Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Nhân Quả Duyên Sanh

26/11/201017:23(Xem: 3822)
Chương 4: Nhân Quả Duyên Sanh

Chương 4
Nhân Quả Duyên Sanh

Giáo lý của Đức Phật có thể được coi là giáo lý của nhân và quả, vì đây là những điều xuyên suốt trong giáo pháp của Ngài. Chữ ‘Pháp’ (Dhamma) có nghĩa là ‘luật’ hay ‘luật tự nhiên’. Khi thuyết pháp, Đức Phật thường giảng về luật tự nhiên, trong đó nhân và quả là một phần không thể tách rời.

Đức Phật không giảng về Phật giáo. Đó là những gì người ta gọi sau đó. Những gì Ngài thuyết giảng được gọi là Pháp. Ngài nói: “Người nào hiểu được lý duyên khởi, người đó hiểu Pháp. Người nào hiểu Pháp, người đó hiểu về lý duyên khởi”. ‘Hiểu’ ở đây là cái hiểu ở nội tâm, ở bên trong ta, còn ‘duyên khởi’ chỉ về nhân quả. Đức Phật đưa ra hai thuyết về nhân quả. Cả hai đều có thể được ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống của ta. Nếu ta không chỉ hiểu mà còn có thể áp dụng, thực hành chúng, thì cuộc sống của ta sẽ xuôi thuận, dễ dàng hơn.

Chúng ta cần luôn nhớ rằng chỉ hành thiền xuông thôi, không mang lại hiệu quả gì. Có thể ta cũng tìm được đôi chút thanh tịnh qua sự thực tập đó, nhưng không phải là một sự chuyển hóa đích thực như con đường đạo có thể mang đến. Thiền là phương pháp giúp tâm thêm mạnh mẽ, nhạy bén, thanh tịnh, nhưng đó không phải là cứu cánh. Nó chỉ là một cách để điều phục tâm. Chúng ta chỉ xửû dụng thiền cho mục đích đó, cũng là quá trình phát triển tư duy, tình cảm của ta. Dần dần, ta sẽ đạt được tâm viên mãn, không còn chướng ngại, phiền não gì nữa.

Đức Phật đã giải thích về lý duyên khởi đầu tiên bằng cách vẽ hình lên mặt cát như một phương tiện giúp các đệ tử của Ngài dễ hiểu. Các vị đệ tử rất vui mừng vì việc đó, họ đã xin phép Đức Phật được họa lại bức tranh. Đức Phật chấp thuận và qui định tất cả mọi tu viện đều nên treo bức tranh nầy, cũng như cử ra một vị có hiểu biết sâu xa về bức tranh để có thể giảng cho khách viếng chùa hiểu ý nghĩa của lý duyên khởi qua hình thức nầy. Các tu viện, cũng như phần lớn những vết tích về thời Đức Phật còn tại thế ở Aán Độ đã bị các tín đồ Hồi giáo phá hủy, tuy nhiên ý nghĩa của bức tranh vẫn được truyền đến Tây Tạng, để hôm nay chúng ta vẫn có thể được chiêm ngưỡõng một bản vẽ rất chi tiết, công phu. Vào thời Đức Phật có lẽ được thực hiện đơn giản hơn.
Khi quan sát bức tranh đó, ta thấy một vòng tròn lớn hay một bánh xe với hình một con hổ ở phía trên vòng tròn. Chiếc đuôi to lớn của hổ kéo dài chấm đến dưới bánh xe, trên đầu hổ là một vòng nguyệt quế có hình năm chiếc đầu lâu, biểu tượng của năm đặc tính của nhân loại, còn được gọi là năm uẩn (Khandhas). Con hổ ở đây được xem là một biểu tượng của cái đẹp; trên đầu có những chùm lông uốn dợn, trên các móng vuốt có đeo vòng xuyến, và nhẫn trên ngón chân cái – nhưng nó trông vẫn hung hãn như bất cứ mọi con hổ khác. Miệng hổ há rộng chừng như muốn nuốt chửng bánh xe. Con hổ biểu hiện cho vô thường; dầu cho chúng ta có tự tô điểm mình với bao quần áo đẹp đẽû, sang trọng, chúng ta vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của vô thường.

Bên trong bánh xe, có một vòng tròn nhỏ hơn, trong đó có ba con vật: rắn, ga ø trống và heo. Con nầy cắn đuôi con kia, tạo thành một vòng tròn nữa. Rắn là biểu tượng của lòng sân hận, vì rắn có nọc độc. Gà trống biểu hiện lòng tham lam, vì nó có bao nhiêu là gà mái ở cạnh bên, heo thì biểu hiện cho vô minh, vì heo luôn bới đất cát qua đầu, nên không thể nhìn thấy được gì. Cả ba là biểu tượng cho các gốc rễ vô lậu khiến ta mãi sinh tử luân hồi –mà vô minh là nguyên do chính, trong khi tham lam, sân hận là những hậu quả tất yếu.

Nếu ta có thể chấp nhận rằng chính bản thân mình đôi khi cũng thiếu sáng suốt, cũng tham ái, cũng sân hận, ta sẽ dễ chấp nhận bản thân và tha nhân hơn, bất kể họ là ai. Dầu họ có là kẻ thống lãnh một nước, người cầm quyền sinh sát trong tay, hay chỉ là người sống bên ta mỗi ngày. Tất cảû chúng sanh, đều bị tham, sân, vô minh chi phối. Chỉ có bậc giác ngộ mới hoàn toàn thoát khỏi các lậu hoặc. Nếu biết tự soi mình, ta cũng có thể dễ dàng nhận diện chúng nơi bản thân, nhất là tham, sân. Vô minh thì khó nhận ra hơn, vì cần phải có trí tuệ mới làm được điều đó. Tham sân không nhất thiết phải là những hành động bạo lực hay đam mê mạnh mẽ. Chúng xuất hiện mỗi lúc ta sinh tâm ưa ghét điều gì. Bất cứ điều gì ta thích hay không thích, cũng là tham sân. Khi đã nhận biết chúng nơi bản thân, ta cũng có thể nhận thấy đấy là nỗi khổ của tất cả nhân loại. Khi đã biết như thế, ta mới có thể xử dụng khả năng nhận thức, sự chịu đựng một cách đúng đắn. Tuy con người có những khác biệt, nhưng sự khác biệt đó không đáng kể. Tất cả đều có thể được chuyển hoá. Sự chuyển hóa thực sự chỉ có được khi ta đã được giải thoát, giác ngộ.

Ba con vật kể trên bị giam hãm trong một vòng tròn lớn, thường được chia làm sáu phần, chỉ cho sáu cõi hiện hữu. Một là cõi người, trong đó người họa sĩ có thể tưởng tượng ra đủ cảnh: mẹ bồng con, người nông dân trên ruộng đồng, máy móc, xe cộ. Đôi khi còn có hình ảnh chiến tranh trong đó nữa. Kế tiếp là cõi súc sinh, với đủ loại thú vật. Tiếp đến là cõi địa ngục, là một trạng thái tâm hạ căn. Nhà họa sĩ thường vẽ các cảnh: lửa cháy rực, các hình ảnh bị tra tấn, cảnh bão lụt, đói khát mà những con người bất hạnh phải gánh chịu. Kế tiếp là cõi ngạ quỷ. Những con quỷ đói thường được phác họa với cổ, miệng bé tí, nhưng bụng thì phình to, nên không bao giờ có thể được no. Lòng tham quá lớn sẽ khiến chúng không bao giờ thấy đủ, cũng là một hình thức hạ căn khác. Kế đến là A-tu-la (asuras), những người luôn gấu ó, tranh giành, họ luôn ở trong trạng thái gây sự, tấn công. Đó là những cõi giới thấp hơn cõi người. Nhưng cũng có cõi trời, có thể coi như thiên đàng, nơi hoàn hảo, được phác họa bằng những lâu đài nguy nga, những con người đẹp đẽ, với hoa bứơm đủ màu sắc bao quanh. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều có thể kinh qua các trạng thái tâm nầy trong ngay kiếp sống nầy.

Đai ngoài của vòng tròn quan trọng nhất. Được chia làm mười hai phần. Hình ảnh đầu tiên vẽ một bà cụ già, đui mù, tay cầm gậy lần mò tìm đường qua khu rừng rậm. Đó là biểu tượng của vô minh. Trong ngôn ngữ Phật giáo, vô minh không có nghĩa là không có học thức, nhưng là người không biết đến các quy luật tự nhiên trong vũ trụ. Vì ta thờ ơ với các quy luật tự nhiên nơi bản thân, ta cũng coi thường môi trường sống quanh ta. Do đó, quanh ta những cánh rừng đang chết dần, sông rạch, không khí bị ô nhiễm, và đủ loại thiên tai khác do chính ta gây ra cho mình. Cuộc sống quanh ta cũng tuân theo những quy luật của vô thường, vô ngã và không. Nhưng vì ta không quan tâm đến các quy luật nầy, ta sống bất cần chúng, hay đúng hơn cố gắng chối bỏ chúng. Đó là gốc của mọi vấn đề của chúng ta.

Vô minh có thể được coi là khởi đầu của cái không có khởi đầu. Khi Đức Phật được hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, Ngài đã im lặng. Đó là một trong ‘bốn thứ không thể nghĩ bàn’, vì thế Đức Phật không muốn đào sâu vấn đề nầy. Ngài chỉ dạy rằng vô minh chính là nguồn gốc của mọi vấn đề của chúng ta. Khi đã hoàn toàn giác ngộ (nibbana), ta sẽ có câu trả lời cho mọi thắc mắc, vì thế ta chỉ cần tu tập để đạt đến trạng thái đó.

Cả vòng tròn đó là biểu tượng cho nhân quả duyên sanh. Bức tranh kế tiếp là hình một người thợ gốm đang làm nồi. Có những cái nồi tròn trĩnh hoàn hão, nhưng cũng có những chiếc bị bể vỡ. Đó là ẩn dụ của các hành động tạo nghiệp của ta. Vì ta vẫn còn luẩn quẩn trong ảo tưởng về ‘cái tôi’, ‘cái của tôi’, nên ta tạo ra các nghiệp xấu, tốt hay trung tính. Khởi đầu của mọi nghiệp là từ tâm, vì tất cả đều bắt đầu từ khởi ý. Vì thế mà tu thiền, luyện tâm, học hỏi Phật pháp là vô cùng quan trọng, vì chúng giúp ta tạo ra đủ nghiệp thiện để ta có thể ung dung với bao cánh cửa mở ra cho ta. Nếu ta tạo quá nhiều nghiệp xấu ác, ta sẽ bị phạt tù; trái lại, nếu ta có nhiều nghiệp thiện, ta có thể sống với lương tâm yên ổn, tâm hồn thoải mái, đầy từ bi.

Vì thế, ta cần luôn nhớ rằng nghiệp khởi đầu bằng tác ý, rồi tiếp nối bằng lời nói, bằng hành động. Tất cả mọi thứ đều qua cánh cửa: ý, ngữ và hành. Và vì tất cả đều khởi đầu từ ý, nên đó là nơi đầu tiên và quan trọng nhất ta cần chú ý. Thiền là phương tiện giúp ta rèn luyện tâm cho sắc bén, thông thái, trí tuệ để có thể chuyển hoá những cấu uế thành thanh tịnh. Chúng ta không cần phải tiếp tục duy trì các ý nghĩ tiêu cực; không cần thiết phải làm thế chút nào.

Khi nghiệp đã tạo, thì thức sẽ sinh. Nhưng chúng ta không cần nghĩ đến sự tái sinh như một điều gì ở tương lai. Thật ra, chúng ta tái sinh từng phút giây với những tư tưởng, tình cảm đổi thay theo từng giây phút, và theo đó là các nghiệp ta vừa tạo ra những giây phút trước. Nếu vài phút trước đây ta nổi sân, thì sau đó ta không thể cảm thấy vui vẻ, thoải mái ngay. Nhưng nếu ít phút trước đây, ta tràn đầy tình thương, thì giờ ta đã cảm thấy rất an ổn. Do đó ta trả nghiệp trong từng giây phút.

Mỗi buổi sáng, có thể được coi như một sự tái sinh. Khi ngày mới bắt đầu, ta còn tràn đầy năng lực, ta còn có một ngày dài trước mắt. Mỗi giây phút trôi qua, ta như già hơn, mệt mỏi hơn, để đến cuối ngày khi đêm xuống ta chìm vào giấc ngủ, một cái chết ngắn ngủi. Nếu không ngủ, thì ta cũng chỉ có thể lăn trở trong giường, đầu óc mơ mơ, màng màng. Mỗi ngày có thể coi như cả một khoảng đời, vì ta chỉ có thể sống từng ngày; quá khứ đã qua, và tương lai có thể đến hay không đến bao giờ; chỉ có sự tái sinh nầy, ngày hôm nay, giây phút nầy là quan trọng hơn cả.

Thức tái sinh bao gồm các nghiệp ta đã tạo. Những gì đã xảy ra trong bao nhiêu kiếp trước, khi ta có thể là một vũ công người Ba Tư, một công chúa Ai Cập hay một hải tặc Viking, hay bất cứ gì mà ta nghĩ mình đã từng là, không có nghĩa lý gì, phải không? Đôi khi đó chỉ là những ảo tưởng. Quan trọng nhất là cái hiện tại, ngay tại nơi nầy, một ngày mà ta có thể thực sự sống. Khi biết rằng nghiệp luôn theo ta, điều đó sẽ giúp ta sống mỗi ngày trong đời một cách hữu ích nhất, không lãng phí thời gian, không dùng nó trong những cuộc trốn tìm vô vọng, mà xử dụng nó với tất cả khả năng, dùng nó để phát triển tâm linh.

Thức tái sinh có thể được ví như một chú khỉ chuyền từ cây nầy sang cây kia (từ kiếp sống nầy qua kiếp sống khác), vì tâm không rèn luyện không có khả năng trụ ở một nơi mà không sinh ra chán nản. Nó thiếu một phương hướng nhất định. Có thể so sánh với tâm ta trong một ngày. Có những việc ta buộc phải thực hiện vì mưu sinh, vì phải lo cho gia đình hay vì những trách nhiệm khác, nhưng một hướng đi cho tâm linh thường bị quên lãng. Nếu mỗi sáng ta có thể coi như một lần được tái sinh với lòng biết ơn chân thành, tự đáy tim, rằng đây là một ngày nữa ta không phải lo đói, lo không có nơi nương tựa, mà lại được có cơ hội để tu hành, thì ta sẽ có nhiều cơ duyên tạo ra các nghiệp lành hơn.

Do có thức tái sinh, danh sắc sẽ khởi hiện. Nếu nói rộng thêm về sự tái sinh mỗi sáng, ta có thể nói rằng, khi thức dậy, ta biết rằng mình vẫn còn thân tâm. Khi chìm sâu vào giấc ngủ, ta thật sự không biết mình là ai. Bước đầu tiên đến với trí tuệ, đòi hỏi ta phải hiểu rằng thân và tâm là hai. Nghĩ rằng đây là ‘tôi’, một thực thể vẹn toàn, và tất cả mọi thứ xảy ra chỉ vì ‘tôi’ muốn, cần, hay cảm, là sai lầm. Điều đó khiến ta không thấy mình có quyền quyết định, cũng như khả năng tạo ra nghiệp lành hay vạch ra hướng đi cho đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh chỉ có thể thành hiện thực khi ta biết rằng ta có thể tạo ra những gì ta muốn trong đời bằng tâm và thân chỉ là người đầy tớ. Tuy nhiên có người đầy tớ tốt, có người không. Chúng ta phải bằng mọi cách biến người đầy tớ của mình thành tốt hơn bằng thực phẩm, thể dục hay thuốc men. Nhưng dầu thế nào nó cũng chỉ là người đầy tớ, tâm mới chính là chủ nhân. Nếu một người chỉ có thân mà không có tâm, thì dầu ta có làm gì, nó cũng không biết phản kháng, vì không có gì ở đó để phản kháng. Nhưng với người có tâm thì sẽ khác hẳn.

Hình ảnh kế tiếp thường là cảnh một người khách qua đò và người lái đò. Người khách là thân, tâm là người lái đò. Chúng ta không thể hành động gì, nếu không có tâm sai bảo ta. Nếu tâm không bảo ta phải tọa thiền, thì thân sẽ không ngồi xuống chiếu thiền. Tâm cũng bị những đau nhức của thân ảnh hưởng, nhưng đó chỉ là đối với những tâm chưa được rèn luyện. Tâm của Đức Phật hay của các vị A-la-hán (arahant) không còn bị những cảm giác khó chịu nơi thân ảnh hưởng. Thực ra, ta không thể tránh khỏi các cảm giác khó chịu nơi thân. Ai không có những lúc bị thân bệnh, đau nhức. Ngoại trừ ta chết trẻ, không thì ta sẽ trở nên già nua, và thân ta lúc đó cũng sẽ không hoạt động tốt giống như lúc trẻ. Đức Phật đã dạy: ‘Người không tu tập, chưa đạt được giải thoát sẽ bị hai mũi tên bắn phải. Người có tu tập, đã đạt được giải thoát chỉ bị một mũi tên bắn”. Hai mũi tên làm hại ta đó là thân và tâm. Cả hai đều mang đến đau khổ cho ta. Nhưng người giác ngộ chỉ phải khổ vì thân. Tâm không còn bị ảnh hưởng. Khi còn tại thế, Đức Phật cũng bị bịnh, và có căn bịnh dẫn Ngài đến cái chết, tuy nhiên trên giừơng bệnh, trước giờ ra đi, Đức Phật vẫn còn có thể nhập định vào các tầng thiền vì tâm của Ngài không còn bị ảnh hưởng bởi thân bịnh.

Đối với người bình thường như chúng ta, dĩ nhiên ta vẫn còn bị ảnh hưởng của thân, và thường phản ứng lại. Nhưng dần dần ta sẽ có thể tách biệt thân và tâm, khi ta đã có đủ trình độ thiền định và trí tuệ. Ta sẽ hiểu thân là gì và tâm là gì, sẽ biết rằng tâm cần được chăm sóc nhiều nhất, dầu ta thường hành động trái ngược. Phần lớn thời gian, năng lực của ta lại dành để lo cho thân. Ta lo bồi dưỡng, tắm rửa, làm đẹp thân, tập thể dục cho nó, cho nó nghỉ ngơi trong giừơng mỗi đêm, che chở cho nó dưới mái nhà. Mặc quần áo để giữ thân ấm, che chở thân. Khi nó bịnh, ta lại lo thuốc men cho nó.

Tâm cũng cần được chăm sóc như thế, nếu không muốn nói là hơn thế nữa. Dĩ nhiên tâm cũng cần được nghỉ ngơi. Và cách duy nhất là tâm phải ngưng suy nghĩ, để được thanh tịnh, yên ổn. Ban đêm khi thân nghỉ ngơi, tâm vẫn mơ, và suốt ngày, nó phải nghĩ suy. Chúng ta bắt cái dụng cụ mỏng manh nhất, giá trị nhất trong vũ trụ phải làm việc quá sức. Nhưng ta lại bất ngờ khi sự việc không xảy ra như ta mong muốn, khi thế giới ta đang sống không phải là thiên đàng ta mơ ước. Những đầu óc hình thành nên thế giới nầy, kể cả chúng ta, không thể hoạt động hết công suất, vì chúng đã quá mỏi mệt. Chúng chưa bao giờ được nghỉ ngơi, chùi rửa, cho thuốc. Tâm như thế chỉ có thể tuột dốc, thay vì được phục hồi. Thiền là phương cách giúp chúng ta phục hồi tâm.

Mỗi giây phút thiền định là mỗi phút giây thanh tịnh, chùi rửa tâm. Sự bình an, tĩnh lặng giúp tâm nghỉ ngơi, tìm hiểu giáo lý Phật pháp là thuốc chữa các bịnh sợ hãi, lo âu, sân hận và ảo tưởng. Chăm sóc tâm không có nghĩa là nhồi nhét thêm các kiến thức vào đó, mà phải có trí tuệ hiểu biết, giúp ta tự tại, không bao giờ phải cần đến các ảo tưởng. Dĩ nhiên đó là hướng ta lần hồi tiến đến, nhưng ít nhất ngay bây giờ ta biết phải làm gì. Khi ta nhận thức được rằng tâm là cây chèo đưa con đò đi tới, mà thân chỉ là người đi đò, thì ta sẽ biết đặt ưu tiên ở đâu.

Bức hình kế tiếp là một ngôi nhà với năm cửa sổ và một cửa lớn, ẩn dụ cho năm uẩn. Cánh cửa lớn, tượng trưng cho khả năng tư duy, có thể để tất cả mọi thứ tạp nhạp vào nhà, nếu không biết canh giữ. Đây là điểm quan trọng cần thấu triệt và ghi nhớ. Mỗi chúng ta có sáu ngõ mở ra với thế giới bên ngoài. Nếu ta chỉ xửû dụng sáu ngõ nầy, ta chỉ biết thế giới hạn hẹp qua sắc, thanh, hương, vị, xúc và ý. Nếu ta không hề biết có gì khác hơn thế, e rằng ta đi tìm giải thoát theo một hướng sai lầm. Các giác quan của ta, kể cả ý, không bao giờ đem lại toại nguyện. Bản chất của chúng là thay đổi không dừng.

Nếu chúng ta không biết rằng mình phải vượt lên ngũ dục, ta sẽ tìm kiếm hạnh phúc một cách vô vọng thôi, không những vì ngũ dục có vui có khổ, mà còn vì chúng nhanh chóng trôi qua. Không có cách gì giữ chúng lại được.

Thử tưởng tượng bạn phải nghe bản hợp xướng số Chín của Beethoven ba ngày liên tục, nghe suốt từ sáng đến chiều chỉ có như thế. Sau một thời gian, nó không còn đem lại cho ta thú vị nữa, và có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ muốn nghe nó nữa. Đối với cái ăn cũng vậy. Hãy thử tưởng tượng nếu ta vừa dùng xong một bữa ăn ngon miệng, và người ta bảo rằng: ‘Nếu bạn thích, hãy ở lại ăn thêm hai, ba tiếng nữa’. Nếu phải làm thế, ta sẽ rất khổ sở. Bữa ăn dù ngon cách mấy cũng không thể ăn mãi. Đối với tất cả các giác quan khác cũng thế. Chúng không thể kéo dài mãi. Chúng ta không thể nghe, ăn, xúc chạm hay nhìn trong một thời gian dài. Nếu ngũ dục nào kéo dài quá lâu, sẽ khiến ta vô cùng khổ sở. Ngay các lạc dục cũng không thể kéo dài. Chúng luôn biến mất, vì thế ta cứ phải tìm kiếm cái khác.

Nền kinh tế của ta dựa vào nguyên lý nầy. Chúng ta không thể bán một sản phẩm không mang lại lạc thọ nào, vì thế tất cả mọi thứ đều được sản xuất vì mục đích duy nhất đó. Vì lạc thọ không thể kéo dài, ta phải bỏ bao thời gian, công sức, tư duy, để tái tạo chúng. Nhưng sự thỏa mãn toàn vẹn không thể đến bằng cách đó. Tất cả đều chỉ là những giây phút chóng qua, dầu ta có chấp nhận hay không, đó vẫn là sự thật. Thường đó là lý do tại sao người ta tìm đến thiền định. Tuy nhiên khi hành thiền, ta cần có quyết tâm và kiên định.

Bức hình kế tiếp diễn tả sự xúc chạm, với hình ảnh người nam và người nữ ôm nhau. Ngụ ý nói rằng khi các giác quan của ta còn hoạt động, chúng còn đòi hỏi sự xúc chạm, nhất là những xúc chạm dễ chịu, là điều ta luôn đòi hỏi. Khi mắt ta còn hoạt động, ta muốn ngắm nhìn; nếu tai còn hoạt động, ta lắng nghe; với lưỡi, ta còn muốn nếm; với thân, ta còn muốn xúc chạm; với tâm, bao ý nghĩ khởi sinh, tất cả đều xảy ra một cách tự nhiên. Không ai bảo là ta phải khác đi. Nhưng chúng ta cần soi xét nội tâm để xem thật sự ta mong muốn điều gì, để ta có thể phần nào làm chủ cuộc đời ta.

Khi các giác quan còn, ta còn muốn xúc chạm. Điều nầy rất rõ khi ta ngồi thiền. Vì ta ngồi mãi ở một vị trí (tiếp tục xúc chạm) nên cảm giác khó chịu khởi lên. Đó là tiến trình tự nhiên của các phản ứng của nhân loại. Nhưng có một bước trong quá trình nầy không phải do sự xếp đặt tự nhiên trước.

Kế tiếp là hình một người bị mũi tên bắn vào mắt, gợi lên cảm giác đau đớn, khó chịu. Nhưng ta không có cách nào tránh khỏi cảm thọ nầy phát khởi sau sự xúc chạm của giác quan; ngay cả các bậc giác ngộ cũng có sự xúc chạm và có các cảm thọ phát sinh. Tuy nhiên bước kế tiếp có thể là cánh cửa thoát mở ra khỏi bánh xe sinh tử luân hồi (samsàra).

Chúng ta đi từ xúc đến thủ. Bức hình kế tiếp thường vẽ một người ngồi ở một bàn tiệc thịnh soạn, đang dồn nhét thức ăn vào bụng. Thủ không chỉ có nghĩa là muốn giữ lấy mà còn có nghĩa là muốn vứt đi một cái gì đó. Trong trường hợp của chúng ta, trong thế ngồi thiền, xúc chạm lâu, ta muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu bằng cách chuyển thân. Ước muốn thoát khỏi cảm giác khó chịu, và chỉ muốn có các cảm giác dễ chịu, là ước muốn khiến ta mãi trong vòng luâân hồi sanh tư.û

Vòng tái sinh liên tục của ta có thể chấm dứt ở điểm nầy, nếu ta có thể hiểu rằng cảm thọ chỉ là cảm thọ, mà không coi chúng là ta. Nếu chúng là ta, thì tại sao ta lại muốn có các cảm giác khó chịu như thế? Nếu ta có quyền hạn gì với chúng, ta đã quẳng chúng đi rồi mà chỉ giữ lại các cảm giác dễ chịu. Nhưng không ai có thể làm thế. Tất cả chúng ta đều có các cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Ở đây, cảm thọ bao gồm cả xúc cảm và các cảm giác vật o5

Cánh cửa dẫn chúng ta thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử triền miên, chỉ có thể mở ra cho ta nếu như nội tâm ta đã đạt đến trình độ khi mà ta không còn né tránh, phản kháng các cảm thọ. Khi ta đã hiểu và nghiệm ra rằng mọi việc đơn giản chỉ là thế, một dòng chảy liên tục và không có gì hơn thế nữa. Chúng ta chỉ cần biết có một chuyển động không ngừng như thế, để quan sát, nhận thức, chứ không phải để ta cản trở dòng chảy đó với ý muốn giữ lại những gì tốt đẹp và tránh né những khó chịu. Nói cách khác, chúng ta cần thực tập tâm xả ly, bình đẳng.

Xả là một trong bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi). Tất cả chúng ta đều có khả năng thực hành điều đó, nhất là khi ta đã biết các cảm giác khó chịu chỉ xuất hiện như chúng phải xuất hiện. Ta tưởng rằng ta có quyền hạn đối với chúng, vì chúng phát sinh, rồi qua đi. Do đó ta thường muốn chúng qua nhanh đi, đôi khi bằng vài viên aspirin hay bằng những phương tiện mạnh hơn. Khi hành thiền, thì ta chuyển đổi thế ngồi. Tất cả những điều đó khiến ta ảo tưởng rằng mình làm chủ các cảm thọ của mình, nhưng thật ra chúng ta chỉ ngụy trang cho các định luật tự nhiên. Ta che đậy chúng lại để không phải đối diện với chúng. Nhưng một ngày nào đó, khi ta thực sự quán sát các định luật tự nhiên như chúng hiện hữu, ta sẽ thấy rằng tất cả những suy nghĩ của ta đều là ảo tưởng. Lúc đó ta có thể mỉm cười tự chế ngạo mình. Vì có quá nhiều điều phải ngụy tạo, tất cả năng lực của chúng ta bị tiêu tán, và sự giác ngộ xa với tầm tay. Tuy nhiên, những gì là thật, là đúng vẫn trở đi, trở lại trong cuộc sống của ta, rồi ta lại tiếp tục che giấu những gì ta không thích, cho đến khi ta bằng lòng chấp nhận chúng.

Thực tập diệt bỏ các phản ứng là cách giúp ta mở được cánh cửa giải thoát. Mỗi lần ta có thể bỏ qua một phản ứng, là mỗi lần ta bước gần hơn đến với tự do, giải thoát. Nếu không làm được như thế, ta sẽ mãi phụ thuộc vào các cảm thọ của mình, là điều không dễ chịu gì. Vì ta có thể trốn chạy chúng, ta ảo tưởng rằng mình làm chủ được chúng, nhưng các cảm thọ lại vẫn xuất hiện. Khi ta vẫn là nạn nhân của các cảm giác vui buồn, vẫn còn ưa cái nầy, ghét cái kia, chúng ta vẫn không thể làm chủ cuộc đời mình. Nhưng khi ta buông xả được các khổ thọ, không quan tâm đến chúng, chấp nhận chúng chỉ là một cảm thọ, ngay khi đó, ta làm chủ mọi tình huống. Ta sẽ đầy lòng tự tin đến nỗi ta có thể không bị ảnh hưởng, không phản ứng gì cả. Sức mạnh nội tâm phát sinh từ sự tự tin đó. Không phải là sức mạnh vượt trội hơn ai, mà chính là ta tự thắng ta, giúp ta có thể nhận thức rõ ràng được sự thật tuyệt đối.

Nhưng nếu chúng ta để cánh cửa vượt quá tầm tay, vì lần nữa ta lại phản ứng theo cảm tính, ta lại bước vào vòng luân chuyển tất nhiên của nhân quả. Bước kế tiếp là thủ, được diễn tả bằng hình ảnh một người đang hái trái cây, bỏ vào một cần xé đã đầy tràn. Hình ảnh đó không phải là xấu đối với nền nông sản ở các xứ sở giàu có, nơi hàng tấn bơ, càphê dư thừa sẽ bị đổ dưới biển. Ý nghĩa mà hình ảnh đó muốn thể hiện là lòng tham của con người quá mãnh liệt đến nỗi họ không biết mình đã có quá đủ. Khi chúng ta còn ham muốn thứ gì, là ta còn bám víu vào ái dục, do đó làm ảnh hưởng đến sự an bình của tâm. Trong tiềm thức, ta biết rằng bất cứ những gì ta ao ước –con người hay vật chât- đều vô thường, luôn thay đổi, hoai diệt, bị đánh cắp, bị mất mát. Mặc dầu thừa biết như thế nhưng ta không muốn chấp nhận. Tuy nhiên vì thực sự là chúng ta biết như thế, nên cảm giác sợ hãi luôn đi kèm theo mọi bám víu: nỗi lo sợ bị đánh mất.

Điều nầy rất rõ đối với vấn đề sở hữu. Các nhà giàu thường trang bị hệ thống chống trộm, cửa khóa hai ba lớp, tường cao cổng kín, nuôi chó dữ, và mua bảo hiểm cao. Họ sợ tài sản của họ bị mất cắp, bị cháy hay bị kẻ khác sang đoạt. Lo sợ bị mất người yêu, khiến ta sanh lòng ghen ghét, là một tình cảm không dễ chịu chút nào.

Khi chúng ta bỏ qua cơ hội giải thoát mình khỏi cái khổ, vì ta một lần nữa lại phản ứng theo tình cảm, có nghĩa là ta đã bám víu vào hoặc cái ta thích hoặc cái ta không thích. Dầu nhỏ mọn đến thế nào, điều đó cũng khiến ta bất an.

Đức Phật đã dạy: “Con đường đến Niết bàn (nibbàna), là con đường xả ly, không bám víu”. Xả ly là quá trình phát triển tâm linh. Không có gì để được, không có gì phải đạt. Muốn hành thiền, chúng ta phải xả ly mọi ái dục, dầu nhỏ đến đâu. Nếu ta không buông bỏ hy vọng, ý nghĩ, suy tư, lo âu và nhiều vấn đề khác trong khi hành thiền, ta sẽ không thể chú tâm. “Xả ly” là câu tâm niệm trên đường tâm linh. Biết rằng mọi thứ là vô thường, không thể duy trì; tất cả đều hoại diệt, sẽ giúp ta dễ buông bỏ hơn. Trái lại, lòng tham cầu sẽ khiến ta bất an, vì ta không biết mình có được điều mình mong muốn, hoặc giả có được, liệu mình có giữ được nó không.

Từ thủ phát khởi ra ‘hữu’. Chúng ta có thể ví cả vòng luân hồi đó trong một kiếp nầy. Ta không phải nghĩ về tương lai hay quá khứ, dầu rằng tiến trình đó thường được giải thích như đã xảy ra trong ba kiếp. Trong trường hợp nầy, kiếp quá khứ bao gồm vô minh và duyên hành, là hai bước khởi đầu của nghiệp quả đã được nói đến trong những lời giảng của Đức Phật về luân hồi sanh tử của ta. Sự phát khởi của thức tái sinh trong bụng mẹ trong kiếp nầy sẽ dẫn đến sinh trong tương lai, trừ khi chúng ta có thể tìm ra được lối thoát. Nhưng chúng ta có thể kinh qua cả vòng luân hồi trong chỉ kiếp sống nầy, như thế hữu ích hơn, vì ta chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra cho ta ngay bây giờ. Các kiếp sống quá khứ đã qua rồi, không thể làm gì được nữa; chúng đã biến mất qua năm tháng. Tương lai thì chỉ ước chừng. Vì thế tốt hơn là ta chú tâm đến những vấn đề cốt lõi trong hiện tại.

Hữu, duyên từ thủ, hàm chứa ý nghĩ muốn có, muốn là một cái gì tốt hơn cái hiện tại. Chúng ta muốn trở thành một thiền sinh giỏi, muốn trở nên đạo đức hơn, thông thái hơn. Chúng ta có đủ thứ ý, nhưng tất cả đều là muốn trở thành, vì ta không bằng lòng với cái ta đang có. Thường ta cũng chẳng quan tâm hiện tại ta là gì, chỉ lo cái ta thiếu sót. Thay vì cố gắng tìm hiểu ta là gì, quán xét xem vấn đề thực sự nằm ở đâu, ta chỉ lo mong ước được là một cái gì khác. Rồi khi ta có được cái gì khác hay trở thành người khác, ta lại thất vọng như trước đó thôi. Thí dụ, nếu ta từng sống ở thành phố, có thể chúng ta muốn dọn về thôn quê, vui thú điền viên. Chúng ta sẽ vui vẻ được một khỏang thời gian. Rồi khi cái mới mẻ đã qua đi, ta lại trở về phố thị, tìm công việc trong các công sở, rồi lại sinh chán nản. Hữu không bao giờ có thể thỏa mãn chúng ta.

Giải pháp là quay về quán sát nội tâm, xem ta thực sự là ai. Khi đã quán sát thật thấu đáo, ta sẽ thấy rằng vấn đề ta trở thành gì không quan trọng; căn bản là ta vẫn như cũ. Ta sẽ hiểu rằng bản chất chúng ta là gì không bao giờ thay đổi, vì nó hoàn toàn khác hẳn với những gì ta nghĩ là mình.

Hữu là vấn đề đầy khó khăn vì nó với tới những cái mà ta có thể hay không có thể thực hiện được. Nó hàm chứa ý muốn thoát khỏi cái ta hiện có, hiện là, để với tới những gì ta muốn trong tương lai. Hành động nầy không đem lại chút an tịnh nào cho ta, trái lại nó đầy những bất an. Bức hình tượng trưng cho hữu thường vẽ một phụ nữ mang thai, với thai nhi lớn dần trong bụng, vì đó là cái trở thành tối hậu. Vì ta không nhận thức được sự phù phiếm, trống trỗng của những gì ta đã thực hiện, của cuộc đời nầy, ta ao ước có mặt trở lại.

Chúng ta muốn có mặt ở nơi nầy. Ta không muốn đầu hàng. Ta mong muốn được trở thành cái gì đó, và chính lòng mong cầu nầy khiến ta tái sinh. Lần nữa, ta có thể so sánh tương tự như được tái sinh mỗi sáng. Những hình ảnh liên hệ là hình em bé mới sinh, hay em bé được cõng trên lưng, được dìu dắt.

Bức hình tiếp theo thường là một người già, lưng mang túi xương khô, tượng trưng cho cái Chết. Một hàng chữ được viết dưới bức tranh, “Và tất cả mọi cái khỗ đã phát sinh như thế”. Từ vô minh, qua thủ, hữu, qua sinh. Qua đây ta cũng phần nào hiểu tại sao cuộc đời ta lại như thế nầy, thế nọ. Chính lòng ham muốn hay chán ghét của ta châm ngòi cho tất cả. Lòng ham muốn càng mãnh liệt, kinh nghiệm càng đớn đau.

THAM VẤN

Thiền Sinh (TS): Thưa Ni Sư, ngã tưởng đóng vai trò gì trong việc tạo ra nghiệp thiện của ta?

AYYA KHEMA (AK): Khi nào còn ngã tưởng, ta còn tham ái. Không thể khác. Vì thế khi còn có ngã tưởng, thì cách duy nhất là chọn lựa, hành động một cách khôn ngoan, dầu rằng tất cả mọi chọn lựa cũng là ‘tham ái’. Chỉ có các bậc A-la-hán (arahant), các bậc hoàn toàn giác ngộ, thấu triệt tánh không, mới không còn tạo nghiệp. Riêng đối với chúng ta, cần phân biệt giữa những chọn lựa khôn ngoan và dại khờ, để có thể tạo các nghiệp lành. Dĩ nhiên điều đó liên quan đến lòng ham muốn của ta, là hướng đi của đời ta. Cách thoát được ra khỏi tất cả mọi khổ đau (dukkha) là không phản ứng. Không nhất thiết chỉ là hành động của ta, mà đúng hơn là buông bỏ những phản ứng đã hình thành qua bao nhiêu kiếp.

TS: Khi quán tưởng, ta có thể tự nhủ rằng mình sẽ chết, nhưng Ni sư bảo rằng, ta phải sống theo tinh thần đó. Mong Ni sư giảng rõ hơn?

AK:Đó là một trong năm điều quán tưởng hằng ngày. Đức Phật nhắc nhở rằng mỗi người chúng ta hằng ngày phải tự nhớ rằng ta không sống mãi ở cõi trần. Giống như các vai phụ diễn, có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Ta không thể biết khi nào. Ta luôn nghĩ mình sẽ sống đến bảy mươi lăm hay tám mươi tuổi, nhưng ai biết được? Nếu chúng ta nhớ rằng cuộc sống mỗi ngày đầy bất trắc, ta sẽ quý trọng từng giây phút sống, mà không quá quan tâm đến tương lai. Hiện tại là thời gian ta cần tiến tu trên con đường tâm linh. Nếu ta nhớ được như thế, ta cũng đối xử với người chung quanh khác đi. Họ cũng có thể ra đi bất cứ lúc nào, và dĩ nhiên là ta không muốn điều đó xảy ra, khi ta đang oán ghét họ. Khi nhớ được như thế, sự thực hành của ta an trú trong từng giây phút hiện tại, sự hành thiền của ta sẽ tốt hơn vì đằng sau đó đều có sự thôi thúc khẩn cấp. Ta phải hành động ngay. Ta chỉ biết được hơi thở nầy, không biết cái kế tiếp.

TS: Khi hành thiền, tôi cảm thấy khó sống cuộc đời thường, hoà hợp với bạn bè.

AK:Sự thật thì hành thiền cũng bình thường thôi. Các vị tu thiền có câu nói rất hay: “Không có gì đặc biệt”. Khi hành giả tiếp tục hành thiền, cố gắng thanh tịnh hóa tình cảm, hành động của mình, thì hành giả sẽ thấy dễ hoà hợp với người khác hơn, và thường xem các xung đột, bất đồng là một cơ hội giúp ta thực hành lòng từ bi. Hành giả càng nhận thấy rõ những khổ đau của chính mình, biết chấp nhận chính những dằn vặt đấu tranh của mình, thì càng dễ nhìn ra được nỗi khổ của người và dễ cảm thông, thương xót họ.

TS: Làm thế nào để buông bỏ cảm giác đau khi ngồi thiền, thưa Ni Sư?

AK: Buông xả là trạng thái tâm có thể giúp ta buông xả mọi phản kháng nơi thân, làm giảm cơn đau. Lúc đầu đó chỉ là tạm thời. Đau đớn, khó chịu sẽ lại phát khởi, nhưng đừng để chúng chế ngự ta. Như thế không giúp ích gì cho việc hành thiền cả. Vấn đề còn lại là chuyển đổi thế ngồi. Chỉ có mình tự biết sức mình, để có thể chịu đựng hơn chút nữa. Tự thắng mình không dễ, nhưng cũng là một kinh nghiệm tốt nếu ta có thể buông xả một cảm giác khó chịu bằng cách hướng tâm đến một cái gì khác. Lúc đó cảm giác khó chịu sẽ không có mặt trong tâm thức của ta. Đó là cơ hội để đạt được nội tâm sáng suốt vì ta biết rõ ta có thể hướng tâm về đâu.

TS: Thưa Ni Sư, có phải xuất gia trở thành ni hay tăng, dễ hướng đến cuộc sống tâm linh hơn là sống đời thế tục?

AK: Cũng khó nói lắm, vì có người đã từng tu tập trong nhiều kiếp quá khứ. Nếu muốn theo đuổi cuộc sống tâm linh, không phải chỉ dựa vào hành thiền, ngồi im lặng trên tọa cụ, tránh xa mọi thứ mà thôi. Đời sống tâm linh ở ngay trong cuộc sống thế tục. Vấn đề không phải là ta làm gì, mà là cách ta làm như thế nào. Có người sống ở tu viện, ngồi thiền sáng chiều, nhưng thực sự không hướng về tâm linh. Điều đó tùy thuộc vào cách ta hành động, ứng xửû trong mỗi hòan cảnh –tùy thuộc vào ta biết xem các vấn đề như một cơ hội, để không nổi sân, không lo âu, sợ hãi, tị hiềm, mà là biết chấp nhận mọi hòan cảnh như một cơ hội để ta tu tập, học hỏi từng ngày, từng giây phút sống. Càng ở trong thế gian, chúng ta càng có nhiều va chạm, khiến ta phải phiền não. Nhưng ta phải tu tập chuyển hoá các phiền não thành tình thương yêu, lòng bi từ mẫn, đó là sự thanh tịnh hóa cuộc sống hằng ngày của ta. Bất cứ là ở đâu, ta cũng có thể áp dụng phương pháp nầy. Tu ở chỗ đông người tốt hơn là ngồi một mình trong hang vắng.

TS: Thưa Ni Sư, điều gì khiến người ta quyết định xuất gia?

AK:Điều đó xảy ra một cách tự nhiên thôi. Nếu không như thế, có thể là một quyết định sai. Không dễ nhận thấy đâu. Ta có thể so sánh với việc quyết định kết hôn hay không. Người ta đã quyết định như thế nào? Tôi không biết. Khi nào điều đó trở thành việc nên làm trong cuộc đời ta, thì đó là bước kế tiếp mà ta phải chọn.

TS: Thưa Ni Sư, có thể so sánh kinh nghiệm khi ta cảm thấy là một (oneness) với Giác ngộ không?

AK:Không, tuyệt đối không phải. Cảm giác trọn vẹn, viên mãn có thể chỉ là một tầng định nào đó, nhưng tuyệt đối không phải là giác ngộ. Dầu bạn là một với cái gì đó, bạn vẫn phải còn có mặt ở đó, như thế chưa thể là tuyệt đối. Niết bàn (nibbana) cũng là một định luật tự nhiên. Tuy nhiên có lẽ không nên bàn cãi một vấn đề hãy còn quá mơ hồ ở thời điểm nầy, nhưng chúng ta có thể khẳng định một điều: cả hai trạng thái giác ngộ hay chưa giác ngộ đều do ở tâm ta. Không có gì cần được giác ngộ, ngoại trừ tâm ta. Cả hai trạng thái tâm đều là các định luật tự nhiên, vì cả hai đều có mặt. Trạng thái tâm vô minh, chưa giải thoát, là trạng thái tâm thức còn bị những ái dục thầm kín che đậy tâm thanh tịnh bẩm sinh của ta. Khi ta hoàn toàn có thể diệt bỏ tất cả các nhiễm ô, cấu uế, thì giác ngộ sẽ hiển hiện trong tâm. Cả hai trạng thái đều có thể được tìm thấy ở cùng một nơi, trong tâm ta, chỉ có điều là ta thiếu trí tuệ để nhận ra điều ấy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]