Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm Hiểu Nhẫn Nhục Ba La Mật (Kṣānti-pāramitā)

29/09/201119:23(Xem: 4067)
Tìm Hiểu Nhẫn Nhục Ba La Mật (Kṣānti-pāramitā)
TÌM HIỂU NHẪN NHỤC BA LA MẬT
(Kṣānti-pāramitā)
Trí Giải

1. Định nghĩa nhẫn nhục:

Chữ “nhẫn” trong chữ Hán được viết như sau: 刃 (nhận) +心 (tâm) = 忍

Chữ 刃 (nhận) nghĩa là sự nguy hiểm, mũi nhọn, chém giết

Chữ 心 nghĩa “tim”, chữ tâm được dùng rất phổ biến như tâm cảnh心境, tâm địa心地 nghiên cứu về hiện tượng ý thức gọi là tâm lý học 心理學, Phật học thì thượng gọi vạn pháp duy nhất tâm, gọi tắc duy tâm 唯心

“Tâm được chia làm hai phần, (1) vọng tâm妄心 cái tâm nghĩ ngợi lan man sằng bậy, (2) chân tâm真心 cái tâm nguyên lai vẫn sáng láng linh thông, đầy đủ mầu nhiệm không cần phải nghĩ mới biết, cũng như tấm gương trong suốt, vật gì qua nó là soi tỏ ngay, khác hẳn với cái tâm phải suy nghĩ mới biết, phải học hỏi mới hay. Nếu người ta biết rõ cái chân tâm (minh tâm明心) mình như thế mà xếp bỏ sạch hết cái tâm nghĩ ngợi lan man sằng bậy đi thì tức thì thành đạo ngay”. [1]

Theo Hán-Việt tự điển thì chữ “nhẫn” 忍 có nghĩa là nhịn, như làm việc khó khăn cũng cố làm cho được gọi là kiên nhẫn堅忍, nhẫn là lòng khoan dung độ lượng.

Tại sao chữ nhận 刃 (nhận) nằm trong chữ tâm 心 gọi là nhẫn, nghĩa là người tạo chữ muốn nói trong cuộc sống hằng ngày tâm mình thường hay tiếp xúc nhiều thứ nguy hại như những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…chúng thường làm não hại tâm mình. Cho nên nhẫn nhục là tâm phải chịu đựng những sự não hại bên ngoài mà tâm không sân hận (刃 (nhận) +心 (tâm) = 忍 nhẫn.)

“Nhẫn nhục tiếng Phạn gọi “Kṣānti” là một phương pháp tu của Bồ-tát trong lục độ ba-la-mật, từ “nhẫn” có nghĩa nhẫn nhịn, kiêng cữ, kiên nhẫn, sự ôn hòa”. [2]

“Chân thực và nhu hòa
Kham nhẫn và dịu hiền
Hòa thuận và đón tiếp
Bất hại và thanh tịnh” [3]

Theo D.T. Suzuki giải thích ý nghĩa “nhẫn nhục” như sau: “không cảm giác thất vọng khi đối diện với những điều xấu”, nhẫn nhục luôn đối trị sự tức giận (krodha), lòng căm thù (dveṣa) sự đáng ghét, không ưa (pratigha) và tính hiểm độc, ác tâm, ác ý (malice). Vì vậy, “nhẫn nhục” được định nghĩa là một sự giải thoát từ cái tâm giận dữ, và sự kích động (gây hấn, phấn khích) thối quen thường chịu đựng, tha thứ sự tổn thương (gây hại) và xúc phạm”.[4]

“Nhẫn nhục Ba-la-mật là chịu đựng những phiền não mà người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi lầm của kẻ khác, Bồ-tát tu pháp nhẫn nhục thậm chí chặt đứt một cánh tay hoặc một cái chân vẫn không uất ức khó chịu” [5]

Hành giả tu nhẫn nhục phải thực hành trên ba phương diện nhẫn thân, nhẫn khẩu, và nhẫn ý

Nhẫn thân, nhẫn khẩu, với nhiều người
Ý nhẫn không sân, mọi việc vui
Đức hạnh chân tu, cầu giải thoát
Mọi người học Phật, nhẫn soi đời(Trí Giải)

Trong Phật giáo nhẫn nhục không phải là sự bi lụy, yếu đuối, hèn hạ, nhẫn là một thái độ tích cực rất sáng suốt do trí tuệ dắt dẫn, khi vấp phải những thất bại không chán nản tuyệt vọng, đạt được thành công không kiêu căng tự đắc, đó là ý nghĩa của nhẫn

Ở đời sống đạo hãy tùy duyên
Tâm trí an vui chẳng lụy phiền
Ngoại cảnh sáu trần không dính mắc
Nội tâm bát thức hãy điềm nhiên
Niệm tưởng khởi lên liền buôn xả
Chân tâm vắng lặng thấy bình yên
Ấy là chân thật cho cuộc sống
Không bị lụy phiền cảnh đảo điên
(Trích “Bước Chân Xuất Thế”)

"Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất, cũng như trên đất ta có thể vất bất luận thứ gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ đất không giận, cũng không thương."

2. Phân loại nhẫn nhục:

Nhẫn nhục: là một đức tính quan trọng của người Phật tử, tỏ rõ sức mạnh nội tâm, cũng là một trong 6 Ba-la-mật của Bồ-tát hạnh. Nhẫn có 3 loại: [6]

Sinh nhẫn(chúng sinh nhẫn) như muỗi, kiến cắn không giận, không giết hại, không sân hận với người sân hận, không chửi mắng người chửi mắng mình, còn gọi là hữu tình nhẫn

“Nhẫn, vô trước: giáp sắt,
An ổn, đi đúng pháp.
Tiến thẳng không thối lui,
Không có gì lo sợ;
Người trí ruổi chiến xa,
Dẹp kẻ thù vô trí” [7]

Đức Phật dạy: "Người tu hành theo Đạo như một người chiến đấu với vạn người. Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa đường thối lui, hoặc chiến đấu đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Người Sa môn học Đạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ cảnh tượng trước mắt (làm chướng ngại) phá tan các loài ma để đắc Đạo thành đạo quả" [8]

Pháp nhẫn: nhẫn chịu sự áp bức của thiên nhiên như nóng, lạnh, mưa nắng... còn gọi là phi tình nhẫn.

Sinh nhẫn và pháp nhẫn thuộc về đức tính kham nhẫn, trong Thiền luận của Suzuki nói rằng: “Kham nhẫn không nghĩa là chịu khuất phục trước mọi khổ đau, những khổ đau ấy tác động ở bên ngoài mang đến cho mình, nhưng nó có nghĩa là để thực hành đức tính tinh tấn (siêng năng) trong đời sống của Tánh không mà tất cả Kinh điển Đại thừa xem như là cuộc sống của Bồ-tát” (Bodhisattvacarya) [9]

Vô sinh pháp nhẫn: nhẫn đạt đến cao độ trở thành đức tính tự nhiên, ra vào nghịch cảnh và thuận cảnh một cách tự tại.

Theo như Kinh-thập-địa, “đời sống vô công dụng hạnh của Bồ tát phải trải qua giai đoạn thứ bảy và tám (bát địa; bất động địa) trong đời sống tâm linh mới chứng được “Vô sanh pháp nhẫn”Anutpattikadhamma Ksanti”[10]

3. Sự nguy hại không kham nhẫn:

Bồ tát tu tập hạnh nhẫn nhục là để đoạn trừ tâm sân hận một trong ba căn bản phiền não luôn nhấn chìm chúng sinh trong vòng sinh tử, trong chín mươi tám kiết sử, thì tâm sân hận là loại kiết sử nguy hiểm nhất, trong các tâm bệnh, nó là thứ bệnh khó trị nhất. Kẻ sân nhuế thì không bao giờ biết thiện, ác, cũng chẳng nghĩ đến tội phước, chẳng biết tàm quý chỉ theo tâm sân hẫy hừng của mình.

Trong tác phẩm Bodhicaryāvatāracủa ngài Śātideva nói rằng không có ác nào sánh kịp bằng sân si, và cũng không có gì cao quý bằng đức tính kham nhẫn:

“Thiện hành tích lũy ngàn năm,
Một giây nóng giận tiêu tan tức thì.
Ác nào sánh kịp sân si
Hạnh tu nhẫn nhục không gì quý hơn” [11]

Và trong Tăng-chi-bộ-kinh đức Phật dạy: có năm điều nguy hại cho những người không kham nhẫn:

- Quần chúng không ái mộ, không ưa thích.

- Có nhiều người hận thù.

- Nhiều người tránh né không muốn gặp.

- Lúc sắp chết tâm bị mê loạn

- Sau khi chết rơi vào Địa ngục. [12]

Thông thường, sự xung đột thường xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng và bạn bè, nguyên nhân là do đâu? Do chúng ta mọi người không biết tu nhẫn nhục, ai cũng cố chấp để bảo vệ cái bản ngã tự cao tự đại của mình, ai cũng cho rằng mình luôn đúng và không chịu lắng nghe, nếu hai vợ chồng luôn bảo vệ cái đúng riêng cho bản thân mình thì chắc chắn sẽ tạo ra sự xung đột trong gia đình và mất đi sự hạnh phúc.

4. Sức mạnh của kham nhẫn

Trong Tăng-chi-bộ-kinh đức phật dạy về sức mạnh của lòng kham nhẫn: “ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn” [13]

Dù cho gian khổ dặm đường
Sa môn kham nhẫn không vướng bụi trần
Dong ruổi góp nhặt cơn sân
Mang về vun bón chân tâm Bồ đề
Khi nào hoa quả sum sê
Hái tặng hạt giống người về ươm tâm
Trồng trên mảnh đất hồng trần
Nhổ cỏ phiền não, quả tầm Thánh nhân (Trí Giải)

Có vị Sa môn hỏi Đức Phật rằng:

"Điều gì là mạnh nhất? Điều gì là sáng nhất?" Đức Phật dạy: "nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Nhẫn nhục là không ác, tất được mọi người tôn kính, tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất, nghĩa là tất cả sự vật trong 10 phương, từ vô thỉ thuở chưa có trời đất cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất thiết trí, như vậy được gọi là sáng nhất". [14]

Và đức Phật đưa ra tám sức mạnh như sau:

- Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc

- Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ

- Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí

- Sức mạnh của vua chúa là quyền uy

- Sức mạnh của kẻ ngu si là áp đảo

- Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa

- Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát*

- Sức mạnh của Sa môn là nhẫn nhục [15]

5. Phương pháp thực hành nhẫn nhục ba-la-mật:

+ Dùng trí tuệ quán chiếu

Bồ-tát thường dùng trí tuệ vô lậu quán chiếu các pháp vận hành theo nguyên lý Tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) vị ấy thấy vạn vật cùng vận hành theo luật duyên sinh, tương quan theo thuyết nhân quả, cho nên Bồ-tát vẫn thản nhiên để thành tựu Bồ đề nguyện:

Vô thường lá rụng, ở ngoài sân
Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần
Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ
Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân (Trí Giải)

Khi có người làm tổn thương đến Bồ-tát, vị Bồ-tát nghĩ rằng:

“Người hại ta hôm nay, đã có gieo ân oán trong kiếp trước nào đó, vô tình hay cố ý ta đã tạo nhân oan trái với người này, đây cũng là quả để trả nhân quá khứ gieo trồng không tốt, đây cũng chính là kết quả của hành động bất thiện trong quá khứ, tại sao ta không trả nợ lại oán hờn người ta”? [16]

“Muốn tu nhẫn nhục cho thành,
Kẻ thù hợp tác với mình mới xong
Vậy bao phước đức thành công,
Hãy nên phụng hiến kẻ từng hại ta”
“Nhờ một kẻ sân si tột độ,
Nhẫn nhục thành kiên cố nơi ta
Kẻ thù nhân tốt cho ta,
Nên cung dưỡng họ như là Pháp thân [17]

Vì thế “Bồ-tát nhẫn nhục ba-la-mật là thực hành tinh tấn cả ngày đêm để thích nghi tất cả những nhu cầu ứng xử không khởi tâm phân biệt” [18]

Mỗi khi chúng ta gặp chướng duyên bị xung đột với ai, tự quán chiếu lại chính bản thân mình, lúc cơn giận nổi lên, chúng ta là phàm phu, không thể nào đủ trí tuệ để thắng cái cơn giận, khi sự việc qua rồi, mỗi đêm nằm ngủ hãy bỏ ra 10 phút quán chiếu lại, suốt quá trình trong một ngày, mình đã làm gì? Việc nào mình đã làm đúng? Việc nào mình đã làm sai. Sau khi quán chiếu từng việc như thế, việc nào mình làm đúng thì phát triển trong tương lai, việc nào không đúng phải kiểm điểm lại mình đã làm sai từ chỗ nào. Nếu mình lỡ làm người bạn nào đó buồn tự mình phải đi xin lỗi thì mọi việc sẽ bình yên, mỗi ngày sẽ trở nên hoàn thiện

Vì kẻ thù luôn giận dữ
Đã tạo ra đau khổ như thế này
Ai thắng sân hận mới hay
Sẽ tìm thấy được những ngày hạnh phúc[19]

Người Phật tử thuần thành tu pháp nhẫn nhục và khoan hồng, nếu thấy bất kỳ điều xấu của kẻ khác, hãy cố gắng tìm cái tốt đẹp trong mỗi người và sự việc để sống, vì vậy trong Kinh Trường-A-Hàm đức Phật dạy rằng:

Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được[20]

+Dùng từ bi tu nhẫn nhục:

Ngoài phương pháp tu lục độ ra, Bồ-tát còn sử dụng nhiều pháp môn tu khác như Tú-vô-lượng-tâm, Tứ-nhiếp-pháp, Ngũ minh…Bồ-tát tu tập Tứ-vô-lượng-tâm:

- Tâm từ (metta) là lòng chân thật ước mong chúng sinh sống hạnh phúc trong niềm vui chân tịnh và thành tự Bồ đề.

- Bi (karuṇā) là lòng rung động trước khổ đau của người khác, tình thương vô hạn đối với chúng sinh, lòng quyết tâm cứu mọi sinh linh thoát khỏi biển sinh tử luân hồi

- Hỷ (muditā) là lòng hoan hỷ trước mọi thành công và niệm vui chung với người khác.

- Xả (upeksā) là sự nhận thức đúng đắn, sự suy luận khách quan, Bồ-tát không có luyến ái, cũng không ghét bỏ, không oán giận những kẻ đã làm hại mình

Vì thế, “những ai tiêu diệt được tâm hận thù thì người ấy được trí tuệ sáng suốt cho bản thân. Trong cuộc sống bạn không có tình thương không thể nói chuyện với người khác được” [21]

Nhẫn nhục thể hiện tâm từ
Nhẫn người một chút chữ tu hiển bày
Nhẫn nhịn mới thấy điều hay
Nhẫn bạn ta có những ngày cảm thông(Trí Giải)

Trong cuộc sống chúng ta cần tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi mới thực hành phương pháp tu nhẫn, vì lòng từ bi sẽ giúp bạn sẽ gặt hái năm kết quả sau:

“(1) lòng từ bi từ bỏ gây tổn thương đến người khác, (2) là hạt giống cho sự giác ngộ giải thoát, (3) mang đến hạnh phúc đến cho tha nhân, và nhận khổ đau về cho mình (tinh thần Bồ-tát đạo), (4) động cơ thúc đẩy cho hạnh nguyện, (5) mang lại đặc tính từ bi cho riêng mình.” [22]

Bồ-tát luôn lấy từ bi và trí tuệ làm sự nghiệp độ sinh, nhưng pháp tu nhẫn nhục rất quan trọng vì sợ gây tổn hại đến chúng sinh, trong Kinh-phạm-vọng nói: “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ mẹ ta, ta đời đời thọ sinh ở nơi họ”. [23]

Khi quán chiếu như thế tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳng, Bồ-tát không có tâm phân biệt những ai có duyên đều được cứu khổ ban vui cho họ, trong Kinh Đại- bảo-tích có nói:

Nhẫn nhục gốc thập lực
ChưPhật thần thông nguyện
Trí vô ngại đại bi
Đều lấy nhẫn làm gốc
Tứ đế, niệm, chánh cần
Căn, lực, giác đạo phần
Đều lấy nhẫn làm gốc
Người trí nên tu nhẫn
Phật tại ba la mật
Chuyển pháp luân vô thượng
Cũng lấy nhẫn làm gốc[24]

6. Nhẫn nhục một trong sáu pháp tu Ba-la-mật

Chúng ta là hàng phàm phu trên bước đường tu tập, thực hành lục độ ba la mật bao gồm: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ

Bố thí có hai, vật chất và tinh thần, Bố thí vật chất được giàu sang, đó là làm việc lợi tha, bố thí pháp dẫn dắt chúng sinh vào đạo tu hành quả được trí tuệ.

Do trì giới thoát khỏi ba đường ác, được sinh vào cõi người hay cõi trời tôn quý. Do tu nhẫn nhục nên ngăn được tâm nóng giận, thân tướng được trang nghiêm, oai đức đầy đủ, không có hận thù ai nấy đều quý mến và kính phục và dễ dàng cảm hóa chúng sinh.

Do tinh tấn giúp cho hành giả đoạn trừ tâm giải đãi, để hoàn thành tâm nguyện về Bảo sở và hoằng pháp độ sinh.

Do tu thiền định tâm không còn não loạn, vọng tưởng, xa lìa các vui ngũ dục của thế gian, thiền định giúp tâm bình tránh xa mọi xung đột, gây tổn hại đến người khác trong cuộc sống.

Do tu thiền định vọng tưởng, phiền não chấm dứt, trí tuệ bát nhã hiển bày để diệt trừ vô minh, mây ta thì mặt trăng hiển bày chiếu sáng khắp thế gian.

7. Kết luận:

Nói thì dễ lắm, nhưng khi chúng ta thực hành tu nhẫn nhục rất là khó, hằng ngày chúng ta luôn ôm chấp cái ngã của mình, để rồi tham lam, ích kỷ, giận hờn, ganh tỵ, lúc nào cũng cho mình hơn người, những thứ này như đao 刀 (phiền não) nằm trong tâm 心. Đây chính là nguyên nhân ngăn cản chúng ta tu nhẫn nhục.

Từ trước đến nay chúng ta sống sai lầm tạo biết bao nhiêu thù hận, sân si,...ngày hôm nay cố gắng tu thực hành thiền định, tụng kinh, niệm Phật để tâm hồn thanh tịnh trí tuệ phát sinh, khi có trí tuệ bát-nhã rồi thì chúng ta sẽ làm chủ 丶được con đao trong tâm, nghĩa là không chấp 刃 (nhận) những thứ phiền não đó trong tâm, thì chỉ còn lại một chân tâm thanh tịnh, 心 an lạc giải thoát. Tức là chữ nhẫn 忍-刃=心 (nhẫn không nhận phiền não = chân tâm), thì chân tâm này là tâm Phật, tâm của Bồ-tát, tâm của bậc Hiền trí.

Chú thích:

[1] Thiều Chửu, Hán-Việt tự điển,

[2] Xem H. Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Motilal Banarsidass Publishers, 2004. P. 209 và xem: G. S. P. Misra, Development of Buddhist Ethics, Mushiram Manoharlal Publisher1984 pp.137-138.

[3] Aṅguttāra Nikāya TăngChi BộHòa thượng Thích Minh Châu dịch ViệtChương II - Hai Pháp, XV. Phẩm Nhập Định

[4] H. Dayal, op.cit., 2004. P. 209

[5] Narada, The Buddha and His Teachings, Buddhist Missionary Society Malaysia, 1988 p. 599.

[6] “(1) forbearance of pain (duḥkhādhivāsana-kṣānti)

(2) forbearance of seeing the Doctrince (dharmaidhyāna-kṣānti)

(3)forbearance of injuries and insults (parāpakāra-marṣaṇo-kṣānti)” xem G. S. P. Misra, Development of Buddhist Ethics,Mushiram Manoharlal Publisher1984 p.138

[7] 無著忍辱鎧 安隱如法行 直進不退還 永之無憂處智士乘戰車 摧伏無智怨, T2n99 trang 201a06-08 xem Tạp A-Hàm Thích Đức Thắng,Việt dịch chương V. Đạo Phẩm phần Tương ưng thánh đạo, Kinh Bà-la-môn.

[8] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thích Viên Giác dịch giảng nghĩa chuong 33.

[9] D.T. Suzuki, Essays in Zen Buddhism second Series, C. Humphreys (ed) Mushiram Manoharlal Publisher 2008 p. 313.

[10] D.T. Suzuki, op.cit., p. 335. Và xem: Sangarakshita, A Survey of Buddhism Motilal Bannarsidass Publishers 2006. P. 483

[11] The Bodhicaryāvatāra of the Boddhist poest Śātideva, Entering the Path of Enlightenment, M. L. Matics (tr.) London Geoge Allen & Unwin Publish 1970. P.173. Việt dịch:Thích Nữ Trí Hải.

[12] Aṅguttāra NikāyaTăng Chi BộHòa thượng Thích Minh Châu dịch ViệtChương chương V phẩm không kham nhẫn.

[13] Tiếp theoChương IV - Bốn Pháp (IV) (164) Kham Nhẫn

[14] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thích Viên Giác dịch Việt chương XV

[15] Aṅguttāra NikāyaIII,Tăng Chi Bộ KinhIII, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt Chương Tám Pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Sức Mạnh (1), trang 587.

[16] Narada, The Buddha and His Teachings, Buddhist Missionary Society Malaysia, 1988 p. 600

[17]The Bodhicaryāvatāra of the Boddhist poest Śātideva, Entering the Path of Enlightenment, M. L. Matics (tr.) London Geoge Allen & Unwin Publish 1970. pp. 173-174. Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải.

[18] D.T. Suzuki, Studies in the Laṅkavatāra Sūtra, Mushiram Manoharlal Publisher 2007, pp 366-367.

[19]The Dalai Lama Healing, Anger The Power of Patience from a Buddhist Perspective, G. T. Jinpa (Tr.) Motilal Banarsidass Publisher 2007. P. 17 (Trí Giải dịch ra thơ)

[20]衆人諍有訟 不報者爲勝,
夫人有二縁 爲己亦爲他
見無諍訟者 乃謂爲愚騃
若人有大力 能忍無力者
此力爲第一 於忍中最上
愚自謂有力 此力非爲力
如法忍力者 此力不可沮 xem 長 阿 含 經 T1n1 trang142a01-07 xem: Kinh Trường A-Hàm phần Thích Phước Thắng Việt dịch IV phẩm 10: Chiến Đấu

[21] G.M.Nagao, “The Bodhisattva’s compassion Described in the Mahāyāna-Sūtrālṁkāra”, J. Silk (ed) Buddhist

Studies The Legacy of Gandjin M. NagaoMotilal Banarsidass publishers 2008 p.18.

[22] Tiếp theo trang 9.

[23] Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới HT Thích Trí Quang Việt dịch giới 20

[24] Kinh Đại Bảo Tích, HT Thích Trí Tịnh Việt dịch VI. Tr. 71.

* Thẩm sát: nghĩa là bậc Thanh văn có trí tuệ, có chánh kiến quán sát mọi sự việc một cách sâu sắc, thấu rõ được bản chất của nó, không rơi vào tà kiến.

(CÙNG TÁC GIẢ)

Bài Liên quan đến chủ đề:

Ý NGHĨA NHẪN NHỤC CỦA ĐẠO PHẬT - Thích Minh Hoàng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/12/2011(Xem: 4438)
Ở Tây Tạng nhiều đại hành giả sưu tập những sự thực hành tâm linh đưa đến giác ngộ trong một bộ sách gọi là Những Giai Tầng của Con Đường Giác Ngộ. Những giáo huấn hùng hồn về Đức Phật từ bi kể rõ chi tiết một loạt những sự thực hành mà một người may mắn có thể sử dụng cho việc rèn luyện nhằm để đạt đến giác ngộ. Các ngài chắt lọc những kinh luận Đạo Phật bao la và vô hạn mà không hy sinh bản chất tự nhiên hay sự sắp đặt cốt lõi của chúng.
17/12/2011(Xem: 4022)
Ngài Long Thọ mở đầu Trung Luận bằng một bài tụng kính lễ Đức Phật giảng lí tính duyên khởi và tịch lạc của niết bàn.
13/12/2011(Xem: 5118)
Sự thực hành chuyển hóa tâm thức của Phật giáo chủ yếu gồm ba pháp: Chỉ (hay Định), Quán, và Chỉ Quán song tu. Ba pháp này dựa vào ba khả năng của tâm thức con người: Sự tập trung (Chỉ), sự quan sát có khi cộng thêm với sự tưởng tượng (Quán), và thực hành cả hai cái ấy cùng một lúc. Quán là quán sát (to examine), quán tưởng (to visualize), tưởng tượng (to imagine); các học giả Tây phương dịch chữ Quán bằng ba động từ này. Mục đích của thực hành quán là để thấy sự thật vô ngã và vô pháp.
27/11/2011(Xem: 6257)
“Từ bi là căn bản”, đây là lời nói viên mãn chính xác, là tâm tuỷ của Phật giáo Đại thừa, biểu đạt được nội dung chân thật của Phật giáo. Vì vậy tín đồ của Phật giáo Đại thừa nên tư duy nghiêm mật, nắm bắt thiết thực nhất!
26/11/2011(Xem: 5251)
Ba la mật thứ tư: Tinh tấn Tsöndruthường được dịch là “tinh tấn.” Tuy nhiên, trong văn cảnh của Phật giáo, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn nhiều. Nó không chỉ hàm ý sử dụng nỗ lực và cần cù mà còn là cảm nhận sự thích thú và nhiệt tâm đối với các thiện hạnh.
23/10/2011(Xem: 10395)
Khi người ta đến để nghe tôi giảng, nhiều người làm như thế với mục tiêu đón nhận một thông điệp hay một kỹ năng cho việc bảo vệ niềm hòa bình nội tại và cho việc đạt đến một sự thành công trong đời sống. Một số người có thể đơn giản biểu lộ sự tò mò, nhưng điều quan trọng nên biết là tất cả chúng ta giống nhau, tất cả là những con người. Tôi không có gì đặc biệt: tôi chỉ là một ông thầy tu giản dị. Chỉ là một con người. Và tất cả chúng ta đều có khả năng cho những điều tốt đẹp cũng như những điều xấu xí. Cũng thế, tất cả chúng ta đều có quyền để hướng dẫn những đời sống hạnhphúc. Điều này có nghĩa là những ngày và những đêm vui vẻ; trong cách này, đời sống chúng ta trở nên hạnh phúc.
19/10/2011(Xem: 4881)
Có một bài thuyết pháp của Đức Thế Tôn mà không thấy sách sử ghi lại, bài thuyết ấy cũng tại Vườn Nai, xứ Ba La Nại, được nói ra trước bài kinh Tứ Diệu Đế chỉ vài giờ. Bài thuyết pháp ấy không lời. Khi Đức Thế Tôn bước từng bước chân an lạc trở về Vườn Nai, các vị trong nhóm ông Kiều Trần Như đã tiếp nhận được ánh sáng hạnh phúc đó và đã chuyển hóa được năng lượng tiêu cực đang phát khởi trong tâm bằng cách quỳ dài xuống đất để đón tiếp.
13/10/2011(Xem: 4956)
Phần lớn các nhà nghiên cứu Tây phương vào thế kỷ 19 chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo Nguyên thủy. Kinh điển Nguyên thủy được sưu tập và phiên dịch bởi những học giả có định kiến Phật giáo là ‘một tôn giáo trốn lánh đời và tiêu cực thụ động’. Họ bỏ qua những hoạt động của một số tăng già trong các phong trào chánh trị “chống thực dân ’ ở các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á và có lẽ xem các nhà sư liên hệ đến chính trị là những ‘chuyên viên quấy rối’. Ở Tây phương từ ngữ Phật giáo nhập thế chỉ mới xuất hiện gần đây.
12/10/2011(Xem: 7240)
Truyền thống PG Tây Tạng chia giáo pháp Đức Phật ra ba thời kỳ chuyển pháp luân: thời kỳ đầu, dạy pháp Tứ Diệu Đế; thời kỳ thứ nhì, dạy pháp Tánh Không...
04/10/2011(Xem: 4048)
Quan điểm phủ nhận về một đấng toàn năng và vĩnh cửu đã được thể hiện trong kinh tạng Phật giáo Pali cũng như kinh tạng Phật giáo Mahayana. Thái độ của Phật giáo đối với các khái niệm và ý tưởng về đấng sáng tạo và các vị thần được cho là ý niệm hão huyền, không mang lại hạnh phúc thực sự cho con người, không phù hợp với giáo lý của đức Phật vốn lấy con người làm đối tượng cao nhất trong việc giải quyết những nỗi khổ đau đang hiện hữu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]