Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5 Phần Hỏi & Đáp

27/04/201313:55(Xem: 3146)
5 Phần Hỏi & Đáp

Tìm hiểu pháp môn niệm thọ

Thiền sư GOENKA

Người dịch: TK. Pháp thông

5

PHẦN HỎI & ĐÁP

HỏiLàm thế nào để có thể tránh được nghiệp (kammã)?

Đáp– Hãy là chủ nhân của chính tâm bạn. Toàn bộ kỹ thuật (niệm thọ) này dạy cho bạn cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của chính bạn. Nếu bạn không phải là chủ nhân của tâm bạn, thời do lề thói quen cũ, bạn sẽ tiếp tục thực hiện những hành động hay nghiệp (kamma) ấy, điều mà bạn không muốn làm. Trên phương diện tri thức bạn hiểu: “Ta không nên làm những hành động này”. Tuy vậy bạn vẫn thực hiện hành động ấy, vì bạn không làm chủ được tâm mình. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn trở thành chủ nhân của chính tâm bạn.

HỏiMục đích tối hậu của cuộc sống là gì? Tức là, mọi sự hòa hợp này rồi sẽ dẫn đến gì?

Đáp– Cuộc sống tối hậu, mục đích tối hậu, là ngay ở đây và bây giờ (ngay trong hiện tại). Nếu bạn cứ tiếp tục chờ đợi một điều gì đó trong tương lai mà không có được gì trong hiện tại, thì đây là một ảo tưởng. Nếu ngay hiện tại bạn cảm nhận được sự bình yên và hòa hợp, thì rất có khả năng bạn sẽ đạt đến mục đích, mục đích ấy không phải là gì cả ngoài sự bình yên và hòa hợp. Vì vậy hãy kinh nghiệm nó trong hiện tại, ngay trong khoảnh khắc này. Lúc ấy bạn thực sự đã ở trên chánh đạo.

Hỏi Làm thế nào một người sống đúng pháp thực sự có thể đương đầu với thế gian phi pháp (adhamma) này?

Đáp– Đừng cố gắng thay đổi thế gian phi pháp (adhammic worrld). Hãy cố gắng thay đổi cái phi pháp trong chính bạn, cái cách mà bạn đang phản ứng và tự làm cho mình đau khổ ấy. Như tôi đã nói, khi ai đó mắng chửi bạn, hãy hiểu rằng con người này đang đau khổ. Đó là vấn đề của người ấy. Tại sao lại làm cho nó thành vấn đề của bạn? Tại sao lại sinh ra nóng giận để trở nên đau khổ? Làm như thế có nghĩa là bạn không phải là chủ nhân của chính bạn, mà bạn là nô lệ của người đó. Bất cứ khi nào người đó muốn, y có thể làm cho bạn đau khổ. Bạn là nô lệ của người khác, của người đau khổ ấy. Bạn đã không hiểu Pháp. Hãy là chủ nhân của chính bạn và bạn có thể sống một cuộc sống đúng Pháp dù quanh bạn là những tình huống phi pháp.

HỏiCó con đường nào ngắn hơn không?

Đáp– Tôi phải nói đây là con đường ngắn nhất rồi; bạn phải đi vào cội nguồn của vấn đề của bạn. Và cội nguội của vấn đề nằm ở bên trong, không phải bên ngoài. Nếu bạn biết cách làm thế nào để đi vào bên trong, nếu bạn bắt đầu thay đổi một thứ ở mức căn để, thì đây là con đường ngắn nhất cho bạn để đi ra khỏi khổ đau rồi.

Hỏi Một số người (tâm) có những ô nhiễm, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc, không có vẻ gì là đau khổ xả. Xin ngài hãy vui lòng giải thích.

Đáp– Bạn đâu có đi vào tâm những người này mà biết. Một người có thể có nhiều tiền của, và những người khác có thể cảm thấy: “Thật là một con người hạnh phúc. Xem kìa, ông ta có quá nhiều tài sản”. Nhưng cái mà bạn không biết là người này không thể ngủ ngon; ông ta phải dùng đến thuốc ngủ - một con người rất khốn khổ. Đi sâu vào bên trong, bạn có thể biết được mình đau khổ như thế nào. Ở bề ngoài, bạn không thể hiểu người này người kia đau khổ hay hạnh phúc bằng cách nhìn mặt họ được. Khổ đau nằm tận sâu bên trong.

HỏiLàm thế nào để đối phó với chứng mất ngủ?

Đáp– Thiền Minh sát sẽ giúp bạn. Khi người ta không thể ngủ cho ra ngủ, nếu họ nằm xuống và quan sát hơi thở hay cảm thọ, họ có thể ngủ ngon. Cho dù họ không ngủ ngon chăng nữa, hôm sau thức dậy họ vẫn cảm thấy rất tươi tỉnh, như thể họ vừa thức giấc sau một giấc ngủ sâu vậy. Hãy thực hành. Cố gắng, và bạn sẽ thấy rằng thiền Minh sát rất hữu ích.

HỏiSự thích ứng của Pháp (Dhamma) đối với một người vô gia cư, đói rách là gì?

Đáp– Rất nhiều người sống trong những khu nhà ổ chuột đã đến dự các khóa thiền Minh sát vả thấy rằng nó rất hữu ích. Bao tử họ rỗng (đói), nhưng tâm họ cũng rất là kích động. Với cái tâm dao động như vậy, họ không thể giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của họ. Nhờ thiền Minh sát, họ biết cách làm thế nào để giữ cho tâm an tịnh và buông xả. Lúc đó họ có thể đương đầu với những vấn đề của họ và có được những kết quả khả quan hơn trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi thấy rằng, mặc dù những người sống trong những khu nhà ổ chuột này rất nghèo, song hầu hết tiền bạc họ kiếm được lại dùng để uống rượu và cờ bạc. Sau khi dự vài khóa tiền, họ thoát khỏi cờ bạc, họ thoát khỏi rượu chè, họ thoát khỏi mọi nghiệp ngập. Pháp rất lợi ích. Pháp lợi ích cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo. Pháp không có sự phân biệt nào cả.

Hỏi–? Tác động của Vipassanã (thiền Minh sát) trên các luân xa (chakras) của thân vi tế là gì

Đáp – Luân xa chẳng qua chỉ là những trung khu thần kinh trên cột xương sống. Vipassanã sẽ đưa bạn đến giai đoạn ở đây bạn có thể cảm nhận mọi hoạt động trong từng nguyên tử nhỏ bé của thân bạn. Luân xa chỉ là một phần của nó. Hoạt động này có thể được kinh nghiệm ở toàn thân.

HỏiNgài định nghĩa sự sống vĩnh hằng trong hệ thống thiền của Ngài như thế nào?

Đáp– Đây không phải là hệ thống thiền của tôi! Đây là một hệ thống thiền của Ấn Độ cổ xưa. Sự sống là vĩnh hằng, nhưng bạn phải làm cho nó thanh tịnh đã, nhờ vậy bạn sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống hữu ích hơn. Đừng cố gắng truy tìm khởi nguyên của cuộc sống, khi nào sự sống bắt đầu. Bạn sẽ được gì khi biết những điều ấy? Sự sống đang bắt đầu trong từng sát na; trái banh này đang lăn. Nó đang lăn sai hướng và bạn là một con người đau khổ. Hãy đi ra khỏi đau khổ ấy. Điều đó quan trọng hơn bất cứ chuyện gì khác.

HỏiLàm thế nào để thoát khỏi cơn giận?

Đáp– Đây là những gì thiền Minh sát sẽ dạy cho bạn. Hãy quan sát cơn giận của bạn, và bạn sẽ thoát khỏi nó. Và để quan sát cơn giận, bạn phải học cách làm thế nào để quan sát hơi thở của bạn, và làm thế nào để quan sát các cảm thọ của bạn.

HỏiNhững người hành nghề chuyên nghiệp rất ít thời gian, có thể hành thiền như thế nào?

Đáp–Thiền đối với những người hành nghề chuyên nghiệp vẫn quan trọng hơn chứ! Những người chủ gia đình, có nhiều trách nhiệm trong cuộc sống, cần hành thiền Minh sát nhiều hơn, vì họ phải đối diện với những tình huống trong cuộc sống có quá nhiều thăng trầm. Họ trở nên kích động do những thăng trầm này. Nếu họ biết minh sát, họ có thể đương đầu với cuộc sống tốt hơn. Họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, những quyết định chính xác, điều ấy sẽ rất hữu ích cho họ. Đối với các nhà chuyên nghiệp, các nhà quản trị, và những người có trách nhiệm khác, thiền Minh sát là một lợi ích lớn.

Hỏi Ngài có tin tái sanh không?

Đáp- Chuyện tôi tin hay không tin sẽ chẳng ích lợi gì cho bạn. Hãy hành thiền, và bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây bạn có thể thấy được quá khứ của bạn và bạn có thể thấy được tương lai nữa. Chỉ lúc ấy hãy tin. Đừng tin điều gì chỉ vì thầy của bạn nói như vậy. Nếu không bạn sẽ ở dưới quyền kiểm soát của vị thầy (guru), một điều đi ngược lại Pháp.

HỏiTâm là gì? ở đâu?

Đáp– Đây là những gì bạn sẽ hiểu nhờ hành Minh sát. Bạn sẽ làm một cuộc nghiên cứu phân tích về tâm cũng như về sắc thân của bạn, và sự tương quan giữa tâm và thân này.

Hỏi Chúng ta có thể làm cho người khác bình yên như thế nào?

Đáp– Hãy tự làm cho bạn bình yên đã! Chỉ khi ấy bạn mới có thể làm cho người khác bình yên được.

HỏiTôi đồng ý rằng thiền này sẽ giúp ích cho tôi, nhưng nó giải quyết các vấn đề xã hội như thế nào?

Đáp– Xã hội, suy cho cùng, chỉ là một nhóm các cá nhân họp lại. Chúng ta muốn giải quyết các vấn đề xã hội, ấy vậy mà chúng ta lại không muốn giải quyết các vấn đề của cá nhân. Chúng ta muốn bình yên trên thế giới, thế nhưng chúng ta lại không làm gì cho sự bình yên của cá nhân. Điều này làm sao có thể được? Nếu mỗi cá nhân kinh nghiệm được sự bình yên và hòa hợp, lúc ấy chúng ta sẽ thấy rằng toàn xã hội này cũng bắt đầu cảm nhận được sự bình yên và hòa hợp.

HỏiTôi không thể nào đè nén được cơn giận của mình, dù rất cố gắng.

Đáp – Đừng đè nén nó. Hãy quan sát cơn giận! Nếu bạn đè nén nó, nó càng đi vào mức sâu hơn của tâm bạn. Những phức cảm này càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn, và để thoát khỏi nó là điều rất khó. Chỉ việc quan sát cơn giận. Không đè nén, cũng không biểu lộ. Chỉ quan sát.

HỏiCơn giận và sự quan sát là đồng thời hay sự quan sát là một tiến trình khởi lên sau khi suy nghĩ?

Đáp– Không, đó không phải là sự suy nghĩ. Bạn quan sát cùng một lúc, khi cơn giận nổi lên.

HỏiNếu một người nào cố tình làm cho cuộc sống của chúng ta đau khổ. Làm thế nào để dung thứ chuyện này?

Đáp– Quan trọng hơn hết, đừng cố gắng thay đổi người khác. Hãy cố gắng thay đổi chính bạn. Một người nào đó cố tình làm cho bạn đau khổ. Song bạn trở nên đau khổ là vì bạn đang phản ứng lại điều này. Nếu bạn học được cách làm thế nào để quan sát sự phản ứng của bạn, thì không ai có thể làm cho bạn đau khổ được. Khổ đau nơi người khác nhiều cỡ nào cũng không thể làm cho bạn đau khổ được nếu bạn học cách giữ thái độ buông xả tận sâu bên trong. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn. Một khi bạn thoát khỏi khổ đau ở sâu bên trong, điều này cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến những người khác. Chính con người đang làm hại bạn cũng sẽ dần dần thay đổi.

Hỏi Phải chăng tha thứ người phạm tội là khuyến khích tội lỗi?

Đáp– Không hề khuyến khích tội lỗi. Ngăn cản người khác phạm tội, nhưng không có lòng sân hận đối với người phạm tội. Phải có lòng từ ái và bi mẫn. Người này là một người đau khổ, một người vô minh, không biết những gì mình đang làm. Họ đang tự hại bản thân và hại người khác. Vì thế bạn dùng tất cả sức mạnh của thân và lời nói của bạn để ngăn không cho người này phạm tội, nhưng với lòng từ ái và bi mẫn đối với họ. Đây là những gì thiền Minh sát sẽ dạy cho bạn.

HỏiLiệu chúng ta có được chuyển hóa hoàn toàn và hạnh phúc hoàn toàn nhờ Minh sát không?

Đáp – Đó là một tiến trình thăng tiến. Khi bạn khởi sự thực hành, bạn sẽ thấy rằng bạn đang cảm nghiệm ngày càng nhiều an vui, và cuối cùng bạn sẽ đạt đến giai đoạn được xem là hoàn toàn hạnh phúc. Bạn sẽ trở nên càng lúc càng thay đổi, và bạn sẽ đạt đến một giai đoạn được xem là hoàn toàn chuyển hóa. Đó là tiến trình thăng tiến.

HỏiChúng ta cần phải hành Minh sát bao nhiêu (giờ) trong đời sống hàng ngày?

Đáp – Hãy tham dự một khóa thiền, và lúc đó bạn sẽ hiểu cách làm thế nào để áp dụng việc thực hành trong đời sống của bạn. Nếu bạn chỉ dự một khóa thiền rồi không chịu áp dụng nó trong cuộc sống, thì Minh sát sẽ chẳng khác gì một hình thức lễ nghi tôn giáo, và sẽ không giúp gì được cho bạn. Minh sát là nhằm sống một cuộc sống tốt đẹp. Bạn sẽ hiểu cách làm thế nào để áp dụng nó trong cuộc sống sau khi dự một khóa thiền.

Hỏi Buồn khổ là gì? Nó là vấn đề ở bên ngoài, hay ở bên trong?
Đáp– Mọi vấn đề đều ở bên trong. Không có những vấn đề bên ngoài. Nếu bạn đi sâu vào bên trong và khám phá ra nguyên nhân nỗi khổ của bạn, bạn sẽ thấy rằng mọi nguyên nhân đều nằm ở bên trong bạn, chứ không phải bên ngoài. Hãy loại trừ nguyên nhân ấy, và bạn sẽ được thoát khổ.

HỏiSự khác nhau giữa Pháp (Dhamma) và bổn phận là gì?

Đáp –Bất cứ điều gì ích lợi cho bạn và ích lợi cho mọi người là bổn phận của bạn, là Pháp. Bất cứ điều gì có hại cho bạn và có hại cho mọi người không phải là bổn phận của bạn, vì nó làm tổn hại bạn và cũng làm tổn hại người khác vậy.

HỏiKhổ đau, chiến tranh và xung đột là những chuyện xưa như trái đất. Ngài có thực sự tin một thế giới hòa bình không?

Đáp– Thế đấy, dủ chỉ một vài người thoát khổ, đó cũng là điều tốt rồi. Khi bóng tối vây quanh và một ngọn đèn đã bắt đầu tỏa sáng, đó là điều tốt. Cũng vậy, nếu một ngọn đèn thành mười ngọn đèn, hay hai mươi ngọn đèn, bóng tối cũng sẽ bị xua tan đây đó. Không có gì bảo đảm toàn thế giới sẽ trở nên bình yên, song bạn tạo càng nhiều bình yên trong chính bạn bao nhiêu thời chừng ấy (bình yên) bạn đang giúp cho bình yên của thế giới.

HỏiThượng đế là ai?

Đáp – Sự thực (chân lý) là Thượng đế. Hãy tỏ ngộ chân lý và bạn sẽ thấy rõ Thượng đế.

HỏiXin Ngài hãy vui lòng giải thích sự khác nhau giữa thôi miên và thiền?

Đáp– Những kỹ thuật thiền thực sự của Ấn Độ cổ xưa hoàn toàn ngược lại với thôi miên. Một số kỹ thuật đã sử dụng hình thức thôi miên, song điều này hoàn toàn đi ngược lại Pháp (Dhamma). Pháp tạo cho bạn tinh thần tự lực. Thôi miên sẽ chẳng bao giờ làm cho bạn tự lực được. Vì thế thiền và thôi miên không đi chung với nhau.

Hỏi Vipassanã (thiền Minh sát) khác với khuynh hướng chạy trốn thực tại như thế nào?

Đáp – Minh sát là để đương đầu với thế gian. Trong thiền Minh sát không một sự chạy trốn nào được phép.

Hỏi– Có người nào đã giải thoát đang sống hiện nay không?

Đáp – Có. Minh sát là một đạo lộ thăng tiến đến giải thoát. Bạn thoát khỏi bao nhiêu bất tịnh, bạn được giải thoát chừng ấy. Và có những người đã đạt đến giai đoạn hoàn toàn thoát khỏi mọi bất tịnh.

HỏiCái nào là tốt hơn: xây dựng chùa chiền, phục vụ, giảng dayh, hay công tác ở bệnh viện?

Đáp– Mọi dịch vụ xã hội này đều quan trọng; không có gì sai với những công việc ấy. Song hãy làm chúng với sự thanh tịnh của tâm. Nếu bạn làm những dịch vụ xã hội này với một cái tâm bất tịnh, phát sinh cái tôi, nó sẽ không giúp gì cho bạn cũng chẳng giúp gì cho người khác. Hãy làm mọi việc với tâm trong sạch, với lòng từ ái, với lòng bi mẫn, và bạn sẽ thấy rằng nó đã bắt đầu giúp ích cho bạn, và nó cũng đã bắt đầu đem lại lợi ích thực sự cho mọi người.

HỏiNếu phạm một hành động tiêu cực vì lợi ích của người khác, điều đó có xấu không?

Đáp – Tất nhiên là xấu. Một hành động tiêu cực sẽ làm tổn hại bạn. Khi bạn đã tự hại mình, bạn chẳng thể nào giúp được người khác. Một người què không thể giúp một người què khác được. Trước tiên bạn phải làmcho mình lành mạnh đã, và rồi bạn sẽ thấy rằng bạn bắt đầu giúp ích cho người khác.

Hỏi – Làm thế nào để có thể tránh được những thói quen xấu như hút thuốc và nhai trầu?

Đáp– Không chỉ hút thuốc hay nhai trầu thôi, mà có rất nhiều loại nghiện ngập khác nữa. Khi thực hành Minh sát, bạn sẽ hiểu ra rằng sự nghiệp ngập của bạn thực ra không phải đối với cái chất đặc biệt ấy. Xem thì có vẻ như bạn đã nghiện thuốc, nghiện rượu, ma túy, hay nghiện trầu, nhưng thực tế là bạn đã nghiệm một cảm giác (thọ) đặc biệt trong thân. Khi bạn hút thuốc có một cảm giác trong thân. Khi bạn nhai trầu, có một cảm giác trong thân. Khi sử dụng ma túy, có một cảm giác trong thân. Tương tự, khi bạn nghiện tham hay sân cũng vậy, những điều này cũng liên hệ đến những cảm giác của thân. Nghiện của bạn là đối với các cảm giác hay cảm thọ. Nhờ hành Minh sát, bạn sẽ thoát khỏi thói nghiện ngập đó. Bạn cũng thoát khỏi mọi sự nghiện ngập ở bên ngoài nữa. Đó là điều rất tự nhiên, rất khoa học. Hãy thử đi, và bạn sẽ thấy nó công hiệu như thế nào.

HỏiChỉ có con người là đau khổ? Còn những chúng sanh khác sống một cuộc sống hòa hợp phải không?

Đáp – Khổ ở khắp mọi nơi, nhưng những chúng sanh khác không thể thoát ra khỏi khổ đau vì chúng không thể quan sát thực tại trong tự thân chúng. Thiên nhiên – hay nếu bạn muốn gọi là “Thượng đế Toàn năng” cũng được – đã ban sức mạnh kỳ diệu này duy nhất cho con người, để quan sát thực tại trong tự thân và thoát khỏi khổ đau. Hãy tận dụng sức mạnh kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta đó.

HỏiLiệu một người tâm trí chậm phát triển có thể lấy lại việc kiểm soát bản thân nhờ thiền Minh sát không?

Đáp– Điều đó còn tùy. Nếu người ta có thể hiểu những gì đang được dạy, chứ không có pháp thuật, hay phép lạ nào trong kỹ thuật (Minh sát). Minh sát là một sự luyện tập tinh thần. Tỷ như bạn thực hiện những bài tập thể dục khác như thế nào, ở đây bạn cũng thực hiện những bài tập tinh thần này như vậy. Ít nhất người ta cũng phải có đủ tri thức để hiểu việc luyện tập này là gì, và rồi thực hành nó. Có một số người đã được giúp đỡ, song chúng tôi không nói rằng mọi người đều sẽ được giúp đỡ như vậy.

HỏiNếu như việc thực hành Pháp được xem là điều cần thiết, chúng ta có thể đương đầu với phi pháp (Adhamma) kể như một phản ứng đối nghịch và tương đươngkhông?
Đáp– Có. Khi bạn khởi sự hành Pháp, thì Phi pháp có mặt. Những sức mạnh của Phi pháp, sự rung động của Phi pháp – bạn phải chiến đấu với chúng. Nhưng bạn phải có sức mạnh. Cuối cùng thì Pháp (Dhamma) sẽ thắng. Nếu bạn hiểu Pháp là gì, và nếu bạn hiểu cách áp dụng Pháp trong chính bản thân, thì mọi Phi pháp sẽ bị đánh bại – không có gì hoài nghi về điều đó.

HỏiNgài luôn luôn lên án chủ nghĩa nghi thức. Nhưng có gì sai đối với việc bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn của chúng ta chứ?

Đáp– Không có gì sai với điều đó cả. Tôn kính và tri ân không phải là những nghi thức. Được xem là nghi thức khi bạn không hiểu những gì bạn đang làm; hay khi bạn làm điều gì chỉ vì người nào đó yêu cầu bạn phải làm. Nếu tận sâu bên trong bạn hiểu: “Tôi đang tỏ lòng tôn kính đối với một vị thần hay nữ thần đặc biệt nào đó”. Lúc đó hãy xem: Những nữ thần đó là gì? Ta có đang tỏ lòng kính trọng thực sự đối với vị thần hay nhữ thần ấy bằng cách phát triển chính những đức tính đó trong tự thân ta hay không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn đang làm những hành động này với sự hiểu biết, và sự tôn kính, tri ân ấy không phải là những nghi lễ hay nghi thức. Nhưng nếu bạn thực hiện một điều gì một cách máy móc, lúc đó nó trở thành một nghi lễ hay nghi thức.

HỏiSự sống sau khi chết là gì?

Đáp– Mỗi sát na con người ta đang sanh, và mỗi sát na con người ta cũng đang chết. Hãy hiểu rõ tiến trình sống và chết ấy. Sự hiểu biết này sẽ làm cho bạn an vui, và bạn cũng sẽ dễ dàng hiểu những gì xảy ra sau khi chết.

HỏiLàm thế nào để bẻ gãy phi pháp (adhamma)?

Đáp– Hãy phát triển Pháp, và phi pháp sẽ bị bẻ gãy.

HỏiNgài có phải là người vô thần không?

Đáp– (cười) Nếu “vô thần” bạn muốn nói là người không tin nơi Thượng đế, thì không, tôi không phải là người vô thần. Tôi tin nơi Thượng đế. Nhưng đối với tôi, Thượng đế không phải là một nhân vật tưởng tượng. Đối với tôi, chân lý là Thượng đế. Sự thực tối hậu là Thượng đế tối hậu.

Hỏi Có một Thượng đế sáng tạo ra quả đất không?

Đáp– Tôi không thấy một đấng Thượng đế như vậy. Nếu bạn thấy Thượng đế, bạn cứ tự nhiên tin. Còn tôi, chân lý là Thượng đế, quy luật tự nhiên là Thượng đế, Pháp là Thượng đế, và mọi vật đang tiến triển vì Pháp, vì quy luật tự nhiên.Nếu bạn hiểu điều này, và sống hợp với quy luật của Pháp, là bạn đã sống một cuộc sống tốt đẹp. Dù bạn tin Thượng đế hay không tin thượng đế, không có gì quan trọng.

HỏiLàm thế nào để có thể thoát khỏi những mặc cảm tự ti hoặc tự tôn.

Đáp– Đây là những gì Vipassanã (Minh sát) làm. Mỗi mặc cảm là một bất tịnh của tâm. Khi bất tịnh ấy lên đến bề mặt, bạn quan sát nó. Bạn quan sát nó, và nó diệt mất. Khi bạn đè nén nó, nó sẽ sinh sôi nảy nở. Khi bạn bộc lộ nó, nó sẽ làm tổn hại người khác. Vì thế không bộc lộ cũng không đè nén. Chỉ quan sát, Vipassanã sẽ giúp bạn quan sát.

HỏiTại sao chúng ta lại chỉ làm việc với hơi thở thôi?

Đáp– Hơi thở là sự thực. Hơi thở liên quan đến tâm và thân (danh – sắc) của bạn, và ngay ở đây bạn làm một cuộc nghiên cứu phân tích về tâm và thân (vật chất). Vì thế bạn hãy khởi sự với hơi thở, và rồi đi vào một mức độ sâu hơn của tâm và vật chất.

HỏiĐể sống một cuộc sống chánh trực, chúng ta không cần đến năng lực của Thượng đế sao?

Đáp–Năng lực của Thượng đế là năng lực của Pháp. Pháp là Thượng đế. Khi bạn sống với sự thực, khi bạn sống với Pháp, là bạn sống với Thượng đế vậy. Hãy phát triển năng lực của Thượng đế ấy trong chính bạn, bằng cách tịnh hóa tâm của bạn.

Hỏi Tôi là một người nặng về cảm xúc, nhạy cảm và luôn luôn đầy ắp những lo âu. Liệu có thể vượt qua được những điều này bằng Vipassanã không?

Đáp– Tất nhiên. Đây là mục đích của Vipassanã – giải thoát bạn khỏi mọi khổ đau. Lo lắng và lo nghĩ là những nỗi khổ lớn nhất, sở dĩ chúng có mặt là vì một vài bất tịnh nằm sâu trong bạn, chúng sẽ trồi lên và diệt. Dĩ nhiên phải mất thời gian. Giải thoát không liên quan gì đến pháp thuật, không liên quan gì đến quyền lực của minh sư. Không một vị minh sư (guru) nào có thể dặt tay lên đầu bạn và làm cho bạn trở thành một người giải thoát được – KHông ai có thể làm được gì gì cả. Một người nào đó sẽ chỉ cho bạn con đường (Đạo lộ). Bạn phải tự mình thực hiện sự giải thoát của bạn. Bạn phải bước đi trên Đạo lộ.

HỏiNgài có thấy được những tiền kiếp của ngài không?

Đáp– Mỗi sát na tôi đang chết, mỗi sát na tôi đang mang một hình thức sanh mới. Tiến trình này đang diễn tiến, và tôi vẫn tiếp tục quan sát nó.

HỏiTôi phải đối phó như thế nào trước tình huống bị người khác chửi rủa, đánh đá, và xem thường trước mặt nhiều người.

Đáp– Trước mặt nhiều người hay một mình, điều đó có gì khác? Nếu ai đó chửi rủa bạn, ai đó lăng mạ bạn, tại sao lại phản ứng? Khi bạn bắt đầu phản ứng, bạn bắt đầu làm hại bản thân bạn. Khi người đó lăng mạ bạn, là y muốn làm cho bạn đau khổ. Vì thế bạn nói: “Được rồi, mi muốn cho ta đau khổ hả? Bắt tay! Ta sẽ đau khổ (ta sẽ giữ đau khổ). Mi muốn làm cho ta đau khổ một lần, nhưng ta sẽ tiếp tục đau khổ trong hàng giờ, hoặc trong nhiều ngày”. Cái gì sẽ diễn ra? Bạn đang làm gì? Bạn đang tự hại bạn. Điều này sẽ trở nên rất rõ ràng nhờ hành thiền Minh sát.

HỏiSự quan sát không chọn lựa là thế nào?

Đáp– Điều đó có nghĩa là không làm gì cả. Các pháp cứ việc xảy ra, và bạn đang quan sát. Đừng áp đặt tín ngưỡng này hay tín ngưỡng nọ vào đó, đừng áp đặt giáo điều này hay triết lý nọ vào đó. Đừng áp đặt điều gì cả, đừng tạo ra điều gì cả, hãy để mọi việc xảy ra trong bạn một cách tự nhiên. Bất cứ điều gì xảy ra trong bạn một cách tự nhiên đều là sự thực, và sự thực là Thượng đế.

Hỏi Gì là sự khác nhau giữa Vipassanã và định (sự tập trung)?

Đáp– Vipassanã hay Minh sát không chỉ là sự tập trung. Minh sát là quan sát (quán) sự thực từ sát na này đến sát na khác. Bạn phát triển khả năng chánh niệm và sự chú ý của bạn. Mọi việc cứ tiếp tục thay đổi, còn bạn vẫn giữ niệm: đây là Minh sát. Nếu bạn chỉ tập trung trên một đối tượng, có thể là một đối tượng tưởng tượng, thì sẽ không có gì thay đổi cả. Khi bạn sống với sự tưởng tượng này và tâm bạn vẫn tập trung trên đó, bạn không phải đang quan sát sự thực. Khi bạn đang quan sát sự thực, nó buộc phải thay đổi. Nó cứ tiếp tục thay đổi và bạn vẫn cứ duy trì niệm hay cái biết về nó, về sự thay đổi này. Đây là Minh sát.

Hỏi Thiền có phải là con đường hay duy nhất để đạt đến giải thoát không?

Đáp– Đúng vậy. Song chỉ chấp nhận một điều gì với niềm tin mù quáng sẽ không giúp ích gì được. Bạn phải nỗ lực thực hiện sự giải thoát của bạn. Bạn phải khám phá xem sự trói buộc nằm ở đâu, và rồi bạn phải đi ra khỏi trói buộc ấy. Đây là Vipassanã. Hãy quan sát sự trói buộc của bạn, hãy quan sát khổ đau của bạn. Lúc đó bạn sẽ tìm ra nguyên nhân thực sự của trói buộc, nguyên nhân thực sự của khổ và bạn cũng sẽ tìm ra cách làm thế nào để đoạn trừ các nhân này. Dần dần bạn cũng thoát khỏi nó. Vì thế sự giải thoát xảy ra nhờ hành thiền Minh sát.

HỏiNếu mọi người ở Ấn Độ cổ xưa đã hành pháp sao hệ thống giai cấp ngày nay vẫn còn?

Đáp– Vì họ đã quên Pháp. Khi pháp biến mất khỏi xã hội, lúc ấy hệ thống giai cấp trở nên vững mạnh. Khi có pháp, không thể có hệ thống giai cấp trong xã hội.

HỏiLàm thế nào để hoàn thành những mục đích và hoài bão của mình?

Đáp– Hãy tịnh hóa tâm bạn bằng thiền Minh sát và bạn sẽ trở thành chủ nhân của tâm bạn. Lúc đó bạn thấy rằng mọi công việc bạn làm ở thế gian sẽ thành công. Và ở mức siêu thế cũng vậy, công việc của bạn sẽ thành công. Vì thế hãy là chủ nhân của tâm bạn. Hãy làm cho tâm bạn trong sạch.

HỏiChúng tôi có thể loại trừ những ý nghĩ tham dục trong lúc nghiên cứu bằng cách nào?

Đáp– Không chỉ trong lúc nghiên cứu, mà trong mọi lúc! Dục là dục; nó là điều tai hại. Tình thường phải là tình thương trong sạch. Tình thương trong sạch là sự giao thông một chiều; bạn không mong đợi một điều gì đáp trả. Pháp, thiền Minh sát sẽ giúp chuyển hóa dục này thành tình thương trong sạch – tình thương trong sạch không có chút dấu vết của tham dục. Tình thương ấy phải tràn đầy bi mẫn.

HỏiKỹ thuật (Minh sát) này không phải là vị kỷ sao? Làm thế nào chúng tôi có thể trở nên tích cực và giúp đỡ mọi người được?

Đáp– Trước tiên bạn phải vì mình đã, bạn phải giúp cho chính bản thân bạn đã. Nếu bạn không tự giúp mình, bạn không thể giúp người được. Một người yếu không thể giúp một người yếu khác.Một người què không thể cõng một người què khác. Chính bạn cũng phải trở thành con người mạnh mẽ đã, rồi sau đó mới dùng sức mạnh này để giúp người và làm cho họ cũng được mạnh như bạn.

HỏiĐi vào đường lối chính trị một cách thân thiện để thiết lập Pháp (Dhamma) ở Ấn Độ và giải quyết những vấn đề hiện nay được không?

Đáp– Tôi đã đọc thấy trong báo chí nói rằng chính trị cần phải tách rời Pháp. Tôi hoàn toàn chống lại quan điểm này. Chính trị cần phải có đầy đủ Pháp. Ngặt nỗi là xứ sở này đã xem Pháp như là chủ nghĩa bộ phái. Chính trị phải thoát khỏi chủ nghĩa bộ phái, chứ không tách khỏi pháp. Nếu có pháp trong chính trị, nó sẽ hết sức tốt. Toàn xứ sở này sẽ trở nên rất trong sạch, rất an vui, rất bình yên.

Hỏi Làm thế nào chúng ta có thể được giác ngộ như Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Sidhãrtha Gotama) đã làm?

Đáp– Mọi người đều có thể trở nên giác ngộ. Sự giác ngộ không phải là độc quyền của Siddhãrtha Gotama. Ngài đã nói: “Trước ta, đã có rất nhiều người giác ngộ, và sau ta cũng có rất nhiều người sẽ giác ngộ”. Bất kỳ ai thoát khỏi vô minh ở mức kinh nghiệm đều là một bậc giác ngộ. Bất cứ người nào cũng có thể thực hành pháp này và trở nên giác ngộ.

HỏiNgài có nói về duyên (điều kiện, qui định). Phải chăng sự tu tập này thực sự cũng là một loại tác duyên (quy định) của tâm, dù là qui định tích cực?

Đáp– Ngược lại, đó là một tiến trình tháo bỏ các duyên. Thay vì áp đặt bất cứ điều gì trên tâm, nó tự động loại bỏ những phẩm chất bất thiện, nhờ thế chỉ còn những phẩm chất thiện, tích cực. Nhờ trừ tuyệt những tiêu cực, nó mở ra sự tích cực là tính chất căn bản của tâm thanh tịnh.

Hỏi Nhưng trải qua một thời gian, ngồi trong một oai nghi đặc biệt và hướng sự chú tâm theo một cách nào cũng là một hình thức của tác duyên chứ?

Đáp– Nếu bạn làm điều đó như một trò chơi hay một nghi thức có tính máy móc, thì đúng – bạn đã qui định tâm. Nhưng đó là sự lạm dụng Vipassanã. Khi Minh sát được thực hành đúng, nó cho bạn khả năng kinh nghiệm trực tiếp sự thực về chính bản thân bạn. Và từ kinh nghiệm này, tất nhiên sự hiểu biết sẽ phát triển và diệt mọi qui định (tác duyên) trước đó.

HỏiPhải chăng sẽ là ích kỷ khi quyên chuyện thế gian và chỉ ngồi thiền suốt ngày?

Đáp – Sẽ là ích kỷ nếu việc hành thiền này tự thân nó (bị xem) là một cáu cánh, song nó chỉ là phương tiện để đạt đến một cái tâm lành mạnh. Khi thân bạn đau đớn, bạn vào nhà thương để hồi phục sức khỏe. Bạn không đến đó suốt cả đời bạn, mà chỉ đến để phục hồi sức khỏe, sau đó bạn sẽ dùng nó trong đời sống bình thường. Cũng theo cách ấy, bạn đến một khóa thiền để lấy lại sự lành mạn tinh thần, rồi sẽ dùng nó trong đời sống bình thường vì sự tốt đẹp của bạn và vì sự tốt đẹp của người khác.

HỏiĐiềm nhiên an lạc và bình thản ngay cả khi đối diện với những khổ đau của người khác – đó chẳng phải hoàn toàn vô tình hay sao?

Đáp – Cảm thông với nỗi khổ của người khác không có nghĩa rằng bản thân bạn phải lộ vẻ buồn rầu. Thay vào đó bạn phải giữ an nhiên và quân bình để có thể hành động làm vơi nhẹ nỗi khổ của họ. Nếu bạn cũng buồn rầu, thì bạn chỉ làm tăng thêm nỗi đau buồn quanh bạn; bạn không giúp gì được người khác, mà cũng chẳng giúp được chính bạn.

HỏiTạo sao chúng ta không thể sống trong trạng thái bình yên?

Đáp– Bởi vì thiếu trí tuệ. Một cuộc sống không có tuệ là một cuộc sống ảo tưởng, là một trạng thái kích động đau khổ. Trách nhiệm đầu tiêncủa chúng ta là phải sống một cuộc sống lành mạnh, hòa hợp, tốt đẹp cho bản thân và cho mọi người. Để làm được như vậy, chúng ta phải học cách sử dụng khả năng quan sát tự thân, quan sát sự thực của chúng ta.

HỏiMục đích của cuộc sống là gì?

Đáp – Đi ra khỏi khổ đau. Con người có khả năng kỳ diệu để đi vào bên trong, quan sát thực tại, và thoát ra khỏi khổ đau. Không dùng khả năng này là bạn đã hoang phí cuộc đời bạn. Hãy dùng nó để sống một cuộc sống thực sự lành mạnh, an vui!

HỏiNgài nói về việc bị tiêu cực áp đảo. Còn bị tích cực, chẳng hạn như tình thương yêu, áp đảo thì sao?

Đáp– Cái bạn gọi “tích cực” là bản chất thực sự của tâm. Khi tâm thoát khỏi qui định, nó luôn tràn ngập tình thương – tình thương trong sạch – và bạn cảm nghe bình an và hạnh phúc. Nếu bạn loại hết tiêu cực ra, thì tích cực còn lại, sự trong sạch còn lại. Hãy để cho toàn thế gian được tràn ngập bởi tích cực này!

HỏiKhi Ngài nói về “tâm”, tôi không chắc chắn ý Ngài muốn nói gì. Tôi không thể tìm ra tâm.

Đáp – Tâm ở khắp mọi nơi, ở với từng nguyên tử. Bất cứ chỗ nào bạn cảm giác một điều gì, thì tâm có ở đó. Chính tâm cảm giác.

HỏiNhư vậy khi nói tâm Ngài không muốn nói bộ não chứ?

Đáp- Ồ không, không, không. Ở phương Tây này các bạn nghĩ rằng chỉ có trong đầu. Đó là ý niệm sai lầm.

HỏiTâm là toàn thân chăng?

Đáp – Đúng vậy, toàn thân chứa đựng tâm, toàn thân này!

HỏiNgài nói về sự kinh nghiệm của “tôi” chỉ trong những từ ngữ phủ định. Nó không có một khía cạnh xác định nào sao? Chẳng phải là có một sự kinh nghiệm của “tôi” làm ngập tràn con người với hoan hỷ, bình yên, và khoái cảm sao?

Đáp– Nhờ hành thiền bạn sẽ thấy ra rằng mọi dục lạc như vậy đều vô thường; chúng đến rồi đi. Nếu cái “tôi” này thực sự hưởng thụ chúng. Nếu chúng là những lạc thú “của tôi” thì “tôi” phải có một sự làm chủ nào đó đối với chúng. Nhưng chúng cứ việc sanh và diệt ngoài sự kiểm soát của tôi. Cái “tôi” nào ở đó?

HỏiTôi không đang nói các dục lạc mà muốn nói về những cảm giác ở một mức rất sâu.

Đáp- Ở mức đó, “tôi” không quan trọng chút nào cả. Khi bạn đạt đến mức đó, cái “tôi” đã tan ra, chỉ có sự hoan hỷ. Vấn đề cái “tôi” không phát sinh lúc đó.

HỏiThôi được, thay vì “tôi” chúng ta hãy nói đó là kinh nghiệm của một người được chứ?

Đáp– Chỉ có thọ cảm thọ; không có người cảm thọ. Mọi việc đang xảy ra. Đó là tất cả. Đối với bạn làm như phải có một cái “Tôi” cảm thọ, song nếu bạn thực hành, bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây cái tôi tan ra. Lúc đó câu hỏi của bạn sẽ biến mất.

Hỏi Tôi đến đây bởi vì tôi cảm thấy “Tôi” cần phải đến đây vậy.

Đáp– Phải! Hoàn toàn đúng. Vì những mục đích quy ước, chúng ta không thể lẩn tránh cái “tôi” hay “của tôi” được. Nhưng chấp trước vào chúng, xem chúng như là thực trong ý nghĩa tối hậu sẽ chỉ đem lại khổ đau.

Hỏi –Tôi tự hỏi không biết có người gây khổ cho chúng ta hay không?

Đáp – Không có ai gây khổ cho bạn cả. Bạn tự gây khổ cho bạn bằng cách tạo ra những căng thẳng trong tâm thôi. Nếu bạn biết cách làm thế nào để không tạo ra căng thẳng ấy, vấn đề sẽ trở nên dễ dàng cho bạn để giữ bình yên và an vui trong mọi hoàn cảnh.

HỏiCòn khi người khác làm hại ta thì sao?

Đáp – Bạn phải không để cho người khác làm điều sai trái đối với bạn. Bất cứ khi nào một người làm điều gì đó sai trái, họ làm tổn hại người khác đồng thời cũng làm tổn hại chính họ. Nếu bạn để cho người ấy làm điều sai trái,là bạn đang khuyến khích y làm bậy. Bạn phải dùng tất cả sức mạnh của bạn để ngăn chặn họ, nhưng chỉ với thiện chí, lòng bi mẫn, và cảm thông đối với người ấy. Nếu bạn hành động với sân hận hay nóng giận, thì bạn đã làm trầm trọng thêm tình huống. Tất nhiên bạn không thể có thiện chí đối với một người như vậy trừ phi tâm bạn an nhiên và bình lặng.Vì thế hãy thực hành để phát triển sự bình yên trong bạn, và lúc đó bạn có thể giải quyết được vấn đề.

Hỏi Ý nghĩa của việc tìm kiếm sự bình yên nội tại là gì khi không có sự bình yên trong thế gian này?

Đáp– thế gian có được bình yên chỉ khi nào những người trong thế gian được bình yên và hạnh phúc. Sự thay đổi phải bắt đầu với mỗi cá nhân. Nếu cánh rừng bị khô héo và bạn muốn hồi phục sự sống cho nó, bạn phải tưới nước cho mỗi cây của cánh rừng ấy. Nếu bạn muốn thế gian hòa bình, bạn cũng phải biết cách làm thế nào để chính mình được bình yên đã. Chỉ khi đó bạn mới có thể đem sự bình yên đến cho thế gian.

Hỏi Tôi có thể hiểu việc thiền sẽ giúp cho những người tâm lý không ổn định, những người khổ đau như thế nào, nhưng còn những người đã cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống, những người đã hạnh phúc, an vui rồi thì sao?

Đáp– Người nào vẫn cảm thấy thỏa mãn với những lạc thú hời hợt của cuộc sống thì không hay biết gì về những kích động sâu tận trong tâm. Người ấy bị ảo tưởng rằng mình là một người hạnh phúc, nhưng những lạc thú của họ không bền lâu, và những căng thẳng phát sinh trong vô thức vẫn tiếp tục gia tăng, để rồi có ngày sẽ xuất hiện ở mức ý thức của tâm. Khi chúng xuất hiện, cái gọi là con người hạnh phúc này trở nên khốn khổ. Thế thì tại sao không khởi sự thực hành ngay bây giờ để tránh được trường hợp đó?

HỏiNgài đang dạy (giáo lý) Đại thừa (Mahãyãna) hay Tiểu thừa (Hinãyanã)?

Đáp– Chẳng thừa nào cả. Chữ yãma thực sự có nghĩa là cỗ xe sẽ chở bạn đến mục tiêu cuối cùng, song ngày nay nó đã bị gán một cách lầm lẫn cho hàm ý bộ phái. Đức Phật chẳng bao giờ dạy một điều gì mang ý niệm bộ phái cả. Ngài dạy Pháp (Dhamma) vốn là phổ quát. Tính phổ quát này là những gì đã hấp dẫn tôi đến với những lời dạy của đức Phật, những lời dạy đã cho tôi lợi ích, và vì thế Pháp phổ quát này là những gì tôi dâng tặng cho mọi người, với tất cả từ, bi của tôi. Đối với tôi, Pháp không Đại cũng chẳng Tiểu, Pháp không thuộc bất kỳ bộ phái nào cả.

HỏiPhải chăng khổ là một phần tự nhiên của cuộc sống? sao chúng ta lại phải cố gắng để thoát khổ?

Đáp– Chúng ta đã trở nên quá hệ lụy trong khổ đến nỗi xem việc thoát khỏi nó dường như là điều không tự nhiên. Nhưng khi bạn kinh nghiệm được hạnh phúc thực sự của sự thanh tịnh tâm, bạn sẽ biết rằng đây là trạng thái tự nhiên của tâm.

HỏiPhải chăng việc kinh nghiệm về khổ có thể làm cho người ta trở nên cao quý và giúp họ phát triển nhân cách?

Đáp – Phải.Thực sự kỹ thuật này cố tình dùng khổ như một lợi khí để làm cho người ta trở thành cao quý. Nhưng nó chỉ kiến hiệu nếu bạn biết cách làm thế nào để quan sát khổ một cách khách quan. Còn nếu bạn bị dính mắc vào khổ đau của bạn, thì kinh nghiệm sẽ không làm cho bạn trở nên cao quý, bạn sẽ luôn luôn khổ đau như vậy.

Hỏi Kiểm soát những hành vi của mình không phải là một loại đè nén sáo?

Đáp - Không. Bạn học cách chỉ quan sát những gì đang xảy ra một cách khách quan thôi. Nếu người nào giận và cố gắng che đậy cơn giận của mình hay cố gắng nuốt giận, thì đúng, đó là sự đèn nén. Nhưng bằng cách quan sát cơn giận, bạn sẽ thấy rằng nó tự động diệt đi. Bạn sẽ thoát khỏi cơn giận nếu như bạn biết cách làm thế nào để quan sát nó một cách khách quan.

Hỏi Nếu chúng ta cứ quan sát bản thân, làm thế nào chúng ta có thể sống cuộc sống theo cách tự nhiên được? Vì chúng ta sẽ quá bận rộn canh chừng bản thân đến độ không thể hành động một cách tự do, hay tự ý được.

Đáp– Đó không phải là những gì người ta bắt gặp sau khi hoàn tất một khóa thiền. Ở đây bạn học cách luyện tâm vốn sẽ cho bạn khả năng quan sát tự thân trong cuộc sống hằng ngày bất cứ khi nào bạn cần phải làm như vậy. Không phải suốt cả ngày bạn phải duy trì việc thực hành với đôi mắt nhắm nghiền như vậy, mà cũng như sức khỏe bạn có được nhờ tập thể dục sẽ giúp cho bạn trong cuộc sống hàng ngày như thế nào, thì việc luyện tập tâm này cũng sẽ làm tăng sức mạnh cho bạn như vậy. Những gì bạn gọi là hành động “tự do, tự ý” thực ra là sự phản ứng mù quáng vốn luôn luôn có hại mà thôi. Nhờ học cách quan sát chính mình, bạn sẽ thấy rằng bất cứ khi nào một tình huống khó khăn phát sinh trong cuộc sống, bạn có thể giữ được sự quân bình của tâm bạn. Với sự quân bình đó bạn có thể chọn cách hành động như thế nào đó, tùy ý. Tất nhiên bạn sẽ chọn hành động thực sự, luôn luôn tích cực, luôn luôn lợi ích cho bạn và cho người khác.

HỏiKhông có những chuyện xảy ra tình cờ, hay ngẫu nhiên không có nhân nào sao?

Đáp– Không có gì xảy ra mà không có nhân. Đó là chuyện không thể có. Đôi khi những giác quan và trí lực hạn chế của chúng ta không thể thấy rõ ràng điều đó, nhưng như thế không có nghĩa rằng không có nhân.

Hỏi – Có phải Ngài cho rằng mọi chuyện trong đời đã được tiền định không?

Đáp– À, chắc chắn những hành động (nghiệp) quá khứ của chúng ta sẽ cho quả, tốt hoặc xấu. Những nghiệp ấy sẽ quyết định loại cuộc sống mà chúng ta hiện có, hoàn cảnh chung trong đó chúng ta tự biết mình. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bất cứ điều gì xảy ra đối với chúng ta đều được định trước, sắp xếp trước bởi những nghiệp quá khứ của chúng ta, và rằng không có gì khác có thể xảy ra. Không phải như thế đâu. Những nghiệp quá khứ ảnh hưởng đến dòng sống của chúng ta, hướng chúng về phía những kinh nghiệm lạc hoặc khổ. Nhưng những hành động hay nghiệp hiện tại cũng quan trọng tương đương. Thiên nhiên đã cho chúng ta khả năng để trở thành chủ nhân của những nghiệp hiện tại. Với sự làm chủ ấy chúng ta có thể thay đổi được tương lai của chúng ta.

Hỏi Nhưng chắc chắn những hành động của người khác cũng phải ảnh hưởng đến chúng ta chứ?

Đáp– Dĩ nhiên. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi người chung quanh và môi trường chung quanh, và chúng ta cũng ảnh hưởng đến họ như vậy. Chẳng hạn, nếu đa số mọi người đều ủng hộ bạo lực, lúc đó chiến tranh và sự tàn phá xảy ra, khiến nhiều người đau khổ. Nhưng nếu người ta bắt đầu tịnh hóa tâm của họ, thì bạo lực không thể nào xảy ra được. Căn nguyên của vấn đề nằm trong tâm của mỗi cá nhan, và xã hội được tạo thành bởi các cá nhân. Nếu mỗi người bắt đầu thay đổi, thì xã hội cũng sẽ thay đổi, và chiến tranh cũng như sự hủy diệt sẽ trở thành những sự kiện hiếm hoi ngay.

HỏiLàm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau nếu mỗi người phải đương đầu với những quả của nghiệp riêng của họ?

Đáp– Những ý nghiệp của chúng ta có một ảnh hưởng trên người khác. Nếu chúng ta chỉ tạo ra tiêu cực trong tâm, tiêu cực đó sẽ có một tác đọng nguy hại trên những người tiếp xúc với chúng ta. Còn nếu chúng ta tràn ngập tâm với tích cực, với thiện chí đối với người khác, thì nó cũng sẽ có một hiệu quả lợi ích trên những người quanh ta. Bạn không thể kiểm soát được những hành động hay nghiệp (kamma) của người khác, song bạn có thể trở thành chủ nhân của chính bạn để có được một ảnh hưởng tích cực trên những người quanh bạn.

HỏiTại sao được giàu sang là nhờ thiện nghiệp? Nếu vậy, có phải điều đó hàm ý rằng hầu hết những người ở phương tây là có thiện nghiệp và hầu hết nhữngngười ở thế giới thứ ba (gọi chung các nước đang phát triển) là có nghiệp xấu không?

Đáp– Chỉ riêng một mình giàu sang thôi thì không phải là một thiện nghiệp. Nếu bạn trở nên giàu sang nhưng vẫn khổ đau, sự giàu sang ấy phỏng có ích gì? Đã giàu sang mà còn có hạnh phúc, hạnh phúc chơn thực, đó mới là thiện nghiệp. Quan trọng nhất là sống an vui, dù bạn có giàu hay không.

Hỏi Chắc chắn không bao giờ phản ứng là điều phi tự nhiên?

Đáp – Nó là như vậy nếu bạn chỉ kinh nghiệm theo lề thói quen sai lầm của một cái tâm bất tịnh. Song giữ thái độ xả ly, đầy lòng từ, bi, thiện chí, hỷ, xả lai là điều tự nhiên đối với một cái tâm thanh tịnh. Hãy học cách kinh nghiệm điều đó.

HỏiChúng ta quan hệ với cuộc sống như thế nào nếu chúng ta không phản ứng?

Đáp– Thay vì phản ứng bạn hãy học cách hành động, hành động với một cái tâm quân bình. Những hành giả Minh sát không bao giờ thụ động, giống như cây cỏ. Họ biết cách làm thế nào để hành động tích cực. Nếu bạn có thể thay đổi được mô thức sống của bạn từ phản ứng sang hành động, lúc đó bạn đã đạt đến một điều gì đó rất giá trị. Và nhờ thực hành Vipassanã bạn có thể thay đổi được như vậy.

HỏiKhông thể có những loại tham thiện và sân thiện, chẳng hạn như, ghét bất công, khao khát tự do, sợ tổn thương thể chất… sao?

Đáp– Tham và sân chẳng bao giờ có thể là thiện được, chúng sẽ luôn luôn làm cho bạn căng thẳng và khổ đau. Nếu bạn hành động với tham hoặc sân trong tâm, có thể bạn có một mục đích xứng đáng nào đó nhưng bạn lại sử dụng một phương tiện không lành mạnh để đạt đến mục đích ấy. Tất nhiên bạn phải hành động để tự vệ. Bạn có thể làm điều đó do sợ hãi khuất phục, song khi làm như vậy bạn đã phát triển một mặc cảm sợ hãi mà về lâu về dài sẽ làm tổn hại bạn. Hoặc với sân hận trong tâm, bạn có thể thành công trong việc đấu tranh chống bất công, song sân hận đó sẽ trở thành một mặc cảm tâm lý có hại. Bạn phải đấu tranh chống bất công, bạn phải bảo vệ bản thân khỏi hiểm nguy, nhưng bạn có thể làm được như vậy với một cái tâm quân bình, không căng thẳng. Và theo một phương cách quân bình, bạn có thể làm việc để thành tựu một điều gì đó tốt đẹp xuất phát từ lòng từ ái đối với người khác. Sự quân bình của tâm luôn luôn lợi ích và sẽ đem lại cho bạn những kết quả tốt nhất.

HỏiCó gì sai với việc muốn những của cải vật chất để làm cho cuộc sống thoải mái hơn chứ?

Đáp– Nếu đó là một nhu cầu thực sự thiết yếu, thì không có gì sai cả, với điều kiện bạn không bị chấp trước vào đó. Chẳng hạn, bạn khát và muốn uống nước; điều đó không có gì không lành mạnh cả. Bạn cần nước vì thế bạn làm việc, có được nước, và dập tắt cơn khát của bạn. Nhưng nếu điều đó trở thành một nỗi ám ảnh, nó hoàn toàn không giúp ích gì cả; nó làm hại bạn. Bất cứ nhu cầu cần thiết nào bạn đòi hỏi phải có, hãy làm việc để có được những nhu yếu đó. Nếu bạn không có được chúng, thì hãy mỉm cười và thử lại theo cách khác. Nếu bạn thành công, lúc đó hãy thọ hưởng những gì bạn có được, nhưng không dính mắc.

HỏiCòn việc dự định cho tương lai thì sao? Ngài có gọiđó là tham ái không?

Đáp – Như trước, tiêu chuẩn (để quyết định việc ấy) là bạn có dính mắc vào dự định của bạn hay không? Mọi người phải dự phòng cho tương lai. Nếu dự định của bạn không thành công, và bạn bắt đầu than khóc, thì bạn biết rằng bạn đã bị dính mắc vào nó. Song nếu bạn không thành công và vẫn có thể mỉm cười, nghĩ rằng, “À, ta đã làm hết sức mình. Nếu ta có thất bại thì đã sao? Ta sẽ cố mà thử lại chứ!” – như vậy là bạn đang làm việc theo cách xả ly, và bạn giữ được sự an vui.

Hỏi Dừng lại Bánh xe Duyên sinh (Vòng Thập Nhị Nhân Duyên giải thích việc tử sanh luân hồi) nghe giống như việc tự tử, tự hủy diệt mình quá. Sao chúng ta lại phải muốn việc đó?

Đáp– Tìm cách hủy diệt sự sống của mình tất nhiên là có hại, cũng giống như sự tham chấp vào cuộc sống vậy. Nhưng thay vào đó ta học cách để cho (quy luật) tự nhiên làm công việc của nó, không khát vọng điều gì, ngay cả sự giải thoát.

Hỏi Nhưng Ngài nói rằng một khi chuỗi các hành (sankhã as) cuối cùng dừng lại, lúc đó sự tái sanh chấm dứt mà?

Đáp– Phải, nhưng đó là chuyện xa xôi. Hãy quan tâm đến cuộc sống hiện tại. Đừng lo chuyện tương lai. Nếu hiện tại bạn làm tốt, tương lại tự động sẽ tốt. Đương nhiên khi tất cả hành (sankhãras) có trách nhiệm cho tái sanh đã diệt, lúc đó tiến trình sanh-tử sẽ chấm dứt vậy thôi.

Hỏi – Đó không phải là sự hủy diệt, sự tận diệt sao?

Đáp– Sự hủy diệt của ảo tưởng về cái “tôi”, sự tận diệt của khổ. Đây là ý nghĩa của từ Nibbãna (Niết bàn); sự dập tắt ngọn lửa. Con người luôn luôn bị thiêu đốt trong tham, sân, si. Khi sự thiêu đốt chấm dứt, khổ đau chấm dứt. Lúc đó nhữn gì còn hại chỉ là tích cực. Nhưng để mô tả sự kiện (Niết bàn) đó bằng ngôn từ lại không thể được, vì nó nằm ngoài lãnh vực giác quan. Niết bàn phải được kinh nghiệm trong cuộc đời này; lúc đó bạn sẽ biết nó là gì. Lúc đó nỗi sợ về sự hủy diệt sẽ biến mất.

Hỏi Cái gì sẽ xảy ra với thức khi ấy?

Đáp – Tại sao lại phải lo về chuyện đó? Suy đoán về điều gì vốn chỉ có thể được kinh nghiệm, chứ không thể mô tả sẽ không ích gì cho bạn cả. Điều này sẽ chỉ kéo bạn ra khỏi mục đích thực sự, là thực hành để đạt đến đó thôi. Khi bạn đạt đến giai đoạn ấy bạn sẽ hiểu được nó, và mọi câu hỏi sẽ chấm dứt. Bạn sẽ không còn câu hỏi nào nữa! Hãy thực hành để đạt đến giai đoạn đó.

Hỏi Tại sao Ngài dạy thiền sinh thực hành ãnãpãna (hơi thở vô – ra) tập trung trên lỗ mũi thay vì trên bụng?

Đáp– Bởi vì đối với chúng ta ãnãpãna (hơi thở vô – ra) được thực hành như một bước chuẩn bị cho việc hành Minh sát (vipassanã), và trong thiền Minh sát này rất cần đến sức tập trung cực mạnh. Vùng chú tâm càng giới hạn bao nhiêu, sức tập trung sẽ càng mạnh hơn bấy nhiêu. Để phát triển sự tập trung đến mức độ này, bụng được xem là quá lớn. Thích hợp nhất là vùng quanh lỗ mũi. Đó là lý do vì sao đức Phật hướng dẫn chúng ta thực hành trên vùng (mũi) này.

HỏiTrong lúc hành niệm thở, thiền sinh có được phép đếm hơi thở, hoậc niệm “vô” khi hơi thở vô, và “ra” khi hơi thở ra không?

Đáp– Không, không nên đọc thầm liên tục như vậy. Nếu lúc nào bạn cũng thêm một từ vào niệm hơi thở, dần dần tự ấy sẽ trở nên quan trọng và rõ ràng hơn và bạn sẽ quên mất hoàn toàn hơi thở. Lúc đó dù bạn có thở vào hay thở ra bạn sẽ đọc “vào”. Dù bạn có thở ra hay thở vào, bạn sẽ đọc “ra”. Từ ấy sẽ trở thành một thứ Mantra (thần chú). Bạn chỉ việc trú với hơi thở, hơi thở trần trụi, không có gì ngoài hơi thở.

HỏiHành định (samãdhi) vì sao không đủ để giải thoát?

Đáp – Vì sự thanh tịnh tâm phát triển do định chủ yếu là bằng đè nén (năm triền cái) mà thành, chứ không phải là sự hủy diệt của các duyên. Điều đó cũng như một người làm sạch một thùng nước bùn bằng cách thêm vào một tác nhân kết tủa, chẳng hạn, phèn chua. Phèn chua khiến cho những phân tử lùn lơ lửng trong nước rơi xuống đáy thùng, để lại nước trong vắt. Tương tự, định (samãdhi) làm cho những lớp trên cùng của tâm trong sạch nhưng một lớp ô nhiễm lắng động vẫn còn trong tâm vô thức. Những bất tịnh ngủ ngầm này phải được loại trừ để đạt đến giải thoát. Và để loại trừ những bất tịnh ấy ra khỏi phần sâu thẳm của tâm, chúng ta phải hành Minh sát (Vipassanã).

HỏiQuên hẳn quá khứ và tương lai không phải là điều tai hại sao? Suy cho cùng, phải chăng đó là cách sống của loài thú? Chắc chắn người nào quên quá khứ bắt buộc phải lập lại nó (chuyện cũ tái diễn!).

Đáp– Kỹ thuật này sẽ không dạy bạn quên hẳn quá khứ hay không quan tâm đến tương lai. Nhưng lề thói quen hiện tại của tâm là luôn luôn đắm chìm trong những kỷ niệm quá khứ hoặc trong những khao khát, dự định, hoặc sợ hãi đối với tương lai, và không biết gì đến hiện tại. Thói quen không lành mạnh này làm cho cuộc sống đau khổ. Nhờ hành thiền bạn biết cách giữ một chỗ đứng vững chắc trong thực tại hiện tiền. Với căn cứ vững chắc này bạn có thể rút ra những hướng dẫn cần thiết từ quá khứ và thực hiện những dự phòng thích hợp cho tương lai.

Hỏi Tôi thấy rằng khi hành thiền, và tâm lang thang, một tham muốn khởi lên, lúc đó tôi nghĩ rằng ta không nên tham muốn, và tôi bắt đầu lúng túng vì (kỳ thực) tôi đang tham muốn. Tôi phải đối phó với việc nầy như thế nào?

Đáp – Tại sao lại lúng túng vì tham ái? Chỉ việc chấp nhận sự kiện: “Nhìn này, tham ái đang có mặt” chỉ thế thôi. Và bạn sẽ thoát khỏi nó. Khi bạn phát hiện ra tâm đã lang thang, bạn chấp nhận: “Nhìn này, tâm đã lang thang”, và tự động nó sẽ trở lại với hơi thở. Đừng tạo ra những căng thẳng vì có mặt tham ái hay vì tâm đã lang thang; nếu bạn làm thế, bạn sẽ tạo ra sự ác cảm mới. Chỉ việc chấp nhận nó. Sự chấp nhận này là đủ rồi.

HỏiTất cả các kỹ thuật thiền của đạo Phật đều đã có trong Yoga. Vậy thì cái gì là mới thực sự trong thiền do đức Phật dạy?

Đáp– Những gì được gọi là Yoga ngày nay thực sự chỉ là một sự phát triển sau đó. Patanjali1đã sống sau thời đức Phật khoảng 500 năm, và cố nhiên Yoga sũtra (hệ thống triết học Yoga) cho thấy rõ sự ảnh hưởng của những lời đức Phật dạy trong đó. Chắc chắn việc thực tập Yoga đã được biết đến ở Ấn Độ ngay cả trước thời đức Phật, và chính bản thân Ngài cũng đã thử nghiệm những cách tập Yoga ấy trước khi thành tựu sự giác ngộ. Tuy nhiên, những pháp hành này được giới hạn ở mức giới (sĩla) và định (samãdhi), cao nhất là bát thiền, một thiền chứng vẫn còn nằm trong lãnh vực kinh nghiệm giác quan. Đức Phật đã tìm ra thiền thứ chín, đó là Vipassanã (Minh sát), sự phát triển của tuệ giác sẽ đưa người hành thiền đến mục đích tối hậu nằm ngoài mọi kinh nghiệm giác quan.

HỏiTôi thấy rằng mình rất dễ khinh thường người khác. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là gì?

Đáp – Giải quyết điều đó bằng cách hành thiền. Nếu cái ngã lớn, bạn sẽ thích xem thường người khác, hạ giá trị của họ xuống và nâng giá trị của mình lên. Nhưng thiền tự nhiên sẽ làm tan cái ngã. Khi nó tan rồi, bạn có thể không còn làm bất cứ điều gì tổn thương đến người khác nữa. Hãy thực hành và vấn đề sẽ tự động được giải quyết.

Hỏi Đôi lúc tôi cảm thấy hối lỗi vì những gì mình đã làm.

Đáp –Cảm thấy hối lỗi sẽ không giúp gì cho bạn mà chỉ làm tổn hại thêm. Tội lỗi không có chỗ đứng trên đạo lộ của Pháp. Khi bạn nhận ra rằng mình đã hành động sai lầm, hãy đơn giản chấp nhận sự thực mà không cố gắng biện minh hay che dấu nó. Bạn có thể đi đến gặp một người đáng kính nào đó và nói, “Thưa ngài, tôi đã phạm lỗi lầm này. Trong tương lai tôi sẽ cẩn thận không để tái phạm nữa”. Và rồi hành thiền, bạn sẽ thấy rằng bạn có thể thoát khỏi tình huống khó khăn ấy.

HỏiTại sao chúng ta lại phải di chuyển sự chú tâm của chúng ta khắp toàn thân theo một thứ tự nhất định?

Đáp –Bởi vì bạn đang thực hành để khảo sát kỹ toàn bộ thực tại của tâm và vật chất (thân). Để làm được điều này bạn phải phát triển khả năng cảm nhận những gì đang xảy ra trong mọi phần của thân thể; không để trống phần nào. Và bạn cũng phải phát triển khả năng quan sát toàn bộ lãnh vực của cảm thọ. Đây là cách đức Phật đã mô tả việc thực hành: “Ở khắp nơi trong những giới hạn của thân vị ấy kinh nghiệm (cảm giác) cảm thọ, bất cứ ở đâu có sự sống trong thân này”. Nếu bạn để cho sự chú tâm di chuyển bừa bãi từ phần này đến phần khác, từ thọ này đến thọ khác, tất nhiên nó sẽ luôn luôn bị hấp dẫn đến những vùng có những cảm thọ mạnh hơn. Như vậy bạn sẽ bỏ qua một vài phần và không học được cách làm thế nào để quan sát các cảm thọ vi tế hơn. Sự quan sát của bạn vẫn sẽ có tính cách cục bộ, không hoàn toàn, nông cạn. Vì vậy, nhất thiết phải luôn luôn di chuyển sự chú tâm theo thứ tự.

Hỏi Làm cáchnào để chúng ta biết rằng chúng ta không đang tạo ra các cảm thọ?

Đáp– Bạn có thể tự kiểm tra mình. Nếu như bạn hoài nghi không biết những cảm thọ bạn cảm nhận có phải là thực hay không, bạn có thể tự ra cho mình hai hay ba mệnh lệnh, bằng cách ám thị. Nếu bạn thấy rằng các cảm thọ thay đổi theo mệnh lệnh của bạn, thì bạn biết những cảm thọ ấy là không thực. Trong trường hợp đó bạn phải vứt bỏ toàn bộ kinh nghiệm và khởi sự lại bằng cách quan sát hơi thở trong một thời gian nào đó. Nhưng nếu bạn thấy rằng bạn không thể điều khiển các cảm thọ, nghĩa là các cảm thọ không chịu thay đổi theo ý bạn, lúc đó bạn phải quăng bỏ hoài nghi và chấp nhận kinh nghiệm ấy là thực.

HỏiNếu những cảm thọ này là thực, tại sao chúng ta lại không cảm nhận được chúng trong cuộc sống bình thường?

Đáp- Ở mức vô thức bạn cảm nhận. Dù tâm ý thức không biết, song trong từng sat na tâm vô thức vẫn cảm nhận các cảm thọ trong thân và phản ứng lại với chúng. Tiến trình này xảy ra suốt ngày đêm. Nhờ hành thiền Minh sát bạn phá bỏ được rào cản giữa ý thức và vô thức. Bạn trở nên biết rõ mọi thứ đang xảy ra trong cấu trúc tâm – vật lý này, biết rõ mọi thứ bạn kinh nghiệm.

HỏiCố ý để cho mình cảm giác cái đau thân xác (cảm thọ khổ). Điều này sao nghe giống như chứng khổ dâm vậy? (chứng cuồng dâm thích đau khổ thân xác).

Đáp– Nó sẽ là vậy nếu như bạn được yêu cầu chỉ kinh nghiệm cái đau thôi. Nhưng thay vào đó bạn được yêu cầu là hãy quan sát cái đau một cách khách qưan. Khi bạn quan sát mà không phản ứng, tâm sẽ tự động chọc thủng qua thực tại bề ngoài của cái đau để đi vào tính chất vi tế của nó, vốn không có gì ngoài những rung động đang sanh và diệt trong từng sát na. Và khi bạn kinh nghiệm thực tại vi tế ấy, cái đau không thể làm chủ bạn. Bạn là chủ nhân của chính bạn, bạn đã thoát khỏi cái đau vậy.

Hỏi Nhưng rõ ràng cái đau có thể là do sự cung cấp máu đã bị nghẽn ở một phần nào đó của thân. Phớt lờ dấu hiệu đó có phải là sáng suốt lắm không?

Đáp– À, chúng tôi đã thấy rằng việc luyện tập này không làm tổn hại gì cả; nếu có, chúng tôi ắt sẽ không khuyên làm như vậy. Hàng ngàn người đã thực hiện kỹ thuật này. Tôi không thấy có một trường hợp nào người ta hành đúng mà bị tổn thương cả. Theo kinh nghiệm chung thì lúc ấy thân trở nên mềm mại và linh động hơn. Cái đau biến mất khi bạn biết cách đương đầu với nó với một cái tâm quân bình.

HỏiKhông thể nào thực hành Minh sát bằng cách quan sát ở bất kỳ một cưaqr nào đó trong sáu cửa giác quan, chẳng hạn, bằng cách quan sát sự xúc chạm của con mắt với cảnh sắc và của tai với âm thanh được sao?

Đáp– Tất nhiên là được. Nhưng sự quan sát đó vẫn phải liên quan đến niệm thọ. Bất cứ khi nào một xúc xảy ra ở bất kỳ căn nào trong sáu căn – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm – thì một thọ được sanh ra. Nếu bạn vẫn không biết về thọ đó, bạn đã bỏ lỡ điểm ở đây phản ứng bắt đầu. Trong trường hợp của hầu hết các căn (giác quan) xúc có thể chỉ có mặt từng lúc, nghĩa là có lúc tai bạn có thể nghe một âm thanh, có lúc không. Tuy nhiên, ở mức sâu nhất có một sự xúc chạm của tâm và vật chất trong từng sát na, liên tục làm phát sinh các cảm thọ. Vì lý do này, quan sát các cảm thọ là cách sinh động và dễ sử dụng nhất để kinh nghiệm sự thực của vô thường. Bạn nên quán triệt điều này trước khi cố gắng sát ở các căn môn khác.

HỏiNếu chúng ta chỉ chấp nhận và quan sát mọi thứ đúng nhưnó đến, sự tiến bộ sẽ xảy ra nhưthế nào?

Đáp– Tiến bộ được đo lường tùy vào việc bạn có phát triển được thái độ xả hay không. Bạn không có sự chọn lựa thực sự nào khác ngoài thái độ buông xả này, vì bạn không thể thay đổi các cảm thọ, bạn không thể tạo ra các cảm thọ. Bất cứ cái gì đến sẽ đến. Đó có thể là lạc hay khổ, thuộc loại này hay loại khác, nhưng nếu bạn duy trì được thái độ xả, chắc chắn bạn đang tiến bộ trên đạo lộ: bạn đang bẻ gãy thói quen tâm lý cũ của sự phản ứng.

HỏiĐó là lúc hành thiền, còn đối diện với cuộc sống Ngài liên hệ điều đó nhưthế nào?

Đáp–Khi vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, hãy dùng một vài giây để quan sát các cảm thọ của bạn với một tâm trí quân bình. Khi tâm an nhiên và quân bình, bất cứ quyết định nào bạn thực hiện cũng sẽ là quyết định tốt. Khi tâm không quân bình, bất cứ quyết định nào bạn thực hiện đều là một phản ứng. Bạn phải học cách thay đổi mẫu mực sống từ phản ứng tiêu cực đến phản ứng tích cực.

HỏiSẽ là thế nếu Ngài không giận hay chỉ trích, nhưng nếu Ngài thấy rằng có thể làm một điều gì đó khác hơn, theo một cách tốt hơn, lúc đó Ngài có tiếp tục và tự bộc lộ mình không?

Đáp– Có đấy. Bạn phải hành động. Sống là để hành động, bạn không được thụ động. Nhưng hành động cần phải thực hiện với một tâm trí quân bình.

Hỏi Hồi chiều tôi đã thử một tư thế ngồi (oai nghi) mới, rất dễ dàng cho việc ngồi lâu không cử động, và giữ cho lưng thật thẳng, nhưng tôi lại không cảm giác được nhiều cảm thọ. Tôi tự hỏi, liệu cuối cùng rồi các cảm thọ có đến, hay tôi nên trở lại với oai nghi cũ?

Đáp – Đừng cố gắng tạo ra các cảm thọ bằng cách cố ý chọn một oai nghi không thoải mái nào đó. Nếu đó là cách hành đúng, hẳn chúng tôi đã yêu cầu quí vị nên ngồi trên một cái giường đinh cho rồi! Những cực đoan như vậy sẽ không ích gì cả. Hãy chọn một oai nghi ngồi thoải mái sao để giữ cho thân được thẳng và để cho các cảm thọ đến một cách tự nhiên. Đừng cố gắng tạo ra các cảm thọ bằng ép buộc; cứ để chúng tự xảy ra. Chúng sẽ đến, vì chúng đã có đó. Có thể là bạn đang mong đợi những cảm thọ thuộc loại bạn đã cảm giác trước đây, nhưng có lẽ đó lại là một điều gì khác (xuất hiện).

Hỏi - Có những cảm thọ vi tế hơn trước. Trong oai nghi đầu tiên của tôi, ngồi lâu hơn một chút mà không nhúc nhích thật là khó.

Đáp –Bạn đã tìm ra một oai nghi thích hợp hơn cho bạn, như vậy là tốt rồi. Bây giờ hãy để các cảm thọ đến tự nhiên. Có lẽ những cảm thọ thô đã qua rồi và lúc này bạn phải đối phó với các cảm thọ vi tế hơn, nhưng tâm vẫn chưa đủ bén nhạy để cảm giác chúng. Để làm cho tâm bén nhạy hơn, hãy thực hành niệm hơi thở lại trong một lúc. Điều này sẽ làm cho sự tập trung của bạn trở nên tốt hơn và giúp cho tâm dễ dàng cảm giác những cảm thọ vi tế.

Hỏi Tôi nghĩ nếu các cảm thọ thô vẫn tốt hơn, vì điều đó có nghĩa là một hành (sankhãra) đã khởi lên.

Đáp– Không nhất thiết. Một vài bất tịnh xuất hiện như những cảm thọ rất vi tế. Tại sao lại mong mỏi những cảm thọ thô? Bất cứ thọ nào đến, thô hay tế, công việc của bạn chỉ là quan sát mà thôi.

Hỏi Chúng ta có nên cố gắng nhận dạng thọ nào kết hợp với phản ứng nào không?

Đáp – Đó sẽ là một sự hoang phí năng lượng vô nghĩa. Nó sẽ chẳng khác gì một người đang giặt một tấm vải bẩn cứ ngưng lại mãi để kiểm tra xem cái gì đã gây ra tửng vết bẩn trên tấm vải. Điều này sẽ chẳng giúp anh ta làm xong công việc của mình, là giặt cho sạch tấm vải. Vì mục đích này, việc quan trọng là phải có một chút xà phòng và sử dụng nó đúng cách. Nếu bạn giặt tấm vải đúng cách, mọi vết bẩn sẽ được loại trừ. Cũng vậy, bạn đã nhận miếng xà phòng Minh sát (Vipassanã); bây giờ hãy tận dụng nó để loại trừ mọi bất tịnh khỏi tâm. Nếu bạn cứ tìm kiếm những nguyên nhân sanh ra các cảm thọ đặc biệt, là bạn đang chơi một trò chơi tri thức và bạn đã quên đi tính chất vô thường (anicca), vô ngã (anatta). Trò chơi tri thức này không thể giúp bạn thoát ra khỏi khổ đau.

HỏiTôi cảm thấy bối rối không biết ai là người đang quan sát, và ai hay cái gì đang quan sát?

Đáp– Không có câu trả lời thuộc lãnh vực trí năng nào có thể làm cho bạn thỏa mãn. Bạn phải tự thẩm tra lấy cái “tôi” đang làm tất cả công việc này là gì. Ai là cái “tôi” này. Cứ tiếp tục khám phá, phân tích. Xem thử có cái “tôi” nào xuất hiện không; nếu có, hãy quan sát nó. Nếu không có gì xuất hiện, thì hãy chấp nhận, “Ồ, cái “tôi” này chỉ là một ảo tưởng”.

Hỏi Một vài loại điều kiện tâm lý không phải là tích cực đó sao? Tại sao chúng ta phải cố gắng để trừ diệt những điều kiện tâm lý tích cực ấy?

Đáp– Điều kiện (duyên) tích cực làm động cơ thúc đẩy chúng ta thực hành hướng đến sự giải thoát khổ. Nhưng khi đã đạt được mục đích ấy, mọi điều kiện, tích cực và tiêu cực, đều bỏ lại phía sau. Cũng giống dùng một chiếc bè để vượt qua sông vậy. Một khi đã qua sông rồi, ta không cần đội bè lên đầu để tiếp tục cuộc hành trình của mình để làm gì. Chiếc bè đã làm xong mục đích của nó. Bây gờ không còn cần đến nó nữa, và nó phải được bỏ lại phía sau1. Cũng vậy, người đã giải thoát viên mãn không còn cần đến các điều kiện (duyên). Chúng ta nên biết rằng, một người được giải thoát không phải vì điều kiện tích cực, mà vì sự thanh tịnh của tâm.

Hỏi –Vì sao khi mới bắt đầu hành Vipassanã chúng ta lại kinh nghiệm những cảm thọ khó chịu (khổ) và vì sao các cảm thọ dễ chịu (lạc) sau đó mới đến?

Đáp – Thiền Minh sát (Vipassanã) hoạt động nhờ trừ diệt những bất tịnh thô nhất trước. Khi bạn lau nhà, trước hết bạn quét gom tất cả những rác rưởi và đất cục trước, sau đó cứ mỗi lần quét bạn lại gom những bụi đất càng lúc càng mịn hơn. Trong việc hành Minh sát cũng vậy. Trước hết những bất tịnh thô của tâm bị loại trừ và còn lại những bất tịnh vi tế xem có vẻ như những cảm thọ lạc. Cái nguy chính là ở chỗ khởi tham đối với những cảm thọ lạc này. Vì vậy bạn phải thận trọng không nên xem kinh nghiệm giác quan khổ lạc ấy như mục tiêu cuối cùng. Bạn phải tiếp tục quan sát từng cảm thọ một cách khách quan để trừ diệt mọi phản ứng có điều kiện.

HỏiNgài nói rằng chúng ta có tấm vải dơ cần phải giặt, và cũng có xà phòng để giặt nó. Hôm nay tôi cảm thấy hầu như tôi sắp hết cả xà phòng rồi! Sáng nay việc thực hành của tôi rất có kết quả, nhưng đến chiều thì tôi cảm thấy thực sự tuyệt vọng và giận dữ, tôi nghĩ “Ôi có ích gì chứ!”. Làm như khi tâm thiền càng mạnh, thì một kẻ thù bên trong – có lẽ là cái tôi – ngang ngửa với sức mạnh ấy và hạ tôi đo ván. Lúc đó tôi cảm thấy mình không có đủ sức mạnh để chống trả lại nó. Có cách nào tránh né để khỏi phải chiến đấu vất vả như vậy không, có cách nào khôn ngoan hơn để giải quyết vấn đề đó không?

Đáp– Hãy giữ tâm xả; đó là cách khéo léo nhất. Những gì bạn đã kinh qua là hoàn toàn tự nhiên. Khi việc hành thiền đối với bạn dường như đang diễn tiến tốt, tâm đã được quân bình, và nó thể nhập sâu vào phần vô thức. Do sự hoạt động sâu ấy, một phản ứng quá khứ bị quấy động và trồi lên bề mặt của tâm; và trong thời tọa thiền kế tiếp bạn phải đương đầu với cơn bão tiêu cực đó. Trong một tình huống như vậy, thái độ xả rất quan trọng, vì nếu không, tiêu cực sẽ áp đảo bạn, và bạn không thể hành được nữa. Nếu xả có vẻ yếu, hãy hành niệm hơi thở trở lại. Khi một trận bão lớn ập tới, bạn phải buông neo và chờ cho đến khi cơn bão qua. Hơi thở là cái neo của bạn. Hãy làm việc với hơi thở và trận bão sẽ qua đi. Thực ra khi tiêu cực này trồi lên bề mặt là tốt đấy, vì lúc đó có cơ hội quét sạch nó. Nếu bạn cứ duy trì tâm xả nó sẽ qua đi dễ dàng.

Hỏi Phải chăng tôi thực sự sẽ được nhiều lợi ích như vậy từ pháp hành nếu như tôi không có cái đau?

Đáp – Nếu bạn có niệm và quân bình (xả), thì dù đau hay không đau, chắc chắn bạn cũng đang tiến bộ. Không hẳn rằng bạn phải cảm nhận cái đau để được tiến bộ trên đạo lộ. Nếu không có cái đau, hãy chấp nhận rằng không có cái đau vậy thôi. Bạn chỉ việc quan sát cái đang là.

HỏiHôm qua tôi có một kinh nghiệm, trong kinh nghiệm ấy toàn thân tôi cảm giác như thể nó đã tan ra vậy. Tôi cảm thấy giống như thân này chỉ là một khối những rung động ở khắp nơi.

-Có gì nữa không?

-Và khi điều này xảy ra, tôi nhớ rằng hồi còn bé tôi đã gặp một kinh nghiệm tương tự. Suốt những năm ấy tôi đã tìm cách để trở lại với kinh nghiệm đó. Và lúc này nó đã trở lại.

-Có gì nữa không?

-Rất tự nhiên, tôi muốn kinh nghiệm nó được tiếp tục, tôi muốn kéo dài kinh nghiệm đó. Nhưng nó đã thay đổi và diệt mất. Và rồi tôi đã hành chỉ để làm cho nó tái hiện trở lại, nhưng nó vẫn không trở lại. Thay vào đó, sáng hôm nay tôi chỉ gặp những cảm thọ thô.

-Có gì nữa không?

-Rồi tôi nhận ra tôi đang tự làm khổ mình như thế nào bằng việc cố gắng để có lại kinh nghiệm ấy.

-Có gì nữa không?

-Và giờ tôi hiểu rằng thực sự chúng ta chẳng phải đến đây để tìm bất kỳ một kinh nghiệm đặc biệt nào. Đúng không?

-Đúng.

-Rằng, thực sự chúng ta đến đây để học cách quan sát mọi kinh nghiệm mà không phản ứng. Đúng không?

-Đúng.

-Như thế những gì thiền này thực sự nhắm vào là phát triển thái độ xaqr. Đúng không?

-Đúng.

-Đối với tôi, hình như để diệt hết mọi hành (sankhãra) quá khứ theo tuần tự, sẽ phải mất cả đời vậy.

Đáp– Sẽ là vậy nếu một sát na xả đích xác có nghĩa là người ta bớt đi một hành quá khứ. Nhưng thực ra, niệm thọ này đưa bạn vào mức sâu nhất của tâm và cho phép bạn cắt đứt gốc rễ của các duyên (điều kiện) quá khứ. Theo cách này trong một thời gian tương đối ngắn bạn có thể diệt toàn bộ những khu liên hợp của các hành (sankhãra) với điều kiện niệm và xả của bạn phải đủ mạnh.

HỏiNhư vậy tiến trình sẽ phải mất bao lâu?

Đáp– Điều đó tùy thuộc vào kho chứa các hành mà bạn phải diệt bao lớn, và khả năng thiền của bạn mạnh ra sao. Bạn không thể đo lường được kho hành quá khứ, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng bạn hành thiền càng nghiêm mật bao nhiêu, thì bạn càng nhanh chóng tiến đến giải thoát bấy nhiêu. Hãy tiếp tục thực hành một cách kiên quyết hướng đến mục đích ấy. Thời gian chắc chắn sẽ đến – sớm hơn hay muộn hơn thôi. Bạn sẽ đạt đến đó.

Hỏi Tôi không biết chúng ta có thể đối xử với những tư duy ám ảnh theo như cách chúng ta đối xử với cái đau thể xác không?

Đáp– Chỉ chấp nhận sự kiện rằng có một tư duy hay cảm xúc ám ảnh trong tâm mà thôi. Đó chẳng qua là một điều gì đã bị đè nén xuống sâu, nay xuất hiện ở mức ý thức. Không nên đi sâu vào chi tiết của tư duy hay cảm xúc ấy. Chỉ chấp nhận cảm xúc như là cảm xúc. Và cùng với nó, cảm thọ nào bạn cảm thấy. Không thể có việc một cảm xúc phát sanh mà không có một thọ đi kèm ở mức vật lý. Hãy quan sát cảm thọ đó.

Hỏi Như vậy chúng ta phải tìm cảm thọ liên quan đến cảm xúc đặc biệt ấy sao?

Đáp - Hãy quan sát bất kỳ cảm thọ nào xuất hiện. Bạn không thể tìm ra cảm thọ nào liên quan đến cảm xúc đó được, vì thế chẳng nên cố gắng làm điều đó. Khi có một cảm xúc trong tâm, lúc ấy bất cứ cảm thọ nào bạn kinh nghiệm ở thân đều có một sự liên hệ nào đó đến cảm xúc ấy. Chỉ cần quan sát các cảm thọ và hiểu “Những cảm thọ này là vô thường. Cảm xúc này cũng vô thường. Để ta xem nó kéo dài bao lâu”. Bạn sẽ thấy rằng mình đã cắt đứt những gốc rễ của cảm xúc và nó diệt mất.

HỏiCó phải Ngài cho rằng cảm xúc và cảm thọ là một?

Đáp- Chúng là hai mặt của một đồng tiền. Cảm xúc thuộc tâm lý và cảm thọ thuộc vật lý, nhưng cả hai có tương quan với nhau. Thực ra mỗi cảm xúc, tức bất cứ điều gì phát sinh trong tâm, đều phải phát sinh cùng với cảm thọ nơi thân. Đây là quy luật của tự nhiên.

Hỏi Nhưng cảm xúc tự thân nó là một vấn đề của tâm chứ?

Đáp– Một vấn đề của tâm, chắc chắn là vậy. 

HỏiMà tâm cũng là toàn thân?

Đáp– Nó liên hệ mật thiết với toàn thân.

Hỏi –Thức có mặt trong mọi nguyên tử của thân phải không?

Đáp– Phải. Đó là lý do vì sao cảm thọ liên hệ đến một cảm xúc đặc biệt nào đó có thể phát sinh ở bất cứ chỗ nào trong thân. Nếu bạn quan sát các cảm thọ ở khắp toàn thân, chắc chắn là bạn đang quan sát cảm thọ liên hệ đến cảm xúc đó, và bạn cũng thoát ra khỏi cảm xúc đó vậy.

Hỏi Nếu chúng ta ngồi thiền nhưng không thể cảm nhận được một cảm thọ nào cả, vậy có được lợi ích gì trong việc hành thiền không?

Đáp– Nếu bạn ngồi và quan sát hơi thở, nó sẽ làm cho tâm lắng dịu và an định, nhưng trừ phi bạn cảm giác được cảm thọ, bằng không tiến trình thanh lọc không thể hoạt động ở những mức sâu hơn. Trong những phần sâu thẳm của tâm, các phản ứng khởi động cùng với cảm thọ, vốn xảy ra không ngừng ở đó.

HỏiTrong cuộc sống hàng ngày nếu chúng có một vài phút giây, liệu có lợi ích gì không khi ngồi yên tĩnh và quan sát các cảm thọ?

Đáp– Có chứ. Ngay cả với mắt mở, khi bạn không có công việc gì khác, bạn cũng nên chánh niệm trên các cảm thọ trong thân bạn.

HỏiLàm thế nào vị thầy nhận ra được một thiền sinh đã kinh nghiệm Niết Bàn?

Đáp– Có nhiều cách đẻ kiểm tra vào lúc người ấy thực sự kinh nghiệm Niết bàn. Về điều này một vị thầy phải được huấn luyện một cách thích hợp.

HỏiCòn những người hành thiền có thể biết cho bản thân mình như thế nào?

Đáp– Do sự thay đổi diễn ra trong cuộc sống của họ. Người đã thực sự kinh nghiệm Niết bàn trở nên thánh thiện và tâm trí rất trong sạch. Họ không còn phạm vào ngũ giới căn bản dù bằng bất cứ hình thức nào, và thay vì che dấu một lầm lỗi, họ công khai thừa nhận nó và cố gắng không để tái phạm. Việc chấp giữ vào những hình thức lễ nghi và bái lạy chấm dứt, vì họ nhận ra chúng chỉ là những hình thức bề ngoài, rỗng không, không đem lại một kinh nghiệm thực tiễn nào. Họ có niềm tin bất động nơi đạo lộ đưa họ đến giải thoát, họ không còn đi tìm con đường nào khác. Và cuối cùng ảo tưởng về tự ngã hay cái tôi sẽ tan vỡ trong họ. Nếu người nào tuyên bố đã chứng nghiệm Niết bàn, mà tâm họ vẫn còn bất tịnh và những hành động của họ vẫn không lành mạnh như trước, thì kể như đã có điều gì lầm lẫn. Lối sống của họ phải biểu lộ được là họ đã thực sự kinh nghiệm Niết bàn hay không.

Việc người thầy phát “Giấy Chứng Nhận” cho các thiền ssinh – để báo rằng họ đã đắc Niết bàn – là không hợp. Nếu không nó sẽ trở thành một cuộc tranh giành mang tính xây dựng bản ngã cho cả thầy lẫn trò. Những người hành thiền chỉ biết cố gắng để có được tấm giấy chứng nhận, và một ông thầy càng phát được nhiều giấy chứng nhận bao nhiêu, thì lúc đó, kinh nghiệm Niết bàn trở thành phụ, còn giấy chứng nhận trở thành quan trọng chính yếu, và cuối cùng nó trở thành một trò chơi điên đảo. Pháp thuần khiết chỉ để giúp người và cách giúp tốt nhất là phải thấy rằng người hành thiền thực sự kinh nghiệm Niết bàn và được giải thoát. Tất cả mục đích của người thầy và của giáo pháp là nhằm giúp con người ta sống chân thật, không phải để khoe khoang cái ngã của họ. Vì đó không phải là một trò chơi.

Hỏi Ngài sẽ so sánh tâm lý học và Vipassanã như thế nào?

Đáp – Trong tâm lý học bạn cố gắng nhắc cho ý thức nhớ lại những sự kiện quá khứ vốn có một ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện cho tâm. Ngược lại, Vipassanã hay Minh sát sẽ đưa người hành thiền đến mức sâu nhất của tâm ở đây việc tạo điều kiện (làm duyên cho tâm) thực sự bắt đầu. Mỗi sự kiện mà người ta có thể đã cố nhớ lại trong tâm lý học cũng biểu lộ ra bằng một cảm thọ ở mức vật lý. Bằng cách quan sát các cảm thọ vật lý ở khắp toàn thên với thái độ xả, người hành thiền để cho vô số lớp điều kiện (duyên) sanh lên và diệt đi. Người ấy đối phó với các điều kiện ở tận căn nguyên của nó và có thể tự giải thoát mình khỏi nó một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Hỏi - Lòng bi mẫn thực sự như thế nào?

Đáp– Đó là ước muốn phục vụ người khác, ước muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau. Nhưng việc giúp người ấy phải không để dính mắc. Nếu bạn khóc than cho nỗi khổ của người khác, bạn chỉ làm cho mình buồn khổ mà thôi. Đây không phải là Đạo lộ cuaqr Pháp. Nếu bạn có tâm bi thực thụ, thì với tất cả lòng từ, bạn cố gắng giúp người khác với hết khả năng của mình. Nếu bạn không thành công, bạn vẫn mỉm cười và cố gắng theo cách khác để giúp họ. Bạn phục vụ mà không quan tâm đến những kết quả của việc phục vụ. Đây là tâm bi đích thực, xuất phát từ một cái tâm quân bình.

Hỏi Ngài cho rằng Vipassanã là con đường duy nhất để đạt đến giác ngộ chứ?

Đáp– Sự giác ngộ được thành tựu bằng việc khảo sát tự thân và trừ diệt các duyên. Và làm công việc này tức là Minh sát (Vipassanã) cho dù bạn gọi nó bằng tên gì cũng được. Có số người chưa từng nghe nói về Vipassanã, tuy vậy tiến trình (Minh sát) đã khởi động một cách tự nhiên trong họ. Điều này dường như đã xảy ra trong trường hợp của một số những bậc thánh thiện ở Ấn Độ, xét theo những lời của chính họ. Nhưng vì họ không học tiến trình theo tuần tự từng bước một, họ không thể giải thích kinh nghiệm của mình một cách rõ ràng cho người khác được. Còn ở đây, bạn có cơ hội học phương pháp theo từng bước để dẫn bạn đến sự giác ngộ.

HỏiNgài gọi Vipassanã là một nghệ thuật sống có tính phổ thông, nhưng liệu điều đó sẽ không làm cho những người thuộc các tôn giáo khác thực hành nó bị lẫn lộn chứ?

Đáp– Vipassanã không phải là một tôn giáo trá hình để cạnh tranh với các tôn giáo khác. Không ai yêu cầu các thiền sinh phải tán thành mù quáng vào một giáo lý mang tính triết học nào cả; thay vào đó họ được bảo là hãy chấp nhận chỉ những gì họ kinh nghiệm là thực. Không phải lý thuyết mà chính thực hành mới được xem là quan trọng, và thực hành có nghĩa là hành giới, định, và tuệ. Tôn giáo nào có thể chống lại điều đó? Nó có thể làm cho người ta lẫn lộn như thế nào? Hãy xem trọng pháp hành, và bạn sẽ thấy rằng những hoài nghi như thế đã tự động được giải quyết.

HỏiChúng tôi có được phép nói cho những người khác biết về thiền Minh sát này không?

Đáp– Tất nhiên. Không có gì bí mật trong Pháp (Dhamma) cả. Bạn có thể nói những gì mình đã làm ở đây cho bất cứ ai cũng được. Nhưng hướng dẫn người ta thực hành một cái gì đó lại hoàn toàn khác, không nên làm ở giai đoạn này. Hãy chờ cho đến khi bạn đã an lập vững chắc trong kỹ thuật và đã được huấn luyện cách hướng dẫn người khác. Nếu người nào được bạn nói về Vipassanã mà cảm thấy thích thú trong pháp hành, hãy khuyên người ấy đến dự khóa thiền. Ít ra kinh nghiệm đầu tiên về Vipassanã cũng phải ở trong khóa thiền mười ngày có tổ chức; dưới sự hướng dẫn của một vị thầy có đủ phẩm chất. Sau đó họ có thể tự hành.

Hỏi Tôi có hành Yoga. Tôi có thể kết hợp việc tập Yoga này với Minh sát như thế nào?

Đáp- Ở đây, trong một khóa thiền, bạn không được phép tập Yoga vì nó sẽ làm khuấy động người khác bằng cách lôi kéo sự chú ý của họ. Nhưng sau khi trở về nhà, bạn có thể hành cả Vipassanã lẫn Yoga được. Đó là những bài tập thể dục theo những tư thế Yoga và kiểm soát hơi thở. Yoga rất có lợi cho sức khỏe thể chất. Thậm chí bạn có thể kết hợp nó với thiền Minh sát. Chẳng hạn, bạn thực hiện một tư thế Yoga, rồi quan sát các cảm thọ ở khắp toàn thân; điều này sẽ đem lại những lợi ích vẫn lớn hơn thực hành một mình Yoga. Nhưng những kỹ thuật thiền của Yoga sử dụng chú thuật và những hình ảnh biểu tượng hoàn toàn trái ngược với thiền Minh sát. Không nên trộn lẫn những kỹ thuật ấy với kỹ thuật Minh sát này.

Hỏi Còn những bài tập thở của Yoga khác thì sao?

Đáp– Những bài tập ấy có ích như những bài tập thể dục, nhưng không nên trộn lẫn những kỹ thuật này với niệm hơi thở vô –ra. Trong niệm hơi thở bạn phải quan sát hơi thở tự nhiên đúng như nó là, không kiểm soát nó. Vì thế, thực hành kiểm soát hơi thở được kể như một bài tập thể dục, và hành niệm hơi thở vô – ra được dành cho thiền.

Hỏi Tôi – không phải là cái ảo tưởng này – có đang bị dính mắc vào sự giác ngộ không?

Đáp– Nếu bị dính mắc, là bạn đang đi ngược lại với sự giác ngộ. Bạn chẳng thể nào chứng nghiệm được sự giác ngộ bao lâu bạn còn những chấp trước. Chỉ giản dị hiểu giác ngộ là gì. Rồi cứ tiếp tục quan sát thực tại của sát na này, và để cho sự giác ngộ tự đến. Nếu nó không đến, đừng có lo lắng. Bạn chỉ làm công việc của bạn và để kết quả cho Pháp (tự vận hành). Nếu bạn thực hành theo cách này, bạn đã không bị dính mắc vào sự giác ngộ và chắc chắn nó sẽ đến.

Hỏi Như vậy hành thiền chỉ là làm công việc của mình?

Đáp –Phải. Làm cho trong sạch nội tâm chính là trách nhiệm của bạn. Hãy xem đó là như là một trách nhiệm, nhưng làm trách nhiệm ấy mà không để cho dính mắc.

HỏiKhông phải để thành tựu điều gì sao?

Đáp– Không. Những gì đến tự nó sẽ đến. Cứ để nó xảy ra một cách tự nhiên.

HỏiCảm nghĩ của Ngài về việc dạy Pháp (Dhamma) cho trẻ em là thế nào?

Đáp– Thời điểm tốt nhất cho việc đó (dạy Pháp) là trước khi sinh. Trong thời kỳ thai nghén người mẹ nên hành Vipassanã, nhờ vậy đứa bé cũng tiếp nhận được năng lực (Pháp) và được sanh ra như một đứa bé thấm nhuần Pháp (Dhamma). Còn nếu bạn đã có con rồi, bạn vẫn có thể chia sẻ Pháp với chúng. Chẳng hạn, khi kết thúc buổi hành thiền Minh sát này bạn được học kỹ thuật tu tập tâm từ (Mettã bhãvanã), nghĩa là chia sẻ sự bình yên và hòa hợp của bạn với người khác. Nếu con cái của bạn còn nhỏ, hãy hướng tâm từ của bạn đến chúng sau mỗi thời ngồi thiền và vào giờ chúng đi ngủ; theo cách này con bạn cũng được lợi ích từ việc hành Pháp của bạn. Và đến khi chúng lớn hơn, hãy giải thích một ít giáo pháp cho chúng theo cách chúng có thể hiểu và chấp nhận được. Nếu chúng có thẻ hiểu thêm một ít nữa, thì hãy dạy chúng cách hành ãnãpãna (niệm hơi thở) trong vài phút. Đừng dùng bất cứ cách nào để ép buộc chúng. Hãy để chúng ngồi với bạn, quan sát hơi thở của chúng trong một vài phút, rồi cho chúng đi chơi. Thiền sẽ được xem giống nhưmột trò chơi đối với chúng; chúng sẽ thích thú làm điều đó. Và quan trọng nhất là bản thân bạn phải sống một cuộc sống thật lành mạnh, bạn phải làm một tấm gương tốt cho con cái bạn. Ở nhà bạn phải thiết lập một bầu không khí bình yên và hòa hợp vốn sẽ giúp chúng tăng trưởng, phát triển thành những người lành mạnh và an vui. Đây là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho con cái bạn.

-Xin cảm ơn ngài rất nhiều về Giáo Pháp kỳ diệu này.

-Cảm ơn Pháp (Dhamma)! Pháp thật vĩ đại. Tôi chỉ là một cỗ xe. Và cũng phải cảm ơn chính bản thân bạn nữa. Bạn đã chịu khó thực hành, nhờ vậy bạn đã nắm được kỹ thuật. Một vị thầy cứ làm công việc nói, nói mãi, nói mãi, nhưng nếu bạn không thực hành, bạn không được gì cả. Hãy sống an vui và cố gắng thực hành, cố gắng thực hành!



1Patanjali: nhà hiền triết Ấn Độ, người đã sáng lập hệ thống triết học “Yoga”.

1Ví dụ về cái bè này được rút từ Kinh Alagaddũpama của Trung Bộ I.

----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]