Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhặt dấu thời gian

04/05/201103:37(Xem: 4100)
Nhặt dấu thời gian
labode_phat1
NHẶT DẤU THỜI GIAN

Cư sĩ Liên Hoa

Một con người ngàn xưa
đã có mặt nơi đây

giữa đất trời bao la

cảnh trí thiên nhiên thật đẹp

lòng không còn vướng bận

nguyện lớn rộng vô cùng, đã vuông tròn

với đời sống giản dị, bình thường

không danh không lợi

từ bỏ ngai vàng, sắc đẹp

bỏ tuổi thanh xuân

bỏ lòng tư ẩn

vì nước mắt khổ đau muôn loài

khoác chiếc y vàng hoại sắc,

bình bát đi vào đời

từng lời nói chân tình, ngát hoa tuệ giác,

chan hoà, no ấm lòng người

từng nụ cười, dáng đi, sen vàng nở rực

từ tấm lòng, mưa pháp tuôn rơi

trời người đều lợi lạc

là bóng mát chở che tình nhân loại

là lòng từ bao phủ khối u minh

lặng nhìn, ngưỡng lạy Đấng Từ Tôn

trời người chắp tay, lắng nghe tiếng pháp âm

hận thù không còn đất sống

vô minh từng lúc cúi đầu

tâm người vang rền đời tự tại, an vui

môi mỉm nụ cười, ngát hương giải thoát…

Minh Thanh

Sáng nay, ra vườn để tưới các cây cảnh đang trồng, vỏn vẹn chỉ có vài cây: chậu trúc thân cây ốm yếu, lụ khụ như tiên ông màu vàng xanh, lá mảnh mai, rung rinh theo gió. Chậu hoa quỳnh có vài nhánh hoa quỳnh đang cười héo xọp lại sau một đêm nở, ôi quỳnh hương của tối nở sớm tàn, mong manh như cuộc đời dù bần hèn, dù vương giả, đài các v.v… nhưng ẩn tàng, phảng phất vô thường….Chậu cây bồ đề, thân uốn khúc, vững vàng gốc rễ như tự lâu đời, lá lớn, đuôi lá nhọn dài, mang dáng dấp của hình trái tim, tim cuộc đời, tim con người hay tim được mở rộng đến tâm của muôn loài, trong tuệ giác…

Được săn sóc chỉ vài cây kiểng sau nhà, nhiều lúc là cái thú nhàn nhã, an bình, làm cho tâm hồn đầm xuống, nhưng đôi khi lại chợt buồn, giao động khi nhìn thấy cây ốm yếu hay lá rụng dù đã đổi sang vàng úa hay còn xanh tươi, lìa khòi cành, mang dấu vết mông lung của cuộc ra đi vô tận.

Thoang thoảng đâu đây, hương thơm nhẹ nhàng, dịu ngọt toả cả một không gian lớn. Ồ, mùi hương của mai chiếu thủy. Lúc bé, tôi đã say mê hương nầy, khi được đến thăm viếng nhà những người thân quen lớn tuổi, nhà có vườn và cây cảnh. Những cây mai chiếu thủy được uốn mình theo dáng của bonsai, nhiều kiểu, nhiều tầng, có những nụ họa thon nhỏ bum búp trắng, như cánh thủy tinh dễ vỡ, như giọt sương mai dễ tàn… Cái cánh hoa bé bỏng, mỏng manh nhưng hương thơm kỳ diệu làm cho tâm người lắng đọng, trầm tỉnh. Có một cái gì quyến rủ trong chiều sâu của hương thơm giải thoát nầy, mang sức sống mãnh liệt. Do đó, dù trong cái vườn nhỏ nầy, dĩ nhiên; tôi cũng phải có cây mai chiếu thủy, để mùi hương dìu dắt khứu giác đi vào vùng tưởng tượng, vẫn biết đó là chấp pháp, để cho ngoại cảnh chi phối.

Nhà tôi lúc trước ở Harvey, Louisiana. Louisiana là một tiểu bang có nhiều sắc tộc, đậm đà nhất là người da mầu, trong đó người Việt Nam có mặt, sau cuộc đổi đời, biến cố tang thương của đất nước.

Nếu ai đã có dịp đến New Orleans, Louisiana, có vận động trường Super Dome to lớn, mang hình dáng như cái bánh bao (do người Viêt đặt tên), đến viếng thăm khu phố cổ French Quarter. Nơi đây có quán Café du Monde đã hiện diện trên 100 năm qua, có khu Bourbon Street với những hình ảnh trần tục của con người. Đi bộ dọc theo con đường Canel- con đường chính của New Orleans, thỉnh thoảng thấy có những nghệ sĩ với cây saxophone, thổi những bản nhạc jaz… tiếng nhạc trầm bổng, réo rắc như lời ai oán của những người bị làm nô lệ năm nào, có thể làm nức nẻ tim người lắng nghe. Tôi rất mê tiếng kèn saxophone nầy, nhiều khi lắng lòng để thưởng thức, qua đó, tôi cảm nhận và bắt gặp được cuộc đời của tôi, của biết bao nhiêu người Việt tha hương, nhận nơi đây làm quê hương thứ hai. Ai cũng có quê hương, dù đẹp hay xấu, vẫn vang lên tận trong lòng những nhớ nhung sâu lắng. Đó là quê hương của tuổi thơ, của lớn lên, trưởng thành, bâng khuâng, chen chân vào đời, để tìm một hướng đi, bước đến tương lai. Có những con đường quen thuộc trên những nẻo đuờng của Saigon thuở nào, với biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp. Những hàng cây trải dài, những đám mây lơ lửng, những ngày nóng, nắng chói chang, những cơn mưa vội vả đi về v.v… tất cả những hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, con đường… đã làm cho tai mắt mũi luỡi thân ý bơi lội, vẫy vùng, làm chất liệu phù sa để bồi đắp cho dòng sống của con sông, con rạch tâm linh hướng chảy ra biển cả mênh mông.

Tôi còn có một quê hương tâm linh, là suối nguồn tươi mát, êm dịu, thanh thoát đã đang sẽ là dòng nuớc thanh luơng tưới tẩm ôm ấp cho nhân loại- nói chung, qua bao nhiêu bỉ cực, đói nghèo tâm hồn, khổ nạn của cuộc đời thiếu vắng bóng từ bi, thân thiện… và nói riêng, đã chia sẻ ấm no, bùi ngọt trong biết bao nhiêu là vinh nhục, thăng trầm suốt dòng lịch sử và sinh mệnh của con người và đất nước Việt.

Tôi hiểu được sự đơn giản, bình dị nhưng đầy lợi lạc trong suối nguồn vi diệu của Giáo pháp Đạo Phật. Phật giáo nhẹ nhàng, thanh thoát như hương thơm giải thoát của các loài hoa lan, mai chiếu thủy v.v.. lan toả cho mọi người - dù có duyên hay không - vẫn bình đẳng tưới tẩm hay như trận mưa diệu pháp ngào ngạt từ tâm, tuôn xuống, thấm nhuần tất cả các loài, cây cối, dù cao thấp, dù lớn nhỏ…

Nhưng, cũng từ nơi suối nguồn diệu pháp này, những lời dạy như “Ba cõi không an, giống như nhà lửa”, là những tiếng chuông cảnh tỉnh đế mọi người về sự hiện hữu mong manh của vạn pháp, sự bất an của cuộc sống, sự ưu tư, lo lắng, đau khổ của tâm bất an… tất cả như quyện nhau lôi kéo mọi tâm hồn cần đến chất liệu giải thoát của Đạo Phật.

Đoàn xe chở người đi hành hương đã vượt qua bao nhiêu là cây số ngàn, tưởng chừng như nếu kéo một đuờng thẳng, sẽ không bao giờ nhìn thấy được cuối đường. Nhưng, tự trong tâm trí, hình ảnh của Đức Phật đã ngự trị, chiếm trọn như đôi bàn tay diệu hiền của bà mẹ ôm trọn đưá con của mình, làm lòng ấm áp, thư thái, an lạc.

Đã bao ngàn năm trôi qua, hình ảnh đó, tấm lòng đó, sự thị hiện giữa cuộc đời uế trược với tư thái, với tuệ giác vô cùng, với từ bi vô lượng đã hiện diện không cùng tận trong tâm người con Phật. Mỗi lời nói, mỗi chân ngữ, mỗi lời thuyết giảng của Ngài đều làm cho mọi sinh linh tự quán chiếu lại mình để nhận chân được tánh Phật vẫn sáng ngời, soi chiếu trong tâm. Đó cũng là mãnh lực vi diệu vô cùng đã dẫn tất cả mọi người trong đoàn hành hương trên đất Phật tiến bước, dù mồ hôi có đổ xuống, dù gian nan, dù nhiều lúc bị đói mệt v.v… nhưng môi vẫn nở nụ cười, lòng vẫn hoan hỷ, không thay đổi, không sờn lòng, biến chuyển, vẫn sắt son với ước nguyện của khởi đầu dấn bước theo cuộc hành trình.

Càng vưọt qua những chặng đường dài, càng cảm nhận được hết tấm lòng của Bậc Đại Giác, đã không trụ vào Niết bàn, mà vì sự khổ đau của muôn người, dẫm những bước chân trên các nẻo đuờng trần gian, chuyển bánh xe Pháp.

Ấn Độ của những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vẫn còn đầy nắng nóng, như thách thức với tấm lòng của mọi người… nhưng, đoàn người đã tới được thành Xá Vệ (Sravasti) sau khi qua đoạn đường quá dài, gập ghềnh, cát bụi, mệt lã người. Những hoạt cảnh nối tiếp ở hai bên đường, hình như không còn ai muốn để tâm, chú ý đến. Cũng xứng đáng để đến được nơi đây cũng như may mắn là đi hành hương về đất Phật trong những năm tháng sau nầy, vì so với những năm về trước, thì đường xá đã tốt hơn, số người đi chiêm bái đất Phật ngày càng đông, nên những dịch vụ để phục vụ cho sinh hoạt của du khách có cải thiện và phát triển nhiều hơn.

Thành Xá Vệ là Kinh Thành lớn mà xưa kia thuộc Thủ phủ của nước Kosala, do Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) cai trị. Theo lịch sử ghi lại, Vua Ba Tư Nặc có người con trai là Thái tử Tỳ Lưu Ly - người đã tàn sát dòng họ Thích, dù đã ba lần Đức Phật can ngăn, nhưng vì nghiệp lực, nhân quả và hận thù của quá khứ của hai dòng họ, nên đã không được giải kết.

Đoàn tiếp tục tiến vào khu vườn Tịnh xá Kỳ Viên (Jetvana), do Ngài Truởng giả Cấp Cô Độc phát tâm bằng cách lát vàng mua khu vườn của Thái tử Kỳ Đà để dâng cúng Đức Phật cư ngụ và truyền bá Giáo Pháp, như nhiều Kinh sách của Phật giáo đề cập đến. Khu Tịnh xá nầy rộng chừng 2 mẫu. Trước cổng vào nơi Tịnh xá thiêng liêng nầy, có trồng cây BÒ ñŠ A Nan (Anand Bodhi). Theo sử ghi lại là do Ngài MahaMoggallana (Mục Kiền Liên) lấy giống từ cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng đem về trồng do theo lời thỉnh cầu của Ngài A Nan. Từng bước, từng chỗ, từng mảnh đất đi qua tại Thánh tích nầy, tất cả như làm sống dậy hết tất cả những hình ảnh xưa cũ, nhưng hoạt cảnh đó lại hiện hữu trên từng chân bước, cảm nhận được của giờ phút hiện tại…

Đoàn đến nơi Hương Thất của Đức Phật, hiện nay chỉ còn lại nền bằng gạch, nơi mà xưa kia Đức Phật thường trú ngụ qua 24 mùa Hạ và cũng từ nơi đây, nhiều bộ Kinh quan trọng của Phật giáo đã được thuyết giảng còn lưu truyền đến ngày nay. Nơi giữa chỗ Phật ngụ, hoa đang rải phủ ngập, màu đỏ rực, hương thơm nhẹ nhàng vi diệu toả ra chung quanh hoà lẫn với hoa của các cõi trời rải xuống cúng dường. Hạnh phúc thay! Vui mừng thay! Nhưng làm sao có thể biểu lộ được tất cả tấm lòng nầy để dâng lên Phật. Có một mãnh lực nào đó, mà đã biết bao con người đến đây, đều tự động đồng loạt quì xuống, chiêm ngưỡng. Đâu cần phải có lời nói, có ngôn ngữ, nhưng sự im lặng, lắng sâu vào trong nội tâm… thì càn khôn, vũ trụ như đã dừng lại, nương theo tấm lòng của người con Phật, để thấy tánh không tịch, để thấy sự cảm ứng của đạo vị không nghĩ bàn.

Cũng từ cõi đất nầy, đã và đang có bao nhiêu là các vị Bồ Tát (Tòng địa dũng xuất) từ đất hiện lên để xưng tán, để vi nhiểu, đảnh lễ Đức Phật, vị Đại Giác Ngộ đã đem lại lợi lạc cho biết bao nhiêu con người, vạn loại và cũng chính là để tự xác quyết vào chính mình, bước đuờng đi của các vị Bồ Tát với tâm không thoái chuyển, là nhân hạnh thành Phật của tương lai. Ngày xưa, có những con người đã có mặt nơi đây, nghe Phật giảng dạy, nhận thức được Tánh Phật nơi mình và mang tâm nguyện Bồ tát vào đời để cùng con người dấn bước trên đuờng trở về; nhưng ngày nay, cũng vẫn có những con người mang hoài bảo lớn của tâm linh, không phải để phiêu lưu trong vọng tưởng êm ái nào đó, nhưng là để chứng thực tấm lòng của mình, của người và hoà nhập với nhau trong đường hướng đem đạo Phật vào trong cuộc đời, chia sẻ đến mọi con người với ước mong xoa dịu niềm đau nổi khổ..

Chung quanh Hương Thất, còn nhiều nền các tịnh thất dù đã bị suy hoại, tàn phá bởi con người và thời gian, nhưng vẫn còn ghi chứng dấu vết các tịnh thất của các Ngài A Nan, Ca Diếp, Mục Kiền Liên... là những đại đệ tử của Phật. Nhìn cảnh vật quanh đây, chùa tháp đã suy sụp, khiến Đoàn người hành hương không một ai là không cảm thấy bùi ngùi, xúc động, xót xa cho sự vô thường diễn ra trước mắt, nhưng linh khí như vẫn còn dầy đặc bao phủ khu vực nầy. Dù thời tiết thay đổi bất thường, nhưng lòng ai nấy đều cảm nhận niềm an lạc vô biên tràn ngập. Đoàn đã ngồi thiền, tụng kinh và sau đó, đi kinh hành, triền nhiễu quanh khu vực Hương Thất của Đức Phật, để quá khứ không còn, mà chỉ là hiện tại, với tấm lòng chí thành. Trong tâm ai cũng cảm nhận được sự an tịnh, dù có sự nhộn nhịp đâu đây do số người quá động. Nước mắt cũng tuôn rơi, những giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui suớng, của pháp lạc, của hiện pháp lạc trú…

Sau khi đi nhiễu nơi Hương Thất xong, đoàn đi dọc theo những tháp, nền chùa chung quanh, dù đã bị suy sụp, hư hoại, để lễ bái và chụp hình lưu niệm những khoảng thời gian tâm linh thật đẹp.

Tiếp đó, rời khu vườn, đoàn người thăm một ngôi Chùa nhỏ (Buddhist Temple) nằm phía trước cổng, phía bên kia đuờng. Khi đã lễ lạy, cúng dường xong, Đoàn được hướng dẫn lên sân thượng để được nhìn thấy hai cái hồ nước mà sử ghi rằng một hồ là nơi đoạ lạc của Devadatta, còn một hồ của một nữ tín đồ ngoại đạo vu cáo, hại Đức Phật.

Tiếp đến thăm Tháp của Ngài Vô Não (Angulimala) là người đã tin cuồng tín vào tà giáo dạy cần phải giết nhiều người để lấy ngón tay hầu đạt đạo, nhưng khi gặp đức Phật và dù chủ tâm hại Ngài, nhưng không thành công và đã được Phật cảm hoá trở thành đệ tử. Còn Tháp của Truởng giả Cấp Cô Độc thì chỉ được nhìn từ xa, không tiếp cận được vì thời giờ eo hẹp, tranh thủ với bóng chiều gần kề, cần khởi hành sớm cho cuộc hành trình tiếp tục. Rời khỏi nơi đây, nhưng lòng mọi người như còn tiếc nuối vì thực ra cũng nên đến thăm và đảnh lễ Tháp của Ngài Cấp Cô Độc để tỏ lòng tri ân đối với Bậc Đại Thí Chủ của Phật giáo, có công hạnh lớn khi xây dựng trụ xứ để Đức Phật an ngụ và trao truyền giáo Pháp.

Đoạn đường vừa vượt qua, với những pháp hữu vi được nhìn thấy, tiếp cận như là thành quách, tháp miếu, chùa chiền v.v… biến đổi, hư hoại theo thời gian. Những cảnh đói nghèo, khổ sở của các người ăn xin tại mỗi nơi Thánh tích rất là nhiều, có người bò lê lết, có những người ốm yếu, bơ phờ, tật nguyền do cuộc sống đói kém, thiếu thốn… nhưng may mắn cho họ là hữu duyên gặp đuợc rất nhiều đoàn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới, đến chiêm bái, ngồi thiền, tu tập các Pháp chuyển tâm tại các nơi Thánh địa này… do lòng từ muốn chia sẻ chút ít, đã có giúp đở phần nào cho họ- những người xin ăn và họ đã biết niệm Danh Hiệu Phật với nhiều ngôn ngữ khác nhau, dù với tâm địa như thế nào, nhưng khi mà Hồng Danh của Đức Phật một phen qua tai để nghe được, một lần đã được niệm đến Danh Hiệu Bậc Đại Giác từ đôi môi xưng tán, một hình ảnh trang nghiêm, giải thoát của Đức Phật mà con người được nhìn thấy với lòng kính trọng v.v… thì chắc chắn rằng, những ích lợi tâm linh rất lớn sẽ chuyển đổi những nghiệp lực, nghiệp quả xấu xa và đưa họ đến một hình tuớng đẹp, một đời sống an lành nào đó…

Những hoạt cảnh vừa nêu trên, cũng nói lên hình ảnh, cõi giới mà chúng ta đang sống với rất nhiều biến đổi, vô thường, vô ngã, không an như Kinh thường ví dụ “Ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới không an, giống như nhà lửa”. Lửa của nghiệp lực, của phiền não, của vô minh, của sinh già bệnh chết, khổ đau đã bao phen dằn vật lên thân phận con người, muôn loại.. Làm sao để có thể vượt thoát ra khỏi rừng rậm u minh nầy? Làm sao có thể chấm dứt khổ đau và sống trong An Lạc, Giải thoát, Tự Tại…

Nhiều tôn giáo đã cố tìm đáp án cho dòng sinh mệnh nầy, với những giáo lý, kinh điển, triết thuyết, siêu hình v.v…và trình bày với con người những con đuờng đi như với đức tin, với cầu nguyện, thần phục, làm lành lánh dữ theo thiên ý v.v.. để được cứu rỗi, được đưa về một cảnh giới hứa hẹn nào đó.

Đạo Phật đi nguợc lại trào lưu đó, đưa con người tiếp cận, sống với tâm, với tuệ giác của chính mình, vì Đức Phật nhìn thấy rằng biết bao nhiêu tín lý, bao nhiêu là triết thuyết v.v… đều đưa con người xa rời với mảnh đất của tâm, bám víu vào những huyễn ảo không phải thực của chính mình, vì đó cũng là giả danh giả hợp. Cho nên, Đạo Phật qua biết bao nhiêu pháp môn hành trì, tu học… đều dụng công đem đến hay đặt lại nền tảng cho cuộc hồi sinh các giá trị đích thực của con người- con người với những yếu tính như si tham sân, nhưng lại là nguồn gốc của Giác ngộ hay Giải thoát, cũng thành tựu, nở hoa từ các thành tố nầy, như “phiền não tức bồ đề”.

Giá trị của cuộc tái sinh thành con người nhân bản, thánh thiện không phải là những danh từ hoa mỹ, hay triết lý suông, hình dung từ của Đức Phật, nhưng là bản chất, là sự sống, là chất Phật của chính mình, của mỗi giây phút, mỗi sát na, trên từng bước chân hiện sinh, do từ mỗi một sự chuyển hoá tâm… ví như hoa sen (padma) vươn lên từ bùn nhơ, uế nhiễm nhưng lại mang đầy đủ các bản chất như tánh không nhiễm nhơ, tánh làm thanh tịnh, trong sạch, cải hoá chung quanh, tánh mang hương sắc diệu hiền, cao thưọng, thanh thoát… nhưng tất cả các bản chất trên lại thể nhập lại thành một hoa sen.

Vẫn con đường xưa đó
Có hàng cây che bóng mát

Có gió vui chơi, mang cánh diều bay bỗng

Thôi xin trả lại màu thời gian ươm mộng

trả lại mắt môi gửi bến vô thường

trả lại mùi hương không mang hương vị

để dòng sông tánh giác mở lối con thuyền

chở bình minh dọc đời ảo mộng

con đường trở về, trăng mở hội như xưa

thuyền ơi, dừng lại trên bờ tâm nhỏ

chở hết vầng trăng buổi sớm mai

nghe trong hơi gió, cơn mưa pháp

chợt thấy đôi môi nở nụ cười….

Minh Thanh

Cuộc đời của Đức Phật vẫn là một gương lành, là bài ca siêu thoát, là một tác phẩm tâm linh không thể nào diễn tả hết được chiều sâu vô tận, nhưng chỉ khi nào tâm trở về tâm, ta sẽ cảm nhận và sống thực chan hoà với vùng trời bao la, thanh thoát nầy.. Đó không phải là một huyền thoại, một biểu tượng vô hồn, nhưng là cả một tâm hồn bao dung cao cả, rực ngời của tâm đại từ bi và tuệ giác như ánh sáng vô lượng, không gì so sánh, không thể nghỉ bàn, vi diệu, trải dài theo tánh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.. Đức Phật là con người, nhìn thấy sanh già bệnh chết, nhìn thấy nghiệp báo đeo dai dẳng trên thân phận con người, nhìn thấy vòng mắc xích ràng buộc con người trong các cảnh giới, sanh tử tử sanh v.v… Ngài đã lập nguyện lớn, tu hành và chứng quả Giác Ngộ Vô Thượng và Ngài đã đem tất cả những gì qua Giáo Pháp mầu nhiệm để giảng dạy, có thể giúp cho chúng sinh nếu tu theo, chuyển hoá tâm, sẽ đạt được Giác ngộ như Ngài. Sở dĩ nói Giáo Pháp của Đạo Phật là nhân bản đúng nghĩa, vì đến từ con người, vì con người, con người của đau khổ đã chuyển hoá tâm, đạt không tánh, chứng nhập Chân Như và là một Giáo Pháp Như Thật.

Là một hữu tình với tất cả những yếu tố cấu tạo nên con người: Bảy pháp trói tâm (thất tình), Sáu đường tham muốn (lục dục), lại bao gồm các nhân duyên như địa-thủy-hoả-phong-không-thức-thời-phương, phối hợp cùng năm uẩn như sắc- thọ- tưởng- hành- thức cộng với dòng nghiệp thức, chúng ta đã có một sinh mạng giả hợp để hiện hữu, để sinh tồn. Mặc dù không có thể biết đuợc nơi nào chôn dấu niềm đau, nổi khổ, dù là dục giới, sắc giới hay vô sắc giới, nhưng chúng ta biết mình có niềm đau nổi khổ, đến từ vọng niệm, vô minh, tham chấp và từ những nhân dù tốt hay xấu, dù thiện hay ác, sinh ra những quả và từ quả lại trở thành nhân, để rồi tạo ra bao nhiêu hệ lụy, phiền não, đưa đến đau khổ hay hạnh phúc dù tái sinh ở bất cứ nơi nào, sẽ có nhân quả tương ứng. ”Nhân địa dụng công, quả địa liền theo như hình với bóng”, trừ khi bước chân của tâm dừng lại.

Bàng bạc trong sự chấp trước, lấm tấm bụi trần, từng hạt sỏi, hạt cát, từng cây cỏ, từng giọt nước, sương rơi, dòng suối chảy hiền hoà, biển cả bao la, núi non trùng điệp, trời đất trong thế giới hũu tận v.v.. vẫn chứa đựng trong chiều sâu, có trùng trùng nỗi đau xót, bất an, phiền muộn và tâm như vậy, thì cảnh cũng tùy thuộc, sinh hoá như vậy.

Chúng ta có đôi mắt thịt, mắt trần gian để nhìn sự vật, trước mặt, chung quanh, nhưng chỉ giới hạn trong một khoảng cách nào đó. Nhưng, chúng ta cũng có con mắt pháp- tuệ nhãn- nhìn rõ nhân duyên cấu tạo của các pháp, tường tận, soi sáng con đường đi, để thoát ra khỏi tham chấp, đi đúng theo chân lý, vì con mắt pháp rộng rãi, sáng suốt được đến từ sự tu tập, quán chiếu của nội tâm, thấy được chân tánh, chân tướng.

Trong Kinh Giáo Giới Channa, đọc đoạn Tôn giả Sàriputta nói lời giáo giới: “Do vậy, này Hiền giả Channa, lời dạy này của Thế Tôn cần được tác ý: Ai có chấp trước là có dao động. Ai không chấp trước thì không dao động. Không dao động thì khinh an. Có khinh an thì không hy cầu; không hy cầu thì không khứ lai; không khứ lai thì không tử sinh; không tử sinh thì không có đời này, đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.

May mắn cho chúng ta, khi có lòng thâm tín đối với Đức Phật và với giáo Pháp của Ngài mà chúng ta học và tu học được, làm tâm chính mình dụng công đi vào nguồn sung mãn pháp lạc, pháp hỷ, pháp an, pháp tự tại.

Chúng ta đã đi qua từng chặng đường để trở về với Tánh giác, theo lộ trình của Bảy Phần Giác Ngộ (Bojjhanga) như đã từng phần trình bày, minh chứng… để bước đi trong sự An Lạc (Passadhi).

Theo định nghĩa Passadhi ( An) gồm toàn thể các tâm sở, có hai phần: thân và tâm. Thân an (kàya passadhi) như sự an tĩnh của thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và tâm an (citta passadhi) như sự an tĩnh của thức uẩn.

Tất cả những tâm sở từ lâu đã khuấy động, lôi kéo con người khi tâm bất an, tạo nên các sóng thần nghiệp báo, hứng chịu và trải qua bao nhiêu là con đường dù thiện hay ác, chồng chất thêm gánh năng nghiệp lực trên đôi vai giải dầu mưa nắng, gió sương.

Giáo Pháp của Đức Phật như kéo lại cái tâm buông lung, chao đảo, đem tâm trở về thân. Tâm không an trụ, cuộc đời sẽ mãi triền miên trong đau khổ, vì lấy cảnh làm thật, lấy vô thường làm hiện hữu, lấy vọng niệm làm pháp chấp. Chỉ có sự chuyển y qua sự tu tập, quán chiếu, kéo dạt qua đám mây mờ che phủ ánh trăng để trăng soi tỏ, trăng chiếu sáng rạng ngời, trăng mở không gian rộng thênh thang trên bầu trời tánh giác. Đèn tuệ là đây, ánh sáng quang minh là đây, được vực dậy từ trong những phiền não, nhận chân, chuyển hoá toàn vẹn tâm thức được cấu tạo bởi dục vọng, tham ái, chấp thủ.

Đạo Phật đưa con người trở về với chính mình, khơi sáng tánh giác tự tâm, để trưởng thành, để nhận chân được cuộc đời, buông rơi gánh nặng đã đeo trên thân qua biết bao nhiêu là cuộc bễ dâu, bao nhiêu là vòng lẫn quẩn tử sinh sinh tử. Từ tánh giác sẽ là ngọn đuốc giải hoặc bóng tối, gở rối những kiết sử (sợi dây trói buộc, xui khiến)- là những nhận thức sai lầm về thực tại, làm khuấy động thân và tâm trong vọng niệm và loại trừ những chấp trước như những nhận thức sai lầm về thân (thân kiến sử), nhận thức thiên lệch về một bên (biên kiến sử), nhận thức mê mờ, sai lạc (tà kiến sử), chấp chặt những gì mình cho là đúng (kiến thủ sử), sai lầm về giới như giới nào là đúng, là sai (giới thủ sử) v.v… và nhận thức rõ đúng bản chất của mọi hiện hữu đều bị ràng buộc lẫn nhau để thành hình, có mặt do bốn duyên giao kết như: nhân duyên, sở duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên.

Rõ đuờng đi, hiểu được chất tố của pháp dược đã được Đức Phật- một vị Lương Y đầy từ bi hỷ xả và Đại giác, chúng ta sẽ không còn nô lệ, dù nô lệ cho bất cứ những gì đã đè nặng nội tâm, trên thân phận con người, dù đó thần quyền hay đấng nầy đấng nọ. Bởi vì tất cả mọi cảnh giới như trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh hay trờ thành các Bậc Thánh nhân v.v.. đều được tạo thành do con người qua sự chiêu cảm của nghiệp lực hay do sự dụng công tu hành.

Nhìn xuyên suốt lại những chặng đường đã qua, từ lúc khởi hành, nay đến được chiêm bái nơi Tịnh xá Kỳ Viên, những hình ảnh của pháp như trải dài theo bước chân đi, cũng như bước đi dò dẫm vào cuộc đời qua bao nhiêu biến thiên của đời sống, của xã hội. Chúng ta đã trang bị cho mình nguồn mạch tâm linh của Phật giáo để làm thăng hoa cuộc sống, hoá giải mọi biến động của nội tâm, tự tại trong những hành vi và suy tưởng.

Giữa cuộc sống hiện tại, hạnh phúc cho chúng ta là có đầy đủ mọi phương tiện như Kinh sách, Luân giải, truyền thanh, truyền hình, Internet, các trang nhà Phật giáo, kể thật là phong phú, vô biên.. để chúng ta tiếp cận, học hỏi, tạo tư lương tâm linh, tu học và từ đó, có thể dấn thân vào cuộc hành trình trở về tâm linh. Các pháp tu mà Chư Phật, chư Tổ v.v… đã phương tiện trao truyền lại, đưa con người đến Nhất Thừa là Phật thừa, là thành Bậc Tỉnh Thức, có rất nhiều, rất nhiều.

Chúng ta có Thiền với Thiền Giáo đồng hành, hoặc “bất dụng văn tự” hay các phương pháp Thiền như Thiền Minh Sát (Vipassana) v.v… thấy “đương thể tức không”, nhập được Tánh không, đi vào Chân tánh.

Có Pháp môn Niệm Phật với Tín Hạnh Nguyện để tạo thành Cảnh giới Cực Lạc ngay trong đời hiện tại, Cực Lạc Tự tâm, qua sự dung thông, viên định của niệm Phật Tam Muội, biết được đường về.

Có Mật giáo với cuộc “du hí thần thông” qua Tam Mật Tuơng Ưng, thể nhập vào Như Lai Đại Nhật hay Bổn Tôn, tức Phật Tâm và mọi diệu dụng đều “tùy sở đắc vật hay tùy tâm thị hiện”.

Đâu là sự sai biệt giữa các Pháp môn của Đức Phật hay tất cả chỉ là phương tiện như “tám vạn bốn ngàn pháp môn” khác, đưa người đến bờ Giác. Quan trọng là chúng ta có thực tu hay không, và các “phương tiện thiện xảo” đó được ứng dụng tùy theo “khế cơ khế lý” của chúng ta. Không có một công thức cố định nào cho các pháp môn, không có một phương thuốc duy nhất nào cho các bệnh nhân, nhất là tâm bệnh. Nếu có một công thức giải thoát chung cho tất cả mọi người để thành Phật, thành Bồ Tát… thì Đức Phật không cần phải hành hoạt trên bốn chín năm trời để giáo hoá chúng sanh và các pháp tu của Đạo Phật không bao la, rộng lớn, uyên thâm như hiện nay để tùy căn cơ chúng sinh mà thích ứng.

Phật thường dạy rằng: ”Không có một pháp nhất định gọi là pháp, tức là pháp để tu hành = Vô hữu định pháp danh A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề”. Chỉ biết rằng, nếu chúng ta thực sự tìm đến Đạo Phật để thực tập tu học, thiền, niệm Phật, hay nhập đàn trì chơn ngôn, nếu tinh tấn, miên mật, tâm không thoái chuyển, quả vị Giải Thoát dù chưa đạt đưọc trong hiện đời, nhưng trong đời sống đã có những biến chuyển tốt đẹp.

Như trong từng lời nói tâm tình nơi đây, dù là dùng văn tự trần tục, muợn cảnh nói tâm, nói đến chiều sâu của Chân Như và có sự giới hạn của văn tự sống, vì người viết chỉ là một người đang tu tập, sơ cơ, nhưng có phải nơi những dòng chữ nầy có hương thơm của Thiền, có sự hành hoạt diệu dụng của tâm; có cảnh giới Cực Lạc dù không có Trì niệm Danh hiệu Phật, hay là có sự dung thông, gia trì của Bản Tánh Đại Nhật trong Mật giáo?

Đã biết bao nhiêu lần, chúng ta cố đem tâm ra để trình bày cho Tổ để được an tâm, vì tâm hồn quá đau khổ trong nghiệp lực đẩy đưa và chúng ta muốn vượt thoát qua. Dù nhìn lại mình, nhìn lại Tâm để đưa ra, nhưng khi quán chiếu lại, không thấy tâm ở đâu, băn khoăn, rối rắm, sợ hãi… nhưng rồi vẫn theo lối cũ đường xưa, ôm lại cái tâm vọng niệm, thấy nhân, thấy ngã, thấy chúng sinh, thấy thọ giả, bỏ rơi cuộc trùng phùng kỳ diệu với chân tâm.

Tất cả pháp môn của Đức Phật không ngoài “Giới Định Tuệ” và “Tâm Đại Từ Bi”, đây là pháp môn dung thông tất cả mọi triết thuyết, mọi triết lý, tư tuởng, tôn giáo v.v.. trên thế giới, vì nếu không thấm nhuần, thực tu theo pháp môn nầy hay thiếu “Giới Định Tuệ và Tâm Đại Từ Bi” thì rất là nguy hiểm cho mình, cho môi trường chung quanh, cho xã hội, cho nhân loại, vì tất cả mọi đối tác, hành động sẽ đều mang dáng dấp của si tham sân, ái ngã và chấp trước.

Như chúng ta được nghe nói: ”Nếu bộ áo cà sao có thể làm cho con người giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử, thì chúng ta cứ việc phủ cho đứa bé khi mới chào đời”, nhưng không bao giờ được, vì không một ai có thể giải thoát cho ai. Vì thế, Đạo Phật chú trọng sự tu hay sự dụng công tu tập. Chuyển hoá tâm, tức chuyển hoá toàn bộ tâm thức, tâm sẽ an định. Tất cả mọi suy tưởng, mọi hành trạng, mọi dụng công, mọi đối tác v.v… nếu đến từ tâm an, thì diệu dụng sẽ vô cùng, vì chúng ta đã tạo được Công Đức chân thật là nhập vào Pháp Thân, do dụng công, do tâm bình đẳng và do miên mật trong tánh giác như lời của Ngài Huệ Năng dạy.

Bạn ạ! Chúng ta hãy dành ra một phút giây nào đó của một ngày, để nhìn lên bầu trời, nhìn thiên nhiên, vạn vật có mặt chung quanh, vì tất cả mọi vật mà ta có thể nhìn thấy bên ngoài- gần xa, hoặc suy tư đến hoặc giả khi quán chiếu lại mình v.v.. đều đồng thời hiện hữu, kỳ diệu. Vạn hữu vừa có mặt, vừa biến đổi, vừa tương duyên lẫn nhau, vô thường. Không gian, thời gian, pháp giới có lúc là vô cùng tận, nhưng qui lại chỉ là một niệm, vô niệm.

Vô tình, bắt gặp một hạt sương rơi còn bám trên một nhánh dây, lung linh trước gió. Trong giọt sương ẩn chứa biết bao nhiêu là bài pháp, tùy người cảm nhận. Pháp của tương duyên tương sanh, pháp của không thời gian, pháp cùa sự im lặng trong im lặng, khi tâm trở về tâm.

Tôi đã bắt gặp câu kệ nầy từ lâu rồi, nhưng mỗi lần chiêm nghiệm về cuộc đời qua bao nổi thăng trầm, vinh nhục v.v. lại càng cảm thấy bức xúc và thấu hiểu được chiều sâu của lý vô thường.

Tuy nhiên, vì hiện hữu là một con người, tôi phải sống và làm tất cả những gì mà con người cần làm, một cách hợp tình hợp lý, chính danh, để cho chính mình có cuộc sống ý nghĩa và để lại chút gì đó, có hơi hướm của hương trầm cho cuộc đời. Vẫn biết rằng, tất cả mọi pháp đều sanh diệt, biến hoại…và thân mạng con người là vô giá; nhưng để có được một chút tư lương mà tôi hằng ôm ấp, nuôi dưỡng và sống với, có thể không quan trọng đối với bạn, nhưng với tôi lại là tấm lòng chân chất, dấn thân.

Tôi có gia đình và có những đứa con, nên phải sống một cách tốt đẹp, vì tôi, vì các con, vì cuộc đời, vì xã hội… để có món quà tốt đẹp lưu lại cho các con. Là người cha, là người Phật tử mang một ít hạt giống Phật mà mình nhận thức và với bao nhiêu năm ươm mầm, tưới tẩm… tôi hiểu được sự đau khổ của các con khi sống trong một gia đình mà cha mẹ bất hòa, xáo trộn, gây cấn. Hạnh phúc quá đơn giản như khi tình thương được chan hoà, chia sẻ trong gia đình, dù gì với bất cứ lý do gì. Ánh mắt của hạnh phúc, của yêu thương… như ngọn lửa đốt cháy tất cả mọi dị biệt, thành kiến, chia rẻ trong gia đình, xã hội, vì biết rằng: Sự đau khổ của người cũng chính là sự xót xa, bầm dập của mình.

Đạo Phật đã cho tôi quá nhiều lợi lạc, an vui… qua sự thực hành giáo Pháp của Ngài và qua sự sống lục hoà với chính mình, với gia đình và với môi trường chung quanh. Từ đó, tôi hiểu rằng lý do vì sao mà Đạo Phật ngày càng phát triển ở mọi nơi, từ quốc gia này đến quốc gia khác, mọi chân trời; bởi vì Đạo Phật mang tinh thần nhân bản, phóng khoáng, hoà bình và thực dụng. Tất cả chất liệu sống nầy đến từ một con người bình thường, nhưng là bậc Đại Tỉnh Thức vượt lên trên tất cả những uế nhiễm, vô minh. Như Kinh Pháp Hoa nói: ”Như Lai toà giả, nhất thiết pháp không thị”. Sự bình dị, chân chất, tự tại của Đức Phật không phải vì vũ khí hay biểu dương sức mạnh nào, nhưng lại ảnh hưởng vô cùng đến muôn loài, nên đem lòng quí trọng, không phải chỉ từ thưở trước, mà còn lan rộng đến hôm nay và mãi mãi sau nầy.

Tôi hiểu là làm sao mà tôi trở thành Phật tử, là đệ tử của Đấng Giác Ngộ, vì Ngài đã chỉ cho tôi cách sống Hạnh Phúc thực sự, cách trở về lại chính mình, cách để trở thành người thanh thoát, sống trong tâm Phật và trong tiến trình thành người tỉnh thức toàn vẹn. Mở không gian của tâm rộng lớn, để mang tâm nguyện bao la..

Tâm an thì tư tưởng ổn định, tâm sẽ sáng suốt, bình thản trước các pháp để có cái nhìn chân thật, là nền tảng vững chắc để kiến thiết và chia sẻ nổi đau của xã hội, của con người, dù ở bất cứ đâu… Nghĩ đến thân mạng con người khó được, nên rất quí trọng và ráng dung nó để tu đức cho có công, để tánh đức ngày càng sáng, hiện rõ.

Khi quán sát thấy năm uẩn đều không, tự thấy mình và muôn loài đều cùng thể tánh, tánh Phật và từ đó, nhận ra rằng vạn hữu đều mang ân nặng lẫn nhau do các pháp hiện hữu tương duyên tương sinh, không tồn tại biệt lập...

Những tin tức về những biến động của đất nước Tây Tạng đã làm tâm hồn tôi đau xót, đã có những người chết, có tiếng nói kêu gọi Hoà bình, tôn trọng thân phận con người. Đất nước Tây Tạng nhỏ bé, dân số ít, không tài nguyên thiên nhiên như nhiên liệu v.v… Người tu nhiều hơn là người thường, tôn giáo và đời sống thường tục dung hoà và có nền văn hoá tâm linh cao vời vợi, đó là giá trị cao đẹp, ích lợi cho con người hiện nay trong cơn bối rối, dầu sôi lửa bỏng của xã hội, trái đất… Tôi đã chắp đôi tay lại, dâng lên Đức Phật lời cầu nguyện cho những giá trị con người mãi luôn tồn tại.

chiếc áo cà sa loang máu
đôi vai trần gánh nặng lòng từ

trước bão tố hận thù trút xuống

trước sắc thép vung lên

này người ơi ! dã tâm sẽ không tồn tại

bạo lực sao chịu nổi trước tâm người

có đổ xuống muôn ngàn vũ khí

có hung hăng dập nát thân nầy

có nhiều người ngã gục

có máu tràn ngập phố phường

nhưng chúng tôi không oán thù

chúng tôi không chống trả

nhưng hỏi rằng, làm sao người trả lời với luơng tâm

làm sao trả lời với loài người

chúng tôi có quyền sống

với giáo pháp từ bi đơm hoa nở tình người

với trí tuệ rạng ngời dắt người qua nẻo tối

chúng ta là con người

nào phải là dã thú

nào phải là kẻ thù

nào phải là người xa lạ

xin mở vòng tay để là biển rộng

xin mở tâm hồn để vũ trụ bao la

Trăm năm rồi khép lại

một cuộc đời rồi qua

tôi xin chắp tay lại

xin tặng người những búp sen non….

Minh Thanh

Chúng ta cũng nhìn thấy bao thảm cảnh xảy ra trên thế giới, trong ngôi nhà bé nhỏ của hành tinh mà mọi loài đang sinh sống, vẫn còn bạo lực, hận thù tràn đầy và chúng ta phải làm sao? Tâm an đã cho chúng ta có sự sáng suốt, nhìn thấu rõ nguồn cơn của căn nhà lửa nầy và mong rằng ai nấy đều thức tĩnh. Hãy sống như đoá hoa sen thơm, ngoi lên từ bùn nhơ, vươn khỏi phiền não, uế trược, và để ngày ra đi, chúng ta vẫn còn lưu lại những hạt sen để kết thành những xâu chuổi tâm linh, dù nhỏ nhoi, khiêm tốn, nhưng mang lại ích lợi cho mọi người muốn dụng công tu học, muốn chuyển hoá tâm minh, để tâm trở về thân, trở về lại tâm sáng suốt mầu nhiệm và làm lợi lạc cho mình, cho người. Tôi không biết rằng: Đây có phải là Pháp Bố Thí vi diệu không?

Khi muôn loài đau khổ
Tâm bồ tát mở lòng

Có thể là áo ấm che sương gió

Là ánh mặt trời tan bóng màn đêm

Là áng mây xanh toả dịu tình thương

Là vòng tay ấm áp bao dung

Là chiếc lá vàng rơi phủ lên oán giận

Là giọt mưa nhẹ bay dập tắt lửa hận thù

Là cánh trắng bồ câu mở rộng

để nói cho mọi người rõ, lời chân tình

trái đất nầy cần có tình thương

trẻ em cần học, người già cần săn sóc

mọi người đều được đủ ăn, đủ mặc

tiếng ê a trẻ học thay cho bom đạn

hồi chuông khuya bừng sáng tâm người

đời vẫn trôi qua, tham tàn còn đó

bao con người mang nhu hoà, nhẫn nhục vẫn bước đi

vì loài người, vì đồng loại, mong nước mắt ngừng rơi….

Minh Thanh

Chúng ta đi nhặt dấu thời gian của quá khứ để làm hiện tại, để chụp một quảng thời gian nào đó đưa vào ký ức, rất đẹp, rất nên thơ. Nhưng thời gian chỉ là ảo hoá, hư không sẽ có ngày tận, nhưng bước chân của chúng ta sẽ ra sao, có làm nên những thần thông đơn giản là sự An Lạc trong từng sát na một hay không? Tôi được Thầy Tổ dạy rằng, đừng tìm đâu xa cái Hạnh Phúc Chân Thực, đừng lao vào những ảo vọng mông lung… chỉ những bước chân ngay bây giờ, nơi đất với hơi thở bình thường, Đức Phật đã có ở trước mặt, ở đây và ở trong tâm chúng ta.

Bạn nghĩ sao, vì đó là điều mà tôi kính xin được chia sẻ cùng với mọi người, trong tâm tình của người con Phật, để chúng ta cùng tìm đáp án cho vấn nạn của con người.

Viết xong ngày sinh nhật 21.04.2008


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/12/2010(Xem: 5145)
Viên Ngọc Quý của Người May mắn Một Dẫn nhập vào Dzogchen,* Đại Viên Mãn Kính lễ vị Thầy của con! Xưa kia, Đạo Sư Vĩ đại xứ Oddiyana đã nói: Đừng truy tìm nguồn gốc của những sự việc, Hãy truy xét cội nguồn của Tâm!
03/12/2010(Xem: 14246)
Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm nghiêm túc về hạnh phúc mà đôi khi có thể chúng ta ngộ nhận hoặc lầm lẫn với niềm sung sướng.
28/11/2010(Xem: 4957)
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), Pubbàràma (Thành Tín Viên lâm), ở lầu của Migà ramàtu (Lộc Mẫu Giảng đường). Lúc bấy giờ, Vàsettha và Bhàradvàjà sống giữa các vị Tỷ kheo và muốn trở thành Tỷ kheo. Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh khởi dậy, bước xuống khỏi lầu, đi qua lại giữa trời, dưới bóng ngôi lầu.
25/11/2010(Xem: 10039)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câuphát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nàocũng được. Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sáchtheo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vềPhật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo chọn lọc từ các bài diễn văn,phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
24/11/2010(Xem: 3297)
Đạo Phật không chú trọng và đặt nặng đến ước muốn van xin, nhờ vào tha lực bên ngoài, mà chủ trương hành động thực tiễn trên nền tảng nhân quả. Cho nên, trong đạo Phật có nhiều bài kinh dạy về cách thế nào để đạt được an lạc và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại, cũng như cách thức tu tập để được sinh về các cảnh giới an lành của chư Phật. Phương tiện cầu an và cầu siêu mục đích nhằm xoa dịu bớt nỗi đau bất hạnh cho tha nhân. Nếu ta không biết mà lạm dụng quá đáng có thể gây hiểu lầm đạo Phật là đạo của cầu nguyện, van xin và ỷ lại vào tha lực, như một số người chưa đủ niềm tin vào chính mình, nên mới có thái độ mong muốn, cầu nguyện, van xin như thế.
22/11/2010(Xem: 11799)
Trong phần thứ nhất, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giảng về Bồ-đề tâm và cách tu tập của những người Bồ-tát. Trong phần thứ hai, Ngài giảng về Triết lý của Trung Đạo.
20/11/2010(Xem: 3356)
Hãy cẩn trọng về các tư tưởng của bạn vì những gì được xuất phát từ tâm của bạn sẽ bị hoàn trở về mình. Mỗi một niệm mà bạn khởi lên đều được phản hồi.
18/11/2010(Xem: 7949)
Tôi vừa từ Kuala Lumpur trở về Singapore tối nay. Tôi đã tới đó để dự một lễ Mani Puja trong 5 ngày do Trung tâm Phật giáo Ratnashri Malaysia tổ chức. Đây là trung tâm thuộc Dòng Truyền thừa Drikung Kagyu và có nối kết mật thiết với Đạo sư Drubwang Konchok Norbu Rinpoche. (1) Trong khóa nhập thất này, tôi đã cố gắng để được gặp riêng Đại sư Garchen Rinpoche. Rinpoche đã xác nhận rằng Khóa Nhập thất hàng năm Trì tụng 100 Triệu Thần chú Mani được tiếp tục để làm lợi lạc tất cả những bà mẹ chúng sinh chính là ước nguyện vĩ đại nhất của Đạo sư Drubwang Rinpoche. Rinpoche khuyên rằng chúng ta có thể thành tâm thỉnh cầu Tu viện KMSPKS (Tu viện Kong Meng San Phor Kark See tại Singapore) tiếp tục khóa nhập thất bởi điều này cũng làm lợi lạc cho Tu viện. Rinpoche cũng đề cập rằng các Đạo sư Tâm linh Drikung Kagyu sẽ luôn luôn hết sức quan tâm tới Khóa Nhập Thất Mani bởi nó rất lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
18/11/2010(Xem: 5570)
THIỀN ĐỊNH: HÃY NGẮM NHÌN MỌI SỰ– bản ngã, hành động, đối tượng; bằng hữu, kẻ thù, người không quen biết, những người là đối tượng của sự tham luyến của bạn, sự sân hận, và sự vô minh; mọi hiện tượng mang lại kết quả – với sự tỉnh giác về thực tại: tất cả những điều này đều phù du, và có thể ngừng dứt bất kỳ lúc nào. Tất cả những hiện tượng này không chỉ biến đổi trong từng giây phút do bởi những nguyên nhân và điều kiện (duyên), nhưng chúng có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
18/11/2010(Xem: 9150)
Cuốn sách là những chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu về cách nhìn sự vật và cách sống theo giáo pháp của đức Phật, về cách thương yêu chính mình...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567