Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6A. Bố Thí Ba La Mật

31/07/201811:58(Xem: 6534)
6A. Bố Thí Ba La Mật

Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


Phật Học Phổ Thông
Sa Môn Thích Thiện Hoa

 

Bài Thứ 6 Lục Độ  
Độ thứ nhất: Bố Thí Ba La Mật  

A. Mở Đề 

Đạo Phật thường được gọi là Đạo Từ bi, vì tình thương trong Đạo Phật rất bao la, sâu rộng. Đức Phật tổ vì từ bi mà xuất gia để tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh. Vậy người Phật tử, khi noi theo dấu chân Phật, cũng phải lấy từ bi làm động tác chính cho sự tu hành của mình. 

Những làm thế nào để thể hiện được lòng từ bi và làm cho nó tăng trưởng? Phương pháp mầu nhiệm nhất là thực hành pháp môn Bố thí Ba la mật, một trong sáu pháp môn(lục độ) mà đức Phật đã chế ra cho kẻ tu hành có tâm trí rộng lớn thực hành để độ mình và độ người ra khỏi biển sanh tử luân hồi và đến bờ giác ngộ. 

B. Chánh Đề 

I. Định Nghĩa 

Bố thí là cùng khắp: thí là cho, là trao tặng. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi. 

Ba la mật nguyên âm tiếng Phạn là Paramita. Người Trung hoa dịch nghĩa là "Bỉ ngạn đáo", nói theo tiếng Việt là "đến bờ bên kia". 

Bố thí Ba la mật, tức là một môn tu hành bằng phương pháp bố thí, co công năng như một chiếc thuyền, đưa mình và người từ bờ mê lầm của chúng sinh sang bờ giác ngộ của chư Phật. 

II. Thành Phần Của Bố Thí Ba La Mật  

Bố thí Ba la mật gồm các loại sau đây: Tài thí, Vô úy thí. Dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của các loại bố thí ấy: 

1. Tài thí. Tài thí tức là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí có hai loại: 

a) Nội tài. Là những vật chí thân quí báu nhất của mình như thân mạng, đời sống của mình. Thí nội tài ở đây tức là hy sinh thân mạng để cứu vớt kẻ khác ra khỏi nguy nan. Trong các chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca, chúng ta đã thấy nhiều gương thí nội tài, như cấu chuyện Ngài lái buôn kia, trong khi đi biển bị thuyền chìm đã tự hy sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám vào, để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối. 

Thí nội tài là một cử chỉ hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Nếu còn xem thân mạng mình là quý, là trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được loại bố thí này. 

b) Ngoài tài. Ngoại tài là những vật thường dùng của mình như thức ăn đồ mặc, tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa v.v...Đem những vật ấy ra cho những người túng thiếu, nghèo khổ thì gọi là thí ngoại tài. 

2. Pháp thí. Đem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác; hoặc y theo giới luật của Phật tu hành thành thật để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh đều là pháp thí. Pháp thí có một giá trị rất lớn lao hơn cả tài thí, và tài thí chỉ giúp người khác đơc túng thiếu về phương diện vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Nhưng pháp thí giúp đỡ người rất nhiều về phương diện tinh thần, không riêng gì đối với người nghèo khó, mà cả người giàu sang, chức tước; không phải chỉ có ảnh hưởng tốt trong một giai đoạn, mà gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau. Vì những lẽ đó, nên người Phật tử chân chính, không bao giờ bỏ mất một dịp nào mà không làm pháp thí, cả về phương diện khẩu giáo (dùng lời lẽ đúng Phật pháp để chỉ dạy_ lẫn phương diện thân giáo (dùng đời sống chân chính hợp đạo để chỉ dạy). 

3. Vô úy thí. Vô úy nghĩa là không sợ. Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ. Phép thí này mới nghe thì tưởng như là không quan trọng gì cả. Nhữnh nếu suy nghĩ một cách chín chắn, chúng ta sẽ thấy đức Phật thật vô cùng thâm thúy khi chế ra pháp thí này. 

Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem, có phải trong một đời người, cái sợ đã chiếm nữa cuộc đời rồi không? Khi nhỏ chúng ta sợ la rầy, sợ đánh đập, sợ ma quỉ...khi tráng niên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ giặc, sợ thiếu công danh, sự nghiệp; khi già sợ đau, sợ ốm, sợ già, sợ chết...Chỉ toàn sợ và sợ. Đó là chưa nói đến gặp thời buổi loạn lạc, còn phải sợ sưu cao, thuế nặng, sợ quan tham, lại nhũng, sợ trộm cướp, lưu manh, sợ tù, sợ tội, sợ chém, sợ giết...Bao nhiêu thứ sợ chồng chất lên đầu người, làm cho họ không dám ngửng lên, lưng họ còm xuống, đầu gối họ sắp quỵ. Muốn có một hình ảnh tượng trưng cho sự sợ hãi, thì hãy lấy hình ảnh của người dân quê Việt nam trong thời Pháp thuộc thì rõ: Hai tay họ sẵn sàng chắp lạy, mắt không dám nhìn lên, lưng còng xuống và hai đầu gối sẵn sàng để quỳ xuống mỗi khi nghe tiếng nạt của ông quan hay ông thực dân hống hách. 

Đời sống đã khổ, lại càng khổ thêm vì sợ. Cho nên làm cho người hết sợ, chính là đã cứu cho họ bớt đi quá nửa khổ đau trong liếp sống. Lòng từ bi của đức Phật nở thấy chúng sinh khổ sở vì sợ, nên đã chế ra phép thí vô úy. 

Muốn thực hành pháp môn này, hành giả trước tiên phải luyện cho mình một đức tính đừng sợ gì cả. Mà kẻ tu hành chân chính, hiểu rõ giáo lý của Phật, thì còn sợ nỗi gì? Tiền của, họ không tham lam cho nên không sợ mất; danh lợi, họ không màn, nên không sợ thiếu, sanh mạng, họ xem như giả tạm, nên không sợ chết. Do cái tâm lý đó mà cõi lòng họ luôn luôn không xao động, nét mặt họ luôn luôn bình tĩnh trước mọi sự đổi thay, gian nan nguy hiểm. Người tu hạnh thí vô úy sẵn sàng để nhảy xuống nước vớt người sắp chết chìm, nhảy vào lửa để cứu người sắp chết thiêu, xông vào đám cướp để cứu người lương thiện, đến gõ cửa công, để minh oan cho người vô tội... 

Tóm lại, người tu hạn thí vô úy, hhẽ đi đến đâu thì đem đến đó một nỗi binh tĩnh, an vui cho mọi người và mọi vật. 

III. Phải Bố Thí Như Thế Nào Mới Đúng Chánh Pháp 

Chúng ta đã biết qua các lối Bố thí Ba la mật. Đến đây, chúng ta cũng cần biết rõ thái độ của người tu hành bố thí phải như thế nào. 

Sự bố thí như đã nói trên, thật ra không khó và không hiếm. Rất nhiều người có thể làm được. Trong đời, chúng ta thường thấy có nhiều kẻ giàu có đem bạc ngàn bạc vạn ra bố thí, có nhiều người bỏ cả tài sản ra lập nhà thương, ký nhi viện, trường học, có nhiều người dám liều mạng xông vào lửa để cứu kẻ sắp chết thiêu, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối; có những kẻ anh hùng đem tài năng ra bảo vệ kẻ yếu hèn, hay dám đương đầu với bọn xâm lăng để giữ gìn đất nước. 

Về phương diện thí pháp, có nhiều người đi đâu cũng đem đạo lý ra giảng nói, đi đâu cũng tỏ ra ta đây hiểu đạo, chứng quả. 

Nếu nhìn bề ngoài, thì những hành động ấy đều là bố thí cả. Nhưng nếu xét về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong, thì có thể có hai trường hợp khác xa nhau. 

1. Bố thí chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng tâm không trong sạch. Chúng ta đã biết bố thí do từ tâm mà ra. Bố thí là một pháp môn để tự độ và độ tha. Những nếu bố thí với một dụng tâm khác như cầu danh, cầu tài lợi (cho ít mà cầu được trả nhiều), hoặc vì ganh đua, hoặc vì muốn làm nhục người chịu ơn, hoặc vì bị ép buộc, hoặc cho với một tâm lý khinh rẻ, hối tiếc hoặc cho với một tâm lý lừa lọc, bất công, thiên vị; nếu bố thí với một tâm lý, một thái độ như thế, thì tất là bố thí chấp tướng. 

Chẳng hạn đem tiền của ra lập nhà thương, trường học để được nêu trên báo, để được nhắc nhở đến luôn; hoặc nhảy xuống sông cứu người chết đuối để được "người đẹp" tán thưởng; hoặc giết giặc để mong được tấm huy chương, hoặc giảng đạo lý để tỏ ra mình học rộng biết nhiều. Những hành vi bên ngoài đẹp đẽ ấy, bên trong thật không có giá trị gì. 

Bố thí với tâm lý, với động lực như thế, không phải là Bố thí Ba la mật; và phước đức của những hành động ấy thuộc về hữu lậu rất mỏng manh, như mây nổi giữa hư không, gặp gió thổi liền tiêu tan. 

2. Bố thí không chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của nó. 

Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biét tài sản cũng như thân mạng mình đều là giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái ngã không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại. 

Bố thí với một tâm địa trong sạch như trên sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, mới đúng là Bố thí Ba la mật. 

IV. Công Đức Bố Thí Ba La Mật  

Pháp bố thí là cái nhân lành của quả phúc ở thế gian và xuất thế gian. Trong lục độ vạn hạnh, pháp bố thí đứng đầu, vì nó tương đối dễ làm hơn tất cả các pháp, mà công đức lại lợi lạc được cả đôi bên người nhận và kẻ cho: 

1. Đối với người nhận. Người đời không ai là đầy đủ. Kẻ được phần này thì thiếu phần khác: kẻ được vật chất thì mất tinh thần, kể đầy đủ tinh thần thì thiếu thốn vật chất. 

Kẻ đang thiếu thức ăn mà được ăn, kẻ đang thiếu mặc mà được mặc, kẻ đang đau xót mà được vỗ về, an ủi, kẻ đang lo sợ mà được đùm bọc che chở thì thật là may mắn sung sướng vô cùng. Trong một xã hội có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn luôn tìm cách giúp người, thì xã hội ấy chắc chắn sẽ được an vui thịnh đạt. 

2. Đối với người cho. Sự bố thí đã đành là lợi lạc cho người nhận, những đối với người cho cũng không kém phần quý báu. Ngoài sự sung sướng được thấy mình làm việc phải, được thấy quần sinh sung sướng, vui mừng, hành giả còn nhờ bố thí mà tiến mau, tiến xa trên đường đạo. Mỗi khi đem của cải ra cho, là hành giả có một dịp để chiến thắng lòng tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ và noiứ rộng lòng từ bi; mỗi khi hy sinh tánh mạng để cứu giúp người, là hành giả có dịp để thử thách lòng tham sống, sợ chết, và trau dồi đức tánh lợi tha, bình tĩnh. Mỗi khi cho mà không kể kẻ thân người thù, là hành giả có dịp để chiến đấu với ngã chấp ngã ái, bãg mạn. Nếu hành giả thí pháp, thì đó là những cơ hội để mình tự nhắc nhở, ghi nhớ những lời đức Phật dạy, nhữ công đức mà Ngài đã làm để noi theo. 

C. Kết Luận 

Chúng ta đã thấy rõ giá trị của pháp Bố thí Ba la mật. Công đức của nó không những chỉ riêng cho người nhận, mà lẫn cả người cho nữa. Nó vừa độ người mà vừa độ mình. Nó công năng đưa mình và người từ bờ mê lầm đến bờ giác ngộ, từ địa vị phàm phu đến quả vị Bồ Tát. 

Vậy xin khuyên các Phật tử đều phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bố thí Ba la mật, để trên cầu thành quả Phật, dưới hóa độ chúng sinh, đền ơn Tam Bảo. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/12/2010(Xem: 5144)
Cho dù bạn không hiểu biết nhiều về Pháp, cho dù điều duy nhất bạn biết là Om Mani Padme Hum thì cuộc đời hạnh phúc nhất vẫn là cuộc đời được sống với một thái độ giải thoát khỏi tám mối bận tâm thế tục. Nếu bạn sống cuộc đời mình với thái độ trong sạch thoát khỏi sự tham luyến với cuộc đời này và chỉ đơn thuần trải đời mình trong việc trì tụng Om Mani Padme Hum – thần chú sáu-âm này là tinh tuý của toàn bộ Giáo Pháp – thì đó là Pháp thanh tịnh nhất. Việc trì tụng có vẻ rất đơn giản, rất dễ dàng. Nhưng nếu bạn nghĩ tưởng về những lợi lạc của nó, thì điều đó không hoàn toàn đơn giản. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập tới cốt lõi của những lợi lạc vô biên của nó.
03/12/2010(Xem: 5896)
Viên Ngọc Quý của Người May mắn Một Dẫn nhập vào Dzogchen,* Đại Viên Mãn Kính lễ vị Thầy của con! Xưa kia, Đạo Sư Vĩ đại xứ Oddiyana đã nói: Đừng truy tìm nguồn gốc của những sự việc, Hãy truy xét cội nguồn của Tâm!
03/12/2010(Xem: 17865)
Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng.
28/11/2010(Xem: 5699)
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), Pubbàràma (Thành Tín Viên lâm), ở lầu của Migà ramàtu (Lộc Mẫu Giảng đường). Lúc bấy giờ, Vàsettha và Bhàradvàjà sống giữa các vị Tỷ kheo và muốn trở thành Tỷ kheo. Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu.
25/11/2010(Xem: 12864)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câuphát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nàocũng được. Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sáchtheo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vềPhật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo chọn lọc từ các bài diễn văn,phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
24/11/2010(Xem: 3769)
Đạo Phật không chú trọng và đặt nặng đến ước muốn van xin, nhờ vào tha lực bên ngoài, mà chủ trương hành động thực tiễn trên nền tảng nhân quả. Cho nên, trong đạo Phật có nhiều bài kinh dạy về cách thế nào để đạt được an lạc và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại, cũng như cách thức tu tập để được sinh về các cảnh giới an lành của chư Phật. Phương tiện cầu an và cầu siêu mục đích nhằm xoa dịu bớt nỗi đau bất hạnh cho tha nhân. Nếu ta không biết mà lạm dụng quá đáng có thể gây hiểu lầm đạo Phật là đạo của cầu nguyện, van xin và ỷ lại vào tha lực, như một số người chưa đủ niềm tin vào chính mình, nên mới có thái độ mong muốn, cầu nguyện, van xin như thế.
22/11/2010(Xem: 15697)
Trong phần thứ nhất, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giảng về Bồ-đề tâm và cách tu tập của những người Bồ-tát. Trong phần thứ hai, Ngài giảng về Triết lý của Trung Đạo.
20/11/2010(Xem: 3869)
Hãy cẩn trọng về các tư tưởng của bạn vì những gì được xuất phát từ tâm của bạn sẽ bị hoàn trở về mình. Mỗi một niệm mà bạn khởi lên đều được phản hồi.
18/11/2010(Xem: 11159)
Tôi vừa từ Kuala Lumpur trở về Singapore tối nay. Tôi đã tới đó để dự một lễ Mani Puja trong 5 ngày do Trung tâm Phật giáo Ratnashri Malaysia tổ chức. Đây là trung tâm thuộc Dòng Truyền thừa Drikung Kagyu và có nối kết mật thiết với Đạo sư Drubwang Konchok Norbu Rinpoche. (1) Trong khóa nhập thất này, tôi đã cố gắng để được gặp riêng Đại sư Garchen Rinpoche. Rinpoche đã xác nhận rằng Khóa Nhập thất hàng năm Trì tụng 100 Triệu Thần chú Mani được tiếp tục để làm lợi lạc tất cả những bà mẹ chúng sinh chính là ước nguyện vĩ đại nhất của Đạo sư Drubwang Rinpoche. Rinpoche khuyên rằng chúng ta có thể thành tâm thỉnh cầu Tu viện KMSPKS (Tu viện Kong Meng San Phor Kark See tại Singapore) tiếp tục khóa nhập thất bởi điều này cũng làm lợi lạc cho Tu viện. Rinpoche cũng đề cập rằng các Đạo sư Tâm linh Drikung Kagyu sẽ luôn luôn hết sức quan tâm tới Khóa Nhập Thất Mani bởi nó rất lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
18/11/2010(Xem: 6798)
THIỀN ĐỊNH: HÃY NGẮM NHÌN MỌI SỰ– bản ngã, hành động, đối tượng; bằng hữu, kẻ thù, người không quen biết, những người là đối tượng của sự tham luyến của bạn, sự sân hận, và sự vô minh; mọi hiện tượng mang lại kết quả – với sự tỉnh giác về thực tại: tất cả những điều này đều phù du, và có thể ngừng dứt bất kỳ lúc nào. Tất cả những hiện tượng này không chỉ biến đổi trong từng giây phút do bởi những nguyên nhân và điều kiện (duyên), nhưng chúng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]