Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Vị Ðạo Sư Tâm Linh

14/05/201107:52(Xem: 6774)
6. Vị Ðạo Sư Tâm Linh

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Một

NHỮNG MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA

VI. VỊ ĐẠO SƯ TÂM LINH

Thiết thực trong mối quan hệ với vị đạo sư tâm linh

Một số người băn khoăn vì không biết có cần thiết phải có một vị đạo sư tâm linh hay không? Chúng ta có thể tự học đạo được hay không? Để học được những kỹ năng như đọc sách, nghề mộc, giải phẫu hay ngay cả lái một chiếc xe chúng ta cần phải có người dạy. Tự học là một việc khó khăn đôi khi rất nguy hiểm. Thử hình dung ra cảnh chúng ta cố gắng tự học lái một chiếc máy bay! Rõ ràng là có nhiều hiểm họa không lường được. Để học những nghề nghiệp thông thường chúng ta còn phải có thầy dạy đàng hoàng mới nên thì chắc chắn rằng để học đạo chúng ta phải cần sự hướng dẫn của những bậc đạo sư có phẩm hạnh. Chúng ta không thể xem nhẹ và bất cẩn trong những vấn đề tâm linh, những vấn đề cao sâu có ảnh hưởng lâu dài trong đời này và trong những đời sau.

Một vị đạo sư đang sống có thể làm được những điều mà một quyển sách không thể làm như trả lời câu hỏi của chúng ta; nêu gương tinh tấn trong việc hành trì theo giáo pháp bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày; khích lệ và tạo hưng phấn cho chúng ta trên con đường đạo; và điều chỉnh những lệch lạc trong hành vi và trong quan niệm của chúng ta. Sách vở có thể làm phong phú thêm và mở rộng ra những điều gì mà chúng ta đã học từ nơi vị đạo sư nhưng những mối quan hệ tâm linh giữa chúng ta với những bậc hiền trí trên con đường đạo thì sách vở không thể thay thế được.

Trong tiếng Sanskrit, danh từ để chỉ cho vị thầy, vị đạo sư hay y chỉ sư về phương diện tâm linh là "guru". Chữ này nghĩa là một người có chiều sâu, có những phẩm tính tốt đẹp. Trong tiếng Tây Tạng có chữ "lama" chỉ cho một thắng giả hay một người mà không ai có thể vượt qua.

Không có một cuộc thi mà người nào thi đậu thì trở thành đạo sư. Thật ra, khi một người hay một số người nhờ một vị thầy nào đó dạy bảo và hướng dẫn thì vị thầy đó trở thành vị gurucủa những người cầu học. Người ta thường gọi vị đó là thầy vì vị đó có ít hay nhiều học trò. Tuy nhiên, vị đó có trở thành thầy của bạn hay không thì tùy vào ý muốn của bạn. Tương tự như vậy, có một người nào đó không ai biết là thầy hay đạo sư nhưng nếu bạn chọn vị đó là thầy thì vị đó trở thành vị đạo sư tâm linh của bạn.

Khi chúng ta mới tìm hiểu Phật giáo, có lẽ chúng ta không có một vị đạo sư tâm linh riêng biệt nào. Như vậy là tốt. Chúng ta có thể học hỏi từ những vị đạo sư khác nhau và theo đó mà thực hành. Những người thích theo Phật giáo một cách tổng quát thì có lẽ không cần phải chọn lựa một vị đạo sư. Tuy nhiên sau một thời gian tinh cần tu tập thì người ta sẽ cảm thấy cần xây dựng nên mối quan hệ thầy trò với một vị đạo sư tâm linh. Nhờ vậy, người ta có thể nhận được những lời dạy bảo tâm huyết hơn.

Chọn lựa đạo sư

Vì vị đạo sư mà chúng ta chọn sẽ có tác động đối với chúng ta nên điều quan trọng là chúng ta hãy lựa chọn một cách chín chắn. Chúng ta không nên có mối quan hệ quá thân thiết ngay với thầy. Trước hết, chúng ta quan sát những phẩm chất tốt và những yếu kém của một vị thầy nào đó để xem bản thân của chúng ta có tương tự như vậy hay không và xem chúng ta có thể tạo nên mối quan hệ thân thiết cật ruột với vị đó hay không. Hãy xem xét chín chắn trước khi chấp nhận người nào làm vị thầy tâm linh của chúng ta.

Ngày nay có tình trạng nhiều vị xưng là đạo sư quá, mỗi vị đều có thể dạy lý thuyết này hay lý thuyết khác và đều có bề ngoài phô diễn tốt với mục đích được nhiều người theo. Nhưng nếu chúng ta là những người thành tâm cầu đạo, chúng ta sẽ cảm thấy không có lý thú gì trong sự phô diễn mang tính hình thức ấy. Điều mà chúng ta tìm cầu là thực chất chớ không phải phô diễn.

Có thể chúng ta phải tốn thời gian trong việc tìm kiếm và xác định vị đạo sư của mình. Khởi sự, chúng ta có thể tham gia những buổi thuyết giảng và học hỏi nơi những vị giảng sư nhưng khoan xem vị nào là đạo sư tâm linh của mình. Việc này giúp cho chúng ta có thể xem xét những phẩm chất của những vị ấy và cũng xem xét khả năng của chúng ta trong việc thiết lập mối quan hệ. Chúng ta không nên vội vàng trong việc quyết định nhận một vị thầy. Nhà hiền trí vĩ đại người Ấn Độ Atisha đã xem xét và cân nhắc suốt 12 năm trước khi nhận vị đạo sư nổi tiếng Serlingpa là thầy.

Không có lợi thế gì khi chúng ta chọn một vị đạo sư tâm linh chỉ vì vị này có nhiều chức tước, ngồi trên những ghế cao, mặc những bộ y trang trọng và đội những cái mũ uy nghiêm gây ấn tượng, vì những thứ đó đều có thể mua được. Chúng ta không nên dựa vào những hình thức bên ngoài mà nên tìm kiếm những phẩm tính tốt đẹp. Chúng ta cũng không nên chọn một người nào đó làm thầy, chỉ vì người ấy đã là thầy của bạn chúng ta. Chúng ta phải tự mình chọn lấy, dựa theo những phẩm chất và những tiếp xúc trực tiếp của chúng ta.

Trong Đại Thừa Lăng-già kinh, ngài Di lặc đã phác thảo ra 10 phẩm tính của một vị đạo sư tâm linh tuyệt vời. Đó là:

1. Có đạo hạnh thanh khiết. Vị đạo sư là gương sáng để chúng ta nương theo tu tập. Vì chúng ta cần phải chuyển hóa những hành vi, lời nói và tâm ý sai quấy nên chúng ta phải khôn ngoan chọn vị thầy nào đã có tự thân chuyển hóa rồi. Vị thầy này sẽ dạy cho chúng ta cách để cải thiện bản thân và sẽ làm gương tốt cho chúng ta theo.

2. Có kinh nghiệm trong việc thiền định.

3. Có hiểu biết thâm sâu về giáo nghĩa liên quan đến trí tuệ. Ba phẩm chất đầu tiên này cho thấy rằng đây là một vị đã khéo tu tập Ba Pháp Môn Tăng Thượng dẫn đến giải thoát - giới, định và trí tuệ.

4. Có kiến thức uyên bác và nhiều kinh nghiệm tu tập hơn chúng ta.

5. Có lòng nhiệt tâm bền bỉ trong việc dạy bảo và hướng dẫn đệ tử. Nếu chúng ta chọn một vị thầy không ưa việc dạy bảo hay lười nhác trong việc hướng dẫn thì chúng ta sẽ không học được bao nhiêu.

6. Là vị đạo sư đầy đủ tư cách có kiến thức uyên thâm về Thánh điển và chỉ dạy chúng ta những điều phù hợp với nội dung tư tưởng trong Thánh điển. Những vị nào tự sáng tác ra giáo nghĩa riêng, đi lệch hay đi quá xa những lời Phật dạy thì không thể nào chỉ cho chúng ta con đường để chứng ngộ được.

7. Có nền tảng tư tưởng chín chắn hay có thiền chứng về tánh không.

8. Có kỹ năng diễn đạt giáo pháp một cách rõ ràng và dễ hiểu.

9. Có động cơ là lòng từ ái và lòng bi mẫn vô lượng. Đây là điểm vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể đặt niềm tin vào một người lấy việc dạy đạo để được kính trọng và lợi dưỡng. Thật là nguy hiểm khi chúng ta bị người như vậy làm cho lầm đường lạc lối; chúng ta sẽ hoang phí thời gian và rất dễ bị vương vào những hoạt động không trong sáng. Vì vậy, thật là quan trọng trong việc chọn người thầy có chí nguyện chân thật và thanh tịnh, một người thầy muốn làm lợi ích cho học trò và dẫn dắt học trò trên con đường giải thoát giác ngộ.

10. Có tính kiên nhẫn và sẵn lòng chỉ dẫn cho những người cần cầu học đạo dù họ thuộc bất cứ trình độ nào. Vì chưa phải là người hoàn hảo và còn những tâm thái nhiễu loạn như tham chấp và sân giận nên chúng ta vẫn còn phạm phải sai lầm. Chúng ta cần những vị thầy không bao giờ có ý từ bỏ học trò, những vị đạo sư có tính nhẫn nại và khoan dung cho học trò. Hơn thế nữa, chúng ta cần những vị đạo sư không thối chí khi học trò không hiểu được điều thầy muốn dạy.

Không dễ dàng gì có thể tìm được những vị thầy có tất cả những đức tính trên. Trong trường hợp này thì những đức tính quan trọng nhất mà người thầy cần nên có là:

1. Có nhiều phẩm tính tốt đẹp hơn là khuyết điểm.

2. Xem trọng việc tu tập đạo hạnh để đạt được hạnh phúc trong tương lai hơn là thụ hưởng những cuộc vui trong hiện tại.

3. Có tấm lòng quan tâm đến người khác hơn là bản thân của mình.

Lý thú là chúng ta không phải tìm một người thầy có thiên nhãn thông. Tại sao vậy? Tại vì có một số người có thiên nhãn thông nhưng lại không hiểu biết về con đường đạo đưa đến giải thoát giác ngộ. Những người này có thiên nhãn thông vì quả phước từ đời trước, chớ không phải do họ tu tập, và vì vậy có thể họ sẽ không sử dụng thiên nhãn thông với mục đích là xả thân làm lợi lạc cho tha nhân. Vì vậy, khi tìm kiếm vị thầy để chỉ dẫn cho chúng ta trên con đường giải thoát giác ngộ, chúng ta nên chọn người có những phẩm tính mà ngài Maitreya đề cập ở trên.

Để biết được những phẩm chất tốt đẹp của thầy, chúng ta cần xem xét hành xử của thầy, nhận thức về Phật pháp của thầy và cách thầy chỉ dạy học trò. Không phải là sáng suốt khi hỏi một vị thầy dạy giáo lý: "Thầy đã chứng ngộ chưa?" Vì ngay cả khi đã chứng ngộ thầy cũng sẽ không cho chúng ta biết. Đức Phật cấm đệ tử tuyên bố cho công chúng biết những gì mà mình đã chứng ngộ được. Đức Phật muốn đệ tử của Ngài khiêm tốn và chân thành. Người phàm tục ngược lại muốn phô trương những thành tích của bản thân. Con người tâm linh không nên giống như vậy: mục đích của con người tâm linh là chế ngự tự ngã chớ không phải là khuếch đại nó.

Khi đã quyết định chọn một người nào là thầy rồi thì chúng ta có thể trực tiếp hỏi vị ấy có tiếp nhận chúng ta làm học trò không. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải như vậy; một số đạo sư có nhiều học trò đến nỗi không còn điều kiện để tiếp kiến riêng. Trong trường hợp này chúng ta có thể tự khẳng quyết, phát thệ nguyện tôn vị ấy làm thầy rồi tìm cách nghe theo và hành trì theo những lời vị ấy thuyết giảng, dạy bảo. Như thế vị ấy đã trở thành thầy của chúng ta. Trong trường hợp khác nếu chúng ta lãnh thọ lễ quy y, truyền giới từ vị nào thì vị ấy đương nhiên là thầy của chúng ta.

Chúng ta có thể có rất nhiều thầy, nhưng chỉ có một vị là đạo sư tâm linh quan trọng nhất. Đó chính là vị mà chúng ta kính tin nhất và có thể giãi bày tất cả những gút mắc nghiêm trọng trong tâm hồn. Đó chính là bổn sư của chúng ta. Bổn sư có thể là vị đầu tiên khai tâm cho chúng ta trên con đường đạo, đã đưa chúng ta vào con đường thăng tiến tâm linh. Bổn sư cũng có khi là vị mà chúng ta cảm thấy thân thiết nhất.

Nghe theo lời dạy của thầy nhưng không mù quáng

Sau khi chọn được thầy rồi chúng ta nên tận tâm nghe theo những lời thuyết giảng của vị thầy đó về Chánh pháp để tu tiến trên con đường đạo.

Một số người rất là hời hợt, chóng vánh trong mối quan hệ với thầy, hôm nay là thầy này, ngày mai không còn là thầy; hôm nay là thầy, ngày mai đã chạy sang thầy khác cho đến khi họ tìm được một vị thầy nói những lời vừa ý họ, những lời mà con người phàm phu của họ muốn nghe. Những người học trò như thế thì chẳng tiến bộ được bao nhiêu cả vì họ thiếu lòng tôn trọng và tâm chí thành.

Chúng ta nên quan tâm đến những nhu cầu trong đời sống của thầy để phục vụ và cung cấp cho thầy. Khi chúng ta nhận ra tấm lòng của thầy trong việc định hướng cho tâm thức chúng ta trên con đường đi đến hạnh phúc thì chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng khi được giúp thầy. Vì thầy của chúng ta hành đạo để đem lại lợi lạc cho mọi người và để hoằng dương Phật pháp nên những đóng góp của chúng ta cho thầy sẽ rất là hữu ích.

Thật ra, sự cúng dường thù thắng nhất của chúng ta cho thầy là công phu tu tập theo Chánh pháp. Nếu chúng ta có tài của và vật chất, năng lực và thời gian thì chúng ta cũng có thể cúng dường. Tuy nhiên chúng ta không nên xao lãng việc tu tập vì việc tu tập mới chính là mối quan tâm hàng đầu của vị thầy tâm linh đúng nghĩa. Khi chúng ta nghe theo những lời thầy dạy và gìn giữ những giới điều mà chúng ta đã thọ lãnh thì đó chính là điều mà thầy của chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất so với tất cả những thứ khác.

Trong trường hợp chúng ta nhận thấy thầy có những biểu hiện sai lầm rồi chúng ta trở nên giận dữ và chỉ trích gay gắt; làm như vậy không có ích lợi gì cả. Chúng ta thường chỉ trích một hành động nào của người khác vì chúng ta đã gán cho hành động đó một động cơ xấu mà nếu chúng ta là người làm hành động đó thì chúng ta sẽ làm với động cơ xấu như vậy. Tuy nhiên, động cơ của thầy có thể khác tuy là hành động tương tự. Thầy có thể làm hành động đó với những lý do hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta đã giả định ra. Cũng có thể thầy làm hành động đó để cho chúng ta thấy rõ nếu chúng ta làm hành động đó thì người khác sẽ thấy con người của chúng ta ra sao.

Tìm thấy những lỗi quấy của từng người hay của mọi người là một việc dễ làm nhưng điều ấy chẳng có lợi lạc gì cho chúng ta cả; nên xác định rằng chúng ta là những người chơn tu đang nỗ lực tu dưỡng tánh khoan dung và tâm từ ái. Nếu chúng ta chỉ trích gay gắt và từ bỏ thầy thì có nghĩa là chúng ta đã khóa chặt cánh cửa tâm thức, không thể tiếp nhận những lợi lạc từ những phẩm tính tốt đẹp của thầy. Đây quả là một thiệt thòi lớn cho chúng ta.

Tuy nhiên, nếu thầy có những hành vi dường như là đi ngược lại lời dạy của Đức Phật thì chúng ta có thể cầu thỉnh thầy giải thích cho những hành vi đó. Hoặc chúng ta cũng có thể giữ một khoảng cách và không xem những hành vi đó là gương tốt để noi theo.

Chúng ta xây dựng nên mối quan hệ với thầy ngõ hầu thăng tiến trí tuệ và trách nhiệm tự thân. Không phải là sáng suốt khi nghe theo lời thầy một cách mù quáng chỉ vì "người đó là thầy của tôi vì vậy tất cả những gì người đó dạy là đều đúng cả". Nếu thầy yêu cầu chúng ta làm một điều gì mà chúng ta không thể làm được hay điều đó chúng ta cảm thấy là không đúng thì nên lễ phép thưa thật với thầy rằng chúng ta không thể làm điều đó.

Làm người thành thật

Thầy của chúng ta cũng là người đồng hành tốt nhất của chúng ta trên cuộc đời và chúng ta nên nói thật và học đạo chăm chỉ nơi thầy. Một số đệ tử có hai mặt: trước mặt thầy thì tu tập thật tốt, nhưng những lúc khác thì họ tán gẫu, cáu kỉnh và hành xử tệ lậu với người khác. Như vậy thì chẳng lợi lạc gì cả.

Chúng ta cũng không nên muốn được thầy ưu ái bằng những lời nói ngọt ngào nhưng không thành thật. Vị thầy tâm linh muốn cho mọi người đều được hoan hỷ, và vì vậy nếu chúng ta lấn át hay cư xử tệ bạc với người khác thì chúng ta đã làm ngược lại những lời thầy dạy. Nếu chúng ta xem trọng thầy của mình và khinh thị những người khác có nghĩa là chúng ta đã không hiểu chân nghĩa của đạo Pháp. Để đạt được ý nguyện thăng tiến trên con đường đạo chúng ta phải hành xử với thầy và với mọi người với tâm thành kính.

Bây giờ chúng ta hãy chiêm nghiệm sâu xa về ý nghĩa của tâm thành kính. Một số người nhầm lẫn giữa tâm thành kính với tâm trạng sợ sệt, vì vậy mà khi ở gần thầy họ cảm thấy vô cùng xấu hổ và e sợ rằng thầy sẽ biết và sẽ thấy họ làm điều không đúng. Không cần phải có tâm trạng như vậy. Đó chính là biểu hiện của tâm trạng quá cưng yêu ‘cái ta’ sợ rằng người khác sẽ thấy ta kém khuyết và ngu ngơ.

Mặt khác, chúng ta không nên đối xử với thầy như những người đồng hành tình cờ nào đó trên đường đời. Phải có một mức độ quân bình. Dù ở bên cạnh thầy hay khi sống xa thầy chúng ta nên cố gắng có chí hướng và có hành động tốt. Đồng thời chúng ta cũng không nên ngần ngại trình bày những điểm sai lầm và yếu kém của chúng ta với thầy. Chúng ta hãy thành thật với thầy và xin thầy ban cho những lời khuyên ngõ hầu hoàn thiện bản thân.

Thương mến không phải là chấp thủ đối với thầy

Một số người lẫn lộn giữa tâm thương kính thầy và tâm chấp thủ đối với thầy. Việc lầm lẫn này có khi gây nên tâm trạng vô cùng đau khổ và thất vọng. Cụ thể là nếu thầy không quan tâm chúng ta như điều mà chúng ta mong muốn thì chúng ta sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tâm chấp thủ đối với thầy sẽ khiến cho chúng ta tìm sự an ổn bằng cách dựa vào tình cảm của thầy, dựa vào những lời khen và mối quan tâm mà thầy dành cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nhận chân được giá trị đích thực của người thầy thì chúng ta sẽ rất trọng ân thầy.

Tâm chấp thủ có tính chất vị ngã, còn lòng thương kính thầy lại có tính chất khát ngưỡng tâm linh chân thành. Dĩ nhiên là chúng ta nhớ mong thầy khi phải xa thầy trong một thời gian dài nhưng chúng ta có thể tự vấn lòng mình: chúng ta nhớ thầy là chúng ta muốn có được những lời giáo huấn và chỉ dẫn về Chánh pháp hay chúng ta nhớ thầy chỉ đơn thuần vì sự quan tâm thương mến của thầy.

Mục đích của việc tìm cầu một vị thầy không phải là để làm thỏa mãn tự ngã của chúng ta mà là để diệt trừ vô minh và vị kỷ qua việc tu tập theo Chánh pháp. Khi thầy chỉ ra được những lỗi lầm mà chúng ta đã mắc phải thì chúng ta nên vui mừng. Bởi vì có quan tâm đến chúng ta đúng mức thầy mới có thể làm được như vậy. Thầy đã tin rằng chúng ta sẽ đón nhận lời khuyên bảo chớ không cảm thấy bị xúc phạm. Lần nọ, tôi thấy một vị thầy rầy học trò ngay trong một hội chúng đông đảo. Tôi nghĩ rằng: "Chắc là quan hệ thầy trò rất là thân thiết và người thầy muốn rằng học trò của mình đoạn trừ kiêu khí tự ngã nên đã không ngại trong việc chỉ trích học trò giữa chốn đông người." Quả thật sau đó tôi khám phá ra rằng người học trò ấy thật sự là một hành giả chân chính.

Theo dòng thời gian mối quan hệ giữa chúng ta và thầy sẽ dần dần phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ này có thể trở nên rất là quý báu vì thầy cho ta những lời dạy bảo và chỉ dẫn chân tình đầy từ bi và trí tuệ. Nhờ đó chúng ta sẽ thăng hoa được những phẩm tính tốt đẹp và có thể tẩy sạch những cấu uế của bản thân. Mối thân tình giữa chúng ta với vị đạo sư tâm linh, tức là vị thầy thật sự quan tâm đến phước lạc và thăng tiến tâm linh của chúng ta khác xa với những mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người. Thầy của chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng ta, dù chúng ta có thăng trầm vinh nhục gì gì đi nữa. Điều này không có ý cho phép chúng ta hành động cẩu thả bất kể hậu quả. Điều muốn nói ở đây là chúng ta không cần phải có tâm trạng lo âu rằng thầy sẽ cắt đứt mối quan hệ với chúng ta nếu chúng ta phạm phải những sai lầm. Vị thầy tâm linh thật sự sẽ có tánh khoan dung và lòng từ ái và vì vậy chúng ta có thể tin tưởng hoàn toàn.

Khi chúng ta càng hiểu biết sâu xa về con đường đưa đến giác ngộ thì mối quan hệ thầy trò cũng càng thâm trọng vì tâm hồn của chúng ta đã có nhiều điểm tương đồng với tâm hồn của thầy. Ý chí tìm cầu giải thoát của chúng ta càng trở nên khẳng quyết và tâm xả thân bố thí cũng trở nên dũng mãnh hơn thì chúng ta cảm thấy càng gần gũi với thầy vì cả hai cùng chí hướng, cùng mục đích. Hơn nữa, chúng ta tu luyện được trí tuệ về không tánh thì chúng ta đoạn trừ được cảm giác cách biệt ta người nói chung; cảm giác cách biệt ta người có ra là do chúng ta mê lầm về tính hữu thể của hiện tồn. Khi chúng ta đạt được đạo quả giác ngộ thì sự chứng đạt của chúng ta không khác với sự chứng đạt của thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2011(Xem: 7124)
Chúng ta chẳng thể nào mang theo bất kỳ thứ gì khi từ giã thế giới này ngoại trừ nghiệp và những giá trị tâm linh như tình yêu thương, lòng bi mẫn và trí tuệ mà ta đã trưởng dưỡng...
18/08/2011(Xem: 11684)
Những người quan tâm yêu cầu tôi nói về những đề tài nào đấy và về phương pháp tuyệt vời nhất để đối phó với những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống. Tôi sẽ cố gắng để giải thích những vấn đề này trong một cách mà những người bình thường có thể thấy việc sử dụng khả năng của chính họ nhằm để đối diện với những hoàn cảnh bất toại, chẳng hạn như sự chết và cũng như những chướng ngại tinh thần chẳng hạn như sân hận và thù oán...Nếu chúng ta thẩm tra thế giới tinh thần của chúng ta, chúng ta thấy rằng có những nhân tố tinh thần đa dạng có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực.
08/08/2011(Xem: 4722)
Tìm hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp Trần Nhân Tông, trong số những bài học lớn về tư tưởng của Người, cũng là của thời nhà Trần vinh quang - nổi bật và sâu xa nhất chính là bài học về khai phóng nội lực, mà vì nó - Người đã đánh đổi tất cả để dấn thân tìm phương giáo hóa và vượt thoát cộng đồng. Sức mạnh nội lực của dân tộc dưới hào quang của vua trẻ Trần Nhân Tông
07/08/2011(Xem: 16040)
Trong các công hạnh đơn giản mà sâu dày và khó thực hiện cho vẹn toàn nhất là hạnh buông xả. Hành giả Phật giáo lấy tâm buông xả làm công hạnh hàng đầu.
01/08/2011(Xem: 16513)
"TámTiết thơ giúp tập luyện Tâm thức"là tựa của một bài thơ ngắn do một nhà sư Tây Tạng là Guéshé Langri Tangpa (1054-1123) trước tác với chủ đích giúp phát huy tinh thần giác ngộ qua phép thiền định về hoán chuyển giữa ta và người khác, (một phép thiền định rất phổ thông của Phật giáo Tây Tạng: đó là cách tự nguyện xin được nhận về phần mình tất cả khổ đau của người khác, và trao lại cho họ tất cả những gì đạo hạnh của mình), và xem đấy là mục đích cao cả nhất trong cuộc sống của chính mình... Từ bi là một phản ứng của tâm thức khi nó không thể chịu đựng nổi trước những cảnh khổ đau của người khác và phát lộ những ước nguyện mãnh liệt...
29/07/2011(Xem: 6851)
Sodpa hay Nhẫn nhục ba la mật là một trong những pháp thực hành Bồ tát đạo quan trọng nhất. Có những hoàn cảnh đặc biệt bạn cần phải thực hành hạnh Sodpa.
27/07/2011(Xem: 4819)
Nền tảng của khổ đau là vô minh si ám – sự lĩnh hội sai lầm về chúng sinh (ngã) và các đối tượng (pháp) tồn tại một cách cố hữu (có tự tính).Để phát sinh loại từ ái và bi mẫn thúc đẩy chúng ta kiếm tầm Phật quả, không phải cho riêng chúng ta mà vì lợi ích của những người khác, đầu tiên chúng ta phải đối diện với khổ đau bằng sự nhận diện những thể loại của nó. Đây là chân lý cao quý thứ nhất - khổ đế. Từ lúc chúng ta được sinh ra đến khi chết chúng ta đau khổ tinh thần và đớn đau thân xác (khổ khổ), khổ đau của sự thay đổi (hoại khổ), và khổ đau cùng khắp của điều kiện không thể kiểm soát (hành khổ). Chân lý thứ hai và thứ ba làm cho chúng ta thấu hiểu những nguyên nhân của khổ đau và cho dù những nguyên nhân ấy có được xóa đi hay không.
26/07/2011(Xem: 5874)
Chúng ta biết rằng đa phần các tín đồ theo Phật giáo thường là không có quy y Tam bảo. Bởi vì người đã quy y Tam Bảo thời thường lễ Phật đốt hương, nhưng người biết lễ Phật đốt hương thì chưa chắc đã quy y Tam Bảo. Tuy nhiên người chưa từng quy y Tam Bảo họ vẫn có thể xưng mình là tín đồ của Phật giáo mà chúng ta không thể phủ nhận sự tín ngưỡng của họ.
25/07/2011(Xem: 7456)
Thực tập chánh niệm có thể ảnh hưởng tích cực đến nhiều hoạt động của hạch hạnh nhân, khu vực có kích thước bằng hạt đậu nằm ở trung tâm não bộ...
24/07/2011(Xem: 5922)
Qua tinh thần kinh Hiền Nhân, chúng ta nhận ra một cái nhìn về đạo đức Phật giáo trong việc ứng xử giữa người với người, là một bài học quý giá...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]