Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Con đường Tịnh Độ

17/07/201200:58(Xem: 10452)
08. Con đường Tịnh Độ
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

HT Thích Như Điển biên soạn

VIII. CON ĐƯỜNG TỊNH ĐỘ

Tịnh Độ thì có rất nhiều cõi của nhiều vị Phật đang thuyết pháp giáo hóa chúng sanh tại đó; nhưng cõi Cực Lạc thì chỉ có một, cõi nầy do lời nguyện của Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo mà thành tựu. Ví dụ như Đẩu Suất Tịnh Độ, Đông Phương Dược Sư Tịnh Độ, A Súc Phật Tịnh Độ v.v...

Trong kinh A Di Đà cho biết rằng: Cõi Phương Đông có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm và hằng hà sa số Phật như vậy. Cõi Phương Nam thì có Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn v.v… Cõi Tây Phương lại có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang… Cõi Bắc Phương có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhựt Sanh, Phật Võng Minh… Cõi Phương Dưới có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp… Cõi Phương Trên lại có Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhứt Thiết Nghĩa,Phật Như Tu Di Sơn… có hằng hà sa số Đức Phật như vậy.

Qua kinh Hồng Danh Sám Hối, kinh 3.000 vị Phật, kinh 10.000 vị Phật v.v… Chúng ta thấy được rằng: Phật không phải chỉ có một vị. Do vậy cõi Phật cũng không phải chỉ một cõi, mà có vô lượng cõi thế giới như vậy. Mỗi thế giới tùy theo lời nguyện ước của vị Phật ấy mà thế giới kia sẽ thành tựu như vậy. Có thế giới chỉ toàn ánh sáng, có thế giới chỉ toàn là hóa sanh, có thế giới chỉ toàn là màu sắc, có thế giới giống như những mắc cửi… như trong kinh Hoa Nghiêm hay Phạm Võng mà Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cho các vị Bồ Tát và chúng sanh trong cõi giới Ta Bà nầy rõ biết.

Ví dụ như vào đời Đường nhằm thế kỷ thứ 7, sau khi Ngài Huyền Trang đi lưu học 19 năm ở Ấn Độ về, Ngài trú ở chùa Từ Ân dịch kinh, viết sách, diễn giảng và đặc biệt Ngài chú trọng về Duy Thức. Cho nên sau khi có người nối truyền, Đệ Tử là Ngài Khuy Cơ, chùa nầy được lấy tên để đặt nên Tông phái của Duy Thức thuở ấy là Từ Ân Tông hay Pháp Tướng Tông. Tông nầy tu chuyển thức thành trí và phát nguyện vãng sanh về Nội Cung Đẩu Suất của Đức Di Lặc. Nơi đây được gọi là Tịnh Độ Đẩu Suất hay cõi Nhứt Sanh Bổ Xứ. Nghĩa là ai được sanh về đây thì chờ trong một đời nữa để được bổ xứ đi làm Phật ở một nơi khác. Ví dụ như Đức Phật Di Lặc trong tương lai sẽ hạ sanh từ nội cung Đẩu Suất nầy xuống thế giới Ta Bà để làm Phật, sau khi giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không còn hiện hữu nơi đây nữa.

Ngoại Cung Đẩu Suất toàn những niềm vui tuyệt diệu. Nếu có vị nào đó lỡ sanh vào ngoại cung Đẩu Suất khi hưởng hết phước lạc của cõi Trời rồi thì cũng bị chi phối bởi sanh tử. Bởi vì Trời Đao Lợi vẫn còn nằm trong cõi Dục Giới nầy.

Khi xem truyện Tây Phương Du Ký của Ngài Quán Khâm Hòa Thượng người Đài Loan, chúng ta rõ biết được việc nầy. Bình sinh Ngài tu Tịnh Độ hay niệm Phật, tụng kinh Lăng Nghiêm và Pháp Hoa; nhưng ý nguyện của Ngài lúc nào cũng phải về cho được thế giới Tây Phương của Đức Phật A Di Đà. Một hôm Ngài nhập thất và trong khi nhắm mắt lại để niệm Phật thì thấy có một lão bà hiện ra và hỏi Ngài rằng: Bình thường Ngài tụng kinh gì? Ngài trả lời như trên và sau khi nhắm mắt lại chẳng bao lâu thì Ngài đã lên đến Nội Cung Đẩu Suất; nơi đó Ngài đã gặp Hư Vân Hòa Thượng, Ấn Quang Đại Sư rồi các vị Đại Sư bạn của Ngài thuở còn sanh tiền. Sau đó thì thần thức của Ngài Quán Khâm được Lão Bà đưa lên cõi Sắc rồi cõi Vô Sắc; khi ra ngoài cõi Vô Sắc rồi, Lão Bà hiện hình thành Quan Thế Âm Bồ Tát và đưa thần thức Ngài vào bái yết Đức Phật A Di Đà. Sau khi Ngài về lại cõi trần nầy, Ngài diễn tả rằng: Chỉ cái móng chân của Đức Phật A Di Đà cũng lớn hơn cả các nước Đông Nam Á Châu của chúng ta vậy. Ngoài ra Ngài nhớ lại trong 3 kinh Tịnh Độ còn diễn tả ở cõi Tây Phương Cực Lạc nếu muốn ăn thì đồ ăn liền hiện ra. Do vậy Ngài Quán Khâm đã khởi tưởng lên việc nầy, tự nhiên đồ ăn bay đến trước Ngài, Ngài xấu hổ quá. Vì nghĩ rằng ở cõi Cực Lạc các vị Bồ Tát đâu có ăn uống bình thường và Ngài đã rút tâm niệm tưởng nghĩ của mình lại, tự nhiên đồ ăn biến mất. Quả thật đây là cõi hóa sanh như trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy.

Cõi Phương Đông có Phật A Súc Bệ. Tiếng Phạn gọi là Aksobhya Buddha. Tiếng Tây Tạng gọi là: Sans-rgyas-mi-hkrugs Pa. là tên Đức Phật hiện tại ở Đông Phương. Gọi tắt là A Súc. Cũng còn gọi là A Súc Bệ Phật, A Sô Tỳ Da Phật, A Khất Sô Tỳ Dã Phật. Dịch ý là Bất Động Phật, Vô Động Phật, hoặc là Vô Nộ Phật, Vô Sân Huệ Phật. Cứ theo kinh A Súc Phật Quốc quyển thượng phẩm Phát ý thọ tuệ và phẩm Thiện Khoái chép, thì ở quá khứ, cách đây 1.000 cõi Phật về Phương Đông, có thế giới A Tỳ La Đề (Phạn: Abhirati), trong đó có Đức Đại Mục Như Lai xuất hiện, Ngài vì các Bồ Tát mà nói pháp tu hành sáu độ cao tột. Lúc bấy giờ, có một vị Bồ Tát, sau khi nghe pháp, phát tâm đạo vô thượng chánh chân, nguyện dứt sân hận, đoạn dâm dục, cho đến thành đại chánh giác, Đại Mục Như Lai vui mừng và ban hiệu là A Súc. Bồ Tát A Súc liền thành Phật trong thế giới A Tỳ La Để ở Phương Đông và hiện nay vẫn đang thuyết pháp ở cõi đó. Lại cứ theo kinh Pháp Hoa quyển 3 phẩm Hóa Thành Dụ chép, thì Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, khi chưa xuất gia, có 16 vị vương tử, sau đều xuất gia làm Sa Di. Người con thứ nhất tên là Trí Tích, tức là A Súc thành Phật tại nước Hoan Hỷ ở phương Đông. Kinh Bi Hoa quyển 4 chép, Phật A Di Đà ở đời quá khứ là vua Vô Tránh Niệm có 1.000 người con; người con thứ 9 là Mật Tô, tức A Súc thành Phật tại phương Đông, tên nước là Diệu Lạc.

Mật Giáo lấy Đức Phật nầy làm một trong 5 vị Phật ở Kim Cương giới, tượng trưng cho Đại Viên Cảnh Trí. Ngài được tôn trí ở giữa nguyệt luân chánh đông, trong 5 luân giải thoát; phía trước là Kim Cương Tát Đỏa, phía phải là Kim Cương Vương Bồ Tát, phía trái là Kim Cương Ái Bồ Tát, phía sau là Kim Cương Hỷ Bồ Tát. Hình tượng màu vàng ròng, tay trái nắm lại đặt ở trước rốn, tay phải thòng xuống chạm đất, tức là A Súc xúc địa ấn (Ấn A Súc chạm đất). Mật hiệu là Bất Động Kim Cương. Chủng tử là Hum. Hình Tam Muội Da là chày năm chẽ (chày kim cương năm chẽ). Chân ngôn là: "Án Á Khất Sơ Tỳ Dã Hồng". (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 68-69).

(Xem kinh Đại Bảo Tích Hội Bất Động Như Lai; kinh Đạo Hành Bát Nhã quyển 6; quyển 9; kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội quyển thượng; kinh Duy Ma quyển hạ; Tịnh Độ dử Thiền (Ấn Thuận, Diệu Vân tập hạ biên 4).

Cõi của Phật A Súc ở thế giới Đông Phương vẫn có người nữ hiện diện tại đó và chúng sanh trong nước nầy mặc bằng vỏ cây; cho nên giữa cõi nầy và cõi Tây Phương Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà không giống nhau. Lý do là tùy theo nguyện lực của mỗi vị Bồ Tát ấy trước khi thành Phật muốn phát nguyện cõi mình sẽ thành tựu như thế nào.

Nếu kể ra hết các cõi Tịnh Ðộ thì vô số; nhưng chừng ấy cõi cũng để cho chúng ta thấy rằng: phàm có uế độ ở đây thì ở kia sẽ có Tịnh Ðộ. Tùy theo ai muốn sanh về đâu thì sanh, đi về đâu thì đi. Nhưng theo các vị Tổ Sư Tịnh Ðộ như Long Thọ, Thế Thân đều cho rằng có 2 con đường để chọn. Ðó là Nan Hành và Dị Hành. Ðời mạt pháp nầy chỉ có pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tây Phương của Ðức Phật A Di Ðà là dị hành (dễ làm) mà chư Phật trong 10 phương đều tán thán việc làm nầy của Ðức Phật A Di Ðà (kinh A Di Ðà). Cho nên ở cõi Ta Bà nầy nhất là vào thời kỳ mạt pháp, các vị Tổ Sư đã chấp nhận Tịnh Ðộ môn hơn là Thánh Ðạo môn để cầu sanh Tây Phương sau khi lâm chung.

Dưới đây là Ðồ Biểu do chúng tôi thiết kế các nước theo Tịnh Ðộ Tông và chư Tổ Sư truyền thừa. Mong rằng đây mới chỉ là khởi thảo tài liệu lịch sử nầy riêng cho Việt Nam để Phật Tử Việt Nam có một cái nhìn toàn bộ hơn. Riêng về bình diện thế giới chúng tôi không mong đợi gì hơn, đây cũng là sự cần có của những người tu theo pháp môn Tịnh Ðộ.

Sau khi thiết lập được biểu đồ nầy rồi, chúng ta sẽ gạn lọc ra phương pháp tu học của từng vị Tổ Sư Tịnh Ðộ và sẽ hệ thống hóa theo từng quốc độ khác nhau để những người sau nầy dễ tra cứu tìm hiểu hơn về chư vị tiền bối của mình. Có như thế chúng ta mới không hỗ danh là những người thừa kế.


Đồ Biểu Truyền Thừa Tịnh Độ Tông

Mỗi vị Tổ Sư xuất hiện trong đời nầy đều có một trọng trách khác nhau để làm cho mối đạo được phát triển. Sau khi Ðức Phật viên tịch, cả hằng 9 thế kỷ sau Ngài Long Thọ mới xuất hiện tại miền Nam Ấn Ðộ, được người đời xưng là Ðệ Nhị Thích Ca. Như vậy phải biết rằng trí tuệ và sự đắc chứng của Ngài như thế nào rồi. Sau nầy 8 Tông Phái như: Trung Quán, Hoa Nghiêm, Mật Tông, Tịnh Ðộ đều tôn xưng Ngài là Tổ Sư. Riêng Tịnh Ðộ Tông, theo các nhà học giả Tôn Giáo Ðông Phương và Tây Phương, Ngài chỉ đề cập về Tịnh Ðộ trong luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa trong phẩm Dị Hành trong thiên thứ 9 thuộc 35 chương của luận nầy là phần trọng yếu của pháp môn Tịnh Ðộ.

Dị Hành là dễ làm. Ðối lại với Nan Hành (khó làm). Nghĩa là, trong hai pháp tu Nan Hành và Dị Hành để đạt đến giai vị không trở lui, thì Dị Hành là pháp tu mau được mà dễ thực hiện.

Ngài Long Thọ cho pháp tu xưng niệm danh hiệu Phật là không trở lui, mau thành mà dễ làm; nhưng tu pháp môn nầy, điều kiện tiên quyết là phải có lòng tin vững mạnh.

Vãng Sanh luận chú quyển thượng của Ðàm Loan (Ðại 40, 826 giữa), nói: "Dị hành đạo, nghĩa là chỉ cần nhân duyên tin Phật, phát nguyện vãng sanh, nương nhờ nguyện lực của Phật, được sanh về cõi thanh tịnh".

Tông Tịnh Ðộ Nhật Bản cho rằng xưng niệm danh hiệu Phật với đầy đủ ba tâm (trực tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm) là Dị Hành; chân Tông thì không những cho niệm danh hiệu Phật là Dị Hành mà còn cho niệm danh hiệu với niềm tin sâu xa vào tha lực hồi hướng của Phật A Di Ðà cũng là Dị Hành. (Trích Phật Quang Ðại Từ Ðiển trang 1247).

(Xem luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa quyển 5, phẩm Dị Hành)

Ở đây chúng ta thử tạo ra một biểu đồ của mỗi vị Tổ Sư thực hành theo pháp môn Tịnh Ðộ như sau:


Theo Tổ Sư Long Thọ, người muốn được sanh về cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà phải cần ba điều kiện căn bản bên trên, mà Ngài gọi là Dị Hành. Ðó là: Có nhân duyên để tin Phật, sau đó phát nguyện vãng sanh về Tây Phương và phải nương vào nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà. Ðây chính là tín, nguyện và tha lực.

Lòng tin là mẹ sinh ra chư Phật như trong kinh Hoa Nghiêm nói. Với Ðức tin nầy con người có thể thành tựu mọi sở nguyện, nhưng điều quan trọng là mình phải hướng niềm tin ấy về đâu và sau cùng phải nhờ đến thần lực của Ðức Phật A Di Ðà. Nếu không có tha lực ấy thì chắc chắn chúng ta sẽ khó vãng sanh về thế giới Tây Phương được.

Ðệ nhị Tổ Sư Tịnh Ðộ Tông ở Ấn Ðộ là Ngài Thế Thân cũng dựa theo Dị hành đạo của Ngài Ðệ Nhứt Tổ Sư Long Thọ; nhưng ở đây vị Ðệ Nhị Tổ Sư nương vào kinh Vô Lượng Thọ (kinh Ðại Bản A Di Ðà) để chỉ ra 10 điều căn bản, dựa theo lời nguyện thứ 11, 18 và 22 để được vãng sanh về Tịnh Ðộ.

Có 10 cặp đối đãi nghĩa là: Tụng đại ý các bài kệ; khi khởi sự quán tưởng thì sanh tín tâm; quán tưởng về thể tướng của Phật; đi vào nguyện tâm an ổn; lành thay nhiếp hóa chúng sanh; xa lìa tâm chướng ngại giải thoát; thuận theo tâm giác ngộ; tâm và nghĩa cân đối nhau; nguyện cho công việc được thành tựu và cuối cùng là làm việc lợi lạc cho mọi người được đầy đủ.

Tất cả 10 việc trên đều nương vào lời nguyện thứ 11, 18 và 22 của Ðức Phật A Di Ðà để được vãng sanh về Cực Lạc quốc.

Phật Giáo Trung Quốc có được 13 vị Tổ Tịnh Ðộ Tông theo như xưa nay chúng ta đã được biết; nhưng theo Phật Giáo Tịnh Ðộ Nhật Bản người ta chỉ công nhận Ngài Ðàm Loan, Ðạo Xước và Thiện Ðạo. Do vậy chúng ta thử truy tìm lại pháp môn tu của các vị nầy vậy.

Trên căn bản ba vị nầy cũng dựa vào 3 kinh căn bản của Tịnh Ðộ và dựa theo Vãng Sanh luận của Ngài Thế Thân để lập nên hạnh nguyện và Tông chỉ của mình khi phát tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc quốc.

Như Ngài Ðàm Loan sau khi dựa theo việc Dị Hành của Ngài Long Thọ để lại, Ngài đã soạn Vãng Sanh luận và nơi luận nầy Ngài đã hướng dẫn những người niệm Phật theo 5 cách sau đây.

Thứ nhất là lễ bái Ðức Phật A Di Ðà. Khi chúng ta đứng trước kim thân Phật Tổ, chúng ta nên gieo năm vóc sát đất để đảnh lễ Ðức Phật nầy. Vì lẽ Ngài là một bậc vô Thượng Y Vương; một vị Phật cao tột trong ba đời chư Phật.

Thứ hai là phải tán thán ca ngợi danh hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật, có nghĩa là vị Phật có hào quang vô lượng và có đời sống vô lượng.

Thứ ba là phải phát lời thệ nguyện sanh về Tịnh Ðộ. Khi thấy ở uế độ nầy, chúng sanh bị trầm luân trong sanh tử; nên phải phát nguyện sau khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà.

Thứ tư là Quán Tưởng Ðức A Di Ðà và cảnh giới của Ngài. Trong kinh Tiểu Bổn A Di Ðà đã diễn tả rất rõ ràng. Người phát tâm niệm Phật, cần phải quán tưởng về thân tướng của Ngài và cảnh giới ấy.

Thứ năm là hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh. Khi thực hành bất cứ một điều gì cũng nên hướng về những người khác, thì việc làm của mình được tạo thêm tăng thượng duyên cho chính mình và những chúng sanh khác trong thế giới nầy cũng như thế giới khác và ngay cả người còn lẫn kẻ mất cũng được lợi lạc vô ngần.

Khoảng hơn 100 năm sau vào đầu thế kỷ thứ 7, thời Ngài Huyền Trang thì đã có Ngài Ðạo Xước hoằng dương pháp môn Tịnh Ðộ tại Trung Quốc bằng cách đếm từng hạt đậu khi niệm Phật cũng như lúc tụng kinh A Di Ðà. Ðây quả là một công việc thật bất khả tư nghì, khó diễn tả hết bằng lời nói được.

Ngài nương theo kinh Vô Lượng Thọ để soạn ra 2 tập An Lạc tập, để chứng minh cho nhân thế thấy rằng trong thời buổi Vũ Ðế nhà Bắc chu bài Phật trọng Nho giáo. Cho nên tác phẩm nầy đã biện luận rất nhiều về ý kiến của Tam Luận cho rằng Vãng Sanh Tịnh Ðộ là kiến chấp hữu tướng. Ðồng thời Ngài đã lập ra Thánh Ðạo môn và Tịnh Ðộ môn. Thánh Ðạo môn có nghĩa là người ở vào thế giới nầy nhờ vào tự lực tu hành mà ngộ đạo thành Thánh, gọi là thử độ thành Thánh, đó gọi là Thánh Ðạo môn. Còn Tịnh Ðộ môn có nghĩa là người nương nhờ vào nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà, sinh về Tịnh Ðộ mà ngộ đạo, gọi là bỉ độ nhập chứng; đó gọi là Tịnh Ðộ môn. Tư tưởng nầy của Ngài Ðạo Xước được Ngài Nguyên Không Pháp Nhiên của Tịnh Ðộ Nhật Bản triển khai mạnh vào thế kỷ thứ 13; nhưng Ngài Thân Loan, đệ tử thân tín của Ngài Pháp Nhiên hoàn toàn chỉ tin vào tha lực cũng như bổn nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà; tức là Tịnh Ðộ môn, chứ không tin rằng tự lực tu học có thể sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc được.

Ngoài ra là niệm Phật một cách miên mật. Mỗi ngày niệm nhiều câu Phật hiệu. Niệm niệm liên tục trong đi đứng nằm ngồi, ăn uống, tụng niệm v.v… Ðây chính là việc thực hành pháp môn Tịnh Ðộ vậy.

Ðến khi Ngài Thiện Ðạo thực hành pháp môn Tịnh Ðộ thì đã qua những giai đoạn khai tông lập giáo rồi; nhưng với Ngài thì lời thệ nguyện thứ 18 của Ðức Phật A Di Ðà là quan trọng nhất, để từ đó soạn ra những kinh sách chỉ dẫn cho những người tu theo pháp môn nầy như sách 5 loại tăng thượng duyên vậy.

Khi niệm Phật một cách miên mật với danh hiệu A Di Ðà là làm tăng thượng duyên để diệt trừ tất cả bao nhiêu nghiệp chướng từ trong vô lượng kiếp trở lại đây.

Khi niệm Phật tức thì Ðức Phật A Di Ðà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát lúc nào cũng gìn giữ, che chở cho người phát tâm niệm Phật.

Khi hành giả niệm Phật một cách miên mật thì nhờ sức bổn nguyện của Ðức Phật A Di Ðà mà được gặp Phật và thấy Phật. Cõi Cực Lạc là cõi hóa sanh và việc chúng sanh thành tựu việc sanh về đó là do tha lực bổn nguyện của Ðức Phật mà thành tựu, chứ không phải do tự lực của chính mình.

Tất cả chúng sanh trong 10 phương vô biên thế giới nhờ nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà mà được vãng sanh về Tịnh Ðộ.

Cuối cùng trong 5 tăng thượng duyên nầy là nương vào nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà mà chúng sanh được sanh về nước Cực Lạc.

Ðây là ba vị Tổ Sư rất quan trọng của Tịnh Ðộ Tông Nhật Bản. Tuy rằng Ngài Nguyên Tín không phải là người khai tông lập giáo; nhưng nếu không có Ngài Nguyên Tín viết Vãng Sanh Yếu Tập thì Ngài Nguyên Không Pháp Nhiên không thể dựa vào đó để chính thức lập tông. Dầu cho Ngài Nguyên Tín vẫn tu theo Thiên Thai Tông nhưng là một gạch nối rất quan trọng để sau nầy Ngài Pháp Nhiên khai tông lập giáo.

Tư tưởng Tịnh Ðộ đã quá rõ ràng qua nội dung gồm 10 điều của Vãng Sanh Yếu tập; tức là 10 điều cần yếu cho việc vãng sanh như sau:

Chúng sanh phải chán lìa cõi nầy là cõi ô uế. Vì lẽ chúng sanh ở đây chỉ luôn tạo ra các nghiệp ác của tham, sân, si. Do vậy phải có tâm chán lìa cõi nầy.

Kế đến là phải hướng về Tây Phương để thỉnh cầu Tịnh Ðộ; một cõi giới thanh tịnh, không còn bị luân hồi sanh tử chi phối.

Ðiều thứ ba là giới thiệu cảnh giới Cực Lạc qua kinh A Di Ðà như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng thuyết giảng nơi nước Xá Vệ.

Phải siêng năng hành trì việc niệm Phật. Vì đây là công phu cần thiết để thể hiện lời nguyện của mỗi chúng sanh.

Khi một hành giả sắp lâm chung, việc trợ niệm rất cần thiết. Vì lẽ lúc thần thức sắp rời khỏi thân trung ấm phải cần có những thiện hữu tri thức trợ niệm.

Niệm Phật phải ấn định thời gian nhất định trong ngày; mỗi ngày từ 3 đến 6 lần niệm Phật như vậy.

Chứng minh cho những hành giả niệm Phật thấy rằng niệm Phật là việc rất lợi ích cho người còn sống cũng như kẻ đã qua đời.

Tất cả những người niệm Phật, khi ra đi được an toàn. Do Phật và chư vị Thánh Chúng đến tiếp dẫn. Ðó là những chứng cứ cần thiết để đặt đức tin vào việc hành trì pháp môn nầy.

Vãng sanh về cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà được gọi là đới nghiệp vãng sanh và sẽ sanh về thai cung biên địa; nếu người đó vẫn còn bị các nghiệp như 5 tội lớn; hoặc giả không tin mà còn chê bai chánh pháp nữa.

Cuối cùng của 10 việc trong Vãng Sanh Yếu Tập là những câu hỏi về việc sanh tử và Ngài Nguyên Tín nhân đó giải đáp cho những tín đồ để được hàm triêm lợi lạc.

Ngài Nguyên Không Pháp Nhiên nương vào quyển Vãng Sanh Yếu Tập của Ngài Nguyên Tín cũng như nhờ đọc bộ Quán Kinh Sớ của Ngài Thiện Ðạo mà được khai ngộ. Từ đó Ngài sáng lập Tông Tịnh Ðộ và chuyên tu pháp môn Niệm Phật.

Sau sự kiện 2 cung nữ của Thượng Hoàng Hậu Ðiểu Vũ tên là Trùng Tùng và Linh Trùng xuất gia ở đạo tràng Lộc Cốc nên đã dẫn đến việc tố cáo của Nam Ðộ Bắc Lãnh. Cuối cùng Ðạo Tràng Niệm Phật bị đình chỉ, 2 vị Tăng bị xử trảm. Còn Ngài Pháp Nhiên lúc ấy đã 75 tuổi; nên được đưa về lưu đày ở Tán Kỳ trong vòng 4 năm. Năm sau (1212) Ðại Sư viên tịch.

Trong đời của Ngài đã làm được những việc mà lịch sử khó có người thực hiện được. Ðó là việc cho đệ tử của mình là Ngài Thân Loan trong và sau khi ở tù về chính thức thành lập gia đình. Lấy một người con gái của quan làm vợ và vị nầy sau đi xuất gia có tên là Huệ Tín.

Qua tác phẩm "Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật“ Ngài Pháp Nhiên có giải thích rất rõ ràng về những nguyên nhân nghiệp lực mà được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà cũng như việc niệm Phật cần yếu như thế nào của một hành giả phát tâm sanh về đó.

Tuy nhiên cách nhìn của Ngài Pháp Nhiên về việc niệm Phật theo Thánh Ðạo môn đã bị Ngài Thân Loan sau nầy không tán đồng. Thánh Ðạo có nghĩa là người tu pháp môn niệm Phật trong cõi nầy và nhờ tự lực mà thành Thánh. Trong khi đó người Ðệ Tử Thân Loan quyết tin tưởng hoàn toàn vào tha lực của Ðức Phật A Di Ðà và đặc biệt hơn là Bổn Nguyện Lực của Ðức Phật A Di Ðà mà tất cả chúng sanh đều được sanh về thế giới Cực Lạc kia.

Khi Ngài Pháp Nhiên viên tịch rồi (1212) thì giáo đoàn phân tán; nhưng nhờ Ngài Thân Loan tái gầy dựng trở lại qua pháp môn niệm Phật tha lực cũng như chủ trương người vãng sanh tuần tự theo 5 cách sau đây:

Ðầu tiên là chí tâm. Có nghĩa là người cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ phải một lòng tha thiết với tâm mình là mong mỏi được sanh về đó.

Kế đến là tín nhạo. Nghĩa là vui vẻ, hoan hỷ tin tưởng nơi pháp môn niệm Phật để được sanh về.

Thứ ba là dục sanh. Ðây có ý nói hành giả niệm Phật sau khi lâm chung mong mỏi được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Ba tâm nầy do chúng sanh phải lập nguyện và phát nguyện để được vãng sanh. Còn 2 tâm sau là do chư vị Bồ Tát thực hiện. Ðó là:

Nhiếp thủ: Nghĩa là gìn giữ chúng sanh đã sanh về nước Cực Lạc một cách cẩn thận.

Bất xả: Khi chúng sanh ấy đã được các vị Bồ Tát tiếp dẫn về Tây Phương rồi thì không buông bỏ người đó, mà một lòng hộ trì để chúng sanh ấy tu hành tiếp tục và được sanh vào các phẩm vị cao hơn để được giác ngộ hoàn toàn.

Với Ngài Thân Loan sáng tổ Tịnh Ðộ Chân Tông Nhật Bản chủ trương rằng chỉ trong một đời là được vãng sanh cũng giống như Chân Ngôn Tông đã chủ trương vậy; nhưng với Ngài Thân Loan thì có một số điểm khác hẳn với Ngài Pháp Nhiên là:

- Kẻ ác dễ tu chứng hơn là người hiền. Qua ví dụ của A Xà Thế, Vô Não v.v… Ngài chứng minh là khi người ác đã phản tỉnh thì độ giác ngộ cao hơn là người hiền.

- Phật thương những chúng sanh tội lỗi nhiều hơn. Lý do như người mẹ có 3 người con. Trong khi đó có một người bịnh nặng thì người mẹ quan tâm hơn. Do vậy chúng sanh nào bị khổ não bức bách nhiều thì được Ðức Phật đoái hoài thương cảm gấp bội.

Ngài chính thức thành lập gia đình (có thể là vào giữa năm 1207 đến 1211). Việc nầy chính do Sư phụ của Ngài là Ngài Pháp Nhiên cho phép và thúc đẩy. Có lẽ do sự kiện 2 cung nữ của Thượng Hoàng Hậu Ðiểu Vũ là điều không có gì mà bị vu khống cũng như chẳng qua là sự ganh ghét gièm pha giữa Tông nầy và Tông khác; nên Ngài Pháp Nhiên đã thấy thời cơ đã đến và chứng minh cho người Nhật thấy rằng Thân Loan sẽ là một người đệ tử đại tài, sẽ trở thành người lãnh đạo của một phái Tịnh Ðộ mới sau nầy.

Ðiều quan trọng nhất của Ngài Thân Loan là việc niệm Phật để được vãng sanh không phải là do tự lực của hành giả niệm Phật, mà là do tha lực, do bản nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà. Bản nguyện ấy là gì? Là cái nguyện căn bản khi Ngài đã thành Phật thì thế giới của Ngài phải như vậy như vậy.

Lâu nay chúng ta chỉ chú ý về 10 niệm nhất tâm cho đến lúc lâm chung trong lời nguyện thứ 18 của Ðức Phật A Di Ðà; nhưng theo Ngài Thân Loan thì không cần thiết. Bởi vì nhờ cái nguyện lực căn bản và tha lực của Ðức Phật mà chúng sanh được sanh về cảnh giới ấy, chứ không phải do tự lực trong 10 niệm không tán loạn.

Qua tác phẩm giáo, hạnh, tín và chứng chúng ta đã thấy được thâm ý của Ngài Thân Loan muốn dẫn dắt chúng sanh đời sau đi vào thế giới Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà không thể không nương vào 3 kinh căn bản của Tịnh Ðộ được. Ðó là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A Di Ðà.

Việc thực hành niệm Phật là bổn phận của hành giả tu theo pháp môn nầy. Dầu ở đâu hay ở bất cứ hoàn cảnh nào, người niệm Phật cũng phải chuyên tâm thực hành câu Phật hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật.

Niềm tin với Phật, với sự vãng sanh là một năng lực, một sức mạnh nhằm đưa hành giả trở về lại quê hương tịnh cảnh ấy.

Cuối cùng là chứng đạo; chứng vào con đường Tịnh Ðộ. Con đường nầy thoát ly sanh tử luân hồi và ra khỏi bao nhiêu sự ràng buộc oan trái của thế gian đầy đau khổ nầy.

Nhìn Tiểu sử của Ngài Pháp Nhiên và Ngài Thân Loan cho ta thấy được sự bền chí và khổ công của những người khai Tông lập giáo ngay từ lúc ban đầu. Do vậy chúng ta cần trân quý những gì có thể hạ thủ công phu để thực hiện việc nầy. Ðây mới là điều đáng nói.

Ðạo Phật được truyền đến Tây Tạng trực tiếp từ Ấn Ðộ và không qua ngã Trung Hoa. Ngài Liên Hoa Sanh đóng một vai trò quan trọng trong phái Cổ Mật và các truyền thống Du Già Bí Mật, trong đó kể cả Tịnh Ðộ Tông. Thật ra thì Tịnh Ðộ Tông của Tây Tạng cũng không khác Tịnh Ðộ Tông Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam bao nhiêu. Vì tất cả các vị Tổ Tịnh Ðộ đều lấy 3 kinh Tịnh Ðộ làm chính. Tuy nhiên Tịnh Ðộ đến mỗi quốc độ có thay đổi ít nhiều để khế hợp với tình trạng văn hóa, phong tục tại xứ đó; cho nên các vị Tổ Sư phải tùy theo hoàn cảnh và phương tiện để mang Ðạo vào Ðời.

Phần bên trên chúng tôi đã giới thiệu tương đối khá rõ ràng về Phật Giáo Tây Tạng rồi. Ðến phần nầy chúng tôi chỉ xin tóm lược lại cách hành trì pháp môn Tịnh Ðộ của Tây Tạng, nhằm hướng dẫn cho tín đồ có một cái nhìn thực tiễn hơn khi thực hành pháp môn nầy.

Theo Ngài Doprupchen, Thầy của Ðại Sư Tulku Thondrup thì người tu theo pháp môn Tịnh Ðộ Tây Tạng cần quán triệt 4 phương pháp dưới đây:

Thứ nhất là Niệm Phật và quán tưởng cảnh giới Cực Lạc. Ða phần những người niệm Phật chỉ nghĩ về câu Phật hiệu để tạo sự nhất tâm; nhưng theo vị Ðại Sư nầy và Phật Giáo Tây Tạng thì kèm thêm vấn đề quán tưởng cảnh giới Tây Phương Cực Lạc giống như trong kinh A Di Ðà đã mô tả, nhằm giúp cho hành giả giữ tâm được an định hơn.

Thứ hai là tích tụ những phước đức. Chính nhờ việc làm phước bố thí cúng dường nầy mà đương sự gặp được nhiều thắng duyên trong lúc sống cũng như khi đi đầu thai, dầu cho đó là chư Tăng hay Phật Tử.

Phần thứ ba là phát triển tâm Bồ Ðề. Phải phát nguyện một cái gì đó cho thật là dũng mãnh, kiên cố dầu cho phải trải qua thời gian dài lâu đi nữa; nhưng theo Ðại Sư Doprupchen thì cho rằng: Điều kiện thứ ba nầy có càng tốt; nếu không có cũng không sao.

Phần thứ tư là hồi hướng và phát nguyện. Ðây là một công việc cần thiết của hành giả tu theo pháp môn Tịnh Ðộ, cốt làm cho quần sanh đều được lợi lạc.

Tóm lại Phật Giáo Tịnh Ðộ Tây Tạng vẫn lấy Ngài Long Thọ và Ngài Thế Thân làm Đệ nhất và Đệ nhị Tổ của Tông phái mình. Còn Ngài Liên Hoa Sanh là Tổ Sư thứ nhất của tất cả mọi Tông phái của Tây Tạng về phái Cổ Mật nầy. Cho đến thế kỷ thứ 15 Ngài Tông Khách Ba mới thành lập phái mũ vàng.

Quê hương Việt Nam chúng ta vốn lâu đời bị người phương Bắc đô hộ; cho nên về văn hóa của Phật Giáo đa phần chúng ta cũng rập khuôn theo Trung Hoa. Dĩ nhiên cái gì tốt đẹp chúng ta theo tu học, không có gì để phải luận bàn; nhưng óc lệ thuộc quá nhiều, làm cho chúng ta mất đi tinh thần tự chủ. Do vậy, nếu ngay từ bây giờ, chắc cũng không trễ lắm là tinh thần nầy chúng ta nên độc lập và thiết lập các vị Tổ Sư cũng độc lập cho Tông phái của mình có lẽ hay hơn nhiều.

Tịnh Ðộ Tông Việt Nam chúng ta công nhận Ngài Long Thọ và Ngài Thế Thân là Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Tổ. Ngài Ðàm Hoằng sang Việt Nam vào năm 420 làm Ðệ Tam Tổ. Ðối với Tịnh Ðộ Tông Việt Nam thì Ngài là Sơ Tổ. Tuy Ngài là người đến từ Trung Hoa; nhưng Ngài đã ở Giao Châu 35 năm, từ năm 420 đến năm 455 và viên tịch tại quê hương chúng ta. Do vậy chúng ta chắc chắn rằng Ngài đã phải hội nhập vào văn hóa Phật Giáo của quê hương nầy. Ngay như Ngài Minh Hải Pháp Bảo, Tổ Sư của dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An Quảng Nam. Tuy Ngài cũng là người Trung Quốc, nhưng Ngài đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 16 lúc trên 20 tuổi và Ngài ở tại Hội An cho đến khi viên tịch tại chùa Chúc Thánh. Ðối với quê hương Ngài, Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 34. Nhưng đối với Thiền Lâm Tế Chúc Thánh, Ngài là Sơ Tổ vậy.

Từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 20; một khoảng thời gian gần 1.500 năm như thế chưa tìm ra được tông tích của Tịnh Ðộ Tông Việt Nam. Hy vọng rằng những nhà Sử học Phật Giáo sau nầy sẽ làm sáng tỏ cho vấn đề nầy.

Phương pháp tu hành của Ngài Ðàm Hoằng vẫn dựa theo 3 kinh Tịnh Ðộ làm chính để quyết định vãng sanh. Tuy lúc sinh thời Ngài không khai tông, lập giáo và có lẽ trước đó và sau Ngài vẫn có những vị đã tu theo pháp môn Tịnh Ðộ tại đất Giao Châu thời bấy giờ; nhưng các Ngài không để lại dấu vết như việc sáng tác, chủ trương như các Tổ Sư Trung Hoa hay Nhật Bản. Do vậy chúng ta đời sau khó hệ thống hóa việc nầy một cách dễ dàng được.

Ðến đầu thế kỷ thứ 20, bước qua thế kỷ thứ 21 nầy, tại Việt Nam chúng ta có 2 vị Ðại Sư chủ trương Tịnh Ðộ rất rõ nét. Ðó là cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Tuy Hòa Thượng Thích Thiền Tâm sinh sau (1925) Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (1917); nhưng vì Hòa Thượng Thích Trí Tịnh vẫn còn tại thế; cho nên chúng tôi sắp xếp cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm ở trên một bậc, vì là người đã ra đi trước.

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm sáng tác, dịch thuật kinh sách đa phần cũng dựa theo tư tưởng của các vị Ðại Sư Trung Quốc. Tuy nhiên sách vở về Tịnh Ðộ Tông đều nhờ Ngài dịch ra tiếng Việt hoàn toàn; cho nên những người tu Tịnh Ðộ Việt Nam có rất nhiều tài liệu để tham khảo, nghiên cứu và tu học, trong đó có quyển Niệm Phật Thập yếu. Có nghĩa là 10 điều cần yếu niệm Phật để được vãng sanh.

Ðầu tiên là Niệm Phật phải vì giải thoát sanh tử. Chúng ta sinh ra trong thế giới Ta Bà nầy, vốn là chốn ngũ trược ác thế. Do vậy, dầu cho sống ở đây có đầy đủ bao nhiêu đi chăng nữa vẫn là nơi phiền lụy của một kiếp nhân sinh. Cho nên người niệm Phật phải mong cầu thoát khỏi sự sống chết để sanh về một thế giới không còn luân hồi sanh tử nữa.

Kế tiếp là niệm Phật phải phát lòng Bồ Ðề. Lòng Bồ Ðề là lòng thành, cầu quả vị giải thoát. Quả ấy phải ở ngoài sự tranh chấp thị phi, nhơn ngã và phải lập nguyện cao thượng vững vàng mới có thể đạt đến cảnh giới giải thoát được.

Thứ ba là niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi. Khi chúng ta tưởng nhớ đến Ðức Phật A Di Ðà với hào quang vô lượng, với thọ mạng vô cùng, không có gì để đáng nghi ngờ nữa. Vì đây chính là hình ảnh mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu.

Thứ tư là niệm Phật phải quyết định nguyện. Mỗi người phải tự chăm sóc đời sống tâm linh của mình. Còn chư Phật chư Tổ chỉ là những người đưa đường dẫn lối, chỉ vẽ cho chúng sanh bỏ ác hành thiện; nhưng phát nguyện sanh về đâu là do tự chúng ta chứ không phải ở nơi các Ngài.

Thứ năm là niệm Phật phải hành trì cho thiết thật vãng sanh. Vãng sanh là mục đích chính của mỗi hành giả tu pháp môn Tịnh Ðộ. Chúng ta phải tha thiết khi niệm danh hiệu của Ngài trong mọi động thái của cuộc sống như: Đi, đứng, nằm, ngồi v.v…

Thứ sáu là niệm Phật phải đoạn tuyệt phiền não. Phiền não vốn là những chướng duyên trong cuộc sống; nhưng phiền não cũng là Bồ Ðề. Vì nếu không có phiền não thì Bồ Ðề không có đối tượng để tiến tu. Khi phiền não đoạn diệt thì Bồ Ðề sẽ hiển hiện nơi nội tâm của mỗi hành giả.

Thứ bảy là niệm Phật phải khắc kỳ cầu chứng nghiệm. Không phải chỉ niệm suông câu Phật hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật, mà phải niệm vì thoát ly sanh tử và niệm Phật sẽ thấy được những hiện tượng nhẹ nhàng thanh thoát, không thấy điềm dữ khi ngủ nghỉ, mà lúc nào hình ảnh chư Phật và chư Bồ Tát vẫn hiện tiền.

Ðiều kế tiếp là niệm Phật phải bền lâu không gián đoạn. Ðiều nầy có nghĩa là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta phải chia ra thời khóa rõ ràng, không được lười mỏi, trừ khi bịnh hoạn. Còn lúc nào cũng như lúc nào cũng phải tâm tâm niệm niệm lo cho việc giải thoát sanh tử vậy.

Thứ chín là phải an nhẫn những chướng duyên. Khi không tu thì ma chướng không quấy phá mình. Vì mình là bạn của chúng. Ví dụ như ma buồn ngủ, ma phóng dật, ma tham, ma sân, ma si, ma ngã mạn, ma tà kiến v.v… Nhưng khi chúng ta tu, chúng ta quyết tâm hạ thủ công phu; có nghĩa là chúng ta bước ra khỏi hàng ngũ của chúng và bị lây nhiễm nhiều năm tháng rồi. Do vậy chúng ta phải an nhẫn trước những thử thách. Lúc ấy chỉ có câu Phật hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật là cần chí thành tha thiết mà thôi.

Ðiều thứ 10 cũng là điều cuối cùng rất cần thiết và quan yếu cho người tu theo pháp môn Tịnh Ðộ là dự bị lúc lâm chung. Ðây là một đề tài cấm kỵ đối với những người hay sợ chết; nhưng đối với những người Phật Tử hiểu đạo thì chết chỉ là một việc bình thường thôi. Ai sinh ra trong đời nầy mà không bị chết. Chỉ khi nào chúng ta không sinh thì chúng ta mới không chết; nhưng sự chết đối với Ðạo Phật không phải là hết. Chết là bắt đầu lại một kiếp số khác. Kiếp số ấy tốt đẹp hay xấu xa đều liên hệ với quá khứ và hiện tại. Do vậy nên cần niệm danh hiệu của Ðức Phật A Di Ðà để cầu sanh Tây Phương sau khi thần thức đã lìa xa thể xác ở thế giới Ta Bà nầy.

Cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm đã hướng dẫn một cách rõ ràng cho những vị muốn tu theo pháp môn Tịnh Ðộ. Do vậy, đây là một tác phẩm quan trọng để hành trì khi muốn thực hành pháp môn nầy.

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh là một bậc danh tăng Việt Nam ở vào thế kỷ thứ 20 bước sang thế kỷ thứ 21 nầy. Nay Ngài đã 95 tuổi (1917-2011) nhưng vẫn còn minh mẫn. Ngài là một đại dịch giả chuyên về kinh Ðại Thừa; dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt những bộ kinh lớn như: Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Ðại Bảo Tích v.v… Chỉ đặc biệt về kinh, còn luật và luận, Ngài ít dịch. Có lẽ vì kinh nhiều người đọc tụng; nên Ngài đã chú tâm về phần nầy.

Ngài cũng là một hành giả tu theo pháp môn Tịnh Ðộ. Chủ trương lập nên Cực Lạc Liên Hữu từ năm 1955. Ðây là một tổ chức chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh do Ngài sáng lập và chủ trì. Từ đó đến nay đã trên nửa thế kỷ rồi, pháp môn nầy ngày càng lan tỏa khắp 3 miền đất nước Việt Nam.

Khi tôi vào Chùa (1964) tôi đã nghe ba việc căn bản nầy (tính, hạnh, nguyện) rồi và ngay cả như tôi đã nghe có nhiều vị Pháp Sư giảng nghĩa chữ Nam Mô A Di Ðà Phật có 3 nghĩa là: Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Công Ðức. Nhưng nay tra cứu kỹ thì chỉ có 2 nghĩa là: Vô Lượng Quang (Amitabha), Vô Lượng Thọ (Amitayus); chứ tuyệt nhiên không có chữ Vô Lượng Công Ðức trong ý nghĩa của chữ A Di Ðà. Tuy vị Phật nầy cũng như nhiều vị Phật khác đều có những công đức không thể suy lường được. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để đời sau không lầm tưởng; nếu không, cứ tiếp tục định nghĩa như vậy thì không đúng với ý nghĩa nguyên thủy của nó.

Nếu Việt Nam chúng ta có vị Ðại Sư nào lập ra tín, nguyện, hạnh như Ngài Ấn Quang tại Trung Quốc là 3 pháp tu dựa theo 3 kinh Tịnh Ðộ thì điều quá quý rồi, ngay cả Hòa Thượng Thích Trí Tịnh. Nếu Ngài đã phát minh ra 3 từ nầy, chứng tỏ Ngài cũng là một vị Tổ Tịnh Ðộ Vịệt Nam được truyền thừa và khai tông lập giáo qua tư tưởng ấy.

Tíntức là lòng tin. Chúng ta tin có một thế giới như vậy. Nơi ấy có Đức Phật A Di Đà và chư vị Thánh chúng đang độ sanh. Chúng ta tin nơi cõi Cực Lạc kia có vô lượng chúng sanh đang ở đó giống như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đã diễn tả. Đồng thời chúng ta tin rằng: Niệm Phật miên mật thì chắc chắn được vãng sanh.

Nguyệnđây là phát nguyện một cách tinh tấn, dõng mãnh không thối tâm lùi bước. Biết chắc rằng: Sau khi lâm chung sẽ được thác sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Vì vậy người phát tâm phải tin thật sâu, nguyện thật thiết và hành trì thật miên mật, thì việc vãng sanh không phải là điều khó thực hiện.

Hạnhở đây chính là việc hạ thủ công phu với câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Do chính bản nguyện của của Đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời nguyện khi Ngài còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo và sau khi cõi Cực Lạc đã thành tựu thì Ngài là giáo chủ tại cõi ấy. Niệm Phật miên mật được vãng sanh là niệm Phật tha lực chứ không phải là niệm Phật tự lực. Vì tự lực niệm Phật chỉ có thể giác ngộ cho chính mình ở cõi nầy, còn nơi Tây Phương Cực Lạc phải do tha lực của Đức A Di Đà mới có thể thành tựu được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 10768)
Nói chung, ta được biết là có nhiều cõi Tịnh Độ, nhiều cõi linh thánh của những Đấng Giác ngộ mà chúng ta gọi là chư Phật. Cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà thì đúng là một nơi độc nhất vô nhị. Có những cõi Tịnh Độ ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, và ở trung tâm. Trong số đó, cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là nơi dễ đến nhất và vì thế rất đặc biệt.
22/04/2013(Xem: 7012)
Ðạo Phật trên ý nghĩa thiết yếu, là một biện chứng giải thoát, một con đường giải thoát. Giải thoát hết phiền não, hết bát khổ, ra ngoài tam giới tức là cõi dục, cõi sắc và vô sắc. Chân lý mà Ðức Phật diễn giải rất là hiển nhiên dễ dàng, nhưng cũng rất là huyền nhiệm mênh mang. Chân lý ấy có thể thu gọn trong một chữ Tâm hay chữ Như cũng được, nhưng nếu giải ra nói suốt một kiếp cũng chưa hết.
22/04/2013(Xem: 6018)
Yếu chỉ của tam muội trong pháp môn niệm Phật là sự " lắng nghe" chứ không cốt niệm cho nhiều mà tâm chẳng rõ. Lắng nghe càng rõ sức tam muội càng tự tập trung, tự thanh tịnh. Thanh tịnh càng rõ ràng càng tăng trưởng trí tuệ.
22/04/2013(Xem: 11548)
Tôi là một cư sĩ, tuy không phải là tu sĩ, nhưng tôi đã dành suốt 12 năm còn lại của đời tôi, với mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ để học hỏi, nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Trong 12 năm này, tôi hầu như chấm dứt sự giao thiệp với bạn bè, hội hè, không đọc báo chí, không xem Tivi và nghe radio.
22/04/2013(Xem: 6397)
Người dòng Bà La Môn ở nước Thiên Trúc. Vào thời đại xa xưa, tại nước A Thâu Sa của xứ Thiên Trúc (vì nước Thiên Trúc vào thời cổ có 16 nước lớn) có một người dòng Bà La Môn (không thấy nói tên họ), anh chàng này bẩm tánh chân thật, nhưng ngu si vô trí lại khổ một nổi là tâm nhiễm ái thiên trọng, nên anh đối với vợ yêu thương quá mức, với tình chồng vợ không biết chán nhàm.
22/04/2013(Xem: 5207)
Về nhà chỉ có một lối, nhưng phương tiện thì có nhiều ngả. Phật dạy có nhiều pháp môn tu, nhưng chuyên tu một pháp môn nào cũng đều được liễu ngộ cả.
22/04/2013(Xem: 5296)
Phật! Phật! Phật! Tâm! Tâm! Tâm Thức! Thức! Thức! Tỉnh! Tỉnh! Tỉnh. Ðó là hai câu thơ của ngài Thượng Sỹ Tuệ Trung, một vị công hầu đời Trần, đã từng cầm quân chống giặc Nguyên, sau bỏ đi tu Phật để suy ngẫm về cái hiện tượng của Tâm và cái lẽ của Thiền.
22/04/2013(Xem: 8049)
Trước khi đi vào phần trình bày phương pháp quán tưởng Niệm Phật, chúng tôi sẽ giới thiệu vài nét về các kinh điển liên quan đến pháp môn niệm Phật. Quán tưởng niệm Phật là một trong những phương pháp niệm Phật mà người ta thường hành trì, tùy theo khả năng vận dụng của mỗi người mà kết quả có sự sai biệt.
22/04/2013(Xem: 5514)
Tất cả chúng ta đang sống trong Ánh sáng Vô lượng (Vô lượng Quang) và Đời sống Vô lượng (Vô lượng Thọ), trong bổn nguyện của Phật A Di Đà, điều đó được nói trong 48 lời nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng (Dharmakara), tiền thân của Ngài.
22/04/2013(Xem: 6494)
Theo gương Sư trưởng, bằng tấm lòng thiết tha phụng sự Đạo pháp và chúng sanh, đệ tử chúng con đã kết tập những lời chỉ dạy của Thầy về pháp "Thiền Tịnh Song Tu" và ấn tống quyển sách này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]