KINH VÔ LƯỢNG THỌ
GIẢNG YẾU
Hán Văn:Khương Tăng Khải
Dịch và ghi chú:Hồng Nhơn
---o0o---
PHẦN GIẢNG KINH
(B -PHẦN CHÁNH TÔN)
(tiếp theo)
B II – NÓI CHỖ THÀNH TỰU
1-Nói rõ Chánh Báo
*Quốc độ trân bửu trang nghiêm
KINH VĂN:
Quốc độ của Ðức Phật ấy do bảy báu: vàng, bạc, pha lê, lưu ly, san hô, hổ phách, mã não họp lại làm đất, rộng lớn mênh mông không có hạn lượng. Bảy báu cùng xen lẫn nhau hoà hợp, khắn khít, rực rỡ sáng chói mầu nhiệm lạ thường. Trong sạch trang nghiêm vượt hẳn tất cả tịnh độ trong mười phương, là một viên ngọc quí nhất trong các viên ngọc. Các món ấy quí báu như các món trân bửu của cõi trời thứ sáu, không có núi kim cương và núi Tu Di vây quanh. Cũng không có bể lớn, bể nhỏ, khe đầm, giếng hang. Vì sức thần thông của Phật nên muốn thấy bất cứ cái gì đều được thấy, nhưng không có các đường khốn khổ như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, cũng không có bốn mùa xuân hạ thu đông, không lạnh không nóng, thời tiết điều hòa.
Lúc bấy giờ Ngài A-Nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu quốc độ kia không có núi Tu Dithì Tứ Thiên Vương sẽ ở đâu và trời Ðao Lợi sẽ ở đâu? Này A Nan! Ông hỏi như thế thì Trời Viêm Thứ Ba và Trời Sắc Cứu Cánh sẽ ở nơi nào? A Nan đáp: Bạch Thế Tôn! Các cõi trời ấy nghiệp và quả báo không thể nghĩ bàn. Phật nói: Này A Nan! Nếu ông biết Hành nghiệp và Quả báo của các vị trời ấy không thể nghĩ bàn, thì thế giới của chư Phật không thể nghĩ bàn. Các chúng sanh ấy công đức và thiện lực tạo ra hành nghiệp nên có cơ cảm như thế. A Nan bạch Phật : Con không nghi pháp này nhưng vì chúng sanh đời sau nên cần hỏi nghĩa này.
GIẢNG YẾU
Quốc độ thù thắng ở trước đã nói không có ba đường dữ và quốc độ nghiêm tịnh đều từ 48 đại nguyện đãnói rõ.
*Ánh sáng vô lượng.
KINH VĂN
Phật bảo A Nan: Phật Vô Lượng Thọ oai thần và ánh sánh cao tột bậc nhất, ánh sáng của các Ðức Phật khác không thể so sánh kịp. Ánh sáng ấy hoặc chiếu một trăm thế giới Phật hoặc ngàn thế giới Phật. Nói tóm lại ánh sáng ấy có thể chiếu sáng hằng hà sa cõi Phật ở phương Ðông, phương Nam, Phương Tây, phương Bắc, trên dưới bốn bên lại cũng như thế. Do đó, Phật Vô Lượng Thọ còng có hiệu là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Ðối Quang, Diệm Vương Quang, Hoan Hỉ Quang, Thanh Tịnh Quang, Trí Huệ Quang, Vô Xưng Quang và Siêu Nhật Nguyệt Quang. Nếu có chúng sanh nào gặp ánh sáng này ba cấu tự nhiên tiêu diệt, thân ý mềm mại, vui vẻ mạnh mẽ sanh các lòng lành. Nếu những người ở chốn ba đường khổ thấy được ánh sáng này liền được an vui, lòng không còn khổ não, sau khi bỏ báo thân liền được giải thoát.
Phật Vô Lượng Thọ ánh sáng rực rỡ soi khắp mười phương, các cõi nước Phật không đâu chẳng nghe thấy. Không phải chỉ một mình ta khen ngợi ánh sáng của Phật Vô Lượng Thọ mà tất cả chư Phật và chúng Bồ Tát, Thinh Văn, Duyên Giác đều cùng nhau tán thán. Nếu chúng sanh nào nghe nói vềcông đức vàoai thần của ánh sáng, ngày đêm nghĩ nhớ một lòng không gián đoạn, người ấy sẽ tùy theo ý nguyện mà được sanh về nước Phật ấy, được chúng Bồ Tát, Thinh Văn cùng nhau khen ngợi các công đức ánh sáng. Phật dạy: Ta nói ánh sáng vàoai thần của Phật Vô Lượng Thọ cao vòi vọi nhiệm mầu dù nói cả ngày đêm đến suốt kiếp cũng không hết.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này diễn tả ánh sáng thù thắng đã được giải rõ trong 48 Ðại Nguyện về Nguyện Ánh Sáng.
*Thọ mạng vô lượng
KINH VĂN:
Phật bảo A Nan: Lại nữa, Phật Vô Lượng Thọ sống lâu vô lượng không thể tính đếm cho ông biết hết. Giả sử vô lượng chúng sanh trong thế giới mười phương đã được thân người, đều làm cho họ thành Thanh Văn, Duyên Giác, cùng nhau họp lại, nhất tâm an định, đem hết trí huệ lực trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp đều cùng tính đếm số thọ mạng của Ðức Phật kia cũng không thể tính và đếm hết và biết được hạn lượng. Chúng nhân thiên, Thanh Văn, Bồ Tát cũng lâu xa như thế, không thể đem tính đếm thí dụ mà có thể biết được
GIẢNG YẾU
Ðoạn này chỉ rõ Thánh Chúng vô lượng, đã được giải rõtrong Ðại Nguyện về chúng Thanh Văn, Bồ Tát.
Nói rõ Y Báo
*Các cây bằng bảy báu
KINH VĂN:
Lại cõi kia các cây bằng bảy báu đầy khắp thế giới, cây vàng cây bạc cây lưu ly cây pha lê san hô cây mã não cây sa cừ. Có loạihai món báu, ba món báu cho đến bảy món báu cùng họp lại mà thành. Hoặc có cây bằng vàng, lá hoa quả bằng bạc. Hoặc có cây bằng bạc, lá hoa quả bằng vàng. Hoặc có cây bằng lưu ly, lá hoa quả bằng pha lê. Hoặc có cây bằng thủy tinh, lá hoa quả bằng lưu ly. Hoặc cây bằng san hô, lá hoa bằng mã não. Hoặc cây bằng mã não, lá hoa quả bằng lưu ly. Hoặc cây bằng sa cừ, lá hoa quả bằng các món báu. Hoặc có cây báu gốc bằng vàng tía, vàng trắng làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm cuống, san hô làm lá, sa cừ làm hạt Hoặc có cây báu vàng trắng làm gốc, lưu ly làm thân, thủy tinh làm cành, san hô làm cuống, mã não làm lá, sa cừ làm hoa, vàng tía làm nhụy. Hoặc có cây báu lưu ly làm gốc, thủy tinh làm thân, san hô làm cành, mã não làm cuống, sa cừ làm lá, vàng tía làm hoa, bạc trắng làm nhụy. Hoặc có cây báu thủy tinh làm gốc, san hô làm thân, sa cừ làm cuống, vàng tía làm lá, bạc trắng làm hoa, lưu ly làm nhụy. Hoặc có cây báu san hô làm gốc, mã não làm thân, sa cừ làm cành, vàng tía làm cuống, bạc trắng làm lá, lưu ly làm hoa, thủy tinh làm nhụy. Hoặc có cây báu mã não làm gốc, sa cừ làm thân, vàng tía làm cành, bạc trắng làm cuống, lưu ly làm lá, thủy tinh làm hoa, san hô làm nhụy. Hoặc có cây báu sa cừ làm gốc, vàng tía làm thân, bạc trắng làm cành, lưu ly làm cuống, thủy tinh làm lá, san hô làm hoa, mã não làm nhụy, hàng hàng ngay thẳng, từng thân đối nhau, mỗi cành sóng nhau, mỗi lá hướng nhau, mỗi hoa thuận nhau, mỗi nhụy bằng nhau, màu sắc sáng chói không thể nhìn hết. Khi gió mát thổi, vang ra năm loại tiếng, cung bậc nhiệm mầu, hoà hợp khéo léo.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này giảng về y báo trang nghiêm. Tất cả các cây làm bằng bảy báu, vang ra những nhạc điệu làm người nghe có liền chánh định. Ðoạn trên nói cảnh thù thắng, đoạn dưới ca ngợi âm nhạc thù thắng.
*Cây Ðạo Tràng quý báu
KINH VĂN:
Lại nữa: Cây Ðạo Tràng củ Phật A Di Ðà cao bốn trăm ngàn muôn dặm, gốc của nó chi vi năm ngàn do tuần, cành lá bốn phía tỏa ra hai mươi muôn dặm, do các món báu tự nhiên họp thành. Dùng bánh xe báu giữ bể tên Nguyệt Quang ma ni, là vua của các báu để trang nghiêm đó. Chung quang cành cây để bảo châu anh lạc, có trăm ngàn muôn màu, biến đổi nhiều thứ, ánh sáng rực rỡ vô lượng, chiếu khắp vô cùng. Lưới báu trân diệu bao phủ bên trên, tất cả trang nghiêm tùy theo sự cảm ứng mà hiện. Gió nhẹ thổi lên lay động cây báu, nói ra vô lượng diệu pháp, tiếng ấy vang khắp cả cõi Phật. Người nghe tiếng ấy liền được thâm nhập vào các pháp nhẫn, trụ nơi Vị Bất Thối Chuyển cho đến khi thành Phật đạo. Tai nghe trong sáng không gặp khổ nạn, mắt thấy sắc, mũi ngửi mùi hương, miệng nếm vị ngon, thân chạm vào ánh sáng, tâm dùng duyên pháp, đều chứng sâu vào Vô Sanh Pháp Nhẫn, ở vị Bất Thối Chuyển, sáu căn trong sáng, không có các khổ nạn đến khi thành Phật.
Này A Nan! Người trời ở trong thế nếu thấy được cây ấy liền được ba pháp nhẫn làÂm Hưởng Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn, và Vô Sanh Nhẫn. Ðó đều nhờ oai thần và bổn nguyện như Mãn Túc nguyện, Minh Liễu nguyện, Kiên Cố nguyện, và Cứu Cánh nguyện của Phật Vô Lượng Thọ.
Phật bảo A Nan: Vua ở thế gian có trăm ngàn âm nhạc, từ Chuyển Luân Thánh Vương đến trời thứ sáu, kỷ nhạc âm thanh lần lượt hơn ngàn ức vạn lần. Muôn thứ âm nhạc của cõi trời thứ sáu so với âm thanh của cây hay gấp ngàn ức lần. Ngoài ra cũng có muôn thứ âm nhạc tự nhiên, âm nhạc ấy đều là tiếng pháp, lời nói trong sạch vi diệu hòa nhã, so với âm thanh trong mười phương thế giới, âm thanh này là bậc nhất.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ sự thù thắng của cây Ðạo Tràng với âm nhạc nói ra vô lượng diệu pháp, người nghe được Vô Sanh Nhẫn, ở vị Bất Thối Chuyển. Âm thanh vượt hẳn tất cả âm thanh vi diệu trong mười phương.
*Lầu gác, nhà cửa, đường quán
KINH VĂN:
Nước ấy giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu quán đều do bảy báu trang nghiêm tự nhiên hóa thành, lại được trang trí bằng các món báu chơn châu Minh Nguyệt Ma Ni kết lại thành lưới bao phủ bên trên.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ sự thù thắng của cung điện, lầu các.
*Ao tắm bảy báu
KINH VĂN:
Bên trong, ngoài, phải, trái có các ao nhỏ hoặc mười do tần, hai mươi ba mươi cho đến trăm ngàn do tần ngang dọc, sâu cạn đều một mực bằng nhau. Nước bát công đức tự nhiên đầy dẫu, trong sạch thơm tho, mùi như Cam Lồ. Ao bằng vàng ròng thì đáy cát bằng bạc trắng. Ao bằng vàng trắng thì đáy cát bằng vàng ròng. Ao bằng lưu ly thì đáy cát bằng thủy tinh. Ao bằng san hô thì đáy các bằng hổ phách. Ao bằng hổ phách thì đáy cát bằng san hô. Ao bằng sa cừ thì đáy cát bằng mã não. Ao bằng mã não thì đáy cát bằng vàng tía. Ao bằng vàng tía thì đáy cát bằng ngọc thạch. Tất cả ao hoặc có hai món báu ba món báu cho đến bảy món báy lần lượt cùng nhau họp thành.
Trên bờ ao có cây chiên đàn la hoa trùm khắp, hương thơm ngào ngạt khắp nơi, các hoa Thiên Ưu Bát La, Bát Ðàm Ma, Cẩu Mâu Ðầu, Phân Ðà Lợi phóng ra nhiều ánh sáng và màu sắc chiếu khắp mặt nước. Các Bồ Tát Thinh Văn muốn vào ao báu, ý muốn có nước ngập bàn chân nước liền ngập bàn chân, muốn đến gối, đến eo, đến cổ, muốn tắm rửa thân thể, điều hòa nóng mát, lên xuống tùy ý. Nước này làm thân tâm trong sạch, trừ các tâm cấu trược làm cho trong sáng sạch sẽ, mầu nhiệm vô cùng. Cát báu chói sáng không chỗ nào sót, sóng nhỏ vây quanh rửa hết nhơ bợn. lần lượt nhẹ nhàng, không chậm không mau. Tiếng sóng phát ra vô lượng nghĩa mầu, tùy theo tâm mình mà đáp đầy đủ, nơi đâu cũng có thể nghe được, hoặc nghe tiếng Phật, tiếng pháp, tiếng tăng, tiếng tịnh mịch, tiếng không , vô ngã, tiếng đại từ bi, tiếng ba la mật hoặc tiếng thập lực, vô úy, bất cộng pháp, tiếng vô sở tác, tiếng không khởi diệt, tiếng vô sanh nhẫn cho đến tiếng cam lồ quán đảnh và các diệu pháp. Tất cả tiếng đều nghe được rõràng. Các tiếng như thế nếu người được nghe đều hoan hỷ vô lượng, thực hành hạnh thanh tịnh, lìa các dục nhiệm, thuận theo Tam-Bảo, tu hành pháp Thập Lực, Vô Sở Úy, Bất Cộng, trở thành bậc Bồ Tát thông huệ, không có tội ba đường dữ, chỉ có tiếng tự nhiên khoái lạc, vì thế nước ấy gọi là nước AN LẠC.
Này A Nan! Cõi Phật A Di Ðà kia, những người được vãng sanh có đủ cả sắc thân thanh tịnh, các thứ diệu âm và thần thông công đức.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ sự thù thắng củ Ao Tắm. Từ chương 14 đến đây diễn tả cây báu, âm thanh vi diệu, cung điện lầu quán các thứ đều trang nghiêm. Người thấy nghe chỉ thuần có các thứ pháp nhạc, chứ không nghe đến tên thứ gì bất thiện. Người và Vật đều nghiêm tịnh, trong 48 Ðại Nguyện đã giải rõ.
*Ăn mặc tự nhiên
KINH VĂN:
Ðủ cả cung điện, y phục, ăn uống, các thức hương hoa mầu nhiệm, trang nghiêm tuyệt hảo, hơn những vật ở cõi trời thứ sáu rất nhiều. Khi muốn ăn, bát bằng bảy món báu tự nhiên hiện ra trước mặt, các món báu như vàng, bạc, lưu ly, sa cừ, mã não, san hô, hổ phách, minh nguyệt chơn châu, nhiều loại bát báu như thế tùy ý muốn của hành giả mà đến. Thực phẩm có trăm nghìn mùi vị thơm ngon, tự nhiên đầy bát. Tuy có đồ ăn, chỉ cần thấy sắc, ngửi hương bụng liền no đủ, thân tâm khỏe khoắn, không còn nhơ bợn. Ăn xong, các vật tự bay đi, đến giờ ăn lại hiện ra.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này nói rõ các vật ăn mặc tùy theo tâm mà hoá hiện.
*Dung mạo đoan chánh
KINH VĂN:
Cõi Phật Vô Lượng Thọ thật thanh tịnh yên ổn, mầu nhiệm vừa lòng. Chư Thinh Văn, Bồ Tát, Trời, Ngườiđều có trí huệ cao minh, thần thông đổng triệt, khả năng đều cùng giống nhau, hình dáng cũng không khác. Ðể người cõi Ta Bà có khái niệm nên nói có nhân dân Trời, Người, Thinh Văn, Bồ Tát. Thực ra, mỗi người ở cõi Cực Lạc, dung mạo đoan chánh, hình sắc vi diệu, vượt hẳn thân thể Trời Người ở cõi này. Tất cả đều có thân hư không và thể chất vô cực.
Này A Nan! Như ở thế gian có người bần cùng ăn xin hình dáng xấu xa, nếu đem so sánh với vị quốc vương hình ấy có khác biệt chăng? A Nan bạch Phật: Nếu để người ấy bên đế vương, sự quê mùa xấu xí không thể ví dụ. Vì sao? Vì người nghèo khổ ăn xin, đói khát ép ngặt, không đủ dinh dưỡng, tâm ý thô kệch, vì đời trước không gieo trồng căn lành, giữ của không bố thí, nhiều lòng keo kiệt, chỉ muốn tự lợi tham cầu không chán, không tin tu theo pháp lành, phạm điều ác cao như núi. Khi mạng chung, tiền của tiêu tan, khổ thân tích tụ, thật đáng đau buồn, làm ác rốt cuộc không có lợi ích, chỉ lợi cho người, mình không có chút lành, không đức để nương nhờ, vìthế chết đọa vào ác thú, chịu khổ lâu dài, tội hết bị sanh vào chỗ hạ tiện, ngu dốt quê mùa, dù có được thân người nhưng phải chịu tai ương khổ sở. Trái lại, vị đế vương làbậc cao quí trong cõi người là do đời trước chứa nhiều công đức, lòng lành bố thí, nhân ái gồm đủ, giữ lòng tin, tu nghiệp lành, không có tranh giành. Vì thế khi mãn phần, phước đức to lớn có thể sanh lên thiên đạo. Sanh về cõi trời hưởng nhiều phước lạc, vì chứa nhiều phước lành. Nay dù làm người, sanh vào nhà vua, tự nhiên tôn quí, tướng mạo nghiêm chỉnh, người đều cung kính, áo đẹp đồ ngon, tuỳ ý hiện đến, nhờ phước đức trước nên được như thế.
Phật bảo: A Nan! Như lời ông nói, bậc đế vương là bậc tôn quý trong đời, tuy hình sắc nghiêm chỉnh, người đều tôn quý, như so với vị Chuyển Luân Vương thời vị đế vương rất quêmùa giống như người ăn xin đứng gần vị đế vương. Chuyển Luân Thánh Vương oai đức thùthắng bậc nhất trong cõi Trời, nếu đem so sánh với Ðạo Lợi Thiên Vương thì còn xấu xa bằng muôn ức bội phần không thể ví dụ. Nếu đem Ðạo Lợi Thiên Vương so sánh với Thiên Vương ở cõi Trời thứ sáu thì thua gấp trăm nghìn lần. Nếu đem Thiên Vương cõi Trời thứ sáu so sánh với dung nhan Bồ Tát, Thinh Văn ở cõi Phật Vô Lượng Thọ thì thua gấp trăm nghìn ức lần không kể xiết.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này diễn rõ sắc thân thù thắng, trong 48 Ðại Nguyện đã giảng rõ.
*Tổng tán trang nghiêm
KINH VĂN:
Phật bảo: A Nan! Chư thiên ở nước Phật Vô Lượng Thọ y phục, ăn uống, hoa hương, anh lạc, lọng màn, tràng phang, và những âm thanh vô cùng vi diệu. Chỗ ở, nhà cửa, cung điện, lầu gác, vừa với hình sắc cao thấp, lớn nhỏ. Tất cả hoặc bằng một thứ báu, hoặc bằng hai thứ báu, cho đến vô lượng các món báu, tùy theo ý muốn liền có ngay. Lại dùng các món báu kết lại thành thảm lót khắp mặt đất, tất cả chư thiên đều bước đi trên ấy. Vô lượng lưới báu bao phủ cõi Phật, tất cả đều dùng kim lâu chơn châu, trăm ngàn thứ báu pha trộn, vô cùng đẹp mắt, tô điểm trang nghiêm, vây quanh bốn phía. Trên lưới gắn linh báu, ánh sáng rực rỡ, hết sức trang nghiêm. Tự nhiên gió công đức từ từ thổi mát, gió ấy điều hoà, không lạnh, không nóng, ấm áp dễ chịu, không mau không chậm, thổi vào các lưới báu và các cây báu, diễn ra vô lượng pháp âm, rưới khắp công đức hương, làm cho người nghe các cấu nhiễm trần lao tự nhiên đình chỉ, gió thổi vào thân cảm thấy vui thích cũng như Tỳ Kheo được Diệt Tận Ðịnh. Lại nữa, khi gió thổi không lộn xộn, ánh sáng mềm mại, mùi hương tỏa khắp, chân bước lên trên lún sâu bốn tấc, khi dở bước lên trở lại như cũ. Hoa đã dùng rồi, đất liền mở ra, các hoa tan mất, trong sạch không vết nhơ. Tùy theo thời gian, gió thổi rưới hoa mới ngày sáu lần.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này tóm lược Y Báo và các pháp lạc
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường