Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuông Mõ Gia Trì (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19, Melbourne, Úc châu thứ năm ngày 20 tháng 8 năm 2020)

01/08/202117:27(Xem: 9628)
Chuông Mõ Gia Trì (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19, Melbourne, Úc châu thứ năm ngày 20 tháng 8 năm 2020)

chuong mo gia tri


Chuông Mõ Gia Trì
Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng
(Trong thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19, Melbourne, Úc châu thứ năm ngày 20 tháng 8 năm 2020)
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước và Cư Sĩ Quảng Tịnh





Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông.

Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.

Bên Nam tông, các vị phải nhớ rằng chuông là có từ thời Đức Phật, không phải mới có đây, vì có nhiều người hiểu sai là chuông cũng mới có đây theo mõ.

Các vị đọc lại Kinh Lăng Nghiêm sẽ thấy Đức Phật đánh tiếng chuông, hỏi Ngài A Nan có nghe được tiếng chuông hay không, Ngài A Nan nói rằng:

-Bạch Đức Thế Tôn! Con nghe được tiếng chuông.

Đức Thế Tôn đánh vào trong không khí 2 lần, không phát ra tiếng, hỏi A Nan có nghe được tiếng chuông hay không, thì Ngài A Nan nói rằng:

-Bạch Đức Thế Tôn! Con nghe không có tiếng chuông.

Đức Phật chỉ chỗ này là tánh nghe thường trụ. Mặc dù không có tiếng chuông, nhưng tánh nghe của Tôn giả A Nan không có mất, tánh nghe vẫn còn ở đó. Tức là không có tiếng chuông thì tánh nghe vẫn còn, nghe cái không có tiếng chuông.

Nhưng chúng sanh thì thường lầm chấp ở chỗ: có tiếng thì nghe, không có tiếng thì không nghe.

Đức Phật chỉ rằng cái tiếng là cái ngoại cảnh bên ngoài, còn cái tánh nghe là cái thường hằng ở bên trong. Tánh nghe này bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, ở Thánh không tăng, mà ở Phàm không giảm. Việc tu tập của chúng ta là làm sao nhận ra được cái thường tánh, cái tự tánh ở bên trong này.

Cho nên “Nhĩ căn viên thông” là pháp tu của Bồ Tát Quan Thế Âm nói rất rõ về “phản văn văn tự tánh” này. Tức là chúng ta quay về, xoay lại để nghe tiếng lòng của mình. Chúng ta thường chỉ nghe âm thanh bên ngoài chứ không nghe được tiếng lòng bên trong, và khi nghe được tiếng lòng của mình thì ngay lúc đó mình đã thấy được ông Phật của mình.

Cho nên thỉnh chuông cũng có nghĩa là thỉnh Phật trở về với mình, thỉnh ông Phật quang giáng đạo tràng để chứng minh công đức.

Về sự là thỉnh Phật trong mười phương quang giáng đạo tràng để chứng minh cho thời tụng kinh của chúng ta. Nhưng về lý là thỉnh ông Phật thường trụ trong mình cũng quang giáng đạo tràng.

Vào cổng chùa, nghe tiếng chuông, nhắc mình buông.

Lên Chánh Điện, nghe tiếng mõ, nhắc mình bỏ.

Buông! Bỏ!! Chuông!

Nghe tiếng chuông nhắc mình  buông.

Nghe tiếng mõ nhắc mình bỏ.

Chuông! ! Bỏ! Buông!

 

Ca sĩ Nguyên Đức ở Sài Gòn hát bài này rất là hay. Các vị nhớ tiếng chuông giúp cho mình buông xuống tất cả những phiền não, khổ đau, những chấp mắc, những phiền lụy của cuộc đời. Nghe tiếng mõ là giúp mình tỉnh thức bỏ đi những thói hư, những tật xấu, những vụn vặt đem lại phiền não khổ đau cho mình, chính vì vậy mà chiếc mõ được hình thành với quai mõ, thân mõ được chạm trỗ hình cá, là loài không bao giờ ngủ, biểu hiện cho sự tỉnh thức.

Chuông mõ Gia Trì là chuông mõ nhỏ để mình sử dụng tụng kinh hằng ngày. Ở chùa, người thỉnh chuông gọi là Duy Na, người đánh mõ gọi là Duyệt Chúng.

Duyệt là vui thích, Chúng là đại chúng. Duyệt Chúng là người giữ vai trò thỉnh mõ, mà tiếng mõ có công năng mang lại niềm vui, tạo ra sự phấn chấn cho đại chúng. Muốn được như vậy, người thỉnh mõ phải luôn chánh niệm để tiếng mõ phát ra hòa nhịp với lời kinh tụng mới có thể tạo nên âm  thanh trầm hùng thanh thoát; còn nếu tiếng mõ lạc nhịp khiến cho người tụng có cảm giác khó chịu mang lại sự bực bội, tức tối cho họ.

Cho nên thỉnh chuông thì dễ mà thỉnh mõ rất khó, phải học rất kỹ để mà sử dụng chuông mõ, biết cách thỉnh chuông làm sao, thỉnh mõ làm sao, để mình làm cho đúng, để mình không gây phiền não cho người khác.

Đạo tràng có mấy chục người nhưng người có khả năng thỉnh chuông, gõ mõ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, những người còn lại thường không biết cách làm. Thứ hai nữa là không đủ tự tin để làm, sợ mang đến phiền não cho người, nên tới thời tụng kinh, những người thỉnh chuông mõ chính mà bận, nghỉ là những người khác chỉ nhìn mặt nhau mà cười mỉm thôi, chứ không dám lên thay thế.

Và có lúc ở Quảng Đức mình đây, Thầy ở trên vừa Chủ lễ, vừa thỉnh mõ, thỉnh chuông luôn, trong khi đó Phật tử ở dưới không ai dám lên thỉnh chuông, thỉnh mõ hết. Điều đó cho thấy rằng các vị không tự tin để làm công việc này.

Thầy mong rằng không riêng gì đạo tràng Quảng Đức mà tất cả các đạo tràng ở trên thế gian này, các đệ tử phải tự tin để làm công việc này, lúc nào mình cũng có thể sánh vai được hết, chứ không đặt để vai trò này vào tay một  người nào đó nhất định. Thầy mong tất cả quý Phật tử ai cũng có thể làm công việc này, ai cũng có khả năng đứng ra làm chủ lễ, ai cũng có khả năng đứng ra thỉnh chuông, đứng ra đánh mõ. Khi nào thiếu người là mình đưa tay lên xung phong mình làm thôi, không cần phải sợ hãi, né tránh, muốn được như vậy thì bản thân các vị phải học.

Vào thời kinh, sau khi thấy vị chủ lễ nhận 3 cây hương thì bắt đầu rịch 2 tiếng rồi thỉnh ba tiếng chuông. Rịch là để dùi chuông lên trên cạnh chuông rịch xuống hai tiếng (rịch là để thức chuông trước), rồi thỉnh tiếp ba tiếng lớn. Khi thỉnh thì chú ý là phần giữa của dùi chạm vào chuông và có chiều hướng đi lên, chứ không được ở trên bủa xuống vì có thể làm bể chuông.

Ba tiếng chuông, thì hai tiếng đầu phải nhặt lại một chút, và tiếng thứ ba lơi ra, tuy nhiên không được nhặt quá nhanh, và tiếng chuông thứ ba cũng không được lơi quá xa.

Ba tiếng chuông này biểu trưng cho tịnh tam nghiệp (thân, khẩu, ý) để mà diệt tam độc (tham, sân, si), thoát khỏi tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

Sau đó chủ lễ bắt đầu niệm hương:

Sen quý nở đài Giác Ngộ

Hào quang chiếu rọi mười phương.

Trí tuệ vượt tầm pháp giới.

Từ bi thấm nhuận non sông.

Vừa thấy dung nhan Điều Ngự.

Trăm ngàn phiền não sạch không.

Hướng về tán dương công đức.

Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.

 

 Khi Chủ lễ tụng đến câu cuối thì Duy na phải thỉnh một tiếng chuông. Điều này thường hay bị thiếu sót, cho nên người Duy Na cũng cần phải thuộc bài và chánh niệm để nhận biết thời điểm cần thỉnh chuông. Lúc chủ lễ đang xướng, mà tâm của mình không tịnh, để ở một nơi nào khác thì khi chủ lễ xướng dứt câu rồi, mình vẫn đang suy nghĩ đâu đâu, nên tay cầm dùi chuông mà không thỉnh, như vậy là mình thất bại trong vai trò Duy Na.

Lễ Tam Bảo thì có ba lễ, và lễ thứ ba luôn luôn phải đánh hai tiếng chuông (…Thanh Tịnh Đại Hải Chúng (chuông) Bồ Tát (chuông).

Lạy thứ ba luôn luôn phải nhớ đánh 2 tiếng chuông để báo hiệu đây là lễ thứ ba rồi, đại chúng sau lễ này là ngồi xuống để bắt đầu khai chuông mõ. Thầy thấy Duy Na thường quên nguyên tắc này, lạy tới lễ thứ ba rồi mà cứ đánh một tiếng thôi, làm cho nhiều người cứ đứng ngẩn ngơ không biết lạy tiếp hay làm gì tiếp theo.

Duy Na đánh 2 tiếng chuông lạy thứ ba cũng đánh lơi ra chứ không có nhặt quá, nhớ đánh vào chữ “...Chúng…” và chữ “…Tát.”

Lễ 3 lễ xong ngồi xuống ngay ngắn, kéo vạt áo tràng ra phía trước tề chỉnh, phía sau cũng phải cho nó thẳng thớm rồi mới bắt đầu vô chuông mõ.

Có nhiều người ngồi xuống là ngồi lên trên cái vạt áo phía sau luôn, người khác nhìn vào không có trang nghiêm. Cho nên ngồi xuống là phải chỉnh áo cho gọn, đẹp, đừng cho chân của mình lòi ra ngoài, phải lấy áo tràng che lại chân của mình để nhìn cho đẹp, trang nghiêm.

Ngồi tụng kinh là phải ngồi thẳng lưng lên, không nên ngồi khum lưng xuống, vì ngồi khum lưng một thời gian là lưng của mình sẽ bị đau. Ngồi thẳng lưng thì mình tiếp nhận năng lượng bên ngoài đưa vào, từ trên huyệt bách hội đưa xuống đan điền, nếu mình ngồi khum là mình không nhận được khí từ trên, cho nên phải giữ lưng thẳng, như vậy mới tốt. Cố gắng giữ lưng thẳng cũng giúp cho mình giữ được sự tỉnh táo khi tụng kinh.


Bắt đầu vào chuông mõ.

Ngồi xuống xong là hai vị Duy Na và Duyệt Chúng phải lo trách nhiệm của mình, ai làm gì thì làm, còn hai vị này phải lo vào chuông mõ. Có nhiều vị Duy Na ngồi xuống là chỉ niệm Phật thôi mà quên trách nhiệm của mình, chủ lễ phải nhắc “vào chuông mõ”. Cho nên phải nhớ việc của mình, vào thời kinh là không đợi phải nhắc gì hết, trách nhiệm của mình là mình phải tập trung làm.

-Ba tiếng chuông.

-Tiếp đến mõ lôi thất

-Chuông

-Mõ

-Chuông

-Mõ

-Chuông

-Mõ dứt tứ

-Rịch chuông

Bắt đầu chủ lễ bắt lên tụng bài kệ tán:

Lư hương sạ nhiệt
Pháp giới mông huân
Chư Phật hải hội tất diêu văn
Tùy xứ kiết tường vân
Thành ý phương ân
Chư Phật hiện toàn thân
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát (3 lần).

Khi chủ lễ xướng lên thì mõ bắt đầu vào chữ thứ hai rồi chữ thứ tư, và sau đó bắt đầu đánh trường canh (mỗi chữ một tiếng mõ)

Tức là bỏ chữ thứ 1, vô chữ thứ 2, bỏ chữ 3, vào chữ 4.

Khi một câu tụng 3 lần, thì vào câu thứ ba là mình phải thỉnh một tiếng chuông liền, để báo cho đại chúng biết đây là câu thứ ba rồi, các vị chuẩn bị ngưng hoặc là chuyển qua câu khác.

Ví dụ như niệm Phật thì Chủ lễ lần chuỗi đến biến thứ 108, Chủ lễ sẽ kích 1 tiếng khánh (chủ lễ lúc nào cũng có khánh kế bên để báo hiệu đây là biến thứ 108 rồi), lúc đó Duy Na sẽ thỉnh một tiếng chuông để báo cho đại chúng biết.

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô (chuông) A Di Đà Phật.

Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát

Nam Mô đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát

Nam Mô (chuông) Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Nam Mô (chuông) Đại Thế Chí Bồ Tát.

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Nam Mô (chuông) Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát

Nam Mô (chuông) Thanh Tịnh Đại Hải Chúng (chuông) Bồ Tát (chuông).

Tức là câu thứ ba mình phải thỉnh liền vào sau chữ Nam Mô, mình thỉnh tiếng chuông liền để báo hiệu đây là biến thứ 3 rồi, các vị chuẩn bị chuyển qua câu khác. Người Duy Na thỉnh chuông luôn luôn phải chánh niệm.

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát là niệm Phật Tứ Thánh, cho nên câu cuối này mình phải dứt mõ. Duy Na phải thỉnh chuông vào biến thứ ba để báo hiệu cho đại chúng, và nhất là người đang thỉnh mõ phải dừng mõ lại. Cái này luôn luôn bị trục trặc là bởi vì bác Duy Na cũng tán tâm, không biết biến này là biến thứ 2 hay thứ 3, cho nên lẽ ra là dừng, mà bác này vẫn tiếp tục đánh nữa.

Về phía đại chúng cũng tán tâm tạp thoại nữa. Chuông quên đánh, mõ thì biết là biến thứ ba rồi cho nên bác ngừng, nhưng đại chúng phía sau lưng vẫn tiếp tục tụng. Và thường như vậy thì chuyện gì xảy ra, thời kinh bị xáo trộn, và lỗi nhất là người thỉnh chuông.

Vào khai chuông mõ:

- Thỉnh 3 tiếng chuông

-Lôi thất mõ: Đánh 7 tiếng nhỏ ( 4 tiếng đầu lơi, tiếng 5, 6 nhặt, tiếng 7 lơi)

Lôi thất với ý nghĩa bên trong là thỉnh 7 đấng Như Lai quang giáng đạo tràng chứng minh cho thời kinh tụng, để gia hộ cho đại chúng có một thời kinh được thanh tịnh và trang nghiêm để cùng tu Thất Giác Chi.

Bảy đấng Như Lai là:

1/Đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi.

2/Đức Phật Thi Khí.

3/Đức Phật Tỳ Xá Phù

4/Đức Phật Câu Lưu Tôn.

5/Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni.

6/Đức Phật Ca Diếp.

7/Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lôi thất cũng biểu trưng cho Thất Giác Chi, tu bảy pháp này là: Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định và Xả.

Thỉnh 7 Đức Như Lai gia hộ cho chúng con đủ nội lực, đủ khả năng để áp dụng 7 pháp tu này, vì 7 pháp tu này rất là quan trọng.

Trước khi bước vào lộ trình tu, mình phải trạch pháp, mình  phải chọn lựa pháp nào phù hợp với khả năng, căn cơ, hoàn cảnh của mình, để mình áp dụng.

Khi chọn pháp tu rồi, mình phải bắt đầu liền, phải tinh tấn áp dụng, phải siêng năng, đừng có Rằm 1 bữa, Mùng Một 1 bữa. Có tinh tấn, có tu tập thì sẽ có niềm vui trên bước đường tu của mình. Phải có niềm vui trên lộ trình tu, trong pháp môn tu của mình. Còn mình tu mà lúc nào cũng buồn, lúc nào cũng khổ thì mình biết là mình đã đi lạc đường, phải quay trở lại để mà tìm cho mình pháp tu khác phù hợp, thì mình mới có niềm vui trong đường tu của mình, để mà tu Thất Giác Chi, để mà tận trừ thất chi tội. Lôi thất cũng có nghĩa là tận trừ thất chi tội.

Thất chi tội:

-Thân thì có sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

-Khẩu có vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu.

Nghiệp thì ẩn ở bên trong, còn tội thì hiện hình ra bên ngoài. Nghiệp dẫn dắt cho mình tạo tội, cho nên trong kinh nói là thất chi tội, chứ không nói thất chi nghiệp.

-Tội ăn cắp.

-Tội tà dâm.

-Tội sát hại.

-Tội nói láo (vọng ngôn) nghĩa là chuyện có nói không, chuyện không nói có.

-Tội ỷ ngữ là lời nói phù phiếm, lời nói đại ngôn. Thông thường người ta chỉ nói vọng ngôn, chứ không bàn tới ỷ ngữ, kỳ thực ỷ ngữ cũng là tội rất nặng. Những người hay nổ là mắc vào tội ỷ ngữ, đại ngôn, những người nói nhiều hay bị vào tội này. Làm lung lạc quần chúng, lung lạc thông tin, đưa thông tin sai cũng mắc vào tội vọng ngôn, ỷ ngữ, lời nói phù phiếm không có giá trị.

-Tội lưỡng thiệt là nói hai lưỡi, đòn xóc hai đầu, đâm bị thóc thọc bị gạo là dính vào tội nói hai lưỡi. Mình có một cái lưỡi thôi mà lời mình nói ra thì hai phiên bản khác nhau, cũng một nội dung câu chuyện đó mà mình gọi điện thoại cho người A mình nói khác, rồi gọi điện thoại cho người B mình nói khác, làm cho hai người này đấu đá với nhau, phải xung đột với nhau rồi mình ngồi ở giữa mình rung đùi mình cười thì tội này rất nặng. Tội chia rẽ người ta thì mình cũng sẽ được chia rẽ trở lại. Những người này sẽ bị đau khổ vì những lời phê phán, chỉ trích, cuối cùng sống trong sự cô đơn, lạnh lẽo. Tại vì người ta thấy lời nói của mình không có giá trị, mình đưa tin sai “Nhất ngôn bất tín thì vạn sự nan thành”. Bây giờ thời đại truyền thông hiện đại thì tội lưỡng thiệt này rất là nặng.

Tội thứ 7 trong thất chi tội này là tội ác khẩu, chửi chó mắng mèo, chửi rủa, dùng những lời độc hại để mắng nhiếc người, để mà rủa xả người, làm cho người phải đau khổ.

Mình không thể nói những lời nhẹ nhàng, nói lời ái ngữ, nói lời hiền hòa. Mà ngược lại mình nói những lời rất là nặng, làm cho người ta phải nhức đầu, làm cho người ta bức lỗ tai thì mình mới vừa lòng.

Cho nên Đức Phật đưa 7 tội này ra là có hình ảnh, có hiện hình, và tội khẩu nghiệp này nó sẽ hiện ra trong đời sống của mình ở tương lai.

Mình xuất phát ra một lời nói nặng, nói ra một lời ác độc là quả báo đắng cay đã có sẵn chờ mình tới để mà chịu sự trừng phạt.

Mình nói ra lời êm ái, nhẹ nhàng thì một quả báo mát mẻ, thanh lương ở đâu đó chờ mình tới để mà thọ hưởng.

Câu chuyện về Ngài Kiều Phạm Ba Đề là một vị Tỳ kheo tu chứng quả A La Hán, nhưng trong tiền kiếp Ngài từng phạm tội ác khẩu là đã chê một vị Tỳ kheo, ăn giống như trâu nhai cỏ.

Trong một kiếp nọ, Ngài Kiều Phạm Ba Đề thấy một vị Tỳ kheo già thọ trai cơm trưa, mà hàm răng của Ngài bị hư, Ngài nhai khó khăn, nhìn vô miệng rất là xấu, cho nên Ngài Kiều Phạm Ba Đề nói vị Tỳ kheo ăn cơm sao mà giống như trâu ăn cỏ vậy. Đó là lời ác khẩu, chê bai nên kiếp sau bị đọa làm trâu, bởi vì vị Tỳ kheo già đó là một vị đã chứng A La Hán rồi mà Ngài Kiều Phạm Ba Đề không biết, nên phát ngôn bừa bãi. Mà phát ngôn bừa bãi là phát xuất từ nghiệp chướng, từ mây mù vô minh của mình, vì nếu mình có chánh niệm, mình tĩnh giác thì không bao giờ phát ra lời như thế.

Nếu mình nhận chân ra được đây là một vị Tỳ kheo già, có hàm răng không bình thường nên Ngài nhai như vậy, thì mình phải thương, phải kính Ngài, chứ tại sao mình chê Ngài nhai cơm như một con trâu.

Dù là vô tình nhưng đã tạo nghiệp quá nặng, cho nên Kiều Phạm Ba Đề phải bị đọa làm thân trâu tới 500 đời, và kiếp cuối cùng để sanh trở lại làm người thì Ngài cũng bị cái nghiệp còn dư lại, cho nên Ngài ăn cơm cũng nhai giống như trâu. Quả báo trở lại tương tự như những gì mình đã nói người khác.

Khi Kiều Phạm Ba Đề chứng quả rồi, Đức Thế Tôn thấy tội cho người đệ tử này, cho nên nói: “Bây giờ con ăn cơm mà nhai như thế, thì chúng sanh ở bên ngoài kia nhìn thấy cách nhai cơm của con, họ chê bai thì họ tạo nghiệp, sẽ có nhiều người đọa làm trâu nữa, cho nên cách tốt nhất là con đằng vân lên cung trời Đao Lợi để ẩn mình mà tu, đừng ở dưới này nữa.”

Nghe lời Đức Thế Tôn, Ngài lên trên cung trời Đao Lợi ẩn thân để mà tu. Cho nên trong Kinh Di Đà, những phần Kinh trước thì có tên Kiều Phạm Ba Đề, còn những phần Kinh sau này thì không thấy có tên Ngài, vì lúc đó Ngài đã ở trên cung trời Đao Lợi rồi.

Cho nên lôi thất là thỉnh 7 Đức Như Lai quang giáng đạo tràng để giúp cho chúng mình tu 7 pháp Thất Giác Chi để mà diệt thất chi tội. Ý nghĩa của lôi thất là như thế.

Vào ba tiếng: mõ…chuông…mõ…chuông…mõ…chuông.

Trong nghi thức gọi đây là Tịnh Đả Tam. Tức là ở giữa đánh ba tiếng. Tiên khởi tam là bắt đầu vô đánh, nhưng mà ở giữa gọi là Tịnh Đả Tam.

Ba tiếng mõ, ba tiếng chuông biểu trưng cho tu Tam Vô Lậu Học (tu Giới, tu Định, tu Tuệ) để chứng ba Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát).

Dứt tứ là 4 tiếng mõ, và các vị nhớ là 2 tiếng mõ ở giữa cũng phải lơi ra một chút, chứ không quá nhặt.

Tay cầm dùi khi đánh mõ chỉ dùng khủy tay thôi, chứ không dùng nguyên cánh tay, thỉnh chuông cũng vậy.

Dứt tứ ở đây biểu trưng cho dứt 4 tướng sanh tử (sanh, lão, bệnh, tử) để chứng tứ tướng Niết Bàn (Chơn Thường, Chơn Lạc, Chơn Ngã, Chơn Tịnh).

Có chỗ giải thích là chứng tứ quả Thanh Văn (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán).

-Tứ tướng sanh tử.

-Tứ tướng Niết Bàn.

-Tứ quả.

Ý nghĩa của dứt tứ là như thế.

Người đánh mõ (Duyệt Chúng) là luôn luôn phải giữ mõ trường canh, đánh mõ đều với nhau và giữ cho nhịp điệu thời kinh lúc trầm lúc bổng, không quá chậm, không quá nhanh thì gọi là trường canh. Tụng những bài thần chú thì “trường bần hậu phú” trước chậm sau nhanh.

Những vị mới đi chùa nên cố gắng học thuộc các bài thần chú để theo kịp, vì nếu  tụng Chú Đại Bi mà tụng quá chậm thì làm cho mình mệt, do đó sẽ làm cho người khác phiền não.

Nhớ là khi trường canh và tụng Chú thì vị Duyệt Chúng phải lắng nghe để ý, khi vị Chủ  khi đang tụng thì tiếng mõ nhỏ xuống, khi người chủ lễ sắp hết hơi thì tiếng mõ to lên. Chứ không phải trong một thời kinh mà tiếng mõ đều đều là không được, không có âm điệu, không có trầm bổng, phải có nhỏ có lớn mới ra âm điệu của một thời kinh. Các vị nhớ là mõ có lúc nhỏ lúc lớn, âm thanh tiếng mõ căn cứ trên hơi của người chủ lễ.

Tiếng mõ có nhiều lúc không nghe luôn, từ nhỏ tới không nghe, sau đó lớn dần dần lên, nó mới có sự trầm bổng.

Người đánh mõ cũng là người phụ trách đánh khánh. Khánh dùng để dẫn chúng lễ Phật và dẫn chúng đi kinh hành. Ví dụ như một đạo tràng là 100 người đang lễ Phật, khi nghe tiếng chuông thì mọi người lạy xuống và khi nghe tiếng khánh kích thì đứng lên, người Duyệt Chúng phải chánh niệm để kích tiếng khánh đúng thời đúng lúc để mọi người có thể đứng lên cùng một lúc, như vậy nhìn đạo tràng mới trang nghiêm, mới đẹp.

Cách lễ Phật là khi xuống là hạ bộ của mình xuống trước, và khi lên thì đầu mình lên trước, nhớ nguyên tắc này. Có nhiều người khi xuống thì đầu xuống trước, và khi lên thì hạ bộ lên trước thì không đúng nguyên tắc.

Đi kinh hành thì bắt đầu bước chân trái bằng chữ Nam và khi đến chữ Phật thì xuống chân phải, đi theo nhịp 2 tiếng khánh, một tiếng mõ, điều này Duy Na và Duyệt Chúng phải tập, vì nếu không tập là tiếng khánh sẽ dính vô tiếng mõ. Niệm Phật kinh hành 3 vòng rồi thì trở về bàn Phật và lạy Tứ Thánh. Lạy Tứ Thánh xong phải quỳ thẳng trang nghiêm để tụng bài Sám, chứ lúc đó không ngồi nữa.

Vị Duyệt Chúng cầm mõ nhỏ lên để tụng bài Sám, từ đó cho tới cuối thời kinh là quỳ thẳng chứ không ngồi nữa, tại vì mình ngồi từ đầu thời kinh cho tới bây giờ rồi. Khi đi kinh hành về tới nơi lạy Tứ Thánh xong rồi là quỳ thẳng cho tới khi chủ lễ phục nguyện và chấm dứt thời Kinh (khoảng 10 phút thôi). Tuy nhiên có những người đầu gối yếu thì ngồi, và những ai biết mình phải như vậy thì vui lòng ra phía sau ngồi, để khi người ta quỳ, mình không quỳ được, mình ngồi phía sau thì đạo tràng nhìn vẫn đẹp, vẫn trang nghiêm.

Sinh hoạt giữa đại chúng là thể tánh hòa hợp luôn luôn phải đưa lên hàng đầu, phải hòa chúng ngay trong giọng tụng kinh của mình. Nếu mình tụng một mình thì không cần mõ, chỉ cần chuông là được rồi, nhưng giữa đại chúng là mình phải hòa theo đại chúng, mình không tụng quá lớn, ỷ giọng mình lớn thì mình át đi giọng của người khác. Lỗ tai và miệng của mình phải làm việc cùng một lúc, mình phải lắng tai nghe âm điệu của vị Chủ lễ và của người khác tụng rồi mình tụng theo, mình phải hòa chúng, không được đi riêng một mình.

Vị Duyệt Chúng, mặc dù mình giữ vai trò dẫn chúng, nhưng phải lắng nghe vị chủ lễ thay đổi tốc độ nhanh hay chậm để mà đánh mõ theo cho đúng nhịp và đại chúng thì phải cố gắng theo tiếng mõ, vì Duyệt Chúng là mình phải theo tiếng của đại chúng, mặc dù mình giữ vai trò dẫn chúng nhưng có đôi lúc đại chúng không theo mình, thì mình phải theo đại chúng để dẫn thời kinh cho thông suốt, cố gắng vượt qua khó khăn này, nếu Duyệt Chúng chỉ đánh mõ theo ý mình là thời kinh đó thất bại.

Các vị đánh mõ và thỉnh chuông giống như nhạc công vậy. Nhạc công trên sân khấu đôi khi ca sĩ không hát theo tiếng đàn, nên người đánh đàn giỏi là phải biết nương theo ca sĩ. Ngược lại ca sĩ giỏi là phải biết theo tiếng đàn, nương theo tiếng trống. Tức là phải uyển chuyển như vậy thì âm thanh mới hòa nhau được.

Người đánh mõ và người đánh chuông phải chánh niệm. Tiếng mõ không nên quá lớn, sẽ át đi tiếng tụng kinh của người ta, tiếng mõ phải nương theo âm thanh của đại chúng, có nhịp, có điệu, có trầm, có bổng thì mới đem lại thời kinh an lành. Tụng xong một thời kinh cảm thấy rất nhẹ nhàng, rất an lạc là nhờ người đánh mõ và người đánh chuông.

Thầy mong rằng quý Phật tử cố gắng, ở nhà chưa có mõ, chưa có chuông thì thỉnh một bộ. Nhà Phật tử có thờ Phật thì ít nhất trong nhà phải có một cái chuông gia trì để mỗi ngày mình thắp hương cúng Phật là mình thỉnh ba tiếng chuông, sau đó lễ Phật phải thỉnh chuông.

Mõ ở nhà thì không cần thiết lắm, vì ở nhà mình chỉ tụng kinh một mình. Nếu không gian cho phép, thì mình gõ mõ, tụng kinh. Còn không gian không cho phép thì không cần, vì ở nhà đôi khi tiếng gõ mõ sẽ làm cho người trong gia đình họ không chịu được, gây ra phiền não. Còn ở chùa là bắt buộc phải có chuông có mõ.

Thầy dẫn phái đoàn đi hành hương ở phía Nam Hàn Quốc, gọi là Nam Triều Tiên thì tất cả những chùa ở đây không có chuông, chỉ có mõ thôi. Thầy hỏi tại sao bên Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản có chuông và có mõ, nhưng Hàn Quốc dứt khoát là không có chuông, chỉ có mõ và khánh, thì các Thầy không trả lời.

Và Thầy tự giải thích có lẽ khi các vị Sư Phụ bên Trung Quốc truyền đạo qua Triều Tiên thì trong cái đãy của Ngài lúc Ngài đi chỉ mang theo cái mõ với cái khánh thôi, Ngài quên đem cái chuông qua Triều Tiên. Và truyền thống từ đó đến bây giờ chỉ có mõ chứ không có chuông.

Khi Thầy làm việc với Ni Sư Sunim Bom Hyon là người Úc da trắng nhưng mà Ni Sư tu theo Phật Giáo Nam Hàn, là đệ tử của phái Tào Khê, Thầy và Ni Sư vào nhà tù ở Melbourne Assessment để cầu siêu cho một đệ tử người Campuchia, thì trước có nói chuyện qua điện thoại, Ni Sư thỉnh Thầy mang theo khánh, còn Ni Sư mang theo mõ. Khi hai vị vào trong đó tụng Kinh, Thầy tưởng Ni Sư ( hình áo trắng bên dưới) mang theo cái mõ nhỏ, nào ngờ Ni Sư mang theo cái mõ thiệt to.

Hôm nay nhân nói về chuông mõ, Thầy nhắc lại nghi thức thỉnh chuông thỉnh mõ để đại chúng liễu tri và áp dụng trong đời sống hằng ngày của mình. Các vị phải luôn ghi nhớ:

Về sự là tiếng chuông phát ra âm thanh buong...., nhưng về lý là mình phải buông xuống tất cả những phiền não, nhiễm ô...

Về sự thì tiếng mõ phát ra âm thanh boỏ..., còn về lý là mình phải bỏ hết tất cả những thói hư, tật xấu đem đến phiền não cho mình, cho người.

Buông bỏ tất cả để tâm thanh tịnh lắng lòng theo lời kinh.

Tụng kinh minh Phật chi lý. Tụng kinh là hiểu được cái nghĩa lý của kinh, mình ôn tụng lại những lời Phật dạy để mình áp dụng vào trong đời sống hằng ngày của mình. Chớ không phải mình tụng kinh để mình cầu Phật ban phước, để mình được cái này, được cái kia.

Tụng kinh để mình ôn tụng lại lời Phật dạy, để  đưa lời Phật dạy vào trong thân, vào trong tâm của mình để mà tu tập, để mình đạt được Giác Ngộ và Giải Thoát.

Cho nên phải hiểu được nghĩa lý sâu bên trong tất cả những hình thức này: Khởi tam, Lôi thất, Đả tam, Dứt tứ, Ba tiếng chuông…

Những ý nghĩa đó các vị phải nhớ để mà áp dụng ở trong đời sống hằng ngày của mình để việc tu tập của mình có lợi ích khi mình sử dụng Chuông Mõ Gia Trì.

 


Phật tử Lệ Trinh Diệu Tuyết & Nguyên Quảng TánhPhiên tả xong ngày 22/7/2021.

Phật tử Thanh Phi check lỗi chính tả xong ngày 1/8/2021



***
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2010(Xem: 4488)
Vào những năm đầu Tây lịch, Phật giáo từ miền Đông bắc Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, từ đó Phật giáo lại truyền vào bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bổn. Ở những quốc gia này, Phật giáo đại thừa được quảng đại quần chúng tin theo và thọ trì. Như các tông phái Tịnh độ khác, Chân tông Tịnh độ cũng thuộc đại thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của Chân tông Tịnh độ cùng tương đồng với các giáo phái đại thừa khác như Thiền tông, Mật tông Tây Tạng là những tông phái được phổ biến thạnh hành ở Tây phương.
04/09/2010(Xem: 5550)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 5192)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
28/08/2010(Xem: 9095)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
28/08/2010(Xem: 4358)
Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và cộng đồng không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong một không gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn thiện cho xã hội của chúng ta ngày nay.
14/06/2010(Xem: 3402)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà triết học, các luận sư và các luận thuyết trứ danh cũng đều xuất hiện tại xứ sở đầy huyền bí này
15/05/2010(Xem: 6078)
Người học Phật chúng taai cũng đều chứng nghiệm được rằng việc tu học tại xứ người quả thật không đơn giản. Trước tiên vì bối cảnh của quốc độ mình đang trú, sau cùng nhưng lại có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc sống của bản thân và chính gia đình mình. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cứ nhìn hay là quán những khúc mắc đó như là một phương tiện trong ý nghĩa của tùy duyên bất biến để học, tu và hành Đạo. Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên câu thứ 4 trong mười điều của Luận Bảo Vương Tam Muội có ghi rõ là: xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
14/05/2010(Xem: 6705)
thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại. Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố qu
09/05/2010(Xem: 10012)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
30/04/2010(Xem: 9325)
Đã khá lâu rồi, „Lá Thư Tịnh Hữu“ vắng bóng trên Viên Giác. Bắt đầu từ năm 2000, đến giờ sắp sang năm 2004, mà cũng chưa chấm dứt. Nhiều bạn hữu nói nhỏ, “không biết ông Thị Chơn Nghiệp Dọc này còn dài dài đến bao lâu nữa!”. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và báo Viên Giác, Thị Chơn (TC) tôi đảo một vòng trong khuôn viên của chùa để thăm các quầy phát hành bánh trái, nước uống và thức ăn chay. Chợt nghe một giọng Huế khá quen thuộc phát ra dưới mái lều che mưa nắng dựng nơi quầy phát hành của Sư Bà Như Tuấn:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567