- Chương 1: Những điều kiện cần thiết trước khi đọc tụng kinh Phật
- Chương 2: Kinh Phổ Minh Bồ Tát trong bộ kinh Đại Bảo Tích
- Chương 3: Bốn điều làm lùi mất trí huệ của Bồ Tát
- Chương 4: Kiêu mạn là gì?
- Chương 5: Những biến thái đa dạng của sự kiêu mạn.
- Chương 6: Bốn điều khiến cho Bồ Tát đạt được đại trí huệ.
- Chương 7: Bốn điều khiến cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề tâm.
- Chương 8: Bốn điều làm cho Bồ Tát nuôi dưỡng Bồ Đề tâm từ kiếp này đến kiếp khác
- Chương 9: Hai mươi bốn điều khiến cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề tâm
- Chương 10: Bốn mươi điều làm tăng trưởng Bồ Đề tâm của một bậc Bồ Tát
- Chương 11: Ba mươi hai điều thành tựu danh hiệu Bồ Tát
Tu Tập Hạnh Bồ Tát
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương
Chương 9: Hai Mươi Bốn Điều Khiến Cho Bồ Tát Đánh Mất Bồ Đề Tâm
Nguồn: Phạm Công Thiện
Phần mở đầu kinh Phổ Minh Bồ Tát Hội chính là phần quan trọng nhất, tất cả diệu nghĩa phong phú của Phật Pháp đã được Đức Phật giảng dạy một cách cô đọng súc tích trong tám điều tích cực và tám điều tiêu cực có liên hệ đến trí huệ và đại trí huệ của Bồ Tát, và Đại Trí Huệ của Bồ Tát chính là Lòng Bồ Đề, tức là Bồ Đề Tâm. Điều quan trọng nhất ở đây là tôn kính Phật Pháp và tôn trọng Pháp sư. Lòng tôn trọng Phật Pháp và kính trọng Sư Trưởng đã được thực hiện cụ thể qua sự thực hành tu chứng Bồ Đề Tâm cho đến khi Giác Ngộ viên mãn, cho đến lúc ngồi đạo tràng, ngộ nhận Bồ Đề vô thượng.
Phần kế tiếp ở kinh Phổ Minh là khai triển đủ mọi dạng thái tích cực và tiêu cực của việc tăng trưởng chứng nhập Bồ Đề Tâm và việc đánh mất Bồ Đề Tâm, rồi đúc kết lại những điều thành tựu của một bậc Bồ Tát, xứng danh với danh hiệu Bồ Tát.
Để giữ tính cách liên tục của những đề tài đề cập trong kinh có liên hệ trực tiếp với việc đánh mất Bồ Đề Tâm và với việc tăng trưởng chứng nhập Bồ Đề Tâm, chúng tôi xin liệt kê tất cả đề tài (theo hình thức bốn điều) cùng chung lại với nhau cho dễ nhớ, nội dung tích cực theo loại tích cực (gồm có 40 điều) và nội dung tiêu cực theo loại tiêu cực (gồm có 24 điều). Lúc trì tụng, mình cần theo thứ tự quen thuộc, tách rời một đoạn kinh, chú tâm vào 4 vế cho kinh kệ dễ nhập, dễ huân tập vào thần trí. Nhưng khi tu học, mình cần nhập chung tất cả đề tài tích cực (pháp lành) vào một nhóm, và tất cả đề tài tiêu cực (pháp xấu) vào một nhóm khác để dễ có một cái nhìn nhất lãm, một cái nhìn tổng quan về những pháp môn đa dạng của Phật Pháp.
Căn cứ vào lời Đức Phật dạy Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp, xin liệt kê 24 điều khiến cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề Tâm:
1. Đọc tụng, nghiên cứu kinh điển thế tục, vì do lòng kiêu mạn;
2. Đi đến nhà người cúng dường với cái lòng ham muốn thèm khát tiền bạc, lợi lộc vật chất;
3. Phẫn hận thù ghét phỉ báng những vị Bồ Tát khác;
4. Chẳng tin và nói nghịch lại với những kinh Phật mà mình chưa được nghe lần nào.
Bốn điều này làm những pháp lành của Bồ Tát bị giảm kém đi, chẳng những chẳng được tăng trưởng mà lại phải bị mất hẳn đi.
5. Ôm giữ mối nghi ngờ đối với Phật Pháp và hối tiếc vì đã chấp nhận Phật Pháp;
6. Phẫn hận thù ghét và kiêu mạn đối với chúng sinh;
7. Đố kỵ, ghen tỵ với những kẻ khác, vì họ được thành công lừng lẫy, giàu sang, sung sướng, vẻ vang, hạnh phúc;
8. Mạt sát nói xấu những Bồ Tát khác và mạ lỵ họ khắp nơi.
Bốn điều ở trên này là những điều thuộc tâm siểm khúc mà một bậc Bồ Tát cần phải tránh xa, lìa bỏ dứt khoát.
9. Sau khi đọc tụng Kinh Phật, một Bồ Tát hư họng bại hoại là kẻ chỉ trích chơi chữ, thích hý luận, thay vì thực hành, tu hành đúng theo Phật Pháp;
10. Không vâng lời, tôn trọng và làm vui lòng những vị Sư Trưởng;
11. Phí tổn sự cúng dường của tín đồ, vẫn nhận của tín thí, dù mình đã phá giới;
12. Khinh thường và không kính phục những bậc Bồ Tát có đầy đủ giới hạnh thanh tịnh.
Bốn điều kể ở trên là bốn cái dấu hiệu tướng trạng tự nói lên sự bại hoại hư nát của Bồ Tát.
13. Đồng ý, đồng lõa, đồng dạ với một người không đáng tin cậy;
14. Giảng dạy một pháp môn tu hành sâu thẳm cho một kẻ không đủ sức lãnh nhận;
15. Ca tụng Tiểu Thừa giữa những kẻ vui sướng tu hành theo Đại Thừa;
16. Chỉ bố thí cho những bậc chân tu giữ giới hạnh hoàn toàn mà không chịu bố thí cho những người hung dữ.
Bốn điều trên là bốn điều sai lầm mà một bậc Bồ Tát dễ vướng mắc.
17. Thanh văn không thể là thiện tri thức (người bạn tốt) và một người bạn đường tốt (thiện đẳng lữ) cho một vị Bồ Tát, vì Thanh văn (sravaka) chỉ muốn tự lợi cho cá nhân thôi;
18. Kẻ cầu Duyên Giác (Pratyekabuddha) cũng không thể là người bạn tốt, cũng chẳng phải kẻ đồng hành với một vị Bồ Tát, vì họ chỉ thích hưởng thụ chăm lo chút ít việc nhẹ thôi;
19. Những học giả thế tục cũng không thể là bạn tốt và bạn đồng hành với Bồ Tát, vì họ chỉ lo nghiên cứu thư điển ngoại đạo và khoái sướng với hư văn mỹ lệ, với văn từ nghiêm sức điểm trang;
20. Cũng không phải là thiện tri thức và thiện đẳng lữ với vị Bồ Tát, bất cứ những kẻ thân cận nào chỉ lo tăng trưởng những lợi lộc tài sản thế tục, thay vì thâu đắc Phật Pháp.
Bốn điều trên là bốn hạng người "phi thiện tri thức", "phi thiện đẳng lữ" đối với một vị Bồ Tát.
21. Hạng người có vẻ giống như Bồ Tát mà không phải thực là Bồ Tát: đó là hạng người chỉ thèm khát tài sản lợi lộc vật chất, ham cầu lợi dưỡng mà chẳng tìm cầu Phật Pháp;
22. Cũng như trên, hạng người ham muốn nổi danh, nổi tiếng vang dậy, mà chẳng ham cầu những đức hạnh, phước đức;
23. Cũng thế, hạng người chỉ thích tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình, thay vì chỉ đường cho chúng sinh tu hành để tiêu diệt khổ đau;
24. Cũng như trên, hạng người chỉ thích sướng sum vầy với rất nhiều đệ tử (tụ họp đồ chúng), và chán ghét sống viễn ly, sống tách biệt một mình trong tịch lặng.
Bốn hạng người trên là hạng người có vẻ tương tợ như bậc Bồ Tát mà thực ra là "phi Bồ Tát", chẳng phải Bồ Tát gì cả.
Tất cả những điều trên là hai mươi bốn điều làm cho Bồ Tát đánh mất Bồ Đề Tâm.