Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Tình Bạn

14/05/201107:52(Xem: 6968)
2. Tình Bạn

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Một

NHỮNG MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA

II. TÌNH BẠN

Chia sẻ và có tấm lòng

Chớ thân cận bạn ác
Chớ thân kẻ tiểu nhân
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân
. (kinh Pháp Cú, câu78)

Bạn bè của chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều. Vì vậy việc chọn bạn để kết giao sẽ quyết định đến sự tiến bộ của chúng ta. Qua kinh nghiệm của chính bản thân, chúng ta có thể thấy được mức độ tác động của bạn bè đối với chúng ta như thế nào: Hãy nhớ lại những thời gian mà chúng ta bị rơi vào tình trạng rối khổ và chiêm nghiệm xem những lúc ấy do chúng ta kết thân với những người bạn không xứng đáng nên đã chuốc lấy những chuyện rối khổ đó như thế nào. Tương tự như vậy, hãy nhìn lại những hạnh phúc và những hiểu biết mà chúng ta có được do sự thân cận của chúng ta với những người bạn có lòng.

Những phẩm chất nào để nhận biết đó là người bạn tốt? Những người nào chúng ta nên tránh né? Để ngắn gọn chúng tôi xin trình bày một đoạn trích từ kinh Thiện Sanh nói về tình bạn. Xem xét từng điểm và suy nghĩ trong mối liên hệ đến những sự việc cụ thể trong cuộc đời thì chúng ta sẽ có được một hiểu biết rõ ràng về những mối quan hệ bè bạn của chúng ta.

Mặc dầu những điểm sau đây chỉ cho thấy những phẩm cách mà chúng ta cần xem người bạn của chúng ta có hay không; điều không kém quan trọng là chúng ta cũng phải kiểm tra xem bản thân mình có hay không có những phẩm cách này. Đây là cách hướng dẫn rất là thực tiễn, nó chỉ cho chúng ta những tính cách nào tự thân chúng ta cần nên diệt trừ và những phẩm cách nào tự thân chúng ta cần nên trau dồi. Nhờ vậy những người tốt sẽ tìm đến chúng ta để cùng làm bạn tốt với nhau.

Bạn xấu có bốn hạng, những người này thật ra là kẻ cừu địch giả vờ làm bạn đó thôi:

(1) Loại bạn đến với chúng ta tay không và khi đi thì trong tay phải có. Đó là những kẻ:

- Thăm chúng ta với ý định lấy đi cái gì đó.
- Tặng chúng ta ít thôi và mong muốn nhận lại nhiều.
- Chỉ giúp chúng ta khi bản thân họ đang bị nguy hiểm.
- Liên hệ với chúng ta chỉ vì những động cơ vị kỷ.

(2) Loại bạn đầu môi chót lưỡi và loại tình bạn mỏng như cánh chuồn. Đó là những kẻ:

- Niềm nở rồi hoang phí thời gian của chúng ta bằng những câu chuyện về quá khứ.
- Niềm nở rồi hoang phí thời gian của chúng ta bằng những câu chuyện về tương lai.
- Tìm cách đạt được những lợi ích từ chúng ta bằng cách xung phong giúp đỡ những lúc chúng ta không cần sự giúp đỡ.
- Những khi chúng ta cần giúp đỡ thì họ nêu lên nhiều lý do để thoái thác và không chịu ra tay.

(3) Loại bạn nịnh hót và giả vờ quan tâm, săn sóc chúng ta. Đó là những kẻ:

- Khích lệ chúng ta khi chúng ta làm những điều không tốt.
- Ngăn cản chúng ta khi chúng ta làm những điều tốt.
- Ở trước mặt thì khen ngợi chúng ta.
- Ở sau lưng thì chỉ trích chúng ta.

(4) Loại bạn đưa chúng ta đến chỗ sa đọa. Đó là những kẻ:

- Làm người đồng hành với chúng ta trong các buổi ăn chơi, hút sách.
- Lang thang ngoài phố với chúng ta trong đêm hôm tăm tối.
- Cùng đi xem với chúng ta những buổi biểu diễn không lành mạnh.
- Đi chơi cờ bạc với chúng ta.

Có những quan hệ bằng hữu cởi mở và thân thiết với những hạng người như trên thì chúng ta sẽ gặp những khó khăn và rắc rối. Tốt hơn là chúng ta nên giữ một khoảng cách an toàn nhưng không nên chỉ trích họ. Mặc dầu có thể cho rằng một hành động nào đó là không tốt, chúng ta không thể nói là người đã làm hành động đó là một người độc ác, không thể dung thứ. Vẫn có lòng bi mẫn và có những mong ước tốt đẹp đối với người đó nhưng chúng ta nhất định không chịu đồng hành vì chúng ta biết rằng nếu đồng hành với người như vậy chúng ta sẽ phải đi về một hướng mà chúng ta không muốn đi.

Cũng theo cách trên Đức Phật miêu tả những phẩm chất của người bạn tốt. Đó là những người mà chúng ta có thể tin tưởng và nương tựa. Nhờ vào việc kết thân với những người như vậy chúng ta sẽ có hạnh phúc và sẽ tiến bộ. Điều quan trọng không kém việc tìm những người bạn có những phẩm chất cao thượng là chúng ta cũng phải tự tu tập những phẩm chất cao thượng nơi tự thân của chúng ta.

Bốn dạng bạn có lòng tốt là:

(1) Người bạn giúp đỡ chúng ta. Đó là những người:

- Nhắc nhở mỗi khi chúng ta cẩu thả hoặc lơ đễnh.
- Bảo vệ tài sản của chúng ta.
- Che chở và an ủi chúng ta trong những lúc chúng ta sợ hãi.
- Giúp đỡ nhiều hơn mức độ mà chúng ta yêu cầu.

(2) Người bạn quan tâm tới chúng ta trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Đó là những người:

- Tin cẩn chúng ta.
- Giữ kín những tâm sự riêng tư mà chúng ta đã thố lộ.
- Không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta lâm nạn.
- Có thể hy sinh thân mạng cho chúng ta.

(3) Người bạn khích lệ chúng ta đi theo đường chánh đạo và làm cho chúng ta trở nên người tốt hơn. Đó là những người:

- Phản đối khi chúng ta làm những việc quấy ác.
- Khích lệ khi chúng ta làm những việc lành thiện.
- Tạo điều kiện cho chúng ta nghe những lời dạy hữu ích.
- Chỉ cho chúng ta con đường đi đến hạnh phúc.

(4) Người bạn có lòng bi mẫn và cảm thông. Đó là những người:

- Cảm thông cho chúng ta những khi chúng ta thất bại.
- Hân hoan đối với những thành công và phát đạt của chúng ta mà không ganh tỵ.
- Phản bác những ai nói xấu chúng ta.
- Tán thưởng những ai nói tốt chúng ta.

Mặc dầu những điều được trình bày ở trên thì rất sơ lược và chúng ta có thể có cảm giác rằng đó là những điều chúng ta đã học từ lâu rồi, từ khi còn bé; nhưng điều quan trọng là hãy suy xét lại những mối quan hệ bằng hữu của chúng ta, những hành động của chúng ta đối với tình bằng hữu để đánh giá lại mức độ mà chúng ta đã thực hiện những lời khuyên ở trên như thế nào rồi. Nhờ vào việc ghi nhớ và áp dụng những lời dạy ở trên vào những hoàn cảnh cụ thể trong đời sống thì chúng ta sẽ biết rõ ràng hơn về bản thân của mình và sẽ có được một định hướng rõ ràng hơn để tu tiến.

Thương yêu và chấp thủ

Người ta không hiểu làm sao mà hai lời dạy ngược nhau - lời dạy về không chấp thủ và lời dạy về lòng thương yêu của Đức Phật - không bị mâu thuẫn với nhau. Làm sao mà chúng ta có thể yêu mến một người mà không cảm thấy dính mắc với người ấy?

Không chấp thủ là một trạng thái thăng bằng của tâm thức nhờ đó chúng ta không phóng đại lên những phẩm chất của những người mà chúng ta thương mến. Nhờ một cách nhìn chính xác hơn về người thân mà những vọng tưởng phi thực tế và cả sự chấp thủ của chúng ta tan dần đi. Như vậy chúng ta thương yêu người khác vì họ là họ chớ không phải vì những điều mà họ đã làm được cho chúng ta. Tấm lòng không còn tính chất thiên vị của chúng ta sẽ mở rộng đến tất cả mọi người, mong rằng mọi người đều có hạnh phúc chỉ vì mọi người là những con người cụ thể như vậy. Tình cảm ấm áp trước kia chỉ dành cho một số người nào đó bây giờ có thể mở rộng cho nhiều người.

Tuy nhiên với những người có nhiều điểm giống nhau thì dễ dàng trò chuyện hay trao đổi quan điểm với nhau. Chúng ta dễ hiểu biết nhau và dễ giúp nhau tiến bộ. Có lẽ chúng ta dành nhiều thì giờ với những người này hơn là với những người khác. Vì vậy, họ là bạn của chúng ta mà không cần đến sự vướng mắc hay chấp thủ. Cần nhắc rằng điểm trọng tâm của tình bạn như vậy là để cùng nhau tiến bộ chớ không phải là để làm thỏa mãn những mong muốn vị kỷ của chúng ta.

Không phải dễ gì mà chúng ta thoát khỏi thói quen chấp thủ. Vì vậy thoạt đầu tình bạn của chúng ta là một hợp thể gồm sự chấp thủ và tình thương yêu chân thật. Nhưng khi chúng ta nhận thức được rằng sự chấp thủ là lỗi lầm thì chúng ta sẽ cố gắng loại trừ nó. Sự chấp thủ lúc ấy không còn tạo nên những rắc rối trong tình bằng hữu giữa chúng ta. Phẩm chất của tình bằng hữu như vậy sẽ càng lúc càng được nâng cao.

Giúp đỡ bạn bè

Điều quan trọng là chúng ta cần phải nhạy cảm đối với những nhu cầu và những mong muốn của bạn. Điều này phải gắn liền với việc tôn trọng phẩm cách riêng của cá nhân người ấy. Chúng ta cũng phải từ bỏ thói quen vị kỷ và thói quen mệnh lệnh sau mỗi khi làm được điều gì cho người khác. Ngay khi mà chúng ta suy nghĩ nhiều về tư lợi và lơ là với lợi ích chung của tình bạn thì những rắc rối bắt đầu phát sinh.

Đôi khi chúng ta rơi vào trạng thái tâm lý "ta được gì? ta được gì?" và chúng ta nhìn bất cứ người nào và bất cứ vật gì cũng theo chiều hướng là ta được gì từ người ấy, vật ấy. Lơ đễnh hay vô ý thức đối với những tác động tốt hay xấu của chúng ta đối với người khác nhưng chúng ta lại có ý thức rất mạnh mẽ đối với những lợi ích hay những tai hại mà người khác có thể làm cho chúng ta. Thái độ tâm lý như vậy luôn luôn tạo nên những rắc rối giữa chúng ta với người khác; dù người khác có tốt cách mấy và làm bao nhiêu việc cho chúng ta thì chúng ta cũng không cảm thấy thỏa mãn. Chúng ta sẽ trở nên cáu kỉnh, không thỏa mãn và làm cho mình, cho những người chung quanh trở nên khốn khổ.

Trạng thái tâm lý "ta được gì? ta được gì?" trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta bước vào một gian phòng có nhiều người lạ mà ta chưa từng biết mặt. Khi ấy phải chăng chúng ta thường suy nghĩ: "Ta cần làm gì để những người này được lợi lạc? Những người này cần những gì? Ta có thể giải tỏa được những đau khổ nào cho họ?" Chúng ta cần trung thực để nhận ra rằng thông thường thì cách nhìn vị tha như vậy rất mờ nhạt trong tâm của chúng ta, thay vào đó chúng ta bị đắm chìm vào những tính toán: "Ai là người có thể giúp cho mình? Những người này có làm hại và hạ bệ ta không? Ồ, người trông rất sang trọng đằng kia sẽ ưa thích ta không?"

Sẽ thú vị nếu chúng ta dừng lại một phút trước khi bước vào những nơi đang có nhiều người để quán niệm: "Trong kiếp sống này và trong nhiều kiếp sống trước, tất cả mọi người đã có lòng tốt đối với ta. Giờ đây ta có cơ hội để đối xử tốt lại với họ. Gương mặt của những người này dù có khác nhau như thế nào đi nữa thì họ đều giống nhau ở chỗ là nhiều lần họ cảm thấy bất an và muốn được người khác nhận ra phẩm chất đích thực của họ. Họ mong muốn được thừa nhận rằng họ là những cá nhân xứng đáng. Giờ đây ta sẽ sử dụng thời gian này hiện diện với họ và làm cho họ tất cả những gì mà ta có thể làm được." Những cảm giác mà chúng ta có được trong những cuộc phỏng vấn, trong những buổi tiệc vui và trong những buổi họp mặt sẽ rất là khác so với những giai đoạn trước đây nếu chúng ta siêng năng thực tập quán niệm như thế.

Dần dần chúng ta sẽ hình thành nên thái độ tâm lý "chocho", tức là thường hay suy nghĩ về những gì mà chúng ta có thể cho người khác. Khi mà chúng ta có thái độ như vậy thì những vấn đề khó khăn của chúng ta sẽ không còn có vẻ to lớn nữa và chúng ta cảm thấy có hạnh phúc với bất cứ người nào hiện diện với chúng ta. Do đó, những người khác cảm thấy có hạnh phúc và mến mộ chúng ta và chúng ta có một sự an vui tận tâm hồn, thấy đời sống trần gian có nhiều ý nghĩa.

Nhạy cảm đối với những vui buồn của người khác phải bao hàm việc ý thức được khi nào mới nên nói và nên nói chuyện gì. Đừng có hoang phí thì giờ của người khác bằng những câu chuyện quàng xiên vô bổ. Điều này tưởng chừng như dễ làm nhưng thật sự không dễ như chúng ta tưởng đâu. Coi chừng trường hợp chúng ta nghĩ rằng chuyện gì đó là quan trọng và thú vị trong khi người kia lại không nghĩ như vậy. Có ý tứ về những tính cách riêng, tư ý và khuynh hướng của người khác khiến cho con người của chúng ta trở nên chín chắn hơn.

Trở nên chín chắn và rộng lượng không nhất thiết có nghĩa là kềm hãm sự phát triển cá nhân của chúng ta để chỉ làm những điều mà người khác muốn chúng ta làm mà thôi. Chúng ta phải nhận ra được sự khác biệt giữa một bên là thái độ tử tế với người khác phát xuất từ lòng lân mẫn chân tình đối với họ và một bên là phủ nhận giá trị của tự thân chúng ta, làm điều mà người ta muốn chúng ta làm với mục đích là được lòng của mọi người. Trước khi chúng ta có được một tấm lòng lân mẫn, chúng ta phải có được một tư cách biết tự trọng.

Mặt khác, lòng tự trọng không giống tánh vị kỷ. Trong khi lòng tự trọng giúp chúng ta nhận ra được nhân vị của bản thân chúng ta thì lòng vị kỷ khiến cho chúng ta đeo đuổi theo những hạnh phúc của cá nhân mình, xem chúng là quan trọng hơn tất cả hạnh phúc của người khác. Muốn tìm một điểm thăng bằng giữa sự tự phủ nhận bản thân và tánh vị kỷ thì hãy thiết lập lại sự bình đẳng cơ bản của con người chúng ta với tất cả những người khác: Tất cả đều tìm kiếm hạnh phúc và tránh xa những rối khổ. Tất cả đều có những phẩm chất tốt đẹp và những nhược điểm. Tất cả mọi người trên đời đều đáng được tôn trọng vì tất cả mọi người đều là những sinh thể có linh tánh.

Áp lực trang lứa[*]

Mặc dầu chúng ta thường nghĩ rằng áp lực của những người cùng một thế hệ hay đồng song chỉ xảy ra trong giới trẻ, thật ra nó tác động tới chúng ta bất kể tuổi tác và bất kể là chúng ta kết giao với ai. Không ai cảm thấy vui vẻ khi bị chê trách hay bị hiểu lầm; bất cứ ai trong chúng ta đều muốn những người khác nghĩ tốt về mình. Mặc dầu biết rằng không nên chú ý tới khi có người diễu cợt hay chỉ trích chúng ta, chúng ta vẫn cảm thấy lo lắng về những điều mà người kia có thể đã nói về mình. Để ngầm tự bảo vệ, chúng ta tham gia vào những hoạt động của tập thể những người cùng trang lứa để tạo mối dây thân hữu và tránh được sự đối chọi của số đông.

[*] Áp lực trang lứacó nghĩa là đông đảo người cùng độ tuổi với chúng ta đều làm một điều gì đó và họ yêu cầu chúng ta làm giống như họ thì chúng ta bị áp lực phải nghe theo để tránh tình trạng bị cô lập hay bị xem là lập dị hay bị số đông chống đối, ghét bỏ. Đó là ý nghĩa của từ ‘áp lực trang lứa’ được dùng ở đây.

Cốt lõi vấn đề là lòng tự tin của chúng ta. Khi chúng ta dựa vào lời khen của người khác để cảm thấy an ổn thì tình trạng tâm lý của chúng ta cứ phải dao động theo những điều gì mà người ta khen hay chê. Chúng ta trở nên rất dễ bị tổn thương và rất dễ bị tác động vì chúng ta không biết rõ chúng ta nương tựa vào cái gì, tin vào cái gì và có biết rõ đi nữa thì chúng ta cũng không có đủ tự tin và dám bộc bạch trước mặt mọi người.

Chúng ta cần phải suy nghĩ sâu sắc một sự thật là người ta khen chúng ta tốt thì lời khen ngợi đó thật ra không làm cho chúng ta tốt, người ta chê chúng ta xấu thì lời chê bai đó thật ra cũng chẳng làm cho chúng ta xấu. Khen ngợi và chê bai chỉ là những ảnh tượng và những tư ý của người khác; chúng không thuộc về chúng ta. Chúng ta cần phải tự xem xét thái độ và hành vi mà chúng ta đã thể hiện để có được một cái nhìn chân thực về cá nhân của mình. Bằng cách đó chúng ta có thể tự thẩm định những ưu thế và những nhược điểm của bản thân.

Nếu một người nào đó chỉ chính xác được những chỗ yếu kém và sai lầm của chúng ta thì cũng chẳng có gì phải căng thẳng. Chuyện đó không khác gì chuyện người ta nói rằng: "Có cái mũi nằm giữa khuôn mặt của bạn." Thật ra cái mũi đã nằm đó tự thuở nào rồi, ai cũng thấy. Cố gắng giấu đi những sai lầm của mình là điều sai lầm và vô ích. Khi người nào đó nói ra sự thật mà ai cũng thấy, thế mà chúng ta cảm thấy bị xúc phạm thì chúng ta quả thật là vô lý. Việc đơn giản là thú nhận rằng chúng ta phạm sai lầm và thành thật xin lỗi, thế thôi.

Ngược lại nếu một người nào đó diễu cợt rằng có một cái lỗ tai lừa mọc trên đầu thì chúng ta cũng không nên cảm thấy là bị xúc phạm vì rõ ràng rằng người đó phạm sai lầm. Tương tự như vậy, nếu chúng ta bị chỉ trích về một chuyện mà chúng ta thật sự không có làm hoặc là ai đó thổi phồng điều sai trái mà chúng ta thật sự có làm ở mức độ nhỏ hơn thì cũng không cần gì phải tức giận. Điều mà người ấy nói là không đúng, thế thôi.

Tất cả chúng ta đều có những phẩm tính tốt đẹp, và điều quan trọng là hãy phát huy nó. Tuy nhiên, ngạo mạn về những tài năng và những thành tựu của chúng ta là phi lý, vì những tài năng và những thành tựu đó có được là do lòng tốt của nhiều người. Nếu không ai dạy bảo cũng không ai giúp đỡ thì chúng ta đã không thành công như thế. Khi mà chúng ta có khả năng thừa nhận những sai lầm của mình mà không bực phiền thì chúng ta cũng có khả năng tiếp nhận lời khen ngợi mà không kiêu ngạo. Đức Phật đã dạy:

Như tảng đá kiên cố,
Không gió nào lay động;
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không lay động
. (kinh Pháp Cú, câu 81)

Dù cho bị người chê trách hay được người khen ngợi nếu giữ được sự quân bình tâm lý thì chúng ta đều có thể đánh giá và học hỏi từ những điều mà người ta khen chê. Và nhờ đó chúng ta có được một hình ảnh thực sự và rõ ràng hơn về bản thân của chúng ta. Được như vậy thì chúng ta sẽ vững vàng hơn trong việc đối phó với những áp lực trang lứa vô bổ. Một yếu tố khác nữa giúp cho chúng ta thêm tự tin là chúng ta nhạy bén về những giá trị đạo đức. Khi nhạy bén về mặt đạo đức thì chúng ta không bị mù mờ và nhận ra được những tình huống có chứa mầm mống sa đọa. Và như vậy chúng ta sẽ không là nạn nhân của những áp lực nguy hại của người khác dù họ là số đông. Nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa về những điểm ưu thắng và những điểm bại hoại của một hành động nào đó thì chúng ta sẽ rạch ròi trong những quyết định để bảo vệ những giá trị đạo đức của chúng ta. Ngay cả khi người ta chỉ trích hay bêu riếu chúng ta vì chúng ta không tham gia vào những hoạt động không lành mạnh của họ thì trạng thái tâm lý của chúng ta vẫn vững vàng vì chúng ta biết rằng điều mà chúng ta đang làm là đúng đắn. Để có được một sức tự tin vững chắc và có chiều sâu về những giá trị đạo đức thì chúng ta phải suy tư và quán xét rất nhiều.

Giãi bày những giận hờn

Đôi khi chúng ta cần phải giãi bày những giận hờn đối với bạn bè. Làm sao chúng ta có thể làm được việc này một cách tốt đẹp mà không làm nặng nề bạn bè với những khó khăn, bực dọc và những cảm giác có hại cho chúng ta. Đôi khi chúng ta cần phải "Tuôn hết ra," và một người bạn tốt sẽ là người biết lắng nghe với một tấm lòng rộng mở và thương yêu.

Trình bày những nỗi khó khăn của chúng ta cho những người thân yêu nghe thì tốt. Nhưng chẳng tốt chút nào nếu chúng ta tống một mớ bòng bong những cảm xúc của chúng ta lên tấm lòng của bạn khiến cho bạn hoang mang và rối mù. Chúng ta cũng chẳng nên kể lể những khổ sở của chúng ta cho bạn bè chỉ để họ thông cảm và đồng ý với chúng ta rằng ai đó đã bất nhẫn và tệ bạc đối với chúng ta. Làm như vậy chỉ khiến cho sự tự thương cảm của chúng ta thêm trầm trọng và vấn đề vẫn còn y nguyên!

Bước đầu là thừa nhận và chấp nhận rằng chúng ta có nỗi khổ, có cảm giác buồn khổ hay bị mất định hướng; bước thứ hai là giải tỏa chúng. Một trong những phương sách là tìm đến bạn bè tâm sự để được những lời khuyên chân thật và có tính cách xây dựng. Chúng ta sẽ đón nhận những lời bình luận của bạn bè ngay cả khi bạn bè nói với chúng ta rằng chúng ta đã phạm sai lầm và chính chúng ta là người gây nên nỗi khổ đó. Bạn bè giúp chúng ta bằng cách nói cho chúng ta biết mỗi khi chúng ta thổi phồng câu chuyện, thổi phồng một chi tiết nào đó, hay mỗi khi chúng ta cố chấp. Người bạn chân thật sẽ không nói rằng chúng ta đúng đắn khi sự thật là chúng ta đã sai lầm và qua đó sẽ giúp chúng ta trong việc xác định đâu là vấn đề và giải quyết chúng.

Biết được giá trị của việc kết giao bằng hữu tốt, chúng ta sẽ chọn lựa những người bạn có ảnh hưởng tốt đối với chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cũng phải cố gắng làm giảm tối đa những điều sai quấy của chúng ta và rèn luyện để thăng tiến những phẩm chất tốt đẹp để chính chúng ta có thể trở thành người bạn tốt đối với người khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 3227)
Niết-bàn không phải là sự vật mà là một trạng thái vắng mặt trọn vẹn dòng chảy lậu hoặc của tâm. Cho vô ngã là niết-bàn chẳng khác nào cho rằng tất cả các sự vật là niết-bàn, hay nói khác hơn đánh đồng niết-bàn với các sự vật vô ngã.
30/12/2010(Xem: 5369)
Thiền tập Phật Giáo là cần thiết trong trường học do những lợi ích thiết thực của nó. Nhưng có những gì hơn thế ấy. Khi tín ngưỡng trong trường học từ mọi truyền thống tiếp tục chiếm những đề mục nổi bật hàng đầu, thì quan điểm của một nền giáo dục đặc biệt của Đạo Phật không phải tranh cải nhiều. Những sự thực tập căn bản của trường học gợi hứng từ Đạo Phật, trái lại đang bắt đầu đạt được sự thúc đầy.
29/12/2010(Xem: 4442)
Kinh Kim Cang Đức Phật dạy rằng: “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán”. Bằng trí tuệ siêu việt của bậc giác ngộ đã khai thị cho chúng ta thấy được muôn sự muôn vật tồn tại trên thế gian này đều là mộng ảo hư huyễn giả tạm, như bọt sóng, như ảo ảnh, như sương mai, như điện chớp, tạm bợ vô thường không tồn tại lâu dài, vật lớn như sơn hà đại địa cho đến thân mạng cũng đều như vậy, tất cả đều phải tuân theo một qui luật chung là Thành Trụ Hoại Không hay Sanh Trụ Dị Diệt. Đủ duyên thì hợp hết duyên thì tan, không đáng để tham luyến khổ đau.
19/12/2010(Xem: 6125)
Khi tôi là một thiếu niên ở Tây Tạng, tôi cảm thấy rằng đạo Phật của chính tôi phải là một tôn giáo tốt nhất - và những tôn giáo khác là kém hơn làm sao ấy. Bây giờ tôi thấy tôi đã ngây thơ như thế nào vậy, và nguy hiểm như thế nào mà sự cực đoan thiếu bao dung tôn giáo thể hiện ngày nay.
17/12/2010(Xem: 4587)
Dù thế nào chăng nữa thì mọi cuộc đời đều quý báu. Trước hết, quý báu có nghĩa là gì? Trong Phạn ngữ, từ ratna để chỉ cho sự quý báu. Trong tiếng Tây Tạng, ratna đôi khi được dịch là konchog và có lúc được dịch là rinpoche. Đôi khi từ này được dịch ngắn gọn là rinchen. Những lúc khác được dịch là norbu, có nghĩa là viên ngọc quý. Vì thế, tiếng Tây Tạng thật phong phú khi diễn tả những thuật ngữ tâm linh khác nhau.
15/12/2010(Xem: 4048)
Nền tảng những lời dạy của Đức Phật là phật tính. Và cũng do phật tính mà Đức Phật đã ban cho những lời giảng. Mọi chúng sinh đều có khả năng để hoàn thiện và đạt được giác ngộ. Bởi phật tính là bản chất tinh khiết và giác ngộ thực chất của chúng ta mà chúng ta có thể hoàn thiện và vượt qua bất cứ ô nhiễm nào. Đức Phật đã chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của Ngài về điều này, không chỉ công nhận thực tế phật tính tồn tại trong tất cả chúng sinh, mà còn dẫn dắt chúng ta để đánh thức khả năng vô hạn và bẩm sinh này cho tới khi chúng ta đạt được sự tỉnh giác trọn vẹn về phật tính của chính mình, và tự chúng ta trở thành những vị phật giác ngộ.
10/12/2010(Xem: 11361)
Tập sách này gồm 2 bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, được ngài Rajiv Mehrotra – đệ tử của đức Đạt-lai Lạt-ma – trực tiếp ban cho chúng tôi cùng với 4 bài giảng khác nữa, kèm theo một văn bản cho phép chuyển dịch tất cả sang Việt ngữ và phát hành ở dạng song ngữ Anh-Việt. Phát tâm Bồ-đề là bài giảng được chúng tôi hoàn tất trước tiên và được chọn làm tựa đề cho tập sách này vì tính phổ quát của nó đối với mọi người Phật tử. Bài giảng này có nội dung khuyến khích và hướng dẫn việc phát tâm Bồ-đề, một yêu cầu tối thiết yếu đối với bất cứ ai muốn bước chân vào con đường tu tập theo Phật giáo Đại thừa.
08/12/2010(Xem: 4096)
Vấn đề tha lực và tự lực xưa nay vẫn được nhiều người tranh luận sôi nổi. Ở đây, NSGN trân trọng giới thiệu ý kiến của Minh Đức Thanh Lương, tác giả của Tịnh độ luận, Con đường lý tưởng Bồ tát đạo Ẩ về mối quan hệ giữa tự lực và tha lực trong quá trình thực nghiệm tâm linh.
05/12/2010(Xem: 7966)
Lịch sử nhân loại nhìn từ một khía cạnh nào đó chính là lịch sử của tư duy con người. Các biến cố lịch sử, chiến tranh, sự tiến bộ về mọi mặt, các thảm kịch..., tất cả phản ảnh bản chất hoặc tiêu cực hoặc tích cực của tư duy con người. Các danh nhân, các nhà cách mạng, các tư tưởng gia..., đều là các vĩ nhân đại diện cho những tư duy tích cực. Thảm kịch, bạo ngược, chiến tranh tàn khốc... phát sinh từ những tư duy tiêu cực.
04/12/2010(Xem: 3397)
Mỗi sáng thức dậy với tâm tỉnh giác, ta thấy mình vẫn còn sống và hân hoan chào đón một ngày mới hạnh phúc, vui tươi bằng sự nhiệm mầu trong từng phút giây. Một ngày mới bắt đầu giúp ta có thời gian rèn luyện nhân cách, sống cố gắng làm một việc gì, để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, dấn thân đóng góp lợi ích cho xã hội.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567