Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Phương Tiện Trong Kinh Pháp Hoa

29/03/201315:20(Xem: 5372)
Ý Nghĩa Phương Tiện Trong Kinh Pháp Hoa

quang duc kinh phap_hoa

Ý NGHĨA PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA

HT. Thích Trí Quảng

---o0o---

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy có hai cửa vào đạo là Chân thật môn và Phương tiện môn. Chân thật môn là con đường chính, nhưng chỉ có Phật mới đi vào con đường này được. Nói cách khác, theo tinh thần Pháp Hoa, chỉ có Đức Phật thị hiện trên cuộc đời, mang thân phàm phu và xuất gia học đạo, chỉ tu 6 năm mà thành Phật. Từ đó đến nay, biết bao nhiêu người tu, trải qua năm mười năm, hay cả mấy chục năm, nhưng không ai thành Phật. Tại sao ?

Vì chúng ta là phàm phu, hay nhị thừa, Bồ tát thì cũng chỉ chứng được quả mà chúng ta đã có từ đời trước. Thí dụ các vị Thánh La hán tái sinh trên cuộc đời, tu hành, cũng chỉ chứng đến quả La hán là cao tột. Từ quả La hán mà tiến tu lên được quả vị cao hơn nữa có thể được, nhưng cũng không đơn giản. Người may mắn gặp được Phật, thì sự tu chứng nhanh hơn, chỉ trong một niệm tâm liền chứng được quả A la hán, như ngài Xá Lợi Phất. Với người không gặp Phật, phải trải qua quá trình nương theo giáo lý tu tập, gia công thiền định, cũng chứng được quả A la hán. Như vậy, quả A la hán họ đã có sẵn, nên đời này mang thân phàm, mới chứng được dễ dàng.

Còn những vị chân sư đã trồng căn lành đời trước, nay tái sinh, xuất gia học đạo. Với quả vị Hòa thượng đã có từ đời trước, các ngài tu hành, từng bước cũng phát triển đạo vị, làm Hòa thượng hay A xà lê, nhưng chưa là Thánh.

Trong chúng ta, cũng có vị là Bồ tát, A la hán, Bích chi Phật tái sinh, nhưng đa số là phàm tăng. Nếu thật lòng tu, cũng chứng được quả thấp nhất là Dự lưu, hay theo Đại thừa, thấp nhất là tam Hiền, tức thập trụ Bồ tát. Ở quả vị này, trụ tâm được, không bị hoàn cảnh tác động, không bị vui buồn, vinh nhục của cuộc đời làm hoen ố tâm.

Còn hàng nhị thừa, đạt quả vị thấp nhất, không bị lệ thuộc ăn uống, ngủ nghỉ. Ăn uống đạm bạc cũng khỏe mạnh, làm việc liên tục cũng không sao. Nay đau mai yếu, phải ăn kiêng, là biết nghiệp còn nhiều, chắc chắn việc làm đạo sẽ bị trở ngại. Ý thức như vậy, phải siêng năng lạy sám hối cho tiêu nghiệp.

Ngài Tối Trừng ở Tỷ Duệ sơn, Nhật Bản, dạy rằng tất cả người tu theo Thiên Thai tông, phát nguyện tu Pháp Hoa, lên núi ở. Không còn buồn phiền, không còn mệt mỏi vì đói khát, nóng lạnh, mới cho xuống núi hành đạo. Có người sống trên núi 10 năm, 20 năm vẫn không được xuống núi. Vì còn nghiệp mà đi hành đạo, họ sẽ bị cuộc đời làm ô nhiễm và họ cũng làm cho đàn na mất tín tâm.

Người không kính trọng ta, phải tự nghĩ vì ta không đủ đức hạnh. Nghĩ như vậy cũng đúng với tinh thần Phật giáo Nguyên thủy. Thật vậy, năm anh em Kiều Trần Như chưa gặp Phật đã là những nhà hiền triết quyết tâm tu hành. Phật đến độ họ, chỉ có Kiều Trần Như liền ngộ đạo, đắc quả A la hán, nghĩa là đã vượt qua được sự bức ngặt của đói khát, nóng lạnh và tâm thanh tịnh hoàn toàn. Đức Phật mới cho ngài đi khất thực chung. Bốn vị còn lại phải ẩn tu, vì chưa có hảo tướng, người trông thấy không phát tâm, đôi khi còn chống phá.

Đắc đạo, Đức Phật nghĩ rằng nếu đưa ra Chân thật môn, tức chỉ bày chân lý, mọi người không tiếp thu được, còn bị đọa. Đức Phật muốn vào Niết bàn, vì những điều ngài hiểu, chứng được, thì không dạy được; vì nghiệp của người nặng, trình độ không có. Lúc đó, mười phương Phật hiện ra, ấn chứng cho sự thấy đúng của Phật Thích Ca, tất cả những gì mà ngài chứng đắc cũng như của Phật mười phương chứng đắc.

Nhưng thấy đúng rồi, có làm được không? Chúng ta phát tâm tu hành thường rơi vô lý tưởng. Lý tưởng luôn luôn quá đẹp, mà thực tế lại phũ phàng. Khoảng cách rất xa giữa thực tế và lý tưởng làm cho chúng ta thất vọng, bất mãn, chán nản, buồn phiền, v.v...; trần lao nghiệp chướng từ đây phát sinh ngay.

Phật Thích Ca đắc đạo, tương thông được với mười phương Phật, quả là tuyệt vời; nhưng trở lại cuộc đời thân cận với chúng sanh đầy tham, sân, si, để cảm hóa họ đi theo con đường chân thật giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau sinh tử, quả là cả vấn đề không đơn giản chút nào.

Thấu hiểu sự khó khăn này, chư Phật mười phương khẳng định với Phật Thích Ca rằng tất cả chư Phật hiện thân trên cuộc đời, giáo hóa chúng sinh, đều phải mở cánh cửa phương tiện cho họ đi vào. Con đường chân thật của Phật đi, chúng sinh không thể nào đi được.

Trên bước đường tu, tôi nhận rõ ý này. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai, nên không thể bắt chước được. Từ hoàn cảnh riêng mà tu hành, ý thức về lời Phật dạy là pháp sai biệt dành cho mỗi người khác nhau.

Phật Thích Ca mới triển khai tám mươi bốn ngàn pháp môn tu, nghĩa là chúng sinh có bao nhiêu phiền não, trần lao nghiệp chướng thì Phật có bấy nhiêu pháp tương ưng để đối trị. Còn Thánh La hán không có phiền não, trần lao nghiệp chướng, nên không có pháp đối trị dành cho họ. Phật dạy tất cả giới luật mà Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di phải tuân thủ; vì họ sẽ phạm những lỗi lầm nếu không được cấm ngăn, bảo vệ. Đối với hàng Thánh tăng như Kiều Trần Như, Phật không chế giới. Mới thấy Phật, tâm ông liền thanh tịnh, đắc quả A la hán thì cần gì giới điều ràng buộc.

Phật triển khai tất cả giới nhằm giúp chúng ta không sanh khởi tâm phiền não, không phạm hành động xấu ác, không làm những việc vô ích, có hại... Vì vậy, khi nương được pháp phương tiện của Phật dạy, chúng ta tu hành, tâm hồn được thoải mái, an vui, bởi nhận chân được sự thật của cuộc đời, chúng ta không lý tưởng hóa mọi việc, không nhận thức sai lầm.

Thuở nhỏ, một vị Hòa thượng dạy tôi tụng Pháp Hoa sẽ hết bực bội, buồn phiền; nếu không thì cứ thắc mắc tại sao thế này, mà không thế kia và không bằng lòng ai cả. Hòa thượng dạy rằng phải nhìn đúng sự thật, con cò phải trắng, con quạ phải đen. Không thể bắt con quạ trắng như con cò. Phải nhìn rõ cốt lõi bên trong của một người là gì. Nếu họ là tiên giáng phàm, không dạy họ vẫn có cốt cách thần tiên. Trái lại, bắt khỉ mặc áo người, nó cũng chỉ làm được trò khỉ.

Bồ tát, Thánh tăng tái sinh, tất yếu cốt lõi của họ là Bồ tát, Thánh tăng. Người làm thuê ở mướn, hay người trốn nợ, trốn tù cạo đầu vô chùa ở thì phải cảnh giác họ. Phải nhìn thấy thực, tưởng lầm họ là thánh thì nguy hiểm vô cùng. Những người nặng về hình thức, tưởng tất cả người mặc áo tu là thật tu, dễ bị lợi dụng, phiền não, thoái tâm.

Phật dạy quán sát thật tướng các pháp, nghĩa là công nhận sự thật, thấy sự thật, không thấy khác. Và thấy rõ rồi mới khai phương tiện. Tôi không cho phép anh bị nghiện xuất gia, nhưng dạy anh pháp cai nghiện. Từ bi cho họ ở, phải trông chừng cẩn thận, không để ý, họ gây rắc rối liền. Đối với người này, pháp cai nghiện là thích hợp nhất.

Đức Phật đã dạy có nghiệp phải sám hối cho tiêu nghiệp mới tu được, ví như chiếc áo dơ phải giặt sạch mới nhuộm màu được. Giải thích ý này, ngài Trí Giả chia ra ba hạng người tu. Hạng người thứ nhất gọi là hảo tâm xuất gia, đồng chơn nhập đạo. Họ đã trồng căn lành với Phật ở đời trước, nay tái sinh trên cuộc đời không bị trần lao làm ô nhiễm và tìm đường giải thoát. Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh thuở còn bé, chưa tu, lên núi Ông Cấm gặp Tổ Vạn Linh đắc đạo. Ngài nói rằng đời trước chú bé này đã là Hòa thượng, mai kia cũng sẽ là Hòa thượng, các ông đừng xem thường. Chưa tu, nhưng cốt cách Hòa thượng đã có rồi.

Tổ Thiên Thai ví họ như áo trắng sạch nhuộm màu đạo dễ thấm lắm. Với những người như vậy, chúng ta phát hiện được căn lành của họ và nuôi lớn căn lành. Họ thông minh, nghiệp trần không có, nên phát triển đạo hạnh rất nhanh. Không có nghiệp, nên không bị phiền toái của vật chất đòi hỏi, không bị tình cảm tầm thường chi phối và trí tuệ sáng sẵn, thâm nhập Phật huệ dễ dàng.

Hòa thượng Trí Tịnh chuyên tụng phẩm Phương tiện thứ hai của kinh Pháp Hoa. Tôi nhận ra pháp phương tiện giúp chúng ta không mắc bệnh chấp; vì yếu nghĩa của phương tiện chỉ cho chúng ta nhận chân được sự thật, chúng ta sẽ không phạm sai lầm. Họ không thể là Tăng sĩ, nhưng chúng ta cho xuất gia, cuối cùng cũng hoàn tục mà còn có hại nữa. Có thầy nói rằng lo cho một đệ tử ăn học xong, lại ra đời, buồn quá. Nhận rõ sự thật, chúng ta sẽ không buồn. Tôi thấy cậu bé thông minh, nhưng không có căn lành, không cho xuất gia, nhưng tôi cho tiền học để sau họ thành tài, sống lợi ích cho bản thân họ và lợi cho xã hội.

Hạng người thứ hai ví như chiếc áo bẩn, nghĩa là đời trước họ có tu, nhưng tái sinh gặp Phật pháp hơi muộn. Tuy sống với đời mà tâm vẫn nghĩ đến đạo, nên khi gặp đươc chân sư khai ngộ, họ liền xuất gia.

Hòa thượng Thiện Hòa tiêu biểu cho mẫu người này. Ngài là Giám đốc Phật học đường Nam Việt, lập gia đình rồi mới đi tu. Ngài gặp Tổ Khánh Hòa, phát tâm tu. Nhờ có căn lành đời trước, nên đời này sống trong gia đình giàu có, khi phát tâm tu, ngài sám hối tội căn ở ba mặt. Một là Hòa thượng sám hối bằng cách vào Phật học đường, sống chung với chư Tăng, ngài nhận làm công việc phục vụ đại chúng.

Mặc dù đã là Giám đốc Phật học đường, ngài cũng quét sân chùa mỗi ngày để kiếm phước. Sống trong đại chúng, ngài không kiêu căng, buồn phiền, chỉ lo công quả, lập công bồi đức, vì sợ thọ hưởng, bị tổn phước và xuất thân nhà giàu, nên ngài sử dụng tiền của để lo cho đại chúng. Nhờ pháp sám hối này, huynh đệ cảm mến đức độ của Hòa thượng. Tôi nghe các Hòa thượng cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều khen ngợi ngài là người tốt, siêng năng, nhẫn nại làm việc đạo, không làm mất lòng người.

Pháp sám hối thứ hai của Hòa thượng là ngài thường lạy hồng danh Phật, lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm; vì thế, tâm lần thanh tịnh, thân khỏe mạnh. Lạy Phật đến thấy hảo tướng Phật hiện ra, là biết hết nghiệp, nhuộm màu đạo được. Nói cách khác, thấy Phật hiện ra là chúng ta nhìn đâu cũng thấy Phật, thấy mây bay, núi non cũng tưởng như Phật, nên không còn phiền não.

Lạy Phật xong, vừa bước ra khỏi chánh điện, gặp người mình ghét, phiền não nổi dậy, là ác tướng hiện ra, chưa nhuộm màu đạo được, có nhuộm màu gì cũng trở thành lem luốc. Vì vậy sám hối chưa sạch nghiệp mà thọ lãnh giáo pháp Phật, người này khó tiến tu.

Và pháp sám hối thứ ba mà ngài áp dụng là xứng tánh sám hối. Tất cả hiện tướng đều biến mất, để tâm trí hoàn toàn vắng lặng mới nhuộm màu đạo được.

Hạng người này ví như áo dơ, nhờ công quả, lạy Phật, nghiệp sạch lần; nên tâm yên tĩnh, Phật pháp tự hiểu dễ dàng và việc hành trì pháp Phật cũng thành tựu một cách nhẹ nhàng.

Hạng người thứ ba ví như chiếc áo vừa dơ vừa rách; nghĩa là người tội ngập đầu, cũng phải giặt áo cho sạch, tức sám hối cho sạch nghiệp. Mang nghiệp quá nặng, tâm đau khổ, thân tội lỗi, chỉ còn cách công quả, kiếm chút phước, phục vụ đại chúng để kết duyên lành. Chỉ mong được vậy thôi cũng may lắm rồi và hy vọng đời sau sẽ có được thân khỏe mạnh, trong sạch, không buồn phiền, không tội lỗi mới dễ tu.

Riêng tôi, thuở nhỏ xuất gia cũng tâm niệm như vậy, vì cuộc đời mình nghèo thiếu, bệnh hoạn, xấu xí thường kèm theo sân si. Nhờ nương pháp phương tiện của Phật tu hành, hoàn cảnh lần đổi khác, được Phật hộ niệm, bổ xứ cho làm một số việc, thành tựu một ít Phật sự. Vì vậy, tôi rất tâm đắc lời tâm sự của Xá Lợi Phất với Phật rằng dù đầu đội và hai vai cõng vác Phật, cũng không bao giờ đền đáp được công ơn vô bờ bến của Đức Thế Tôn.

---o0o---

Nguồn: chuyenphapluan.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/07/2011(Xem: 3059)
Khi thời điểm Tính Không hiện hữu nơi tôi Tôi nguyện không bị hốt hoảng vì Hội thượng của các vị Phật bảo hộ từ bi và uy mãnh : những biến hiện của chính tâm của tôi. Liên Hoa Sinh. Tử thư Tây Tạng. Trung hữu này được gọi là Trung hữu của Tính không bởi vì, như chúng ta vừa mới thảo luận, nó là thời điểm mà quang sắc giác chiếu, hoặc bản chất căn bản của tâm, xuất hiện đối với một hữu tình đã giác ngộ (=viên giác). Trong khi hữu tình viên giác trải nghiệm trung hữu của tính không, thì một hữu tình bình thường trải nghiệm thời kì của bất thức, nói chung, kéo dài ba ngày rưỡi, trong suốt thời gian đó tâm duy trì trong trạng thái bất ý thức, không có khả năng thấu hiểu, tối mịt.
30/06/2011(Xem: 5819)
Con đường tâm linh mà chúng ta đang cùng nhau tiến bước có vô số chướng ngại, đầy sỏi đá chông gai, chúng ta cần nắm chắc tay nhau...
29/06/2011(Xem: 5899)
Chắc chắn, giáo dục không có ý nghĩa gì cả nếu nó không giúp bạn hiểu rõ sự rộng lớn vô hạn của cuộc sống với tất cả những tinh tế của nó, với vẻ đẹp lạ thường của nó, những đau khổ và hân hoan của nó.
19/06/2011(Xem: 4271)
Nếu mình là người có Trí huệ, biết lo cho hạnh phúc đời này và mai sau của mình thì mình lo tinh tấn tu hành, đừng để cái Chết hay Vô Thường tới, lúc đó đã quá muộn rồi.
12/06/2011(Xem: 4762)
Chúng ta luôn nói rằng kiếp người là hy hữu và đáng quý, vậy tại sao lại để cơ duyên uổng trôi?
12/06/2011(Xem: 4145)
Bàn về các pháp thế gian, Phật Pháp không bao giờ được dùng để thực hành với động cơ đem ra buôn bán nhằm mang lại danh tiếng hay tài bảo cho một cá nhân nào đó.
09/06/2011(Xem: 5741)
Chúng ta sống trong không gian vô cùng và thời gian vô tận tất phải có nhận thức về thế gian. Thế gian là một thế giới hiện tượng lưu chuyển mãi không ngừng nghỉ từng sát-na sanh diệtbất thường như vậy. Không gian luôn biến đổi. Chúng ta cũng chứng kiến được ruộng dâu biến thành bể cả và ngược lại. Thời gian huyễn hóa làm cho sự vật trở thành sanh trụ hoại diệt; con người thì sanh già bịnh chết. Chúng ta nhận thức đúng đắn và chơn thật rằng thế gian quả là vô thường. Thế giới hiện tượng vô thường mà sự vật hiện hữu do nhân duyên kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình độc lập tồn tại (sanh diệt). Tâm con người cũng vậy...
08/06/2011(Xem: 3347)
Khi nói đến Vô thường liền hiểu ngay đó là luật tuần hoàn của vũ trụ. Nơi nào có sự vận hành, chuyển biến, đổi dời, nơi đó có Vô thường. Vì vậy Vô thường là một định luật phổ biến, bao gồm cả vũ trụ và nhân sinh.
07/06/2011(Xem: 3706)
Từ thế giới vật chất ngoại tại - khách quan cho đến thế giới tâm thức nội tại - chủ quan đều là vô thường, mang tích chất “hoà hợp” và “tương tục” của “duyên sinh vô ngã”. Với thế giới xiêm la vạn tượng này, vật chất luôn vận động, núi đổi, sông dời,…; cũng vậy, một đời người rồi ai cũng chết; thân này là do Ngũ uẩn (Pañña-cupādanakkhandha): sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mà hình thành, tương tục, sanh khởi và hoại diệt; nên gọi là “không”, là “vô ngã”.
05/06/2011(Xem: 4036)
Để tiến bước nhanh chóng và thuận lợi trên con đường tu tập tâm linh, chúng ta cần tới sự trợ duyên của hai thứ - công đức và trí tuệ -, cũng như hai cánh của một con chim...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567