Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11 Những Đại Thí Chủ trong hàng vua chúa

21/11/201018:04(Xem: 7355)
11 Những Đại Thí Chủ trong hàng vua chúa



ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
Đại Đức Narada Maha Thera, 1980 - Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998
Nguyên tác: "The Buddha and His Teachings"
Buddhist Publication Society, Sri Lanka

CHƯƠNG 11

Những Đại Thí Chủ trong hàng Vua Chúa

"Quả thật là vũng lầy đầy cạm bẫy hiểm nghèo
ẩn náu dưới mặt nước phẳng lặng hiền từ.

Những lễ bái, vật cúng dường và yến tiệc

của người thí chủ giàu sang,

Cũng tựa hồ như lưỡi gươm sắc bén

đâm sâu vào thịt của người lầm đường lạc nẻo,

khó mà rút ra."

-- Mahalatapilandhana Kassapa Thera Gatha (1053)

Vua Bimbisara (Bình Sa Vương)

Vua Bimbisara (Bình Sa Vương), trị vì Vương Quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), đóng đô tại kinh thành Rajagaha (Vương Xá), là vị thí chủ đầu tiên của Đức Phật trong hàng vua chúa. Bimbisara (Bình Sa Vương) lên ngôi lúc mười lăm tuổi, làm vua được năm mươi hai năm.

Khi Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) thoát ly cuộc sống trần tục, một hôm nhà vua trông thấy Ngài, một đạo sĩ khiêm tốn, đi khất thực trên đường phố của kinh thành Rajagaha. Trông thấy tướng mạo oai nghi và tư cách trang nghiêm sang trọng của Ngài, vua lấy làm cảm kích, sai người đi dò thăm. Khi được biết rằng thường bữa, sau khi độ ngọ thì vị đạo sĩ cao quý ấy ngụ tại Pandavapabbata, vua cùng với tùy tùng đến viếng đạo sĩ, hỏi thăm người là ai, sanh trưởng ở xứ nào. Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm) trả lời:

"Ngay phía trước đây, Tâu Đại Vương, trên vùng Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), trong châu thành Kosala của những gia tộc cổ kính, một quốc gia truờng thạnh và phong phú, tôi xuất thân từ triều đại Thái Dương, dòng Sakya (Thích Ca). Tôi không luyến ái, chạy theo nhục dục ngũ trần. Nhận thức được hiểm họa của thú vui vật chất và thấy an toàn trong đời sống xuất gia, tôi đi tìm cái gì cao quý nhất và tâm tôi được an lạc. [1]"

Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) cung thỉnh đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm), sau khi chứng ngộ Đạo Quả, sẽ trở lại viếng thăm Vương Quốc Magadha (Ma Kiệt Đà).

Đức Phật Trở Lại Gặp Vua Bimbisara (Bình Sa Vương)

Đúng theo như lời hứa, sau khi thành đạt Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật cùng đi với các đệ tử A La Hán từ Gaya đến Rajagaha. Nơi đây Ngài ngự tại diện Suppatittha, trong một rừng kè.

Tin lành đến tai Vua Bimbisara (Bình Sa Vương), và lúc bấy giờ danh tiếng của vị giáo chủ vô song đã bay cùng khắp Vương Quốc. Đức Vua đem theo rất đông quần thần, đi đón mừng Đức Phật. Vua đến gần, cung kính đảnh lễ Phật và ngồi lại một bên. Còn những người khác, người thì đảnh lễ một cách cung kính, người thì chào hỏi lễ phép như gặp bạn, người thì chắp tay xá, người thì tự xưng danh tánh và cũng có người không nói gì hết, lặng lẽ ngồi xuống. Lúc ấy phần đông dân chúng tôn kính Đức Phật và Đại Đức Kassapa (Ca Diếp) như nhau, không biết ai là thầy. Đức Phật đọc được tư tưởng ấy nên hỏi Ngài Kassapa (Ca Diếp) tại sao không thờ Thần Lửa nữa. Đại Đức Kassapa (Ca Diếp) hiểu ý Đức Phật, giải thích rằng Ngài từ bỏ, không tôn thờ Thần Lửa nữa vì Ngài chọn con đường đưa tới trạng thái an vui châu toàn, không ô nhiễm dục vọng, đối nghịch lại những lạc thú trần tục, không bổ ích. Nói xong, Ngài Kassapa (Ca Diếp) khấu đầu đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và xác nhận: "Bạch hóa Đức Thế Tôn, Ngài là Đạo Sư của con. Con là đệ tử. Bạch hóa Đức Thế Tôn, Ngài là Đạo Sư của con. Con là đệ tử."

Tất cả mọi người đều hoan hỷ. Đức Phật nhân cơ hội, thuyết một thời pháp về Túc Sanh Truyện Maha Narada Kassapa [2], dạy rằng trong một tiền kiếp Ngài là Narada, lúc ấy còn dục vọng, cũng đã dìu dắt Đại Đức Kassapa (Ca Diếp) một cách tương tợ.

Nghe Đức Phật thuyết giảng, Ánh Sáng Chân Lý rọi đến mọi người. Đức Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) đắc Quả Tu Đà Hườn, xin quy y Tam Bảo và thỉnh Đức Phật cùng chư vị đệ tử về cung điện thọ trai ngày hôm sau. Khi mọi người độ ngọ xong, đức vua tỏ ý muốn biết nơi nào thích hợp để Đức Phật lưu ngụ. Đức Phật trả lời:

"Một nơi hẻo lánh, không xa mà cũng không gần thành thị để những ai muốn viếng Ngài, có thể đến dễ dàng. Một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tĩnh, khoảng khoát và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp,"

Đức Vua nghĩ rằng khu Trúc Lâm của mình có thể hội đủ những yếu tố cần thiết ấy nên bạch với Đức Phật xin dâng lên Đức Phật và chư Tăng khu Rừng Tre lý tưởng này, cũng được gọi là "nơi trú ẩn của loài sóc" . Khu rừng này không có nhà cửa lều cốc cho chư tỳ khưu, nhưng có nhiều cây to bóng mát và những chỗ ẩn dật kín đáo [3]. Dầu sao, đó là nơi được dâng cúng đầu tiên đến Đức Phật và chư tăng. Tại ngôi Veluvanarama (Trúc Lâm Tự) yên tĩnh này Đức Phật nhập Hạ một lần ba năm liên tiếp và ba lần khác, vào ba Hạ xa cách nhau.

Sau khi quy y, Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) sống đời gương mẫu của một vì vua. Ngài đều đặn nghiêm trì tám giới (bát quan) trong sáu ngày giới (Uposatha).

Công chúa Kosala Devi, con vua Maha Kosala và em vua Pasenadi Kosala là chánh hậu của vua Bimbisara (Bình Sa Vương). Ajatasattu (A Xà Thế) là con bà. Khema, một bà quý phi khác, là một tín nữ rất tinh tấn nhờ sự khéo léo của đức vua. Về sau bà Khema xuất gia tỳ khưu ni và trở thành đệ nhất đệ tử của Đức Phật về phái nữ.

Mặc dầu rất mực minh quân và có tâm đạo nhiệt thành, Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) phải chịu quả xấu của tiền nghiệp, chết một cách thê lương ảm đạm và vô cùng đau đớn.

Hoàng tử Ajatasattu (A Xà Thế) bị Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) xúi giục, âm mưu sát hại vua cha là Bimbisara (Bình Sa Vương) để chiếm ngôi. Nhưng công việc bại lộ, Ajatasattu bị bắt quả tang, và người cha đầy lòng bi mẫn không đành xử phạt xứng đáng như quần thần xin, mà còn nhường ngôi vàng cho hoàng tử, vì thấy con thèm muốn làm vua.

Để trả ơn, vị hoàng tử bất hiếu vừa lên ngôi liền hạ ngục cha và ra lệnh bỏ đói cho chết dần. Chỉ một mình hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi, bà giấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng. A Xà Thế hay được quở trách mẹ. Sau lại, bà giấu trong đầu tóc. A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường, bà tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sữa. Vua gợt lấy món ăn này để nuôi sống. Nhưng Ajatasattu (A Xà Thế) của bắt được, và cấm hẳn mẹ không cho vào thăm vua cha nữa.

Lúc ấy Bimbisara (Bình Sa Vương) cam chịu đói, nhưng lòng không oán trách con.

Ngài đã đắc Quả Tu Đà Hườn nên thản nhiên, cố gắng đi lên đi xuống kinh thành, chứng nghiệm hạnh phúc tinh thần.

Thấy cha vẫn vui tươi, Ajatasattu (A Xà Thế) nhất định giết cho khuất mắt nên hạ lệnh cho người thợ cạo vào khám, lấy dao bén gọt gót chân vua cha, xát dầu và muối vào rồi hơ trên lửa nóng cho đến chết.

Khi người cha bất hạnh thấy thợ cạo đến thì mừng thầm, ngỡ rằng con mình đã ăn năn hối cải, cho người đến cạo râu tóc để rước về. Trái với sự ước mong của Ngài, anh thợ cạo đến chỉ để thi hành lệnh dã man của Vua A Xà Thế một cách tàn nhẫn, đem lại cho Ngài một cái chết vô cùng thê thảm.

Cùng ngày ấy, vợ Ajatasattu (A Xà Thế) hạ sanh một hoàng nam. Tin lành đến cùng lúc với tin vua cha Bimbisara (Bình Sa Vương) băng hà trong ngục thất.

Tin chánh hậu hạ sanh hoàng nam được đọc trước. Nỗi vui mừng của A Xà Thế không sao kể xiết. Cả người cảm nghe nhẹ nhàng vui sướng. Tình thương của một người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng sâu sắc, thấm vô từng khớp xương ống tủy. Đứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là cơ hội để cha mẹ thưởng thức một tình tôn giáo mới mẻ đậm đà, vô cùng trong sạch. Cảm giác đầu tiên của người mới được đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào một cảnh giới kỳ lạ, khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã nhỏ giọt ra để nối tiếp mình.

Tức khắc Ajatasattu vội vã chạy đi tìm người mẹ yêu dấu và hỏi: "Thưa Mẫu Hậu, khi con còn nhỏ, phụ hoàng có thương con không?"

-- Tại sao con hỏi lạ vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu ra người cha lành như cha con. Để mẹ thuật cho con nghe. Lúc mẹ còn mang con trong lòng, ngày nọ mẹ nghe thèm lạ lùng một món kỳ lạ. Mẹ thèm nút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con. Mà nào mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao, và sau cùng phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ hút máu. Lúc ấy các nhà tiên tri trong triều tiên tri rằng con sẽ là người thù của cha con. Do đó, tên con là "Ajatasattu", có nghĩa "kẻ thù chưa sanh". Mẹ có ý định giết con ngay trong lòng, nhưng cha con không cho. Khi sanh con ra, mẹ nhớ đến lời tiên tri, nên một lần nữa muốn giết con. Một lần nữa, cha con ngăn cản mẹ.

Một hôm, con có cái nhọt trên đầu ngón tay, nhức nhối vô cùng, khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng không đặng, bế con trong lòng, và không ngần ngại ngậm ngón tay của con trong miệng, nhè nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay! Cái nhọt bể, máu mủ tuôn ra trong miệng cha con và, sợ lấy tay ra con sẽ nghe đau, cha con nuốt luôn vào bụng cả mủ lẫn máu! Phải, người cha hết lòng thương yêu con, vì tình phụ tử đậm đà, nhè nhẹ nuốt hết vừa máu vừa mủ.

Nghe đến đó Vua Ajatasattu bỗng đứng phắt dậy, kêu lên như điên: "Hãy chạy mau, thả ra lập tức người cha yêu quý của trẫm."

Than ôi, người cha yêu quý ấy đã ra người thiên cổ!

Tin thứ nhì được trao đến tận tay Vua Ajatasattu. Vua xúc động rơi lệ dầm dề. Bấy giờ ông mới nhận định rằng chỉ khi bắt đầu làm cha mới biết được tình cha thương con như thế nào.

Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) băng hà và tức khắc tái sanh vào cảnh Trời Catummaharajika (Tứ Đại Thiên Vương) tên là Janavassabha.

Về sau Vua Ajatasattu (A Xà Thế) được gặp Đức Phật, trở nên một thiện tín lỗi lạc và tạo nhiều công đức trong cuộc Kết Tập Tam Tạng lần đầu tiên.

Vua Pasenadi Kosala (Ba Tư Nặc)

Một đạ i thí chủ khác của Đức Phật trong hàng vua chúa là Vua Pasenadi Kosala, con Vua Maha Kosala, trị vì vương quốc Kosala, đóng đô tại thành Savatthi. Ông cùng trang tuổi với Đức Phật, và nhờ tài đức lỗi lạc, may mắn được nối ngôi vàng lúc vua cha còn sanh tiền [4].

Ông quy y trong những năm đầu tiên sau khi Đức Phật bắt đầu hoằng dương Giáo Pháp. Kinh Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) ghi rằng một ngày nọ vua Pasenadi Kosala đến yết kiến Đức Phật và hỏi về Đạo Quả của Ngài, lúc ấy còn trẻ tuổi.

Đức Phật trả lời:

"Tâu Đại Vương, có bốn chuyện không nên gạt bỏ hay khinh thường. Đó là một hoàng tử hiếu chiến (khattiya), một con rắn, lửa và một tỳ khưu. [5]"

Và Đức Phật thuyết một thời Pháp có ý nghĩa về đề tài này. Khi Đức Phật giảng xong, Vua Pasenadi lấy làm hoan hỷ, xin thọ lễ quy y Tam Bảo. Kể từ ngày ấy vua trở nên một đệ tử trung kiên của Đức Phật. Sách ghi rằng có lần nhà Vua khấu đầu đảnh lễ Đức Phật xong, ôm hôn chân Ngài. Lòng nhiệt thành tôn kính Đức Phật của ông phần lớn cũng do sự khôn ngoan của bà Chánh Hậu Mallika, rất sùng đạo, thông minh sáng suốt, và học rành Giáo Lý. Trong nhiều trường hợp, bà dẫn dắt chồng trên đường đạo đức như một người bạn chân thành.

Ngày kia vua nằm mộng liên tiếp mười sáu lần và lấy làm bàng hoàng lo ngại [6]. Vị quân sư theo đạo Bà La Môn bàn mộng, đoán rằng sắp có chuyện chẳng lành xảy đến đức vua và bày cho vua nên giết trâu bò tế lễ thần linh để tránh họa. Nghe lời, vua truyền sắm sửa mọi việc để tế thần, một nghi thức vô nhân đạo có thể làm mất mạng sống hàng ngàn chúng sanh. Hoàng Hậu Mallika nghe tin lật đật can gián và thuyết phục vua nên đến hầu Đức Phật, xin được giải thích. Vua nghe theo lời, đem các điềm chiêm bao kể lại với Đức Phật và xin Đức Phật giải thích ý nghĩa. Đức Phật giảng giải rành rẽ.

Không giống như trường hợp của vua Bimbisara (Bình Sa Vương), vua Kosala tốt phước, được nghe Đức Phật giảng rất nhiều bài Pháp. Trong bộ Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) có trọn một phần gọi là Kosala Samyutta [7] ghi lại những lời Đức Phật dạy Vua Kosala.

Ngày nọ, khi vua đang ngồi hầu Đức Phật, có vài đạo sĩ đi ngang qua, mình mẩy đầy lông, râu tóc xồm xoàm, móng tay dài thườn thượt. Vua liền đứng dậy cung kính đảnh lễ và tự giới thiệu: "Kính bạch chư đạo sĩ, Trẫm là Vua Kosala Pasenadi." Khi các đạo sĩ đi qua, vua trở lại hầu Phật và bạch Đức Phật các vị ấy có phải chăng là những vị A La Hán. Đức Phật giải thích rằng một người phàm, còn thích thú trong những khoái lạc vật chất, khó mà nhận thức được ai đã đắc Quả A La Hán và ai chưa. Đức Phật dạy:

"Nhờ sự thân cận (Samvasena) mới biết được giới hạnh (Sila) của một người và, dầu thân cận đi nữa, cũng phải mất nhiều thì giờ, phải thận trọng quan sát và phải sáng suốt thông minh. Người lơ đễnh, không sáng suốt thông minh, không đủ thì giờ quan sát, dầu có thân cận cũng không thể xét đoán đúng. Xuyên qua những cuộc đàm thoại (samvoharena) ta có thể nhận thức trạng thái trong sạch (soceyyam) của người khác. Trong tình trạng bất an, rối ren, nghịch cảnh, mới thấy biểu lộ nghị lực, và trong cuộc thảo luận, mới hiểu được trí tuệ của người khác. Dầu vậy đi nữa, cũng phải mất nhiều thì giờ, thận trọng quan sát và phải sáng suốt thông minh."

Để tóm tắt, Đức Phật đọc bài kệ:

"Không phải do lớp trang sức bề ngoài mà con người được biết rõ.
Trong cái nhìn thoáng qua không thể tin chắc ở sự xét đoán.
Kẻ dể duôi, không giới đức, trong thế gian mênh mông rộng lớn
Có thể sống dưới lớp y đoan trang thanh nhã của người có phẩm hạnh.
Như cái quai nồi bằng đất sét làm giả,
Hay đồng tiền chì, ngoài bọc vàng,
Người đi xa, ẩn nấp dưới lớp hóa trang,
Bên ngoài đẹp đẽ đoan trang.
Còn bên trong thì ô trược. [8]"

Là một quốc vương trị vì một quốc gia rộng lớn, Vua Kosala không thể tránh chiến tranh, đặc biệt là với các lân bang. Một lần kia ông phải gây chiến với người cháu, Vua Ajatasattu (A Xà Thế) và thất bại. Nghe vậy Đức Phật dạy:

"Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù.
Kẻ thất bại sống trong khốn khổ.
Nhưng ai từ bỏ chiến thắng và chiến bại
Sống thanh bình an lạc [9]"

Một lần khác, Vua Kosala chiến thắng và thâu đoạt toàn thể quân đội của Vua Ajatasattu (A Xà Thế), ngoại trừ nhà vua. Khi nghe được tin ấy, Đức Phật đọc lên những câu kệ sau đây, vẫn có thể áp dụng trọn vẹn trong thế gian hiện tại, luôn luôn phải lo sợ một cuộc chiến tàn khốc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào:

"Một người có thể cướp bóc người khác,
Cũng như có thể phục vụ người kia.
Nhưng khi bị cướp,
Người kia chiếm đoạt trở lại.
Và cướp bóc, chiếm đoạt, trở đi trở lại không ngừng.
Ngày nào quả xấu chưa đủ duyên để trổ
Người cuồng si cò tưởng tượng:
'Thì giờ đã đến, đây là một dịp may!'
Nhưng khi quả trổ, phải chịu khốn khổ.
Người sát nhân gặp kẻ sát nhân.
Người xâm lăng bị chinh phục.
Kẻ hỗn hào bị chửi mắng,
Người ưa quấy rầy bị phiền nhiễu.
Vậy, theo tiến trình diễn biến của hành vi
Kẻ cướp ắt bị cướp. [10]"

Những lời Đức Phật dạy Vua Kosala về cách xử sự với hàng phụ nữ cũng có nhiều ý nghĩa bổ ích. Một hôm Vua Kosala đang hầu chuyện với Đức Phật thì có người đưa tin đến rằng Chánh Hậu Mallika vừa hạ sanh công chúa. Vua không vui. Ở Ấn độ, thời xưa cũng như ngày nay vẫn còn ở nhiều nơi, sanh con gái không được xem là một tin lành, vì một vài lý do ích kỷ như vấn đề của hồi môn chẳng hạn. Trái hẳn với trào lưu tư tưởng thời bấy giờ, Đức Phật bày tỏ lòng tôn trọng và ca ngợi đức tánh của người đàn bà qua bốn đặc điểm sau đây:

"Một em bé gái, Tâu ĐạiVương, có thể
Còn quý hơn đứa con trai.
Lúc trưởng thành
Em có thể là người trí tuệ và phẩm hạnh vẹn toàn,
Biết kính nể, tôn trọng mẹ chồng, một người vợ hiền.
Đứa con mà sau này em sẽ mang vào lòng
Có thể làm nên đại sự
Và trị vì một vương quốc vĩ đại.
Đúng vậy, đứa con của người vợ cao thượng
Sẽ trở thành người hướng đạo chân chính
Cho cả một quốc gia."

Trong hàng phụ nữ có người còn tốt hơn đàn ông. "Itthi hi pi ekacciya seyya" là nguyên văn câu Phật ngôn. Giữa xã hội Ấn độ thới bấy giờ, trong lúc mà người phụ nữ không bao giờ được sự kính nể xứng đáng, lời nói cao quý và đầy quả cảm ấy thật là một khích lệ lớn lao cho nữ giới.

Khi hoàng thái hậu, nội tổ của Vua Kosala băng hà vào năm 120 tuổi, đức vua lấy làm sầu muộn, đến bạch với Đức Phật rằng ông có thể đổi bất cứ vật gì của ông để tìm lại sự sống của người mà ông quý trọng và trìu mến như mẹ. Đức Phật an ủi như sau:

"Tất cả mọi chúng sanh đều phải chết. Đời sống phải kết cuộc bằng sự chết. Cái chết luôn luôn ở ngay trước mặt. Cũng như món đồ gốm, dầu hầm chín hay không, đều có thể bể và phải bể một ngày nào. Đặc tính 'bể' luôn luôn dính liền với món đồ gốm. [11]"

Vua Kosala rất thích nghe Pháp. Dầu công việc quốc gia đại sự đa đoan thế nào ông cũng cố gắng tìm cơ hội đến viếng Đức Phật và ắng nghe thuyết giảng. Hai bộ kinh Dhammacetiya [12] và Kannakatthala [13] Sutta được giảng trong những trường hợp ấy.

Chánh Hậu của Vua Kosala, chết trước ông, là con gái của một người làm tràng hoa. Chị của Vua Bimbisara (Bình Sa Vương) là một bà khác. Em gái của ông là chánh hậu của Vua Bimbisara (Bình Sa Vương), mẹ A Xà Thế.

Vua Kosala có một hoàng tử tên Vidudabha, về sau nổi loạn chống lại ông. Mẹ của vị hoàng tử ấy là con gái của Mahanama dòng Sakya (Thích Ca) và bà ngoại của hoàng tử là một nô tỳ. Khi cưới bà mẹ của Vidudabha, Vua Kosala không biết rằng bà là con của một nô tỳ. Đến lúc Vidudabha lớn lên, nghe người trong thân tộc Sakya (Thích Ca) nói vậy thì lấy làm tức giận, quyết định tàn sát hết dòng Sakya (Thích Ca) để trả thù. Vì Vidudabha, về sau Vua Kosala phải chết một cách thê thảm trong một cái đền ngoài thành phố. Lúc ấy chỉ có một người tùy tùng đi theo hộ giá.

Vua Kosala băng hà trước ngày Đức Phật nhập diệt.

Chú thích:

[1] Sutta Nipata, Pabbajja Sutta.

[2] Xem Chương 7, và Túc Sanh Truyện số 544.

[3] Phạn ngữ Arama chỉ có nghĩa là một khu vườn, một khuôn viên. Lúc Đức Phật thọ lãnh vườn này, trên đó không có xây cất nhà cửa. Ngày nay danh từ Arama được dùng trong ý nghĩa là một tu viện trong đó có chỗ ở cho các tỳ khưu.

[4] Samyutta Nikaya, phần i, trang 64. Kindred Sayings, I, trang 94.

[5] Hoàng tử hiếu chiến, dầu trẻ tuổi, có thể là một đại họa. Con rắn dầu nhỏ bé, có thể rất độc. Một đóm lửa nhỏ có thể gây hỏa tai khốc liệt. Một vị tỳ khưu trẻ tuổi có thể đắc Quả Thánh hoặc có pháp học cao siêu, thông suốt Giáo Pháp.

[6] Xem Maha Supina Jataka, Jataka Translation, quyển I, trang 188-192, số 77.

[7] Samyutta Nikaya, I, 68. Kindred Sayings, I, trang 94.

[8] Kindred Sayings, phần I, trang 104-106

[9] Kindred Sayings, phần I, trang 109-110. Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 201.

[10] Kindred Sayings, phần I, trang 110.

[11] Xem Kindred Sayings, phần I, trang 122.

[12] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, số 89.

[13] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, số 90.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/05/2022(Xem: 2853)
Niệm Phật là một trong những pháp môn tu hành rất căn bản, và niệm Phật là con đường nhanh nhất để thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ của cõi Ta Bà. Thường thì bắt đầu vào tuổi thu đông nhiều người mới tập trung tinh thần vào Niệm Phật. Có người thường cho rằng pháp môn Tịnh Độ chỉ mới bắt đầu khi có kiết tập kinh điển lần thứ 3, 4 và về sau này khi Đại Thừa phát triển mạnh.
05/12/2021(Xem: 5048)
Chấp hai tay cúi đầu miệng niệm Phật A Di Đà chào chúc thật cao sâu Khỏe sáng suốt cùng chân lý nhiệm mầu Được trường thọ thăng hoa trong cuộc sống… Sống trong một thế giới vô thường biến đỗi, với đầy sự nhiễu nhương, tang thương, chết chóc, do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, xảy ra trước mắt hằng ngày, gây lắm khổ đau, điển hình như Covid-19 (với đầy ác khí) như hiện nay, cũng khiến cho nhiều người lo sợ, khủng hoảng và thức tĩnh. Thấy rõ được rằng, mọi cơ sở vật chất, với nhiều năm đầu tư xây dựng, chỉ một cơn động đất, sóng thần hay bão lửa, lũ lụt nổi lên, sẽ tan tành theo mây khói. Một đời người với biết bao nhiêu lo toan, tính toán, hy vọng, ước mơ, một cơn đại dịch xảy ra, đành âm thầm ra đi trong tức tưởi, không một người thân đưa tiễn, tất cả tài sản bao năm gầy dựng, phải bỏ lại, không mang theo được gì!
30/11/2021(Xem: 4262)
Người Phật tử chân chánh hiểu rằng Chân Lý Tuyệt Đối là không thể nghĩ bàn. Tất cả các pháp môn đều chỉ là phương tiện giúp ta đạt tới cái không nghĩ bàn đó. Trong khi tu hành, ta có thể chọn vào cửa Hữu (Tịnh độ) hay vào cửa Không (Thiền), tùy căn cơ và sở thích. Nếu ai cố chấp pháp mình là đúng, chê bai người khác sai – là chứng tỏ mình chưa hiểu chân lý là thứ gì. Vả lại, thuốc không có quí tiện: thuốc trị được bịnh là thuốc hay. Đại khái, Thiền là pháp môn cao thượng và thẳng tắt dành cho bậc Thượng căn, trong khi Tịnh độ dễ hiểu dễ hành và dễ chứng, cho nên cả Ba căn đều có thể tu được. Đức Bổn Sư Thích-Ca giảng pháp nầy chủ ý nhằm cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp. Như trong kinh Đại Tập, Ngài nói: “Thời Mạt pháp, ức ức người tu hành ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nhờ pháp môn Tịnh độ mà thoát khỏi luân hồì.” Cho nên thời nầy người tu Tịnh độ thành công được vãng sanh vô số (có thoại chứng rành rành), trong khi Thiền sư đắc đạo (như khi xưa) có thể nói rất hiếm, đếm
05/11/2021(Xem: 11732)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh, mà hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mỗi một pháp cũng chính là chân, là bổn, là tâm, là tánh!”. Tập Lời Vàng (Gia Ngôn Lục) dù là toát yếu nhưng với một kẻ hậu học như tôi thì lại tự thấy mỗi mỗi câu nói của Đại Sư Ấn Quang đều bao hàm ý pháp, chỗ nào cũng cần phải học, chẳng thể đọc lướt qua nên phải dịch thuật đến ngàn ngàn câu kệ, hầu mong chuyển đạt lời lời ân cần tha thiết của Đại sư; chỉ để lại phần nói về các chính biến tại Trung Hoa, và những câu nói lập lại từ các bài giảng của Đại sư q
20/10/2021(Xem: 5233)
Kính số 52 Bát Thành có đoạn viết về sơ thiền một cách ngắn gọn như sau: “Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ” (Trung Bộ Kinh, 52 Kinh Bát Thành). Kinh văn quá súc tích về sơ thiền như vậy khó có thể thấm thấu được thâm ý của Thế Tôn, tạo ra nhiều kiến giải của các bút giả, hành giả, học giả vv, khiến quý Phật tử hoang mang. Sau đây là một trong những kiến giải của một hành giả được một đạo hữu chuyển cho Tâm Tịnh về sơ thiền: Hai bài kinh: Kinh Sa Môn Quả và Tiểu Kinh Dụ Lõi Cây, Phật dạy: “Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh vời tầm với tứ (có giác có quán). Muốn đạt được cảnh giới này vị này phải ly dục nơi các căn, tức là thanh lọc nhiễm ô nơi các căn. Để ly dục, vị này học hạnh viễn ly, hạnh Tỷ kheo (hạnh xuất gia) theo lời dạy trong kinh: “Ở đây có người vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình
03/09/2021(Xem: 31335)
(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm) 1. TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN: Án, lam xóa ha. (3 lần) 2. TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN: Tu rị, Tu rị, Ma ha tu rị, Tu tu rị, Ta bà ha. (3 lần) 3. TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN Án, Ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 4. PHỔ CÚNG DƯỜNG CHƠN NGÔN: Án, Nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần) 5. AN THỔ ĐỊA CHƠN NGÔN: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, Án, độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha (3 lần) Hộ pháp, Vĩ Đà thị chứng minh Thân trụ Phật tiền Tâm Tư nguyện Tưởng bằng bí chú đắc oan linh Hà chơn bất thức trì niệm Luật Thiên kinh vạn quyển vô nhất tự Nẳng mô tô tất đế, đa rị, đa rị, mạn đà, mạn đà, ta bà ha (3 lần)
03/09/2021(Xem: 9026)
Pháp hành Trì để vượt thoát Đại Nạn Covid-19
03/09/2021(Xem: 8515)
5.1). Đệ tử tên là: Một lòng quy kính Đức Phật A Di Đà, Thế giới Cực Lạc, Nguyện lấy hào quang, Trong sạch soi cho, Lấy thệ từ bi, Mà nhiếp thọ cho, Con nay chánh niệm, Niệm hiệu Như Lai, Vì đạo Bồ Đề, Cầu sanh Tịnh Độ. Phật xưa có thệ: “Nếu có chúng sinh, Muốn sinh về nước ta, Hết lòng tín nguyện, Cho đến mười niệm, Nếu chẳng đặng sinh, Chẳng thành Chánh Giác”. Do vì nhân duyên, Niệm hiệu Phật nầy, Được vào trong bể, Đại thệ Như Lai, Nhờ sức Từ Bi, Các tội tiêu diệt, Căn lành tăng trưởng, Khi mạng gần chung, Biết trước giờ chết, Thân không bệnh khổ, Tâm không tham luyến, Ý không điên đảo, Như vào Thiền định. Phật và Thánh Chúng, Tay nâng kim đài, Cùng đến tiếp dẫn, Trong khoảng một niệm, Sinh về Cực Lạc, Sen nở thấy Phật, Liền nghe Phật thừa, Chóng mở Phật tuệ, Khắp độ chúng sanh, Trọn Bồ Đề nguyện.
01/08/2021(Xem: 10008)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
30/08/2020(Xem: 5751)
Ngày xưa, sau khi Đức Phật chứng Đạo, tại sao Ngài không mở trường Thiền để có thể dạy hàng ngàn, hàng vạn người cùng một lúc? Ngược lại, Ngài chỉ vân du từ nơi này sang nơi khác, tùy căn cơ khai thị cho những người hữu duyên Ngài gặp trên đường? Đơn giản vì trình độ, hoàn cảnh và cơ địa mỗi người một khác, nên đức Phật ngay nơi mỗi người khai thị pháp mà người đó đang trải nghiệm, và vì vậy chỉ người đó mới thật sự biết đức Phật đang chỉ dạy điều gì, người khác có nghe hay đọc lại kinh điển tường thuật thì cũng chỉ để tham khảo hay suy luận mà thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567