Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài Thứ 1 Bài Thứ Nhứt: Chương Văn Thù

27/04/201313:17(Xem: 15223)
Bài Thứ 1 Bài Thứ Nhứt: Chương Văn Thù

Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa

--- o0o ---

B.- Phần Chánh-tôn

I.- CHƯƠNG VĂN-THÙ

1. Ngài Văn Thù hỏi Phật

Khi ấy Ngài Văn-thù Sư Lợi Bồ-tát ở trong đại-chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay đảnh-lễ và quỳ thẳng bạch rằng:"

Bạch đức Đại-bi Thế-Tôn, xin Ngài vì thính-chúng trong pháp-hội hiện-tại nầy và các chúng-sanh cầu Đại-thừa đời sau, từ bi chỉ dạy:

1.Nói lại nhơn-địa tu-hành thanh-tịnh của Như-Lai;

2.Các vị Bồ-tát đối với Đại-thừa, đã phát tâm thanh-tịnh (Bồ-đề) rồi, làm sao xa lìa được các bịnh (trừ-vọng); khiến cho các chúng-sanh khỏi đọa vào đường tà (tà-kiến).

Ngài Văn-thù Bồ-tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính lạy rồi trở lui, cùng với đại chúng ngồi yên-lặng, để chờ nghe lời Phật chỉ giáo.

LƯỢC GIẢI

Đại-ý đoạn nầy là Ngài Văn-Thù hỏi Phật hai điều:

1.Phật đã tu-hành như thế nào mà được thành Phật?

2.Các vị Bồ-tát, khi đã phát-tâm Bồ-đề rồi, làm sao cho các vọng đừng sanh?

Câu hỏi thứ nhất giống như câu hỏi trong kinh Lăng-Nghiêm, Ngài A-Nan hỏi Phật: “...Xin Phật chỉ dạy cho con phương-pháp nào mà tất cả các đức Phật tu-hành đều được thành đạo chứng quả...”.

Câu hỏi thứ hai, giống như câu hỏi trong kinh Kim-Cang, Ngài Tu-Bồ-Đề hỏi Phật: “... Làm sao an-trụ Chơn-tâm và làm sao hàng-phục được Vọng-tâm...” (Vân hà ưng trụ, vân hà hàng-phục kỳ tâm).

2. Phật khen Ngài Văn Thù

Khi ấy đức Thế-Tôn kêu Ngài Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát mà dạy rằng:

- Nầy Thiện-nam, quý lắm! Ông vì các vị Bồ-tát hiện-tại và tất cả chúng-sanh đời sau cầu pháp Đại-thừa mà thưa hỏi:

1.Nhơn-địa tu-hành của Như-Lai;

2.Khi đã phát-tâm thanh-tịnh rồi, làm sao xa-lìa các bịnh, để khỏi đọa vào tà-kiến. Vậy ông hãy chăm-chú nghe, tôi sẽ vì các ông chỉ giáo.

Khi đó Ngài Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát và đại-chúng đều hoan-hỷ, vừa kính-cẩn và vừa chăm-chú chờ nghe lời Phật dạy bảo.

LƯỢC GIẢI

Phật trước khen-ngợi, rồi sau dặn-dò phải chăm-chú nghe, là vì “Viên-giác” là cảnh-giới thanh-tịnh, phải định-tâm chú-thần mà nghe, không thể dùng tâm sanh-diệt, ý-nghĩ xằng-xiêng mà nghe hiểu được

3. Phật trả lời cho Ngài Văn Thù

- Này thiện-nam, Như-Lai có pháp “Đại Đà-la-ni” (1) tên là “Viên-Giác”. Từ tánh “Viên-Giác” nầy mà sanh ra tất cả các pháp thanh-tịnh: Chơn-như, Bồ-đề (Trí-giác) Niết-bàn (viên-tịch) và Ba-la-mật (Đáo-Bỉ-Ngạn), nay ta sẽ dạy trao cho các ông.

Nầy Văn-Thù, nhơn-địa tu-hành của các đức Phật, đều y “Viên-Giác” nầy mà vĩnh-viễn đoạn trừ vô-minh, được sánh-suốt thanh-tịnh viên-mãn, nên mới được thành Phật.- Vậy “Vô-minh” là gì?

LƯỢC GIẢI

Ngài Văn-Thù hỏi nguyên-nhơn tu-hành của các đức Phật thế nào?- Đến đây Phật mới trả lời: Tất cả chư Phật đều y “Viên-Giác” để chiếu phá vô-minh và được thành Phật. Nào là: Chơn-như, Bồ-đề, Niết-bàn và Bát-nhã Ba-la-mật-đa v.v... cũng đều từ “Viên-Giác” nầy mà lưu xuất.

Vậy muốn ngộ được “Viên-giác’ trước phải hiểu rõ. Vô-Minh và diệt trừ vô-minh là điều cần nhứt.

4. Phật chỉ “Vô minh”

- Nầy Thiện-nam, tất cả chúng-sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên-đảo làm mê-mờ tánh “viên-Giác”, như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên-đảo vọng-hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ-đại giả hợp nầy làm thân mình, chấp cái vọng-niệm sanh diệt duyên theo bóng-dáng của sáu trần cho là thật tâm mình. Như người nhặm con mắt, thấy trong hư-không có các hoa đốm, hoặc mặt trăng thứ hai. Thật ra trong hư-không chẳng có hoa đốm hay mặt trăng thứ hai, nhưng vì người nhặm con mắt vọng-chấp. Bởi vọng-chấp, nên chẳng những không biết được hư-không, mà lại thêm mê-lầm: Chấp thật có hoa đốm sanh. Vì mê-lầm mà có sanh-tử luân-hồi, nên gọi là “Vô-minh”.

LƯỢC GIẢI

Đoạn nầy Phật chỉ rõ cái “Vô-minh”. Vô-minh là những cái vọng-tưởng điên-đảo che mờ tánh “Viên-Giác” (bản tâm thanh-tịnh).

Bởi Vô-minh vọng hiện ra có thân có cảnh rồi chúng-sanh trở lại chấp thật-ngã thật-pháp, tạo ra vô-số nghiệp, mê-mờ chồng-chập, che đậy tánh Viên-Giác! Vì thế mà nhiều kiếp sanh-tử luân-hồi, trầm-luân trong biển khổ.

Cũng như người bị buồn ngủ (dụ cho Vô-minh) nổi lên, làm cho mê-mờ tánh tỉnh-táo (dụ cho Viên-Giác); nhơn đó hiện ra cảnh chiêm-bao đủ cả người và vật (hiện thế-giới và chúng-sanh), rồi cũng khóc cũng cười, cũng mừng cũng giận, mỗi mỗi đều cho là thiệt cả, nên luyến-ái triền miên, từ giấc chiêm-bao nầy tiếp-tục qua giấc chiêm-bao khác, không biết chừng nào thức-tỉnh.

Đây là dụ cho Vô-minh chồng-chập che mờ tánh “Viên-Giác” (Chơn-tâm).

5. Phật dạy “Vô minh” không có thật thể

- Nầy thiện-nam! Cái “Vô-minh” này không có thật thể (thật vật). Như người ngủ chiêm-bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn; và như người hết nhặm, thì các hoa đốm trong hư-không tự tiêu-diệt. Lúc bấy giờ không thể nói “thật có chỗ hoa diệt”, vì không thật có chỗ hoa sanh vậy.

Tất cả chúng-sanh ở trong cái “không sanh diệt” (tánh Viên-Giác) mà vọng thấy có sanh-diệt, cho nên mới bị trầm luân trong biển sanh-tử luân-hồi.

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dạy: Tất cả chúng-sanh vẫn ở trong bản tánh Viên-Giác thanh-tịnh không sanh không diệt, mà tự mình mê-mờ (Vô-minh) vọng thấy có sanh-diệt, nên vĩnh kiếp triền-miên, luống chịu trôi lăn trong biển sanh-tử luân-hồi, thật đáng thương!

Nhưng “Vô-minh” là hư-vọng, không có thật-thể, cho nên khi giác-ngộ rồi, thì nó t�� hết. Cũng như các “Tối”, vì nó không có thật-thể, nên khi “ Sáng” đến, thì “Tối” tự mất. Nếu Vô-minh là vật có thật, như núi, như sông v.v... thì không dễ gì làm tiêu nó được.

Phật lại tỷ-dụ: Vô-minh như chiêm-bao, không phải thật vật, nên khi thức rồi thì cảnh chiêm-bao tự mất. – Vô-minh như mắt người bị nhặm, thấy hoa-đốm lăng-xăng giữa hư-không khi hết nhặm rồi thì hoa đốm liền tiêu.

6. Phật dạy tu theo “Viên giác”

- Nầy Thiện-nam, nhơn-địa tu-hành của Như-Lai là tu theo Viên-Giác. Nghĩa là: biết các pháp đều hư-huyễn, như hoa đốm giữa hư-không có người chịu sanh-tử luân hồi.

Không phải phá hoại, làm cho các pháp mất đi mà kêu là không, chính bản-tính của các pháp nó tự không. Cái “biết (năng biết) các pháp không” đó, cũng như hư-không. “Cái biết như hư-không”, cũng không luôn. Nhưng không thể nói: “không có cái biết”. Phải dứt trừ hết cả “có” và “không”, như thế mới gọi là “tùy thuận tánh Viên-giác” (tu Viên-Giác).

LƯỢC GIẢI

Đoạn nầy Phật dạy tu theo “Viên-Giác”, có 5 từng bực:

1.Từng bực thứ nhất, là quán các pháp đều hư-huyễn, như hoa đốm giữa hư-không, nên không sanh tâm tham, sân, si. Ba độc không sanh, thì ba nghiệp thân, khẩu, ý chẳng tạo nhiệp. Vì không tạo nhiệp, nên không có cảnh luân-hồi và người bị luân-hồi.

2.Trên nói “cảnh bị biết” không, nói đến từng thứ hai là “cái tâm hay biết” cũng như hư-không.

3.Đến từng thứ ba, là cái biết “cái tâm hay biết cũng như hư-không” cũng không luôn.

4.Sợ người lầm chấp cảnh-giới nầy không có cái biết, nên đến từng thứ tư, Phật dạy tiếp: “không phải là không có cái biết”.

5.Đến từng thứ năm, Phật dạy phải rời các vọng-chấp “có” và “không”, mới nhập được tánh viên-giác.

7. Phật và Bồ Tát đều tu theo “Viên Giác”

Tại sao thế? Vì trong Như-Lai-Tạng (Viên-Giác) không có sanh diệt, không có thấy biết, như hư-không thường còn, chẳng lay động, như tánh của pháp-giới viên-mãn khắp giáp cả mười phương.

Đây gọi là chỗ nhơn-địa tu-hành của Như-Lai, các vị Bồ-tát cũng nhơn nơi đây mà phát tâm thanh-tịnh tu theo Đại-thừa. Chúng-sanh đời sau cũng phải y theo đâu tu-hành, mới khỏi đọa vào tà-kiến.

LƯỢC GIẢI

Như-Lai-Tạng là tánh Như-Lai hàm chứa tất cả các pháp; cũng gọi là “Viên-Giác”, cũng kêu là “Pháp-giới-tánh” (bản tánh của các pháp). Nó viên-mãn khắp-giáp cả mười phương, không có sanh-diệt và cũng không tri-kiến, như hư-không thường còn chẳng lay động.

Phật dạy: Đây là chỗ tu-hành của Như-Lai. Các vị Bồ-tát cũng nhơn nơi đây phát tâm thanh-tịnh tu Đại-thừa. Chúng-sanh đời sau cũng phải y nơi đây tu-hành mới khỏi lạc vào tà-đạo.

Ngài Văn-Thù hỏi 2 câu:

1.Nhơn-địa tu-hành của Như-Lai.

2.Các vị Bồ-tát phát tâm Bồ-đề tu theo Đại-thừa, làm sao phá trừ được các vọng? Đến đây Phật đã dạy xong.

8. Phật nói bài kệ tóm lại các nghĩa trên

Khi đó Đức Thế-Tôn, muốn tóm lại các nghĩa trên, mà nói bài kệ rằng:

Văn-Thù! Ông phải biết:

Chỗ chơn-địa tu-hành

Của các đức Như-Lai

Là dùng trí Viên-giác

Phá trừ hết Vô-minh:

Biết các pháp hư-huyễn

Thì khỏi bị luân-hồi.

Cũng như người chiêm-bao,

Thức rồi cảnh mộng hết.

Cái biết cũng không còn

Sáng-suốt khắp mười phương (Viên-giác),

Bình-đẳng không chuyển-động,

Tức thì thành Phật-đạo.

Các huyễn diệt hết rồi,

Thành đạo cũng không thành:

Xưa nay tánh viện-mãn.

Bồ-tát y nơi đây,

Phát tâm đại Bồ-đề,

Các chúng-sanh đời sau,

Tu đây mới khỏi đọa.

LƯỢC GIẢI

Đại ý bài kệ nầy: Các Đức Phật dùng trí Viên-Giác phá trừ Vô-minh. Nghĩa là: biết muôn vật đều hư-huyễn, như hoa đốm giữa hư-không, không sanh tâm nhiễm-trước, nên khỏi bị luân-hồi.

Người được giác-ngộ rồi cũng như người thức giấc chiêm-bao: các cảnh vật đều không còn - Cảnh “bị biết” đã không, nên “cái biết” (năng biết) cũng không. Vì năng và sở đều không nên tánh Viên-giác mới hiện ra sáng-suốt chiếu khắp cả mười phương, bình-đẳng không chuyển-động, như thể là “thành Phật”.

Nói “thành Phật” là tạm nói mà thôi, thật ra cũng không “thành”. Vì tánh “Viên-Giác” của mỗi người đều sẵn có, chỉ trừ hết “Vô-minh” rồi thì “Viên-Giác” tự hiện ra, chớ có gì đâu mà gọi là “thành”.

Cũng như người có sẵn hòn ngọc trong túi, chẳng qua vì quên, nên in như mất. Đếu khi nhớ lại thì ngọc vẫn ở sẵn trong túi áo, chớ đâu phải mới “đặng”. Bởi thế nên nói “thành đạo cũng không thành”.

Phật y theo Viên-Giác nầy mà tu, Bồ-tát cũng y theo Viên-Giác nầy mà phát tâm Bồ-đề, cho đến chúng sanh đời sau cũng phải y theo Viên-Giác nầy tu-hành mới khỏi lạc vào tà-đạo.


--- o0o ---

Cập nhật: 07/2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/10/2024(Xem: 283)
Đức Phật là Đại Y Vương, bậc tuệ tri mọi pháp, Thầy của trời người. Sau khi giác ngộ, trở thành bậc Chánh Đẳng Giác. Ngài đi khắp nơi thuyết pháp độ sinh, kết quả là độ thoát vô số chúng hữu tình, đặc biệt để lại cho đời một kho tàng Chánh Pháp mà theo đó tùy theo căn cơ, sở trường của hành giả ứng dụng để chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Những gì Ngài thuyết là từ tự thân thực chứng của Ngài (chứ không nghe từ ai cả), có nghĩa có văn từ sơ thiện, trung thiện cho đến hậu thiện, thiết thực trong hiện tại, có khả năng hướng thượng, nói lên phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, đến để mà thấy, được người trí tự mình giác hiểu.
15/10/2024(Xem: 529)
Đây là câu hỏi hay, cũng là vấn đề khó biện giải bằng thức tri và tưởng tri của một người học Phật, ngoài trừ Bậc Tuệ Tri Mọi Pháp, Bậc Toàn Thiện, Toàn Giác, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điệu Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn mới có thể làm cho vấn đề sáng tỏ, làm cho khai thị, làm cho khai ngộ, làm cho minh hiển "như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc... "
06/10/2024(Xem: 591)
Tịnh Độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa. Pháp sư Huệ Viễn được coi là Tổ đầu tiên của Tịnh tông Trung Hoa; thành lập Bạch Liên Xã quy tụ được hơn ba ngàn cả tăng lẫn tục toàn các bậc hào kiệt trong đời, trong đó có 18 vị là bậc thượng thủ, để lại cho hậu thế đời sau vô số câu chuyện vãng sinh ly kỳ. Đây là tông phái siêu việt, với nhiều đặc thù thuộc Đại thừa viên đốn. Gọi Đại thừa bởi tông này lấy tâm Bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Viên, bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu cả Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo và Đại thừa đốn giáo. Đốn, vì tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển. Đây chính là những điểm siêu xuất, đặc thù của tông Tịnh Độ.
20/09/2024(Xem: 1424)
Đại sư Thiếu Khang họ Chu quê ở huyện Tấn Vân tỉnh Chiết Giang. Một hôm, mẹ ngài mơ thấy mình đi trên đỉnh Định Hồ, có Ngọc nữ trao cho bà một cành hoa sen xanh và nói: “Hoa sen xanh này biểu tượng cho Đại cát tường xin tặng cho bà. Bà sẽ sanh được quý tử, mong bà yêu thương giữ gìn nó”. Nghĩa là cành hoa sen này biểu tượng cho điều tốt lành lớn, nay trao tặng cho bà. Bà sẽ sanh được con trai tôn quý. Hy vọng bà chăm sóc con trai thật tốt.
30/08/2024(Xem: 617)
Hệ thống giáo nghĩa Chân tông được kiến lập qua tác phẩm chủ yếu của Ngài Thân Loan (1173-1262) là Giáo Hành Tín Chứng (Đại Chánh Tạng tập 83). Các trứ tác sau này của Ngài chỉ là bổ sung và phát triển quan điểm này từ các phương diện khác. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu kết cấu toàn thể hệ thống giáo nghĩa Chân tông và các đặc điểm của nó.
30/08/2024(Xem: 851)
Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).
28/08/2024(Xem: 1672)
Đạo Phật giáo là nơi cứu khổ Độ chúng-sanh không bỏ một ai Lòng thương yêu khắp nhân-loài Không hề muốn thấy một ai khổ trần Đường chơn-chánh trên hơn tất cả Nẻo nhiệm-mầu chẳng có chi bì Muốn người rõ tánh từ-bi Cho nên Phật bảo con đi khuyên đời
28/06/2024(Xem: 1912)
Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát. Suốt cuộc đời Đức Phật, ngài đã sống bằng phẩm vật cúng dường. Tương tự, sự phát triển của Phật giáo lan rộng khắp thế giới và được hộ trì cho tới giờ cũng là nhờ phẩm vật cúng dường của đàn na thí chủ. Do vậy, bài này được viết để mời nhau giữ hạnh bố thí và cúng dường.
06/05/2024(Xem: 1092)
Kinh A Di Đà cùng với kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ là ba kinh căn bản làm tông của tông Tịnh Độ. So với hai kinh kia thì kinh A Di Đà ngắn, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá thâm sâu hay mật nghĩa như những kinh Đại Thừa khác. Phật tử bắc tông phần nhiều ai cũng đọc tụng và khá nhiều người thuộc nằm lòng.
16/04/2024(Xem: 1119)
Một đám đông Mỹ-Mễ-Mít làm việc chung với nhau, ngày nào cũng đùa giỡn rần rật, chơi khăm rồi cười sằng sặc, tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, từ chính trị cho đến chuyện súng ống tràn lan, giá xăng tăng… Nhưng nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là chuyện bóng cà na và chuyện đàn bà. Y cũng là một tên tích cực trong nhóm, thậm chí còn nổi trội về những trò gây cười. Y là tay nghịch ngầm và có nhiều ý tưởng mới, hễ y ra tay hay góp lời là cả đám cười hả hê. Những lúc câu chuyện trở nên thô tục quá thì y giật mình nhớ lại vấn đề chánh niệm nên ngưng nói. Giữ chánh niệm không phải là dễ, nhất là khi ở trong một môi trường mọi người đều thất niệm hay không biết chánh niệm là gì, quả thật những chuyện đùa , chuyện sắc dục nó hấp dẫn và dễ dãi hơn là chuyện chánh niệm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]