Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phản Văn-Trì Danh, Pháp Niệm Phật theo Tư Tưởng Kinh Lăng Nghiêm

06/10/202405:46(Xem: 607)
Phản Văn-Trì Danh, Pháp Niệm Phật theo Tư Tưởng Kinh Lăng Nghiêm



Phat Di Da
PHẢN VĂN- TRÌ DANH

PHÁP NIỆM PHẬT THEO TƯ TƯỞNG KINH LĂNG NGHIÊM

                                                               Hải Dương, xuân Giáp Thìn 2024



I. Khái quát tư tưởng pháp môn Tịnh Độ.

(Tham khảo trong Pháp môn Tịnh độ)

  Tịnh Độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa. Pháp sư Huệ Viễn được coi là Tổ đầu tiên của Tịnh tông Trung Hoa; thành lập Bạch Liên Xã quy tụ được hơn ba ngàn cả tăng lẫn tục toàn các bậc hào kiệt trong đời, trong đó có 18 vị là bậc thượng thủ, để lại cho hậu thế đời sau vô số câu chuyện vãng sinh ly kỳ.

Đây là tông phái siêu việt, với nhiều đặc thù thuộc Đại thừa viên đốn. Gọi Đại thừa bởi tông này lấy tâm Bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Viên, bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu cả Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo và Đại thừa đốn giáo. Đốn, vì tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển. Đây chính là những điểm siêu xuất, đặc thù của tông Tịnh Độ.

 

   Giáo nghĩa Tịnh Độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy gồm: Phật Thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và một bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế thân. Kinh A Di Đà được đức Thế Tôn tuyên thuyết tại tinh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, nội dung giới thiệu vị giáo chủ và y báo trang nghiêm ở cõi Cực Lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới ấy bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật.

Ở núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, Ngài tuyên thuyết kinh Vô Lượng Thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của Tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân Phật A Di Đà), trong khi tu nhân đã đối trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả để trang nghiêm Phật độ, nhiếp hóa quần sanh. Kế đó nói về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của Thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh sanh tâm khát ngưỡng phát nguyện quay về.Tại vương cung Tần Bà Sa La thuộc thành Vương Xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi Đề Hy, Ngài tuyên thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm cơ sở vãng sanh Tịnh độ.

  Sau này Bồ tát Thế Thân nương vào kinh Vô Lượng Thọ tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của Cực Lạc và xiển dương pháp tu Ngũ niệm môn (lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng và hồi hướng) làm nhân tố cầu vãng sanh. Ngoài ba kinh và một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích… Đại trí độ, Đại Tỳ bà sa… cũng đều tán thán và đề cao tư tưởng cầu sanh Tịnh độ của Phật A Di Đà. 

 

Vì phạm vi cứu độ của pháp môn Tịnh độ rất rộng sâu, trên là bậc Đẳng giác Bồ tát, dưới là hạng phàm phu ngũ nghịch thập ác tội chướng nặng nề. Nên pháp môn này thường bị hiểu nhầm là pháp môn quyền biến, hay là pháp môn cơ sở dành cho hạng tối dốt, lè tè sát đất.

 

Có thể nói, trong các pháp môn tu hành đức Thế Tôn dạy trong suốt 49 năm thuyết pháp, pháp môn Niệm Phật là giản tiện, trực tiếp nhất; nhưng trong các pháp Niệm Phật, pháp Trì Danh lại càng trọng yếu, giản tiện hơn cả, nên được tôn xưng là “tiệp kính chi kính” (con đường tắt nhất trong các con đường tắt). Kinh A Di Đà giảng rõ: Chấp trì thánh hiệu chính là nhiều phước đức, nhiều thiện căn, liền được đới nghiệp vãng sanh. Được vãng sanh liền chứng ngay ba bậc Bất Thoái.

 

Tổ Ngẫu Ích nói: “Trong các pháp Niệm Phật, tìm lấy pháp tiện lợi, ổn đáng nhất không gì bằng pháp Tín, Nguyện, chuyên trì Danh hiệu Phật.”
Như đã nói, môn Trì Danh là pháp tu Tịnh Độ phổ thông nhất, nhưng cũng là pháp thuận tiện, siêu việt, thù thắng, viên đốn bậc nhất. Pháp Trì Danh cũng được áp dụng với nhiều cách thức khác nhau tùy theo căn tánh của mỗi người, trong đó pháp Phản Vãn Trì Danh là pháp ứng hợp căn cơ nhất, nhanh chóng đưa hành giả vào cảnh giới Niệm Phật tam muội.

Tu pháp này, miệng vừa niệm, tai vừa nghe vào trong, kiểm soát từng chữ từng câu cho rành rẽ rõ ràng hết câu này đến câu khác. Nghe có hai cách, hoặc dùng tai nghe, hoặc dùng tâm để nghe. Tuy nghe vào trong nhưng tâm lìa tướng sở văn, tức là nghe mà không khởi tâm phân biệt, so đo với thanh âm mình nghe, lâu dần lắng đọng dứt được tướng sở văn sẽ đi vào dòng viên thông, quên đi tướng động tĩnh, quên hết trong ngoài, cho đến quên cả thân tâm cảnh giới, thời gian không gian, chỉ còn một câu Phật hiệu. Cách thức phản văn, khiến cho hành giả dễ gạn trừ vọng tưởng, mau được nhất tâm.

Pháp phản văn Trì danh này ứng hợp với pháp tu “văn tu văn huân như huyễn tam muội” của Đức Quán Thế Âm, là pháp viên đốn ưu việt phù hợp nhất với căn tánh chúng sinh cõi Ta bà, sớm đắc sức Vô úy và tánh đồng thuận không chống trái với chúng sinh, hợp với Bản nguyện độ sanh của Phật A Di Đà, dễ thành tựu HUỆ HẠNH “Tín, Nguyện”, thân nơi Ta bà mà tâm đã sinh sang cõi Cực Lạc.

 

 

 

II. Cốt tủy của pháp Tín Nguyện Trì Danh.

 

Như phần trên đã nêu, các Tổ sư Thiền Tông như Vĩnh Minh, Ngẫu Ích, Long Thọ.. đồng thanh khen ngợi pháp môn Trì Danh là pháp môn viên đốn bậc nhất; nhưng vì sự hành trì quá đơn giản nên thường người tu bao gồm cả hành giả Tịnh độ cũng hay hiểu lầm đó là lời sách tấn động viên có tính chất khuyến tấn tu hành mà thôi. Con tuy tâm trí cạn cợt si ám, cầu Đức Từ Phụ Di Đà cùng thánh chúng gia hộ, nương theo Phật lực từ bi có thể tỏ bày, hiển lộ được đôi chút pháp môn diệu kỳ này, có thể tăng trưởng tín tâm, làm tư lương chúng sinh sơ cơ thời mạt chúng con đều có thể lên thuyền từ độ sanh của Phật Di Đà đến cõi Diệu thắng.

 

1.Thiền tối thượng thừa là gì?

 

Lễ bộ Thị lang Tô Phổ hỏi ngài Thần Hội:

- Vì sao gọi là Đại thừa? Thế nào là Tối thượng thừa?

Thần Hội đáp:

- Bồ-tát tức là Đại thừa. Phật tức là Tối thượng thừa.

Hỏi tiếp:

- Đại thừa và Tối thượng thừa có gì sai khác?

Đáp:

- Gọi là Đại thừa, như Bồ-tát thực hành bố thí ba-la-mật, quán ba việc thể không. Cho đến các ba-la-mật còn lại cũng như thế. Cho nên gọi là Đại thừa. Tối thượng thừa thì chỉ thấy tự tánh vốn không tịch, liền biết ba việc xưa nay tự tánh là không, trọn không cần khởi quán. Cho đến Lục độ cũng như thế. Đó gọi là Tối thượng thừa

Tổ Tông Mật nói: “Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tối thượng thừa, cũng gọi là thiền Như Lai thanh tịnh, cũng gọi là Nhất hạnh tam muội. Nếu người hay niệm niệm tu tập, tự nhiên dần dần được trăm ngàn tam muội”.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy: “Tất cả đều từ chân tâm hiện thì khi gặp cảnh không còn phân biệt mình, người, khen chê, tốt, xấu, hay dở, không khởi niệm thủ xả v.v., tức khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm không còn dính mắc. Vì vậy không cần đoạn, không cần tu, mặc tình tự tại”.

Lại nói: “Thời bây giờ, có một số người nghe tông này, liền vin vào đó mà ăn ngủ, đi đây đi kia chơi... Đó là lầm lớn. Mặc tình tự tại là khi nào đối cảnh tâm không khởi niệm chạy theo cảnh. Chúng ta, tâm còn chạy theo cảnh thì phải ngồi lại tu

 

2.Phản văn Trì danh- cách thức hành trì diệu dụng của Pháp Tín, Nguyện Trì Danh hiệu Phật.

Trên pháp hội Lăng Nghiêm, Phật sắc cho Bồ tát Văn Thù lựa chọn pháp môn viên thông, ngài Văn Thù đã chọn pháp môn “Nhĩ Căn Viên Thông” của Quán Thế Âm Bồ tát là tối đệ nhất, mà tinh yếu của pháp môn này chính là “Phản văn văn tự tánh”.

 Pháp môn Phản văn văn tự tánh là xoay cái nghe điên đảo này về Tự tánh, Tự tánh thì chẳng có năng văn, sở văn; vậy nên gọi là Phản văn, cũng là Bản tánh văn; nghịch cảnh trần, hợp giác tánh, nên gọi là Phản (trở về). Đã trở về Bản văn, tức thấy Bản lai diện mục xưa nay, cũng là Tánh văn này, liền thành Vô Thượng Bồ Đề.

Kinh Niệm Phật Ba la mật viết:

“Này Diệu-Nguyệt cư sĩ, nên biết rằng danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật chính là Pháp-thân Viên-mãn Chu-biến Nhất-thiết-xứ, là Phật-tánh thậm thâm có đầy đủ mọi năng lực vô úy bất khả tư nghị, có đầy đủ diệu dụng vô ngại bất tư nghị. Là cứu cánh siêu việt tối thượng, có đầy đủ năng lực bất khả thuyết, bất khả xưng tán, để chuyển hóa vô minh thành ra giác ngộ, sinh tử thành Niết-bàn. Là phương tiện vi diệu bậc nhất, thường cải biến hết thảy Sở-y và Sở-hành của mọi chúng sanh, đưa tất cả tướng trạng hữu lậu, trói buộc, trở về với Bản-tánh Vô-lậu, Giải-thoát.”

 

Nên pháp Phản văn Trì Danh với bậc thượng căn chính là niệm Pháp thân Phật, niệm Tự Tánh Di Đà Phật.

Ngẫu Ích đại sư dạy: một niệm tương ưng một niệm Phật; niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật.

Ở cảnh giới này cổ đức có ghi:
Nắm lấy chuỗi tràng trần niệm dứt
Nghiễm nhiên thành Phật đã từ lâu

Đối với 54 địa vị Bồ tát, pháp Niệm Phật Trì Danh chính là pháp Niệm Phật Thật tướng.

Hỏi: Các bậc Bồ tát kiến tánh cũng tu pháp môn Niệm Phật ư?

Đáp: Vì pháp môn Niệm Phật chính là con đường thẳng tắt thành Phật của chư Phật mười phương ba đời. Mỗi vị Bồ tát đều muốn cầu sinh Tịnh độ, vì chẳng lìa thấy Phật, chẳng lìa nghe pháp, chẳng lìa cúng dường chúng tăng mà mau chóng lên đến địa vị Đẳng giác, đắc Đại tự tại ra vào vô lượng vô biên cõi nước, rộng làm vô lượng Phật sự viên mãn. Như Bồ tát Long Thọ, chứng Hoan hỉ địa vẫn phát nguyện cầu sanh về Tây phương vậy.

Nên nói Phản văn Trì danh đối với bậc thượng căn chính là pháp Thiền tối thượng thừa vậy.

Với bậc trung hạ căn sơ phát tâm, pháp Phản văn trì danh là pháp Đại thừa ứng hợp với căn cơ. Như cổ đức nói: pháp môn Trì danh hiệu Phật, đối với người cao thì nó là cao; đối với người thấp thì thành thấp, mỗi căn cơ đều được hưởng dụng trọn vẹn lợi ích.

   Ấn Quang đại sư nói: Thuốc không quý tiện, lành bệnh là thuốc hay; pháp không cao thấp, hợp cơ là Diệu pháp.

Như với bậc thượng căn, mỗi câu Phật hiệu đều lưu xuất từ Biển Diệu giác, chẳng phải khởi quán, nhưng với bậc trung hạ căn sơ phát tâm, ta phải tự quán xét căn cơ bản thân, đi từ cánh cửa nhĩ căn, nắm chặt Bảo kiếm vương Thánh hiệu A Di Đà gỡ từng gút thắt mà vào dòng viên thông.

 

Kinh Lăng Nghiêm viết: Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng:

Cả hai mươi lăm vị Vô-học vừa là đại Bồ-tát, vừa là A-la-hán, vừa rồi đã trình bày từ thuở ban đầu phát tâm cho đến khi thành đạo, mỗi mỗi đều dùng một căn, một trần, một thức, hoặc một đại mà làm phương tiện tu tập để chứng được viên thông chân thật. Chỗ tu chứng của quí vị ấy thật không hơn kém, mau chậm khác nhau. Nhưng vì muốn cho thầy A Nan khai ngộ, nên giờ đây Như Lai nhờ ông xét kĩ, trong hai mươi lăm pháp môn tu tập kia, pháp tu nào xứng hợp với căn cơ của thầy ấy? Lại nữa, sau khi Như Lai diệt độ, nếu có chúng sinh của thế giới này tu tập theo hạnh Bồ-tát mà cầu đạo Bồ đề Vô thượng, thì họ nên dùng pháp môn phương tiện nào để dễ thành tựu?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vâng theo từ ý của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nương theo oai thần của Phật mà nói bài kệ bạch Phật rằng:

 

Biển Giác tánh lắng trong,

Vốn tròn vẹn nhiệm mầu;

Bởi bản minh chiếu soi,

Cho nên có “sở chiếu”;

Do phân biệt “năng, sở”,

Làm mất tánh bản minh.

 

Tất cả chúng sanh vốn trong tánh thể thanh tịnh sáng suốt sẵn có, chợt khởi lên một niệm bất giác, gọi là “câu thỉ vô minh” chiếu soi trở lại bản tâm, thành ra đem tự tâm mình đi tìm kiếm tự tâm, khiến cho pháp phi huyễn thành pháp huyễn; biến cái chân thật sáng suốt thành đối tượng để cho mình chiếu soi. Nhân đó có tâm có cảnh hiện tiền, lần lượt sanh ra các thứ sai biệt; từ đó thế giới, chúng sanh tiếp nối xoay vần mãi mãi cho đến không biết đâu là ngằn mé, không biết đâu là cuối cùng thành ra quên mất cả đường về.
Cũng vậy, tánh nghe chúng sinh bản lai vốn tròn đầy vắng lặng, do một niệm vô minh nổi lên, chạy theo tướng động tĩnh bên ngoài nên dường như có tướng “sở văn” tức là đối tượng của cái nghe; đã có đối tượng của cái nghe thì tất nhiên cũng thành lập cái đối đãi của nó là “năng văn”, tức là cái ngã (Ta), cái có khả năng nghe; đã có tướng Ta thì tất nhiên sẽ có tướng chúng sinh, thế giới, thọ giả…

Lâu nay, cái nghe của chúng sinh luôn mang theo cái ngã, bị cái ngã trói buộc. Ví như khi nghe một bản nhạc; người thích thì bảo nó hay; người không thích thì bảo nó dở. Cùng 1 bản nhạc, qua cái nghe 2 người đã thành khác; đó là do cái ngã và bản nhạc đó đã thành ra là tôi nghe thế này, tôi nghe thế kia, không còn đúng bản chất thật của bản nhạc. Đó gọi là “sở văn”, do sở văn mang theo tri kiến của ngã mà tất cả âm thanh thành ra sai biệt.

Tiếp nối phân biệt đối đãi qua lại không ngừng, vọng tưởng điên đảo nên che mất tánh vắng lặng tròn đầy của tánh nghe, mê lầm cái tiếng với cái nghe như ví dụ trong Kinh Lăng Nghiêm; năng sở không có chủ đích nhất định.

Kinh viết:

Kính bạch đức Thế Tôn!
Phật ở cõi Ta-bà,
Theo cơ nghi cõi này
Lập giáo thể chân thật,
Thanh tịnh mà châu biến,
Chỉ tại nói và nghe.
Muốn chứng tam-ma-đề,
Thật nên dùng tánh nghe.
Lành thay, Quán Thế Âm!
Đã lìa khổ, giải thoát;
Trải qua hằng sa kiếp,
Vào vô số cõi Phật,
Được sức đại tự tại,
Bố thí đức vô úy
Cho tất cả chúng sinh;
Tiếng nói pháp nhiệm mầu,
Tiếng nói nhìn vào đời,
Tiếng hoàn toàn thanh tịnh,
Tiếng ứng hợp thời cơ;
Thường cứu giúp thế gian
Mọi sự đều an lành,
Chứng đạo xuất thế gian,
Thường trụ, không sinh diệt.
 
 
Đức Bồ tát Quán Thế Âm là bậc Đẳng giác Bồ tát, cùng với Đức Đại Thế Chí đứng hai bên phải, trái Phật A Di Đà, được gọi là Tây Phương Tam Thánh, thường ở cõi Ta bà tiếp dẫn người niệm Phật vãng sinh về cõi Cực Lạc. Ngài tu pháp môn “Như huyễn văn huân văn tu Kim cang tam muội” nơi Phật Quán Thế Âm.

Như huyễn có nghĩa là tánh của thanh âm là hư vọng, như hoa đốm giữa hư không; ngay lúc này liền có, sát na sau dời đổi, không có tướng nhất định. Nhân nơi thanh trần mà phát ra cái biết của nhĩ căn. Tri thức phân biệt sinh khởi là do sáu trần. Nhân nơi nhĩ căn mà có tướng của thanh trần. Tướng sở văn và năng văn đều không có tự tánh, như bó lau gác vào nhau.

Văn huân có nghĩa là huân tập tánh nghe hằng ngày.

Văn Tu có nghĩa là thường tu tập pháp môn phản văn văn tự tánh cho đến khi thấm nhuần công phu nầy.

Kim cang có ba nghĩa: kiên cố, xán lạn, và bén nhọn. Thể của kim cang là kiên cố bất hoại. Tướng của kim cang là xán lạn, có thể soi sáng bóng tối trần gian. Dụng của kim cang là sự bén nhọn của nó.

Tam muội có nghĩa là bất động hay là định. Sự vắng mặt của vọng tưởng chính là tam muội. Đây là pháp Kim cang tam-muội. Khi hành giả phát huy định lực này, sẽ được thành tựu Kim cang tam-muội.

 

Kính bạch đức Thế Tôn!
Như Quán Âm đã nói,
Ví như có một người
Đang ngồi nơi yên tĩnh,
Mười phương đều đánh trống,
Thì người ấy cùng thời
Nghe trống khắp mười nơi;
Cho nên biết tánh nghe
Bản lai vốn viên mãn,
Không vọng, không hư dối.
 
Mắt nếu bị ngăn che,
Không thể thấy thông suốt;
Miệng, mũi cũng như vậy;
Thân có chạm mới biết;
Ý niệm luôn lăng xăng,
Ngổn ngang không đầu mối!
Tai, cách tường vẫn nghe,
Xa gần đều nghe được,
Năm căn không sánh bằng;
Cho nên biết tánh nghe
Bản lai vốn thông suốt,

Không vọng, không hư dối.

 

Đoạn kinh văn này Đức Văn Thù nêu ưu điểm nổi bật của nhĩ căn so với 5 căn còn lại của chúng sinh cõi Ta bà. Năm căn kia đều có giới hạn không bằng nhĩ căn. Mắt bị ngăn che thấy trước không thấy sau; thiệt căn, tỷ căn có hợp thì mới biết; thân căn cũng vậy khi hợp thì mới có biết xúc, ly ra thì không. Ý căn thường lăng xăng, không rõ mối manh. Nhĩ căn thì dù xa dù gần dù ngăn bít nó cũng nghe, so với năm căn kia, nhĩ căn viên thông hơn. Hơn nữa, dù trong lúc ngủ tánh nghe vẫn thường hằng nên gọi là chân thật viên thông.

 

Nay cõi Ta-bà này,
Nương tiếng nói luận giải,
Nghĩa lí được tuyên dương.
Nhưng chúng sinh mê muội,
Không thấu đạt tánh nghe,
Chỉ bám theo thanh trần,
Cho nên mãi lưu chuyển!
Ngay như thầy A Nan,
Tuy nghe nhiều nhớ kĩ,
Không khỏi vướng niệm tà!
Mê tiếng thì lưu chuyển;
 
Trong cõi Ta Bà ngũ trược; hạng phàm phu mê muội chấp thường chấp đoạn; chấp vô thường là thường; chấp thường là vô thường điên đảo rối loạn; mê lầm tánh nghe với thanh âm; nên chẳng biết tánh thường hằng tròn đầy của tánh nghe nơi tự tâm mà chỉ biết cái nghe nơi lỗ tai; nên bị xoay chuyển theo thanh trần. Do lỗi “bám theo thanh trần” mà bị thanh trần kéo trôi trong lục đạo sinh tử. Vì chấp vào đối tượng được nghe nên hoặc sinh tâm yêu thích, hoặc sinh tâm chán ghét, sinh tâm phân biệt điên đảo rời xa Bản giác..
Ví như nghe giọng hát hay làm ta thích thú, tiếng la hét ồn ào làm ta khó chịu; đó là bám theo thanh trần. Cõi Ta bà chúng sinh giao tiếp chủ yếu bằng âm thanh, nên nói âm thanh là cái gốc của ái tình dục vọng cũng không sai. Vì bám theo thanh trần nên bị thanh trần cuốn rời xa Bản giác; chỉ còn sống với vọng tâm, vọng thân vô thỉ kiếp xoay vần.
 
 
Xoay nghe vào bản tánh,
Thì chứng ngộ chân thường.
 
Đây chính là mấu chốt của pháp tu Nhĩ căn viên thông; làm sao xoay cái nghe vào Bản tánh?
Muốn xoay cái nghe vào Bản tánh, tức người tu phải tự mình nhận lấy được Bản tánh vắng lặng tròn đầy, hay còn gọi là Chân tâm thường trụ hoặc Tự tánh Di Đà theo cách nói của Tịnh tông. Đây cũng chẳng phải chỉ thẳng Tâm tánh, kiến tánh khởi tu của Đức Lục tổ đấy ư? Nhưng dù có nhận được Bản tánh chân thường cũng chỉ như biết đường về nhà; mà chúng ta trôi lăn vô lượng kiếp; đường về hãy còn rất xa; còn phải đoạn tam hoặc, chứng nhị không, nghịch lưu ngược dòng mà trở về. Cái nghe hướng ra thanh trần là do cái nghe bị dẫn dắt bởi ngã kiến trói buộc, nên thanh âm nghe bị bóp méo không đúng như thật. Muốn xoay cái nghe trở về Bản tánh phải lìa niệm phân biệt đối đãi, yêu ghét nơi thanh trần, nghe thanh âm đúng như nó vốn có chứ không còn là “cái nghe của tôi nữa”. Được như vậy liền theo tánh nghe khế nhập Chân thường. Khi đó mới hay tánh nghe thường hiện hữu chẳng phải nương nhờ nhĩ căn. Như  thiền sư Cổ Linh Thần Tán từng có kệ:
“Linh quang riêng chiếu
Vượt khỏi căn trần
Bày hiện chân thường
Chẳng nệ văn tự”
 

Thầy đã từng được nghe

Tất cả pháp bí áo

Của vô lượng chư Phật,

Nhưng dục lậu chưa trừ,

Tuy tích chứa nghe nhiều,

Trở lại thành lầm lỗi!

 

Thầy đã dùng cái nghe

Để thọ trì Phật Pháp,

Sao không xoay cái nghe

Để nghe cái tánh nghe?

 

Ngay như Ngài A Nan tuy vô số kiếp nghe pháp âm của Đức Thế Tôn; nhưng do vẫn chỉ dùng cái vọng tâm phan duyên nên pháp âm trở thành tướng “sở duyên”, nghĩa là vẫn bị pháp âm chuyển chứ không phải là chuyển pháp âm; vẫn trong vòng điên đảo lầm lẫn phương tiện và chân lý; ngón tay và mặt trăng; nên tâm chưa thể nhập vào pháp tánh; trái lại pháp âm trở ngược lại thành thứ “sở tri” chướng ngại pháp tánh, chỉ biết cái nhân điên đảo suông trên lý thuyết mà cái điên đảo trước mắt thì không biết gì. Tâm phan duyên chính là cái tâm hướng ra ngoài tìm cầu, duyên theo lục trần điên đảo.
Ngài A Nan vốn là bậc Bồ tát, ẩn hạnh Bồ tát thị hiện làm Thanh văn hữu học, để mô phạm cho hàng hậu học sơ phát tâm đời vị lai; cảnh tỉnh những ai thích nghiên cứu Phật pháp, thích sự diệu kỳ nơi ngữ ngôn tướng hảo mà không thật tâm tu hành.
Nếu nhận tâm phan duyên làm chính mình, làm tự tánh rồi theo duyên mà quên mất cái thật thể sáng suốt ở nơi mình, đó là tự quay lưng với chính mình, là “bối giác hợp trần”. Hạng phàm phu thấy sắc thì chỉ nhớ có sắc, nghe tiếng thì nhớ có tiếng, quên mất cái thật nơi chính mình, chỉ nhận cái tâm đó làm tự tánh, làm chính mình. Do đó mà Phật thương xót, mới ra đời dùng nhiều phương tiện đánh thức chúng sanh cho nhớ trở về, không để trôi lăn theo đó nữa.

Phàm phu thì tâm bị vật chuyển, nay hành giả phát Vô thượng Bồ đề tâm, tu Chân tâm thường trụ phải trái trần hiệp giác; dùng tâm chuyển vật mới nghịch lưu trở về Tự tánh.

 

Nghe, không tự nhiên sinh,

                                                 Nhân tiếng mà có tên.      

 

Thiền sư Ngộ An ở chùa Thùy Lộc, xem kinh Lăng Nghiêm này đến đoạn “tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn”. Nghĩa là thấy biết mà lập thấy biết tức là gốc vô minh, còn thấy biết mà không lập thấy biết đây tức là Niết-bàn. Đọc tới đoạn này thì Ngài có cảm cho nên Ngài mới phết trở lại. Tức là “tri kiến lập tri, tức vô minh bổn” thì Ngài phết trở lại là “tri kiến lập, tri tức vô minh bổn”. Tức khi cái thấy biết đã lập rồi thì cái thấy biết ấy là gốc vô minh.

Phật dạy: do nơi 2 thứ vọng trần là động và tĩnh phát ra cái nghe bên trong, thu nạp các đối tượng động tĩnh này (sở văn) gọi đó là tánh nghe (năng văn). Nếu xa rời 2 thứ động tĩnh này thì cái nghe hoàn toàn không có tự thể.

Ngài Trường Thủy Tử Tuyền theo Pháp sư Hồng Mẫn nghe giảng kinh Lăng Nghiêm, đến phần nói về Bồ-tát Quán Âm phản văn văn tự tánh, tới đoạn “động tịnh hai tướng rõ ràng chẳng sanh” thì Ngài có tỉnh; đến thưa với Pháp sư Hồng Mẫn: “Gõ hư không, đánh vào gỗ vẫn còn rơi vào nơm bẫy, trừ bỏ hai đường này mới khế hợp ý chỉ này”. Pháp sư ấn chứng cho Ngài.

 

Xoay nghe nghe tự tánh,

Thoát li khỏi thanh trần.

 

Do vậy cội gốc làm tâm lưu chuyển chính cái sở văn hư vọng kia, xoay cái nghe tức là không bị cái sở văn hư vọng lôi kéo. Ví như khi ta nghe một bài hát, liền sinh tâm yêu thích lẩm nhẩm theo, tức là bị tướng sở văn kéo trôi.

Đức Phật dạy: đoạn kiến hoặc khó như ngăn dòng sông rộng 40 do tuần.

Thế thì có thể hiểu dòng lũ thanh trần giống như cơn lũ rộng 40 do tuần kéo trôi chúng ta. Muốn xoay cái nghe trước hết phải rời xa cái tướng sở văn hư vọng. Làm sao chúng sinh sơ phát tâm cõi Ta bà thời mạt pháp có thể dứt bỏ tướng sở văn, không bị thanh trần lôi kéo?

 

Như huyễn: hiểu một cách đơn giản là quán sát các pháp đúng bản chất không thật có cũng không thật không, luôn dời đổi không nắm bắt được. Ban đầu hành giả quán thanh âm là duyên giả hợp 2 tướng động tĩnh, vốn chẳng đâu đến, lại cũng không đi về đâu. Hành giả để thanh âm qua căn tai như người lữ khách đứng trước ngã sáu đường bàng quan quan sát; thấy người qua lại nườm nợp, vẫn nhận biết mà chẳng quan tâm những người đó từ đâu đến lại đi về đâu.

Như một người ra phố dạo chơi; về đến nhà, người nhà hỏi: “Phố hôm nay có gì không anh?” Người đó đáp “Chẳng có gì”. Phố đâu thể chẳng có gì, chỉ vì người đó chẳng để tâm đến vật gì nên nói chẳng có gì.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông có câu thơ:

Trong nhà sẵn bảo thôi tìm kiếm

Đối cảnh tâm không chẳng phải Thiền

Tâm không ở  đây chính là tâm không tác ý, tâm vô sở niệm vậy.

 

Nói thì thật đơn giản nhưng khi tu tập lại chẳng hề dễ dàng vì chúng ta huân tập sở văn vô lượng kiếp, như đứng trước cơn lũ thì sức người yếu đuối tất bị kéo đi. Thế nên tỳ kheo Pháp Tạng qua 5 kiếp tư duy phát nguyện, lại dành ra vô lượng kiếp tinh tấn tu hành; hình thành pháp môn Trì Danh hiệu Phật nhiệm màu, lấy Danh hiệu Phật làm chỗ định tâm, làm chỗ trụ cho hành giả sơ tâm không bị dòng lũ cuốn đi. Chúng ta phải tự hiểu mình chẳng phải bậc long tượng như đức Lục Tổ Huệ Năng mà có thể vô sở trụ trước lục trần.

 

Văn huân: Nghĩa là huân tập chủng tử Phật hiệu hàng ngày, hàng giờ.

Vì sao phải niệm Di Đà, Ngẫu Ích đại sư nói: “Nhằm làm cho hàng sơ cơ dễ biết chỗ để chú tâm, do A Di Đà Phật có bổn nguyện thù thắng, do Phật đặc biệt có duyên với chúng sinh cõi này, có thể làm cho chúng sinh vui vẻ tin tưởng, chứng nhập, có thể dấy động chủng tử Phật từ trong quá khứ, có thể làm cho ma khó có thể gây chướng ngại, ngăn trở, làm cho thể tánh dễ khai phát”.

Hành giả sơ phát tâm, tâm lực còn yếu, trước gió nghiệp mỏng manh hơn chiếc lá, tự mình phải giữ vững Bản tâm, huân tập chủng tử Danh hiệu Phật A Di Đà thường xuyên, để dần dần có được định tâm, định lực trước thanh trần.

Quá trình huân tập này phải bền bỉ đều đặn như lắng nước đục; gieo Phật hiệu vào A lại da thức đủ sức ngăn cản khiến chủng tử thiện ác tam giới không còn phát khởi; nghĩa là làm tướng sở văn dần dần lắng lại.

Nên Ngẫu Ích đại sư có nói: “Thanh châu gieo nước đục, nước đục chẳng thể không trong; Phật hiệu gieo nơi loạn tâm, loạn tâm chẳng thể không trở thành Tâm Phật.”

Trong thời đại mạt pháp, công nghệ thông tin rối loạn thường làm tâm chúng sinh loạn động; nhưng lại có ưu điểm là khi huân tu Phật hiệu, ta có thể dùng đài, ti vi phát Thánh hiệu A Di Đà ngày đêm; vì tánh nghe có ưu điểm viên thông; ngay cả khi ngủ cũng không bị chướng ngại; nên so ra càng siêu việt các pháp viên thông khác.

Dầu cho trong lúc ngủ,

Ý thức không nghĩ suy,

Nhưng không phải vì vậy

Mà tánh nghe chẳng có;

Cho nên biết tánh nghe

Vượt ngoài sự suy nghĩ,

Thân tâm không sánh bằng.

 

Có vị tăng hỏi Hòa thượng Trường Sa  Cảnh Sầm: - Thế nào là Quán Âm?

Ngài Trường Sa đáp: - Âm thanh, lời nói.

Lại nữa; cổ đức cũng nói:      “Thế gian, xuất thế suy cùng khắp

         Chẳng niệm Di Đà lại niệm ai”

Thanh âm tối tôn vi diệu, chứa đựng vô lượng nghĩa lý chẳng phải là Muôn đức hồng danh Thánh hiệu A Di Đà đấy ư? Chẳng huân tu Thánh hiệu thì huân tu thanh âm gì?

Về giai đoạn tu nhân, có thể nói chúng ta ngày nay còn may mắn hơn cả Đức Quán Thế Âm thuở xưa; vì khi ngài tu nhân còn chưa có Thánh hiệu A Di Đà. Học đây rồi chúng ta thấy mình được duyên lớn mà cũng nhớ ơn lớn của chư Phật, Bồ tát. Chúng ta không phải nhọc nhằn cầu tìm mà được Phật, Bồ tát chỉ ra, vạch sẵn con đường trở về phía trước. Vậy mà chúng ta không biết quý trọng để tiến tu chẳng phải phụ lòng của Đức Từ Tôn và chư Đại Bồ tát lắm sao?

 

Văn tu: Tu nơi nhĩ căn- quán chiếu tánh nghe và âm thanh.

Có vị tăng hỏi Hòa thượng Huyền Sa:

- Con mới vào tùng lâm, xin thầy chỉ cho con đường vào?

Ngài Huyền Sa bảo: - Ông có nghe tiếng nước suối Yển chăng?

 Ông tăng thưa: - Dạ nghe.

Ngài Huyền Sa bảo: - Hãy từ trong ấy mà vào.

Đó là Thiền sư chỉ thẳng từ cái nghe vào.

Đức Phật dạy Bản giác vốn diệu minh, sáng suốt; do một niệm câu thỉ vô minh, khiến Bản minh dường như có “năng-sở”; chia chẻ Bản tánh thành 6 căn riêng biệt; mỗi căn đều có cho riêng mình năng minh-sở minh, và không vượt qua ngoài cái giới hạn ấy như cái thấy không rời sáng tối; cái nghe không lìa động tĩnh,…

Muốn trở về Bản tâm thường trụ sáng suốt buộc phải gỡ nút thắt nơi 1 trong 6 căn này. Nếu hành giả đã phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chọn viên thông nơi nhĩ căn mà vào thì phải biết cởi bỏ gút thắt nơi nhĩ căn.

Đã nói từ trước, nhân 2 tướng vọng trần động tĩnh, mà nơi Bản giác sinh ra tánh nghe; thành lập năng văn-sở văn. Cái nghe của chúng ta hiện nay đã vốn không phải cái nghe tròn đầy sáng rỡ của Bản văn; chỉ là cái năng văn thô lậu của phù trần căn; nay trên nó lại nảy sinh ra cái sở văn hư vọng, chẳng phải điên đảo lắm sao?

Thế khác gì Diễn nhã đạt đa mê thích cái đầu mình trong gương; quên chân theo vọng mà phát cuồng bỏ chạy. Cái đầu vẫn sẵn đó, mà bảo là mất đầu rồi đi tìm đầu?! Có Ai thấy chăng cái cuồng của chính mình đó? Không cuồng, tại sao vẫn làm chúng sanh điên đảo đây? Thật cuồng, thì còn Ai có biết để chạy tìm?

Chính ta chẳng phải cái anh chàng Diễn nhã đạt đa đi tìm đầu kia ư?

Vậy muốn trừ bỏ cái gút nơi nhĩ căn làm ta điên cuồng; trước tiên phải trừ bỏ cái gốc chính là cái thức phân biệt nơi nhĩ căn, vì nó là thứ bám theo thanh trần. Thức tâm phân biệt đã dứt, khi đó tướng sở văn tự trừ bỏ thì tự nhiên năng văn chẳng do đâu mà thành lập; được tánh viên thông.

Với thanh trần, có diệu pháp nào tu tập rời bỏ tướng phân biệt giả dối hơn trụ tâm nơi Thánh hiệu Di Đà nữa ư; đấy là con đường thẳng tắt vào đạo vậy. Khi ấy gọi là chuyển thanh âm trở về Bản giác; còn ngược lại bám theo thanh trần sanh vọng niệm; ấy là bị âm thanh chuyển vào lục đạo.

Hành giả giữ tâm tu tập pháp môn Phản văn-Trì danh nhuần nhuyễn; ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Trước khi chưa tu, ta nghe bài hát hay thường bị hấp dẫn, mê luyến, nghe lời chê bai, tâm lập tức phản ứng. Nay khi nghe âm thanh này, hành giả nên khởi quán: “chính âm thanh lôi kéo ta trôi dạt luân hồi vô lượng kiếp, kiếp này ta gặp được pháp môn kỳ diệu này, ta quyết trụ nơi Thánh hiệu Di Đà; không để thanh âm lôi kéo nữa.”

 Đó gọi là Phản văn- văn tự tánh; ngược dòng thanh trần, rời bỏ tiền cảnh, lắng nghe Thánh hiệu khởi trong tánh.

Có thể lấy phép ví dụ “cầm gậy đánh rắn”:

Hành giả cần khởi câu Phật hiệu rõ ràng, để tai nghe rành mạch từng câu một; xoay cái nghe nghe câu Phật hiệu. Mỗi âm thanh, dù là pháp âm chăng nữa, nếu hành giả dùng tâm phan duyên tích chứa đều là lỗi lầm. Đó cũng chính là câu: “Nếu dùng sắc để thấy ta, dùng âm thanh cầu ta thì người đó thành tà đạo, không thể thấy Như Lai”.

Duy có Thánh hiệu A Di Đà là âm thanh tối tôn vi diệu, có năng lực dẫn dắt hành giả ngược dòng sinh tử, siêu việt tam giới theo chiều ngang; vô lượng vô biên diệu dụng, là cái neo để giữ hành giả trụ vững trước cơn lũ thanh trần xô đẩy, dần dần nghịch lưu về Tự tánh Di Đà.

Hành giả vừa niệm Phật, vừa để tâm lắng nghe câu Phật hiệu rõ ràng, rành mạch; nếu tâm phan duyên chợt bị kéo theo thanh trần bên ngoài hay vọng tưởng, lập tức phát hiện, đề khởi không để “con rắn” vọng tâm trôi lăn theo trần cảnh. Đấy ví như người cầm gậy đề phòng con rắn độc để nó chẳng cắn người.

 

Đến khi nào vào nơi phố chợ ồn ào, thị phi mà tâm bình thản vẫn giữ được Thánh hiệu A Di Đà mà không bị âm thanh lưu chuyển là bước đầu thành công đi vào pháp môn này.

Như mọi pháp môn Thiền quán khác thì đây mới chỉ là bước đầu hàng phục vọng tâm, ví như lấy đá đè cỏ, mới là bước những bước đầu tiên trên con đường giải thoát.

Nhưng với pháp môn Trì danh thì hành giả đã bước vào giai đoạn “Niệm Phật không gián đoạn”, ở giai đoạn này Tín, Nguyện đã sâu chắc, chắc chắn lâm chung Phật A Di Đà và thánh chúng tiếp dẫn về cõi Cực Lạc, chứng ngôi bất thoái.

So ra như thế, người tu nên tự suy xét hơn kém để tự mình lựa chọn pháp môn tu hành, tránh lầm lỡ.

Tam muội: tức là Chánh định

Pháp môn Tín, Nguyện, Trì danh muốn được thành tựu vãng sinh ắt hành giả cần phải huân tu đạt được định trước gió nghiệp tam giới. Định này tùy theo sự hành trì sâu cạn được chia thành ba bậc chín phẩm.

Hạ phẩm vãng sinh hành giả cần Tin sâu, Nguyện thiết, lâm chung nhờ nương vào Phổ đẳng tam muội của Đức Từ tôn A Di Đà, được nhất tâm bất loạn mười niệm theo Phật và thánh chúng tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc.

Không dừng ở Tin sâu, Nguyện thiết hành giả tiến lên nữa, quá trình huân tu Thánh hiệu của hành giả thuần thục đi vào được Niệm Phật tam muội, trong tông Tịnh độ thường gọi là cảnh giới Nhất tâm bất loạn. Tùy theo sự sâu cạn, căn cơ mà cũng thường được chia thành Lý Nhất tâm bất loạn và Sự Nhất tâm bất loạn.

Lại nữa, niệm Phật cũng có sự Sự trì và Lý trì.

Theo Ngẫu Ích đại sư: “Sự trì là tin có cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, mà chưa đạt lý tâm này làm Phật, tâm này là Phật, chỉ quyết định cầu sanh, tha thiết thì niệm như con nhớ mẹ không lúc nào tạm quên. Lý trì là tin hiểu Phật A Di Đà ở Tây Phương, do tâm ta sẵn đủ, tâm ta tạo nên; đem câu hồng danh sẵn đủ và tạo nên của tâm mình làm cảnh buộc niệm, chẳng giây phút nào xao lãng”.

Nói giản lược, Sự trì là cách trì niệm của kẻ không rõ về nghĩa lý, chỉ tin có cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, rồi chí thành tha thiết niệm Phật để cầu tiếp dẫn vãng sanh. Lý trì là lối trì niệm của người cũng thật hành đồng như cách Sự trì ở trên, nhưng giải ngộ cảnh Tịnh Độ cùng Phật A Di Đà đều ở trong chân tâm, do công đức thanh tịnh của chân tâm hiện thành.

Trong tác phẩm Niệm Phật thập yếu, Tổ Thiền Tâm có kể câu chuyện:

Trong giấc mộng, một vị sư Việt Nam gặp ông tăng áo vàng hỏi:

- Người niệm Phật, mà Phật là chi?

- Đáp: Phật là tâm.

Ông tăng hỏi tiếp: Thế nào là “Phật là tâm”?

Vị sư bèn ứng khẩu đọc:

Mỗi câu tràng hạt Phật là tâm

Phật rõ là Tâm, uổng chạy tìm!

Bể Phật dung hòa Tâm với cảnh

Trời Tâm bình đẳng Phật cùng sanh

Bỏ Tâm theo Phật còn mơ mộng

Chấp Phật là Tâm chẳng trọn lành.

Tâm, Phật nguyên lai đều giả huyễn

Phật, Tâm đồng diệt đến viên thành.

 

Ngẫu Ích đại sư dạy: “Không luận sự trì hay lý trì; niệm đến hàng phục phiền não, kiến hoặc tư hoặc không khởi hiện, là cảnh giới Sự nhất tâm. Không luận sự trì hay lý trì, niệm đến tâm khai trí rạng, thấy rõ Bản tánh Phật, là cảnh giới Lý nhất tâm. Sự nhất tâm không bị kiến, tư hoặc làm loạn. Lý nhất tâm không bị nhị biên làm loạn.”

Nghe đã thoát thanh trần,

Tên gọi cũng không có.

 

Đến giai đoạn này, nghe thoát thanh trần tức sở văn đã diệt; các tướng động tĩnh vắng lặng không sinh; lìa động lìa tĩnh thì cái nghe không sinh, tức thì cái năng văn cũng diệt theo; khi đó tánh nghe vượt qua sự đối đãi “năng-sở”, cởi được cái nút thắt nhĩ căn, nên cái tên cũng không còn.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông viết:

Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm

Danh lợi lòng băng với bão đêm

Mưa tạnh, hoa tàn non tịch mịch

Một tiếng chim kêu, xuân thêm tàn

Trong mọi thanh âm, tiếng thị phi đối ứng trực tiếp với bản thân nhất, dù có tu sâu nhưng tiếng khen, chê vẫn chạm đến những cảm xúc vi tế. Thị phi đã rụng trôi rồi, một tiếng chim kêu, là ai nghe? Xoay người lại; hoa rụng, xuân tàn rồi.

Đức Lục tổ cũng dạy:

Khen chê tâm tĩnh lặng

Ghét thương chẳng để lòng

Duỗi thẳng đôi chân nghỉ

Phiền não tức Bồ đề

 

 Có lần có vị tăng hỏi Thiền sư Quang Mục:

 - Thế nào là cái chánh nghe?

Thiền sư Quang Mục đáp: - Chẳng từ lỗ tai mà vào.

 Ông tăng hỏi: - Vậy thì làm thế nào?

 Ngài Quang Mục đáp: - Ông lại nghe chăng?

Hai tai chỉ là hai dãy thịt, như chiếc lá mới cuốn; lại nghe được pháp chăng? Cái thân tứ đại do máu thịt này lại thọ được pháp chăng?

Hành giả hãy tự nhận lấy đi, của báu sẵn trong nhà mình đấy.

 

Một căn đã về nguồn,

Sáu căn đều giải thoát.

 

Nhĩ căn đã viên thông, thoát khỏi vọng trần dính mắc; quay trở về Tánh giác bản nguyên; khi đó ánh sáng diệu minh của Bản giác được hiển lộ thì 5 căn khác cũng cùng lúc được thanh tịnh. Khi đó hành giả được giải thoát, vào được Tam ma đề của chư Phật.
 

Thưa Đại Chúng hiện tiền,

Cùng với thầy A Nan!

Hãy trừ bỏ cái nghe

Bám thanh trần điên đảo,

Hãy xoay lại cái nghe

Quay về nghe tự tánh,

Tánh thành Đạo Vô Thượng.

Đó thật là pháp môn

Kẻ sơ tâm nương vào

Để tu chứng viên thông.

Đó là con đường thẳng

Mà chư Phật mười phương

Tiến vào cửa niết bàn.

Chư Phật đời quá khứ

Đã thành tựu pháp này;

Chư Bồ-tát hiện tại

Cũng nương pháp môn này

Nhập cảnh giới viên minh;

Và ở đời vị lai,

Những người tu học Phật

Cũng theo pháp môn ấy.

Chẳng riêng Quán Thế Âm,

Tôi cũng trong pháp ấy

Mà tu chứng viên thông.

 

Thật như lời Thế Tôn

Hỏi con các phương tiện

Dùng để cứu chúng sinh

Ở thời kì mạt pháp,

Người muốn cầu xuất thế,

Thành tựu tâm niết bàn,

Thì phương tiện “nhĩ căn”

Của Bồ Tát Quán Âm

Là siêu việt hơn hết;

Còn các phương tiện khác,

Đều nhờ oai thần Phật,

Khiến gặp được cơ duyên

Mà thoát bỏ trần lao,

Không phải là pháp tu

Lâu dài cho mọi người,

Cũng không thể cùng lúc

Nói cho người căn cơ

Sâu, cạn không đồng nhau.

 

Đảnh lễ Như Lai Tạng

Vô lậu, không nghĩ bàn,

Gia hộ đời vị lai

Người tu pháp môn này

Tỏ ngộ, không mê hoặc.

Phương tiện kẻ sơ tâm

Tu dễ dàng thành tựu!

Đây quả là pháp môn

Hợp cơ thầy A Nan

Cùng chúng sinh đời sau,

Chỉ cần tu “nhĩ căn”,

Mau chứng được Viên Thông,

Hơn các pháp môn khác.

Yếu quyết tu Chân Tâm,

Chỉ như vậy mà thôi!

 

Đoạn kinh này Đức Văn Thù tổng kết lại pháp tu Nhĩ căn viên thông, đánh giá và khuyến tấn chúng sinh đời vị lai thời mạt pháp phát tâm Bồ đề, chỉ rõ con đường đến quả vị Diệu giác. Vì thời mạt pháp xa Phật ma chướng nặng nề nên Đức Văn Thù cần phải chỉ rõ con đường để hàng phàm phu sơ phát tâm nương vào. Với thời Chánh pháp và tượng pháp, các Phật tử thường được gần Phật và thánh tăng, được Phật và thánh tăng chỉ dạy trực tiếp; giáo pháp còn hưng thịnh; ma chướng tuy có nhưng không nhiều; lại được oai thần Phật gia hộ gặp nhiều thắng duyên nên dễ tu chứng.


Hỏi: Nếu pháp Phản văn Trì danh ưu việt như vậy sao 25 vị Đại A la hán và Đại Bồ tát trong kinh Lăng Ngiêm không ai tu học; mà Đức Văn Thù chỉ tuyên dương pháp Nhĩ căn viên thông của Ngài Quán Thế Âm?

Đáp: Hỏi như vậy hàng hậu học sơ cơ chúng ta ngày nay lại càng phải cảm ân trọng của Pháp Tạng tỳ kheo.

Mới hay, Ân Phật quá lớn lao không thể nghĩ bàn! Dù tán nhỏ thân này như vi trần mà phụng thờ Phật trong vô số kiếp cũng khó đáp đền! Ôi!

Nếu chẳng phải tỳ kheo Pháp Tạng là bậc Đại sĩ; quán sát thấu tận cùng nỗi khổ tam đồ, lại dùng năm kiếp tư duy phát ra 48 Đại nguyện độ sanh thì sao chúng ta có thể học được pháp môn Trì danh siêu việt dễ dàng, ổn thỏa thế này? Còn chẳng phải tu các pháp môn tự lực như các vị Bồ tát trong kinh Lăng Nghiêm ư; muôn vạn ức người phát tâm có nổi một người vượt qua được biển lửa tam giới không? Nên có câu Bồ tát phát tâm số như bông xoài trứng cá, thành đạo như lông rùa sừng thỏ là vậy.

Vì tỳ kheo Pháp Tạng phát ra Đại nguyện rộng lớn như hư không; nên Ngài dùng vô lượng vô biên vô số a tăng kỳ kiếp trang nghiêm cõi Phật, cách đây 10 kiếp mới hoàn thành. Chẳng phải các vị A la hán và Đại Bồ tát không muốn học mà không thể học, không có pháp này mà học. Nên nói giai đoạn tu nhân hậu học chúng ta may mắn hơn các vị vô biên vô số lần, nay gặp được pháp môn này chẳng phải nên trân quý, dốc hết tâm lực mà tu học để báo đền ân Phật và cũng là chẳng phụ tánh linh của mình đó ư?

 

  Vì năng lực kém cỏi, tâm trí si ám, con xin được dừng tại đây. Vì lấy trí đóm mà suy xét ánh mặt trời, ếch đáy giếng mà bàn chuyện đất trời, ắt hẳn bài viết phạm phải nhiều sai sót không thể tha thứ. Ngưỡng mong chư Phật, chư đại Bồ tát từ bi gia hộ cho tâm phàm lời tục con mà thầm thông trí thánh, thầm hợp đạo mầu, được đúng như pháp, chẳng đến nỗi tạo tội vô lượng.

  Nếu bài viết được chút công đức nào, xin nguyện hồi hướng cho hết thảy chúng sinh nương theo lời chân thật của đức Thích Ca, nương theo Đại nguyện đấng Đạo sư tiếp dẫn A Di Đà Phật phát khởi Tín Nguyện đồng sanh An Lạc quốc, đồng thành Phật đạo

 

 

 

  Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

  Nam mô A Di Đà Phật.

  Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát

  Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát

  Nam mô Thanh tịnh đại hải chúng Bồ tát

  Đệ tử Pháp Đức kính viết.

  Viết xong Xuân Giáp Thìn 2024.



 

 

 

 

Kệ hồi hướng

Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm Phật Tịnh độ

Trên đền bốn ơn nặng

Dưới cứu khổ ba đường

Nếu có ai thấy nghe

Đều phát Bồ Đề tâm

Hết một báo thân này

Đồng sanh cõi Cực Lạc.


Phụ lục: Các tác phẩm tham khảo:

1. Niệm Phật thập yếu, Hòa thượng Thích Thiền Tâm.

2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký- Hòa thượng Thích Thông Phương

3. Di Đà yếu giải- Ngẫu Ích đại sư

và các tác phẩm Phật học khác.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2012(Xem: 5422)
Vào mùa thu Milarepa đi tới một địa điểm được gọi là Gepa Lesum, nơi người dân đang thu hoạch mùa màng. Ngài đang khất thực thì một thiếu nữ tên là Nyama Paldarbum nói: “Ông đi tới căn nhà ở đằng kia, con sẽ gặp ông và tặng ông thực phẩm.”
10/06/2012(Xem: 7451)
Theo truyền thống Tiểu thừa Phật giáo, chúng ta bị dính vào cõi này với sinh, tử, tái sinh và chết đi vô tận bởi chúng ta tham lam mọi thứ và bám chấp vào chúng quá nhiều. Thậm chí mặc dù, bánh xe cuộc đời này mang đến rất nhiều khổ đau cho chúng ta, ta vẫn bám lấy nó. Truyền thống Tiểu thừa nhấn mạnh vào việc loại bỏ các nguồn gốc dù là tốt đẹp của tham luyến. Theo Đại thừa, bởi ngu dốt chúng ta bị kéo vào vòng luân hồi này. Chúng ta chấp nhận những thứ không thật là thật, và chúng ta nghĩ những thứ không thật đó là sự thực đúng đắn duy nhất. Mọi thứ chúng ta nghĩ phản ánh sự hiểu sai lầm về việc mọi thứ thực sự như thế nào. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phát triển cái được gọi là “trí tuệ siêu việt,” để tiêu trừ các nguồn gốc của ngu dốt này.
16/05/2012(Xem: 4807)
Hôm nay, nhân mùa an cư, về đây thuyết pháp nhắc tôi nhớ lại tỉnh Bình Phước là tỉnh đầu tiên mà tôi đã đến hoằng pháp khi tôi mới ra trường vào năm 1958, nên tôi có độ cảm sâu sắc với tỉnh nhà; đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, nhân dân ở tỉnh này đã hy sinh quá nhiều. Vì vậy, giữa những người đã khuất và những người đang sống nơi đây có sự Liên hệ mật thiết, gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng cần phải giúp cho người khuất bóng được siêu thoát thì người sống mới phát triển được ý này trong Phật giáo gọi là âm siêu dương thới.
16/05/2012(Xem: 4545)
Trên bước đường tu hành, mục tiêu của hàng đệ tử Phật là giải thoát sinh tử, đến Niết bàn theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, hay thâm nhập vào các Tịnh độ theo tinh thần Phật giáo Bắc tông. Ở đây, chúng tôi triển khai một phần về thế giới Niết bàn. Thế giới Niết bàn hoàn toàn đối lập với thế giới hữu hạn mà chúng ta đang sống. Thật vậy, tất cả vạn vật hiện hữu ở thế giới Ta bà đều bị sự chi phối của định luật vô thường, khổ, không, vô ngã, không thể khác. Loài người sống trong thế giới sinh diệt cũng không thể thoát khỏi định luật này, gọi là sinh, già, bệnh, chết. Các loài thực vật cũng có bốn tướng là sinh, trụ, hoại, diệt và thế giới cũng trải qua bốn giai đoạn là thành, trụ, hoại, không.
10/05/2012(Xem: 5544)
Một thời Đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ, lúc ấy có Tỳ Kheo Cù Ba Ly (có sách dịch là Cù Ca Lê) đến chỗ đức Phật cúi đầu lễ Phật rồi thưa...
09/05/2012(Xem: 3952)
Pháp môn Tịnh độ theo như huyền ký của Đức Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ ([1]) và Kinh Đại Tập ([1]) là một pháp môn thù thắng và rất thích hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Chư Tổ như các ngài Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Huệ Viễn, Thiện Đạo, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Thiên Như, Liên Trì, Ấn Quang, v.v… cũng đều đề xướng tuyên dương pháp môn Tịnh độ.
09/05/2012(Xem: 5023)
Niệm Phật tu hành bằng chơn tâm là biết được tánh trọng yếu của vấn đề niệm Phật, không quản ngại công tác nhiều, sự tình bề bộn, tuy thân bận rộn mà tâm không bận rộn, không để việc đời vướng mắc mà bị chuyển đổi. Như gương chiếu hình, hình hiện lên không chỗ nương cậy, hình mất đi không lưu dấu; cả ngày công việc đoanh vây, mà vẫn thong dong ngoài vật. Bởi vậy, hàng ngày lợi dụng những lúc: ngủ dậy, trước khi ngủ, trước và sau khi ăn, trước khi làm việc, sau khi làm việc, lúc nghỉ ngơi rảnh rỗi... Tùy thời tùy chỗ mà niệm Phật. Lúc công tác dụng tâm suy nghĩ, tạm thời gác câu niệm Phật, công việc xong rồi lại tiếp tục câu Phật hiệu. Niệm Phật nhiều để thành thói quen niệm Phật, trong tâm có Phật thì sẽ được nhất tâm bất loạn; hiện đời này chứng được “niệm Phật tam muội” càng hay. Đó là: không làm các việc ác, vưng làm các pháp lành, tự thanh tịnh nơi ý, ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh thì lúc mệnh chung mới có thể biết trước giờ chết, thân không bệnh khổ, thần trí trong sáng th
04/05/2012(Xem: 11690)
Trong rất nhiều pháp môn tu tập theo giáo lý Phật giáo, thì mỗi một pháp môn tu tập là mỗi một con đường đi về với quê hương của chính mình, là mỗi một con đường đi về với quê hương chư Phật. Và, Tịnh độ cũng là một trong những con đường giúp ta sớm trở về với quê hương ấy.
01/05/2012(Xem: 10710)
Đạo đức kinh tế theo quan điểm của Phật giáo, tác giả: Peter Harvey, Đỗ Kim Thêm dịch
18/04/2012(Xem: 11309)
Đầu tiên cần nhớ lại định nghĩa về nghiệp xấu – bất cứ hành động nào mà kết quả là khổ đau, thông thường là một hành động thúc đẩy bởi sự ngu dốt, gắn bó hay thù ghét.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]