạn phải nắm giữ con trâu cho thật chặt, sau đó bạn có thể để trâu tự do, bởi vì nó không còn gây phiền hà cho bạn nữa.

AN TRÚ TRONG THANH TỊNH

Phần đông chúng ta không biết “thanh tịnh” là gì, kể cả khi ta ngồi bất động. Chúng ta thấy khó mà an trú trong thanh tịnh vì thân và tâm hoạt động không phù hợp nhau; vì thế dù thân bất động, tâm vẫn chạy nhảy lung tung với đủ loại vọng tưởng. Trong lúc đếm hơi thở, thiền giả không thật sự ở trong trạng thái tỉnh lặng vì tâm vẫn còn đếm số. Tuy nhiên, bài tập có chủ định nầy giúp cho tâm lăng xăng được thuần hoá.

Tiến trình của sự thực tập là trước hết đếm hơi thở, thứ hai là theo dõi hơi thở, thứ ba lắng đọng, thứ tư quán, thứ năm quay trở vào, thứ sáu là thanh tịnh hoá. Đây là một quá trình thực tập từng bước từng bước đòi hỏi lòng kiên nhẫn.

Có ba giai đoạn thực tập thiền định đưa đến trí tuệ siêu việt. Giai đoạn đầu bao gồm việc làm lắng dịu tâm. Suốt ngày ta bị bao ý tưởng xuất hiện quấy rối, không có thời gian để suy gẫm sâu sắc hơn bao vấn đế, nhưng dẫu bận rộn bao nhiêu, ta cũng nên dành thời gian để quán sát về ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.

Giai đoạn thứ hai bao gồm sự thanh tịnh hoá tâm thức. Nếu tâm thanh tịnh, ta có thể quán sát xem cuộc sống thực sự có ý nghĩa gì, ta sẽ thấy thế giới nầy là vô thường. Nếu hiểu được tính chất tạm bợ của cuộc sống, ta sẽ hiểu chúng không thực sự hiện hữu. Và nếu hiểu được như thế, ta sẽ hiểu được sự không hiện hữu của cái ta. Như thế ta không phải lo lắng quá nhiều về việc ta thành công hay thất bại, được hay mất, sở hữu cái gì đó hay không. Tâm bình lặng nầy giúp ta thoát khỏi bao phiền não, ta không còn đau khổ vì thất bại hay phấn khích bởi thành công. Thay vào đó, tâm được thanh tịnh hoá và ta được an lạc.

Giai đoạn ba bao gồm việc chuyển tâm ta thành tâm Phật. Thanh tịnh hoá tâm chỉ vì lợi ích cho bản thân, chưa phải đúng là mục đích của người Phật tử. Một Phật tử chân chánh không thể chỉ ngồi thiền trong rừng. Tuy nhiên, hành giả vẫn có thể sống trong rừng ngắn hạn để tìm phương cách giúp mọi người đạt giác ngộ. Chúng ta phải chia sẻ nỗi đau khổ mà tất cả chúng sanh đều phải hứng chịu và cố gắng giúp họ bớt khổ đau. Vì hiểu được tánh không, nên chúng ta có thể dang trãi lòng từ bi vô hạn đến tất cả muôn loài không phân biệt, như cha mẹ đối với con cái vậy.

TRÍ TUỆ VÀ SỰ TỰ BIẾT MÌNH

Căn bản quan trọng cho sự phát triển của một nền văn hoá Phật giáo hiện đại gồm có sự phát triển trí tuệ. Trí tuệ giống như nước, vì nó có thể làm sạch tâm, và giống như tấm gương nơi phản chiếu tâm ta thật rõ ràng. Trí tuệ có thể thanh tịnh hoá ta, cho ta ánh sáng và sức mạnh. Nhờ có trí tuệ, ta có thể tự hoàn thiện mình cũng như chia sẻ những hiểu biết của ta với người. Đó là tinh thần của lòng thương yêu và lòng bi mẫn, cũng là ý nghĩa căn bản về những lời dạy của Đức Phật.

Chúng ta phải hiểu rõ những vấn đề của mình và giải quyết chúng để có thể phát triển trí tuệ. Khi hiểu được như thế rồi, ta bắt tay hành động. Nếu không, đó không phải là trí tuệ thực sự. Chúng ta cần phải luôn kiểm soát tâm thức của mình, xem chừng, thí dụ, ta đang nói dối hay chân thật. Thường thì ta đã trở thành bạn với sự lừa dối mà không hay biết. Ta nghiền ngẫm về những việc không quan trọng, và có ý nghĩ tiêu cực về những người không đồng ý kiến với ta. Khi ta đau khổ, tức là đang có một cuộc chiến tranh tinh thần bên trong ta.

Làm sao chúng ta biết được những ý nghĩ nào là có hại cho tinh thần của ta? Điều nầy đòi hỏi sự thực tập thiền quán và sự tự vấn. Tâm ta cần được dọn trống trước khi có thể thâu nhập cái khác vào. Rồi ta mới có thể quyết định phải giải quyết các vấn đề của mình hay để chúng qua đi.

Điều quan trọng là ta phải có lòng tự trọng. Khi theo Phật giáo, đừng quan tâm đến những khuyết điểm, mà hãy nghĩ đến những lợi thế của mình. Bạn phải tự trọng, cũng như kính trọng đức hạnh của người khác, và lấy đó làm mẫu mực, khuyến khích cho bản thân. Lòng tự trọng là thiết yếu và rất khác với sự ngạo mạn. Thêm nữa, nếu bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn. Chúng ta không xem thường ai, nhưng nên coi trọng các đức hạnh và cá tính của mình, vì đức hạnh đem lại trí tuệ.

BƯỚC KHOAN THAI

Thiền định và đạo đức không thể tồn tại riêng rẻ. Là đệ tử Phật, chúng ta phải giữ giới, và khi ngồi thiền chúng ta phải ngồi yên lặng và thẳng lưng. Nếu là các tu sĩ, chúng ta đại diện cho Phật giáo, vì thế chúng ta phải cẩn thận trong lời nói, hành động và thân. Khi đi, chúng ta không nên hấp tấp, mà bước chậm rãi, từng bước một. Có một vị ni 90 tuổi ở Hồng Kông, khi băng qua đường, bà ấy quá trang nghiêm đến nỗi tất cả các xe đều ngừng lại. Nếu chúng ta giữ giới thì đức Phật sẽ che chở cho chúng ta.

Việc quan trọng là biết rõ bạn có thái độ đạo đức hay không. Nếu bạn làm một điều gì đó, thì đấy là pháp nếu như điều đó hợp đạo lý. Những việc làm chỉ cho lợi ích của bản thân thì không phải là pháp. Không nên làm việc gì với sự tính toán, ích kỷ. Phật pháp thật vi diệu. Bạn có thể làm bất cứ việc chi, bạn có thể đi mọi nơi, nhưng vị bổn sư của bạn luôn dõi mắt theo bạn. Nếu bạn làm việc bất thiện, thì sẽ thất bại, vì pháp là chánh niệm.

Có một câu nói như sau “con mọt chết trong sách”. Có nghĩa là nếu bạn không hiểu được ý nghĩa hoặc giáo lý trong kinh điển, thì kinh điển không lợi ích gì. Nếu bạn không thực tập điều mình đã học mà chỉ chấp vào ngôn từ, bạn sẽ chết giống như con mọt trong sách. Bạn phải nghiên cứu kinh điển, nhưng cũng phải biết đem chúng ra áp dụng bên ngoài. Khi đó mới đúng là bạn biết hành pháp.

Tâm Phật là từ bi. Chúng ta cần có lòng từ bi, và luôn mong muốn nó được phát triển thêm. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng kinh điển là pháp, nhưng hành giả phải làm sống lại những lời Phật dạy ngay trong hiện tại, chứ không phải 2500 năm trước. Đức Phật vẫn còn sống trong hiện đời; đây là cõi Phật.

TRANH TRONG TIM

Đến năm học thứ bảy trong ngành hội hoạ tôi đã khóc, tuyệt vọng vì tôi vẫn không thể vẽ đẹp như thầy tôi. Tôi nghĩ đến việc bỏ hội hoạ để học y khoa. Nhưng có người bảo nếu tôi thấy máu là sợ thì làm sao học y khoa? Vì thế tôi đành lê bước theo hội hoạ và văn chương.

Thầy tôi bảo phải kiên trì thêm ba năm nữa. Vì thực tập hoài thì sẽ giỏi, sau 10 năm thực tập, tôi đã có thể làm chủ cây cọ của mình. Có thể vẽ bất cứ gì mà tôi muốn. Trong 10 năm, tôi đã đặt một nền móng vững chắc cho mình.

Các hoạ sĩ bình thường vẽ vì hội hoạ, nhưng người hoạ sĩ thực hành thiền thì vẽ từ những bức tranh xuất hiện một cách tự nhiên trong tim họ, được ấp ủ như một điều tự nhiên, chứ chủ yếu không phải là để được hoạ lại.

Một nhà thơ, nhà thư pháp Trung Hoa cổ xưa có nói: “Lúc đầu tôi không hiểu chi về hội hoạ, nhưng qua việc thực tập quán xét về chân lý của Phật giáo, tôi trở nên ý thức được sự có mặt của tính tự nhiên không gò bó”. Một họa sĩ phải phấn đấu để đạt được tính chất thanh thoát, tự nhiên trong tác phẩm của mình. Nghệ thuật xuất phát từ trí tuệ. Hội hoạ Trung Hoa rất phong phú về nét đẹp thơ mộng và các lý thuyết Trung Hoa về hội hoạ cũng được áp dụng trong văn chương và trong các nguyên tắc sống.

Đây là một bài thơ – hay có thể được gọi là một bức hoạ:

Tâm tôi sáng rỡ tựa trăng thu.

Soi chiếu trên mặt hồ phẳng lạnh.

Thanh khiết nầy có gì so sánh đặng,

Làm sao tôi diển tả được đây?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]