Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Tiết Mục 3 : Ngộ Nhập Các Pháp Sở Tri

07/05/201312:08(Xem: 10235)
IV. Tiết Mục 3 : Ngộ Nhập Các Pháp Sở Tri

Tiết 1: Chủ Yếu Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Như vậy là đã nói sắc thái của các pháp sở tri rồi, còn sự ngộ nhập các pháp sở tri thì nên nhận thấy như thế nào? (Chủ yếu của sự ngộ nhập là) cái ý thức[89]được đa văn huân tập, sự huân tập không thuộc về a lại da mà vẫn như a lại da huân tập thành chủng tử; (cái ý thức ấy) thuộc về sự tác ý đúng lý, tạo ra nơi kiến phần của ý thức cái ấn tượng tương tự với pháp và nghĩa (của đại thừa).

Lược Giải.-

Chủ yếu của sự ngộ nhập các pháp sở tri chính là ý thức. Ý thức ấy phải có cái căn bản là, đối với đại thừa, phải học và nghĩ (đa văn huân tập và tác ý đúng lý).

Tiết 2: Tư Cách Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Nhưng ở đây ai là người có thể ngộ nhập các pháp sở tri? Là vị bồ tát có sự huân tập liên tục của sự đa văn pháp nghĩa đại thừa, đã được gặp và phụng sự vô lượng chư Phật xuất hiện thế gian, đã được cái thắng giải [90]một chiều chắc chắn, đã khéo dồn chứa các thiện căn, tức là khéo cụ bị 2 thứ tư lương phước và trí.

Lược Gải.-

Tư cách để ngộ nhập là phải có 4 lực: lực chính nhân, là có sự huân tập của đa văn đại thừa; lực thiện hữu, là được thân cận chư Phật; lực tác ý, là thắng giải chắc chắn; lực nhiệm trì, là có sức tích tập 2 loại tư lương phước và trí.

Tiết 3: Địa Vị Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Vị trí nào ngộ nhập được? Là chính cái ý thức mà kiến phần có cái ấn tượng tương tự pháp và nghĩa của đại thừa, do pháp và nghĩa của đại thừa đẳng lưu sinh ra, (cái ý thức ấy) trải qua địa vị giải hành, điểa vị kiến đạo, địa vị tu đạo và địa vị cứu cánh, đối với đạo lý các pháp duy thức nó thắng giải theo đa văn, thông suốt rất đúng lý, đối trị các chướng ngại, thoát ly các chướng ngại.

Lược Giải.-

Nhiếp luận tổng quát các bồ tát vị lai thành 4 vị. Một là giải hành vị, gọi đủ là thắng giải hành vị, gồm cả tư lương vị và da hành viể của Duy thức luận; giải hành vị có 10 tín, 10 hành, 10 hướng và 4 da hành. Hai là kiến đạo vị, Duy thức luận gọi là thông đạt vị, chỉ cho nhập tâm của Sơ địa. Ba là tu đạo vị, Duy thức luận gọi là tu tập vị, gồm có trú tâm của sơ địa cho đến xuất tâm của thập địa. Bốn là cứu cánh vị, Duy thức luận cũng gọi là cứu cánh vị, và chỉ cho Phật địa. Đoạn này có 4 địa vị ngộ nhập duy thức, tức ngộ nhập các pháp sở tri. Ngộ nhập đại khái như sau: giải hành vị thì thắng giải theo đa văn, kiến đạo vị thì thông suốt rất đúng lý, tu đạo vị thì đối trị các chướng ngại, cứu cánh vị thì thoát ly các chướng ngại.

Mục 1: Nói 3 Sự Luyện Mài

Chính Văn.-

Do yếu tố nào mà ngộ nhập được? Do sức mạnh của thiện căn nhiệm trì: do 3 sự luyện mài tâm chí và dứt bỏ 4 sự, mà vin theo pháp và nghĩa của đại thừa, chỉ và quán thường được thiết tha nỗ lực, không có phóng dật. Vô số người trong vô lượng thế giới, mỗi sát na đều có người chứng được vô thượng bồ đề, (thì ta đây cũng sẽ chứng được), đó là sự luyện mài tâm chí thứ nhất. Do ý lạc này mà tu được lục độ; ta đã có ý lạc này thì nhờ đó ta dụng công thêm chút nữa sẽ tu được viên mãn về lục độ, đó là sự luyện mài tâm chí thứ hai. Những người có điều thiện còn chướng ngại, vậy mà chết rồi vẫn được sinh ra với cái tự thể khả ái, huống chi ta có điều thiện vi diệu, không còn chướng ngại, thì tại sao lại không được kết quả viên mãn, đó là sự luyện mài tâm chí thứ ba. Ở đây có 3 bài chỉnh cú: 1. Những chúng sinh thuộc nhân loại, và thế giới của họ, đều vô lượng, trong mỗi ý nghĩ đều có người chứng được đẳng giác, vậy ta không nên thoái lui, khuất phục. 2. Những ai có cái ý lạc của tâm trí trong sạch, thì có năng lực thực hành lục độ, ta cũng đã có được cái ý lạc thù thắng ấy [91], nên ta cũng có năng lực thực hành lục độ. 3. Người làm điều thiện kém cõi mà khi chết rồi vẫn được mãn ý về sự vui thích, huống chi ta đây có cái điều thiện thù thắng do vĩnh đoạn chướng ngại, thì sự viên mãn làm sao không đạt được.

Lược Giải.-

Bồ tát trong phần đầu của giải hành vị (tức tư lương vị) hay có 3 điều thoái khuất. Một là thoái khuất vì tuệ giác rộng lớn, là nghe nói tuệ giác bồ đề tối thượng, rộng lớn, sâu xa, mà sinh tâm thoái khuất. Hai là thoái khuất vì vạn hạnh khó tu, là nghe nói vạn hạnh như bố thí rất là khó tu, mà sinh tâm thoái khuất. Ba là thoái khuất vì chuyển y khó chứng, là nghe nói 2 diệu quả chuyển y rất khó chứng được, mà sinh tâm thoái khuất. Đối trị 3 sự thoái khuất này là 3 sự luyện mài tâm chí. Thứ nhất, dẫn việc người khác đã chứng tuệ giác vô thượng mà luyện mài tâm chí. Thứ hai, ý thức về ý lạc của mình mà luyện mài tâm chí. Thứ ba, đem điều thiện thô kém của người so với cái nhân vi diệu của mình mà luyện mài tâm chí.

Mục 2: Nói 4 Sự Phải Bỏ

Chính Văn.-

(Một), dứt bỏ tác ý, là tách rời cái tác ý của thanh văn duyên giác. (Hai), vĩnh viễn dứt bỏ sự hoài nghi của cái trí tuệ khác [92], là tách rời mọi sự hoài nghi đối với đại thừa. (Ba), dứt bỏ pháp chấp [93], là tách rời ngã và ngã sở trong giáo pháp được nghe và được nghĩ. (Bốn), dứt bỏ phân biệt, là tách rời tác ý và phân biệt đối với mọi hiện tượng hiện tiền và xác lập [94]. Ở đây có 1 bài chỉnh cú: Thế giới hiện tiền mà ta tự nhiên sống với, cùng với những ảnh tượng được xác lập, người có trí thì không phân biệt, nên được tuệ giác tối thượng.

Tiết 5: Quán Trí Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Do cái gì và làm thế nào để được ngộ nhập? Do cái ý thức thuộc chủng loại đa văn huân tập và thuộc về tác ý đúng lý, mà kiến phần của nó có cái ấn tượng tương tự pháp và nghĩa, (do cái ý thức ấy mà phân thành 4 tầm tư và 4 thật trí). Bốn tầm tư là suy tìm chỉ là giả thiết về danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt [95]. Bốn thật trí là biết chắc chỉ là giả thiết về danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt [96]. Cả 4 tầm tư và 4 thật trí như vậy đồng là không thể thủ đắc. Chư vị bồ tát muốn ngộ nhập duy thức một cách đúng như sự thật, nên nỗ lực mà tu - tức là đem cái ý thức có cái ấn tượng tương tự về danh và nghĩa mà suy tìm danh chỉ là ý thức, suy tìm nghĩa dựa vào danh cũng chỉ là ý thức, suy tìm tự tánh và sai biệt của danh và nghĩa cũng chỉ là giả thiết. Bao giờ chứng được chỉ là ý thức, thì bấy giờ chứng biết danh, nghĩa, tự tánh, sai biệt, toàn là không thật, đồng là không thể thủ đắc. Như vậy, do 4 tầm tư và do 4 thật trí mà chính nơi cái ý thức có ấn tượng tương tự danh và nghĩa mà ngộ nhập được đạo lý duy thức [97].

Tiết 6: Chủ Đề Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Trong sự ngộ nhập duy thức nói trên, là ngộ nhập cái gì? ngộ nhập thế nào? (Ngộ nhập cái gì là) ngộ nhập duy thức, 2 phần và nhiều thứ [98], nghĩa là ngộ nhập danh, tự tánh của danh, sai biệt của danh, nghĩa, tự tánh của nghĩa, sai biệt của nghĩa, 6 thứ như vậy toàn là không thật, toàn là năng thủ sở thủ, toàn là nhiều thứ sự thể [99]. (Ngộ nhập như thế nào là) như trong bóng tối thì cái giây hiện ra như con rắn, nhưng trên cái giây, con rắn là không, vì nó hoàn toàn không có. Biết con rắn là không, cái biết con rắn tuy mất, mà cái biết sợi giây vẫn còn. Nếu phân tích ky?thì sợi giây cũng giả dối, vì chỉ do sắc hương vị xúc hợp thành, biết như vậy thì cái biết sợi giây cũng mất. Như thế đó, khi cái ý thức có cái ấn tượng 6 tướng về danh và nghĩa nó dẹp bỏ 6 tướng không thật, thì cái biết duy thức như cái biết sợi giây cũng sẽ loại bỏ - loại bỏ do cái biết biết về viên thành.

Tiết 7: Ngộ Nhập Sở Tri

Chính Văn.-

Vị bồ tát như vậy ngộ nhập cái ấn tượng tuồng như thật có của ý thức nên ngộ nhập biến kế, ngộ nhập duy thức nên ngộ nhập y tha, còn viên thành thì ngộ nhập thế nào? Nếu đã loại bỏ cái ý tưởng duy thức vốn thuộc chủng loại đa văn huân tập của ý thức, thì bấy giờ bồ tát đã loại bỏ ấn tượng thật có, mọi ấn tượng tuồng như thật có không thể phát sinh, nên cái ý tưởng duy thức cũng không sinh được. Vì lý do ấy mà đứng ở chỗ mọi nghĩa đều không có danh riêng, sống thích ứng với sự hiện thấy pháp tánh. Bấy giờ là bồ tát đã phát sinh cái trí bình đẳng, không phân biệt năng tri sở tri, do đó mà vị bồ tát này được gọi là ngộ nhập viên thành. Ở đây có bài chỉnh cú: Pháp, ngã, giáo pháp, nghĩa lý, đại lược, phong phú, căn bản, ô nhiễm, thanh tịnh, cứu cánh, đó là những danh hiệu gọi theo hành tướng sai biệt [100]. Như vậy là bồ tát đã ngộ nhập duy thức, nghĩa là ngộ nhập 3 tướng sở tri. Ngộ nhập như vậy là nhập vào Cực hỷ địa, đạt được pháp tánh, sinh nhà Như lai, được tâm bình đẳng đối với chúng sinh, tâm bình đẳng đối với bồ tát, tâm bình đẳng đối với Phật đà. Và đó là kiến đạo vị của bồ tát.

Tiết 8: Ích Lợi Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Vì ích lợi chân thật nào mà ngộ nhập duy thức? Do (a là) cái trí chỉ quán vô lậu vin theo tổng tướng của giáo pháp đại thừa, và do (b là) cái trí hậu đắc của trí trên, cái trí vin theo những thứ tướng thức, nên ngộ nhập duy thức để (một là) diệt trừ chủng tử vừa là nguyên nhân vừa là sở duyên nơi a lại da, (hai là) làm lớn lên những chủng tử chứng đắc pháp thân, (ba là) chuyển đổi cái sở y [101], (bốn là) chứng được toàn thể Phật pháp, (năm là) chứng được cái trí Nhất thế trí. Thêm nữa, cái trí hậu đắc nhận thức mọi tướng được nhận thức đều phát sinh từ a lại da là như ảo thuật, nhận thức không thác loạn, nên, ví như nhà ảo thuận nhìn vào những trò ảo thuật, bồ tát nhìn vào mọi tướng được nhận thức, và trình bày đạo lý nhân quả, luôn luôn không có thác loạn.

Tiết 9: Lịch Trình Ngộ Nhập

Chính Văn.-

Ở đây, khi ngộ nhập duy thức thì có 4 thứ định làm chỗ dựa cho 4 thứ thuận với phần quyết trạch [102]. Nên nhận thức thế nào? Nên nhận thức rằng: (Một là) do 4 thứ tầm tư mà trong cái nhẫn các pháp không thật [103]thuộc bậc thấp, có cái định được sáng, đó là chỗ dựa của Noãn thuận với phần quyết trạch. (Hai là) trong cái nhẫn các pháp không thật thuộc bậc cao, có cái định thêm sáng, đó là chỗ dựa của Đảnh thuận với phần quyết trạch. (Ba là) lại do 4 thứ thật trí đã ngộ nhập duy thức, đã quyết định về các pháp không thật [104], có cái định nhập vào một phần chân thật [105], đó là chỗ dựa của Nhẫn thuận với chân thật. (Bốn là) từ đó, một cách không cách hở mà dẹp bỏ ý tưởng duy thức, có cái định không còn cách hở, đó là chỗ dựa của Thế đệ nhất. Nhưng phải biết các định trên đây đang là bên cạnh hiện quán [106].

Lược Giải.-

Lịch trình quán chứng của đoạn này là như vầy. Một, ngộ nhập duy thức nên cảnh không thật: cảnh biến kế là không; đó là Noãn và Đảnh (giai đoạn tầm tư), và Nhẫn (giai đoạn ngộ nhập). Hai, ngộ nhập cảnh không nên thức không sinh: thức y tha cũng diệt; đó là Thế đệ nhất. Ba, toàn thể bình đẳng: chứng đắc viên thành; đó là kiến đạo.

Tiết 10: Địa Vị Tu Đạo

Chính Văn.-

Bồ tát như vậy là đã bước vào các địa, đã được kiến đạo vị, đã ngộ nhập duy thức; rồi trong tu đạo vị thì phải tu hành như thế nào? Đối với giáo pháp 10 địa Phật dạy, mà đã thống nhiếp các kinh và cùng hiện tiền cả, bồ tát do cả 2 phần căn bản và hậu đắc của cái trí chỉ quán vin theo tổng tướng giáo pháp ấy, luôn luôn tu tập trong vô lượng kiếp nên được chuyển y, (cùng lúc), để chứng được 3 loại thân Phật [107]nên tinh tiến tu hành.

Tiết 11: Hiện Quán Khác Nhau

Chính Văn.-

Hiện quán của thanh văn với hiện quán của bồ tát có sai khác gì? Hiện quán của bồ tát khác với hiện quán của thanh văn là do 11 thứ, nên biết như vậy. Một là do đối tượng mà khác nhau, là lấy giáo pháp đại thừa mà làm đối tượng. Hai là do nuôi giữ mà khác nhau, là do 2 loại tư lương đại phước và đại trí làm yếu tố nuôi giữ. Ba là do thông suốt mà khác nhau, là thông suốt cả nhân vô ngã và pháp vô ngã. Bốn là do niết bàn mà khác nhau, là nhiếp thọ đại niết bàn vô trú. Năm là do địa vị mà khác nhau, là xuất ly bằng 10 địa. Sáu và Bảy là do thanh tịnh mà khác nhau, là dứt sạch tập khí phiền não, là làm sạch cõi Phật. Tám là do bình đẳng mà khác nhau, là được cái tâm bình đẳng đối với mình người, sự nỗ lực thành thục chúng sinh không bao giờ ngừng nghỉ. Chín là do chỗ sinh mà khác nhau, là sinh vào nhà Phật. Mười là do thọ sinh mà khác nhau, là thường sinh trong các đại tập hội của chư Phật [108]. Mười một là do kết quả mà khác nhau, là 10 lực, 4 vô úy, 18 bất cọng, vô số phẩm chất của Phật như vậy đều được thành mãn.

Tiết 1: Chỉnh Cú Tự Làm

Chính Văn.-

Ở đây có 2 bài chỉnh cú: 1. Danh với nghĩa làm khách thể của nhau, đặc tính này nên tầm tư; tự tánh và sai biệt, 2 thứ ấy của danh và nghĩa cũng phải suy xét là duy thức và duy giả. 2. Thật trí quán sát sự không thật, chỉ có 3 loại phân biệt [109]: cái kia không thì cái này không [110], thế là ngộ nhập 3 tánh.

Tiết 2: Chỉnh Cú Dẫn Luận Phân Biệt Du Dà

Chính Văn.-

Lại có 2 bài chỉnh cú để giáo thọ, như luận Phân biệt du dà đã nói: 1. Trong định, bồ tát quán xét ấn tượng chỉ là tâm, đối cảnh đã không còn thì quán xét chỉ có tâm mình. 2. Cứ như thế ấy mà trú nơi nội tâm, nên như cái sở thủ đã không thì cái năng thủ cũng không, sau đó chạm vào sự không thủ đắc.

Tiết 3: Chỉnh Cú Dẫn Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh

Chính Văn.-

Thêm nữa, có 5 bài chỉnh cú về hiện quán, như luận Đại thừa trang nghiêm kinh nói: 1. Phước đức và trí tuệ 2 thứ tư lương ấy bồ tát khéo cụ bị một cách vô giới hạn, đối với pháp đã tư duy và khéo quyết trạch rồi thì biết ý nghĩa của pháp ấy chỉ là danh ngôn. 2. Nếu biết mọi ý nghĩa chỉ là danh ngôn, trú ở nơi đạo lý duy tâm, thì thế là hiện chứng pháp tánh [111], nên (cảnh và tâm) cả 2 phần ấy đều loại bỏ. 3. Thể hội rời tâm thì không có cảnh riêng, do đó thể hội tâm cũng không có: người có tuệ giác thấu suốt 2 cái đều không nên đứng nơi pháp tánh bất nhị. 4. Người có tuệ giác do sức mạnh của trí vô phân biệt mà thường xuyên thuận hành pháp tánh một cách cùng khắp và bình đẳng, hủy diệt cái khối lầm lỗi vấn vít, tựa như dược phẩm rất tốt tiêu tan mọi độc chất. 5. Diệu pháp Phật dạy rất khéo xác lập; hãy đặt tuệ giác và bắt rễ vào trong diệu pháp ấy, thấu hiểu ý niệm và nghĩa thú chỉ là phân biệt [112], mạnh mẽ và mau chóng mà về bến bờ của biển cả công đức.

Lược Giải.-

Có người nói 5 bài chỉnh cú này là nói 5 địa vị, diễn tả lịch trình ngộ nhập: một là tư lương đạo, hai là da hành đạo, ba là thông đạt đạo, bốn là tu tập đạo, năm là cứu cánh đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]