Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thần A Tu La

18/08/201211:28(Xem: 4330)
Thần A Tu La

THẦN A TU LA
Toàn Không

Một hôm, đức Phật dạy các Tỳ Kheo:

- Thuở xưa, Chư Thiên đánh nhau với Thần A Tu la. Thích Đề Hòan Nhân (Vua trời Đế Thích) ra lệnh cho Chư Thiên Đạo Lợi:

“- Các Ông đánh nhau với Thần A Tu La, làm sao bắt được Vua Thần A Tu La, hãy dùng 5 sợi dây trói lại, đem về giảng đường Thiện Pháp, ta muốn thấy mặt nó.”

Lúc ấy Chư Thiên Đạo lợi vâng lệnh Đế Thích, mỗi vị Trời đều trang bị sẵn sàng. Tỳ Ma Chất Đa La, Vua Thần A Tu La cũng ra lệnh cho binh chúng Thần A Tu La nếu bắt được Vua Đế Thích hãy trói bằng 5 dây, mang về giảng đường Thất Diệp nơi cung điện Thần A Tu La để coi mặt. Mỗi Thần A Tu La đều chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng.

Như vậy, hai bên đều mặc áo giáp, mang đủ loại vũ khí như: dao gậy, đao kiếm, mâu giáo, cung tên, búa rìu, bánh xe lăn, lưới dây, v.v... Rồi hai bên đối trận nhau, sẵn sàng khai chiến.

Lúc ấy trước mặt trận, Vua trời Đế Thích nói:

“- Các Ngươi cần gì phải trang bị vũ khí và ôm lòng sân hận, ham đánh nhau, nay ta cùng Ông tranh biện về đạo lý xem ai thắng ai bại.”

Vua Thần Chất Đa La nói:

“- Giả sử có bỏ vũ khí, có đình chỉ sự tranh đấu, để cùng nhau tranh luận đạo lý, thì làm sao biết được ai thắng ai bại, ai là người biết được bên nào hơn bên nào thua”

Vua Đế Thích nói:

“- Khi bàn luận, trong chúng của ta và trong chúng của Ngươi tất có những vị có trí tuệ, họ sẽ biết được ai thắng ai bại; Đó là bằng chứng ai sẽ thắng.”

Vua Thần A Tu La nghe rồi đồng ý, liền nói:

“- Ta đồng ý, vậy Ngươi hãy nói trước đi”

Vua Đế Thích nói:

“- Ngươi nguyên trước kia là Trời, vậy Ngươi hãy nói trước”

Bấy giờ Vua Thần A Tu La vì Vua Trời nói kệ:

“Nay không trị kẻ ngu,

E sau này khó nhịn,

Hãy trừng trị nó ngay,

Cho nó tự sửa lỗi.”

Khi Vua Tỳ Ma Chất Đa La nói kệ xong, tất cả chúng Thần A Tu La đều vui mừng reo hò, còn chư Thiên im lặng. Vua Thần A Tu La bảo Vua Đế Thích:

“- Bây giờ đến phiên Ngươi nói đi.”

Khi đó, Vua Đế Thích vì Vua Thần A Tu La nói kệ:

“Ta thường nói kẻ trí,

Không tranh với kẻ ngu,

Họ mắng, kẻ trí nhịn,

Kẻ trí thắng kẻ ngu.”

Thích Đề Hoàn Nhân nói kệ xong, Chư Thiên vui mừng và lớn tiếng khen hay, chúng Thần A Tu La im lặng không phản ứng. Đế Thích bảo:

“- Bây giờ đến lượt Ngươi nói tiếp.”

Vua A Tu La lại nói:

“Sở dĩ Vương ta nhịn,

E tổn hạnh kẻ trí,

Nhưng kẻ ngu lẩn thẩn,

Cho là ta sợ hãi.

Kẻ ngu không tự xét,

Có thể chống với ta,

Liều lĩnh dám xúc phạm,

Muốn Ngươi như trâu thua.”

Khi nói xong, chúng Thần A Tu La khen, chúng Thiên không nói. Vua Thần nói:

“- Bây giờ đến lượt Ngươi nói tiếp.”

Vua Trời lại nói:

“Kẻ ngu không hiểu biết,

Nói là ta sợ hãi,

Ta quán đệ nhất nghĩa,

Nhẫn nhục là bậc nhất.

Nếu có kẻ tranh luân,

Không đáp là hơn hết,

Thấy ai không tranh biện,

Đừng cho là ngu ngốc.

Nếu ai có sức lớn,

Nhịn được kẻ không sức,

Sức ấy là bậc nhất,

Hơn hết trong sự nhẫn.

Kẻ ngu bảo có sức,

Sức ấy không phải sức,

Có sức nhẫn đúng pháp,

Sức ấy là vô địch.”

Khi Vua Đế Thích nói kệ xong, Chư Thiên vui mừng hớn hở, lớn tiếng khen hay, chúng Thần A Tu La im lặng lùi bước và nói với nhau: “Vua Thần chúng ta nói bài kệ có chỗ xúc phạm, sẽ sinh đao kiếm oán thù, gây tranh đấu lẫn nhau và nuôi lòng oán hận không hay. Còn Vua Đế Thích nói không có chỗ xúc phạm, không khởi đao kiếm, không sinh tranh đấu, không nuôi oán hận; Đế Thích nói là thiện, Vua Thần chúng ta nói là không thiện; vì vậy Chư Thiên thắng, chúng ta bại, nên rút về cung thôi; thế là chúng Thần A Tu La cùng nhau lui binh, Vua Thần lúc ấy không làm sao được, bèn cùng rút về cung.

--- :: ---

Một lần khác, Binh chúng Thần A Tu La tấn công như vũ bão, chư Thiên thua chạy. Khi đó, Đế Thích ngồi trên xe báu sợ hãi chạy dài, đến một chỗ nọ Vua nhìn từ xa thấy trên cây Điện Bà La có tổ chim trong đó có hai con chim con. Vua vội nói kệ:

“Trên cây có đôi chim,

Ngươi hãy cho xe tránh,

Dù giặc có giết ta,

Cũng chớ làm hại chim.”

Rồi Vua bảo Thiên Thần đánh xe chạy qua hướng khác để tránh làm hại chim. Lúc ấy Thiên Thần liền cho xe rẽ ngang chạy qua hướng khác. Khi xe rẽ ngang, ba mặt đều có quân chúng Thần A Tu La đuổi tới, quân chúng Thần thấy xe báu của Vua Trời quay về hướng của họ, nên nói với nhau: “Nay Thiên Đế ngồi trong xe báu đang chạy về hướng chúng ta, chắc sẽ chiến đấu lại, chúng ta chắc chống không nổi đâu.” Thế là binh chúng Thần A Tu La cùng nhau rút lui chạy tán loạn. Do đó Thần A Tu La thua, chư Thiên thắng.

Khi ấy Đế Thích chiến thắng trở về, tạo lập một Điện đường to lớn tên là Tối Thắng. Điện đường có chiều dài Đông Tây 100 do tuần (100 x 18 cây số = 1,800 cây số), Nam Bắc 60 do tuần (60 x 18 = 1,080 cây số). Điện đường có 100 gian, mỗi gian có 7 đài lộ thiên liên kết nhau, trên mỗi đài có 7 Ngọc nữ, mỗi Ngọc nữ có 7 kẻ hầu. Vì chiến thắng Thần A Tu La nên tâm vui vẻ mà lập Điện đường này, bao nhiêu cung điện trong một nghìn thế giới, không có cái nào so sánh được với điện đường Tối Thắng này.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

- Bấy giờ Đế Thích là ai khác, chớ nghĩ như thế, vì sao? Vì đấy chính là Ta, đối với chúng sanh phát khởi lòng thương xót, từ bi; này các Tỳ Kheo, các Ông tu đạo ở trong giáo pháp của Ta, phải khởi lòng từ bi, thương xót tất cả chúng sinh.

--- :: ---

Một thời gian sau, Vua Thần A Tu La tự nghĩ: “Ta có đại uy đức, có thần lực không phải ít, nhưng chư Thiên Đạo Lợi thường ở trên đầu ta trên hư không một cách tự tại, ta không muốn như vậy.” Nghĩ rồi Vua Thần Tỳ Ma Chất Đa La sân giận nổi lên, bèn nghĩ đến đánh nhau, nghĩ đến các Thần chiến đấu (Tướng lãnh A Tu La), nghĩ đến Thần Xá Ma Lê (Lãnh chúa), nghĩ đén các A Tu La đại Thần, nghĩ đến các tiểu Thần A Tu La (Tiểu chúa).

Bấy giờ các vị vừa nêu đều nghĩ: “Nay Vua Thần A Tu La đang nghĩ đến chúng ta, chúng ta nên mau chuẩn bị” Rồi các vị ấy ra lệnh cho tả hữu quân binh của mình sửa soạn xe báu, mặc áo giáp, mang vũ khí đủ loại, trước sau vô số vây quanh, đến trước Vua Thần A Tu La đợi lệnh chiến đấu.

Lúc ấy, Vua Thần liền tự trang bị mặc áo giáp báu, cầm kiếm báu, ngự trên xe báu, có vô số Tướng Tá, Lãnh Chúa, Đại Thần, Tiểu Thần, cùng với vạn ức binh Thần A Tu La với đầy đủ vũ khí trong bầu không khí nghiêm trang, đi ra khỏi cứ địa để đi giao chiến với chư Thiên.

Khi đó, Long Vương (Vua Rồng) Nan Đà, Long Vương Bạt Nan Đà, dùng thân quấn quanh núi Tu Di 7 vòng làm chấn động cả núi non, mây mỏng bủa giăng, làm mưa cùng khắp, nước biển dâng, sóng biển vọt lên khủng khiếp.

Lúc ấy Chư Thiên Đạo Lợi liền nghĩ: “Nay có mây mỏng bủa giăng, mưa rơi cùng khắp, nước dâng biển trào, hẳn là Thần dữ A Tu La muốn sinh sự đánh nhau, nên mới có hiện tượng này.”

Trong khi đó, vô số binh chủng thuộc loại Rồng ở trong biển đều mặc áo giáp, cầm vũ khí như cầm mâu giáo, cung tên, đao kiếm; tất cả đều chiến đấu chống lại binh Thần A Tu La. Nếu Long chúng thắng, sẽ đuổi binh chúng Thần về cung của họ, nếu thua Long chúng sẽ chạy rút lui đến chỗ Quỷ Già Lâu La nói:

“- Binh chúng Thần A Tu La muốn đánh chư Thiên, chúng tôi chiến đấu chống lại, nhưng họ đang thắng; các Ông nên chuẩn bị cho mau cùng chúng tôi đánh nhau với chúng.”

Các Quỷ Già Lâu La nghe nói liền cấp tốc mặc giáp cầm vũ khí phối hợp với Long chúng cùng đánh chúng Thần A Tu La. Nếu thắng, Binh Thần chạy rút về cung, nếu thua, Long binh chạy đến chỗ Quỷ Trì Hoa yêu cầu trợ chiến.

Các Quỷ Trì Hoa liền cấp tốc trang bị và cùng Long binh chiến đấu đánh binh Thần A Tu La. Nếu thắng, binh Thần phải chạy về cung của họ, nếu thua Long binh chạy đến chỗ Quỷ Thường Lạc cũng nói như thế, Quỷ Thường Lạc cũng phối hợp cùng đánh như thế. Nếu thắng binh Thần phải rút về cung, nếu Long binh thua, không rút về cung Long Vương, nhưng đến chỗ Tứ Thiên Vương báo việc binh Thần A Tu La tấn công không chống trả lại được.

Bốn Thiên Vương liền ra lệnh cho Quỷ Thần vô số mặc áo giáp, cầm vũ khí, cùng Long binh đánh nhau với binh Thần A Tu La. Nếu thắng đuổi chúng về cung, nếu thua Tứ Thiên Vương chạy đến giảng đường Thiện Pháp báo cáo với Vua trời Đế Thích và chư Thiên Đạo Lợi sự việc binh Thần A Tu La đang tấn công Long binh sắp tới nơi.

Vua Trời liền ra lệnh cho hầu cận:

“- Ông hãy thay lời ta đi báo cho các Vua Trời: Diệm Ma, Đâu Suất, Hóa Tự Tại, Tha Hóa Tự Tại biết và nói: “Vua Thần A Tu La cùng với vô số quân Thần bộ hạ đang đến đánh; vậy quý Chư Thiên hãy trang bị đầy đủ giúp Vua Đế Thích chiến đấu”.”

Khi Vua trời Diệm Ma nghe nói như thế, liền mặc áo giáp báu, cầm vũ khí, ngồi xe báu có vô số trăm nghìn Thiên chúng vây quanh, đến phía Đông núi Tu Di trấn đóng ở đó nghênh binh địch Thần A Tu La.

Vua trời Đâu Suất cũng liền trang bị y như thế và kéo đến trấn đóng nghênh binh địch tại phía Nam núi Tu Di, Vua trời Hóa Tự tại cùng Thiên chúng đến đóng ở phía Tây, và Vua trời Tha Hóa đến đóng ở phía Bắc núi tu Di để cùng nghênh địch.

Đồng thời Vua Đế Thích nghĩ đến các Đại Thiên, và Chư Thiên Đạo Lợi, nghĩ đến Quỷ Thần Diệu Tượng và Long Vương Thiện Trụ.

Lúc ấy các Đại Thiên và Chư Thiên cõi Đạo Lợi biết ngay: “Vua Đế Thích đang nghĩ đến ta” Vậy ta mau chuẩn bị vũ khí, ngồi xe báu cùng vô số trăm nghìn Thiên chúng vây quanh trước sau đến trước Đế Thích chờ lệnh.

Quỷ Thần Diệu Tượng cũng biết ngay, liền tập trung vô số quỷ Thần trang bị đầy đủ, đến trước Đế Thích, Vua Rồng Thiện Trụ cũng liền đến trước Đế Thích chờ lệnh.

Bấy giờ Vua trời Đế Thích thân mặc áo giáp, ngồi trên đầu Vua Rồng Thiện Trụ chỗ bậc nhất, rồi lần lượt các Đại Thần theo thứ lớp ngồi, có vô số chư Thiên, Quỷ Thần bao quanh trước sau; tất cả ra khỏi Thiên cung đi giao chiến với binh Thần A Tu La.

Bấy giờ chư Thiên thắng, A Tu La bại bỏ chạy tán loạn, Chư Thiên bắt được Vua Thần Tỳ Ma Chất Đa La, họ dùng 5 sợi dây trói lại rồi đem về giảng đường Thiện Pháp.

Lúc đó Vua Thần A Tu La trông thấy cõi Trời đẹp vui quá, nên sinh tâm vui thích, liền tự nghĩ: “Cõi này đẹp quá, ta có thể sống ở đây, rồi sau này ta sẽ trở về cung của ta cũng được.” Khi ý nghĩ ấy phát sinh, sợi dây đang buộc chặt, tự nhiên nới lỏng ra, đồng thời 5 thứ dục lạc xuất hiện trước mặt; nếu Vua Thần muốn trở về cung, các sợi dây liền tự nhiên siết chặt lại, và 5 thứ dục lạc đều biến mất hết, Vua Thần càng bị trói chặt hơn; nhưng sự trói buộc của Ma còn chắc chắn hơn nữa. Chẳng hạn: chấp ngã chấp nhân bị trói cột, chấp thọ chấp ái bị trói buộc, chấp ngã là có hay là không đều bị trói buộc cả; các Ông hãy học điều này.

LỜI BÀN:

Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu xem Thần A Tu La là gì? A Tu La: dịch từ tiếng Phạn là Ãsura có nghĩa là Thần, phi Thiên (Trời mà không phải Trời). Họ sống trong những cung điện ở lưng chừng núi Tu Di, hoặc sống trong những lâu đài trong hư không, họ giống như các vị Trời, nhưng hình thể không đẹp đẽ bằng Chư Thiên; có hai loại Thần:

- Thần loại hiền: Đây là loại Tròi cấp thấp, loại này hạnh phúc hơn Người.

- Thần loại đau khổ (Thần dữ): Loại này hay chống lại Chư Thiên, thường gây gỗ, tranh cãi với đồng loại. Loại này kém hạnh phúc giống cõi Người hay không bằng cõi Người. Loại này tương tự như những người hay vạch lá tìm sâu, sống không yên, hay thù hằn, tìm cách trả thù bằng ý bằng lời, hoặc bằng hành động. Khi có việc bé xé ra to, nên luôn có chuyện tranh cãi.

Đọc lược trích bài Kinh trên, chúng ta thấy không chỉ có loài người mới có chiến đấu, mà cõi Thần cũng thường gây chiến với cõi Trời; sở dĩ như thế là do cõi Thần cảm thấy thua cõi Trời, Chư Thiên thường đi qua đi lại bên trên cõi Thần, ở trên đầu họ, nên họ cảm thấy bực; khi nào họ không chịu được sự gai mắt ấy, chiến đấu lại bùng phát.

Bởi vậy, trong cuộc tranh biện, Vua Trời đã dùng nhẫn nhục để dạy cho Vua Thần bài học “Nhẫn nhục”, nếu có nhẫn nhục thì làm sao có đấu tranh; trong gia đình nào nếu mọi người đều nhẫn nhục, gia đình ấy sẽ êm ấm, gia đình nào mà mọi người đều không nhẫn nhục, gia đình ấy dễ đi đến tan vỡ. Trong một tổ chức, một đoàn thể, một đảng phái, một xã hội, nếu mọi người đêu nhẫn nhục, tổ chức ấy, đoàn thể ấy, đảng phái ấy, xã hội ấy, sẽ đoàn kết hòa thuận yên vui.

Câu đức Phật nói: “Đối với chúng sanh phát khởi lòng thương xót, từ bi. Này các Tỳ Kheo, các Ông tu đạo ở trong giáo pháp của Ta, phải khởi lòng từ bi, thương xót tất cả chúng sinh.”

Câu này ý Phật muốn những người con Phật khi tu theo giáo pháp của Ngài thì phải có lòng “Từ Bi” đối với tất cả chúng sinh; nghĩa là không những cho vui cứu khổ đối với đồng loại con người, mà còn phải có lòng thương xót cứu khổ tất cả các loài vật to nhỏ nữa.

Câu chót của bài Kinh, đức Phật nói: “Nhưng sự trói buộc của Ma còn chắc chắn hơn nữa. Chẳng hạn chấp ngã chấp nhân bị trói cột, chấp thọ chấp ái bị trói buộc, chấp ngã là có hay là không đều bị trói buộc cả.”

Tại sao chấp ngã bị trói cột?

Chấp ngã: là chấp cái “ta”, chấp cái “tôi”, cho rằng thân ta là thật, nếu xúc chạm đến thân ta không thể chấp nhận được; khi chấp cái ta thì tìm đủ cách để phục vụ cho cái ta, chấp ngã thì chấp cái của ta là thật, không ai được quyền xâm phạm đến những cái của ta. Chấp ngã như muốn ta có địa vị danh vọng nên phải tìm cách triệt hạ kẻ khác bằng mọi giá dù có phải xuyên tạc sự thật, có nói không, không nói có vẫn làm, hoặc luồn cúi nịnh hót hối lộ người trên, để có được địa vị danh vọng mong muốn. Tất cả những hành vi ấy đều đưa đến sự trói cột, bởi vậy, đức Phật bảo “chấp ngã bị trói cột” là vậy.

Tại sao chấp nhân bị trói cột?

Chấp nhân là chấp có người, tức là có người có ta, người khác ta khác, đã có sự phân biệt như thế thì có yêu có ghét, có phải có trái, yêu thì thân thiện, ghét thì không ưa, nên sẽ có nhiều ràng buộc khi yêu, và nhiều sự ngăn cách khi ghét, sự ngăn cách cũng là điều ràng buộc, chỉ là ngược lại thôi; bởi vậy Phật nói “Chấp nhân bị trói cột” là vậy.

Nếu biết thân này (ta) hay thân khác (nhân) đều do bốn đại đất nước gió lửa hợp lại mà tạm có thân, khi hết nhân hết duyên, ta và người đều trở về với đất nước gió lửa, trở về với cát bụi, chứ chẳng phải là thật ta. Như vậy, đời sống không bị kiểm tỏa, không bị ràng buộc, không có một chút phiền muộn, mà sống một cách tự tại vậy.

Chấp thọ chấp ái bị trói cột là sao?

Thọ là thụ, là cảm giác, cảm giác có cảm giác vui, cảm giác buồn, cảm giác không vui không buồn; Ái là ái ố, là yêu ghét; nếu chúng ta chấp vào cảm giác vui hoặc buồn, khi vui thì ưa thích, khi buồn thì ghét bỏ, chính sự ưa thích và ghét bỏ này đem lại sự ràng buộc chúng ta, tại sao? Vì khi ưa thì cố tìm cách đạt cho được, khi ghét thì cố làm sao gạt bỏ nó, và chính sự ưa ghét này đưa chúng ta vào trong sự ràng buộc để đạt sự ưa ghét. Ví dụ khi ăn một món ăn ngon, ta cảm thấy thích, nên cứ muốn ăn hoài, tìm cách này hay cách nọ để có ăn, đó là sự ràng buộc; bởi vậy đức Phật bảo “Chấp thọ chấp ái bị trói cột” là thế.

Nếu khi năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, chúng ta biết cảnh đẹp xấu, tiếng hay dở, mùi thơm thối, vị chua cay, thân nóng lạnh. Chúng ta biết nó là như thế, xong rồi thôi, không khởi yêu ghét, khen chê, vui buồn, thì chúng ta không bị ràng buộc bởi những thứ ấy, và lúc đó chúng ta được thảnh thơi tự tại vậy.

Chấp ngã là có hay không đều bị trói buộc cả là sao?

Chấp ngã là có cái ta như trên đã nói, bị trói cột.

Chấp ngã là không cũng bị trói buộc là sao?

Chấp ngã là không, tức cái ta chẳng có gì, nó là không ngơ chẳng còn gì cả, ví như khi ta ăn một cái bánh, khi ăn xong là hết bánh chẳng còn gì, đây là thuyết của những người “chấp đoạn”. Người có quan điểm này cho rằng con người sinh ra là ngẫu nhiên, tự nhiên như thế, có hợp có sinh, mọi việc ở đời chỉ là may rủi, gặp may có vui, gặp rủi phải buồn; khi già bệnh phải chết là lẽ tự nhiên. Khi chết là hết chẳng còn gì nữa, sự may rủi cũng theo cái chết mà không còn gì nữa, thân xác thành cát bụi, hư vô, không còn một tí gì cả.

Theo quan điểm “chấp đoạn”, con người sống chỉ nghĩ đến hưởng thụ cho mau, nên đưa đến tình trạng dành giật, không cần biết tới bình đẳng, đạo đức, tôn ty, đây là quan điểm có tính cách buông xuôi, không phải quan điểm của những người trí tuệ, mà giống như cách đối xử hạ đẳng của các loài vật. Bởi vì con người ngoài phần thể xác, còn có phần tinh thần, nên bảo rằng chết là hết thì không đúng, tại sao? Vì phần tinh thần nó vô hình vô tướng, mắt người thường không thể thấy được, nên tưởng rằng không có gì cả, nhưng đối với các bậc Giác ngộ, các vị biết thấy rõ phần tinh thần này.

Do đó đức Phật nói “chấp ngã là có hay không đều bị trói buộc” là vậy.

Toàn Không

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/06/2015(Xem: 6670)
Trong Phật pháp có nhiều pháp môn tu học học và hướng đến giác ngộ giải thoát. Giác ngộ là thấy rõ đạo lý duyên khởi của nhân sanh và vũ trụ. Giải thoát có nghĩa là dứt sự khổ đau luân hồi do tâm thức chấp thật ngã và thật pháp tạo vọng nghiệp. Chung quy tu tập theo Phật giáo nhận thức rõ giải thoát là từ tâm này, luân hồi sanh tử cũng do tâm này, vì tâm này là chủ nhân của muôn pháp. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh,
07/05/2015(Xem: 7653)
Các con ơi! Ta vô cùng hoan hỷ đón nhận tất cả các con về thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng mà ta đã thiết lập để cho các con trở về tịnh dưỡng. Ta thật yên tâm khi các con về mái nhà chung tình này để được nghe pháp, tu tập mà không bị quấy nhiễu bởi lục trần nhiễm ô của thế giới Ta Bà. Tuy nhiên, các con ạ! Các con thấy đó. Đa số các con đều được hóa sanh ở những phẩm vị thấp, Trung phẩm và Hạ phẩm.
28/04/2015(Xem: 6526)
Người phương Tây và dân trí thức trong thời mạt pháp hầu như không tin pháp môn niệm phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Họ không tin vì hai lý do. Thứ nhất họ cho rằng Phật A DI ĐÀ và Tịnh độ Cực Lạc là huyền thuyết. Thứ hai là Kinh sách Đại Thừa Phật Giáo không đáng tin cậy vì thường hiểu lầm là Đại thừa ra đời từ cuộc Tập Kết Kinh điển thứ thứ Tư, hơn 400 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, cách thời Phật Thích Ca quá xa khiến cho kinh sách đại thừa có phần sai lệch và khó có thể kiểm chứng. Sau đây là những chân lý chứng minh kinh điển đại thừa Phật giáo và Pháp môn niệm Phật nói riêng là hoàn toàn chân thực, không hư dối. Những chân lý này được kiến giải một cách khách quan dựa trên những sự kiện lịch sử Phật giáo và những lời thuyết giảng của Đức Phật ghi lại trong Kinh điển Đại thừa xảy ra đúng với những sự kiện lịch sử sau thời Đức Phật và phù hợp với những thành tựu khoa học ngày nay.
28/04/2015(Xem: 7279)
Một đời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca được khái quát hóa trong ngũ thời bát giáo mà theo ngài Trí Giả, Tổ sư sáng lập ra Tông Thiên Thai đã sử dụng ngũ thời để phân định trình tự thuyết pháp của đức Phật; dùng “Bát giáo” để phân biệt pháp môn được thuyết và nghi thức thuyết pháp. Ngũ thời được chia trình tự như sau:
10/03/2015(Xem: 9064)
Trong diễn đàn này nhiều quý bạn hữu đã nói về niệm Phật A-Di-Đà bốn chữ hay sáu chữ. Theo tôi thì chúng ta đã học Mười hạnh Phổ-Hiền thì bình-đẳng kính chung không từ một ai, nhưng tin vào lời người ta nói thì phải có sự quán xét đúng hay sai. Đặc biệt với Phật pháp và giáo lý nhà Phật thì đòi hỏi phải thật nghiêm túc nếu không sai một ly đi vạn dặm, có khi mất hết cả công sức bao nhiêu năm tu hành bỏ ra mà không thành tựu, thậm chí còn sa hố là phỉ báng chính pháp, phát đi những điều không đúng về giáo lý của Phật.
23/01/2015(Xem: 7650)
Từ khi Phật giáo hòa nhập vào văn hóa nhân loại thì bắt đầu ý nghĩa đón xuân cổ truyền được mở rộng thành ý nghĩa đón Xuân Di Lặc. Từ đó, đón xuân trong quan niệm người Đông Á mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa nhân loại. Chúng ta vận dụng tính nhân bản đạo đức Phật giáo làm tô đẹp ý nghĩa mùa xuân cổ truyền và chuyển hóa những tập quán tiêu cực để quần chúng có thêm chánh kiến trong sinh hoạt đón xuân hằng năm.
23/01/2015(Xem: 7080)
Trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta thường thể hiện và vận dụng trăm pháp rất thực tế, nó là tổng hợp nội dung của hiện tượng tâm lý, những yếu tố cơ bản nhất vốn có trong con người, cũng do đây mà chúng ta có thể biết điều này và biết được điều khác. Chúng ta vì người mà ứng xử, hay hóa độ chúng sanh mà không hiểu hiện tượng tâm lý con người thì rất chướng ngại. Một trăm pháp này bao gồm trong pháp thế gian và pháp xuất thế gian, lộ trình tu học từ địa vị phàm phu đến quả vị thánh, là nền tảng cơ bản của người học Phật, cho nên mọi người cần phải học môn này.
23/01/2015(Xem: 7770)
Chúng ta nghiên cứu xuyên suốt tư tưởng Phật học nhận thức được rằng, có hai pháp môn cần phải tham cứu trước. Một là “Luật Tông” là căn bản nhất của tất cả các pháp môn. Các tông phái Phật học rất nhiều do giới luật mà tồn tại. Khi Đức Phật sắp nhập diệt, đã từng phó chúc cho A Nan rằng: “Sau khi Thế Tôn nhập diệt, các thầy hãy lấy giới luật làm thầy, nương vào giới luật mà tu hành để được giải thoát giác ngộ”. Đây là vấn đề Phật học thường đề cập, đó là điều chắc thật không cần biện giải nhiều lời. Hai là “Duy Thức”, thông đạt tất cả nguyên lý các pháp. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm như người thợ vẽ,
23/01/2015(Xem: 6556)
Bản văn này giới thiệu ý nghĩa căn bản của Thiền và niệm Phật, luận thuật quan niệm các học giả Phật giáo đối với sự phát triển tư tưởng Thiền tông và Niệm Phật. Từ trên khái niệm đến triển khai rõ ý nghĩa và nội dung vô cùng phong phú của Thiền và niệm Phật, đặc biệt chú trọng về phương diện lịch sử từ sau thời đại nhà Tùy để trình bày mối quan hệ về Thiền tông và niệm Phật. Ở đây tóm lược hệ thống ý nghĩa quá trình diễn biến về Thiền và niệm Phật trong mối quan hệ mang tính đặc trưng theo từng giai đoạn. Sau cùng, luận văn từ trong diễn biến lịch sử của Thiền và niệm Phật để đưa đến kết luận xu thế dung hợp giữa Thiền và Tịnh độ theo hướng đi của Phật giáo Trung quốc. Căn cứ hiện thực của lịch sử Phật giáo và đưa đến nhận định rằng: Từ sau thời Tống thì Thiền Tịnh song tu là phương pháp mô phạm căn bản của sự tu trì Phật giáo Trung quốc. Tin chắc rằng, trong tương lai Phật giáo Trung quốc vẫn duy trì năng lực truyền thống Phật pháp vốn có của chính mình.
23/01/2015(Xem: 7276)
Duy thức giảng về vấn đề gì? Tư tưởng trọng tâm của duy thức là cải tạo tâm địa. Kinh Hoa Nghiêm giảng: “Tâm như người thợ vẽ, vẽ ra hết cả thế gian; năm ấm cũng từ tâm sanh, tâm tạo ra tất cả pháp”. Kinh Tâm Địa Quán có dạy: “Tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt. Tâm nhiễm thì thế giới nhiễm, tâm tịnh thì thế giới tịnh”. Nếu tâm chúng ta tham, sân, si quá nặng thì hình thành hiện tượng nhiễm ô, tâm chúng ta thanh tịnh, nội tâm thanh tịnh; dùng tâm thanh tịnh, tâm hiền lành thì có thể hình thành hiện thực thế giới thanh tịnh hòa bình. Duy thức học chính là thuyết minh nguyên lý này: “Ba cõi do tâm tạo, vạn pháp do thức sanh”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]