Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

PHẦN III: PHẬT GIÁO TRUYỀN ĐẾN CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

03/10/201007:06(Xem: 6068)
PHẦN III: PHẬT GIÁO TRUYỀN ĐẾN CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

PHẦN III: PHẬT GIÁO TRUYỀN ĐẾN CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

1. Phật Giáo làm thế nào được tồn tại và phát triển một cách nhanh chóng trong vòng 500 năm sau Phật nhập diệt?

- Nhờ đức độ và khả năng hoằng đạo của Tăng Ni.

- Nhờ hàng cư sĩ dốc tâm hộ trì chánh pháp.

- Nhờ vua A Dục và vua Kanishka tận lực phụng sự đạo pháp. Vua A Dục xem Phật Giáo là quốc giáo, triệu tập Đại Hội Kết Tập Lần Thứ Ba. Vua gửi nhiều phái đoàn truyền giáo đi khắp Ấn Độ, đến A Phú Hãn, Ai Cập, Hy Lạp, Đông Âu, Tích Lan, Miến Điện. Vua Kanishka hỗ trợ Phật Giáo Đại Thừa, triệu tập Đại Hội Kết Tập Lần Thứ Tư, phổ biến kinh sách Đại Thừa, bắt đầu truyền thống đắp hình tượng Phật, Bồ Tát chịu ảnh hưởng nghệ thuật Hy Lạp. Vua gửi phái đoàn Phật Giáo đến hoằng hóa tại Trung Quốc, Tây Tạng, Miến Điện.

- Nhờ các nhà hoằng truyền đạo pháp biết sử dụng đạo lý “khế lý, khế cơ”.

2. Trong đà phát triển, bành trướng Phật Giáo, vai trò của hàng Tăng Ni như thế nào?

- Từ thời Phật còn tại thế, Ngài đã gởi 60 vị tăng, đệ tử đầu tiên của Phật đi khắp nơi hoằng hóa. Tăng Già Phật Giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển Phật Giáo, không những tại Ấn Độ mà cả nước ngoài. Trong hai thế kỷ đầu, hoạt động hoằng pháp chỉ giới hạn trong nước Ấn Độ nhưng đến thời vua A Dục, thời vua Kanishka, hoạt động hoằng pháp bành trướng mạnh.

- Không bị gánh nặng gia đình ràng buộc, Tăng Ni Phật Giáo là những cán bộ hoằng pháp thoát ly, lưu động. Lời dặn dò của Phật khi gửi phái đoàn truyền giáo đầu tiền là phải mạnh dạn tiến lên, tiến lên không dừng nghỉ. Đại Thừa Phật Giáo nhấn mạnh vai trò độ tha, thực hành hạnh nguyện Bồ Tát làm chất xúc tác cho sự nghiệp hoằng pháp. Tập thể Tăng Già, Nam Tông cũng như Bắc Tông đi đến quốc gia nào cũng hòa đồng với văn hóa bản xứ, phong phú hóa văn hóa dân tộc, tạo nhiều phương thức hoằng truyền khác biệt, nhưng vẫn giữ được đặc tính Tăng Già, một cơ chế cộng đồng Tăng sĩ lâu đời nhất.

- Sau khi cộng đồng Tăng Già đã được hình thành, có nền tảng vững chắc tại Trung Quốc, Tây Tạng, chư tăng ni xuất ngoại, đến Ấn Độ sưu tầm nguyên bản Tam Tạng, nghiên cứu học hỏi chữ Pali, Sanscrit. Chư Tăng Thái Lan, Miến Điện đến Tích Lan, chư tăng ni Đại Hàn, Nhật Bản đến Trung Quốc nghiên cứu học hỏi. Những cuộc Nhập Trúc Cầu Pháp (đến Ấn Độ), nhập Hoa Cầu Pháp (đến Trung Quốc) hay Nhập Đảo Cầu Pháp (đến đảo Tích Lan) này không những đem lại kết quả khám phá nguồn gốc tín ngưỡng, thông hiểu Phật lý mà còn tạo nên những học phái về nghệ thuật hội họa, điêu khắc thể hiện cảm hứng thành khẩn, thuần khiết của chư tăng ni và hàng Phật tử.

- Tăng Ni là mạng mạch của Phật Giáo, là nền tảng liên tục trong những giai đoạn sóng gió thời đại. Cộng đồng Tăng Già là thư viện sống nơi tăng ni thường ngày đọc tụng kinh chú.

- Tổ chức tự viện là nơi bảo toàn kinh sách, nơi nương tựa tinh thần. Tăng Ni được huấn luyện cách viết chữ, san sẻ trách nhiệm hiệu đính, phát hành kinh sách. Tự viện là trung tâm văn hóa giáo dục, là kho tàng văn hóa, nghệ thuật.

3. Tại Trung Quốc và các nước khác, Phật Giáo dựa vào thế lực nào để bành trướng?

- Giống như Ấn Độ, sự phát triển của Phật Giáo dựa vào nhiều thành phần xã hội: hàng Tăng Sĩ với khả năng và đạo lực truyền thừa, hàng trí thức, quân vương, đại thần, trưởng giả, phú hộ, và quảng đại quần chúng.

- Lúc đầu dựa vào khả năng và đạo lực của hàng Tăng Ni cùng thành phần trí thức, qua công tác phiên dịch kinh sách như ta thấy tại Trung Quốc từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ tư và trên một trăm năm lại đây tại Âu, Mỹ. Các nước khác cũng tương tự như vậy. Tiếp đến là thành phần quan quyền, phú hộ và cuối cùng là quảng đại quần chúng.

- Được sự hỗ trợ của hàng quốc vương, đại thần phú hộ, Phật Giáo mới có phương tiện bành trướng phát triển nhanh chóng, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của dân chúng thì số lượng chư tăng đông đải của Phật làm sao có thể sinh sống, mặc dù đời sống của chư tăng rất đơn sơ, đạm bạc.

- Hiện nay tại Thái Lan có gần 300,000 vị Tăng sống bằng hạnh khất thực, nếu quần chúng không cúng dường, làm sao chư Tăng Thái Lan có phương tiện tiếp tục đời sống tu hành.

- Tại Ấn Độ, vua A Dục, vua Kanishka là những vị hộ đạo tích cực. Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Đại Hàn, Nhật Bản, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Lào, Việt Nam, v.v.. trước đây có thời lấy Phật Giáo làm quốc giáo, mời chư tăng làm quốc sư, Tăng Thống, nói lên lòng ngưỡng mộ đối với Phật Giáo và đó là thời vàng son của Phật Giáo.

- Tại Java, triều đại Shailendra (778-864) là triều đại hộ pháp đắc lực nhất ở Nam Dương, với ngôi bảo tháp lừng danh thế giới, tháp Barabudur. Nhờ tinh thần hộ pháp của vua quan Nam Dương, Đại Thừa Phật Giáo bành trướng mạnh khắp Nam Dương, Mã Lai, Phù Nam, Chiêm Thành, Chân Lạp.

- Tại Cao Miên, vua Jayavarman VII (cầm quyền 1181-1215), người có công xây dựng Angkor Wat, Angkor Thom, người được dân chúng tôn xưng là hiện thân của vị Bồ Tát là một Phật tử hộ đạo, truyền bá Phật Giáo Đại Thừa. Vài thí dụ trên để nói công lao của các bậc quốc vương với Phật Giáo không ít.

- Nhưng nếu chỉ dựa vào thượng tầng (trí thức, chính quyền) mà không xây dựng hạ tầng (tín ngưỡng nhân gian) không trường xuyên kiện toàn, chỉnh đốn nội bộ, về cơ cấu cũng như nhân sự, không biết cách đối ngoại, sống trong ốc đảo, Phật Giáo chắc chắn gặp sóng gió như ta thấy Phật Giáo Ấn Độ sau Kanishka. Từ năm 756 đến năm 1150 Phật giáo chỉ liên hệ với triều đại Pala cai trị vùng đông bắc Ấn Độ, căn cứ địa của Phật Giáo Mật Tông và sau khi quân Hồi xâm chiếm Ấn Độ, Phật Giáo không còn chân đứng ở Ấn Độ đất Phật. Bài học lịch sử này tiếp diễn tại nhiều nơi, tại Trung Ấn Độ, Nam Ấn Độ, Đông Bắc Ấn Độ, A Phú Hãn, Trung Á, Nam Dương, Trung Quốc, v.v…

4. Phật Giáo Ấn Độ - Vị vua nào ủng hộ Phật Giáo,vị vua nào bức hại Phật Giáo?

- Ủng hộ Phật Giáo có những vị vua chính như A Dục thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên, Kanishka đầu thế kỷ thứ hai sau kỷ nguyên, vua Dharmapàla (Pháp Hộ) thế kỷ thứ VIII dựng ngôi đại tự Vikramasilà, đạo tràng Mật Giáo nơi đào tạo nhiều danh tăng Mật giáo.

- Những vị vua bách hại Phật Giáo Ấn Độ đáng kể là vua Pusyamitra, triều đại Sunga vào thế kỷ thứ hai trước kỷ nguyên. Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII, tây bắc Ấn Độ, rồi trung Ấn Độ, rồi toàn thể Ấn Độ dưới quyền cai trị của Hồi Giáo, Phật Giáo bị bức hại nặng nề.

5. Phật giáo truyến đến nước nào đầu tiên? Và sau đó là những nước nào?

- Sau khi Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, vào ngày cuối cùng của tuần thứ bảy trước khi Phật quyết định giảng truyền đạo pháp, Ngài thọ nhận đề hồ (sữa đặc) do hai thương gia Tapussa và Bhalluka người A Phú Hãn cúng dường. hai thương gia này về sau xuất gia theo Phật, trở về nước hoằng truyền chánh pháp. Nước A Phú Hãn là nước đầu tiên được hưởng giáo nghĩa Phật.

- Sau kỳ Đại Hội Kết Tập Lần Thứ Ba dưới triều vua A Dục, đại sư Moggaliputta, dưới sự bảo trợ của vua A Dục gửi 9 phái đoàn Phật Giáo đi chín nước để hoằng truyền chánh pháp. Sáu nước đầu hiện nay thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Phái đoàn thứ bảy do Majjhima lãnh đạo đến vùng Hy Mã Lạp Sơn, bây giờ là Népal. Phái đoàn thứ tám do đại sư Sona và Uttara đến vùng Kim Địa, trong đó có Trung Ấn và Miến Điện. Phái đoàn thứ chin do đại sư Mahinda đến Tích Lan.

6. Cho em biết về phái đoàn Phật Giáo đến Tích Lan vào thời vua A Dục.

- Đại đức Mahinda con vua A Dục, thừa lệnh đại sư Moggaliputta đến Tích Lan hoằng hóa. Sau khi Phật Giáo được truyền đến Tích Lan, xứ này trờ thành trung tâm của Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, và sau khi Thượng Tọa Bộ không còn thịnh hành tại Ấn độ, Tích Lan đã đóng vai trò chính yếu trong sứ mạng truyền thừa Phật Giáo Nam Tông vùng Đông Nam Á.

- Đại đức Mahinda không những đem Phật Giáo mà cả văn hóa Phật Giáo, nhánh cây Bồ Đề từ Bồ Đề đạo Tràng, bình bát của Phật và Tam Tạng kinh điển đến Tích Lan. Vua Devàmnampiyatissa vui mừng đón nhận, xây tu viện Mahavihàra tại Anuràdhapura, thủ đô Tích Lan thời bấy giờ, để đại đức cư trú, xem Phật Giáo là quốc giáo.

- Sau Đại Đức Mahinda là ni sư Sanghamitta (Tăng Già Mật Đa), con gái vua A Dục, em gái Đại đức Mahinda, đến Tích Lan hoằng đạo, đem theo ngành cây Bồ Đề từ nơi Phật thành đạo đến trồng tại Tích Lan.

7. Tích Lan cũng có Đại Thừa Phật Giáo và Kim Cang Thừa?

- Vào thế kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên Đại Thừa Phật Giáo truyền đến Tích Lan. Năm 29 trước kỷ nguyên vua Vattagànani-Abhaya xây dựng chùa Abbhayagirivihàra (Chùa Phật Giáo Đại Thừa).

- Vào thế kỷ thứ tư vua Mahàsena (3340362) vua bảo trợ nhà sư Đại Thừa Sanghamitta từ Ấn Độ đến, xây chùa Jetavanàràma cho đại sư cư trú.

- Giáo phái Vajiriyavàda (Kim Cang Thừa) được truyền vào Tích Lan vào thời vua Sena I (831-851).

- Như vậy ta thấy ba giáo phái Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa đều hoạt động song hành tại Tích Lan từ thế kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên đến thế kỷ thứ 10 sau kỷ nguyên. Sau thế kỷ thứ 10, chỉ có giáo phái Theravada, giáo phái xưa nhất, tồn tại và phát triển cho đến bây giờ.

- Từ thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên đến thế kỷ thứ 16 sau kỷ nguyên Phật Giáo Tích Lan được các quốc vương hết lòng hỗ trợ, phát triển mạnh, làm nền tảng văn hóa, tôn giáo cho dân chúng Tích Lan.

8. Quốc vương Tích Lan nào ủng hộ Phật Giáo, quốc vương nào chống đối, bức hại Phật Giáo?

- Trong số những quốc vương Tích Lan hộ đạo đáng kể nhất là vua Devanampiya Tissa thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên, vua Vatthagàmani-Abhaya, thế kỷ I trước kỷ nguyên, vua Gotabhaya, đầu thế kỷ thứ III, vua Vijayakhahu thế kỷ thứ XI, vua Parakhama-bhàhu thế kỷ thứ XII.

- Trong số những quốc vương bức hại Phật giáo đáng kể là các vua người Tamil từ Ấn Độ xâm chiếm Tích Lan vào thế kỷ thứ XI. Từ thế kỷ thứ XVI trở đi Phật Giáo Tích Lan bị người Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh Cát Lợi cai trị, kỳ thị, bức hại cho đến năm 1948 Tích Lan dành lại độc lập, Phật Giáo mới được phục hưng.

9. Phái đoàn thứ tám do hai đại đức Sona và Uttara đến Miến Điện như thế nào?

- Bia ký Kalyàni (IA XXII tr. 151) gọi Ràmanadesa hay Hạ Miến là Suvannabhùmi, Kim Địa, nơi có nhiều vàng, là một trung tâm thương mại quan trọng mà dân Ấn Độ đã quen thuộc từ lâu. Các tác phẩm Trung Hoa, Hy Lạp, La Tinh, Ả Rập cũng nói đến Kim Địa. Hiện nay tại Hạ Miến, Kim Địa vẫn chưa có bằng chứng khảo cổ để chứng minh Phật Giáo đã đến vùng đất này vào thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên, nhưng rất nhiều chứng tích từ thế kỷ thứ năm.

- Theo Đảo Sử (Dipavamsa) của Tích Lan, Phật Giáo được truyền đến Kim Địa, vùng đông nam Miến Điện đến tây bắc Mã Lai vào thế kỷ thứ III trước kỷ nguyên.

10. Niên đại Phật Giáo truyền đến Miến Điện theo các sử liệu khác ghi như thế nào?

- Theo sử liệu Buddhaghosa, tác giả bộ Visudhimagga (Thanh Tịnh Đạo Luận), phiên dịch nhiều Luận Sớ Tích Lan ra tiếng Pali, đã từ Miến Điện đến Tích Lan, sau trở về Miến Điện hoằng hóa và dịch cuốn văn phạm Pali ra tiếng Miến Điện vào cuối thế kỷ thứ tư, đầu thế kỷ thứ năm.

- Ngài Nghĩa Tịnh (I-tsing) sau 25 năm (671-695) chiêm bái thánh tích và nghiên cứu Phật lý tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, thuật lại là dân xứ Shih-li Chatala sùng kính Tam Bảo, có 4 giáo phái Phật Giáo. Shihi-li Chatalo chính là Sirikhetta hay Prome, Trung Miến. Không những tài liệu của Ngài Nghĩa Tịnh mà sử liệu đời Đường cũng đề cập đến tình trạng Phật Giáo tại Prome.

- Đường Thư viết vương quốc P’iao (Pyu) có 18 chư hầu ở Nam Miến và thủ phủ của P’iao là Shih-li Chatalo (Prome). Khi vua xứ P’iao du hành, vua ngồi trên kiệu thếp vàng, nếu đi xa ngồi trên lưng voi… Tường thành chu vi 160 lí, xây bằng gạch tráng men xanh, mỗi góc thành có 3 cổng và một ngôi chùa… lúc lên bảy, con trai vào chùa thế phát, xuất gia. Nếu đến 20 tuổi mà không tinh thông Phật lý, họ được trở về đời sống thế tục… Điều này chứng tỏ Phật Giáo rất hưng thịnh vào thế kỷ thứ tám và thứ chin và truyền thống xuất gia của dân chúng xứ này bắt đầu từ thời kỳ này.

11. Cho em biết về sự thịnh suy của Phật Giáo Miến Điện.

- Theo truyền thống Miến Điện, dưới triều đại Pagan, Phật Giáo rất thịnh hành với hàng nghìn ngôi tự viện, bảo tháp được xây ở Thượng Miến từ thế kỷ thứ hai.

- Giáo phái Sìhala Sangha (Tích Lan) được thành lập năm 1181 rất có ảnh hưởng tại Miến Điện.

- Pali là ngôn ngữ ngoại giao giữa Tích Lan và Miến Điện.

- Những ngôi chùa đồ sộ như Gawdawpalin, Sulamani, Dhammayazaka, Mimalingkyaung, Chaukpala v.v… được quốc vương Miến xây dựng.

- Phật giáo Đại Thừa và Mật thừa cũng được truyền đến Pagan trước khi vua Anurudha mang Phật Giáo Nam Tông từ Thaton đến Hạ Miến vào thế kỷ thứ 11.

- Pagan suy thoái vào cuối thế kỷ thứ 13 sau khi bị quân Mông Cổ tiến chiếm năm 1287.

- Trước khi Phật Giáo Nam Tông được thành lập tại Pagan ở Thượng Miến vào giữa thế kỷ thứ 17, Mật Giáo đã phổ cập ở vùng này, được truyền thừa từ Pàla, Bengal, Ấn Độ. Trong khi đó Hạ Miến dưới quyền cai trị của dân Mon, Phật Giáo Nam Tông phát triển. Vào giữa thế kỷ thứ 17, vua Anurudha thống nhất Miến Điện, thiết lập hệ thống Phật Giáo Nam Tông tại Thượng Miến, biến nước Miến Điện từ Thượng đến Hạ Miến đều theo Phật giáo Nam Tông.

- Phật Giáo Miến Điện được các quốc vương Miến thời Pagan (1043-1069) suốt 240 năm, thời Pegu suốt 200 năm thời Alaungpaya suốt 130 năm tích cực bảo trợ.

- Năm 1475 vua Dhamanacetu sai sứ thần đến Tích Lan thỉnh chư tăng chùa Mahàvihàra đến Miến Điện truyền giới vì Phật Giáo đã bị quân Nguyên (Mông Cổ) bức hại nặng nề khi chúng xâm chiếm Pagan.

- Phật Giáo Miến Điện có nhiều đặc điểm đáng chú ý: 1/ Tổ chức Kết Tập Tam Tạng Lần thứ V tại Mandalay, Kết Tập Đại Tạng Lần Thứ VI tại Rangoon 2/ Xây cất chùa tháp, hàng nghìn hàng vạn ngôi chùa tại Pagan, Pegu 3/Phong tục con trai xuất gia hành đạo 4/ Tăng sĩ là các bậc chỉ đạo tinh thần của dân. Mỗi chùa là một trường học. 5/ Chư tăng chú trọng công tác xã hội.

- Miến Điện bị Anh Quốc cai trị kể từ năm 1885 cho đến 1948. Ông U Nu, thủ tướng đầu tiên của Miến Điện sau khi dành lại chủ quyền năm 1948 là một Phật tử thuần thành, muốn lấy Phật Giáo làm quốc giáo nhưng không thành.

12. Còn về Thái Lan? Cho em biết sơ qua về sự hình thành quốc gia Thái.

- Trước sự dồn ép không ngừng của người Hán từ lưu vực sông Hoàng Hà khiến cho sắc dân Thái và các sắc tộc khác phải di chuyển xuống miền Nam, thành lập nước Nam Chiếu, nhưng rồi từ năm 902 đến 1253 quân Thành Cát Tư Hãn tiến chiếm, các sắc dân Nam Chiếu dần dần bị Hán Hóa, ngoại trừ một số dân Shans, gọi là Đại Thái di chuyển xuống miền Nam đến định cư dọc theo song Salween, cao nguyên Miến Điện, một số dân khác gọi là Tiểu Thái đến định cư dọc theo lưu vực sông Menam, bắc Thái Lan.

- Năm 550 Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính, mở đầu cho đế quốc Khmer bành trướng.Miền trung lưu vực sông Menam bỏ ngõ, dân Mon đến trấn cư, thành lập vương quốc Dvaravati, đóng đô ở Nakhon Phatom. Đến năm 1007 Dvaravati sáp nhập vào đế quốc Khmer.

- Năm 654 vương quốc Haripunjaya do công chúa Chamadevi người Mon cai trị, chồng của bà sau xuất gia tu Phật. Năm 1283 Haripanjaya (Lamphun) trở thành chư hầu của đế quốc Khmer.

- Sắc dân Thái từ nam Trung Quốc di chuyển xuống thượng lưu sông Menam, cuối cùng thành lập vương quốc tại Chieng Saen, chẳng bao lâu thần phục đế quốc Khmer cho đến năm 1098 mới dành được chủ quyền, nhưng rồi một lần nữa lại bị đế quốc Khmer cai trị cho đến năm 1238 khi hai thủ lãnh người Thái Khun Bang Klang Tao và Khun Pa Muang hợp lực đánh đuổi quân Khmer ra khỏi Sukhothai, thủ phủ miền bắc của đế quốc Khmer.

- Khun Bang Klang Tao lên làm vua, đế hiệu Sri Intratit, đặt quốc hiệu là Sukhothai, đóng đô tại Sukhothai. Vương quốc Sukhothai (1238-1406) trở nên thanh thế sau khi chinh phục vương quốc Haripunjaya gọi là Lannatai, thị quốc Payao ở miền bắc, thị quốc Choi ở miền tây thành lập triều đại Pra Ruang, năm 1238, triều đại lịch sử đầu tiên của Thái Lan.

13. Phật Giáo đến Thái Lan vào thời đại nào? Và sự thăng trầm của Phật Giáo và quốc gia Thái như thế nào?

- Theo truyền thuyết vào thời kỳ vua A Dục. Theo sử liệu sắc dân Thái đã theo Phật Giáo khi họ đến Sukhothai. Lúc đầu họ theo Đại Thừa về sau nhờ Miến Điện và liên hệ chặt chẽ với Tích Lan, họ theo Phật Giáo Nguyên Thỉ và duy trì truyền thống này cho đến bây giờ.

- Năm 1361 vua Suriyavamsa Rama sai sứ thần đến Tích Lan thỉnh mời tăng chúng chùa Mahàvihàra đến Thái Lan truyền giới.

- Năm 1371 Sukhothai bị vương quốc Ayutthaya tấn công. Sau 6 năm chiến tranh, Sukhothai đầu hàng Ayutthaya, chấm dứt nền độc lập 140 năm.

- Năm 1569 Ayutthaya lọt vào tay quân Miến Điện. Cung điện nhà vua bị quân đội Miến cướp pháp, chùa tháp bị thiệt hại nặng nề.

- Ngày 25 tháng Giêng năm 1593 thái tử Naresuan giết chết đông cung Thái Tử Miến Điện trên lưng voi trong trận chiến thư hùng, dành lại chủ quyền và Ayutthaya vững mạnh trong khoảng thời gian 173 năm.

- Ngày 7 tháng 4 năm 1767 Ayutthaya lại lọt vào tay Miến Điện, vương triều Ayutthaya (1407-1767) diệt vong. Phật Giáo trong thời gian này bị suy vi.

- Năm 1782 tướng Phya Tak, cha người Việt gốc Hoa, mẹ người Thái nổi lên đánh đuổi quân Miến ra khỏi nước lên làm vua, lập vương triều Chakrit, đế hiệu là Ramatibodhi (Rama I). Vương triều này hiện còn cai trị Thái Lan trong thể chế Quân Chủ Lập Hiến.

14. Phật Giáo Thái Lan có những đặc điểm gì?

- Các vị vua xuất gia. Bắt đầu là vua Lithai (Tammaraja I Lithai, 1347) triều đại Sukhothai. Về sau các vua thuộc triều đại Ayuthayua và triều đại Chakri cũng duy trì tập quán này.

- Khi lên ngôi, vua Thái đều tuân hành 10 điều răn của Phật dành cho hàng vua chúa là phóng khoáng, đạo hạnh, từ tâm, không thù hận, bố thí, nhẫn nhục, chính trực, khoan hồng, phụng sự và tha thứ.

- Cửa Phật là nơi thiêng liêng, dung chứa những vị vua, hoàng tử, nhiếp chánh vương thất thế xuất gia, không bị ám hại.

- Tập quán xuất gia cho hàng thanh niên Thái bắt đầu từ thời vua Baromakot (1733-1758). Vua chỉ phong tước hàm quý tộc cho những ai đã xuất gia.

- Đại Tạng Pali viết bằng chữ Thái được ấn hành đầu tiên tại Thái Lan năm 1894.

- Vua Thái Lan phải là người theo Phật Giáo. Nghi lễ cung đình và công cộng đều theo nghi thức Phật Giáo.

- Thái Lan không có ni chúng.

- Chức vị Tăng Thống do vua Rama I sắc phong, mở đầu sự liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền và Giáo Hội Tăng Già Thái Lan.

- Vua Rama IV hay Mongkut khi đi tu là nguời hoàng phái đầu tiên tốt nghiệp cao đẳng Phật học, thành lập giáo phái Tammayut, một trong hai giáo phái của Phật Giáo Thái Lan.

- Tổ chức Tăng Già Thái Lan rất chặt chẽ, được chính quyền tích cực yểm trợ. Thư ký của Hội Đồng Trưởng lão, Giáo hội Tăng Giá Thái Lan là Tổng Giám Đốc Nha Tôn Giáo trong Bộ Giáo Dục. Nhân viên Tổng Nha Tôn Giáo là nhân viên hành chánh của Hội Đồng Trưởng Lão, Ngân sách điều hành Hội Đồng Trưởng Lão do Tổng Nha tôn giáo đài thọ.

- Mọi phẩm trật cho hàng Tăng Sĩ, theo lời đề nghị của Tăng Thống, đều do vua ban.

- Nhà sư không có quyền bỏ phiếu. Nhà sư không có quyền tham gia chính trị, không được phép ủng hộ đảng phái chính trị hay nhân vật chính trị nào, không được chia bè kết phái làm phân hóa nội bộ Tăng Già.

15. Em muốn biết sơ qua về Phật Giáo Cao Miên.

- Chúng ta không được rõ sắc dân gì đã sinh sống tại Cao Miên thời cổ đại từ 4,000 năm trước, họ nói tiếng gì, cho đến khi chữ viết bắt đầu vào thế kỷ thứ III dùng mẫu tự Ấn Độ.

- Theo truyền thuyết một người Bà La Môn danh hiệu Kaundinya tay cầm nỏ thần xuất hiện ở duyên hải Cao Mên, công chúa gốc rồng đi thuyền ra biển đón vị Bà La Môn ấy. Hai người lấy nhau, lấy quốc hiệu là Kambuja (từ tên Kaundinya Ấn Độ).

- Dựa vào sử Trung Quốc, Cao Miên vào thế kỷ III trước kỷ nguyên quốc hiệu là Phnom Bhnam (Phù Nam) chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.

- Phật Giáo truyền đến Cao Mên vào thế kỷ thứ V. Đầu thế kỷ thứ VI Ngài Mandra (Mạn Trà La) và Sanghavarman (TĂng Già Ba Đề) từ Ấn Độ đến Trung Quốc lưu lại Cao Mên một thời gian, phiên dịch kinh điển Đại, Tiểu Thừa.

- Cuối thế kỷ thứ VI, nước Phù Nam đổi thành Chân Lạp. Tới thế kỷ thứ VIII, Chân Lạp chia thành hai là Lục Chân Lạp ở phía bắc và Thuỷ Chân Lạp ở phía nam. Đầu thế kỷ thứ IX, Chân Lạp thống nhất hai miền, mở đầu cho đế quốc Khmer hùng hậu.

- Từ thế kỷ thứ X đến XIII dưới thời vua Jayavarman II, Angkor Wat và Angkor Thom được xây dựng.

- Từ thế kỷ thứ XIII trở đi Chân Lạp suy yếu, các sắc dân Thái đánh chiếm Angkor.Cuối thế kỷ XVI vương triều Chân Lạp dần dần suy thoái.

- Vào thời Phù Nam Phật Giáo hưng thịnh. Vào thời Chân Lạp đế quốc Khmer bành trướng.

- Vào thời Jayavarman VII (lên ngôi năm 1181), một trong những thời vàng son của Cao Mên, Đại Thừa Phật Giáo thịnh hành. Từ thế kỷ thứ XIII, Cao Miên tiếp nhận Phật Giáo Nguyên Thỉ. Có nhiều giả thuyết nói tại sao Cao Mên bỏ Đại Thừa theo Tiểu thừa. Giả thuyết 1 vì dưới đời Nguyên ở Trung Quốc, quân Mông Cổ bành trướng thế lực, không muốn chịu ảnh hưởng của nhà Nguyên. Thứ 2, phản ứng của dân chúng chống lại khuynh hướng thần thánh hóa của Jayavarman VII. Thứ 3 vì ảnh hưởng của người Mon theo Phật Giáo Nguyên Thỉ. Có lẽ nguyên nhân thứ 3 là đúng vì Miến Điện, Thái Lan theo Nguyên Thỉ Phật Giáo đều do ảnh hưởng của người Mon.

- Phật Giáo Cao Mên dưới thời Pol Pot hầu như bị tiêu hoại, đến nỗi khi chính quyền Lol Nol bị lật đổ, Cao Mên không có 5 vị sư để truyền giới, phải nhờ Phật Giáo Việt Nam, hệ phái Theravada của người Việt gốc Mên đến Nam Vang tổ chức Đại Giới Đàn.

16. Phật Giáo Lào như thế nào?

- Phật Giáo Lào, trước khi cộng sản thiết lập hệ thống cai trị sau năm 1975, cũng như Phật Giáo Thái Lan, theo Phật Giáo Nguyên Thỉ, lấy Phật Giáo làm quốc giáo, vua là vị hộ pháp tối cao.

- Sắc dân Lào là một chi nhánh của sắc dân Thái, di chuyển xuống miền nam Trung Quốc vì áp lực của người Hán, trước khi Thành Cát Tư Hãn lên cầm quyền.

- Vua Piloko xứ Nanchao (Nam Chiếu) thành lập thị trấn Muong Theng, tiếng Việt gọi là Điện Biên Phủ. Vua sai con đánh đuổi dân Kha, tổ tiên của dân Lào hiện đại, thành lập Luang Prabang. Vua cũng sai một người con khác, đuổi dân Lawas và Khoms, tổ tiên của dân Thái Lan hiện đại, chiếm Chiengsen năm 773. Phật Giáo Đại Thừa đã bành trướng tại Luang Prabang và Chiengsen vào thời kỳ này.

- Vương quốc Chiengsen lúc đầu đóng đô tại Chiengrai, sau dời đến Chiengmai, bắc Thái Lan hiện nay.

- Vào thế kỷ thứ XIV hoàng hậu Keohaengya thuộc triều đại Fagnum, người gốc Cao Mên, là một Phật tử thuần thành, thuyết phục vua mời chư tăng Cao Mên, theo Nguyên Thỉ Phật Giáo đến truyền thừa tại Lào, Vua Cao Mên chấp thuận lời yêu cầu của vua Lào, gởi hai đại sứ Phra Maha Pasman và Phara Maha Devalanka cùng 20 vị sư và 3 cư sĩ Norasing, Noradet và Norasart, thông hiểu Tam Tạng mang theo tượng Phật, Tam Tạng Kinh Điển chữ Pali và nhánh cây bồ đề đến Luang Prabang. Phật Giáo Nguyên Thỉ bành trướng mạnh thay thế Phật Giáo Đại Thừa.

- Từ thế kỷ XIV trở về sau quốc vương Lào ủng hộ Phật Giáo Nguyên Thỉ, xây dựng nhiều chùa tháp danh tiếng tại Lào.

- Sau khi quân của Thái Bình Thiên quốc nổi dậy tại Nam Kinh năm 1851 bị đánh bại, tàn quân tràn xuống bắc Việt và bắc Lào, sau chia làm hai gọi là Giặc cờ Đen và Giặc Cờ Vàng. Giặc Cờ Đen chiếm Lao Kai năm 1868, Giặc Cờ Vàng chiếm Hoyang. Việt Nam lúc bấy giờ nhờ Giặc cờ Đen, Giặc Cờ Vàng và quân của Đèo Văn Trí từ Quảng Đông đến định cư tại Bắc Ninh, sau dời về Lai Châu đánh lại quân Pháp. Quân Cờ Đen, Cờ Vàng Đèo Văn Trí quấy phá Lào từ năm 1872.

- Lào đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp năm 1893, dưới quyền giám hộ của Nhật tuyên bố độc lập ngày 8 tháng 4 năm 1945, nằm trong Liên Hiệp Pháp ngày 19 tháng 7 năm 1949, dưới chính phủ liên hiệp trung lập ngày 10 tháng 8, 1956, bị Đại úy Kongle đảo chánh ngày 9 tháng 8, 1960, dưới chính thể Cộng Hòa của Soupanouvong sau 1975 và từ năm 1991 Kaysorn Pommaviharn được bầu làm Bí Thư Đảng Cộng Sản Lào và Tổng Thống của nước Cộng Hòa Lào sau khi Soupanouvong qua đời.

- Sau năm 1975 chính phủ không cho chư tăng đi khất thực, nhưng gần đây hạnh nguyện khất thực đã được phục hồi.

17. Các quốc gia trước đây theo Phật Giáo như Nam Dương, Mã Lai, Chiêm Thành, bây giờ Phật Giáo tại các nước ấy như thế nào?

- Những quốc gia này sau khi Hồi Giáo cai trị đã trở thành những nước theo Hồi Giáo, mặc dù tại Mã Lai, cũng như tại Nam Dương, Phật Giáo vẫn được phép hoạt động, phần nhiều với cộng đồng gốc Hoa, gốc Ấn Độ. Tại Phi Luật Tân, dân chúng sau thời bị Bồ Đào Nha đô hộ đã trở thành nước theo Thiên Chúa mặc dù cũng có một số chùa của người Trung Hoa đang hoạt động.

18. Phật Giáo Trung Hoa có thời rất hùng mạnh. Làm thế nào một tôn giáo ngoại lai lại có thể chuyển hóa một nước lớn với nền văn hóa cổ kính như Trung Quốc để biến nước này thành nước Phật Giáo, cung cấp đời sống tinh thần cho hàng trí thức cũng như quần chúng bình dân?

- Người Tàu đặt tên cho nước mình là Trung Quốc, trung tâm điểm vũ trụ, hãnh diện với nền văn hóa truyền thống, ngạo nghễ xem các nước khác là man di, mọi rợ, thế mà phải thần phục Phật Giáo với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không khí giới.

- Phật Giáo khi truyền sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn: Thứ nhất là ngôn ngữ. Không ngôn ngữ nào trên thế giới lại hoàn toàn khác nhau như ngôn ngữ Trung Hoa và ngôn ngữ Ấn Độ, đặc biệt là Phạn ngữ, có một hệ thống văn phạm khúc chiết, quy tắc hành văn quy định rõ ràng, trong khi ngôn từ Trung Hoa không có hệ thống văn phạm nhất định. Từ ngữ Trung Hoa rất ngắn gọn, thực tiễn; từ ngữ Ấn Độ có tính cách tượng trưng bóng bẩy, hình nhi thượng. Khó khăn thứ hai là truyền thống trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của văn minh Trung Hoa, mà Phật Giáo lại để bốn chúng xuất gia. Thứ ba quan niệm “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” rất khó cho người Trung Hoa cho con đi tu. Thứ tư quan niệm cá nhân: Trung Quốc không mấy chú trọng đến phân tích cá thể, trong khi Ấn Độ, ngành tâm lý học phát triển cao độ. Thứ năm liên quan đến khái niệm thời gian, không gian. Người Trung Hoa có khuynh hướng xem thời gian là chuỗi dài lịch sử hữu hạn trong cuốc sống, trong thời đại chính trị, Ấn Độ xem thời gian vô hạn, không chỉ ở kiếp người mà là vô hạn trong hệ thống vũ trụ bao la, vô thỉ, vô chung. Thứ sáu quan niệm xã hội cách biệt nhau. Trung Quốc với chủ nghĩa gia đình, giá trị đạo đức của con người trong xã hội lấy gia đình làm căn bản, trong khi đại thừa Phật giáo chủ trương từ bi, bác ái chung cho mọi người, vượt khỏi ranh giới quốc gia, chủng tộc. Tư tưởng Trung Hoa chú trọng thực tiễn tìm giải pháp cho một xã hội tốt đương thời thì Phật Giáo không hạn cuộc vào thế giới chúng ta đang sống mà còn ở thế giới mai hậu, ngoài hành tinh nhân loại.

19. Với những trở ngại lớn tại Trung Quốc làm sao Phật Giáo vượt qua được?

- Hành trình chuyển hóa Trung Quốc gồm 4 giai đoạn tạm đặt tên là Giai Đoạn Chuẩn Bị, Giai Đoạn Nhiếp Phục, Giai Đoạn Độc Lập Phát Triển và Giai Đoạn Bị Tiếm Dụng.

- Vào giữa thế kỷ thứ hai, mức độ tranh dành quyền lợi giữa nhiều thế lực vào thời Hậu Hán ngày càng nghiêm trọng. Cuộc đụng độ giữa 4 thế lực đương thời – các gia đình thượ ng lưu cổ, các gia đình giàu có mới, gia đình hoạn quan và hàng trí thức, âm ỉ trong nhiều năm, nhưng đến năm 166 thì bùng nổ, khi các hoạn quan mở chiến dịch tiêu diệt hàng trí thức ngỗ nghịch. Cung đình rối loạn, nhân sĩ bất an, dân quê chỉ chờ thời cơ thuận tiện đứng lên làm loạn. Một đế quốc trước đây giàu sang, phú cường, sống động bây giờ hình hài xơ xác, vất vưởng như kẻ mất hồn. Trong cảnh chiến tranh ly loạn, sĩ phu Trung Hoa không còn mấy tin tưởng vào tinh thần Hán Nho. Chính trong bối cảnh này Phật Giáo đến với Trung Quốc như ngọn gió mát, như phương thuốc thần, như chỉ đạo tư duy có định hướng.

- Trong giai đoạn đầu Phật Giáo dành nhiều thì giờ phiên dịch kinh sách Phật từ chữ Phạn sang tiếng Trung Hoa. Các vị đại sư Ấn Độ, nhất là chư Tăng Trung Á đóng góp nhiều trong nỗ lực này.

- Giai đoạn hai từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI (317-589) gọi là Giai Đoạn Nhiếp Phục. Từ thế kỷ thứ ba đến đầu thế kỷ thứ tư, Phật Giáo đã đặt được nền tảng căn bản trong sứ mạng chuyển hóa Trung Quốc, chính thức đặt chân vào đời sống tinh thần của người Trung Hoa. Tại Trường An và Lạc Dương có trên 180 ngôi chùa, trong toàn quốc vào thời Đông Tấn 1,768 ngôi chùa, 24,000 Tăng Ni. Năm 311 quân Hung Nô tiến chiếm Lạc Dương, các danh gia vọng tộc Trung Hoa chạy xuống miền nam tị nạn. Suốt thời gian 300 năm kế tiếp, Trung Quốc bị chia làm hai. Vào thời điểm này, thời Nam Bắc Triều, Phật Giáo uyển chuyển hòa mình vào hai nền văn hóa bắc nam, làm nhịp cầu giao lưu văn hóa, thâu hẹp dị biệt giữa bắc và nam vì chư tăng có thể di chuyển cả hai miền, đặt nền tảng cho một xã hội thống nhất Trung Hoa tương lai. Vào giai đoạn này Trung Quốc có 80,848 ngôi chùa, 5,208,700 Tăng Ni.

- Giai đoạn ba, gọi là Giai Đoạn Độc Lập Phát Triển (589-900). Các vua quan không những theo Phật Giáo, lấy giáo lý Phật làm khuôn phép trị dân, mà còn giúp Phật Giáo xây dựng tổ chức Tăng Già. Nghi lễ Phật Giáo đã trở thành yếu tố quan trọng trong nghi lễ cung đình và nghi lễ nhân gian. Những ngày lễ Phật Giáo như lễ Đản Sinh, Xuất Gia, Thành Đạo, Nhập Niết Bàn, Lễ Vu Lan… trở thành quốc lễ. Lễ Cầu An, Cầu Siêu, Thọ Bát Quan Trai… trở thành truyền thống nhân gian. Kiến trúc, hội họa, điêu khắc Phật Giáo bắt đầu phát triển. Nhà Tùy, nhà Đường sử dụng tư tưởng cầu nguyện độ sinh cho những quân nhân bỏ mình nơi chính trường. Phật Giáo trở thành tín ngưỡng đại chúng. Vào thời kỳ này Phật Giáo gạt bỏ những danh từ Khổng Lão Giáo trước đây dùng để giải thích giáo nghĩa Phật Đà. Từ ngữ riêng của Phật Giáo được phát triển.

- Giai đoạn thứ tư gọi là Giai Đoạn Bị Tiếm Dụng (900-1900). Trong giai đoạn này giáo lý Phật Đà đã được Lão Giáo, Khổng Giáo sử dụng để phong phú hóa tư tưởng mà ngay cả ngôn từ, hình thức diễn đạt và phương thức hành trì. Nghi lễ Phật Giáo đã bị tiếm dụng trong nghi lễ Khổng và Lão Giáo.

20. Phật Giáo Trung Hoa có nhiều giáo phái hơn Phật Giáo Ấn Độ?

- Không hẳnvậy. Phật Giáo Ấn Độ đầu tiên có hai giáo phái chính đó là Trưởng Lão Bộ và Đại Chúng Bộ. Từ hai giáo phái này phát sinh 20 Hệ Phái Tiểu Thừa. Đại Thừa Phật Giáo có nhiều phương thức hành trì nhưng thực ra không có Hệ Phái ngoài Mật Giáo có 4 Hệ Phái chính.

- Theo thông lệ người ta liệt kê 14 tông phái Phật Giáo Trung Hoa gồm 4 tông phái Tiểu Thừa như Tỳ Đàm Tông, Thành Thật Tông, Luật Tông, Câu Xá Tông, 10 tông phái Đại Thừa như Tam Luận Tông, Niết Bàn Tông, Địa Luận Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Nhiếp Luận Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Chân Ngôn Tông.

21. Xin cho biết thời vàng son và thời pháp nạn của Phật Giáo Trung Hoa. Nguyên nhân gì đã làm cho Phật Giáo Trung Hoa hưng thịnh và nguyên nhân gì khiến cho Phật Giáo Trung Hoa gặp tai nạn?

- Phật Giáo Trung Hoa trải qua 4 pháp nạn. Pháp nạn 1 từ năm 438 đến 452; Pháp nạn 2 năm 578; Pháp nạn 3 năm 845; Pháp nạn 4 năm 1949.

- Nguyên nhân đưa đến Pháp Nạn một phần vì yếu tố bên ngoài, một phần vì yếu tố bên trong. Bên ngoài vì chính quyền không có thiện cảm với Phật Giáo, bên trong vì phân hóa và thiếu thành phần lãnh đạo đa năng, đa dạng, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa Tăng Già và Cư Sĩ.

22. Phật Giáo du nhập vào Đại Hàn thời kỳ nào?

- Đại Hàn hay Cao Ly (Koryo) hay Triều Tiên (Choson), rộng 220,911 km vuông, vào thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ thứ VII, thời cổ đại, gồm ba vương quốc: Koguryo ở phía bắc, Shilla ở đông nam và Paekche ở tây nam. Phật Giáo từ Trung Quốc truyền đến Koguryo năm 372, đến Paekche năm 384, đến Shilla năm 527, được quốc vương, dân chúng hỗ trợ, xây dựng nhiều tự viện, lấy Phật Giáo làm quốc giáo, thiết lập liên hệ chặt chẽ giữa Phật Giáo và quốc gia, đem nghi lễ Phật Giáo làm nghi lễ cung đình và hội lễ nhân gian.

- Năm 668 với sự giúp sức của quân nhà Đường, Shilla thống nhất lãnh thổ, nhưng rồi phải đương đầu với quân Trung Hoa vào thế kỷ thứ VII, với quân Nhật đổ bộ năm 731 và nội chiến từ năm 822 đến 836, Đại Hàn lại bị phân hóa cho đến năm 936 khi Wang Kon thần phục các vương quốc, thống nhất lãnh thổ lần thứ hai. Vua Wang Kon lên ngôi đặt quốc hiệu là Koryo, người Tây Phương viết thành Korea, Việt Nam gọi là Cao Ly (Xứ Yên Tĩnh Ban Mai), năm 1392 đổi thành Triều Tiên (Choson), sau Đệ Nhị Thế Chiến, Triều Tiên chia làm hai, Bắc Triều Tiên với danh hiệu là Triều Tiên Dân Chủ Chủ Nghĩa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (thường gọi là Bắc Hàn) Nam Triều Tiên với danh hiệu là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Nam Hàn).

- Phật Giáo bước vào thời đại hoàng kim sau khi Triều Tiên thống nhất đất nước. Văn hóa Triều Tiên ở ba vương quốc, trải qua nhiều triều đại là văn hóa Phật Giáo. Trên 80% di tích văn hóa Đại Hàn hiện nay là gia tài văn hóa Phật Giáo.

23. Phật Giáo Đại Hàn có bao nhiêu giáo phái?

- Sau khi Shilla thống nhất lãnh thổ, 3 giáo phái mới ra đời cộng với 2 giáo phái cũ thời Tam Quốc (Koguryo, Shilla, Paekche) thành 5 giáo phái, đều là Đại Thừa Phật Giáo, trong đó hai giáo phái nổi bật, đó là Tịnh Độ và Thiền. Phái Tịnh Độ quảng bá khắp nhân gian, do ngài Wonhyo (617-686), vương quốc Shilla xây dựng, tác giả của trên 100 bộ sách, biến những ngôi chùa Phật Giáo thành trung tâm văn hóa giáo dục, dung hợp phương thức hành trì, triển khai tư tưởng Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Du Già, Trung Quán, chủ trương hòa nhập với quần chúng, không gò mình trong bốn bức tường tự viện, đôi khi ngài sống lẫn lộn với đám hành khất để hoằng đạo. Giáo phái thứ hai, giáo phái Son (Thiền) do ngài Chinul (1158-1210) thành lập, dung hợp hai khuynh hướng Phật Giáo lúc bấy giờ, khuynh hướng chuyên tu và chuyên học. Theo Chinul học mà không tu thì không thể thâm nhập đạo lý một cách trọn vẹn. Tu mà không học có thể bị sai đường lạc lối, rất phổ cập đối với hàng trí thức.

- Chư tăng Đại Hàn về sau hành trì theo phương thức Chinul, xa lánh trần thế, chuyên tu thiền quán, khác hẳn chủ trương của Wonhyo, khiến cho Phật Giáo Đại Hàn mất phần ảnh hưởng đối với quảng đại quần chúng và là đối tượng phê phán của Nho Giáo suốt triều đại Yi.

- Koryo (Triều Tiên) lấy Phật Giáo làm quốc giáo. Nhiều vương tôn, công tử xuất gia. Đại sư Uichon (1055-1101), con thứ tư của vua Munjong, anh em của vua Sonjong đếnTrung Quốc năm 1085 để nghiên cứu Phật lý, Lão học và Khổng học, khi trở về nước năm 1087, tận lực hoằng truyền chánh pháp, dung hợp Thiền, Tịnh, thành lập tông Thiên Thai, một tông phái quan trọng của Đại Hàn từ thời đó đến bây giờ.

- Tự viện Phật Giáo được xây dựng nhiều và đồ sộ, là trung tâm giáo dục mà cũng là đại điền chủ.

24. Phật Giáo Đại Hàn lâm pháp nạn vào thời kỳ nào?

- Chính biến xảy ra năm 1196, vua Chong Myongjong bị hạ bệ, chư Tăng bị cấm không được lai vãng đến cung đình. Năm 1232 Mông Cổ tái xâm nhập Triều Tiên, chùa chiền, kinh sách bị phá hủy. Từ năm 1359 đến 1361 loạn quân Cờ Đỏ Trung Hoa liên tục đánh phá.

- Năm 1392 tướng Yi Song-gie soán ngôi, chấm dứt triều đại Koryo, thành lập triều đại Yi, đặt quốc hiệu là Choson (Đại Hàn), dời đô từ Kaegyong đến Hanyang để tránh ảnh hưởng của hàng quyền quý xưa và Phật Giáo, tịch thu tài sản của hàng tôn thất Koryo và ruộng đất chùa, lấy Khổng Giáo làm quốc giáo, phát triển hệ thống Idu thời Shilla làm chữ viết cho Đại Hàn (giống như kiểu chữ Nôm của Việt Nam).

- Năm 1582, 1597 Nhật liên tục đánh phá. Năm 1627 Mãn Châu xâm lấn. Năm 1644 nhà Thanh tiến chiếm Trung Quốc, Đại Hàn trở thành chư hầu của Mãn Thanh. Năm 1712 Đại Hàn bị Mãn Thanh sáp nhập phần đất ở đông nam Mãn Châu.

- Yi Sung-hun (1756-1801) theo đạo Thiên Chúa lúc còn ở Bắc Kinh là người xây dựng nhà thờ Công Giáo đầu tiên tại Hán Thành năm 1784. Mặc dầu vua Chonjo ra sắc lệnh cấm đạo năm 1786, xử tử những người theo đạo năm 1801, Công giáo vẫn tiếp tục phát triển, Đại Hàn trở thành giáo xứ với sự xuất hiện của ba giáo sĩ người Pháp từ Trung Quốc đến năm 1836. Tháng 2 năm 1866 vua Taewon-gun ra lệnh xử tử 8,000 giáo dân, 9 giáo sĩ người Pháp. Mặc dầu bị đại nạn, Công giáo vẫn kiên trì, vẫn tiếp tục phát triển.

- Các mục sư Tin Lành Methodist Bắc Mỹ đến Đại Hàn mở nhà thương, trường học, giúp Đại Hàn đào tạo giai cấp lãnh đạo.

- Sau trận thủy chiến giữa Nga và Nhật năm 1905, Đại Hàn bị Nhật đô hộ từ năm 1910 đến tháng 8, 1945, nhiều phong trào kháng Nhật nổi dậy. Bản tuyên ngôn dành độc lập năm 1918 do 33 đại diện ký tên gồm 16 lãnh đạo Cơ Đốc, 15 lãnh đạo phái Chondogyu, 2 lãnh đạo Phật Giáo. Dân Đại Hàn sinh sống tại Trung Quốc, Mãn Châu, Tây Bá Lợi Á, Hoa Kỳ đứng lên thành lập tổ chức tranh đấu đòi độc lập. Tháng ba năm 1919 Syngman Rhee, lãnh đạo phong trào dành độc lập tại Hoa Kỳ cùng Chong Han Yong (Henry Chung) gửi thư lên Tổng Thống Woodrow Wilson yêu cầu yểm trợ. Tháng 9, 1919 Syngman Rhee được bầu làm Tổng Thống Chính Phủ Lâm Thời, thành lập tại Thượng Hải vào tháng tư, 1919.

- Trong giai đoạn đầu của phong trào dành độc lập, Cộng Sản Đại Hàn hợp tác với các phần tử quốc gia, nhưng sau khi Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia được thành lập, Cộng Sản Trung Hoa đổ vỡ, cộng sản Đại Hàn đứng riêng vận động tranh đấu độc lập.

25. Sau Đệ Nhị Thế CHiến, tình trạng Phật Giáo Đại Hàn như thế nào?

- Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản thất trận, Đại Hàn bị chia làm hai miền. Miền Bắc hay Bắc Hàn do Nga Sô chiếm đóng, Nam Hàn do Hoa Kỳ quản trị. Khi quân đội Soviet tiến chiếm Bắc Hàn, Kim II-sung (Kim Nhật Thành) thiếu tá trong quân đội Soviet cùng 300 quân nhân Đại Hàn tháp tùng quân đội Soviet đến Bắc Hàn, được chính quyền Soviet yểm trợ thành lập Chính Thể Nhân Dân Đại Hàn. Tại Nam Hàn Syngman Rhee (Lý Thừa Vãng), tín đồ Tin Lành, được bầu làm Chủ Tịch Quốc Hội và sau đó làm Tổng Thống đầu tiên của Nam Hàn.

- Thoát khỏi ách nô lệ Nhật Bản, quyền tự do căn bản được tái lập, nhà thờ Cơ Đốc được xây dựng khắp nước, Cơ Đốc Giáo trở thành sức mạnh văn hóa và tiến bộ. Đền thờ Shinto, tự viện Phật Giáo Nhật Bản tại Đại Hàn bị phá hủy.

- Sáng Chủ Nhật ngày 25 tháng 6, 1950, Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, chiếm Hán Thành. Quân Liên Hiệp Quốc đánh bật quân Bắc Hàn, tái chiếm Hán Thành, chiếm Bàn Môn Điếm, thủ đô Bắc Hàn ngày 20 tháng 10. Quân Trung Cộng nhảy vào vòng chiến, chiếm Hán Thành ngày 4 tháng 1, 1951. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Đại Hàn chia đôi từ bắc vĩ tuyến 38 thuộc Bắc Hàn, từ nam vĩ tuyến 38 thuộc Nam Hàn.

- Tại Bắc Hàn, nhà thờ, tự viện bị phá hủy, tăng ni bị cưỡng bách tham gia lao động. Tại Nam Hàn, Cơ Đốc bành trướng mạnh. Chính quyền Syngman Rhee và Quốc Hội Nam Hàn bất đồng ý kiến. Năm 1952, 66 dân biểu bị bắt, gồm Thủ Tướng Chang Myon. Năm 1960 sinh viên nổi dậy chống đối. Sau bốn nhiệm kỳ làm Tổng Thống, ngày 26 tháng 4, Syngman Rhee từ chức, đến Hawaii cư trú và mất tại đó năm 1965, kết thúc nền Đệ Nhất Cộng Hòa Nam Hàn.

- Nền Đệ Nhị Cộng Hòa chỉ tồn tại trong vòng một năm, từ 1960 đến 1961. Từ năm 1961 đến 1963 Đại Hàn dưới quyền cai trị của quân đội. Nền Đệ Tam Cộng Hòa do Tổng Thống Park Chung-hee (Phát Chung Hy) lãnh đạo từ tháng Chạp năm 1963 đến ngày 26 tháng 10, 1979, bị Kim Chae-gyu, Giám Đốc Tình Báo Đại Hàn bắn chết. Nền Đệ Tứ Cộng Hòa được thành lập sau thời gian hai năm do các chính phủ lâm thời đảm trách. Tuy là một quân nhân, tướng Phát Chung Hy đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Nam Hàn phồn thịnh.

26. Tình trạng tôn giáo tại Nam Hàn hiện nay như thế nào?

- Sau chiến tranh Triều Tiên, Đại Hàn

- chia làm hai, Bắc Hàn và Nam Hàn. Bắc Hàn dưới chế độ cộng sản nên hoạt động tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn. Nam Hàn sau khi được độc lập năm 1945, nhà thờ và cơ sở giáo dục của Thiên Chúa và Tin Lành phát triển nhanh chóng. Năm 1980 Thiên Chúa có 2,342 nhà thờ, 1,321,293 tín đờ, gồm những nhà lãnh đạo chính trị, xã hội; Tin Lành có 21,243 nhà thờ và 7,180,627 tín đờ. Đại đa số các nhà lãnh đạo Nam Hàn là tín đồ Tin Lành, các cơ sở giáo dục Tin Lành, trong đó có các trường đại học như Đại học Yonsei, Ewha, Sogang nổi tiếng. Giáo phái Chondogyo có 249 điện thờ và 1,153,677 tín đồ. Nói tóm lại năm 1980 tổng số tín đồ Cơ Đốc là 8,501,920 tổng số nhà thờ là 23,585. Phật Giáo có 7,444 ngôi chùa, 12,329,720 tín đồ với hai trường đại học Tongguk và Won-gwang. Dân số Nam Hàn năm 1980 là 38,197,000.

- Như vậy theo thống kê năm 1980 số người có tín ngưỡng tôn giáo là 21,985,317, số dân còn lại 16,211,683 không ghi rõ tín ngưỡng, có thể là người không theo tôn giáo nào hay theo “đạo ông bà” chiếm gần một nửa tổng số dân chúng.

- Trong số 21,985,317 người có tín ngưỡng, 12,329,720 theo Phật Giáo, 8,501,920 theo Thiên Chúa và Tin Lành Giáo, Tin Lành chiếm 8,334,304 trong khi Thiên Chúa chỉ có 1,321,293 tín đồ.

- Về số lượng tự viện và nhà thờ, ta thấy Phật Giáo có 7,444 ngôi chùa, Cơ Đốc Giáo có 23,585 nhà thờ trong đó Tin Lành có 21,243 nhà thờ, Thiên Chúa Giáo có 2,342 nhà thờ.

- Cơ Đốc Giáo, đặc biệt Tin Lành Giáo phát triển mạnh. Số tín đồ của Cơ Đốc Giáo nói chung bằng 2/3 số tín đồ Phật Giáo không kể người theo “Đạo Ông Bà”. Theo thống kê năm 1980 dân số Nam Hàn là 38,197,000. Số tín đồ Cơ Đốc (Thiên Chúa và Tin Lành) là 9,655,597, tỉ lệ là 25.2% tổng số dân, mức độ cao nhất ở Á Châu ngoại trừ Phi Luật Tân. Số nhà thờ năm 1980 gấp trên ba lần số tự viện.

27. Phật Giáo đã có lúc là quốc giáo, đóng góp rất nhiều cho gia tài văn hóa và sự phồn vinh của Đại Hàn, thiền sư Đại Hàn đã có vị làm quốc sư Nhật Bản ,tại sao lại có hiện tượng này?

- Phật Giáo dưới chế độ độc tài quân phiệt cuối thế kỷ thứ 12, dưới triều đại Khổng Giáo Yi từ giữa thế kỷ thứ 14 đến đầu thế kỷ thứ 20 gặp nhiều khó khăn. Chư Tăng bị đuổi ra khỏi kinh đô cho đến năm 1895 mới được phép trở về. Từ ngày giải phóng khỏi ách cai trị Nhật dưới chính quyền Syngman Rhee, tín đồ Tin Lành, Phật Giáo cũng không mấy sáng sủa, chỉ được yểm trợ vào thời Phát Chung Hy. Lễ Phật Đản gần đây mới được xem như ngày Lễ Công Cộng.

- Dựa vào tài liệu nghiên cứu của giáo sư Hong Sungjick năm 1963, của giáo sư Kim Tae-gil năm 1967, của UNESCO năm 1982; dựa vào tài liệu thống kê năm 1983 liên quan đến nhận định của dân chúng về tôn giáo và hiện đại hóa cho chúng ta một ít ánh sang về tình hình tôn giáo tại Nam Hàn: 1/ Nhìn tôn giáo qua trình độ học vấn: Đại đa số (40.6%) xem Tin Lành là tôn giáo tân tiến so với Phật Giáo (30.9%). Tuy nhiên quan điểm này tùy thuộc vào trình độ học vấn. Trình độ học vấn thấp thấy Tin Lành tân tiến, trình độ cao thấy Phật Giáo tân tiến. Do đó dựa vào tổng số dân chúng ở trình độ học vấn thấp nên xem Phật Giáo chậm tiến. Nói tóm lại thước đo tân tiến, chậm tiến tùy thuộc trình độ học vấn. 2/Theo tôn giáo qua tuổi tác: Đa số thanh thiếu niên theo Tin Lành (20.1%) so với Phật Giáo (8.8%) nhưng từ tuổi 40 trở lên 13.5% theo Tin Lành, 28.00% theo Phật Giáo. 3/Quan niệm về phong tục tập quán, đơn cử là vâng lời cha mẹ, tùy thuộc vào trình độ học vấn. Ở cấp Tiểu Học 67.7% có khuynh hướng vâng lời cha mẹ, lên đến Trung Học Đệ Nhất Cấp 50.7%, Trung Học Đệ Nhị Cấp 36.7%, Đại Học 30.4%. 4/Tín ngưỡng dựa vào giới tính nam nữ: 52.7% nữ, 33.9% nam. Nhưng yếu tố này cũng dựa vào tuổi tác: 67.2% nữ giới từ 50 tuổi trở lên tin tưởng tôn giáo và đồng thời cũng dựa vào trình độ học vấn. Nói một cách tổng quát càng trẻ tuổi, trình độ học vấn kém theo Tin Lành, càng lớn tuổi, trình độ học vấn cao theo Phật Giáo. 5/Quan niệm về giá trị cuộc sống theo tuổi tác: 19.8% xem sức khỏe quan trọng, 16.7% xem tiền tài, 13.1% sống đời chân thật, 6.6% tình yêu, 5.9% tín ngưỡng. 6/ Liên hệ đến hàng lãnh đạo tôn giáo: 64% cho hàng lãnh đạo tinh thần không hội đủ điều kiện, thiếu đạo đức. Trong số này giới thanh niên có vẻ nghiêm khắc hơn: Từ tuổi 24 trở xuống 73%, từ 66.1% cho các tổ chức tôn giáo làm mất dần giá trị tôn giáo nguyên thỉ. Dự kiện này cũng tùy thuộc vào trình độ học vấn. 8/Tổ chức tôn giáo có nên liên hệ với công nhân, nông dân biểu tình, đình công? 88.7% không đồng ý 8/Tổ chức tôn giáo có nên tích cực tham gia giải quyết vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội: 47.3% không đồng ý.

- Những tài liệu nghiên cứu trên đánh tan một số nhận định sai lầm trước đây về tôn giáo và xã hội Đại Hàn: Thứ nhất, quan niệm cho tôn giáo này tân tiến so với tôn giáo khác đều dựa vào trình độ học vấn. Thứ hai mức độ tín ngưỡng giữa thế hệ già trẻ thực không quan trọng vì hầu hết xem sức khỏe, đời sống an bình hiện tại mới là yếu tố chính. Thứ ba mặc dầu giới trẻ trông có vẻ phóng khoáng tự do, nhưng liên hệ với tôn giáo, thế hệ trẻ cũng tỏ ra bảo thủ không khác gì thế hệ già. Thứ tư cho rằng thế hệ trẻ, nhiều hơn thế hệ già, muốn tôn giáo tham gia thế sự, không mấy vững chắc.

- Phật Giáo Đại Hàn đi đến tình trạng này do 3 nguyên nhân chính: 1/ Từ thế kỷ thứ 12 cho đến cuối thế kỷ thừ 19, Phật Giáo bị đàn áp nặng nề dưới thời quân phiệt, dưới chính quyền Nho Giáo kỳ thị; từ đầu thế kỷ đến ngày độc lập vì chiến tranh và ách thống trị Nhật Bản, từ ngày độc lập đến năm 1960, dưới chính thể không mấy thiện cảm của Syngman Rhee. 2/Mất liên lạc khá lâu với quần chúng thị thành, Phật Giáo Đại Hàn dành cho những người ẩn tu. Đại đa số quần chúng, nhất là giới bình dân xem Phật Giáo không theo kịp đà tiến hóa. #/ Sau khi bị Nhật đô hộ, ảnh hưởng Phật Giáo Nhật Bản, nếp sống của hàng Tăng Ni không còn chính chuyên, một số bị xem như thành phần hợp tác với Nhật.

28. Sự đóng góp của Cơ Đốc Giáo vào nỗ lực tân tiến hóa Đại Hàn?

- Đại Hàn tiếp xúc với Cơ Đốc bắt đầu năm 1592 khi Shogun Toyotomi Hideyoshi sai tướng KonishYukinaga, một tín đồ Thiên Chúa đem quân tiến chiếm Đại Hàn. Đạo quân của Konish Yukinaga phần nhiều là tín đồ Thiên Chúa được Gregorio de Cespedes, giáo sĩ Giòng Tên Tây Ban Nha làm tuyên úy hướng dẫn. Hàng nghìn tù binh Đại Hàn cải đạo theo Cơ Đốc Giáo.

- Về sau, năm 1784 Lee Seung Hoon được giáo phái truyền giáo Trung Hoa hướng dẫn trở về Đại Hàn hoạt động truyền giáo.

- Năm 1885 Giáo Hội Tin Lành Hoa Kỳ hoạt động tích cực trên lãnh vực y tế.

- Giáo Hội Tin Lành Scotland có công phục hồi hệ thống mẫu tự Đại Hàn Hangul làm phương tiện truyền thông, phiên dịch Thánh Kinh, giúp dân Đại Hàn đọc viết chữ Đại Hàn dễ dàng hơn.

- Hệ thống giáo dục do Cơ Đốc Giáo truyền vào là sức mạnh hiện đại hóa Đại Hàn. Lúc ban đầu, năm 1900, trường nữ do Giáo Hội Tin Lành thành lập chỉ có 4 học viên, 6 tháng sau số học sinh lên đến 7, nhưng đến năm 1909 số trường ốc do Giáo Phái Presbyterian thành lập là 605, số học sinh và sinh viên là 14,708. Cơ sở giáo dục của giáo phái Methodist là 200, số học sinh và sinh viên 6,432. Tổng số trường ốc của các giáo phái là 950.

- Ngoài hoạt động giáo dục, y tế, Giáo Hội Cơ Đốc nâng cao vị thế phụ nữ, cân bằng giai cấp xã hội, những dự kiện căn bản cho sự tiến hóa xã hội Đại Hàn.

29. Phật Giáo Nhật Bản như thế nào?

- Nước Nhật rộng 377,688 km vuông, dân số 123,460,000 người. Phật Giáo và Thần Đạo (Shinto) là hai tôn giáo chính ở Nhật.

- Chư Tăng Đại Hàn đem Phật Giáo đến nước Phù Tang năm 538. Sau một thời gian ngắn, tư tưởng Phật Giáo đã được Thánh Đức Thái Tử (574-622) dùng làm tư tưởng chỉ đạo cho việc trị quốc dân.

30. Phật Giáo Nhật Bản có bao nhiêu Tông, Phái?

- 13 Tông, 56 Phái: Vào thời kỳ Nara (710-794) 6 tông phái Trung Hoa truyền sang Nhật Bản: Pháp Tướng, Tam Luận, Hoa Nghiêm, Luật Tông, Thành Thật và Câu Xá Tông. Vào thời kỳ Heian (Bình An 749-1192) 3 tông phái do Phật Giáo Nhật Bản thành lập: Thiên Thai, Tịnh Độ Dung Thông Niệm Phật, Chân Ngôn Tông. Thời kỳ Kamakura (Kiêm Thương 192-1333), 6 tông phái được thành lập: Tịnh Độ, Lâm Tế, Tịnh Độ Chân Tông, Tào Động, Nhật Liên, Thời Tông. Vào thời Eido thế kỷ thứ 17, Tông Hoằng Bá được thành lập.

31. Trong số 13 Tông, 56 Phái, Tông Phái nào hiện nay còn sinh hoạt mạnh tại Nhật?

- Có 7 Tông, dựa vào số lượng tự viện: 1/Tịnh Độ Chân Tông với 21,000 ngôi chùa. 2/Tào Động Tông với 15,000. 3/Chân Ngôn Tông với 12,000. 4/Tịnh Độ Tông với 8,000. 5/Nhật Liên Tông với 6,500. 6/Lâm Tế Tông với 6,000. 7/Thiên Thai Tông với 4,000 ngôi chùa, tổng cộng là 72,000 ngôi chùa theo thống kê của Bộ Văn Hóa Giáo Dục năm 1973. 6 Tông Phái còn lại chỉ có 2,500 ngôi chùa. Tổng số tự viện Nhật Bản năm 1973 là 75,000.

32. Trong 7 Tông Phái, Tông Phái nào hoạt động mạnh về mặt xã hội?

- Tông Nhật Liên với Phái Sáng Giá Học Hội (Soka Gakkai) thành lập năm 1930, Phái Linh Hữu Hội (Reiyukai) thành lập năm 1925, Phái Lập Chánh Giáo Thành Hội (Risso Koseikai) thành lập năm 1938 có nhiều trường đại học, nhà thương, có nhiều Dân Biểu Hạ Viện, nhiều Nghị Sĩ Thượng Viện Nhật Bản.

33. Xin cho biết về phái Tân Tăng Nhật Bản.

- Năm 1868 Vua Minh Trị chủ trương duy tân Nhật Bản. Phật Giáo bị bài xích. Năm 1872 Nhật lấy Dương Lịch làm quốc lịch. Năm 1876 hệ phái Tân Tăng ra đời cho phép chư tăng lập gia đình (giống như Giáo Phái Tin Lành so với Giáo Phái Thiên Chúa La Mã). Các tông phái Phật Giáo vận động độc lập, tách khỏi quyền kiểm soát của nhà vua.

34. Những đặc điểm của Phật Giáo Nhật Bản.

- Năm 1891 Phật Giáo Nhật Bản tham dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới tổ chức tại Chicago.

- Năm 1913 Phật Giáo Nhật Bản tham gia Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tổ chức tại San Francisco.

- Năm 1921 Phật Giáo Nhật Bản hoàn thành Đại Tạng gồm 418 quyển.

- Năm 1924 Đại Tạng Tân Tu gồm 100 tập ra đời.

- Đại Hội Phật Giáo Thế Giới kỳ II tổ chức tại Tokyo năm 1952.

- Năm 1954 Phật Giáo Nhật Bản thành lập tổ chức Liên Hiệp Phật Giáo, thống nhất các Giáo Phái, Hệ Phái phối hợp công tác hoằng truyền Chánh Pháp.

- Năm 1965 thành lập Hội Truyền Bá Phật Giáo ra nước ngoài.

- Đại Hội Phật Giáo Thế Giới kỳ XII tổ chức tại Tokyo năm 1970.

- Nhật Bản có 80,000 ngôi chùa, 200,000 tăng sĩ, trên 20 trường đại học và viện nghiên cứu, nhiều nhà thương và cơ sở xã hội.

- Cùng với học giả ngoại quốc biên soạn bộ Bách Khoa Từ Điển Phật Giáo (Buddhist Encyclopedia) ấn hành vào năm 1980.

- Hầu hết những tác phẩm Phật Giáo nước ngoài đều được dịch sang tiếng Nhật.

- Trung tâm đào tạo cho tăng sinh, Phật tử ngoại quốc.

35. Tình hình Cơ Đốc Giáo tại Nhật Bản như thế nào?

- Năm 1859 Tin Lành Giáo truyền đến Nhật Bản.

- Năm 1876 vua ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa.

- Số lượng tín đồ và nhà thờ rất ít.

36. Xin cho biết qua về Phật Giáo Tây Tạng. Phật Giáo truyền đến Tây Tạng vào thời kỳ nào?

- Vào thời cực thịnh của Trung Quốc đời Đường, dân số Trung Hoa 60 triệu, lãnh thổ Tây Tạng lớn hơn lãnh thổ Trung Hoa.

- Theo truyền thuyết Phật Giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 4. Theo sử liệu Phật Giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7, một trong những nước Á Châu cuối cùng tiếp nhận Phật Giáo, khi vua Songtsen Gampo năm 641 cưới công chúa Văn Thành nhà Đường và công chúa Nepal. Hai công chúa này mang theo tượng Phật, mở đầu cho việc truyền thừa Phật đạo tại Tây Tạng. Tuy nhiên vào thời điểm này Phật Giáo chỉ có ảnh hưởng trong cung đình.

- Vua Trison Detsen (755-797) mời đại sư Santarakshita và đại sư Padmasambhava đến Tây Tạng hoằng hóa năm 747, Phật Giáo mới lan rộng khắp nơi. Năm 779 Phật Giáo được nhận làm quốc giáo. Đại sư Padmasambhava thành lập giáo phái Nyingma hay Cổ Phái.

- Năm 833 Phật Giáo gặp tai nạn đầu tiên tại Tây Tạng.

- Năm 1038 đại sư Atisa đến Tây Tạng, phục hồi Phật Giáo, kiện toàn hệ thống tự viện, thành lập giáo phái Karma Kagyu, thiết lập hệ thống tái sinh hay hóa thân làm phương tiện bảo đảm sự liên tục của giáo phái.

- Năm 1244 Sakya Pandita được hoàng tử Mông Cổ Godan mời viếng thăm, hóa độ cho hoàng tử. Kybilai Khan ban tước hiệu Dalai Lama cho ngài Sakya Pandita, Phương Trượng chùa Sakya làm Trưởng Môn thống lãnh Tây Tạng về giáo quyền cũng như thế quyền, mở đầu chế độ thần quyền Tây Tạng.

- Đại Tạng Kinh Tây Tạng thành hình vào thế kỷ thứ 13.

- Tam Tạng Tây Tạng được dịch ra tiếng Mông Cổ năm 1310.

- Đại sư Trakpa Tsongkhapa (1357-1419), chủ trương nếp sống tịnh hạnh, thành lập giáo phái Gelug, Hoàng Phái, tiếp tục truyền thống truyền thừa qua vị Lạt Ma hóa sinh.

37. Sự liên hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc vào thế kỷ 20 như thế nào?

- Năm 1912 Viên Thế Khải tuyên bố Tây Tạng là phần đất Trung Quốc.

- Năm 1922 Mao Trạch Đông tuyên bố Tây Tạng là một nước độc lập.

- Năm 1936 Mao Trạch Đông tuyên bố Tây Tạng sẽ là một Cộng Hòa Tự Trị trong Liên Bang Trung Hoa.

- Năm 1943 Tưởng Giới Thạch tuyên bố người Tây Tạng là người Trung Hoa.

- Năm 1950 quân cộng sản Trung Hoa tiến chiếm Tây Tạng.

- Năm 1959 Tây Tạng trở thành Khu Tự Trị của Trung Quốc.

- Năm 1959 Dalai Lama XIV đến Ấn Độ tị nạn, thành lập Chính phủ Lưu Vong, công bố Hiến Pháp Tây Tạng.

- Năm 1966 Cách Mạng Văn Hóa bùng nổ, Tăng Ni Tây Tạng bị nạn, chùa chiền, tự viện, kinh sách, tượng Phật bị phá hủy.

- Năm 1988 Dalai Lama được tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình.

- Năm 1991 Tây Đức và Costa Rica đưa vấn đề Tây Tạng vào Nghị Trình Liên Hiệp Quốc.

- Năm 2003 triển vọng Dalai Lama trở về Tây Tạng có vẻ sáng sủa với danh nghĩa công dân Trung Hoa.

38. Phật Giáo Tây Tạng có bao nhiêu ngôi chùa, bao nhiêu tăng chúng, bao nhiêu giáo phái?

- Trước năm 1950 Tây Tạng có vào khoảng 2,500 ngôi chùa, trong đó có những ngôi đại tự dung chứa từ 4,000 đến 10,000 chư tăng. Một trong 4 thanh niên nam nữ Tây Tạng xuất gia đầu Phật. Sau Cách Mạng Văn Hóa số tự viện cũng như tăng chúng chỉ còn 10%. Từ năm 1980 một số tự viện được trùng tu, thanh niên nam nữ Tây Tạng được phép xuất gia.

- Phật Giáo Tây Tạng có 4 giáo phái chính, đó là: 1/ Nyngma, Cổ Phái 2/Kagyu, phái tu khổ hạnh 3/Sakya chuyên dạy Kinh Cang Thừa. 4/Gelug, phái cải cách của Dalai Lama hiện tại.

39. Khi nói đến Phật Giáo Tây Tạng là nói đến Mandala. Vậy Mandala là gì?

- Mandala là bản đồ tâm linh, là biểu tượng giải thích sinh thái địa dư Tây Tạng, là mô hình ngôi đại tự đầu tiên Samye. Bản đồ tâm linh, lịch trình tu chứng là ý nghĩa chính của Mandala.

40. Câu thần chú Om Mani Padme Hum có ý nghĩa gì?

- Om Mani Padme Humnghĩa đen là Om Châu Báu Trên Đài Sen Hum. Đối với hành giả Mật Thừa hay Kim Cang Thừa, âm thứ nhất (Om) và âm cuối cùng (Hum) có quyền năng bất tận, vì vậy phải được phát âm một cách chính xác. Omlà thân khẩu ý của hành giả mà cũng là thân khẩu ý của Phật, biểu tượng của đại giác. Mani, Châu Báo, đáp ứng mọi nguyện cầu, ám chỉ mục tiêu tối hậu mà mọi người mong đạt được. Padme, Hoa Sen, biểu tượng của trí tuệ, đặc biệt của tánh không. Humdiễn đạt cá thể, sự hòa đồng giữa phương thức hành trì và trí tuệ tột cùng. Nói một cách tổng quát, câu thần chú Om Mani Padme Humlà phương thức hành trì dung hợp trí tuệ và phương tiện thiện xảo, dùng để chuyển hóa thân, khẩu, ý đến Chánh Giác của Phật. Hành giả dựa vào câu thần chú này để quán chiếu, để thúc liễm thân, khẩu, ý, đi đến bờ giác.

- Có người giải thích Manitượng trưng cho Niết Bàn, sáng chói hào quang. Padmetượng trưng cho ta bà, ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Mỗi âm hoặc đọc riêng rẽ, hoặc đọc chung, diễn đạt 1,008 biến tướng.

- Nguyên thỉ của câu thần chú liên quan đến đức Quán Thế Âm, đức Đại Bi, Hộ Thần xứ Tây Tạng và vị tái sinh Dalai Lama, Tăng Thống và vua Tây Tạng.

- Guru Rimpoche (Padmasambhava) cắt nghĩa: khi người hành hương đọc câu thần chú Om Mani Padme Hum, chữ Omnói hố sinh tử Sắc Giới đã vượt qua, sắc giới trở thành không. Chữ Manói hố sinh tử Vô Sắc Giới đã vượt qua, vô sắc giới trở thành không. Chữ Ni nói hố sinh tử Dục Giới đã vượt qua, nhân giới trở thành không. Chữ Menói hố sinh tử Ngạ Quỷ Giới đã vượt qua, ngạ quỷ giới trở thành không. Chữ Humnói Địa Ngục Giới đã vượt qua, địa ngục giới trở thành không. Sáu cõi đều không, luân hồi lục đạo được thanh tịnh hóa, cõi ta bà trống rỗng. Đó là năng lực của câu thần chú Om Mani Padme Hum, là đặc tính của đức Đại Bi.

41. Xin cho biết ý nghĩa danh từ Phật sống trong Phật Giáo Tây Tạng?

- Mật Giáo là danh xưng để phân biệt với các giáo phái khác mà Mật Giáo gọi là Hiển Giáo.

- Mật và Hiển là phương thức luận giải về Pháp Thân Phật. Theo Hiển Giáo Pháp thân là thể tính, không hình tướng, danh sắc, không giáng sinh, thành đạo, thuyết pháp, nhập niết bàn. Theo Mật Giáo, Pháp Thân là Hóa Thân, nghĩa là cũng thuyết pháp. Lời thuyết pháp của Pháp Thân được ghi trong Đại Nhật Kinh, Kim Cang Đỉnh Kinh. Theo Hiển Giáo, Phật nhân có thể giải thích, nhưng Phật quả không thể giải thích, thời gian tu chứng Phật quả trải vô số kiếp. Theo Mật Giáo Phật quả cũng có thể giải thích, thời gian tu chứng trong một niệm hay trong hiện thế. Người tu theo Mật Giáo có thể trở thành Phật trong hiện kiếp: Họ là Hoạt Phật, Phật Sống.

- Một khía cạnh đặc biệt khác của Phật Giáo Tây Tạng và Mông Cổ là đạo lý Tulkus hay là tín ngưỡng về những Lạt Ma tái thế. Theo đạo lý này những vị Lạt Ma học hạnh kiêm bị, trước khi viên tịch thường để lại lời di chúc, huấn thị hay chứng vật cho biết mình sẽ tái sinh vào nơi nào, thời nào. Họ là những Tulkus, họ là Hoạt Phật.

- Đạo lý Tulkus giúp cho truyền thừa Phật Giáo Tây Tạng được liên tục mà giáo phái Karma Kagyu do ngài Atisa năm 1038 đề xướng, được giáo phái Gelug xử dụng để tìm Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma và những vị Lạt Ma quan trọng khác.

42. Xin cho biết về Phật Giáo Mông Cổ.

- Phật Giáo Mông Cổ liên hệ mật thiết với Phật Giáo Tây Tạng.

- Năm 1244 Sakya Pandita của Tây Tạng được hoàng tử Mông Cổ mời thăm viếng. Nhân cơ hội này Sakya Pandita đã hóa độ hoàng tử theo Phật.

- Năm 1260 khi Thành Cát Tư Hãn lên ngôi Đại Hãn, tấn phong Phagspa làm Đế Sư, rồi Quốc Sư Mông Cổ, cai trị Tây Tạng. Chế độ thần quyền Tây Tạng bắt đầu từ thời kỳ này.

- Thế tổ Hốt Tất Liệt quy y theo Phật năm 1368.

- Tam Tạng Mông Cổ dịch từ Tam Tạng Tây Tạng.

- Sau khi nhà Nguyên sụp đổ tại Trung Quốc, kéo theo sự suy thoái của Phật Giáo Mông Cổ, nhưng vào năm 1570 Phật Giáo Mông Cổ được phục hưng và được duy trì cho đến ngày nay mặc dầu chịu khá nhiều gian truân dưới chính thể cộng sản.

43. Xin cho biết về Phật Giáo Vùng Trung Á.

- Rang giới Vùng Trung Á thời cổ đại khác với ranh giới hiện tại. Vùng Trung á cổ đại là vùng thung lũng Tarim với những khu vực lân cận như Oxus và Badakshan. Về phía đông là Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, địa đầu là Đôn Hoàng, bây giờ thuộc Tân Cương. Về phía tây, vùng đồng cỏ xứ Ukraine chạy dài đến tận Lỗ Ma Ni (Romania) và Hung Gia Lợi (Hungary). Về phía bắc giáp chân núi Thiên Sơn đến tận rừng Tây Bá Lợi Á, đến đèo Hindu Kush, danh từ xưa là Tuyết Sơn, nơi nguồn sông Oxus phát xuất, về phía nam núi rừng trùng điệp, chạy suốt từ Trung Quốc đến Hắc Hải, gồm cao nguyên Tây Tạng và Ba Tư (Iran). Nói tóm lại vùng Trung Á trải dài từ phía tây Trung Quốc đến Ba Tư (Iran).

- Hiện nay khi nói đến vùng Trung Á, Nga muốn chỉ cho các nước Cộng Hòa Uzbek, Tadzhik, Turmenian, Kirghiz và Kazakh, trong khi Tây Phương, ngoài những nước kể trên còn gồm cả đông Turkerstan, Mông Cổ và Tây Tạng.

- Vùng Trung Á hiện nay, trên bình diện chính trị được chia thành 3 khu vực: Nga, Trung Quốc, và Mông Cổ. Khu vực Nga trước đây gọi là Turan, bây giờ gọi là tây Turkerstan hay Turkerstan Nga, gồm lãnh thổ của những Cộng Hòa Uzbek, Tadzhik, Turmanian, Kirghiz và phía nam của Cộng Hòa Kazakh. Khu vực Trung Á Trung Hoa, trước đây là Thổ Phồn bây giờ là vùng Tân Cương Uighur Tự Trị (Sinkiang-Uighur), phía bắc giáp Cộng Hòa Mông Cổ, phía nam giáp Kashmir và vùng đất nhỏ của A Phú Hãn (Afghanistan), phía tây và phía bắc giáp Cộng Hòa Nga. Khu vực Mông Cổ gồm Nội Mông và Ngoại Mông.

- Vào thời tiền sử, Trung Á có hai sắc dân khác chủng tộc, khác ngôn ngữ cư trú đó là dân Scythians da trắng và dân Hung Nô (Mông Cổ) da vàng.

- Trung Á là trung tâm liên lạc giữa Viễn Đông và Tây Phương, có Con Đường Tơ Lụa di ngang qua, nối liền Đông Phương với Tây Phương, là nơi tranh chấp của các sắc tộc di cư, định cư.

- Con Đường Tơ Lụa quốc tế bắt đầu từ thủ đô Trường An (bây giờ là Tây An), Trung Quốc, thuộc tỉnh Sơn Tây (Shensi) băng qua sa mạc Gobi đến Đôn Hoàng (TunHuang) rồi đến Taklamakan, xong tách thành hai Tuyến: Tuyến Bắc đi qua Hami, Turfan, Karashahr, Kucha, Aksu, Tumshuk và Kashgar đến Samarkand. Tuyến Nam qua Miran, Cherchen, Keriya, Khotan và Yarkand đến Heart và Kabul. Dọc hai tuyến đường này, tại những vương quốc kể trên, phần nhiều lấy Phật Giáo làm quốc giáo. Chư tăng Ấn Độ, Trung Á đã đến Trung Quốc hoằng truyền Chánh Pháp.

- Từ thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên đến thế kỷ thứ tám, trước khi quân Hồi tiến chiếm, Phật Giáo đã ngự trị tại A Phú Hãn, Kashmir và tại các vương quốc dọc theo hai tuyến nam bắc của Con Đường Tơ Lụa.

44. Sự đóng góp của chư Tăng Trung Á vào việc hoằng truyền đạo pháp tại Trung Quốc như thế nào?

- Từ năm 67 đến năm 420 trong số 72 đại tăng hoằng truyền Phật Đạo, phiên dịch kinh điển tại Trung Quốc, ngoài 15 vị sư người Ấn Đô, 17 vị sư người Trung Hoa, số còn lại là chư Tăng vùng Trung Á.

- Từ năm 420 đến năm 550, trong số 43 vị sư hoằng truyền chánh pháp và phiên dịch kinh điển tại Trung Quốc, ngoài 14 vị sư người Ấn Độ, còn lại đều từ Trung Á, chứng tỏ Phật Giáo đã thịnh hành tại Trung Á như thế nào, đã đào tạo những cao tăng, thạc đức ra làm sao.

- Điều đáng lưu ý là vào thời Phật Giáo thịnh hành tại Trung Á, Phật Giáo cùng Ấn Độ Giáo, Hỏa Giáo, Cơ Đốc Giáo, Mani Giáo sống chung hòa bình. Thánh thất Mani Giáo, nhà thờ Cơ Đốc Giáo cùng xây dựng trong vùng đất thiêng của Phật Giáo.

- Sau khi quân Hồi tiến chiếm Trung Á, Phật Giáo dần dần bị hủy diệt, hiện nay chỉ còn hoạt động tại Nga, Tây Tạng, Mông Cổ, Nepal, Sikkim, Bhutan, Assam, Ấn Độ, Kashmir.

45. Em không ngờ tại Nga cũng có Phật Giáo. Xin cho biết về Phật Giáo Nga.

- Phật Giáo truyền đến nước Nga vào cuối thế kỷ thứ 17, dưới thời Nga Hoàng, do những người tị nạn Mông Cổ, đặc biệt là do sắc dân Buryats. Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên bờ sông Khimmi (hay Temnik) năm 1701.

- Năm 1720 vào khoảng 150 vị sư từ Tây Tạng và Mông Cổ đến hoằng pháp.

- Tu viện Tsongol được xây cất vào năm 1740 gồm 7 ngôi chùa, tịnh xá, Phật học viện.

- Sau khi Phật Giáo được thiết lập vững vàng ở vùng Trans-Baikhal, số tự viện tăng lên rất nhiều cũng như số lượng chư tăng. Tính đến năm 1822 tại vùng này có 19 tự viện, 2,500 Lạt Ma. Đến năm 1846 có 34 tự viện, 19 tu viện và 4,500 Lạt Ma với các trường Cao Đẳng Phật Học dạy Phật học, triết học, y học, tôn giáo học, lịch sử và các bộ môn khác.

- Đại sư Dorzhiev, người Nga gốc Mông Cổ là giáo thọ của Dalai Lama XIII, là một nhà hoằng đạo đắc lực, một nhà ngoại giao tài tình.

- Với nỗ lực của đại sư Dorzhiev, sự yểm trợ của Dalai Lama và sự đóng góp tận tình của hàng Phật tử Nga, đặc biệt là những học giả nổi tiếng như V.V. Radlov, S.F. Oldenburg, E.E. Uktomsky, V.P. Schneider, N.K. Roerich, V.I. Korvich, A.D. Rudnev, F.I. Stcherbatsky… một ngôi đại tự được xây dựng tại St. Peterburg năm 1909.

- Dưới thời Stalin, Phật Giáo Nga gặp đại nạn, chư tăng bị sát hại, chùa chiền bị phá hủy, các nhà trí thức Phật Giáo hoặc bị bắt, hoặc bị xử tử. Sau khi chế độ cộng sản tại Liên Bang soviet sụp đổ, Nga chỉ còn 3 ngôi chùa và 8 vị sư, trong đó 7 vị đã trên 70 tuổi.

46. Hiện tình Phật Giáo Nga như thế nào?

- Năm 1991 một phiên họp được tổ chức tại chùa Phật Giáo ở Leningrad (bây giờ đổi lại tên cũ là St. Peterburg) gồm nhiều tổ chức Phật Giáo tham dự như Hội Phật Tử Leningrad, Cộng Đồng Phật Giáo Latvia, cộng đồng Phật Giáo Estonia, Học Viện Đại Thừa Phật Giáo, Đại Học Tartu, Cộng Đồng Phật Giáo Novosibirsk, Cộng Đồng Phật Giáo Kiev, Cộng Đồng Phật Giáo Tashkent, Thiền Phái Đại Hàn, để cùng nhau thành lập cơ cấu chung, phối hợp hoạt động Phật sự.

- Hiện nay các tổ chức Phật Giáo như Giáo Phái Liên Hoa, Hội Quốc Tế Giáo Phái Karma Kagyu, Phật Giáo Viễn Đông Đại Thừa, Giáo Phái Dzogchen, Hội Người Bạn Tây Tạng, Niệm Phật Đường Thảo Đường… đang hoạt động.

- Tại Ukraina có 7 Hội và Trung tâm Phật Giáo. Tại Kazakhstan có hai trung tâm, tại Kyrgyzstan, một trung tâm.

47. Xin cho biết tình hình Phật Giáo tại châu Âu?

- Nói một cách tổng quát hầu hết các nước Âu Châu đều có tổ chức Phật Giáo.

- Tây Phương tiếp xúc với Phật Giáo khi các quốc gia Âu Châu xâm lược Á Châu, thiết lập chế độ thuộc địa tại các quốc gia này. Phần lớn người nghiên cứu Phật Giáo đầu tiên là các quan tòa, các nhà hành chính, các giáo sĩ Cơ Đốc Giáo làm việc và truyền giáo tại phương Đông.

48. Từ thế kỷ thứ 13 đến giữa thế kỷ thừ 19, người Tây Phương đã nhìn Phật Giáo với nhãn quan như thế nào?

- Tây Phương trong thời kỳ này nhìn Phật Giáo một cách lệch lạc, chủ quan qua những bản tường trình, những bản nghiên cứu giáo lý và sinh hoạt Phật Giáo, nhưng sau đó một số học giả châu Âu đã bắt đầu tìm hiểu Phật Giáo một cách nghiêm chỉnh hơn.

49. Ai là người Âu Châu tiên phong nghiên cứu Phật Giáo?

- Triết gia Pháp Eugène Burnouf (1801-1852), người đầu tiên dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoatừ tiếng Sanscrit ra tiếng Pháp. Eugène Birnouf đã nghiên cứu các bản Kinh viết bằng tiếng Sanscrit, Pali, Tây Tạng do các nhà khảo cổ mang về Paris. Dựa vào những bản Kinh này ông đã viết cuốn Introduction à l’Histoire du Bouddhisme Indien(Giới Thiệu Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ) dày 600 trang.

- Sau Bitnouf vài chục năm, Châu Âu đã xuất hiện nhiều học giả lỗi lạc về Phật Giáo.

50. Học giả Phật Giáo Châu Âu thuộc bao nhiêu trường phái?

- Ba trường phái chính: 1/Trường phái Anh-Đức chú trọng nhiều đến kinh điển Pali. Công việc của các học giả thuộc trường phái này gắn liền với thành quả của Hội Pali Texts Society do Rhys Davids, Oldenberg, Woodward, Honer, Fairbolt, Helmer Smith điều hành và hoạt động. 2/ Trường phái Pháp-Bỉ chuyên nghiên cứu Phật Giáo Ấn Độ cả Tiểu Thừa và Đại Thừa, thông qua các bản kinh bằng tiếng Sanscrit, Tây Tạng, Trung Hoa. Những học giả uy tín thuộc trường phái này là Wallé Poussin, Sylvain, Lamotte, và Lévy. 3/Trường phái Nga với các học giả tiêu biểu như Stcherbatsky, Rosenberg và Obermiller, chuyên nghiên cứu tư tưởng Phật học Ấn Độ, Tây Tạng.

51. Phật Giáo đến Âu Châu trải qua bao nhiêu thời kỳ?

- Ba giai đoạn: 1/ Giai đoạn đầu từ giữa thế kỷ thứ 19 đến gần cuối thế kỷ thứ 19, gọi là giai đoạn chuẩn bị. 2/Giai đoạn hai từ cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, gọi là giai đoạn thích ứng. Vào thời kỳ này Phật Giáo đã trở thành một tín ngưỡng sống động có ảnh hưởng sâu sắc với nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà nghiên cứu và giáo sư đại học.

- Đối với hàng trí thức Đức, nhân vật quan trọng đã tạo một bước ngoặc từ việc nghiên cứu Phật Giáo thuần túy sang hướng đề cao vai trò thực tiễn của Phật Giáo là triết gia Arthur Schopenhauer (1788-1860). Trong tác phẩm Thế Giới là Ý Chí và Biểu Tượngđược tái bản, ông đã nhận định: Phật Giáo là một tôn giáo hoàn hảo nhất của các tôn giáo trên thế giới. Sự ngưỡng mộ của ông đối với đức Phật được thể hiện qua việc ông luôn luôn mang bên mình một pho tượng Phật nhỏ cùng với tượng bán thân Immanuel Kant, thần tượng của ông.

- Tác phẩm của Schopenhauer đã ảnh hưởng ít nhất ba nhân vật tầm cỡ đến với Phật Giáo, đó là: 1/K.E. Neumann, nhà Ấn Độ học người Bỉ, người đã dịch Kinh Trường Bộ và Trung Bộ, cùng các bộ kinh khác sang tiếng Đức. 2/George Grimm và 3/Paul Duhlke, hai nhân vật hàng đầu trong phong trào cổ xúy Phật Giáo tại Đức vào đầu thế kỷ thứ 20.

- Tại Anh Edwin Arnold (1832-1904) với thi phẩm The Light of Asia(Ánh Sáng Á Châu), mô tả đức Phật như một vị anh hùng, với nhân cách dào dạt từ bi, tư duy minh triết, tạo nguồn cảm hứng kỳ diệu và sâu xa với độc giả Tây Phương.

- Phong trào Thông Thiên Học do bà Blavatsky người Nga và Đại tá Henry Olcott, người Mỹ lãnh đạo đã mang lại ảnh hưởng lớn cho Phật Giáo với hàng trí thức Âu Mỹ. Với lối diễn dịch mới về trí tuệ Phật Giáo, từ lâu bị bao phủ trong màn sương thần bí, các nhà Thông Thiên Học đã mang lại cho những người quan tâm đến Phật Giáo một niềm tin vững chắc hơn về tôn giáo này.

- Từ sự say mê giáo lý Phật Giáo, một số người thích phiêu lưu và không thoả mãn với trí thức sách vở đã đến Phương Đông tìm hiểu cội nguồn Phật Giáo. Một số người dâng hiến trọn đời mình cho lý tưởng giải thoát, trong đó có hai nhân vật tiên phong là Ananda Metteya người Anh và Nyanatiloka, người Đức. Năm 1901, Thượng Tọa Nyanatiloka đã xây dựng một tu viện tại Sri Lanka để đào tạo các vị tu sĩ Phật Giáo phương Tây.

- Tại Âu Châu vào đầu thế kỷ thứ 20, các tổ chức Phật Giáo bắt đầu hình thành và phát triển.

- 3/Giai đoạn phát triển thứ ba của Phật Giáo Châu Âu bắt đầu từ những năm 1960 và kéo dài cho đến ngày nay, được gọi là giai đoạn phổ cập: Phật Giáo đã thu hút nhiều người Châu Âu thuộc mọi thành phần. Phật Giáo Việt Nam hiện diện vào thời điểm này. Con số tín đồ Phật Giáo gia tăng nhanh chóng. Phật Giáo được xem là một trào lưu văn hoá phù hợp nhất đối với xã hội hiện đại, có sức cảm hóa rất lớn đối với hàng thương gia, các nhà vật lý, các ngôi sao thể thao, các diễn viên điện ảnh, các ca sĩ danh tiếng.

- Sự chuyển hướng của Phật Giáo Tây Phương từ gian đoạn hai sang giai đoạn hiện tại xuất phát từ hai yếu tố chính: Thứ nhất là công lao hoằng hóa của các vị đại sư Nhật Bản, Tây Tạng, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan; thứ hai sự trở về của các vị cư sĩ và tu sĩ Tây Phương sau nhiều năm tu học tại các quốc gia Phật Giáo Á Châu. Từ những năm 1980 các vị giáo thọ Tây Phương xuất hiện. Một đặc điểm khác là tín đồ Phật Giáo Âu Châu hướng đến việc hành trì hơn là giáo lý.

52. Xin cho biết qua hiện tình Phật Giáo tại Pháp.

- Hiện nay tại Pháp có trên 5 triệu tín đồ Phật Giáo, trong đó 75 % theo Phật Giáo Tây Tạng, trên 10,000 theo Phật Giáo Nhật Liên Tông (Sokka Gakkai). Ursula Gauthier đã làm một bản nghiên cứu về tân tín đồ Phật Giáo, cố tìm hiểu thành phần, động cơ và tính năng động của phong trào Phật Giáo tại Pháp.

- Bà Marie, một nghệ sĩ 40 tuổi, một tân Phật tử đã vui sướng tuyên bố: Tôi đã tìm thấy quanh mình nhiều tha nhân tuyệt vời hơn lúc trước. Từ một năm nay, bà thường lui tới thiền viện Rigpa, làm công quả, tìm thấy hướng đi và vị trí của mình. Thưở thanh niên bà rất sùng mộ Chúa Jesus, đã có ý định vào dòng tu. Bà đã nghiên cứu Lão Tử, Khổng Tử, Vệ Đà, Kinh Thánh… Cuối cùng bà gặp đức Dalai Lama, người mà bà hết sức sùng kính.

- Alain, một thương gia, ba năm trước đã đau khổ vì cuộc tình duyên đổ vỡ, đã đến nương nhờ cửa Phật một thời gian tại thiền viện Karmaling, ở Savoie. Alain tâm sự: thiền đã giúp tôi bỏ dục niệm. Tôi học tập cách nhận chân đức khiêm cung và chính trực… Tôi đã nương thân nơi cửa Phật, sống trong giáo luật và sống cùng Tăng chúng.

- Thiền sư Eric Rommeluère, một trong những “Phật Tử trí thức”, thường băn khoăn suy ngẫm về tương lai Phật Giáo Âu Châu. Năm 19 tuổi Eric xuất gia, sống trong một thiền viện, 20 năm sau ngài trở thành một thiền sư nổi tiếng, Phó Viện Trưởng Đại Học Phật Giáo Âu Châu. Ngài tâm sự: Ở Pháp, đa số các trung tâm Phật Giáo đều góp nhặt những nghi thức Á Đông, khiến cho sự hành đạo mang đặc tính dân gian… Chúng ta có nên khai sinh một tông phái Phật Giáo với một hệ thống chắp vá hay không?... Các bậc tôn đức của Phật giáo phải tìm phương thức hiện đại hóa Phật Giáo mà không xa lìa cội nguồn. Nếu không Phật Giáo Tây phương sẽ trở nên một bộ môn kỹ thuật dưỡng sinh, như những gì đã xảy ra đối với Yoga trước đây.”

53. Tại Pháp có bao nhiêu trường đào tạo Tăng Ni, Phật Tử?

- Có 3 trung tâm đào tạo Tăng Ni, Phật Tử tại Pháp: 1/Thiền thất tại Montreuil dành cho hàng nữ tu theo phái Tào Động (Soto). 2/Tu viện Dhagpo, thuộc phái Karmakagyu Tây Tạng, nơi đào tạo 120 người Âu Châu, gồm nam và nữ. 3/Đại Học Phật Giáo Âu Châu, nơi đào tạo Tăng Ni và Phật Tử.

- Ngày 17/5/1999 Đại Đức Jean Francois Bergerin, người Pháp cùng 40 Tăng Ni sinh và 200 Phật Tử dự lễ khai móng xây cất ngôi nhà mới cho Tăng Ni sinh thuộc Tu Viện Nalanda, Pháp Quốc.

- Năm 1996 Trung Tâm Phật Giáo Ganden Kathchen Ling Marseilles, do nữ cư sĩ Danielle Froment hỗ trợ được xây dựng tại Marselles, làm nơi tu học cho Phật tử Pháp.

54. Xin cho biết hiện tình Phật Giáo tại Hòa Lan (Holland).

- Hòa Lan trước đây tuy là một đế quốc thuộc địa tại Á Châu, nhưng không tiếp xúc trực tiếp với Phật Giáo mà với Hồi Giáo, vì thuộc địa của Hòa Lan tại Á Châu là Nam Dương. Tuy nhiên vào những năm 1960 người Hòa Lan tại Anh đã thường đến chùa Phật Giáo Thái Buddhapadipa tại London nghe Pháp, có ý định xây chùa và đem Phật Giáo vào Hòa Lan.

- Ngày 23/11/1973 Hội Phật Giáo Hòa Lan được thành lập, mời Hòa Thượng Jinarakkita từ Nam Dương đến Hòa Lan hoằng đạo. Hòa thượng đã cử người đệ tử của mình là Thượng Tọa Agga Jinamitto đến Hòa Lan năm 1974. Suốt thời gian một năm Thượng Tọa Jinamitto đã tích cực hoằng pháp tại Amsterdam và Le Hague.

- Năm 1977, P.Krul, một thành viên của Hội Phật Giáo Hòa Lan đã đến Nam Dương thọ giới với Thượng Tọa Jinamitto với pháp hiệu Dhamma Wranatha. Khi trở về nước Đại Đức Dhamma Wranatha đã xây dựng một ngôi chùa, thành lập Trung Tâm Phật Thừa tại Amsterdam, rồi tại Le Hague. Đại đức đi khắp Hòa Lan thuyết giảng, giảng dạy tại các trường học, phiên dịch kinh điển, viết báo, biên soạn các bộ sách Phật học. Số người quy y với Đại Đức ngày càng đông, các trung tâm Phật Giáo khác lần lượt ra đời tại nhiều thành phố Hòa Lan. Năm 1991 Hội Phật Giáo Hòa Lan mua một nông trại tại Bronneger để xây dựng tu viện Ehipassiko, năm 1994 một tu viện khác được thành lập tại Makkinga, tỉnh Friesland, nơi đào tạo Tăng Ni, Phật Tử Hòa Lan.

- Chính phủ Hòa Lan cho phép Phật Giáo Hòa Lan tổ chức phát thanh và truyền hình trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia.

55. Xin cho biết hiện tình Phật Giáo tại Ái Nhĩ Lan (Ireland).

- Phật Giáo là một trong 8 tôn giáo có mặt tại Ái Nhĩ Lan, theo truyền thống Tây Tạng, Nam Tông. Khắp Ái Nhĩ Lan hiện nay có 15 tự viện và trung tâm Phật Giáo.

- Phật Giáo được truyền vào Ái Nhĩ Lan vào đầu thập niên 1940, do các nhà truyền giáo cư sĩ người Anh thuộc Hội Thiện Hữu Giáo Hội Phương Tây (The Friends of the Western Order). Hội xây dựng một trung tâm Phật Giáo tại thủ đô Dublin năm 1944.

- Năm 1977 tu viện Samyyedzong Tây Tạng được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Akong Rimpoche, thuộc Hoàng Phái Tây Tạng, Trung Tâm Tashi Khyil được thành lập năm 1990 tại vùng Crossgar.

- Tại Glenageary một trung tâm Phật Giáo khác được thành lập năm 1976, Phật Học Viện Asanga được thành lập tại Belfast năm 1979, theo truyền thống Nam Tông.

56. Xin cho biết hiện tình Phật Giáo tại Anh.

- Anh Quốc là một trong những nước Âu Châu tiếp nhận Phật Giáo đầu tiên, với sự thành lập Hội Pali Texts Society, Hội Phật Giáo Luân Đôn (The London Buddhist Society), Chùa Phật Giáo Luân Đôn (London Buddhist Vihara).

- Nhiều trung tâm đào tạo Tăng Ni, Phật Tử được thành lập. Hội Phật Giáo Luân Đôn đã dời đến trụ sở mới, khang trang, rộng rãi hơn, để đáp ứng nhu cầu Phật sự tại Luân Đôn.

- Tổ chức Tuyên Úy Phật Giáo được thành lập năm 1985, hoạt động tích cực tại các trại giam, nhà tù, trại cải huấn, được chính phủ hoàng gia Anh tuyên dương nhiều lần.

57. Xin cho biết hiện tình Phật Giáo tại Ý

- Hiện nay tại Ý có 4 ngôi chùa, 2 tu viện, 18 trung tâm văn hóa Phật Giáo, 35 thiền viện, 6 thư viện, 3 tờ đặc san Phật Giáo, 21 Tỳ Kheo, 37 Tỳ Kheo Ni (không kể số lượng Sa Di và Sa Di Ni).

- Liên Đoàn Phật Giáo Ý(The Italian Buddhist Union), được thành lập vào thập niên 1980, cơ quan tối cao của Phật Giáo Ý, điều hành các tổ chức, đoàn thể, hội đoàn Phật Giáo ý, thành viên của Liên Đoàn Phật Giáo Âu Châu (The Europeann Buddhist Union, với 21 thành viên).

- Theo Hiến Chương, Liên Đoàn Phật Giáo Ý được lãnh đạo bởi hai Hội Đồng: Hội Đồng Cố Vấn gồm các vị Tăng Ni và Hội Đồng Điều Hành gồm hàng Cư Sĩ.

- Ngoài ra tại Ý còn có Hội Phật Di Lặc (Fondazione Maiytreya Buddha), Viện Văn Hóa Phật giáo với 6,000 Hội Viên, dưới sự lãnh đạo của một Phật tử trí thức, thuần thành, tiến sĩ Vincenzo Piga, người đã hướng dẫn phái đoàn Phật Giáo Ý tham dự Đại Hội Phật Giáo lần thứ 13 của Liên Đoàn Phật Giáo Âu Châu do Liên Đoàn Phật Giáo Pháp tổ chức từ ngày 7 đến 9 tháng 10, 1988, tại Paris, với chủ đề: Le Bouddhisme dans la culture occidentale de nos jours(Phật Giáo Trong Nền Văn Hóa Tây Phương của Thời Đại Chúng Ta). Trong kỳ đại hội này tiến sĩ Piga đã thuyết trình đề tài: Buddhist Contribution to the Interreligious Dialogue(Sự Đóng Góp của Phật Giáo cho đối thoại tôn giáo).

- Hội Thiền Học Minh Sát (Associazione Per La Meditazone Di Consaperdezza) với hàng nghìn Phật Tử thường xuyên đến hành trì thiền quán và nghe pháp. Trung Tâm Pháp Bảo (Spring of Darma Center, Chùa Santacittarama Vihara, Ni Viện Pomaia v.v… là nơi đào tạo Tăng Ni Phật Tử Ý.

58. Xin cho biết hiện tình Phật giáo tại Đan Mạch (Denmark).

- Phật Giáo được truyền đến Đan Mạch vào cuối thế kỷ thứ 19, nhờ công lao của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, trong đó nổi bật nhất là ông Rasmus Rask, người Đan Mạch đã từng đến Ấn Độ, Tích Lan học Sanscrit, Pali, dịch một số kinh sang tiếng Đan Mạch.

- Người Phật Tử đầu tiên của Đan Mạch là ông Christian Melbye, một bác sĩ, đã thành lập Hội Phật Giáo Đan Mạch (The Buddhistic Society in Denmark) năm 1921.

- Vào đầu thập niên 1960, giới thanh niên Đan Mạch quan tâm đến Phật Giáo. Một trong số đó là nhà báo, nhà bình luận chính trị, ông Erik Meier Carlsen, tu theo Phật Giáo Tây Tạng, ông Tim Pallis hành trì thiền Nhật Bản, ông Jorges Hannibal và vợ là bà Katla quy y và học Phật với một thiền sư Việt Nam.

- Tại Đan Mạch có 3 ngôi chùa lớn, 2 của người Việt, 1 của Thái Lan. Phật Tử Đan Mạch không xây chùa mà chỉ thực hiện những trung tâm tu học. Hàng trí thức và dân chúng Đan Mạch ngày càng quy ngưỡng Phật. Nhiều văn nghệ sĩ Đan Mạch đã đến với Phật Giáo như nhà văn Mechael nổi tiếng, Per Kireby Ole Palsby, một họa sĩ tài ba v.v…

59. Xin cho biết hiện tình Phật Giáo tại Hung Gia Lợi (Hungary).

- Phật Giáo là một trong 4 tôn giáo chính tại Hung Gia Lợi.

- Theo cách nhà dân tộc học và khảo cổ học, người Hung Gia Lợi đã làm quen với Phật Giáo vào thế kỷ thứ 4, thứ 5 khi quân Hung Nô tiến chiếm Âu Châu. Tiến sĩ T. Kardos trong cuốn Kỷ Nguyên của Chủ Nghĩa Nhân Bản tại Hung Gia Lợi(The Age of Humanism in Hungary) có đề cập đến Galeotti (1427-1487), nhà thơ, triết gia, nhà thiên văn nổi tiếng đã từ Ý đến Hung Gia Lợi lánh nạn dưới thời vua Matthias, tại đây ông đã viết một cuốn sách nói về đức Phật.

- Alexander Csoma de Kroros, nhà thám hiểm Hung Gia Lợi đã đến Tây Tây Tạng, so sánh từ ngữ Sanscrit, Pali và Bengali với một số tộc danh và địa danh Hung Gia Lợi.

- Tiến Sĩ Th. Duka, nhà thư mục học, trong khi nghiên cứu những từ ngữ trên của A. Csoma de Kroros cho rằng tên thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi là tên kép, ghép hai chữ Buda (Buddha) và chữ Pest, một thành phố đưọc xây dựng dọc theo hai bờ sông Danube, nơi trước đây có thể đã có một bảo tháp, một tượng Phật hay một ngôi chùa. Buda là Phật, Pest, nguyên tiếng Ba Tư, có nghĩa là cánh đồng, ý nói Cánh Đồng Phật.

- Vào thập niên 1930 các nhà Thông Thiên Học đã giúp hàng trí thức Hung Gia Lợi quan tâm đến Phật Giáo, muốn thành lập một Giáo Đoàn Phật Giáo Hung Gia Lợi. Năm 1937, 1938, một vị Tăng người Hung Gia Lợi, đạo hiệu Trắc Không (Chao Kung), tục danh Trebits Lincoln (sinh năm 1879 tại Paks, Hung Gia Lợi) tu học tại Thiên Tân, Trung Quốc, gửi thư cho bạn bè, ý muốn trở về Hung Gia Lợi thành lập Tăng Đoàn, hoằng dương Chánh Pháp, nhưng ý nguyện này không thành.

- Năm 1931, tiến sĩ Ernest Hetenyl, Chủ Tịch Hội Phật Giáo Hung Gia Lợi viếng thăm Ý Đại Lợi, đã gặp một Tăng Sĩ Phật Giáo gốc Đức hiệu là Padma. Hai vị cùng tâm nguyện tích cực hoằng truyền Phật đạo tại Hung Gia Lợi.

- Năm 1951 Hội Phật Giáo Hung Gia Lợi gia nhập phái Kim Cang do Lạt Ma Anagarika Govinda thành lập tại Ấn Độ với danh hiệu Arya Maitreya Mandala.

- Năm 1956 Hội Arya Maitreya Mandala Hung Gia Lợi đã thành lập Phật Học Viện Quốc Tế mang tên Alexander Csoma de Kroros.

- Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, Hội Phật Giáo Hung Gia Lợi năm 1992 thành lập Trường Cao Đẳng Phật Học, với số học viên 120 người.

60. Xin cho biết hiện tình Phật Giáo tại các nước khác ở Âu Châu và Đông Âu.

- Phật Giáo phát triển mạnh mẽ tại Cộng Hòa Lithuania. Nhiều chùa, tháp, trung tâm Phật Giáo mới được tạo dựng trong nỗ lực hoằng truyền chánh pháp và đào tạo nhân tài.

- Tại Tây Ban Nha (Spain), trung tâm Phật Giáo Nagarjuna Alicante vừa đưọc thành lập do Ni cô Angeles de ls Torre và cư sĩ Julia Bendito điều hành. Số người quy y ngày càng đông. Hiện nay tại Tây Ban Nha có 30 cơ sở Phật Giáo gồm chùa, thiền viện, Trung Tâm Phật Giáo, Thư Viện Phật Giáo, v.v…

- Tại Nam Tư (Yogoslavia) ngoài những cơ sở Phật Giáo sẵn có, cư sĩ Dejan Banovic cho biết sẽ thành lập một thư viện Phật Giáo tại Serbia. Thư viện dung chứa kinh sách Phật bằng nhiều thứ tiếng.

- Tại Hy Lạp nhiều khóa thiền được tổ chức dành cho trẻ em.

- Tại Kazakstan, một trung tâm Phật Giáo lấy tên là Almaty Buddhist Center được xây dựng ở thủ đô Almaty để giảng dạy giáo lý và đào tạo nhân sự Phật Giáo cho Kazakstan.

- Tại Áo (Austria) những khóa tu học Phật Pháp thường được tổ chức, dưới sự hướng dẫn của Ni cô Rita Riniker, người Thụy Sĩ.

- Tại Ba Lan (Poland) một thư viện Phật Giáo đã được thành lập với hai bộ môn quan trọng, đó là Sở Nghiên Cứu Phật Giáo và Nghiên Cứu Văn Hóa Á Đông (Department of the Buddhist Studies and Department of Far East Cultural Studies).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]