Hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm trong thân tướng nữ nhân, tay cầm bình tịnh và cành dương liễu, còn được gọi dưới danh hiệu PHẬT BÀ QUAN ÂM NAM HẢI, là 1 hình ảnh rất gần gũi với dân tộc Việt Nam vì đã được ghi đậm nét trong tâm trí của mọi người.
Bồ Tát Quán Thế Âm tiêu biểu cho đức tánh Đại Từ Bi cứu khổ nạn trong Phật giáo, giống như đức mẹ Maria được các tín đồ Thiên Chúa giáo sùng kính từ lâu nay. Cả hai vị đều thị hiện thân nữ vì nữ giới tượng trưng cho bà mẹ ban phát tình thương cho các con. Tuy 2 vị khác nhau về tướng mạo nhưng cũng đồng tâm, đó là tâm bằng cứu vớt.
Từ sau ngày 30-4-1975, có rất nhiều câu chuyện về thuyền nhân Việt Nam, khi vượt biển gập nạn được Bồ Tát Quán Thế Âm cứu thoát, những câu chuyện này đã không ngớt lưu truyền trong các giới Phật tử, khiến cho mọi người Việt Nam ngày càng thêm tin tưởng nơi tình thương cao cả Ngài.
Trong tinh thần phát huy tâm Đại Từ Bi cứu khổ cứu nạn của Ngài, chúng tôi nghĩ rằng cần phải sớm biên soạn và phổ biến 1 quyển sách trình bày đầy đủ các pháp môn mà Ngài đã từng hành trì trong vô lượng kiếp về trước để giúp cho các giới Phật tử Việt Nam từ đây có thêm phương tiện tu tập.
Pháp hệ Đại Bi Quán Thế Âm là pháp hệ được nhiều dân tộc ở Á Châu ngưỡng mộ và tu học, như ở Tây Tạng, Trung Quốc và Việt Nam, bởi lẽ nó dễ hành và dễ có kết quả. Sở dĩ nó được phổ biến rộng rãi khắp nơi từ thành thị cho đến thôn quê, từ kẻ dốt nát cho đến người trí thức lá vì nó rất thích hợp với chúng sanh đời mạt pháp, xa Phật thiếu pháp, luôn bị lôi cuốn và mê mờ trước nền văn minh khoa học vật chất. Hơn nữa, pháp Quán Thế Âm chẳng phải là 1 pháp chỉ biết nương tựa vào tự lực mà bỏ tha lực như pháp Thiền, trái lại nó lúc nào cũng phối hợp chặt chẽ 2 lực này để giúp chúng ta khắc phục được ma lực của thất tình, lục dục từ lâu đã ngự trị trong thân tâm mình. Vì thế, pháp Quán Thế Âm còn được gọi là pháp Thiền Mật song tu, được triển khai rải rác trong các kinh như Thủ Lăng Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa, nhứt là trong Tâm kinh Bát Nhã.
Tâm kinh tuy hết sức cô động, chỉ gồm có 260 chữ nhưng lại được đúc kết bằng câu đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú: << YẾT ĐẾ, YẾT ĐẾ, BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ, BỒ ĐỀ TÁT BÀ HA >> .
Câu chú ngắn gọn này sẽ được triển khai đầy đủ để trở thành Thần Chú Đại Bi Cứu khổ cứu nạn vô cùng linh hiển mà bất cứ ai, nếu biết qua công năng vi diệu của nó, cũng không thể lơ là mà không trì niệm.
Chúng tôi mong rằng quyển sách bé nhỏ này sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho quý độc giả trong những năm còn lại của thế kỷ 20, nhưng đã và sẽ ghi nhận những biến cổ lịch sử lớn nhứt có tính cách quyết định về tương lai của nhân loại.
Tuy nhiên, trong tinh thần cầu tiến, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được những lời chỉ giáo của các bậc cao minh về những sơ sót, khuyết điểm có thể tìm thấy trong quyển sách nhỏ này. Khi có dịp, chúng tôi sẽ dựa theo đó để tu chỉnh trong những lần tái bản về sau.
L.H. Tịnh HuệCần khải.
Mùa hè năm Nhâm Thân, 1992