- Tổng Quan
- Nghi Thức Sám Hối Đơn Giản Trước Khi Tụng Kinh
- Phẩm 1: Mở đầu Pháp thoại
- Phẩm 2: Thọ Lượng Thế Tôn
- Phẩm 3: Phân biệt ba thân
- Phẩm 4: Âm Thanh Trống Vàng (32)
- Phẩm 5: Diệt trừ nghiệp chướng
- Phẩm 6: Minh Chú Tịnh Địa
- Phẩm 7: Hoa Sen Ca Tụng (48)
- Phẩm 8: Minh Chú Kim Thắng
- Phẩm 9: Trùng Tuyên về Không
- Phẩm 10: Mãn nguyện vì Không
- Phẩm 11: Thiên Vương quan sát
- Phẩm 12: Thiên Vương Hộ Quốc
- Phẩm 13: Minh Chú Ly Nhiễm
- Phẩm 14: Ngọc Báu Như Ý
- Phẩm 15: Đại Biện Thiên Nữ
- Phẩm 16: Cát Tường Thiên Nữ
- Phẩm 17: Tăng trưởng tài vật
- Phẩm 18: Kiên Lao Địa Thần
- Phẩm 19: Dược Xoa Đại Tướng
- Phẩm 20: Vương Pháp chính luận
- Phẩm 21: Thiện Sinh Luân Vương
- Phẩm 22: Tám bộ Hộ Trì (90)
- Phẩm 23: Thọ ký thành Phật
- Phẩm 24: Chữa trị bịnh khổ
- Phẩm 25: Truyện của Lưu Thủy
- Phẩm 26: Xả bỏ thân mạng
- Phẩm 27: Bồ tát tán dương
- Phẩm 28: Diệu Tràng tán dương
- Phẩm 29: Thọ Thần tán dương
- Phẩm 30: Biện Tài tán dương
- Phẩm 31: Ký Thác Kinh Vua
- Ghi chú
Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim)
Phẩm 24: Chữa trị bịnh khổ
Nguồn: Bản Hoa dịch của ngài Nghĩa Tịnh
Đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần, hãy nghe cho kỹ hãy khéo nghĩ nhớ. Như lai nay nói cho thiện nữ nghe về bản nguyện của mười ngàn thiên tử.
Thiện nữ, quá khứ vô số kiếp, bấy giờ có đức Phật đà xuất hiện thế giới, danh hiệu Bảo Kế Như lai, đủ mười đức hiệu. Sau khi đức Như lai ấy nhập niết bàn, giáo pháp nguyên chất hết rồi, trong giáo pháp tương tự có một quốc vương tên Thiên tự tại quang, luôn luôn áp dụng chánh pháp mà hóa cải quốc dân, tựa như cha mẹ đối với con cái. Trong vương quốc có một trưởng giả tên Trì thủy, hiểu rành y học, thông suốt tám thuật. Ai bịnh khổ, tứ đại bất ổn, ông cứu chữa được cả.
Thiện nữ, Trì thủy trưởng giả có người con trai duy nhất, tên là Lưu thủy. Người đẹp, nghiêm chỉnh, ai cũng thích nhìn. Bẩm tính thông minh, quán triệt mọi luận thuyết và kỹ thuật. Bấy giờ trong vương quốc nhiều người bị bịnh truyền nhiễm, khổ sở đến nỗi không thích sống nữa. Thiện nữ, trưởng giả tử Lưu thủy thấy vậy thì sinh đại bi tâm, nghĩ như vầy. Bao nhiêu là người bịnh khổ! Cha ta rành y học, khéo tám thuật, chữa được mọi bịnh do tứ đại hoặc thêm hoặc bớt. Nhưng cha ta già yếu rồi. Đi đâu cũng phải đỡ, làm sao đến được những nơi làng xóm thành thị mà chữa bịnh. Thế thì bao người bịnh nặng mà không ai cứu chữa. Vậy ta hãy đến chỗ cha ta, vị đại lương y, hỏi bí quyết chữa bịnh. Biết được bí quyết ấy, ta sẽ đi đến thành thị làng xóm mà cứu chữa cho người, làm cho họ an lạc. Trưởng giả tử nghĩ rồi tức tốc đến chỗ cha, lạy ngang chân ông, chắp tay cung kính, đứng qua một bên, dùng lời chỉnh cú mà thỉnh cầu.
(1) Xin cha thương tưởng con.
Con muốn cứu mọi người.
Nay con hỏi y thuật,
mong cha nói cho con.
(2) Tại sao thân suy hỏng,
tứ đại có thêm bớt?
Và ở vào lúc nào
thì bịnh tật sinh ra?
(3) Ăn uống như thế nào
để hưởng được yên vui?
Làm sao trong cơ thể
nhiệt lực không suy tổn?
(4) Bịnh con người có bốn,
có bịnh phong, nhiệt, đàm,
lại có bịnh hỗn hợp,
làm sao trị liệu được?
(5) Lúc nào nổi bịnh phong?
lúc nào phát bịnh nhiệt?
lúc nào động bịnh đàm?
lúc nào bịnh hỗn hợp?
Trì thủy trưởng gia nghe con hỏi rồi, cũng nói lại bằng chỉnh cú.
(6) Y theo phép chữa bịnh
của tiên nhân đời xưa,
cha tuần tự nói cho,
khéo nghe để cứu người.
(7) Ba tháng là mùa xuân,
ba tháng là mùa hè,
ba tháng là mùa thu,
ba tháng là mùa đông.
(8) Ấy là theo một năm
ba tháng một mà nói.
Hai tháng một một tiết
một năm thành sáu tiết:
(9) giêng hai là tiết hoa,
ba tư là tiết nóng,
năm sáu là tiết mưa,
bảy tám là tiết thu,
(10) chín mười là tiết lạnh
một chạp là tiết tuyết.
Phải phân biệt như vậy,
cho thuốc đừng sai chậy
(11) Tùy theo mùa tiết ấy
mà điều hòa ăn uống,
vào bụng tiêu hóa được,
mọi bịnh mới không sinh.
(12) Khí hậu nếu thay đổi
thì tứ đại biến động,
bấy giờ mà không thuốc
thì tất sinh bịnh khổ.
(13) Thầy thuốc biết bốn mùa,
lại biết về sáu tiết,
biết bảy phần cơ thể
thì cho thuốc không sai.
(14) Bảy phần là vị (97) , máu,
thịt, mỡ, xương, tủy, não.
Biết bịnh nhập bảy phần
lại biết chữa được không.
(15) Bịnh thì có bốn loại:
các loại phong, nhiệt, đàm,
và loại bịnh hỗn hợp,
nên biết lúc chúng phát:
(16) mùa xuân phát bịnh đàm
mùa hè phát bịnh phong,
mùa thu phát bịnh nhiệt,
mùa đông biểnh hỗn hợp.
(17) Xuân ăn chất nóng cay,
hè béo nóng mặn dấm,
thu ăn lạnh ngọt béo,
đông ăn chát béo ngọt.
(18) Trong bốn mùa như vậy,
dùng thuốc và ăn uống
theo như mùi vị ấy,
bịnh không lý do sinh.
(19) Sau ăn bịnh do đàm,
ăn tiêu bịnh do nhiệt,
sau tiêu bịnh do phong,
cứ thế nhận thức bịnh.
(20) Nhận thức gốc bịnh rồi,
tùy bịnh mà cho thuốc.
Nếu bịnh trạng khác đi,
cũng chữa cái gốc trước.
(21) Phong thì dùng dầu, kem,
nhiệt thì lợi đại tiểu,
đàm thì hóa, thông, thổ,
hỗn hợp thì cả ba.
(22) Phong nhiệt đàm cùng có,
thế gọi là hỗn hợp.
Tuy biết lúc bịnh phát,
cũng phải xét gốc bịnh.
(23) Xét biết như vậy rồi,
tùy lúc mà cho thuốc.
Ăn, uống, thuốc, không sai,
mới gọi thầy thuốc giỏi.
(24) Lại nữa biết tám thuật
bao quát mọi cách chữa.
Nếu hiểu rõ tám thuật
hãy chữa bịnh cho người.
(25) Tám thuật là châm chích,
giải phẫu, chữa thân bịnh,
chữa tâm bịnh, trúng độc,
khoa nhi với khoa lão,
sau hết là dưỡng sinh,
[đó, tám thuật chữa bịnh].
(26) Trước xem xét hình sắc,
nói năng và tánh tình,
sau hỏi đến chiêm bao,
thì biết phong nhiệt đàm.
(27) Khô ốm đầu ít tóc,
tâm tính không ổn định,
nói nhiều mộng bay đi,
đó là thuộc loại phong.
(28) Tuổi trẻ mọc tóc trắng,
nhiều mồ hôi, hay giận,
thông minh, mộng thấy lửa,
đó là thuộc loại nhiệt.
(29) Tâm ổn, thân ngay thẳng,
nghĩ kỹ đầu nhờn, cáu,
mộng thấy nước, vật trắng,
đó là thuộc loại đàm.
(30) Hỗn hợp thì có chung,
chung hai hay chung ba,
và hễ loại nào nhiều
là tính bịnh hỗn hợp.
(31) Biết gốc, đặc tính bịnh,
chuẩn bịnh mà cho thuốc.
Nhưng thấy không tướng chết
mới rõ bịnh cứu được.
(32) Giác quan thì thác loạn,
khinh khi thầy thuốc giỏi,
thấy bạn thân cũng giận,
đó là hiện tượng chết.
(33) Mắt trái biến màu trắng
lưỡi đen, sống mũi lệch,
vành tai không như cũ,
môi dưới thì xệ xuống (98)
(34) Ha lê lặc một thứ
có đủ cả sáu vị,
trừ được tất cả bịnh,
là thuốc vua, không kị.
(35) Lại ba trái ba cay (99)
là thuốc dễ có được,
đường cát, mật ong, sữa,
cũng chữa được nhiều bịnh.
(36) Ngoài ra, dược liệu khác,
tùy bịnh mà thêm vào.
Nhưng trước phải từ tâm,
đừng mưu tính tài lợi.
(37) Cha đã nói những việc
cần cho sự chữa bịnh.
Con đem ra cứu người
thì phước sẽ vô biên.
Thiện nữ, bấy giờ trưởng giả tử Lưu thủy đích thân hỏi và nghe cha nói về tám thuật, về tứ đại thêm bớt, về thời tiết bất đồng, về cách cho thuốc. Hiểu biết rành rẽ rồi, trưởng giả tử tự xét kỹ mình đủ sức cứu chữa mọi bịnh. Bèn đi đến thành thị thôn xóm, chỗ nào có bịnh nhân cũng đến, dịu ngọt an ủi, và rằng tôi là thầy thuốc, tôi là thầy thuốc, tôi rành thuốc chữa bịnh. Tôi sẽ chữa cho các người lành mạnh. Thiện nữ, bấy giờ người ta nghe trưởng giả tử an ủi, hứa chữa bịnh cho, thì bao nhiêu bịnh nhân trầm trọng nghe lời ấy cũng phấn chấn thân tâm, vui mừng hiếm có. Do vậy mà bịnh khổ tiêu tan, khí lực sung mãn, bình phục như cũ. Thiện nữ, bấy giờ lại có bao nhiêu bịnh nhân trầm trọng mà khó cứu chữa, tức thì đến chỗ trưởng giả tử xin chữa thêm. Trưởng giả tử tức thì cho thuốc, bảo dùng, và ai cũng lành cả. Thiện nữ, cứ như thế, trưởng giả tử Lưu thủy chữa lành cho bao nhiêu bịnh nhân ở trong vương quốc.