Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi

19/10/201004:01(Xem: 5268)
Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi

labode_2HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI
HT. Thích Minh Châu

Một lần, khi Đức Phật nhuốm bệnh ở Beluvà, trước sự lo âu buồn khổ của tôn giả Ananda (Trường III, trang 101), và một lần khác, trước tin tôn giả Sàriputta (Xá lợi Phất) đã mệnh chung và trước sự lo âu của tôn giả Ananda (A Nan) (Tương V, 170), Đức Phật đã tuyên bố lời dạy này, vừa là lời chỉ dạy tóm thâu mọi phương pháp tu hành của ngài được cô đọng lại, và cũng là một lời trăn trối của một bậc Đạo sư biết mình sắp lâm chung, nên có những lời nhắn nhủ và khích lệ đệ tử của mình những gì các đệ tử cần phải tu tập, sau khi bậc Đạo sư viên tịch:
-- "Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác ...

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ kheo trú quán trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Trú quán thọ trên các cảm thọ ... trú quán tâm trên các tâm, trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Như vậy này Ananda, Tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác.

Này Ananda, những ai, hiện nay hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi".

Ở đây vì chữ Dipa vừa có nghĩa là ngọn đèn, vừa có nghĩa là hòn đảo nên có thể dịch: Tự mình thắp đuốc lên mà đi, hay Tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình.

Trong lời dạy đặc biệt quan trọng và hy hữu này, Đức Phật nhấn mạnh hai điểm. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác. Chính hai quan điểm này có thể được xem là phản ảnh trung thực đời sống tìm đạo, hành đạo, chứng đạo của Thế Tôn dựa trên kinh nghiệm bản thân của Ngài và cũng gói ghém trọn vẹn tất cả giáo pháp Ngài dạy trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài để truyền lại cho hàng đệ tử.

Thật vậy, chúng ta thấy rõ, trong hơn sáu năm tầm đạo, hành đạo và chứng đạo, Thế Tôn đã tự mình dùng nỗ lực cá nhân, đã tự mình tự lực tìm đạo, hỏi đạo với hai vị đạo sư ngoại đạo thời danh là Alara Kalama và Uddaka Ràmaputta, đã tự mình tự lực hành trì khổ hạnh, đã tự mình tự lực hành thiền, và cũng tự mình tự lực phát triển trí tuệ và cuối cùng thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài không nhờ một thần lực nào, không phải là hiện thân của một đấng thiêng liêng nào, không phải là hóa thân của một đấng tối cao nào. Ngài chỉ là một người, với sức mạnh thể lực và trí lực của con người, đã tự mình tìm đạo và tìm đạo thành công, đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết quả, đã tự mình chứng đạo và chứng đạo hoàn toàn viên mãn, như chúng ta đã thấy rõ trong đời sống của Ngài, nếu chúng ta gạt bỏ qua một bên những thêm thắt về sau để thần thánh hóa đời sống của Ngài.

Ngài đã tự lực tìm đạo và học đạo và tự diễn tả như sau:

"Không phải chỉ Alara Kalama có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ Alara Kalama có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ Alara Kalama có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ Alara Kalama có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ Alara Kalama có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta phải cố gắng chứng cho được pháp mà Alara Kalama, sau khi tự tu, tự chứng, tự đạt đã tuyên bố. Rồi này các Tỷ kheo, không bao lâu, Ta tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú"(Trung I, 164b).
Về sau tu khổ hạnh, Ngài cũng tự mình tự hành trì khổ hạnh như Ngài đã tự diễn tả:
"Vì Ta ăn quá ít, chân tay Ta đã trở thành như những cọng cỏ, hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, nên bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu ..."(Trung I, 80).
Đức Phật sau khi hành trì khổ hạnh không có kết quả. Ngài cương quyết từ bỏ khổ hạnh và bắt đầu tự mình hành thiền, chứng được sơ thiền, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, phát triển tuệ trí, chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, biết như thật khổ, biết như thật các lậu hoặc, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"(Trung I, 248). Như vậy, cũng với kinh nghiệm bản thân, tự mình từ bỏ khổ hạnh, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, Đức Phật chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đối với bậc Đạo Sư đã dựa vào tự lực để tầm đạo, học đạo và chứng đạo, nên trong 45 năm hoằng pháp độ sanh, lời dạy chủ yếu của Ngài cho các đệ tử cũng là lời dạy tự lực tự tri: "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác".

Trước hết, Đức Phật xác nhận "cầu xin" và "ước vọng" không có lợi gì, không những trên con đường thực hành chánh pháp mà còn cả vấn đề ước vọng thế gian.

Kinh Tương Ưng, Tập IV, trang 313 nêu rõ:

"Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin cầu khẩn chấp tay, mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ rơi vào địa ngục ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo quần chúng đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.

Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành, nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cầu xin ấy cũng không được thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiện giới, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy, có cầu khẩn, có cầu xin cũng không có lợi ích gì".

Kinh Tăng Chi IIIA, trang 123 xác chứng thêm sự vô ích của cầu xin và cầu khẩn. Một vị Tỷ kheo không chú tâm trong sự tu tập, khởi lên ước muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, ước muốn ấy nhất định không được toại nguyện. Như con gà mái có tám, mười hay mười hai trứng gà, nó ấp ngồi không đúng cách, ấp nóng không đúng cách, ấp dưỡng không đúng cách, thời dầu cho con gà ấy có khởi lên ý muốn mong rằng các con gà con của nó, với chân, với móng, với miệng, làm bể vỏ trứng và thoát ra một cách an toàn, con gà mái ấy cũng không được toại nguyện. Vì cớ sao? Vì con gà mái không ấp ngồi một cách đúng đắn, không ấp nóng một cách đúng đắn, không ấp dưỡng một cách đúng đắn.

Ngược lại, một Tỷ kheo sống chú tâm trong sự tu tập, dầu không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm Ta được giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ", tuy vậy tâm vị ấy vẫn được giải thoát không có chấp thủ. Vì cớ sao? Phải nói rằng vị ấy có tu tập. Có tu tập gì? Có tu tập bốn niệm xứ, có tu tập bốn chánh cần, có tu tập bốn như ý túc, có tu tập năm cần, có tu tập năm lực, có tu tập bảy giác chi, có tu tập Thánh đạo tám ngành. Ví như con gà mái, có tám, mười hay mười hai trứng. Nó ấp ngồi một cách đúng đắn, nó ấp nóng một cách đúng đắn. Dẫu con gà ấy không khởi lên ước muốn, mong rằng các con gà con của nó, với chân, với móng, với mỏ, làm bể vỏ trứng và thoát ra một cách an toàn, các con gà con của nó cũng phá vỏ trứng và thoát ra ngoài một cách an toàn. Như vậy, có ước nguyện hay không ước nguyện không thành vấn đề. Vấn đề chính là có hành động đúng đắn, đúng pháp để đưa đến kết quả mong muốn mà thôi.

Một đoạn kinh nữa (Trung I, trang 303) càng nhấn mạnh sự vô ích của cầu xin. Nếu hành Phạm hạnh không chánh đáng, không làm sao đạt được quả vị. Hành Phạm hạnh không chánh đáng ở đây có nghĩa là theo tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Vì cớ sao? Vì đây không phải phương pháp để đạt được quả vị. Rồi Đức Phật ví dụ người đi tìm dầu, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước ép cát cho ra dầu, thời dẫu người ấy có ước nguyện tìm cho ra dầu cũng không được toại nguyện. Vì cớ sao? Vì đây không phải là phương pháp tìm ra dầu. Đức Phật dùng một ví dụ nữa, ý nghĩa hơn, là một người đi tìm sữa, đến một con bò cái, lại nắm lấy cái sừng con bò cái mà vắt sữa, thời dẫu có ước nguyện hay không ước nguyện, nó cũng không lấy được sữa.

Trái lại, nếu có vị sa môn hay Bà la môn nào, có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, dù có ước nguyện hay không ước nguyện, hành Phạm hạnh sẽ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Vì đây là phương pháp đạt được quả vị. Ví như một người đi tìm dầu, sau khi để những hột dầu vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép các hột dầu cho ra dầu. Dù người ấy có ước nguyện hay không ước nguyện, cũng sẽ lấy được dầu. Vì cớ sao? Vì biết phương pháp làm ra dầu. Cũng ví như người đi tìm sữa, đến con bò cái, vắt sữa từ nơi vú con bò mới sanh con, thời dù có ước nguyện hay không ước nguyện cũng tìm ra được sữa.

Đối với sự việc ở đời cũng vậy, không phải do cầu xin, do nhân ước nguyện mà thành tựu. Đã là người, thường hay mong ước được năm điều khả lạc, khó tìm được ở đời như: tuổi thọ, dung sắc, an lạc, tiếng đồn tốt, và được sanh cõi trời. Trong Kinh Khả Lạc (Tăng IIB, trang 74), Đức Phật nêu rõ năm điều pháp này không do nhân cầu xin, không do nhân ước vọng mà được, vì nếu có do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ở đời này còn có ai héo mòn vì một lẽ gì, khi mà chỉ cầu xin là được toại nguyện. Đức Phật nói rất rõ: Muốn có thọ mạng không thể cầu xin thọ mạng hay tán thán thọ mạng để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường đưa đến thọ mạng, đưa đến dung sắc, đưa đến an lạc, đưa đến tiếng đồn tốt, đưa đến sanh thiên, vị ấy mới thành tựu được, mới đạt được năm điều khả lạc mà mình ước muốn ở đời.

Trong định nghĩa của Nghiệp và vai trò của nghiệp Đức Phật tuyên bố rất rõ chữ Nghiệp (Karma) có nghĩa là hành động, từ động từ Karoti nghĩa là làm, là hành động về thân, về lời và về ý, nhưng hành động ấy phải là hành động có tư tâm sở, tức là một hành động tự ý mình làm, tự mình quyết định làm, không ai xúi giục, không do ai sai bảo. Vì đã là hành động tự mình ý thức làm, tự mình quyết định làm, nên Đức Phật xác định chúng ta là chủ nhân của Nghiệp (Kammassako) chúng ta là thừa tự của Nghiệp (Kamma-dàyadà), chúng ta vừa chịu trách nhiệm những hành động của chúng ta, chúng ta vừa tự mình chịu kết quả các hành động của chúng ta làm. Kinh Pháp Cú nêu rõ:

"Điều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương ngọc quý". (Pháp Cú 161)
Một câu kệ nữa xác định rõ ràng hơn:
"Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai". (Pháp Cú 165)

"Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ kheo tự phòng hộ,
Chánh niệm trú an lạc". (Pháp Cú 379)

Trong một bài kinh rất có danh tiếng, Kinh Kalamasutta (Tăng I, 213-216), Đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài hãy tin ở nơi mình, không tin một ai khác, tin ở nơi khả năng phán xét thiện ác của mình, chớ có tin vào một phương pháp nào khác:
-- "Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận, chớ có tin vì nhân suy luận, chớ có tin sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện, chớ có tin theo thiên kiến, định kiến, chớ có tin vì thấy thích hợp với khả năng, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Đạo Sư của mình. Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: 'Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đết bất hạnh khổ đau. Thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng' ... Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết như sau: 'Các pháp này là thiện. Các pháp này là không có tội. Các pháp này, được người có trí tán thán. Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc, thời này các Kalama, hãy chứng đạt và an trú'...".
Khi đã ý thức được khả năng của mình có thể phân biệt thiện ác, thời Đức Phật dạy hãy nên tự y chỉ mình, không y chỉ một ai khác, như các bài kệ sau nêu rõ:
"Vị du sĩ không tựa,
Không y chỉ một ai,
Không làm thành thương yêu,
Không tác thành ghét bỏ.
Do vậy, trong sầu than,
Trong xan tham keo kiệt,
Như nước trên lá cây,
Không dính ướt làm nhơ". (Kinh Tập, câu 811)

"Ai không tìm lõi cây
Đối với các sanh y,
Có thể nhiếp phục tham,
Đối với các chấp thủ
Vị ấy không y chỉ
Không để ai dắt dẫn,
Tỷ kheo ấy chơn chánh,
Du hành ở trên đời". (Kinh Tập câu 364)

Nhưng Đức Phật có sự thận trọng. Dẫu cho Ngài đã được giải thoát và giác ngộ hơn Ngài, nhưng Ngài vẫn thấy là Ngài cần phải y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn:
"Vậy Ta hãy đảnh lễ, cung kính và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn, với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn ... định uẩn ... tuệ uẩn ... giải thoát uẩn chưa được đầy đủ ... nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác Ma và Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn và Bà la môn, chư Thiên và loài người, không có một Sa môn hay Bà la môn nào khác, với giới, với định, với tuệ và với giải thoát đầy đủ hơn Ta mà Ta có thể cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ. Rồi này các Tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: 'Với Pháp mà Ta đã chân chính giác ngộ, Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ Pháp ấy'".
Như vậy Đức Phật với tâm khiêm tốn, muốn tìm một Sa môn hay Bà la môn để nương tựa y chỉ nơi chánh pháp. Đó là lý do vì sao Đức Phật lại dạy các Tỷ kheo "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (attà-dìpàviharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attà-saranà), chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác". Thái độ này của Đức Phật giải thích vì sao Đức Phật khuyên tôn giả Ananda chớ có sầu muộn sau khi Đức Phật nhập diệt, vì các đệ tử của Đức Phật luôn luôn có chánh pháp làm chỗ y chỉ, có chánh pháp làm chỗ nương tựa.

Trong Tương Ưng III, 51, Đức Phật xác định lời khuyên một lần nữa cho các đệ tử của mình lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa: "Hãy sống, tự mìn làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ kheo, hãy nương tựa với chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác".Trong kinh Gopaka Moggallàna, Trung III, trang 111, chúng ta sẽ thấy các đệ tử của Đức Phật sau khi Ngài nhập diệt, đã xử sự đúng như lời Ngài dạy. Bà la môn Gopaka Moggallàna hỏi tôn giả Ananda: "Thưa Tôn giả, có một vị Tỷ kheo nào được Sa môn Gotama sắp đặt: 'Vị này, sau khi Ta diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho các ngươi và các ngươi sẽ y chỉ vị này?'".

Tôn giả Ananda trả lời: "Này Bà la môn không có một vị Tỷ kheo nào được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A la hán, Chánh Đẳng Chánh Giác sắp đặt: 'Vị này sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ngươi', và chúng tôi sẽ y chỉ vị này."

"Thưa Tôn giả Ananda, có một vị Tỷ kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ kheo Trưởng Lão sắp đặt là vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ y chỉ vị này?".

Tôn giả Ananda trả lời: "Không có một vị Tỷ kheo nào, này Bà la môn, được chúng Tăng thỏa thuận và được số đông các vị Tỷ kheo Trưởng Lão sắp đặt: 'Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi', và chúng tôi sẽ y chỉ vị này".

"Và như vậy là (quý vị) không có chỗ nương tựa. Thưa Tôn giả Ananda, như vậy do nhân gì quý vị có thể hòa hợp?".

"Này Bà la môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này Bà la môn, chúng tôi có chỗ nương tựa. Và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi."

Lấy Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, đó cũng chính là lời Phật dạy chúng ta.

Tỳ kheo Thích Minh Châu
(http://old.thuvienhoasen.org/haytuminhthapduoc.htm)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/07/2011(Xem: 5165)
Khái niệm ‘nghiệp’ vốn đã có mặt trong văn học Bà-la-môn giáo từ rất lâu trước khi Đức Phật xuất hiên ở đời : chính trên cơ sở của giáo thuyết về ‘nghiệp’ này mà Bà-la-môn giáo thiết lập hệ thống cứng ngắt về bốn giai cấp : Brahman(Bà-la-môn), Sát-đế-lợi, Tỳ-xá, Sudra(Thủ-đà-la). Đức Phật đã bác bỏ quan điểm giai cấp ấy, bằng câu nói : “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”.
20/07/2011(Xem: 10264)
Muốn đền đáp ân đức cha mẹ là khi cha mẹ chưa có lòng chính tín thì khuyên bảo cha mẹ có lòng chính tín để có được nơi an ổn từ niềm tin đó...
20/07/2011(Xem: 5471)
Kết quả của bất cứ hành động nào tùy thuộc trên động cơ. Tùy thuộc trên hoặc là có một cảm xúc phiền não hay một cảm xúc tích cực phía sau nó, cùng một hành động đưa đến những kết quả khác nhau. Ngay cả khi cùng một cảm xúc chung chung, lòng từ bi thương yêu như vậy, thúc đẩy một hành động, những sự hổ trợ tinh thần và xúc cảm của hành động ấy cũng tác động lên kết quả.
17/07/2011(Xem: 9133)
Đức Phật bảo rằng cần có mười lăm đức tính để tự hoàn thiện, để có thể sinh lòng từ bi đối với mọi người quanh ta hay rộng hơn cho đến tất cả nhân loại...
13/07/2011(Xem: 5683)
Điều bi thảm nhất trong thế gian thật không chi bằng cái chết, nhưng khắp cả người đời có ai may mắn thoát được nổi? Vì vậy, người hữu tâm muốn lợi mình lợi người thì chẳng thể không sớm lo liệu… Kẻ chẳng biết Phật pháp chỉ đành mặc cho nghiệp xoay chuyển, không làm thế nào được. Nay đã được nghe pháp môn Tịnh Độ phổ độ chúng sanh của đức Như Lai thì phải nên tín, nguyện niệm Phật, sắp sẵn tư lương vãng sanh, hầu mong thoát được huyễn khổ luân hồi sanh tử, chứng sự vui chơn thật Niết Bàn thường trụ.
12/07/2011(Xem: 7505)
Một số người nghĩ rằng họ biết tất cả về Đạo Phật và Phật tử chỉ bởi vì họ đã đọc một vài quyển sách. Họ cầm một quyển lên, “Hmm. Hãy xem quyển sách này nói gì. Ô, theo điều này, dường như những người Phật tử là cực đoan. Họ tin tưởng trong tất cả những loại dữ kiện kỳ dị.” Họ cẩm một quyển khác lên: “Lạy Chúa tôi, Đạo Phật hoàn toàn hư vô.” Họ vẻ ra tất cả những loại kết luận sai lầm căn cứ trên những thông tin giới hạn một cách cực đoan; họ không thấy bất cứ điều gì như toàn cảnh của một bức tranh. Điều này rất nguy hiểm.
12/07/2011(Xem: 4344)
Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản, tối quan trọng trong hệ thống giáo lý, là tinh hoa căn bản trong lời Phật dạy. Đây là pháp hành căn bản trong sự tu tập giải thoát. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa lý thâm sâu bài pháp Tứ Diệu Đế, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa như thế nào được gọi là tam chuyển pháp luân thập nhị hành?
07/07/2011(Xem: 5841)
Đưa ra sự kiện rằng trong truyền thống của ngài hiện hữu những thể trạng trong sáng và có những báo cáo về những hành giả kinh nghiệm thể trạng vi tế của tâm thức, câu hỏi của tôi có hai phần: Thứ nhất, những thể trạng vô phân biệt của tâm thức trong lý thuyết có thể được quán sát với những khí cụ ngoại tại không? Thí dụ, nếu chúng tôi để một thiền giả người ở trong thể trạng linh quang vào trong một trong những máy móc hiện đại của chúng tôi với những cộng hưởng từ trường, sử dụng những kỷ thuật hình dung não bộ mới, chúng tôi có thể thấy điều gì đấy, dấu hiệu gì đấy về thể trạng vi tế này không? Có lẻ chúng tôi chưa biết làm điều này như thế nào, nhưng trong lý thuyết, ngài có nghĩ là có thể làm được không? Chúng tôi không muốn đầu hàng với một nhị nguyên mới, tính thô thiển và vi tế, bản chất tự nhiên nhân quả giữa hai trình độ này là gì?
01/07/2011(Xem: 4181)
Việc đối nhân xử thế của chúng ta ở trong cõi đời này, đều cần coi trọng hiệu năng và công dụng. Tựa như kiếm tiền có ích gì, đọc sách có lợi gì? Kiếm tiền không những có thể giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống, mà còn có thể tạo phước cho nhân quần xã hội; đọc sách có thể tăng thêm tri thức, hiểu thêm cách ứng xử giao tiếp, mai sau có thể lập nghiệp thành công. Cũng vậy, “Bát nhã” có diệu dụng gì đối với chúng ta? “Bát nhã” chính là trí tuệ và năng lực (trí năng), không chỉ dừng lại ở đấy, mà diệu dụng của nó còn có rất nhiều.
01/07/2011(Xem: 4628)
Đạo Phật đến với người Âu Mỹ chúng ta qua nhiều tông phái và hệ phái, làm cho một người mới vào đạo cảm thấy rất bỡ ngỡ, mất rất nhiều thì giờ tìm hiểu những chi tiết vô nghĩa. Ngay cả chính tôi, sau 30 năm nghiên cứu Đạo Phật và hành trì trong những truyền thống khác nhau, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng về tính chất phức tạp của đạo nầy. Từ lâu, tôi đã giới hạn sự hiểu biết của tôi trên bình diện tổng quát của Đạo Phật, và chỉ đào sâu vào một vài tông phái đặc biệt. Cho nên, vì sự hiểu biết của tôi rất tổng quát, hy vọng những gì trình bày ở đây có thể sẽ giúp ích phần nào cho những người mới bắt đầu tìm hiểu Đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]