Người viết: Kan
Con kính đảnh lễ Đức Thế Tôn đã truyền dạy con đường tới giác ngộ;
Con kính đảnh lễ các bậc trí nhiều thế hệ trong nhà Phật đã bảo tồn những lời dạy của Đức Phật đến hôm nay, để con được có duyên tiếp cận;
Con kính đảnh lễ các học giả nhiều thế hệ đã nghiên cứu khách quan về những gì liên quan tới đạo Phật, để hôm nay con được có duyên biết tới một số vấn đề trong nhà Phật một cách khách quan;
Con kính đảnh lễ những vị đồng đạo, do nhiều nhân duyên đã giúp con thấy được nhiều điều trước kia con chưa thấy.
Nhập đề
Có điều gì cơ bản để nói về Đức Phật, bậc giác ngộ? Đối với người viết, Ngài là một con người thực tiễn. Sinh ra và trưởng thành trong một môi trường tiện nghi, có thể nói Ngài không thiếu thứ gì phục vụ cho mình, hay nói cách khác là cho một cái Ngã (của mình), quan niệm phổ biến ở Ấn Độ bấy giờ. Vậy, Ngài đã trải nghiệm hướng tới Hữu Ngã, nhưng Ngài không thỏa mãn với một đời sống Hữu Ngã như vậy.
Rồi Ngài lên đường làm một du sĩ. Thấy cái nguy hiểm của Hữu Ngã, Ngài đã thực hành tu khổ hạnh trong sáu năm để hướng tới Vô Ngã. Ngài đã trải nghiệm hướng tới Vô Ngã, nhưng Ngài không thỏa mãn với một đời sống Vô Ngã như vậy, nên Ngài từ bỏ khổ hạnh. Sau khi từ bỏ khổ hạnh, Ngài thành tựu giác ngộ.
Như vậy, Ngài đã thành tựu giác ngộ từ khi sống không Hữu Ngã cũng không Vô Ngã, hay nói đúng hơn, Ngài không dính mắc vào bất cứ điều gì liên quan tới Hữu Ngã – Vô Ngã. Con đường không dính mắc, đó chính là Trung Đạo. Nên ta không ngạc nhiên khi Trung Đạo chính là điều đầu tiên được Đức Phật dạy cho chúng ta.
Người Phật tử ngày nay, nếu có một tiêu chuẩn nào cần nhớ và suy xét kĩ lưỡng trên bước đường tu học của mình, thì có lẽ đó là Trung Đạo.
1) VÔ NGÃ HAY HỮU NGÃ?
Giới Phật tử ngày nay phần lớn cho rằng Đức Phật khẳng định con người là Vô Ngã. Còn một số vị băn khoăn không biết thực sự Ngài có khẳng định về Vô Ngã hay không? Bởi trong kinh điển vẫn còn lưu nhiều dấu vết cho thấy Ngài không trả lời rõ ràng về điều đó.
Vậy câu trả lời thực sự là gì?
Ta hãy xét một ví dụ. Người A cầm một cục đá và hỏi người B:
1)A: Cục đá này là đực?
B: Không phải!
2)A: Vậy nó là cái?
B: Không phải!
3)A: Vậy nó vừa là đực vừa là cái?
B : Không phải!
4)A: Vậy nó không là đực (phi đực) cũng không là cái (phi cái)?
B: Không phải!
A: Không thể như thế được! Không thể có một cục đá không là đực; không là cái; không vừa đực vừa cái; không phi đực cũng không phi cái được!
Và A quyết định tiếp tục đi tìm câu trả lời cho tính chất đực – cái (hoặc phi đực – cái) của cục đá. Ta dễ nhận thấy A đang hoài công theo đuổi một điều phù phiếm, không có ích lợi gì cho cuộc sống của chính A.
Ở đây, ta thấy rằng nếu người A nhất định cho rằng cục đá phải có (hoặc không có) tính chất đực – cái theo một mức độ nào đó, thì A không thể hiểu được câu trả lời của B. Ta thấy rằng A đã tưởng tượng ra một tính chất đực – cái (hoặc phi đực – cái ) cho cục đá, và bị mắc kẹt trong tà kiến đó.
Câu chuyện trở nên tương tự trong nhà Phật khi ta thay thế:
Cục đá = con người;
Đực = Hữu Ngã;
Cái = Vô Ngã;
1)A: Con người là Hữu Ngã?
B : Không phải!
2)A: Con người là Vô Ngã?
B: Không phải!
3)A: Con người vừa Hữu Ngã vừa Vô Ngã?
B: Không phải!
4)A: Con người không Hữu Ngã cũng không Vô Ngã?
B: Không phải!
B ở đây chính là Buddha, Đức Phật của chúng ta. Và câu trả lời của Ngài chính là con đường Trung Đạo.
Người A nếu nghe được câu trả lời của Đức Phật, và từ bỏ được bất cứ tà kiến nào liên quan tới Hữu Ngã – Vô Ngã, vị ấy sẽ không còn dính mắc, không chấp thủ vào nó nữa; vị ấy đang đi trên con đường hướng tới giác ngộ.
Ngược lại, nếu vị ấy vẫn còn dính mắc vào tà kiến Hữu Ngã – Vô Ngã đó, vị ấy chưa thể giác ngộ.
2) THƯỜNG CÒN HAY VÔ THƯỜNG?
2.1) Người A già hay trẻ?
Ta hãy xét một ví dụ. Hãy hỏi về một người A bất kì.
1)A già (phải không)?
2)A trẻ (phải không)?
3)A vừa già vừa trẻ (phải không)?
4)A không già cũng không trẻ (phải không)?
Ở đây, ta thấy rằng bốn câu hỏi này đều không có câu trả lời, nếu chỉ xét riêng một mình A. Phải có ít nhất một đối tượng khác, là một người B khác để so sánh.
Nếu có 1 người B khác để so sánh, thì ta trả lời được câu 1, 2, 4. VD:
- B lớn tuổi hơn A thì: 1) Không. 2) Đúng.
- B bằng tuổi A thì: 4) Đúng.
Nếu có 2 người C, D để so sánh với A thì ta trả lời được câu 1, 2, 3, 4.
2.2) Vũ trụ thường còn hay vô thường?
Bây giờ, ở ví dụ trong phần 2.1 ta hãy thay:
A = vũ trụ.
Già = thường còn.
Trẻ = vô thường.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1) Vũ trụ thường còn?
2) Vũ trụ vô thường?
3) Vũ trụ vừa thường còn vừa vô thường?
4) Vũ trụ không thường còn cũng không vô thường?
Đây chính là bốn câu hỏi các du sĩ ngày trước hay hỏi Đức Phật. Ta cũng biết rằng Đức Phật giữ im lặng trước bốn câu hỏi này. Bây giờ ta đã hiểu lí do vì sao. Vì vũ trụ bao trùm tất cả. Không thể có một đối tượng tương đương với nó để so sánh, nên bốn câu hỏi kia không có câu trả lời. Đức Phật gọi loại câu hỏi như vậy là phù phiếm, là hí luận.
Như ví dụ ở phần 1, bốn câu hỏi này có thể trả lời được nếu có một đối tượng để so sánh với vũ trụ. Ta hãy giả định có ít nhất 2 vũ trụ, A và B tách biệt nhau để so sánh. Tuy nhiên, nếu công nhận có 2 vũ trụ A và B tách biệt nhau thì lập tức xuất hiện nhiều nan đề khác:
- Cái X1 gì nằm giữa A và B để chúng tách biệt nhau?
- Cái X2 gì nằm giữa A và X1?
- Cái X3 gì nằm giữa A và X2?
..........................
- Cái X1001 gì nằm giữa A và X1000?
..........................
Ta thấy, từ một hí luận sẽ tạo ra vô số hí luận khác. Và đúng như Đức Phật đã răn dạy trong ví dụ mũi tên độc, chắc chắn chúng ta sẽ chết trước khi có câu trả lời cho chuỗi hí luận vô tận như vậy.
2.3) Như Lai tồn tại hay phi tồn tại?
Bây giờ, ở ví dụ trong phần 2.1 ta hãy thay:
A = Như Lai.
Già = tồn tại.
Trẻ = phi tồn tại.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1)Như Lai tồn tại?
2)Như Lai phi tồn tại?
3)Như Lai vừa tồn tại vừa phi tồn tại?
4)Như Lai không tồn tại cũng không phi tồn tại?
Ta đã biết, để trả lời được bốn câu hỏi trên cần phải có ít nhất một đối tượng để so sánh với Như Lai. Có thể so sánh được hay không?
Ta biết Như Lai, bậc thành tựu giác ngộ, không dính mắc bất cứ điều gì, không tranh luận hơn thua, không so sánh với bất cứ ai trên đời. Vậy làm sao ta có thể gán một đối tượng nào đó để so sánh với Như Lai? Nếu ai muốn làm công việc đó, họ cứ làm, còn bậc Như Lai như đã biết, chỉ giữ im lặng trước những so sánh như vậy.
2.4) Vô tưởng phi vô tưởng xứ có tồn tại?
(người viết thay cụm “phi tưởng phi phi tưởng xứ” quen thuộc bằng cụm “vô tưởng phi vô tưởng xứ” cho khỏi rối rắm về từ ngữ - Kan).
Bây giờ, ở ví dụ trong phần 2.1 ta thay:
A = tưởng xứ.
B = tồn tại.
C = phi tồn tại.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1)Tưởng xứ tồn tại?
2)Tưởng xứ phi tồn tại?
3)Tưởng xứ vừa tồn tại vừa phi tồn tại?
4)Tưởng xứ phi tồn tại cũng không phi tồn tại? = Vô tưởng phi vô tưởng xứ có tồn tại?
Ta đã biết, để trả lời được bốn câu hỏi này, cần có ít nhất một đối tượng để so sánh với tưởng xứ. Hãy giả định rằng có một xứ B tách biệt với tưởng xứ để so sánh. Nhưng giả định này làm nảy sinh vấn đề giống hệt phần 2.2 về vũ trụ.
- Cái X1 gì nằm giữa B và tưởng xứ để chúng tách biệt nhau?
- Cái X2 gì nằm giữa X1 và tưởng xứ?
- Cái X3 gì nằm giữa X2 và tưởng xứ?
……………………..
Như vậy, ta lại rơi vào một chuỗi hí luận vô tận, và ta sẽ chết trước khi giải đáp được câu hỏi “Vô tưởng phi vô tưởng xứ có tồn tại”?
2.5) Vô sở hữu xứ có tồn tại?
Bây giờ, ở ví dụ trong phần 2.1 ta thay:
A = Vô sở hữu xứ.
Già = tồn tại.
Trẻ = phi tồn tại.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1)Vô sở hữu xứ tồn tại?
2)Vô sở hữu xứ phi tồn tại?
3)Vô sở hữu xứ vừa tồn tại vừa phi tồn tại?
4)Vô sở hữu xứ không tồn tại cũng không phi tồn tại?
Lập luận tương tự như phần 2.2, ta đi tới kết luận ta sẽ chết trước khi trả lời được bốn câu hỏi về sự tồn tại của Vô sở hữu xứ.
2.6) Thức vô biên xứ có tồn tại?
Lập luận tương tự như phần 2.2, ta đi tới kết luận ta sẽ chết trước khi trả lời được bốn câu hỏi về sự tồn tại của Thức vô biên xứ.
2.7) Không vô biên xứ có tồn tại?
Lập luận tương tự như phần 2.2, ta đi tới kết luận ta sẽ chết trước khi trả lời được bốn câu hỏi về sự tồn tại của Không vô biên xứ.
2.8) Kết luận
Vừa rồi, ta đã nêu lần lượt bảy vấn đề hí luận phù phiếm mà ta đã thấy, chúng ta sẽ chết trước khi có câu trả lời cho chúng. Ta cần mạnh mẽ từ bỏ những hí luận như vậy.
Đặc biệt, từ phần 2.4 đến phần 2.7, ta đã thấy tính chất phù phiếm của bốn xứ tương ứng với bốn loại thiền vô sắc trong kinh điển chữ Pali và A Hàm chữ Hán. Chúng ta cần dứt khoát loại bỏ chúng ra khỏi kinh điển.
3) VÔ NGÃ TỐT HAY XẤU?
Bây giờ, ở ví dụ 2.1 ta thay:
A = Vô Ngã.
Già = tốt.
Trẻ = xấu.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1)Vô Ngã là tốt?
2)Vô Ngã là xấu?
3)Vô Ngã vừa tốt vừa xấu?
4)Vô Ngã không tốt không xấu?
Ta đã biết, để trả lời được bốn câu hỏi này cần có ít nhất một đối tượng X để so sánh.
- Nếu X là một người ưa thích Hữu Ngã, X trả lời “Không” cho câu 1.
- Nếu X là một người ưa thích Vô Ngã, X trả lời “Không” cho câu 2.
- Nếu X là một người bị chao đảo giữa hai cực Hữu Ngã – Vô Ngã, X không trả lời được bất kì câu hỏi nào.
- Nếu X là một bậc giác ngộ, X trả lời “Không” cho tất cả bốn câu hỏi. Vì X bây giờ không còn là đối tượng để so sánh với Vô Ngã nữa, vì vị ấy không bám víu vào bất cứ điều gì.
Bây giờ, nếu ta thay X = Đức Phật, thì xảy ra bốn tình huống như sau:
- Nếu người A ưa thích Hữu Ngã, Đức Phật trả lời “Không” cho câu số 2.
- Nếu người A ưa thích Vô Ngã, Đức Phật trả lời “Không” cho câu số 1.
- Nếu người A bị chao đảo giữa hai cực Hữu Ngã – Vô Ngã, Đức Phật không trả lời câu hỏi nào. Mộ ví dụ điển hình là trường hợp du sĩ Vacchagotta được lưu lại trong kinh điển.
- Nếu người A đã hiểu được sự phù phiếm của những hí luận như vậy, vị ấy từ bỏ tất cả những gì liên quan đến Hữu Ngã – Vô Ngã, vị ấy không thắc mắc, không đặt bốn câu hỏi cho Đức Phật, và Đức Phật không cần phải trả lời. Vị ấy đang đi trên con đường hướng tới giác ngộ.
Vậy, ta hiểu Đức Phật là một thầy thuốc đầy thực tiễn. Ngài tùy người tùy bệnh mà cho thuốc, chứ Ngài không tạo ra một thứ thuốc vạn năng cho mọi loại bệnh mọi loại người.
4) CUỘC SỐNG LÀ KHỔ HAY VUI?
Bây giờ, ở ví dụ 2.1 ta thay:
A = cuộc sống.
Già = khổ.
Trẻ = vui.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1)Cuộc sống là khổ?
2)Cuộc sống là vui?
3)Cuộc sống vừa khổ vừa vui?
4)Cuộc sống không khổ cũng không vui?
Ta đã biết, để trả lời được bốn câu hỏi này, ta cần một đối tượng X để so sánh.
- Nếu X ưa hưởng thụ, X trả lời “Không” cho câu 1. X ở đây là những người chủ trương chạy theo vật chất, hoặc chủ trương đoạn diệt, cho rằng chết là hết, và như vậy phải hưởng thụ tối đa trong đời sống hiện tại.
- Nếu X ghét hưởng thụ, X trả lời “Không” cho câu 2. X ở đây là những người chủ trương khổ hạnh hành xác, hoặc chủ trương rằng thế giới này chỉ toàn khổ ải và mong cầu được đến một cõi khác không còn khổ, chỉ toàn vui.
- Nếu X bị chao đảo giữa khổ và vui, X không trả lời được bất cứ câu nào. X ở đây là hầu hết loài người. Đây là vấn đề lớn nhất của phần lớn mọi người. Họ chao đảo giữa khổ và vui: lúc khổ nhiều vui ít; lúc khổ ít vui nhiều; lúc khổ vui như nhau; lúc khổ rồi sau đó vui; lúc vui rồi sau đó khổ v.v.
- Nếu X không còn dính mắc bởi bất cứ điều gì liên quan đến khổ - vui, vị ấy trả lời “Không” cho cả bốn câu hỏi. Vị ấy đang trên con đường hướng tới giác ngộ.
5) CÁC DHAMMA (PHÁP) LÀ CÓ THỰC HAY PHI THỰC?
(chữ dhamma ở đây theo nghĩa được dùng trong các bộ Abhidhamma của bất cứ bộ phái nào – Kan)
Bây giờ, ở ví dụ 2.1 ta thay:
A = dhamma
Già = có thực.
Trẻ = phi thực.
Như vậy, bốn câu hỏi trở nên như sau:
1)Các dhamma là có thực?
2)Các dhamma là phi thực?
3)Các dhamma vừa thực vừa phi thực?
4)Các dhamma không thực cũng không phi thực?
Ta đã biết, để trả lời được câu hỏi trên ta cần một đối tượng X để so sánh.
- Nếu X là người không theo đạo Phật, hoặc X là Phật tử thuộc các bộ phái phản đối Abhidhamma, hoặc X không thích Abhidhamma v.v. thì X trả lời “Không” cho câu 1.
- Nếu X là Phật tử thuộc các bộ phái tôn sùng Abhidhamma, hoặc X ưa thích Abhidhamma v.v. thì X trả lời “Không” cho câu 2.
- Nếu X là Phật tử nhưng không tự mình suy xét được giá trị của Abhidhamma mà phải dựa vào kiến giải của hai nhóm vừa kể trên, thì X bị chao đảo giữa hai cực có thực – phi thực của dhamma. X không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào.
- Nếu X không dính mắc vào bất cứ dhamma nào trong Abhidhamma, không dính mắc vào bất cứ Abhidhamma thuộc một bộ phái riêng biệt nào, vị ấy trả lời “Không” cho tất cả bốn câu hỏi. Vị ấy đang trên đường hướng tới giác ngộ.
Hết
Người viết: Kan
Source: thuvienhoasen