Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Bình An và Tĩnh Lặng

19/01/201122:22(Xem: 4114)
Chương 5: Bình An và Tĩnh Lặng

Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
BƯỚC SEN
NỮ TU VÀ CƯ SĨ PHẬT GIÁO
CUỘC SỐNG, TÌNH YÊU VÀ THIỀN ĐỊNH
Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating
Tác Giả: Martine Batchelor - Biên Tập Viên: Gill Farrer-Halls
Việt Dịch: Diệu Ngộ -Mỹ Thanh & Diệu Liên-Lý Thu Linh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

PHẦN I : THIỀN LỘ.

Chương 5: Bình An và Tĩnh Lặng

Maechee Pathomwan

Maechee(7) Pathomwan là Trưởng Ni của cả một tỉnh ở Thái Lan. Sư bà cao, ốm, hay mặc áo trắng, trông rất thánh thiện, trầm tĩnh. Nhưng các câu truyện về thời thơ ấu của Sư bà cũng rất ranh mãnh, buồn cười. Sư bà đã xuất gia hơn 38 năm, đã từng giảng dạy Vipassana (Minh Sát Tuệ) trong nhiều năm.

MA VƯƠNG VÀ RẮN

Tôi xuất gia khi mới được 12 tuổi. Từ lúc còn thơ ấu, tôi đã mong muốn được gia nhập tăng đoàn, nên khi vừa được 7 tuổi, tôi đã xin phép cha tôi cho mặc áo tu. Nhưng mãi đến năm 12 tuổi, cha mới cho phép tôi được lên ở chùa một tuần lể, nhưng tôi cứ gia hạn từ tuần này sang tuần khác.

Khi còn trẻ, tôi đã nhận thấy rằng dù cuộc đời thế tục cũng sung sướng, ổn thỏa, nhưng tôi vẫn thấy có một cái gì đó rất đặc biệt nơi những người xuất gia mà tôi đã có dịp tiếp xúc. Họ đầy vẻ trang nghiêm, tĩnh lặng, và điều đó làm tôi choáng ngợp. Lúc đầu tôi chỉ muốn thử trong một tuần lễ, như đã hứa với cha tôi.

Tuần lễ đầu, tôi được dạy tụng kinh công phu sớm chiều. Khi thấy người ta tọa thiền, tôi cũng muốn được học. Tôi đã học được phương pháp thiền bằng cách theo dõi hơi thở nơi bụng. Bạn sẽ cảm nhận được không khí tràn đầy lồng ngực, bụng phồng lên, rồi thì bạn thở ra, bụng xẹp xuống. Tôi muốn biết kết quả của việc thực tập ra sao.

Năm năm sau, sau khi đã tốt nghiệp trường Phật học, tôi dời về tu viện Nanachat, nơi tôi được truyền dạy về bốn phương pháp chánh niệm được coi là căn bản của thiền.

Là một ni cô trẻ, tôi rất sợ ma, nên tôi vào ở trong một thất nhỏ, cạnh khu nghĩa trang. Nhiều phen tôi sợ điếng người, nhưng quyết định tiếp tục ngồi thiền để trấn áp sự sợ hãi.

Lần khác, có ai đó đã khoét trái dưa hấu, rồi đặt vào đó một cây đèn cầy, mà tôi thấy tưởng là ma, nên rất sợ. Tuy nhiên, trước khi chạy, tôi ngừng lại, đứng yên, nhìn thẳng vào con ma đó, như cha tôi đã dạy, cho đến khi tôi nhận ra được đó chỉ là trái dưa với ngọn đèn cầy.

Tu viện nơi tôi dung thân còn nổi tiếng có nhiều rắn. Một ngày kia, tôi quyết định sẽ ngồi suốt 3 giờ liền, nhưng chỉ sau 10 phút, tôi cảm thấy có gì lành lạnh trên chân tôi. Vì sợ là ma, tôi mở choàng mắt ra. Tôi thở phào khi thấy đó chỉ là một con rắn độc, vì thế tôi càng ngồi yên hơn theo lời dặn của sư phụ khi gặp rắn.

Qua thầy tôi, tôi được học cách thiền bằng cách đưa bàn tay lên xuống. Trước tiên trong ba ngày, ba đêm tôi nâng bàn tay lên và hạ bàn tay xuống, cho đến khi tôi cảm nhận được sự tĩnh thức trong lòng bàn tay. Sau đó tôi thực tập trong suốt 12 ngày liền để xem việc gì sẽ xảy ra. Cuối cùng tôi nhập thất trong 6 tháng liền.

Có lần tôi quyết định ngồi suốt ba giờ liền để quan sát sự lên xuống, phồng xẹp của bụng. Tôi rất chú tâm, đến độ cảm thấy người rất nhẹ và an lạc. Có một vị ni khác chăm sóc tôi. Khi mở mắt ra, sau một lúc tưởng chừng như chỉ mới 10 phút, tôi hỏi đã đủ ba tiếng chưa, thì được trả lời là tôi đã ngồi được 10 tiếng rồi.

SỰ CHUYỂN ĐỔI

Đã có những chuyển đổi rõ ràng trong tánh tình tôi qua những chặng đường đời. Lúc còn trẻ, tôi rất cứng đầu. Lúc nóng giận, tôi nói năng thô lỗ, đập phá đồ đạc. Khi đã biết tu tập, dần dần những tánh xấu này biến mất, tôi trở nên bình tĩnh, dịu dàng hơn. Đó là việc trọng đại đối với tôi: phát triển được khả năng quan sát cơn giận khi nó phát khởi, rồi chấm dứt với chánh niệm, thấu hiểu rỏ ràng về nguồn gốc cơn giận, và có thể đối mặt với nó mà không cần phải biểu lộ ra ngoài. Tôi cảm thấy rằng chánh niệm, sự tỉnh thức và cái nhìn thấu đáo, rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của tôi.

Tôi đã bắt đầu bằng lòng tin vào Phật giáo và tam bảo (Phật, Pháp và Tăng). Và nguyên do khiến tôi muốn sống cuộc đời tu hành là vì muốn được an trú trong tam bảo (Phật, Pháp và Tăng). Dần dần qua nhiều năm thực tập với chánh niệm, tất cả không chỉ là lòng mến mộ, mà tôi thực sự chứng nghiệm được sự vô thường của vạn vật. Điều đó giúp tôi nuôi dưỡng thêm lòng tin nơi Phật Pháp và đời sống tu hành của mình.

Cảm nhận được kết quả của sự tu tập của mình ngày càng phát triển, càng cũng cố thêm niềm tin của tôi vào Phật Pháp. Dưới góc độ nào đó, lòng tin của tôi không thay đổi, nhưng dưới khía cạnh khác, thì dường như lòng tin của tôi được bồi đắp thêm. Tôi càng tăng thêm lòng tin vào công phu tu tập, tin rằng Niết bàn có thể đạt được bằng sự kiên trì tu tập.

PHƯƠNG PHÁP THIỀN

Bắt đầu bằng sự chú tâm nơi đầu mũi của mình, chú tâm vào hơi thở vào ra ở mũi. Con người ta cũng giống như chiếc xe hơi–chúng ta cần một ống thông hơi để thông thoát tất cả những đau khổ, phiền não trong ta. Khi ta tập thở vào để dịu lắng tâm, và thở ra các tạp khí trong ta, cũng giống như khi chiếc xe thải ra ngoài các thán khí để tiếp tục chạy máy.

Đôi khi các bạn mới tập tu tìm đến tôi với những tâm tư, cảm xúc mãnh liệt. Khi họ nóng giận, tôi bảo họ thở ra, thở vào trong ba phút. Khi thiền sinh đã thấy được kết quả của việc làm giảm cơn giận, trở nên bình tĩnh, thì họ tăng thời gian thực hành lên năm hay mười phút. Dần dần tôi tăng thời gian lên, cho đến khi họ thực sự cảm nhận được những lợi ích của thiền, lúc đó họ thường xin được ngồi lâu hơn.

Bằng cách thực hiện thiền nhắc tay, đưa lên, rồi hạ xuống, chúng ta nhận ra được sự liên hệ giữa thân và tâm. Tâm như người chủ, thân là đầy tớ. Để có thể hiểu các hành động của mình, ta phải hiểu cả hai, thân và tâm. Và chú tâm vào tay, vì tay tạo ra hành động. Tay ta đã tạo nên điều thiện hay việc ác. Nhận thức, chú tâm vào các cảm xúc ở nơi bàn tay, sự thức tỉnh ở nơi tay, giúp ta quan sát sự liên hệ giữa tâm và thân.

Ta có thể cảm thấy khó chịu khi ngồi đó, tiếp tục đưa tay lên xuống, nhưng ta không cần phải thực hiện việc này trước mặt người khác, ta có thể làm việc này lúc một mình. Sau một thời gian, ta có thể cảm thấy nhịp điệu của bàn tay, giống như nhịp tim đập. Khi sự thức tỉnh của ta trở nên tinh tế hơn, ta có thể cảm nhận được dòng máu lưu chuyển. Đôi tay trở thành một bộ phận khác mà ta có thể quan sát giống như hơi thở.

TÂM

Sau khi đã phát triển được một căn bản vững chắc, ta có thể duy trì chánh niệm một thời gian dài và có thể bắt đầu nhìn thẳng vào tâm. Chúng ta có thể quan sát sự phát sinh của các cảm xúc, phản ứng. Ta cảm nhận mỗi cảm thọ như thế nào? Lúc toạ thiền, những cảm thọ nào dấy khởi? Ta cần cố gắng nhận biết những cảm thọ đang dấy khởi trong ta.

Tâm là trung tâm của các cảm nhận giác quan. Chúng ta phải chú tâm vào sự hiểu biết xem các bộ phận giác quan liên hệ với tâm như thế nào.

Vì tâm là nơi ta nhận biết các cảm xúc, đó cũng là nơi dấy khởi những tội lỗi. Đó là nơi ta có thể quan sát sự dấy khởi của tham ái. Trong một lúc ta cần duy trì chánh niệm để có thể hiểu được các cảm thọ khởi lên trong ta, và nguồn gốc của chúng.

Một khi ta đã nhận biết các vô lậu, tạp nhiễm có thể dấy khởi, và ta có một nơi, một trung tâm, nơi mà tưởng, thức, cảm giác, sự tự nguyện xảy ra, thì ta có thể thực tập bằng cách quan sát chúng cho đến khi chúng qua đi. Một khi ta đã biết bản chất sự vật, biết đó là ái dục, thì ta có thể hiểu được nó, không bám víu nó nữa, thì nó sẽ qua đi.

Thực tập bằng cách đó, ta có thể quan sát được sự sinh diệt của vạn vật, và để cho mọi thứ qua đi. Chúng ta có thể nhận thấy rằng nguồn gốc của ái, của hữu liên quan đến tham, sân, si. Chúng ta có thể biết một cảm giác nào đó đang xảy ra, và do sự hiểu biết này mà ta không bám víu vào nó, vì thế nó sẽ qua đi.

Khi ta có thể nhìn thấu rỏ các cảm thọ này, chúng sẽ biến mất. Như khi ta có thể quan sát lòng ham muốn đến, rồi đi, ta có thể làm giảm đi chính quá trình bám víu, chấp chặt, khi ta tiến thêm trên bước đường thực tập. Tự nhiên ta sẽ bắt đầu suy nghĩ về anicca(vô thường), dukkha (khổ) và anatta (vô ngã); mọi việc phát sinh như thế nào, trong cuộc đời ta, bao đau khổ đã đến và qua đi như thế nào.

Chúng ta tiếp tục thực hành như thế; khi có việc gì xảy đến, chúng ta quan sát nó, để nó tự nhiên cho đến khi ta có thể hiểu được rõ ràng nó phát khởi như thế nào, rồi để nó qua đi. Như thế là ta đã hiểu được diệu đế thứ nhất (khổ), diệu đế thứ hai (tập), diệu đế thư ba (đoạn) và thứ tư (đạo đế).

ÁI DỤC

Ta cần phải cẩn trọng đối với ái dục. Khi chúng ta chạy đuổi theo các dục lạc, sắc đẹp, ta dễ bị cuốn hút bởi các khoái lạc, rồi hoặc là bám víu vào đối tượng hay những khoái lạc mà đối tượng đó mang đến. Vì thế, ta cần phải gìn giữ tâm luôn tỉnh giấc. Cẩn thận đừng để dính mắc vào dục lạc, tránh ở trong những hoàn cảnh hay môi trường nơi sân hận hay những tình cảm thương ghét mãnh liệt có thể phát khởi.

Ta rất dễ bị cuốn hút bởi ảo tưởng, mà không thật biết ảo tưởng là gì. Ảo tưởng giống như một cơn say–tâm bị choáng váng, không phải bởi những chất kích thích bên ngoài, mà bởi những tình cảm, trạng thái như thương yêu, ham muốn, những tình cảm ta bám víu vào, những dục lạc ta chạy đuổi theo. Cần quan sát thêm điều gì khiến ta xúc cảm, khiến ta chạy đuổi theo cái gì đó.

KHOẢNG KHÔNG GIAN TƯƠI MÁT

Tôi khuyến khích người cư sĩ nên thực hành bố thí (dana), không nhấn mạnh vào những vật chất trao tặng nhau bên ngoài, mà là sự bố thí tâm linh, như tha thứ cho nhau. Bạn phải thực tập tha thứ cho người, và hãy dành cho họ một khoảng không gian nào đó để họ có thể vượt lên những khó khăn họ đang đối mặt.

Khi bạn giận ai đó, điều quan trọng là phải tìm một không gian để giải tỏa, cân bằng sự tiêu cực bằng tích cực, bằng cách nghĩ đến những điều tốt mà người ấy đã mang đến cho bạn. Cố gắng đừng bám vào giây phút lúc bạn đang giận; thay vào hãy cố gắng tìm một nơi mát mẻ, để tìm lại sự thăng bằng cho tâm hồn. Rồi đem tâm từ trãi đến cho người bạn đang giận hờn. Điều quan trọng là ta phải biết cách đối đầu với những hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó có thể tạo được sự hòa hợp trong gia đình.

Tôi thường khuyên các gia đình hãy tìm ra nguồn gốc của sự phiền não trong cuộc sống hàng ngày, mà đó thường không phải do những điều kiện bên ngoài. Không phải là vì ai đó mà bạn cảm thấy giận dữ, khó chịu hay thất vọng. Trái lại thường là do chính bạn vun trồng các tình cảm này; nguồn gốc chính là trong nội tâm. Hãy chánh niệm lời nói và hành động của mình. Hãy bình tĩnh, hãy biết rằng nguyên do tạo nên khổ đau chính là các cảm xúc của mình, do đó nên cẩn trọng các hành động đối với những người sống quanh ta.

Mỗi người đều có một mức độ hiểu biết nào đó, dù họ không tu tập thiền định. Ở Thái Lan, khi người nông dân chăm bón đất đai, phải có một mức độ chánh niệm nào đó, nếu không, anh ta sẽ không thể nào hoàn thành tốt công việc của mình. Nhưng ‘sự chánh niệm trầm tĩnh’ chỉ có được sau nhiều công phu hành thiền liên tục, tinh tấn.

CHỈ LÀ TIẾNG VỌNG

Mới đầu tâm luôn xao động. Vừa ngồi xuống tọa thiền, tâm tôi bắt đầu lên tiếng: ‘Đáng lý ra nên đi kinh hành’. Thế là tôi bắt đầu đi kinh hành. Rồi tâm lại bảo đứng lại. Nên tôi đứng, rồi tâm bảo đi nằm. Hay có lúc thi tâm vọng tưởng đó lại nói là tôi không có hy vọng gì để chứng đắc, thì tại sao cố gắng làm chi? Hoặc có lúc nó lại thì thầm: ‘Bạn chỉ mới 16 tuổi. Sao không vui hưởng cuộc đời? Không phải là chỉ người lớn tuổi mới ngồi nhắm mắt thiền định hàng giờ đó sao? Sao không vui hưởng khi còn trẻ?’ Lúc thì tâm hoang tưởng đó lại nói: ‘Nếu suốt đời làm tu sĩ, thì ai sẽ chăm sóc lo lắng cho bạn lúc tuổi già? Tốt nhất là nên lập gia đình, có con cái để chúng lo cho khi già yếu’.

Rõ ràng đối với tôi, những lời nói này không đáng tin. Lúc nào cũng có một nơi để tôi an trú vào đó, mà nhận thức rõ được những lời nói luôn ám ảnh tôi. Tôi biết rằng điều cốt yếu là cứ tiếp tục thực hành, duy trì nỗ lực, chịu đựng kham nhẫn.

Cuối cùng, trong một đêm kinh hành, tôi cảm thấy rất sáng suốt, tĩnh lặng. Tôi có cảm giác rõ ràng rằng tôi chỉ cần tiếp tục tu tập thì sẽ gặt hái được đạo quả thôi. Trong tôi vang lên tiếng nói nhẹ rằng: ‘Cứ tiếp tục tu hành, rồi sự tuyệt mỹ của con đường đạo sẽ hiển lộ cho bạn’. Do đó dù có những lời nói vẩn vơ, điên rồ, nhưng cũng có tiếng nói khôn ngoan, trí tuệ khuyến khích, giúp đỡ tôi tiến bước.

TÂM NHẸ NHÀNG

Trước hết ta quán thân trên thân, các cảm xúc. Cảm giác thế nào trong thân nầy? Kế đến ta quán các cảm thọ trên cảm thọ. Sau đó đến quán tâm. Các sự quan sát này giúp ta phát triển tâm chánh niệm, khiến ta có thể nhận ra được các trạng thái tâm vọng niệm, ái dục. Nói thì dễ, nhưng ta phải thực hành để được tri kiến, để tự chứng nghiệm.

Sự thực tập này đem lại cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, hỷ lạc, đầy biết ơn đối với cuộc sống. Điều đó tiếp thêm sức mạnh cho tôi, và tôi khám phá ra được vẻ đẹp thật sự của sự hiện hữu của con người. Mục đích của sự hiện hữu nầy là để nhận ra được sự hoại diệt của tâm vọng niệm, để đạt được tâm thanh tịnh, và chấm dứt khổ đau.

Phần thưởng của công phu tu tập này là một cảm giác hỷ lạc, tự tại, cởi mở, an bình trong tâm. Ta phải kiên trì chịu đựng những trạng thái khó chịu đối với tất cả những gì ta đang gánh vác, những gì ta đang đảm nhiệm, với sự hiểu biết rằng tất cả sẽ chấm dứt. Con người tự tại này cũng sẽ mang tình thương, lòng bi mẫn đến với mọi chúng sinh.

RÈN TÂM CHÁNH NIỆM

Có được trí tuệ siêu việt về bản chất tuyệt đối của vạn vật là phần thưởng tối hậu mà bạn có thể đạt tới được. Hãy kiên trì tu tập dầu bất cứ chuyện gì xảy ra, và duy trì chánh niệm trong mọi hoạt động. Nếu bạn biết cách tu tập, nếu bạn biết phải tu tập về cái gì, thì sự tu tập đó vượt qua giới hạn thời gian. Bạn có thể tu tập bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Không quan trọng là bạn phải lập thất để phát triển tâm chánh niệm, nhưng bạn phải có lòng tin vào việc tu tập của mình.

Khi bạn có con, nếu đứa trẻ chậm lớn, bạn đâu có bỏ rơi con mình, mà bạn chăm sóc nó, bồi dưỡng cho nó, làm tất cả để giúp nó mau lớn. Đối với việc tu hành của ta cũng thế. Bạn cũng cần phải tưới tẩm, chăm bón, vun trồng liên tục, thì đứa trẻ mới lớn bằng cha mẹ nó hay lớn hơn thế nữa. Bạn phải kiên trì tu tập để rèn luyện tâm chánh niệm như mài bén lưỡi kiếm. Bạn cần tâm chánh niệm để quan sát.

Nếu bạn thực hành mỗi ngày, liên tục, bạn sẽ nhận ra được sự khổ đau, phiền não của kiếp con người. Đó là lý do khiến tôi tiếp tục thực hành. Chánh yếu là vô minh. Biết rằng mình còn vô minh, tôi vẫn còn nhiều đau khổ (dukkha). Cuộc sống đời thường cho ta thấy con người chịu nhiều đau khổ, và nó giống như một vòng tròn. Tuy nhiên chúng ta đừng nên gắn ghép mình với dukkha, vì không có cái ngã nào để chịu đau khổ.

Chánh niệm được tính cách vô thường của vạn vật, chỉ riêng điều đó, cũng mang đến cho tôi sự an bình. Nhìn thấy được tính vô thường ở bên ngoài, ở nội tâm, ở thân, sẽ mang đến cho ta sự an bình, tự tại, nhưng ngay chính điều đó cũng vô thường. Vì sự tự tại cũng vô thường, nên ta phải kiên trì thực hành.

Sự tu tập không bao giờ chấm dứt; phải liên tục thực hành. Nếu bạn kiên trì tu tập, tâm bạn sẽ luôn trong trạng thái chánh niệm, tỉnh giác, trí tuệ thông suốt.

Tất cả chúng sinh đều có tội lỗi, đều mang những nghiệp riêng vào cuộc đời. Chúng ta cũng chìm đắm trong ái dục, bám víu chấp ngã, và ngã sở. Tôi vẫn thấy mình còn nhiều tội lỗi (klesas). Tôi có thể tu tập, để an trụ trong chánh niệm, nhưng tôi không thể đứng yên, không tu tập. Cần phải kiên trì tu tập, không chỉ cho riêng tôi, mà cũng cho tất cả chúng sinh.

Chúng ta không chỉ thực hành cho đến lúc có được chút tri kiến về bản chất của sự vật, rồi nghĩ: ‘Đây rồi’ và ngừng thực tập. Chỉ thực tập một thời gian, hiểu được sự liên tục của các cảm thọ, các trạng thái đưa đẩy, điều khiển ta, và rồi ngưng lại, không tiếp tục tu tập thì không lợi ích gì. Chúng ta vẫn còn nhiều uế nhiễm, chấp ngã cho đến khi ta có thể diệt mọi cấu uế. Đó là lúc ta có thể ngưng lại; khi đã đạt được sự giác ngộ tối thượng.

KHÔNG CÓ AI Ở ĐÂY

Nếu bạn tiếp tục quan sát thế giới phàm tục này, nhận ra được tính cách vô thường của nó, rồi bạn sẽ đạt được một trạng thái của không, nhận thức được rằng không có ai ở đây vào lúc này. Chúng ta đạt đến trạng thái ở giữa cái thực tại đầy quy luật nầy và thế giới vô điều kiện, để đi đến sự thật tuyệt đối. Chúng ta sẽ bắt đầu biết những điều này thực sự là sao. Khi đã cảm nhận được sự vô ngã, thì ta cũng cảm nhận được tính vũ trụ bao trùm.

Hãy tiếp tục quan sát, suy tư về tên gọi, về hình tượng trong thế giới phàm tục này - sự phân biệt Đông Tây, Nam Bắc, Á Châu, Âu Châu, nghĩ rằng, ‘Đây là thân tôi, nhà tôi, thành phố của tôi, xứ sở của tôi’. Nếu qua sự quan sát thấu đáo này, ta có thể hiểu ra được tất cả chỉ là phương tiện, ta sẽ đạt được tính không. Không có ai ở đó cả, trong thân này, trong các cảm xúc, suy tưởng, trong tâm hành hay thức cả. Từ đó đào sâu thêm vào cảm nhận của tánh không.

NGƯỜI NGỘ CŨNG LÀ NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

Không nhất thiết phải đoạn diệt mọi cấu uế mới có thể thấy, chứng nghiệm được tính vô ngã, vì chúng ta cần có các cấu uế để chuyển đổi chúng. Ta cần phải biết, phải nhận mặt ái dục trước khi có thể chuyển hóa ái dục. Ta phải biết tính chấp vào ‘cái tôi’ mới có thể thật sự chuyển hóa nó. Giống như người vượt biển với miếng ván thuyền, khi đã tới bờ bên kia, ta sẽ vứt bỏ tấm ván, không cần dùng đến nó nữa.

Chúng ta cứ kiên trì tu tập để có thể thấy được trạng thái vô thường trong vạn vật. Với sự tỉnh thức mà ta xử dụng như người dẫn đường, nó luôn có mặt vững chải xuyên suốt trong mọi quan sát của ta. Từ ngã đến vô ngã, giống như trên một cuộc hành trình, nên đến khi ta đoạn diệt mọi cấu uế, là ta đến đích, đã đạt được sự tỉnh giác, một cảm giác của người quan sát, người ngộ cũng là người dẫn đường.

Cần phải trãi qua nhiều cuộc hành trình trước khi đạt được ánh sáng trí tuệ. Giống như chùi rửa một món đồ rất đổi dơ, ta phải chùi mãi đến khi nó sáng lại. Bằng cách tẩy rửa đó, ta phát triển tri kiến, một dụng cụ của trí tuệ. Chứ không phải cứ nhìn mọi thứ như là vô thường, khổ, vô ngã, mãi rồi được như thế. Không như việc sản xuất trong các nhà máy, cứ tự động mà thành, trái lại cần phải có trí tuệ, có tri kiến, nên ta biết rằng kết quả đó tuyệt vời biết bao. Nên ta cứ kiên trì tẩy rửa. Kiên trì tu tập để tẩy trừ các cấu uế với tâm chánh niệm và trí tuệ thông suốt. Giống như khi nhổ cỏ - chúng ta cứ kiên trì bứng gốc các tội lỗi (klesas), vì chúng ta kiên trì nỗ lực tu tập; ta cứ nhổ mãi cho đến khi không còn gốc rễ nào có thể nảy sinh ra nữa.

CỨ THONG THẢ

‘Không có gì, không có pháp nào, không có lời dạy nào đáng cho ta bám víu vào’. Thực tại tuyệt đối không thể gắn ép với một trạng thái nào. Đừng vội vã trong việc thực hành, đừng coi nó quá nghiêm trọng. Đừng biến việc tu tập thành một gánh nặng cho bạn. Hãy đi từng bước một, không kể lâu mau. Hãy tôn trọng bản thân. Nếu bạn vội vã, mong muốn mau thành công, là bạn đã không biết tôn trọng mình, không tạo cho bản thân một cơ hội. Cứ thong thả. Tất cả mọi người đều tới nơi.

Đừng biến mình thành kẻ chủ bại với suy nghĩ: ‘Tôi không có đủ chánh niệm. Tôi sẽ không bao giờ đến đích. Tôi không gieo trồng đủ thiện duyên để chứng đắc’. Đừng để cái ngã cản trở ta thực hành bằng cách lắng nghe những điều tiêu cực này. Làm thế là chứng tỏ là bạn không biết tôn trọng bản thân. Cứ tiếp tục đi tới, cung cấp cho bản thân thêm năng lượng bằng cách vun trồng năm yếu tố: tín tâm, tinh tấn, chánh niệm, tỉnh thức và trí tuệ; những yếu tố này có thể đưa bạn đến đích của sự tu hành.

Chúng ta dễ bị áp lực bởi những gì mình không thể thấy. Còn những gì có thể thấy, bạn có thể buông bỏ khi đã nhìn thấu suốt chúng, khi chúng trở thành gánh nặng cho mình. Chấp ngã là một gánh nặng và cái ngã muốn đạt được điều gì đó sẽ làm cho sự tu tập của ta trở nên quá nặng nề. Áp lực của việc tu tập có thể khiến ta phản ứng lại bằng ý niệm của tự ngã. Thật là nghịch lý khi bạn muốn tu tập để thấy được tâm vô ngã, vậy mà cái làm cản trở bạn chính là vì bạn coi cái ngã của mình quá quan trọng.

NGƯNG BẶT SUY NGHĨ

Hãy ngưng bặt mọi nghĩ suy. Ta thường bám víu quá nhiều vào những suy nghĩ của mình. Chính sự nghĩ suy có thể làm gián đoạn việc thực hành của bạn. Khi tâm bị các vọng niệm dấy khởi, làm bận rộn, ta có thể dùng chánh niệm, và trí tuệ thông suốt để nhận ra được bản thể của chúng. Đừng cố gắng đào sâu, tìm hiểu chúng. Chỉ cần buông bỏ. Mỗi lần một vọng tưởng khởi lên, chỉ cần báo cho tâm quan sát biết: ‘Đây chỉ là một vọng tưởng’. Bạn không cần phải theo đuổi, phải tìm hiểu nó; cố gắng tìm hiểu chỉ làm nó thêm nghiêm trọng.

Trong pháp tu này, bạn huân tập buông bỏ, buông bỏ trong tâm trí. Đặt tâm trí của bạn lên trên các cảm xúc, các trạng thái tâm lý mà bạn quan sát được, nhờ thế bạn không bị chúng chế ngự. Đừng phản ứng theo chúng; hãy để các trạng thái, tình cảm, cảm giác của bạn tự nhiên, không tạo ra thêm nghiệp với chúng. Hãy để chúng tự qua đi. Khi một tình cảm mãnh liệt dấy khởi, đừng đặt mình vào ngay trong đó bằng cách phản ứng lại, chỉ cần để nó như một người khách tạm trú trong tâm bạn, nghĩa là để nó tự qua đi.

NỮ TU SĨ

Trong cách thực hành riêng của tôi, tôi ngồi thiền một tiếng, đi kinh hành một tiếng. Là người tu sĩ giúp tôi dễ tu tập hơn vì tôi có thể nổ lực không ngừng. Dầu rằng thỉnh thoảng, tâm tôi cũng ở trong trạng thái ù lì, không thể nhận biết sự dấy khởi, hoại diệt của một trạng thái tâm lý, tôi vẫn luôn có thể nương tựa vào tam bảo. Lòng tin vào cuộc sống cho tôi sức mạnh để luôn bước tới, giúp tôi có thể nhìn xuyên qua bức màn vô minh.

Người nữ tu sĩ cần phải tuân giữ những giới luật đã được trao truyền, đó là điều quan trọng. Các nữ tu thọ Bát Giới (tám điều giới luật) ở Thái Lan được dạy phải tôn kính chư tăng, vì chư tăng phải tuân theo nhiều giới luật hơn họ. Chúng ta tôn trọng chư tăng vì chúng ta muốn giúp họ giữ giới luậtvinaya(những cung cách cư xử trong tu viện), và vì ta muốn tạo cơ hội cho họ tu tập. Chúng ta hành động như những người hỗ trợ, hơi giống như một chỗ tựa cho chư tăng. Không liên quan gì đến ngôi thứ. Tôi không coi đó là tự ti hay tự tôn. Tôi chỉ coi giới luật, vinaya,là điều cốt lõi.

Ở Thái Lan, ngài Tan Ajahn Dhamadaro, vị trụ trì của chúng tôi, là một người độc đáo. Thầy rất cởi mở, công bằng, thực sự là đầy nữ tính. Tuy nhiên cũng có những vị tăng thực sự rất chống đối việc phụ nữ muốn trở thành nữ tu. Nếu một nữ tu sĩ đến tu viện của họ, họ sẽ xua đuổi; không muốn liên hệ gì với các vị nữ tu.

Tất cả chúng ta, quý tăng cũng như quý ni, đều có những điều kiện, những cách làm việc khác nhau. Chúng ta không phải sống chung trong một cộng đồng tăng chúng, chúng ta có cuộc sống riêng, nhưng thỉnh thoảng cũng có lúc gặp gỡ, liên hệ với nhau. Miễn là chúng ta tôn trọng sứ mệnh của nhau, chỉ cần thế là đủ. Rõ ràng là chúng ta không cần các thứ bậc, so sánh hơn thua. Không cần bàn cãi đến những vấn đề bình đẳng vì chúng ta thật khác nhau.

THẾ GIỚI ƯỚC LỆ

Không cần phải bàn cãi về sự bất bình đẳng của hai giới tính, vì điểm trọng yếu trong việc tu hành của chúng ta là để đạt được giác ngộ. Ta phải tự thích ứng với những gì mình có. Các vị nữ tu sĩ có khoảng từ tám đến mười giới và các luật của Sa di, thế là đủ. Nếu ta kiên định trong việc tu tập để được giải thoát, ta không cần phải đòi hỏi gì hơn. Điều ta cần làm là kiên trì tu tập. Ta không thể thăng tiến trên đường tu tập nếu cứ đi so sánh với người nọ, người kia mãi. Ta tu tập thực hành để quay vào nội tâm quan sát ba độc tham, sân và si.

Khi chúng ta xuất gia với mục đích có thể với tới và thấu đạt chân lý tuyệt đối, thì thực tại tầm thường này không phải là cái ta muốn bám víu vào. Với cái nhìn thấu đáo, ta sẽ thấy một người không phải nữ cũng chẳng là nam. Trong thế giới ước lệ, chúng ta chỉ chấp nhận sự việc như thế, mà không bám víu vào đó. Công phu tu tập luôn giải thoát ta ra khỏi mọi ràng buộc.

Nếu chúng ta gánh lấy một vai trò nào đó, ta sẽ bị dính mắc vào thế giới ước lệ này và cuối cùng có thể chỉ phí hết thời gian của ta để bàn về sự bất bình đẳng và ngôi thứ. Chúng ta phải thực sự nhìn lại chính mình, quan sát xem tại sao ta lại đảm nhận vai trò đó. Chúng ta phải kiên định trong bất cứ hoàn cảnh nào để nhận chân sự vật thực sự là thế nào đối với chân lý tuyệt đối. Chúng ta cần phải xem mọi trở ngại như một thử thách để tu tập. Nếu nhận thấy có một vấn đề gì, rồi ta bị dính vào vấn đề đó, thì ta không thể tiến bước hoặc giải thoát mình ra khỏi đó để trưởng thành. Điều đó sẽ ngăn chặn sự tiến triển trên con đường đạo.

Có một con đường đạo trước mắt – hãy nắm tay nhau, cùng bước tới trên con đường này trong tinh thần hoà hợp, thân thiện! Mục đích của chúng ta là để được chuyển hoá. Cuối cùng rồi thì thân chúng ta cũng sẽ bị hoả táng, và ngọn lửa cháy trên thân người nam hay người nữ cũng không khác màu nhau. Tất cả chúng ta đều đi theo một con đường.

Nếu bạn tin có cái ngã, nếu bạn tin vào thực tại đầy tính ước lệ này thì làm sao bạn có thể chứng đắc được?

PHÁP VƯỢT THỜI GIAN

Chân lý tuyệt đối và thực tại đầy ước lệ này vẫn hiện hữu bên nhau. Chúng ta cố gắng nhìn ra và thông suốt cả hai thực tại. Điều đó không có nghĩa là ta phải thực hành cho đến khi thấy được tánh không, đạt được trạng thái của chân lý tuyệt đối. Nhưng tất cả chúng ta đều có khả năng đạt được thực tại đó, nếm trãi được chân lý tuyệt đối, miễn là ta có chánh niệm, thiền định và trí tuệ.

Phật pháp không bị thời gian trói buộc. Phập pháp vượt thời gian. Vì thế bất cứ ai muốn tu tập đều có thể làm được. Không tuỳ thuộc bạn phải là tu sĩ hay cư sĩ, nam hay nữ. Nếu bạn đã tìm được cho mình một phương pháp tu tập, là bạn đã tìm được con đường và tấm bản đồ để hướng dẩn bạn đến đó, nên cứ bước tới. Vì tôi mặc áo tu không có nghĩa là tôi sẽ đạt được trí tuệ. Tất cả chúng ta đều phải đi trên cùng một con đường để tới đích. Bất kể giới tính, thứ bậc, vân vân, tất cả chúng ta đều có thể tu tập. Chân lý tuyệt đối ở trong tất cả chúng ta.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]