Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Nguyên lý duyên sinh

21/02/201107:42(Xem: 5357)
4. Nguyên lý duyên sinh

HOA NHẪN NHỤC
Nguyên Minh

Nguyên lý duyên sinh

Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mọi sự vật, hiện tượng trong phạm vi giới hạn của đôi mắt mình, nhưng sự thật là còn có rất nhiều điều ta không nhìn thấy nhưng vẫn đang hiện hữu đồng thời với sự vật, hiện tượng mà ta nhìn thấy. Ngắm nhìn một bông hoa, ta chỉ thấy được vẻ đẹp qua màu sắc, đường nét của những cánh hoa, nhưng cái ta không nhìn thấy là sự sống của bông hoa ấy với vô số những điều kiện tương quan cần thiết, chẳng hạn như nước được hút lên từ lòng đất với dưỡng chất để tạo thành nhựa cây, ánh nắng từ không trung tỏa chiếu, vừa sưởi ấm để tạo nhiệt độ cần thiết, vừa giúp vào quá trình quang hợp của lá cây, cho đến thành phần không khí mà cây hoa phải dùng đến trong “hơi thở” của nó...

Nhưng tất cả những gì ta không nhìn thấy đó lại là những điều kiện tất yếu cho sự tồn tại vẻ đẹp của bông hoa. Không có nước, cây sẽ héo úa. Không có dưỡng chất, cây sẽ không thể sinh trưởng. Cho đến không có không khí, không có ánh nắng... đều sẽ dẫn đến sự không tồn tại của bông hoa xinh đẹp kia...

Vì thế, cho dù không nhìn thấy được những yếu tố vừa mô tả, nhưng ta hoàn toàn có thể nhận biết được chúng qua sự tồn tại sống động của bông hoa. Bông hoa tươi đẹp còn đó, có nghĩa là vẫn còn có sự hiện hữu của đất, của nước, của ánh nắng, của không khí... và vô số những yếu tố khác nữa cần thiết cho sự sống của nó.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể và cần phải nhận biết mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này một cách sâu xa và toàn diện, nghĩa là trong mối tương quan với sự hiện hữu của chúng. Chúng ta sẽ không thường xuyên giữ được những bông hoa đẹp nếu chúng ta không nhận biết được gì về điều kiện tồn tại của nó. Vì không nhận biết, ta sẽ có thể vô tình làm hại đến bông hoa, và vì thế nó sẽ không còn tồn tại để cho ta nhìn ngắm. Nếu bạn mang một chậu hoa vào nhà, nó sẽ không thể sống khỏe được vì thiếu ánh nắng. Nếu bạn cắt rời một bông hoa ra khỏi thân cây, nó sẽ héo rũ vài ba ngày sau đó.... Và nếu bạn không nhớ tưới nước cho cây hoa, nó sẽ không thể cho bạn những bông hoa xinh đẹp.

Mọi hiện tượng quanh ta đều không tồn tại độc lập. Chúng luôn có mối tương quan tồn tại và chi phối lẫn nhau. Ngay cả sự tồn tại của mỗi cá nhân chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta không thể nhìn thấy nhưng cần phải nhận biết điều đó. Sự sống của chúng ta là một chuỗi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với tất cả mọi người quanh ta, với những người khác trên thế giới này, và cả với vô số những yếu tố, điều kiện, nhân duyên khác. Chính vì không nhận biết được những điều này mà con người đã gây ra biết bao tổn hại cho chính mình qua việc tàn phá môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, và thậm chí là gây tổn hại trực tiếp cho nhau về cả vật chất lẫn tinh thần.

Khi chúng ta nhận biết mọi hiện tượng, sự vật trong mối tương quan tồn tại với vô số hiện tượng khác, chúng ta sẽ không còn cảm thấy ưa thích hay ghét bỏ một hiện tượng nào đó, bởi vì ta nhận ra rằng sự ưa thích hay ghét bỏ như vậy là hoàn toàn không hợp lý. Làm sao bạn có thể yêu thích bông hoa và ghét bỏ khối phân dùng để bón cho cây hoa ấy? Khi bạn hiểu rằng sự có mặt của khối phân là điều kiện tất yếu giúp cho bông hoa kia tồn tại, bạn sẽ thấy rằng thái độ bình đẳng đối với cả hai mới là hợp lý.

Điều này cũng xảy ra đối với sự tồn tại của mỗi người chúng ta. Khi bạn cảm thấy không ưa thích một sự việc nào đó, hãy dành thời gian để thử suy nghĩ lại. Liệu sự việc mà bạn ghét bỏ đó có phải là hoàn toàn không liên quan đến sự tồn tại của bạn hay chăng? Tôi tin rằng câu trả lời là không. Bởi vì khi bạn nhận biết vấn đề theo cách như trên, bạn sẽ thấy là không một yếu tố nào trong cuộc sống này lại không liên quan – trực tiếp hay gián tiếp – đến sự sống còn của mỗi một cá nhân.

Có những mối quan hệ trực tiếp mà bạn có thể dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những mối quan hệ tưởng như rất mơ hồ vì sự xa xôi, cách biệt, nhưng xét cho cùng vẫn luôn có sự chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Ta cần có sự quán xét sâu xa và sáng suốt hơn mới có thể nhận ra được những mối quan hệ tinh vi như thế. Này nhé, ngày hôm qua giá xăng dầu vừa tăng cao, và bạn biết ngay là ngân sách chi tiêu của gia đình sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh thích hợp. Nhưng bạn có biết vì sao giá xăng dầu tăng cao hay chăng? Có lẽ để nhận biết điều này bạn cần phải quan tâm đến thời cuộc thế giới, đến sự phân tích của các chuyên gia.v.v... Nhưng tôi thật không có ý muốn bạn đi sâu vào những vấn đề rối rắm như thế. Tôi chỉ muốn nhắc bạn một điều là, những gì ta không nhìn thấy không có nghĩa là không hiện hữu. Và vì thế, chúng ta không thể phủ nhận vô số những điều kiện đã và đang chi phối cuộc sống của chúng ta.

Đạo Phật trình bày những mối tương quan chằng chịt trong cuộc sống như thế trong một nguyên lý gọi là “duyên sinh”, và được kinh Hoa nghiêm mô tả như là “trùng trùng duyên khởi”.

Theo nguyên lý duyên sinh, tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều không thể tự nó sinh khởi. Sự sinh khởi của mỗi một sự vật, hiện tượng đều là do kết hợp bởi một số nhân duyên nhất định nào đó, nhưng mỗi một nhân duyên trong số này lại cũng là sự kết hợp của một số nhân duyên khác nữa. Và vì mối tương quan này được nối dài không giới hạn nên khi xét đến cùng thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ pháp giới đều có liên quan với nhau, đều nương theo nhau mà sinh khởi và tồn tại.

Kinh Hoa nghiêm mô tả mối tương quan này bằng hình ảnh một tấm lưới được giăng ra vô tận trong không gian. Ở mỗi một mắt lưới có đính một viên ngọc sáng. Một cách khéo léo, người giăng lưới đã tính toán sao cho tất cả các viên ngọc đều được phản chiếu trong mỗi một viên ngọc. Và vì thế, khi chúng ta nhìn kỹ vào bất cứ một viên ngọc nào, chúng ta cũng đều thấy được vô số những viên ngọc khác trong toàn tấm lưới.

Toàn thể vũ trụ được mô tả là tương tự như thế. Mỗi một sự vật, hiện tượng đều có thể được nhận biết nơi những sự vật, hiện tượng khác, vì sự tương quan tồn tại của chúng. Và nguyên lý này có thể vận dụng ngay vào những gì đang hiện hữu quanh ta để xóa đi mọi nhận thức phiến diện, hẹp hòi. Khi nhận biết được mối tương quan thật có giữa mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khó chịu hay bực mình vì một sự việc nhỏ nhặt nào đó đã không diễn ra theo đúng ý mình. Bởi vì khi nhìn sâu vào sự việc bất như ý đó, chúng ta cũng thấy được vô số những sự việc quan trọng và cần yếu khác sở dĩ có được là nhờ nó.

Vì không có một sự vật hay hiện tượng nào có thể tự nó sinh khởi, nên chúng ta cũng có thể hiểu được rằng sự sinh khởi của mỗi một sự vật hay hiện tượng chẳng qua chỉ là sự kết hợp của những nhân duyên nhất định. Khi những nhân duyên không còn nữa, sự vật hay hiện tượng đó cũng sẽ mất đi.

Do ý nghĩa này nên thực sự không hề có sự sinh ra hay diệt mất của sự vật, hiện tượng như cách nhìn thông thường chia cắt thực tại của chúng ta. Một bông hoa hiện hữu là do có sự hiện hữu của những điều kiện như mặt trời, không khí, nước tưới, phân bón... Bông hoa chưa từng thực sự sinh ra mà chỉ là kết quả sự hội tụ của những điều kiện nhân duyên khác. Tương tự như vậy, khi những điều kiện nhân duyên không còn đầy đủ, bông hoa sẽ không còn hiện hữu và ta gọi là mất đi. Nhưng thực ra cũng không có sự mất đi của bông hoa – vì nó chưa từng sinh ra – mà chỉ có sự tan rã của những điều kiện nhân duyên tương ứng.

Trong cách nhìn nhận thông thường của chúng ta về vũ trụ, cách hiểu như trên có vẻ như thật xa lạ. Nhưng nếu bạn càng suy xét kỹ, bạn sẽ càng thấy được tính hợp lý, xác thật của nó. Chính cách hiểu sai lệch về sự “sinh ra” và “chết đi” đã là nguyên nhân mang đến cho chúng ta vô vàn đau khổ. Chúng ta bám lấy những người thân yêu của mình và mong muốn họ sống mãi với chúng ta. Điều mong muốn vô lý ấy – và vì thế chẳng bao giờ có được – lại được xem là phù hợp với nhận thức của mọi người, với “thế thái nhân tình”. Khi nhân duyên tan rã, người thân ấy không còn nữa và ta gọi đó là “mất đi”. Vì không hiểu được đó chỉ là sự tan rã tất nhiên của những điều kiện nhân duyên, nên ta đau khổ, quằn quại và mong muốn cho sự thật thay đổi. Nhưng rõ ràng đó chỉ là một nhận thức và mong muốn hoàn toàn vô lý nên chẳng bao giờ đạt được. Chúng ta từ chối nhận biết sự thật theo đúng như nó đang diễn ra, và vì thế mà ta đau khổ!

Đối với vô số những vật sở hữu, tài sản của cải trong đời sống, chúng ta cũng luôn nhìn nhận, ôm giữ theo cách tương tự như thế. Trong rất nhiều điều kiện nhân duyên để một sự vật tồn tại thì sự đóng góp của ta chỉ là một phần nhỏ, nhưng ta luôn muốn quyết định sự việc, muốn ôm giữ mãi mãi những vật mình yêu thích. Và khi những điều kiện nhân duyên khác tan rã, sự vật không còn nữa thì chúng ta đau khổ, tiếc nuối...

Sự nhận biết và truyền dạy giáo pháp nhân duyên sinh của đức Phật là một cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại vào thời bấy giờ, và điều đó được nhận biết bởi tất cả những bậc trí thức đương đại. Khi ngài Xá-lợi-phất (Sariputra) còn chưa gặp đức Phật, ngài là một đệ tử xuất sắc của ngoại đạo. Mặc dù vậy, ngài chưa bao giờ hài lòng với những giáo pháp đã học được từ vị thầy ngoại đạo. Ngài đã từng có giao ước với một người bạn chí thân là ngài Mục-kiền-liên (Maudgalyayana), rằng nếu ai tìm được bậc minh sư thì sẽ lập tức giới thiệu với người kia biết để cùng theo học.

Một hôm, Xá-lợi-phất gặp một vị tỳ-kheo trên đường đi khất thực. Vị này tên là A-thuyết-thị (Asvajit), là một trong những đệ tử của đức Phật. Nhìn thấy phong cách siêu việt thoát trần của vị tỳ-kheo, ngài biết ngay đây là một người đang tu tập theo đúng con đường giải thoát. Ngài liền hỏi A-thuyết-thị xem vị này đang theo học với ai. Vị tỳ-kheo chậm rãi trả lời bằng bốn câu kệ như sau:

Nhược pháp nhân duyên sinh,
Pháp diệc nhân duyên diệt.
Thị sinh diệt nhân duyên,
Phật Đại Sa-môn thuyết.

Tạm dịch:

Các pháp nhân duyên sinh,
Cũng theo nhân duyên diệt.
Nhân duyên sinh diệt này,
Do Đức Phật thuyết dạy.

Vừa nghe xong bài kệ, ngài Xá-lợi-phất biết ngay rằng mình đã gặp được bậc minh sư từ lâu mong đợi. Vì chỉ qua bốn câu kệ ngắn ngủi, ngài đã thấy được sự sụp đổ hoàn toàn của toàn bộ nền tảng giáo lý ngoại đạo. Không những thế, những niềm tin sâu xa về một đấng Phạm thiên hay Thượng đế toàn năng sáng tạo vũ trụ cũng hoàn toàn sụp đổ, bất chấp sự ngự trị của nó trong môi trường triết học và tín ngưỡng Ấn Độ từ bao nhiêu thế kỷ qua. Tất cả đều không thật có, chỉ có sự kết hợp và tan rã của các nhân duyên đã tạo nên sự thành hoại của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ!

Sau lần gặp gỡ đó, ngài Xá-lợi-phất đã cùng ngài Mục-kiền-liên tìm đến với đức Phật, và họ trở thành 2 trong số 10 vị Đại đệ tử kiệt xuất của đức Phật.

Nguyên lý duyên sinh hoàn toàn không phải do đức Phật nghĩ ra. Ngài chỉ là người đầu tiên nhận biết được nó và mô tả lại một cách chính xác, giúp chúng ta cũng có thể nhận ra được giống như ngài. Sự hình thành và tan rã của tất cả mọi sự vật, hiện tượng do nơi nhân duyên là một sự thật khách quan, và vì thế cho dù bất cứ ai cũng không thể phủ nhận được điều này.

Việc nhận hiểu sâu sắc về nguyên lý duyên sinh giúp chúng ta có một nhận thức khách quan và chính xác về thực tại, và do đó cũng dẫn đến những thái độ ứng xử khôn ngoan và chính xác. Nếu như bạn không thể nắm kéo một cây hoa lên vì muốn nó mau lớn, thì bạn cũng không thể tìm mọi cách níu giữ những gì bạn yêu thích để chúng được tồn tại mãi mãi. Cả hai việc này đều đi ngược với nguyên lý duyên sinh, nhưng việc thứ nhất bạn có thể dễ dàng hiểu được, trong khi việc thứ hai lại là sai lầm của đại đa số con người.

Điều kỳ lạ là, rất nhiều người trong chúng ta dành thời gian nghiên cứu, học hỏi về thuyết tương đối của Albert Einstein để có thể nhận biết chính xác hơn về thế giới vật chất quanh ta, nhưng lại ít người tìm hiểu về nguyên lý duyên sinh để có thể nhận biết một cách chính xác hơn về mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống!

Khi bạn thấu triệt được nguyên lý duyên sinh, bạn sẽ có thể rèn luyện được khả năng nhận biết sự việc không giới hạn trong những gì nhìn thấy, mà luôn có sự mở rộng đến những gì tương quan. Hơn thế nữa, vì nguyên nhân sâu xa thực sự của vấn đề đã được nhận biết, nên bạn sẽ không còn bực tức hay oán giận đối với những nguyên nhân cạn cợt bên ngoài của sự việc. Mọi sự việc đều diễn ra theo tiến trình kết hợp các điều kiện nhân duyên, nên chúng ta không thể khởi tâm yêu ghét đối với một trong số các nhân duyên đó.

Nhờ nhận biết được tính chất duyên sinh của mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta không còn cảm thấy khó chịu hay bực tức đối với mọi sự việc không tốt xảy đến cho mình, và cũng không còn say mê, tham đắm đối với những sự vật mà ta cho là tốt đẹp, đáng yêu. Điều đó mang lại cho ta một trạng thái tâm thức luôn bình thản và sáng suốt, luôn nhận biết và đón nhận mọi sự việc xảy đến cho mình một cách an nhiên tự tại. Đó chính là khả năng nhẫn nhục được gọi là “đế sát pháp nhẫn”.

Trong mức độ nhẫn nhục này, thực ra cũng không có cả sự nhẫn chịu. Bởi vì mọi việc đều diễn ra do tiến trình kết hợp và tan rã của các nhân duyên, nên chúng ta chỉ nhận biết và an nhiên chấp nhận chứ không có gì gọi là chịu đựng. Khi một cảm giác đau đớn sinh khởi, ta nhận biết sự sinh khởi của nó do những nhân duyên nhất định, và biết rằng nó sẽ mất đi khi các nhân duyên không còn nữa. Vì thế, ta có thể an nhiên nhận biết sự tồn tại và qua đi của nó mà không có bất cứ sự bực tức, khó chịu hay oán hận nào cả. Và một sự chấp nhận hoàn toàn tự nhiên như thế không phải là một sự chịu đựng theo nghĩa đen của từ ngữ.

Đối với tất cả mọi trạng thái đau khổ hay những sự tổn hại do người khác gây ra, ta cũng đều có thể đón nhận theo cách tương tự như thế. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy là nại oán hại nhẫn và an thọ khổ nhẫn đều đã được bao hàm trong đó.

Như đã nói, nguyên lý duyên sinh đưa đến nhận thức rằng mọi sự vật không hề thực có sự sinh ra và diệt mất. Vì thế, nguyên lý này cũng được gọi là vô sinh hay vô sinh diệt, và pháp nhẫn nhục đạt được do sự thấu triệt nguyên lý này cũng được gọi là Vô sinh pháp nhẫn.

Vô sinh pháp nhẫn cũng là quả vị chứng đắc đầu tiên của hàng Bồ Tát, khi mà mọi sự oán ghét, thù hận đều hoàn toàn tan biến, và vị Bồ Tát có thể sinh khởi tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Nhưng nói thật lòng, khi viết lại những dòng này theo ý nghĩa được đọc thấy trong kinh điển, tôi cũng không dám mong rằng sẽ có bạn đọc nào đó nhân nơi đây mà đạt đến mức độ Vô sinh pháp nhẫn của hàng Bồ Tát. Tuy nhiên, tôi thật sự có hy vọng và chân thành mong ước rằng tất cả chúng ta – các bạn và tôi – đều có thể nhận biết được sự chính xác và hợp lý trong những gì được mô tả ở đây, và vì thế mà có thể chấp nhận những điều này như một khuôn mẫu hướng đến trong sự học hỏi vươn lên hoàn thiện bản thân mình. Chỉ cần được như vậy thôi, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều vấn đề trước đây giờ bỗng nhiên không còn nghiêm trọng nữa, nhiều sự căng thẳng cũng không còn nữa, và nhất là sẽ có rất nhiều người quanh ta bỗng trở nên hiền hòa, dễ mến, hoặc ít ra cũng không còn đáng ghét như trước đây!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2021(Xem: 4845)
Chấp hai tay cúi đầu miệng niệm Phật A Di Đà chào chúc thật cao sâu Khỏe sáng suốt cùng chân lý nhiệm mầu Được trường thọ thăng hoa trong cuộc sống… Sống trong một thế giới vô thường biến đỗi, với đầy sự nhiễu nhương, tang thương, chết chóc, do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, xảy ra trước mắt hằng ngày, gây lắm khổ đau, điển hình như Covid-19 (với đầy ác khí) như hiện nay, cũng khiến cho nhiều người lo sợ, khủng hoảng và thức tĩnh. Thấy rõ được rằng, mọi cơ sở vật chất, với nhiều năm đầu tư xây dựng, chỉ một cơn động đất, sóng thần hay bão lửa, lũ lụt nổi lên, sẽ tan tành theo mây khói. Một đời người với biết bao nhiêu lo toan, tính toán, hy vọng, ước mơ, một cơn đại dịch xảy ra, đành âm thầm ra đi trong tức tưởi, không một người thân đưa tiễn, tất cả tài sản bao năm gầy dựng, phải bỏ lại, không mang theo được gì!
30/11/2021(Xem: 3992)
Người Phật tử chân chánh hiểu rằng Chân Lý Tuyệt Đối là không thể nghĩ bàn. Tất cả các pháp môn đều chỉ là phương tiện giúp ta đạt tới cái không nghĩ bàn đó. Trong khi tu hành, ta có thể chọn vào cửa Hữu (Tịnh độ) hay vào cửa Không (Thiền), tùy căn cơ và sở thích. Nếu ai cố chấp pháp mình là đúng, chê bai người khác sai – là chứng tỏ mình chưa hiểu chân lý là thứ gì. Vả lại, thuốc không có quí tiện: thuốc trị được bịnh là thuốc hay. Đại khái, Thiền là pháp môn cao thượng và thẳng tắt dành cho bậc Thượng căn, trong khi Tịnh độ dễ hiểu dễ hành và dễ chứng, cho nên cả Ba căn đều có thể tu được. Đức Bổn Sư Thích-Ca giảng pháp nầy chủ ý nhằm cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp. Như trong kinh Đại Tập, Ngài nói: “Thời Mạt pháp, ức ức người tu hành ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nhờ pháp môn Tịnh độ mà thoát khỏi luân hồì.” Cho nên thời nầy người tu Tịnh độ thành công được vãng sanh vô số (có thoại chứng rành rành), trong khi Thiền sư đắc đạo (như khi xưa) có thể nói rất hiếm, đếm
05/11/2021(Xem: 11109)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh, mà hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mỗi một pháp cũng chính là chân, là bổn, là tâm, là tánh!”. Tập Lời Vàng (Gia Ngôn Lục) dù là toát yếu nhưng với một kẻ hậu học như tôi thì lại tự thấy mỗi mỗi câu nói của Đại Sư Ấn Quang đều bao hàm ý pháp, chỗ nào cũng cần phải học, chẳng thể đọc lướt qua nên phải dịch thuật đến ngàn ngàn câu kệ, hầu mong chuyển đạt lời lời ân cần tha thiết của Đại sư; chỉ để lại phần nói về các chính biến tại Trung Hoa, và những câu nói lập lại từ các bài giảng của Đại sư q
20/10/2021(Xem: 4971)
Kính số 52 Bát Thành có đoạn viết về sơ thiền một cách ngắn gọn như sau: “Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ” (Trung Bộ Kinh, 52 Kinh Bát Thành). Kinh văn quá súc tích về sơ thiền như vậy khó có thể thấm thấu được thâm ý của Thế Tôn, tạo ra nhiều kiến giải của các bút giả, hành giả, học giả vv, khiến quý Phật tử hoang mang. Sau đây là một trong những kiến giải của một hành giả được một đạo hữu chuyển cho Tâm Tịnh về sơ thiền: Hai bài kinh: Kinh Sa Môn Quả và Tiểu Kinh Dụ Lõi Cây, Phật dạy: “Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh vời tầm với tứ (có giác có quán). Muốn đạt được cảnh giới này vị này phải ly dục nơi các căn, tức là thanh lọc nhiễm ô nơi các căn. Để ly dục, vị này học hạnh viễn ly, hạnh Tỷ kheo (hạnh xuất gia) theo lời dạy trong kinh: “Ở đây có người vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình
03/09/2021(Xem: 29781)
(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm) 1. TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN: Án, lam xóa ha. (3 lần) 2. TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN: Tu rị, Tu rị, Ma ha tu rị, Tu tu rị, Ta bà ha. (3 lần) 3. TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN Án, Ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 4. PHỔ CÚNG DƯỜNG CHƠN NGÔN: Án, Nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần) 5. AN THỔ ĐỊA CHƠN NGÔN: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, Án, độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha (3 lần) Hộ pháp, Vĩ Đà thị chứng minh Thân trụ Phật tiền Tâm Tư nguyện Tưởng bằng bí chú đắc oan linh Hà chơn bất thức trì niệm Luật Thiên kinh vạn quyển vô nhất tự Nẳng mô tô tất đế, đa rị, đa rị, mạn đà, mạn đà, ta bà ha (3 lần)
03/09/2021(Xem: 8535)
Pháp hành Trì để vượt thoát Đại Nạn Covid-19
03/09/2021(Xem: 8228)
5.1). Đệ tử tên là: Một lòng quy kính Đức Phật A Di Đà, Thế giới Cực Lạc, Nguyện lấy hào quang, Trong sạch soi cho, Lấy thệ từ bi, Mà nhiếp thọ cho, Con nay chánh niệm, Niệm hiệu Như Lai, Vì đạo Bồ Đề, Cầu sanh Tịnh Độ. Phật xưa có thệ: “Nếu có chúng sinh, Muốn sinh về nước ta, Hết lòng tín nguyện, Cho đến mười niệm, Nếu chẳng đặng sinh, Chẳng thành Chánh Giác”. Do vì nhân duyên, Niệm hiệu Phật nầy, Được vào trong bể, Đại thệ Như Lai, Nhờ sức Từ Bi, Các tội tiêu diệt, Căn lành tăng trưởng, Khi mạng gần chung, Biết trước giờ chết, Thân không bệnh khổ, Tâm không tham luyến, Ý không điên đảo, Như vào Thiền định. Phật và Thánh Chúng, Tay nâng kim đài, Cùng đến tiếp dẫn, Trong khoảng một niệm, Sinh về Cực Lạc, Sen nở thấy Phật, Liền nghe Phật thừa, Chóng mở Phật tuệ, Khắp độ chúng sanh, Trọn Bồ Đề nguyện.
01/08/2021(Xem: 9639)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
30/08/2020(Xem: 5596)
Ngày xưa, sau khi Đức Phật chứng Đạo, tại sao Ngài không mở trường Thiền để có thể dạy hàng ngàn, hàng vạn người cùng một lúc? Ngược lại, Ngài chỉ vân du từ nơi này sang nơi khác, tùy căn cơ khai thị cho những người hữu duyên Ngài gặp trên đường? Đơn giản vì trình độ, hoàn cảnh và cơ địa mỗi người một khác, nên đức Phật ngay nơi mỗi người khai thị pháp mà người đó đang trải nghiệm, và vì vậy chỉ người đó mới thật sự biết đức Phật đang chỉ dạy điều gì, người khác có nghe hay đọc lại kinh điển tường thuật thì cũng chỉ để tham khảo hay suy luận mà thôi.
17/07/2020(Xem: 5905)
Trong kinh có ghi lại lời cảnh giác của Đức Phật, Ngài đã từngnói rằng: “Phàm tất cả chúng sinh còn lên xuống trong ba cõi, lăn lộn trong sáu đường thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi sai lầm”.Lời nói của bậc toàn giác thật chính xác. Chúng sinh còn trầm luân trong ba cõi, sáu đường, là còn gây nhiều nghiệp xấu. Cho nên, dù chúng ta là ai của những đời trước, kiếp trước? Kiếp này, tuy chung sống ở cõi Ta-Bà nhưng mỗi người ôm vào đời một biệt nghiệp riêng, do tội lỗi hay phước báo đã gây ra trong đời trước. Nhưng nói chung,dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng đã từngbị vô minh che mờ lý trí xúi quẩy tạo ra muôn ngàn tội lỗi, và tội lỗi đó cứ chồng chất mãi theo thời gian.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567