Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Hỷ

26/11/201017:28(Xem: 3906)
Chương 8: Hỷ


Chương 8
Hỷ

Bước Thứ 3

Bước thứ ba trong tiến trình của duyên khởi siêu việt là hỷ. Duyên khởi có nghĩa là nhận ra được nhân và quả. Bước đầu tiên trong việc nhận biết khổ đau không có nghĩa là ta phải đối đầu với khổ đau, mà là ta thực sự hiểu ý nghĩa của khổ đau: nó là một phần của cuộc sống, có mặt trong vạn pháp, và thế giới không thể thay đổi để thoát khỏi khổ đau. Từ nhận thức đó, ta phát sinh lòng tự tin, tín tâm vào cuộc sống tâm linh, và kết quả là hỷ lạc phát sinh. Ba yếu tố nầy là những điều kiện tiên quyết cho việc hành thiền của ta.

Tâm hỷ mà chúng ta bàn đến ở đây phát sinh do lòng tin vào con đường đạo, do chúng ta đã tìm được con đường giúp ta thoát ra khỏi những vấn đề của thế gian, con đường hứa hẹn sự giải thoát rốt ráo. Niềm hỷ lạc đó phải đủ mạnh để không dao động, dời đổi dầu cho những yếu tố bên ngoài có thuận lợi hay không, vì ta đã biết rằng các yếu tố bên ngoài chỉ ảnh hưởng đến sự xúc chạm của các giác quan. Nếu chúng ta không thấu đáo rõ ràng điểm nầy, thì ta cứ mãi dao động –không biết ta có nên tiếp tục con đường tâm linh nầy, hay lập gia đình, đi học, đi du lịch Trung quốc, hay lập vườn trồng rau? Nếu không có niềm vui nội tại, thì ta sẽ không thể chắc chắn rằng tu hành là con đường duy nhất giúp ta thóat khỏi khổ (dukkha). Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng, không mảy may nghi hoặc, rằng tất cả mọi lạc thọ khác đều do sự xúc chạm của các giác quan mang đến, do đó chỉ có thể mang đến những niềm vui ngắn ngủi, tạm bợ, không có giá trị lâu dài. Chúng đến, rồi đi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tất cả các cảm xúc do giác quan mang đến đều xấu hay là ta có thể tránh được chúng. Đức Phật đã bảo chúng thuộc trạng thái thô lậu.

Một khi đã nhận thức được rằng các cảm thọ do giác quan mang đến không thể thỏa mãn được ta, ta cần quán sát xem có thể tìm được điều gì khác nữa trên cõi đời nầy không. Khi đã thấu hiểu được tính chất bất toàn của các giác quan, thì còn thắc mắc, nghi ngờ gì về tâm hỉ lạc khi ta đã tìm được con đường đạo. Niềm vui nội tâm nầy là một điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công phu tu thiền của ta. Chúng ta có thể dễ dàng chứng nghiệm được điều nầy bằng những kinh nghiệm bản thân. Việc tu thiền chỉ có kết quả khi trong lòng ta không còn phiền muộn, lo lắng, mong cầu, thắc mắc gì nữa.
Những lời dạy của Đức Phật về thiền thường có từ ‘xả ly’, nhưng từ đó thường bị hiểu sai lệch nghĩa, tưởng rằng ta phải tách biệt khỏi thế giới nầy, từ bỏ mọi liên hệ với đồng loại. Hoàn toàn không phải nghĩa đó. Nó chỉ có nghĩa là ‘tách biệt khỏi các căn trần”. Sau khi đã có thể tách rời khỏi sự xúc chạm của các căn, ta mới có thể bắt đầu hành thiền. Nhưng muốn thỏa mãn được điều kiện đó, thì nội tâm ta phải được an vui, thỏai mái, tự tại; và ta phải hiểu rằng đó là một việc tốt nhất mà ta có thể làm, nếu không, vọng tưởng sẽ mãi làm gián đoạn việc tu hành của ta. Nếu có được niềm vui nội tại, không chỉ là ta sẽ tiếp tục đi trên con đường đạo, và việc hành thiền của ta sẽ có kết quả, mà ta còn có thể duy trì niềm vui đó mãi trong tâm hồn. Chứ không phải chỉ lúc ta tọa thiền, hay lúc ta nhớ tưởng đến những công phu tu tập của mình. Mà nó là một phần của sự hiện hữu của ta, như là một minh chứng rằng ta đã tìm được con đường thóat ra khỏi những vấn đề của nhân loại. Dầu ta chưa đi hết con đường đạo cũng không quan trọng.

Hạnh phúc là cứu cánh của tất cả mọi chúng sanh. Trong khóa tu nầy, chúng ta sẽ được chỉ cho một con đường, như một bản đồ đưa ta đến đích. Một điểm hẹn mà tất cả chúng ta đều hướng đến, dầu rằng ta không biết rõ nó ra sao, như thế nào, không biết mong mỏi gì ở đó. Được có một tấm bản đồ đầy đủ chi tiết, với lời hứa hẹn sẽ giúp ta đạt được đến những ước muốn sâu xa nhất, không phải là lý do chính đáng để ta vui, ta hàm ân, ta dốc cả tầm lòng vào đó sao? Chắc chắn nó sẽ khiến ta cảm thấy được gia hộ. Nếu ta không cảm thấy được như thế, thì việc hành thiền của ta sẽ còn khi trồi khi sụt. Nhưng không cần phải như thế. Một khi sự hành thiền đã vào nền nếp, nó có thể phát triển đều đặn. Khi việc hành thiền của ta đã trở nên thuần thục, nó trở thành viên ngọc quý mà ta có thể luôn mang theo mình.

Chỉ cần một yếu tố duy nhất, hỷ lạc cũng có thể phát sinh – đó là sự nhận biết rằng có một con đường đã được vạch ra cho ta. Con đường mà ta có thể theo, có thể tin tưởng, vì nó đã là một ân sủng đối với những ai đã đạt được cứu cánh bằng cách đi theo nó. Tuy nhiên còn có nhiều phương tiện khác để tâm được hỷ lạc. Hỷ lạc không phải là dục lạc. Dục lạc phát sinh từ các căn trần và chóng qua. Cũng không có nghĩa là ta chẳng bao giờ được hưởng dục lạc; chúng sẽ phát sinh khi có sự xúc chạm của các giác quan, trừ khi tâm buông xả đã được thiết lập vững chắc trong ta. Nhưng dục lạc và hỷ lạc là hai cảm thọ hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có thể tự giúp mình trên con đường đạo bằng cách tạo nên hỷ lạc bằng những việc thiện – như là, sẵn sàng phục vụ người khác. Khi ta có ý muốn giúp đỡû, hỗ trợ người khác, ta dồn tất cả chú tâm vào việc đó, thì các vấn đề của riêng ta không thể phát khởi vào lúc đó, vì tâm ta đang ở nơi khác. Có thể làm gì cho ai đó, dầu có được đền ơn hay không, khiến tâm ta sinh hoan hỷ. Sự an nhiên, tự tại đến từ việc nhận biết rằng mình đã cố gắng hết sức mình.

Đức Phật đã nhắc đến mười điều thiện ta cần vun trồng. Trên tất cả là tâm bố thí. Bố thí bao gồm bố thí thời gian, sự quan tâm, tình thương, lòng bi mẫn, mong đem lại hạnh phúc cho người khác. Khi ta có thể thực sự thấy những điều nầy xảy ra, thì tâm phát sinh hỷ lạc là chuyện đương nhiên rồi. Ngay nếu như hạnh phúc đã không thực sự đến với người đó, ta cũng biết mình đã cố hết sức lực, do đó không thể nào trong lòng ta lại không có niềm vui. Tâm hỷ lạc cũng phát sinh khi ta tự biết mình đã giữ được kỷ luật, những kỷ luật mình đã tự đặt ra cho mình. Kỷ luật do áp đặt khiến ta cảm thấy khó chịu, như đeo gông, do đó tự động ta sẽ phản kháng, chống cự, cảm thấy bị quấy nhiễu. Bất cứ kỷ luật gì chúng ta đang giữ, đều là do ta tự đặt ra cho mình, và ta có thể cảm thấy vui trong lòng vì ta đang tự chiến thắng chính mình.

Đức Phật đã nói: “Kẻ thắng một vạn quân hằng vạn lần, cũng không bằng người tự chiến thắng mình”. Thật vậy, bản năng của chúng ta là đi ngược lại với sự tự thắng mình, lúc nào ta cũng tìm mọi cách để được hưởng những lạc thú do các căn mang đến.

Làm bất cứ điều gì, trước tiên ta cũng nghĩ đến việc thỏa mãn các căn của mình. Có thể chiến thắng một số các phản ứng bản năng nầy cũng đủ khiến ta vui mừng được làm một chiến sĩ trên con đường đi đến giải thoát. Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải thật sự tham dự một cuộc chiến, là điều đau khổ, đáng sợ, nhưng chỉ để chứng tỏ rằng ta cần can đảm, tự dựa vào bản thân, trung thực với chính mình. Sự can đảm và lòng trung thực giúp ta sức mạnh để có thể tự đặt ra những kỷ luật cho chính mình. Tất cả những việc làm nầy mang đến cho tâm ta hỷ lạc. Niềm vui biết được rằng ta đang thực sự thoát ra khỏi những vấn đề tầm thường của cuộc sống thế nhân, là những thứ ta đã từng nếm trải, nhưng chưa bao giờ tìm được sự thỏa mãn. Biết được rằng mình đã tìm ra được một hướng đi khác tràn niềm vui, giúp chúng ta tiến bước không ngại ngùng.

Có câu chuyện kể về Đức Phật trước khi Ngài thành đạo, khi Ngài vẫn còn là Bồ tát. Ngái đã không ăn, và đã nhận ra rằng sự khổ hạnh thái quá không giúp cho tâm được thanh tịnh. Vì lẽ đó con đường đạo của Đức Phật thường được gọi là ‘trung đạo”. Câu chuyển kể rằng Ngài đã ngồi dưới gốc cây bồ đề ở một nơi giờ được gọi là Bodhgaya, phía bắc Ần độ.

Trong vùng, thuở đó, người ta tin có một vị thần sống trong cây bồ đềù, có khả năng giúp những người muốn cầu tự. Một phụ nữ tên là Sujata đã cầu nguyện vị thần cây giúp nàng có con, và lời nguyện cầu đó đã thành sự thật. Bà liền sai cô hầu sữa soạn các lễ vật để dâng cúng thần cây như bà đã khấn nguyện. Khi cô hầu tới bên cây, thì thấy vị Bồ tát ngồi dưới cây, nhưng cô lại tưởng là vị thần cây. Cô chạy về nhà để báo với nữ chủ của mình rằng vị thần cây đang ngồi dưới gốc cây. Sujata quyết định mang lễ vật ra tạ thần để được gặp vị thần bằng xương thịt.

Câu chuyện kể rằng trước hết bà vắt sữa một trăm con bò và mang sữa đó cho năm mươi con uống. Sau đó bà lại vắt sữa năm mươi con bò nầy rồi cho hai mươi con uống. Kế tiếp bà vắt sữa hai mươi con và cho mười con uống, rồi bà lại vắt sữa từ mười con nầy để cho một con uống. Khi bà vắt sữa từ con bò cuối cùng nầy, sữa thanh khiết, đậm đặc như kem. Bà dùng sữa nầy nầu cơm, xong đựng cơm trong một chén bằng vàng. Bà mang cơm đựng trong chén vàng ra cho người mà bà nghĩ là vị thần cây. Bà dâng cúng cho người cơm và chén vàng. Vị Bồ tát đã dùng cơm (trong tiếng Sinhalese gọi là kiribat, có nghĩa là ‘cơm sữa’, trong các ngày lễ ở Sri Lanka vẫn còn được người ta nấu).

Khi vị Bồ tát đã dùng xong bữa, Ngài mang chiếc chén vàng đến vứt ở dòng sông phía sau lưng. Ngài nói nếu chén nổi và chảy ngược dòng nước thì Ngài sẽ giác ngộ, trở thành Phật. Nhưng nếu chén chảy theo dòng nước, thì Ngài sẽ không chứng được giác ngộ. Hẳn là chén đã chảy ngược dòng, dầu rằng đó là điều người ta khó thể tưởng tượng.

Dầu gì, đó cũng chỉ là câu chuyện ẩn dụ, nhưng là một câu chuyện khá quan trọng đối với chúng ta. Nó ám chỉ rằng tu theo Phật pháp cũng giống như lội ngược dòng nước. Lội xuôi theo dòng nước thì dễ dàng hơn nhiều; mọi người đều đã đi theo hướng đó. Khi lội ngược dòng nước, ít nhiều gì ta cũng đơn độc, cũng vất vả hơn, nhưng ta sẽ đến được thượng nguồn sạch sẽ, không uế nhiễm. Sông luôn bắt đầu ở thượng nguồn. Thật là duyên lành cho chúng ta được biết phương hưóng, biết con đường đạo để đi. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng đi ngược với dòng chảy lúc nào cũng vất vả hơn nhiều, so với thuận theo, làm theo như mọi chúng sanh khác, vì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải đi ngược lại với những bản năng của chính mình.

Bất cứ khi nào các ham muốn, vọng tưởng khởi lên, và niềm vui đi trên con đường đạo tạm thời biến mất, chúng ta cần nhớ rằng đó chỉ là những phản ứng bản năng, tự nhiên của con người, mà chúng ta đang cố gắng thoát ra. Mỗi khi ta thành công, dù là rất nhỏ, ta lại tìm được niềm vui mới trong việc tu tập của mình. Chúng ta biết được con đường Đạo, biết những kết quả tốt đẹp của con đường đạo đó, cũng như biết rằng nhiều người đi trước ta đã đến được đích bằng cách lội ngược dòng. Chúng ta càng cảm thấy như có thêm sức mạnh, vì chúng ta đã không chịu thua cuộc. Mỗi người chúng ta đều có những khả năng đặc biệt có thể xử dụng trong việc tu tập. Có người dễ trở nên trầm lặng, kẻ thì giỏi về phân tích, người khác có trí nhớ tốt, người khác nữa có tài viết. Chúng ta cần phải xử dụng tất cả những khả năng mình có, và phát triển chúng tới tột cùng.

Đức Phật đã đã dạy ta cần giữ ýù, lời nói, hành động đơn giản vì tâm ta đã đầy uẩn khúc, các quá trình suy tư phức tạp chỉ làm cho việc tu tập của ta khó hơn. Những lời dạy đơn giản của Đức Phật càng khiến cho cuộc sống hằng ngày của ta thêm vui, vui vì được ở đúng nơi, đúng lúc, và hành động đúng cách với tất cả tâm hồn.

Có năm khả năng tâm linh, mà nếu được phát triển toàn diện, sẽ giúp ta thêm sức mạnh; do đó, chúng cũng là những yếu tố đưa đến giác ngộ. Năm khả năng nầy –chánh niệm, tinh tấn, trí tuệ, tín tâm và thiền định- được so sánh với một đàn ngựa, gồm một con đầu đàn và hai cặp. Con đầu đàn có thể tùy ý đi mau hay chậm, nhưng hai cặp còn lại phải giữ thăng bằng nếu không xe sẽ bị ngã.

Con ngựa đầu đàn là chánh niệm, một khả năng ai cũng có (nếu không, chúng ta đã bị xe ủi khi đặt bước chân đầu tiên xuống đường!) Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển chánh niệm hơn nữa để nó trở thành một sức mạnh. Đó là nhớ thực hành chánh niệm khi đi, đứng, nằm ngồi, khi mở cửa đóng cửa, hay bất cứ hành động nào của thân tâm. Dĩ nhiên là có lúc ta cũng quên, nhưng khi tâm nói, ‘Tôi quên hành chánh niệm’, thì ngay lúc đó ta lại nhớ. Không có chánh niệm, ta sẽ không nhận biết được niềm vui nội tâm, vì ta quen tìm lạc thú qua sự xúc chạm của các giác quan. Ta biết một cách chánh niệm rằng ta đã có nhiều lạc thú do các giác quan mang đến trong cuộc đời, nhưng không có gì mang đến cho ta sự thỏa mãn, vì thế không cần phải tìm kiếm chúng nữa. Thay vào đó, ta có thể quan sát những hành động, cửõ chỉ, cảm giác, tư tưởng của mình. Chánh niệm là khả năng tối ưu của ta, là sự quán sát nội tâm một cách khách quan, không có giọng phê phán. Nếu không được như thế, ta sẽ dễ dàng bị các tình cảm lôi kéo, hay hoang mang bởi những phản ứng thiếu khôn ngoan.

Cặp ngựa đầu tiên là lòng tin và trí tuệ. Lòng tin khiến ta dốc lòng, dốc sức theo đuổi, và trí tuệ giúp ta biết rằng cái ta dốc lòng theo đuổi có phải là chân lý không. Nếu không có sự đảm bảo đó, niềm tin của ta có thể đặt không đúng chỗ.
Cặp ngựa thứ hai là tinh tấn và thiền định. Khi có quá nhiều năng lượng, sẽ dễ khiến thân tâm lăng xăng, là điều tất cả chúng ta đều từng trải qua. Nếu có quá nhiều năng lượng vật lý, ta cần hướng chúng đến những hành động ở thân. Nếu quá nhiều năng lựơng tâm linh, khiến tâm bất an, bức bối, ta có thể xửû dụng nó hữu hiệu hơn bằng cách hướng dẫn các suy nghĩ của ta. Ngược lại, nếu thiền định quá nhiều, sẽ không còn năng lựơng, dẫn đến thiếu chánh niệm. Thiền định thái quá cũng khiến ta hôn trầm, vì thế ta luôn phải cân bằng chúng. Đó là một nét đặc trưng của con đường đạo của Đức Phật. Đó là giữ cân bằng giữa việc lo cho mình mà cũng không quên giúp người, của việc xử dụng năng lựơng sao cho thiền định có thể phát triển, là sự thăng bằng giữa lòng tin và trí tuệ để tâm và thân hòa hợp, đem những gì ta biết và những gì ta cảm đến gần nhau. Nếu ta không xử dụng đúng Pháp, thì nó giống như con rắn. Khi nắm đằng đuôi, nó có thể cắn ta; nằm ở phía sau đầu, nó không còn nguy hiểm nữa. “Chủ nghĩa vật chất tâm linh” là một điển hình rõ nhất của mối nguy hiểm nầy.

Khi tâm và trí cân bằng, trí biết được ta đang làm gì, và tâm có thể cảm xúc. Con đường tâm linh chỉ có thể được thực hành qua các cảm xúc. Nếu chúng ta có thể hiểu được giáo lý, nhưng không cảm thấy chúng mang lại lợi ích gì, thì đó chỉ là sự thực tập của trí tuệ, chỉ thích hợp ở các đại học. Những gì chúng ta hướng đến, ngược lại, là sự dấy khởi của một tri giác sâu xa, có thể biến chúng ta từ một chúng sanh tầm thường thành một đấng giác ngộ –người đã đạt được Niết bàn (nibbana). Hỷ là một cảm xúc nội tâm thiết yếu nếu như ta muốn đi theo con đường nầy. Nếu ta không thấy vui trong khi tu tập, thì tại sao ta phải theo đuổi chúng? Rầt ít người theo đuổi một điều gì, nếu họ không thấy hứng thú, không coi điều đó là giá trị, đẹp đẽ. Niềm vui nội tâm không thể bị xâm phạm bởi những yếu tố bên ngoài. Khi nào ta còn tùy thuộc vào ngoại cảnh, ta còn là những nạn nhân không có sự tự do lựa chọn. Con đường nầy sẽ dẫn ta đến tự do hoàn toàn. Chúng ta cần phát triển sức mạnh nội tâm để không còn phải tùy thuộc vào bầt cứ điều gì trừ những gì chúng ta tự phát triển.

THAM VẤN

Thiền Sinh (TS): Thưa Ni Sư, có phải việc ta bám vào các căn trần mới là vấn đề, chứ không phải là các căn?

Ayya Khema (AK): Dĩ nhiên là các căn của chúng ta không phải là vấn đề, vì chúng ta không thể sống nếu không có chúng. Nhưng chính là những diễn giải nơi tâm mới tạo nên vấn đề. Câu chuyện sau đây sẽ là một thí dụ.

Có đôi vợ chống kia, một ngày nọ, sinh chuyện cãi vã lớn. Người vợ nghĩ rằng mình sẽ ra đi vì đã quá chán ngán. Bà mặc vào những chiếc sari đẹp đẽ nhất, cái nọ chồng lên cái kia, đeo những đồ trang sức bằng vàng quý giá nhầt, rồi bỏ nhà ra đi. Người chồng sau đó cảm thấy hối hận, nên quyết định chạy tìm người vợ để mang bà trở về. Ông chạy đuổi theo, nhưng không tìm thầy bà đâu cả. Lúc đang vội vã trên đường làng, ông nhìn thấy một vị sư đi ngang qua. Ông chận vị sư lại hỏi, ‘Thưa Ngài, Ngài có thấy một phụ nữ đẹp, tóc dài, mặc sari đỏ, mang nhiều nữ trang đi ngang qua trên đường nầy không?’
Vị sư trả lời, ‘Tôi thấy một hàm răng đi qua’.

Dầu vị sư đã nhìn thấy người phụ nữ, ông không muốn bắt đầu tự nhủ rằng đây là một phụ nữ đẹp với mái tóc đen dài, áo sari đỏ, nữ trang vàng chói. Ông đã biết làm sao để thanh tịnh các căn đến nỗi ông chỉ thấy một hàm răng đi ngang qua. Không phải các căn của ta là vấn đề, chúng ta rầt cần chúng, không thể sống thỏai mái mà không có các căn. Thật vậy, cuộc sống của ta sẽ rầt khó khăn nếu ta bị mù hay điếc. Vấn đề là ở các suy nghĩ của ta.

TS: Con nghĩ là nếu chúng ta dựa theo quan điểm đó quá sát sẽ khiến ta thiếu sự tri ân, ngưỡng mộ. Thí dụ, niềm vui của con là con cảm thấy mình tri ân mọi thứ hơn lên. Chim chóc, biển cả, ánh sáng hình như đẹp hơn. Đó không phải là chấp, mà là một cảm giác an lạc, hưng phấn trước cái đẹp của muôn vật, muôn loại. . . Con không biết phải diễn tả thế nào.

AK: Sư hiểu điều em muốn nói. Tuy nhiên, ở đây, điều chúng ta muốn nhấn mạnh, đó là ta có thể có được niềm vui ở nội tâm mà không cần có sự xúc chạm của các căn. Sự xúc chạm của các căn là điều không thể tránh khỏi, qua đó có thể khiến ta tăng thêm lòng ngưỡng mộ cái đẹp, nhưng hãy cố gắng đừng để phải tùy thuộc vào các vẻ đẹp bên ngoài để tạo niềm vui cho nội tâm; đừng đợi một ‘động lực’ nào đó mới phát sinh hỷ lạc. Vẻ đẹp có hiện hữu, nhưng ta cần phải biết các cảm giác xúc chạm sẽ chóng qua, cũng như nhận thức được rằng cuộc sống của chú chim kia cũng đầy đau khổ.

Hỷ lạc phát sinh từ sự hiểu biết trong nội tâm rằng, vì vạn pháp đều vô thường, không có gì để ta phải chấp, không có gì để ta lo lắng, không cần phải đi đâu, không cần phải đạt được điều gì.

Đức Phật đã ví sự xúc chạm của các căn như là một con bò bị lột da sống, với đàn ruồi luôn bu trên da thịt. Con bò phải khốn khổ luôn vì chúng. Cũng thế, sự xúc chạm của các căn cũng quầy rầy ta luôn, vì tâm ta lúc nào cũng phải cố gắng giải mã chúng. Tiếng chim hót không có gì hơn là âm thanh, nhưng tâm lại vẽ vời ra những câu chuyện khi nghe các âm thanh đó. Nhận thức được sự giới hạn của các căn, chúng ta sẽ quay trở vào tìm niềm vui ở bên trong, chứ không phải ở bên ngoài.

TS: Thưa Ni Sư, thế có gì được coi là ‘sự cảm nhận thuần khiết’ không?

AK:Có một người tên là Bahia ở vào thời Đức Phật còn tại thế. Bahia là một nhà truyền giáo đã hơn ba mươi năm và ông tin rằng mình đã giác ngộ. Một đêm kia, một vị phạm thiên đã hiện đến với ông và nói, ‘Bahia, ông không phải là người giác ngộ. Ông còn không biết phải làm thế nào để được giác ngộ’. (Vị phạm thiên đây có thể là tiềm thức). Bahia cảm thấy rất bối rối, ông nói, ‘Tôi không giác ngộ, tôi không biết phương pháp? Làm sao tôi học được điều đó?’ Vị phạm thiên trả lời, ‘Ông phải đi tìm Đức Phật. Ngài sẽ chỉ cho ông làm sao để được giác ngộ’.

Bahia lập tức bỏ nhà ra đi tìm Đức Phật. Buối sáng hôm sau ông đến được ngôi làng nơi Đức Phật đang có mặt, và tìm đến nơi Đức Phật đang trú ngụ. Đức Phật đã đi khất thực. Người quanh đó bảo Bahia, ‘Đừng thưa hỏi với Đức Phật bây giờ, Ngài đang đi khất thực và sẽ không trả lời ngươi đâu’. Nhưng Bahia quá nóng lòng muốn biết làm sao để được giác ngộ nên ông không nghe theo những lời khuyên nầy.

Ông chạy tìm Đức Phật và gặp Ngài trong làng. Ông đảnh lể Đức Phật rầt trang nghiêm, rồi nói, ‘Thưa Ngài, con có điều muốn được tham vấn’. Đức Phật trả lời, ‘Ông đã đến không đúng lúc, ta đang đi khất thực’. Nhưng Bahia không thối chí, lại hỏi Đức Phật và lại bị từ chối. Bahia hỏi đến lần thứ ba (theo truyền thống Ấn độ, một vị thầy không thể từ chối lời thưa hỏi về tâm linh ba lần), Đức Phật trả lời, ‘Thôi được. Ông muốn biết điều gì?’

Bahia thưa, ‘Con muốn biết làm sao để được giác ngộ’. Đức Phật trả lời, ‘Đối với ngươi, Bahia, chỉ thấy cái thấy, chỉ nghe cái nghe, chỉ biết cái biết’. Bahia lễ tạ Đức Phật, rồi lui đi.

Buổi chiều khi Đức Phật đi cùng với các vị đệ tử, thì thấy thi thể của Bahia ở ven đường. Ông đã bị một con bò húc phải, thấy thế Đức Phật nói, ‘Bahia đã giác ngộ trước khi chết’.

Chỉ một câu nói của Đức Phật cũng đủ cho Bahia, người đã tu tập trong ba mươi năm, nhận thức được giác ngộ là gì. Nhận thức được rằng, ‘chỉ thấy cái thấy, chỉ nghe cái nghe, chỉ biết cái biết’, có nghĩa là không coi sự xúc chạm của các căn là quan trọng, không coi chúng thuộc về ta, không cần phải phản ứng theo chúng, mà chỉ nên coi chúng như một vở tuồng đang diễn ra.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]