Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Ý Tình Thân

19/01/201109:01(Xem: 7613)
4. Ý Tình Thân

Ý TÌNH THÂN
Tỷ kheo Thích Trí Siêu

4. Ý Tình Thân

Bình thường các triết gia hay đặt câu hỏi Ta là ai? Ở đây chúng ta đặt lại câu hỏi Ta là gì? Và đi xa hơn nữa, Ta làm gì? Theo đạo Phật cái Ta không có thật mà chỉ là một ảo tưởng, một giả danh được đặt trên năm uẩn (xem Vô ngã[6]). Trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), sắc thuộc về sắc thân, còn bốn uẩn kia thuộc về tâm. Tâm chỉ có tên mà không có hình tướng nên gọi là danh (nama). Trên giáo lý con người chỉ là danh-sắc (nama-rupa) không hơn không kém, nhưng ở đây tôi đứng trên phương diện tương đối của thế gian, tạm lấy những quan niệm của người đời mà nói chuyện, trong nhà Phật gọi đó là "thế giới tất đàn", một trong Tứ Tất Đàn[7] (catvari siddhanta), tức là bốn tiêu chuẩn để trình bày sự thật.

Con người là một loài hữu tình, tiếng Phạn là sattva, tức là có tình cảm. Vì có tình cảm nên mới có phiền não. Sau đây là một thí dụ về tiến trình của tình cảm.

Trong một bữa tiệc ăn uống với bạn bè, tôi để ý thấy cô Tám là người hoạt bát, ăn nói vui vẻ có duyên. Về nhà, hình ảnh của cô Tám cứ lởn vởn hiện ra trong đầu óc tôi. Nếu tôi chỉ có Ý nhớ, nghĩ, tưởng về cô Tám thôi rồi chấm dứt ở đó thì không có chuyện gì đáng nói. Nhưng sau khi nhớ, nghĩ, tưởng về cô Tám thì trong tôi nảy sinh ra một thứ tình, đó là ưa mến. Khi Ý nhớ lại những điệu bộ, cử chỉ ăn nói duyên dáng của cô Tám thì (Tình) tôi lại càng ưa mến cô ấy! Khi Tình ưa mến thì nó khiến cho Ý phải suy nghĩ đủ mội cách để làm quen và gần gũi. Sau khi nặn đầu bóp trán với trăm mưu ngàn kế thì Ý nghĩ ra được một cách. Và muốn thực hiện cách đó thì Ý phải nhờ đến Thân và Khẩu. Thân phải tìm đến nhà cô Tám để Khẩu nói chuyện tỏ Tình.

Trong nhà Phật thường nói đến bộ ba "Thân, Khẩu, Ý", gọi là tam nghiệp vì đó là ba cánh cửa tạo nghiệp. Nay có thêm Tình là một yếu tố quan trọng không kém trong vấn đề tạo nghiệp nên cần được thêm vào. Để đơn giản hóa vấn đề, tôi sẽ giữ con số ba, nghĩa là xếp Khẩu và Thân lại làm một vì khẩu là một phần của thân thể. Như vậy chúng ta sẽ có một bộ ba mới là Ý, Tình, Thân.

Hằng ngày mỗi khi Ý suy nghĩ, nhớ tưởng thì ta cho là Ta suy nghĩ, nhớ tưởng. Khi Tình yêu ghét, vui buồn thì ta cho là Ta yêu ghét, vui buồn. Khi Thân đi đứng, cử động, nói năng, làm việc thì ta cho là Ta đi đứng, cử động, nói năng, làm việc. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều vô tình công nhận Ý, Tình, Thân chính là Ta, là mình. Vì thế nên tôi tạm gọi ba anh này là Ba Mình, Ba Mình cần được hiểu là ba cái mà chúng ta tin và tưởng đó là ta, là mình.

Theo thế gian, ta có thể nói con người là một tổng hợp của Ý, Tình, Thân.

1/ Thế nào là ý tình thân?

a) Ý: là ý thức hay tâm ý, tức khả năng nhận thức, hiểu biết, phân biệt, suy tư, nghĩ tưởng, v.v...

b) Tình: là tất cả những tình cảm mà ta cảm nhận được như: vui, buồn, yêu, ghét, giận, hờn, đam mê, lo sợ, ghen tức, v.v...

c) Thân: là những gì thuộc về thân thể như cử chỉ, nói năng, hành động và thái độ.

Ba cái này luôn đi chung và liên quan rất mật thiết với nhau. Xưa nay vấn đề Tình hay tình cảm không được đề cập tới vì người ta xem nó thuộc về tâm hay tâm sở, nhưng nay tôi lọc nó ra thành một phần riêng vì nó có một tác dụng đặc biệt và quan trọng trong đời sống con người. Tâm là một danh từ bao quát. Trong ngũ uẩn thì sắc uẩn thuộc về thân còn bốn uẩn kia: thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm. Ý thức, Mạt Na thức và A lại Da thức cũng thuộc về tâm. Đương nhiên ở đây Ý và Tình cũng thuộc về tâm, nhưng mỗi cái có công năng khác nhau.

Khi sự vật xảy ra theo Ý của tôi (vì tôi cho ý kiến của tôi đúng) thì Tình của tôi vui mừng, hân hoan sung sướng, và Thân của tôi thoải mái, nhẹ nhàng, dễ chịu ...

Nhưng khi sự vật xảy ra trái Ý tôi thì Tình của tôi buồn bực, giận hờn, lo âu và Thân của tôi sinh ra bệnh hoạn, hốc hác, mệt mỏi, ...

Khi cô Tám làm đúng như Ý tôi muốn thì tự nhiên tôi có cảm tình và sẽ có một thái độ dễ thương, cởi mở và thân thiện với cô ấy.

Khi anh Bảy làm trái Ý tôi thì tôi mất cảm tình với anh và từ đó tôi sẽ có những cử chỉ, thái độ lạnh lùng, xa lạ, thù ghét.

Khi những đứa con của tôi nghe lời và làm đúng ý tôi thì tôi thấy chúng nó rất dễ thương, nhưng khi chúng không nghe lời và làm trái ý tôi thì tôi buồn giận và thấy chúng khó thương.

Qua thí dụ về cô Tám ở trên, ta thấy vì tâm ý có những suy nghĩ, nhớ tưởng như vậy nên mới đưa đến tình cảm như vậy. Vì có tình cảm như vậy nên mới sinh ra cử chỉ và thái độ như vậy.

Ý nghĩ → Tình cảm → Thái độ

Đây là đi theo chiều Ý, Tình, Thân.

Tôi nghĩ rằng vào chùa là mình phải lịch sự dễ thương. Vì (ý) nghĩ như thế nên mỗi khi gặp ai trong chùa là (thân) tôi đều mỉm cười chắp tay cúi đầu chào. Trong chùa có cô Sáu hay đến lễ Phật, mỗi khi thấy tôi làm như thế, cô ta cũng mỉm cười chắp tay đáp lại. Qua sự mỉm cười chắp tay chào qua chào lại như thế mà tôi và cô Sáu nảy sinh thiện cảm với nhau. Vì nghĩ như vậy nên tôi mới làm như vậy. Vì làm như vậy nên sinh ra tình cảm như vậy.

Ý nghĩ → Thái độ → Tình cảm

Đây là đi theo chiều Ý, Thân, Tình.

Dù đi theo chiều nào đi nữa, một khi cái bánh xe Ba Mình (Ý,Tình, Thân) này bắt đầu chuyển (cái này sinh ra cái kia) thì nó sẽ tự động quay tiếp và gây ra hạnh phúc hay khổ đau.

2/ Vấn đề trục trặc

Bình thường nếu cái bánh xe Ba Mình này quay đều đặn thì không có gì khổ hết! Nhưng thực tế nó luôn luôn có vấn đề trục trặc, không quay suông sẻ được. Xin lấy vài thí dụ để hiểu.

Ý và Tình không tương ưng

Sau khi chào qua chào lại, tôi và cô Sáu thấy mến nhau. Tôi bắt đầu chú ý đến cô ta nhiều hơn. Nhờ thế tôi biết được cô ấy hay đi chùa vào ngày rằm và mồng một. Do đó tôi cố gắng đến chùa vào những ngày này để có dịp gặp và làm quen với cô Sáu. Ý tôi nghĩ như vậy nên Tình của tôi chớm nở hy vọng. Nhưng qua vài lần nói chuyện, tôi khám phá ra cô Sáu đã có người yêu và sắp làm đám cưới! Tim tôi bỗng se thắt lại và đầu tôi choáng váng. Về nhà ý thức tôi làm việc như chong chóng, tôi thấy mình không thể yêu được, vì ý tôi không cho phép tôi yêu cô nữa. Nhưng con tim (tình) của tôi nó cứ muốn yêu cô ta. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Con tim có những lý do của nó mà lý trí không thể biết được" (le coeur a ses raisons que la raison ne connait point, Blaise Pascal). Đến đây Ý (lý trí) và Tình (cảm) bắt đầu xung đột dữ dội làm tôi mất ăn mất ngủ, Thân thể mệt mỏi, hốc hác, thật là khổ sở!

Theo quan niệm bình dân, ý (lý trí) nằm ở trong đầu, còn tình cảm nằm ở trong tim hay trong lòng. Bởi vậy khi thất tình, người ta hay biểu lộ nó qua hình vẽ "con tim rướm máu". Khi ý và tình (hay đầu và tim) đi đôi với nhau thì mọi sự an ổn. Khi ý và tình đi ngược thì sinh ra giằng co khổ sở.

Thương yêu không đúng chỗ thì người đời chửi rủa, lên án và mình sẽ mang mặc cảm tội lỗi. Nhưng nếu hy sinh tình cảm để theo lý trí thì tim sẽ mang một vết thương lòng.

Trong ba anh, Ý được xem như anh cả, Tình là anh thứ hai, còn Thân là em út. Ý và Tình thường hay chống trái nhau, còn Thân thì dễ dãi nghe lời hai anh, sai đâu làm đó, nhưng nhiều khi nó cũng cứng đầu khó dạy.

Ý và Thân không tương ưng

Hồi nhỏ khi mới được sinh ra tôi đâu có biết uống rượu hút thuốc là gì. Sau này lớn lên giao du với bạn bè, rủ nhau hút thuốc uống rượu. Ban đầu chỉ hút vài điếu, uống vài ly cho vui rồi từ từ sinh ra nghiện ngập. Đến khi nghiện rồi thì không thể bỏ được, ngày nào cũng phải ít nhất hai bao thuốc lá và một chai rượu. Gần đây nhờ bà con họ hàng nhắc nhở, (ý thức) tôi biết rõ hút thuốc làm hại phổi, uống rượu hại gan, có thể lao phổi hoặc viêm xơ gan. Nhưng đến giờ mà không có thuốc và rượu thì tay chân tôi bủn rủn, cổ khô miệng đắng, bao tử cào cấu, toàn thân yếu lả, không làm ăn gì được. Thân thể tôi không chịu nghe lời ý (lý trí) tôi nữa. Ý muốn cai rượu cai thuốc nhưng thân thể chống lại không theo. Người nào cai được thì xem như Ý thắng, còn không cai được thì Thân thắng thế.

Tình và Thân không tương ưng

Trong lớp học có cô Linda người Mỹ rất đẹp làm tôi say mê để ý. Nhưng cô ta có tánh kỳ thị, không ưa người da vàng. Vì thân tôi là người da vàng nên tình của tôi không thành! Tình muốn nhưng tại Thân nên sự không thành.

Trên đây là vài thí dụ về sự chống trái giữa Ba Mình (Ý, Tình, Thân). Nhưng không cần phải chờ đến khi Ba Mình chống trái mới sinh chuyện. Nhiều khi chúng đồng ý hợp tác với nhau cũng đưa đến đau khổ như thường.

Khi Ý có những ý nghĩ đen tối, cho rằng ai cũng ghét mình, nói xấu mình thì làm sao Tình vui cho được. Lúc đó Tình sinh ra buồn bực, âu sầu, rồi từ từ Thân xa lánh không muốn tiếp xúc với mọi người. Khi thấy mình xa lánh, buồn bực, khó chịu thì đâu ai dám lại gần nói chuyện vui vẻ. Và như thế (tình) mình lại buồn thêm và Ý tin chắc là người đời xấu ác.

Ý đen tối nuôi dưỡng Tình sầu, làm Thân thể héo mòn. Thân thể héo mòn trở lại nuôi dưỡng Tình sầu và làm cho Ý càng thêm đen tối. Đây là cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời. Từ cái khổ này đưa đến cái khổ khác (gọi là Khổ Khổ) khó mà thoát ra được.

* Tại sao bánh xe Ba Mình không ngừng quay cho ta đỡ khổ?

Ba Mình không thể ngưng làm việc được. Nếu muốn nó ngưng thì ta phải làm cho Ý ngừng trước rồi từ từ Tình và Thân sẽ ngưng sau.

Nếu muốn cho Ý ngừng thì có ba cách:

1) Ngồi thiền nhập định, không khởi một ý niệm, ý nghĩ, ý tưởng.

2) Ngủ không mơ. Nếu ngủ mà mơ thì trong giấc mơ Ý thức vẫn làm việc, trong Duy Thức Học gọi là "mộng trung ý thức". Thí dụ trong mơ thấy ma quỷ rượt bắt thì hoảng sợ, tim đập mạnh, người toát mồ hôi.

3) Bất tỉnh nhân sự hoặc rơi vào coma.

Ba cách trên không phải dễ thực hiện:

1- Đa số chúng ta không phải là hành giả Du Già (Yogi) hay thiền sư nên khó mà nhập định (samadhi) dứt bặt tâm ý được.

2- Ngủ không mơ có thể được, nhưng chẳng lẽ ta cứ nằm ngủ suốt ngày suốt đêm sao?

3- Bất tỉnh nhân sự hoặc coma thì chắc chúng ta không muốn, mà muốn cũng khó làm.

Động cơ khiến cho Ba Mình làm việc không ngừng chính là nghiệp lực. Mà nghiệp lực đâu phải mới có đây, nó đã có từ đời nào rồi, trước khi ta được sinh ra trong kiếp này. Bình tâm nhìn lại, Ba Mình không phải lúc nào cũng làm cho ta khổ đau. Khi Ba Mình (Ý, Tình, Thân) làm việc hòa thuận với nhau thì nó cũng cho ta hạnh phúc, dù hạnh phúc đó phù du tạm bợ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 4532)
Bạn đã được giới thiệu về “phương châm tu tập”, “ý nghĩa của Sám hối”, và “tâm Bồ đề”. Đó chính là những hành trang cần thiết, quan trọng để xây dựng những nhận thức căn bản và thực tiễn cho cuộc sống hạnh phúc cũng như cho cuộc hành trình tâm linh của bạn. Khi đã có đầy đủ những hành trang cần thiết cho tư duy và hành động rồi, bây giờ là lúc bạn có thể đi vào thực tập những pháp môn căn bản không phải để có ý niệm về hạnh phúc hay để lí luận về hạnh phúc, mà để “sống hạnh phúc” ngay bây giờ và ở đây.
16/10/2010(Xem: 6805)
Đây là bài thuyết giảng về "Đức Phật của chúng ta" một đề tài dễ làm cho Phật tử ngạc nhiên, vì Đức Phật của chúng ta là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi còn gì mà phải đặt vấn đề. Nhưng vấn đề sở dĩ được đặt ra là nhiều khi chúng ta chưa có được một cái nhìn thấu triệt tất cả tinh tường, đức tướng, hạnh đức, tin đức của đức Phật chúng ta. Do vậy, bài này, một phần giúp chúng ta trả lời những thiếu sót như vậy... Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng pháp mà Đức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.
13/10/2010(Xem: 5126)
Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người này cùng với Văn Thù Sư Lợi không khác” Thứ nhất định tâm thiền; Thứ hai là chế tâm thiền; Thứ ba chân thiền; Thứ tư phương tiện tùy duyên thiền; Thứ năm tức nhị biên phân biệt thiền.
12/10/2010(Xem: 4701)
Sự kiện ra đời của đức Phật để đem lại an lạc cho con người và cuộc đời, đã được Ngài đề cập trong nhiều kinh: "Ta ra đời vì an lạc, vì hạnh phúc, vì lợi ích cho chư thiên và loài người, vì lòng thương tưởng cho đời". Với lý tưởng đó, Ngài đã trải qua bao nhiêu thử thách, gian lao, bằng những kinh nghiệm của tự thân để cuối cùng tìm được con đường đi ra khỏi khổ đau. Ở đây chúng tôi muốn giới thiệu kinh nghiệm tu học của đức Phật được ghi lại trong kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ I).
11/10/2010(Xem: 6530)
Hạnh phúc hay đau khổ là số phận chung của mọi chúng sinh, nhất là con người, và theo quan điểm Phật giáo thì đây không phải là phần thưởng hay hình phạt do Thượng Đế ban cho một sinh linh đã làm điều thiện hay điều ác. Tín đồ Phật giáo tin vào một định luật tự nhiên, gọi là “ luật nhân quả”, áp dụng chung cho tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này. Tín đồ Phật giáo không tin vào một Đấng Thượng Đế toàn năng, và do đó một Đấng Thượng Đế như vậy, và ngay cả Đức Phật đại từ bi cũng không thể ngăn cản được định luật này.
04/10/2010(Xem: 4335)
Nghiệp báo đóng một vai trò rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật thuyết minh nghiệp lý không phải với mục đích khuyến khích làm điều kiện để hưởng thụ hạnh phúc trong cõi cực lạc,thiên đường, nhưng để giúp con người thoát khỏi dòng nghiệp báo triền miên (kammakkhayya).
03/10/2010(Xem: 5148)
Bồ Tát Quán Thế Âm đã khả hứa với chúng ta: “Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp -khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh- lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện thần, Long vương, Kim Cang, Mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hay thân mạng của chính họ “.
01/10/2010(Xem: 5539)
Kính lạy Đức Thế Tôn, Ngài đã thị hiện vào cõi nhân gian nhiều khổ đau, phiền lụy này, bằng hạnh nguyện độ sinh, bằng trí tuệ siêu việt, để từ đó Đức Thế Tôn xây dựng một nền văn hóa người trong sáng, một nếp sống hướng thượng, tâm linh siêu thoát, bằng giáo pháp giác ngộ, bằng nếp sống văn hóa cao đẹp, lành mạnh có lợi ích cho tha nhân mà con người thời bấy giờ đã xưng dương, tán thán Đức Phật...
29/09/2010(Xem: 6792)
Ðạo Phật có nhiều pháp môn để thích ứng với căn cơ từng người, mỗi pháp môn có mục đích và phương pháp khác biệt, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng để giúp sự lựa chọn...
24/09/2010(Xem: 4531)
Tất cả chúng sinh mong ước được vui vẻ, không ai mong cầu buồn rầu. Phật Pháp dạy những phương pháp để xa lánh khổ đau và đạt đến an lạc. Phật Pháp mà chúng ta thực tập là, nói một cách chữ nghĩa, là điều gì đấy ôm ấp chúng ta. Điều này có thể được giải thích trong nhiều cách. Nó ôm ấp chúng ta khỏi khổ đau và ôm ấp tất cả những nguồn cội của an lạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567