Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Lục: Ít Điều Nên Biết Về Tổ Sư Thiền

03/01/201105:42(Xem: 4054)
Phụ Lục: Ít Điều Nên Biết Về Tổ Sư Thiền

SỰ CỐNG HIẾN CỦA ĐẠO PHẬT

CHO CUỘC ĐỜI
Truyền Đan

PHỤ LỤC
(viết sau)
ÍT ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ TỔ SƯ THIỀN

Tiếp theo hai bài của Nguyễn Bình và Phan Tấn Hải về "Công án" đăng trên Talawas tháng 3-2004 mà tới gần đây tôi mới được đọc, tôi mạo muội đóng góp một số ý kiến rút từ những hiểu biết sau nhiều chục năm tham học và thực hành đạo Phật. Nếu có những điều không hợp với ý kiến của Chư Vị đã phát biểu trước về Thiền Tông thì chỉ nhằm làm sáng tỏ một số nét cốt yếu của môn Tổ Sư Thiền như tôi đã tham học từ những ngữ lục của chư Tổ Thiền chân truyền và thực hành từ năm 1980 dưới sự chỉ dạy của Ngài Thích Duy Lực (đã tịch đầu năm 2000), chớ không dụng ý bài bác. Tôi xin chân thành sám hối về những sai lầm có thể có và xin được chỉ dạy.

- So sánh với những tôn giáo lớn của nhân loại, đạo Phật đã "không giống ai", mà trong các tông phái, các pháp tu của chính Phật Giáo, môn tu tập công án cũng khác lạ, khó được chấp nhận và thường bị gán cho những từ như "kỳ cục, không hợp lý, nguy hiểm" và từ đó đề tài "thiền công án" bị khoác lên một vẻ kì bí, được đưa ra mổ xẻ, giải thích, cho đến phiếm luận, đùa dỡn trên bàn nhậu. Phải thẳng thắn công nhận rằng những thái độ này có thể hợp lý, chẳng lẽ chúng ta cứ phải chấp nhận nhửng điều có vẻ ngang ngược với lý lẽ thông thường sao? có ai điên cho rằng phải nuốt được cục xương?, làm sao có thể nhốt một con chó trong bốn vách tường cao rồi nghĩ rằng nó phải tự thoát ra?

- Vậy mà điều vô lý đó, nếu được nhìn từ một điểm nhất định, lại là tự nhiên, bình thường. Mà dàu lý luận thế nào đi nữa, sự kiện từ hơn mười thế kỷ nay đã có nhiều ngàn người tại Trung-quốc, Đại-hàn, Nhật-bản và Việt-nam do thực hành pháp tham công án hay thoại đầu mà được chứng ngộ, có ghi chép trong lịch sử Thiền Tông, vẫn là điều không ai chối bỏ, học giả Tây phương cũng công nhận.

Nhưng nếu không nghe lọt tai, không tin được, hoặc giả không học đến nơi và khônh thực hành đúng để khám phá ra công năng thù thắng của pháp tu này mà buông lời phê phán, thì xin hãy để yên cho công án cứ là một cục đá đen sì, cứng ngắc, lạnh lùng, mù tịt ở một chỗ nào đó, để nó tiếp tục làm ích lợi cho người có duyên. Cũng xin chớ cắt riêng nó ra, để lên bàn mổ, đem đèn pin, đèn pha của thông minh, luận lý, chiếu rọi để khảo sát, phân tích, tìm hiểu rồi phát biểu này khác; làm vậy sẽ không đi tới đâu, biết được gì cũng đều sai lầm mà còn phá hoại công dụng trị bệnh của nó.

- Trường hợp các Thiền Sư có những lời nói và hành động mà chúng ta thấy là kỳ quặc cũng có lý do riêng. Không phải với bất kỳ người nào ông Lâm Tế cũng nắm lấy cổ người ta mà hét: "Nói đi! Nói đi!" và lúc nào ông Đức Sơn cũng vung gậy đòi đánh. Những thủ đoạn này chỉ xảy khi cần thiết, áp dụng cho học nhân đã tới "thời tiết", công phu của họ đã "chín mùi", để giúp họ được cái "lộn ngược". Một số Thiền Sư khác cũng có thủ đoạn đặc biệt của họ để tiếp dẫn hậu học.

Đấy là những phương tiện đột ngột đẩy người ta vào chỗ hụt hẫng không còn suy nghĩ, từ chỗ hụt chân chới với này nếu đủ nhân duyên sẽ tự bật ra con đường sống. - Ngoài ra, những người đã ngộ đạo đều sống trong một thế giới riêng của họ, ta không hiểu được. Họ thấy biết khác hẳn người thường, gột hết các chấp trước, dàu cái xe vẫn là cái xe, tiếng ngựa hí vẫn là tiếng ngựa hí... và nhất là họ không nói nhiều, không giải thích có đầu đuôi dài dòng, không diễn tả theo cách lối của chúng ta - Tại Canada tôi có gặp một vị giáo sư đại học ở Việt Nam xưa, cụ đã già nhiều nhưng còn tương đối cứng cáp, hàng ngày cụ vào sâu trong một công viên rậm rạp ngồi tham thiền dưới một gốc cây liên tiếp suốt 4, 5 tiếng đồng hồ.

Cụ nói với tôi: "Mấy ông Tàu bày ra cách ăn nói cử chỉ kỳ cục, họ chỉ là những anh bịp. Thật ra thiền dễ ợt, có gì đâu, mà họ nói như là khó khăn lắm." Rồi cụ cho tôi coi một cuốn sách Zen do một tác giả Mỹ viết, nội dung dạy ngồi tịch lặng, từ đó sẽ phát sinh những điều hay lạ, lợi ích. - Không những Kinh Lăng Nghiêm Phật Thích Ca baì bác điều này mà quan điểm của Thiền Sư Trung hoa cũng cho là cảnh giới đó còn trong sanh diệt, đối với giải thoát cách rất xa.

- Công án, hay thoại đầu (một hình thức đơn giản của công án) là phương tiện tu hành của Tổ Sư Thiền, cũng gọi là Thiền Tông, Thiền Đốn Ngộ, có nơi còn gọi Như Lai Tối Thượng Thừa Thiền, mục đích trực tiếp, mau chóng thành đạt giác ngộ, được tuyệt đối tự do tự tại, ra khỏi tất cả khổ. Tự bản thân, công án không có một thần lực linh thiêng nào, nó không phải là một thách đố để nghiền ngẫm tìm hiểu, giải thích ý nghĩa, nó càng không lợi ích nếu chỉ mê tín thì thầm, tưởng tượng hão huyền hay lảm nhảm đọc đi đọc lại như máy. Còn như nói lên, viết ra để "giật le" thì hết ý ! .

Như vậy, công án chỉ là phương tiện tu tập của người thực hành Tổ Sư Thiền, người tu giải thoát, nếu không phải là người cần dùng đến, chỉ tò mò muốn biết, muốn lý giải thỉ chỉ mất công, không lợi ích lại sinh bực bội, vì công án tự nó chẳng có nghĩa lý nào để minh giải, và thoại đầu (=hình thức đơn giản của công án, như "Chưa có trời đất ta là cái gì?") cũng chỉ là một câu hỏi vớ vẩn theo nhận xét thông thường.

- Cũng xin đừng đòi hỏi tất cả các tu sĩ Phật giáo phải biết và giảng dạy công án. Hiện nay, có lẽ chỉ có khoảng 60% tu sĩ trong nước và khoảng 30% tu sĩ hải ngoại là người thực tu, trong đó số người tu Tổ Sư Thiền tham công án thoại đầu chỉ có rất ít. Tôi thiết nghĩ được tỉ lệ này cũng là đáng mừng rồi, vì con người muôn đời vẫn là con người với tất cả những tập khí có từ muôn kiếp trước và mỗi ngày còn chất nặng thêm, nếu chưa kiến tánh và qua nhiều năm bảo nhiệm thì dàu có mang danh gì, tướng gì cũng vẫn giữ tánh phàm, riêng người chân tu ngày ngày trau dồi đạo đức mới đáng tôn kính. Các chùa cũng vậy, đa số chùa hiện nay chỉ chú trọng việc cúng bái, cầu an, cầu siêu, làm đám..., nội dung khóa lễ chủ nhật đại loại giống nhau, chớ có mấy chùa chuyên tu một pháp.

Anh Phan tấn Hải năm 1980 đến chùa Từ Ân Chợ lớn mua sách, chùa này cũng chuyên cầu cúng, đặc biệt là chùa người Hoa thì trong buổi lễ lại rất ồn ào vì trống đánh um sùm. Theo truyền thống từ xưa, hầu hết các chùa đều tự nhận là "Lâm Tế chánh tông", có khi còn treo bảng hiệu "Thiền Tự" mà thực sự không có hành thiền. Tình hình này cũng có tại Trung-Hoa, Nhật-Bản, Đại-Hàn.

Năm 1980, Hòa Thượng Thích Duy Lực được Vị trụ trì cho ở nhờ một căn trên lầu, mỗi tháng được tổ chức tham Tổ Sư Thiền suốt một tuần tại chánh điện trên lầu, chánh điện từng dưới dành cho người Hoa cầu cúng. Cuốn anh thỉnh "Trung Phong Pháp Ngữ" là một quyển sách rất quí, rất ích lợi cho người tham thiền. Trong đó Tổ khích lệ mạnh mẽ người tu, xác định rõ việc lớn sanh tử và nhắc nhở phải cố gắng giải quyết sớm, không được lơi lỏng. Sách này văn nghĩa rõ ràng, ý tưởng không mấy cầu kỳ, tương đối dễ hiểu, do thày Định Huệ, một đệ tử lớn của Ngài Thanh Từ Việt dịch, sau khi dời qua thọ pháp Ngài Duy Lực.

Vào thời gian đó, tất cả các kinh sách do Hòa Thượng Duy Lực phát hành cho đệ tử đọc đều tự "in chui" bằng máy ronéo trên giấy xấu. Khoảng một năm sau vì sĩ số từ các nơi, các tỉnh đổ về dự các thiền thất quá nhiều, tạo nên cảnh đông đúc náo nhiệt, đến tai nhà chức trách cũng như giáo hội, họ bất bình và can thiệp bắt chấm dứt. Thày bị công an quản giữ trong phòng nhiều tháng, không cho các đệ tử vào thăm, một số họ rủ nhau đến một chùa nhỏ ở xa "tu chui", được thời gian rồi bị phát giác lại bị xua đuổi, cứ như vậy kéo tới 6 chùa, nhiều thời gian không có chùa nào dám chứa nên mỗi người tự xé lẻ tìm chỗ tu riêng tới năm 1987 mới được tạm yên ở chùa PhápThành.

May mắn không ai bị bắt giữ vì nhân viên phường, quận tới coi, ở lại nửa ngày quan sát, cũng chỉ thấy người ta ngồi im, rồi đi vòng vòng trong chánh điện, rồi ngồi, rồi đi, hoàn toàn im lặng, không hành động gì khác. Tới năm 1989, như các đệ tử đã hiểu và biết rõ cách thực hành, Hòa Thượng xuất cảnh qua Hoa Kỳ mở thiền đường và đi diễn giảng tại một số quốc gia, tới năm 1992 tình hình chung tại Việt Nam tương đối dễ dàng, Ngài trở lại Saigon chánh thức xin phép mở lại thiền thất, và từ đó mỗi năm Ngài ở Mỹ 6 tháng và trở về Việt Nam trong 6 tháng truyền dạy, số người tham dự thiền thất tại Từ Ân Saigon lại đông đảo như xưa (khoảng 3, 4 trăm người mỗi thất, có những người từ miền Trung vào dự) nhưng cũng chỉ được tới giữa năm 1995 mà thôi.

Sau đó, Ngài đi hoằng hóa Thiền Tông và tổ chức thiền thất tại một số tỉnh ở Miền Nam. Đầu năm 2000 Ngài thị tịch tại Hoa-Kỳ. Ngày nay chư tăng đệ tử của Ngài đã thành lập một số thiền đường tại Saigon và một số tỉnh, việc tu tập Tổ Sư Thiền tuy không rầm rộ như xưa nhưng cũng đã ổn định. Tại Việt Nam, pháp môn Tổ Sư Thiền tham công án, thoại đầu, không còn được nghe nói đến từ sau Tổ Liễu Quán thị tịch năm 1748, nay đang sống lại. Đệ tử Ngài Duy-Lực tuy chưa có người chứng ngộ nhưng với mấy chục người đã được hướng dẫn đầy đủ, thông hiểu pháp và đang chuyên cần hành trì chắc chắn là cái nhân tốt cho tương lai Phật Giáo nước nhà.

- Có Vị viết khẳng định rằng "Thiền công án là thiền quán". Xin thưa thày rằng công án không bao giờ là một đối tượng để quán sát. Vâng, đa số các pháp thiền của đạo Phật đều là thiền quán, quán hơi thở, quán một hình ảnh, quán tâm hoặc quán một ý tưởng, nhưng không có Thiền Tông trong đó. Thiền Tông không bao giờ là thiền quán. Thiền Tông đứng một mình trong Phật giáo cũng như Phật giáo đứng một mình trong các tôn giáo của nhân loại.

Dàu chư Vị đã làu thông kinh điển, đã hành trì, kinh nghiệm trong một tông khác của Đạo Phật mà chưa từng tham học pháp này đầy đủ và thực hành đúng cách Tổ Sư Thiền với Thày chân truyền, đúng theo ngữ lục của chư Tổ Thiền xưa, chỉ nhận định theo suy đoán và tưởng tượng trên những kiến giải của mình, đều rất dễ phát biểu sai lầm về Thiền Tông. Vì sao? vì tham công án, thoại đầu không giống với cách thức hành trì pháp thiền của bất cứ tông phái nào khác. Giáo, Thiền, Tịnh, Mật đều có tông chỉ riêng, có phương pháp tu riêng; cũng không thể pha trộn lẫn nhau, không thể thực hành mỗi pháp một chút. Ngoài ngộ nhận kể trên còn có những ngộ nhận khác về Thiền Tông.

- Vậy công án là gì? - Xin thưa rằng: người hành giả tham công án, tham thoại đầu
để phát khởi nghi tình, và chỉ nhắm một mục đích duy nhất đó thôi, không có chủ ý nào khác. Càng tham liên tiếp nghi tình càng lớn mạnh, tới lúc kết thành khối, nặng tới cực độ (đầu sào trăm trượng), ngay giây phút đó, nếu gặp duyên đột khởi, tâm trí sụp đổ, tự nhiên phát ngộ. Tổ Sư ví công án, thoại đầu như cây gậy, cây gậy giúp người đi, đi là nghi tình, ngộ là đến đích.

- Đại cương là vậy, tuy nhiên thực hành bắt buộc phải có Thày kinh nghiệm hưóng dẫn từng bước để tránh sai lầm và nguy hiểm. Thời xưa, chỉ Thiền Sư kiến tánh mới được nhận học trò; chưa kiến tánh, không ai dám tự nhận là Thiền Sư. Thời nay khác, có cuốn sách của một cư sĩ người Tàu giải một số công án và dạy tham công án chữ KHÔNG, đại khái nói rằng: Cứ trên chữ KHÔNG mà tham, KHÔNG là không cái gì, không làm sao? thế nào? ... KHÔNG! KHÔNG! KHÔNG! ... cứ như lấy đầu đập cho vỡ cái KHÔNG mà tìm, coi chữ KHÔNG như một cái gì rất linh diệu, kì bí, hàm chứa một thần phù, cứ thế mà đẩy mạnh tới ... Thực hành kiểu này miết làm sao không đau đầu, thổ huyết ? - Nếu có đọc Đại Huệ Ngữ Lục và Trung Phong Pháp Ngữ thì mới biết rằng tham chữ KHÔNG là phải thắc mắc tự hỏi "Tại sao Triệu Châu nói KHÔNG ?" - Vì Kinh đã nói "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" và sau đó có người cũng hỏi "Con chó có Phật tánh không?" thì Triệu Châu trả lời CÓ, vậy thì lần trước "Tại sao Triệu Châu nói KHÔNG?"

- Thông thường tu Tổ Sư Thiền, tham công án / thoại đầu, phải thực hành tích cực trong thời gian dài, có khi rất dài, mới tới trạng thái "chín mùi" (nhân duyên thời tiết), tại điểm này thường phải nhờ một tác động từ ngoài, có khi do thày biết mà "nhổ đinh tháo chốt" giúp, có khi nhờ một cảm quan (cái thấy, nghe, hay biết ...) bất ngờ đập vào ý thức, mới bật ra hiện tượng Ngộ. Giây khắc biến chuyển đó thực sự diễn ra rất rất mau chóng, nên Tổ Sư mới nói "Hốt nhiên Đại ngộ", đúng như "người ngủ mê thức tỉnh" ( Ngài Duy Lực thường nói). Sự kiện này đã xảy ra cho nhiều ngàn người trong Thiền Tông, không thể là chuyện bịa đặt, người bình thường , người tu theo pháp môn khác, khó có thể tin hiểu, chấp nhận.

- Tham công án, thoại đầu, không cho tìm hiểu, không cho giải thích. Phải ở chỗ không biết, thắc mắc, mịt mù mà tham, nếu biết bất cứ cái gì bèn là hết nghi, hết nghi thì không thể đến thoại đầu, không thể ngộ, mà cũng không cho đổi công án hay câu thoại, ngoại trừ trường hợp đặc biệt. Nghi tình là sanh mạng của người hành giả, phải cố gắng giữ cho liên tục, Hòa Thượng Duy Lực dạy: "Công phu phải miên mật, liên tiếp, không một kẽ hở, nếu có kẽ hở thì lập tức sanh vọng tưởng".

Trong cuốn Thiền Luận, Thiền Sư D.T.Suzuki cũng có đoạn nhấn mạnh nghi tình liên tục. Nhưng hiện nay việc tu thiền tại Nhật đã thay đổi, nhiều người tu thiền theo phái Lâm Tế (Rinzai) cố gắng giải thích công án, người nào càng giải được nhiều công án là càng giỏi, có vị giải thích được 500, 600 công án. Một số người Tây phương cũng y theo thiền Nhật Bổn tham cứu viết sách để truyền bá lại. Người Đại Hàn, người Nhật Bản, người Việt Nam vốn cùng học thiền Trung Quốc, nhưng người Đại Hàn và người Việt Nam không hề đổi cách thực hành như người Nhật.

- Đành rằng mọi sự vật trên thế gian đều phải tiến hóa, phải đổi thay canh cải, nếu không muốn bị đào thải. Nhưng điều này chỉ đúng với thế giới tư tưỏng và thế giới vật lý của thế gian, không thể áp dụng cho Phật Pháp vì Phật Pháp siêu việt thế gian. Có những tôn giáo khác đã nhiều lần phải sửa đổi giáo lý cho phù hợp với tiến hóa của xã hội và nhất là theo kịp khoa học, nhưng đạo của Phật, nói rõ là cái cảnh giới thánh trí tự chứng của Phật, mãi mãi cứ vẫn là cái gì ở phía trước chúng ta rất rất xa, ở trước cả khoa học nhiều, ta không thể bằng những kiến giải mà với tới, nắm bắt được, vậy cái đạo đó làm sao có thể lùi sau con người, trở thành lỗi thời, cần phải sửa đổi?

Tại đây, xin trích dẫn lời của Albert Einstein : "If there is any religion that would cope with modern scientific needs it must be buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific findings. Buddhism needs no surrender it views to science because it embraces science as well as goes beyond science." - Có Vị tạm dịch: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với khoa học hiện đại thì đó là Phật Giáo. Phật Giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với những khám phá mới của khoa học.

Phật Giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật Giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học." (Chép lại từ mạng điện toán). Điều này làm tôi nhớ lại một bài viết của thày Thích Nhất Chân đăng trên tập san Quan Âm ở Montréal cách đây khoảng 10 năm. Đại ý thày cho rằng Thiền Tông nay đã lỗi thời rồi, tựa như một xác chết khô vô dụng và ta cần loại bỏ nó để thay thế bằng một cái gì mới mẻ, thích hợp với trào lưu hiện đại. Thật hết phê bình. Hiện nay thày vẫn luôn luôn có bài đăng trên mạng.

- Phương pháp tham công án, thoại đầu tuy mới xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 10, nhưng nó là sáng tạo của các Tổ Sư đã triệt ngộ, các bậc Thánh, những vị đã thể nhập thế giới của Phật. Trước kia, tuy chưa có công án, bậc Thầy đã dùng những thủ đoạn đặc biệt như đánh, hét ... kể trên cho đệ tử tự nhiên phát nghi. Đến nay lối tu tập công án, thoại đầu đã được thực hành suốt 10 thế kỷ, đã giúp cho nhiều ngàn người giác ngộ, ra khỏi sanh tử luân hồi. Đây thật là một "thiện sảo phương tiện", khó tin khó nhận vì không qua kinh giáo như thường lệ, là lối tắt thẳng tới tòa Phật, chư Tổ triệt chứng có cái thấy biết như Phật, không khác. Truớc đó, chỉ những người thượng đại căn cơ như Lục Tổ Huệ Năng hoặc học giả kiến văn quảng bác như Nhị Tổ Huệ Khả mới dám lần tới cửa nhà thiền, về sau, nhờ công án, thoại đầu mà một số lớn người bình dân đã thành công trong đạo Phật, trong đó có một ông già vô học ngồi đập đá đã kiến tánh nhờ tham thoại đầu.

- Trong lịch sử Thiền Tông, một hành giả tham thiền khi tự cho rằng đã ngộ, nếu không có thày ở bên thì phải tìm đến một vị thày đã triệt ngộ để xin khảo sát và ấn chứng là đã thực ngộ. Đây là điều bắt buộc, không thể tự mình nhận là đã ngộ. Thiền Sư Vĩnh-Gia Huyền-Giác, tác giả Chứng Đạo Ca, ở trong trường hợp này. Một số hành giả tuy đã rất nỗ lực công phu, đã được cảnh giới cao siêu nhưng, đến gặp thày lại không được ấn chứng, thày nói "chưa được", hoặc "còn thiếu", những người này phải tiếp tục tham nữa. Như vậy, căn cứ theo hành trạng của người xưa đã kiến tánh nhờ nghi tình, tôi không dám chắc trình độ giác ngộ của những Thiền Sư Nhật sau này, kiến tánh nhờ giải thích được nhiều công án, là đã thực tới chỗ cứu cánh.

- Trong Thiền Luận, Đại sư Suzuki cũng cho biết hồi xưa đã có nhiều người tham thiền hoài mà không có nghi bèn quay sang một trong ba đường tẻ là: đi tìm ý nghĩa sâu xa của công án (giải thích công án), hoặc ngồi quán tâm tịch lặng, trống rỗng (có thể đây là khởi nguyên của "Thiền Mặc Chiếu"), hoặc trở lại niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, nếu vị đó vốn tu theo Tịnh-Độ trước khi qua Tổ Sư Thiền.

- Như nói trên, điểm cốt yếu khi tham công án, thoại đầu là cứ ở chỗ không biết mà hỏi, mà thắc mắc, muốn biết mà không biết được. Cứ dấn sâu vào chỗ không biết mịt mù đen tối đó mà công phu, thì nghi tình sẽ càng nặng, mới có cơ kiến tánh. Trong lúc thực hành không được để tâm bị sao lãng bởi bất cứ điều gì, dàu là lời Phật, lời Tổ, cũng không cầu kiến tánh, nhất là không chú ý đến hiện tượng lạ xảy ra (bay lên cao, mây toả ngút quanh người, Phật hiện xoa đầu...). Người xưa từ cả ngàn năm nay rồi cứ theo đó thực hành và đa số thành tựu đạo quả.

- Nhưng nay có Vị, trong một cuốn sách dạy thiền xuất bản khoảng hơn ba chục năm trước, lại định nghĩa "Công án là thắp sáng hiện hữu", điều này trái với sự thật, vì tham công án khởi nghi tình là đi sâu vào chỗ tăm tối mịt mù, không biết. Còn "Thắp sáng hiện hữu" như tôi hiểu là phát huy ý thức phân biệt để nhận biết rõ ràng sự vật trước mắt. Vậy tham công án và "thắp sáng hiện hữu" là sai cách nhau hẳn 180 độ.

Chưa nói rằng cái "ý thức phân biệt để thắp sáng hiện hữu" đó chính là vọng tâm. - Thày thực sự là một người có tài viết văn cũng như sử dụng ngôn từ. Thày đã sáng tạo ra những cụm từ đặc sắc, hoa mỹ, hấp dẫn, trí thức, để diễn đạt ý tưởng, như "thắp sáng hiện hữu", "đạo Phật đi vào cuộc đời" ... những cụm từ có dáng vẻ tiến bộ, thời trang làm nhiều người ưa thích, nhưng về thiền thì rất có thể thày chưa bao giờ thực tham công án đúng cách.

- Cũng có Vị đạo đức rất tôn kính, ngài đã đọc, đã Việt dịch nhiều sách Thiền Tông Trung-quốc, trong đó có bộ Truyền Đăng Lục kể lại hành trạng của số lớnTổ Thiền Trung-hoa, ngài nói lại những lời của chư Tổ nhưng lại chê bai, công kích cái hành của chư Tổ (tham công án, thoại đầu), đây hẳn có lý do riêng. Trong sáng tác phẩm "Yếu Chỉ Thiền Tông" in lần đầu khoảng năm 1980-1981, ngài nhận định về cách tham của Tổ Sư Thiền là: "cốt yếu dùng câu thoại đầu để đập chết con khỉ vọng tưởng". Cho tới bây giờ, hơn 20 năm sau, ngài vẫn chủ trương như vậy. Mà cũng không riêng ngài cho như thế còn có nhiều đạo nhân khả kính khác cũng nói thế.

Các ngài đều là những bậc đạo cao đức trọng, tăng tục đệ tử rất tôn kính, nhưng các ngài không phải là người thực hành Thiền Tông chân truyền và không biết rõ tác dụng của tham công án thoại đầu nên đã phát biểu sai lệch về công án, thoại đầu. Đây là một chuyên môn, cũng như mọi chuyên môn khác, nếu không học theo pháp chân truyền, không được thày chuyên môn chỉ dẫn, chưa từng thực hành đúng cách, thì không thể biết rõ, không thể đọc sách rồi tưởng tưọng, suy nghĩ mà phê phán đúng được. Sự kiện các ngài khách quan nhận định thiếu sót như trên cũng tự nhiên, không ác ý.

Nhưng cũng có vị đã tập tham thử không thầy hướng dẫn, không đúng cách Tổ Sư truyền dạy, tham mãi đau đầu, không phát được nghi tình nên nhiều lần công khai chê báng, cảnh cáo là ai hành pháp này sẽ điên khùng, dễ bị tẩu hỏa nhập ma, làm cho người khác nghe mà sợ hãi, xa lánh! - Để thế vào, thày dạy hãy xa lìa vọng tưởng bằng thực hành pháp tri vọng do thày đề xướng.

- Pháp tham công án, thoại đầu chỉ nhằm mục đích duy nhất là phát khởi nghi tình, nhẹ nhàng nhưng liên tục, dần dần đẩy nặng nghi tình đến bùng vỡ, thành tựu giác ngộ, chớ hoàn toàn không cốt yếu, không chủ trương trừ vọng tưởng. Tuy nhiên, trong khi tham thì vọng tưởng không thể khởi. Vọng tưởng không khởi được là do cái tác dụng phụ, tự nhiên của việc tham chớ không phải là mục đích nhắm đến của Tổ Sư Thiền.

Y hệt trường hợp của dược liệu Cyproheptadine được dùng để chế sirô trừ dị ứng, tại Việt Nam trước năm 1975. Tuy chai thuốc có dán nhãn "chống dị ứng", nhưng nhiều người không dị ứng cũng mua dùng thuốc này để nhắm vào cái phản ứng phụ của nó là làm cho mập, ăn ngủ nhiều, dù công dụng phụ này không chỉ dẫn trên nhãn hiệu.

- Khởi vọng tưởng là do ý thức, cái vọng thức phân biệt và lý luận này, nếu một khắc rảnh rang, lập tức nó khởi vọng tưởng, nghĩ chuyện này, chuyện khác. Ý thức càng làm việc thì càng sắc bén, càng lanh lẹ. Nếu trước mặt không có cái gì để thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, để nhận thức thấy biết, để phê phán, thì nó lập tức moi trong ký ức ra bất kỳ một chuyện gì đã qua hoặc tưởng tượng bày đặt ra một điều gì chưa có để làm việc. Đó là khởi vọng tưởng, một tên cướp mà những người thực hành bất cứ pháp môn Phật giáo nào cũng sợ nó quấy phá, làm mất công phu.

- Người tham Tổ Sư Thiền cũng dùng ý thức để nhận thấy tánh nghi vấn trong công án thoại đầu. Nhận thấy sự rắc rối, nhận ra câu hỏi, rồi tự nhiên muốn biết, muốn trả lời, muốn biết mà không biết được, không trả lời đươc thì thắc mắc, thắc mắc chính là nghi, phải ngưng lại ngay đây, giữ cái niệm nghi này và nhất là không được tiến thêm để tìm kiếm câu trả lời, để giải thích, rồi lại đề câu thoại nữa, lại nghi nữa, cứ thế tiếp tục.

Tổ Sư nói: "Cho tâm nghi nhưng không cho tâm đi tìm". Trong khi ý thức được sử dụng để tham thì đương nhiên nó đâu còn rảnh để khởi vọng tưởng. Như vậy, công án thoại đầu có công dụng chánh là khởi nghi nhưng vô tình nó cũng là "cây chổi tự động quét vọng tưởng"(Lời ngài Duy Lực), một tác dụng phụ không dụng ý. Ông có hai bàn tay để gõ máy thì cùng lúc ông không thể gảy đờn. Con khỉ leo chuyền từ cây này qua cây khác nhưng trước sau dàu ở cây nào cũng vẫn chỉ là con khỉ đó, mỗi lúc chỉ ở một cây.

- Mà Tổ Sư cũng không dạy phải trừ vọng tưởng (nói trừ, nói lìa, nói tuyệt cũng vậy thôi; vọng tưởng cũng gọi là vọng niệm) hoặc sống chung với vọng tưởng, nó khởi hay chẳng khởi cũng thây kệ nó, ta không cần biết đến nó, chỉ chú tâm tham công án, thoại đầu để nghi liên tục, cố giữ không sao lãng. Tại sao không muốn trừ vọng tưởng? Vì vọng tường là hiện tượng sống, phát khởi từ tâm (đây là vọng tâm). Tất cả chúng ta, những người chưa ngộ, dàu danh tướng thế nào, dàu suy nghĩ, nói năng, hành động gì, dàu thiện dàu ác, cũng đều là sống với vọng tâm này, chỉ khi chết rồi nó mới ngưng nghỉ vì nó đã dứt tại đây để sanh khởi nơi khác.

Vậy thì làm sao lại muốn trừ vọng tưởng, nếu không muốn hủy hoại thân này. Ngoại trừ trường hợp chuyển đổi được nó (giác ngộ: chuyển thức thành trí) mới hết được cái vọng của tâm, mới hết được vọng tưởng. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ năm lần không cho tuyệt niệm, nghĩa là không cho dứt trừ vọng tưởng. Tổ Sư cũng nói "Vọng lớn vô cùng, mạnh vô cùng, sức người được bao nhiêu mà muốn cự địch với nó?". Như vậy, vọng tâm là gốc sanh ra vọng tưởng, nó cũng là tất cả cuộc đời của chúng ta, suốt đời ta chỉ sống bằng vọng tâm, làm thiện làm ác, lên trời xuống địa ngục, kiếp này qua kiếp khác, luôn luôn ta lấy nó làm ta mà ta không biết, chỉ khi nó được chuyển thành trí thì mới hết phát sanh vọng tưởng.

Điều chân thật cơ bản này không mấy ai nói ra. - Do công phu kiên cố, chuyên cần, ta có thể lóng tâm, được tịch lặng, nhưng chỉ được một thời gian, vài phút, vài ngày. Nếu không lạc vào cái không vô ký thanh thanh tịnh tịnh thích thú như "nếm mật ngọt" mừng rằng đã đắc, thì nhập định rồi cũng phải xuất định, sống lại với vọng thức. Tịnh tâm như lóng nước đục cho trong, nhưng bụi đất vẫn còn đóng nguyên bên dưới, nếu gặp duyên kích động thì bụi đất lại nổi lên. Tham thiền tích cực, liên tục, sức mạnh của nghi tình có công năng chuyển đổi triệt để cái tướng dụng hư hỏng của vọng tâm, phục hoàn cái thể thanh tịnh sáng suốt bổn lai của tự tâm. Ví như nước đục được chưng cất thành nước trong tinh khiết, có lắc mấy cũng vẫn trong.

- Ngài Duy Lực còn chỉ dạy, đại lược là " Vọng tâm này có hai mặt, mặt động và mặt tịnh: Khi mặt vọng hiện thì tâm phân biệt, vọng tưởng suy nghĩ lẫy lừng, khi vọng lặng thì tâm được tạm thời tịch tĩnh, nhưng vẫn là vọng tâm. Trạng thái tịch tĩnh này dài ngắn cũng chỉ tạm thời, không thể nào là nhất định vĩnh viễn. Chĩ sau khi kiến tánh, cái tướng dụng của vọng tâm đã được chuyển đổi thành trí, mới có an lạc chân thật vĩnh viễn. Còn không, chỉ là lấy đá đè cỏ." ( = Cái tịnh nói trên đây là cái tịnh tương đối, có hạn lượng của vọng tâm, không phải cái tịch tuyệt đối vĩnh viễn, có trí huệ chiếu soi của tự tâm, tâm trạng này chỉ phát khởi sau khi giác ngộ.)

------------------

Ngày nay, đệ tử Phật theo tỉ lệ ngàn người, họa chăng chỉ mươi người có nhân duyên với Tổ Sư Thiền, tin hiểu và hành đúng; nhưng đi tới nơi thì rất hiếm. Cũng vì lý thuyết và cách hành khác biệt với tất cả các pháp thiền khác, lại ít được phổ biến nên hay sinh ngộ nhận. Tôi bản thân còn đang đi đường chưa đến đâu, nay viết mấy trang này hoàn toàn không dụng ý quảng cáo Thiền Tông, chỉ nhân có 2 bài đã đăng trước về cùng đề tài và vì thấy những ngộ nhận nêu ra thường được nhắc lại, làm nhiều người chưa gặp nhân duyên nên biết chưa đủ, chưa đúng về một pháp tu chân truyền, mà bất đắc dĩ, cả gan, trình bày ít điều, hy vọng rọi chút ánh sáng vào đề mục. Xin minh định rằng những điều được trình bày chỉ liên quan đến việc thực hành pháp tu tập công án, thoại đầu, không dám lạm bàn đến đạo. Nếu có bị chê trách thì xin cam nhận, không muốn gây thêm tranh cãi.

Đa tạ .

Truyền Đan
Ngày 08-10-2004

Ghi chú: Về Tổ Sư Thiền, quí vị có thể tìm đọc nhiều điều giá trị trong bộ Duy Lực Ngữ Lục đăng trên trang <www.thuvienhoasen.org> mục Tổ Sư Thiền của Thư Viện Hoa Sen, hoặc vào trang <vnet.org/tzt/tuanviet.htm> của Từ Ân Thiền Đường Santa Ana để đọc một số sách về Tổ Sư Thiền, nơi đây cũng có liệt kê những sách do Thiền Đường đã phát hành, cho thỉnh. Ngoài ra, quí vị cũng có thể liên lạc với Thầy Thích-Đồng-Thường địa chỉ <[email protected]> để được hướng dẫn thêm.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]