Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 5

25/04/201319:10(Xem: 5260)
Quyển 5

Long Thơ Tịnh Độ

Dịch giả: HT Thích Hành Trụ

--- o0o ---

QUYỂN NĂM

CHỨC QUỐC HỌC TẤN SĨ

ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU SOẠN

Đời Đông Tấn, ngài Pháp sư Huệ Viễn ban đầu xướng pháp tu Tịnh độ. 

Trong bổn triều (triều vua đời nhà Tấn), có ông Vương Mẫn Trọng Thị Lang, và ông Dương Lục Cư Sĩ biên tập “Sự tích cảm ứng” kể ngoài (200) hai trăm truyện, đã khắc bản lưu truyền. Nay không kịp chép hết, chỉ chép sơ lược những người trì trai giữ giới và người bậc trung với bao nhiêu người tội ác, cùng người đương ở trong cảnh bệnh khổ mà có tu Tịnh độ, cũng đều đặng vãng sinh. Cộng kể ba mươi mấy truyện. Sở dĩ để phát giác tín tâm cho người tu Tịnh độ vậy.

ĐÔNG TẤN, HUỆ VIỄN PHÁP SƯ

Đời Đông Tấn, có ông Tăng tên Huệ Viễn người sinh trưởng tại đất Nhạn Môn, qua ở non Lô Sơn cùng ông Lưu Di Dân v.v…

Cả Tăng và tục hai trăm ba chục người kết làm bạn Liên Xã (hội tu Tịnh độ) nói Ngày kia gá sinh trong hoa sen vậy.

Ngài Huệ Viễn trừng tâm quán tưởng mới mười một năm (11) ba phen thấy tướng hảo Phật A Di Đà, thế mà ngài Huệ Viễn ngấm ngầm không nói. Sau tới năm mười chín (19) đêm 30 tháng 7, bỗng nhiên trước mặt thấy Đức A Di Đà Phật, thân to lớn đầy cả hư không, trong viên quang hóa ra vô số Phật, đức Quan Âm, đức Thế Chí hai vị Bồ Tát, đứng hầu hai bên. Lại thấy nước chảy, hào quang tỏa ra bốn ngã, mỗi ngã nước chảy lên rồi lại xuống, tự nhiên diễn nói ra tiếng nói giáo pháp khổ, không, vô thường và vô ngã. Như trong Kinh Thập Lục Quán nói. Khi đó Đức A Di Đà lại kêu ông Huệ Viễn mà bảo rằng Do vì sức bản nguyện của Ta, nên đến đây an ủi ngươi, ngươi sau 7 ngày nữa, sẽ sinh về nước của Ta.

Rồi ông Huệ Viễn ngó lại thấy ông Tăng là ông Phật Đà Da Xá, với ông Huệ Trì, cùng ông Đàm Thuận, đứng ở bên Phật. Bước tới xá ngài Huệ Viễn mà rằng Chí nguyện Pháp sư ở trước chúng tôi, vì sao về đây muộn vậy ? Huệ Viễn mắt thấy rõ ràng và để tâm nhớ kỹ, thuật lại cho các môn đồ (đệ tử) nghe và nói Ban đầu ta ở đây 11 năm, chuyên tu Tịnh độ ba phen thấy tướng Phật Di Đà rồi, nay lại thấy nữa đây, chắc ngày giờ ta sắp về Tịnh độ đã tới vậy.

Kế bữa sau cảm bệnh sơ qua trong 7 ngày rồi ngài quy tịch. 

Nhắc lại đời ngài, tuổi còn thơ mà đã bác lãm kinh sử, và rất thông sách Lão, Trang. Nhân một hôm qua non Thái Hành, nghe ngài Đạo An Pháp sư giảng kinh Bát Nhã. Thoạt nhiên tỏ ngộ bèn nói Sách cửu lưu dị nghị đều là bả xác, chẳng bằng kinh Phật siêu thoát hơn. Nhân đây, Viễn xin xuất gia theo hầu ngài Đạo An học đạo, sau trở về non Lô Sơn ở tu trong đó 30 năm không ra khỏi núi, hưởng thọ 82 tuổi.

ĐỜI ĐÔNG TẤN, ÔNG LƯU DI DÂN

Ông Trình Chi tự Trọng Tư, hiệu Di Dân. Theo ngài Huệ Viễn đồng tu tịnh nghiệp chuyên ngồi thiền, thực hành pháp quán tưởng, mới nửa năm, trong khi ngồi thiền định thấy hào quang Phật chiếu sáng, lại thấy đất đều sắc vàng, ở tu trong núi 15 năm, chót lại trong lúc quán tưởng niệm Phật, thấy Phật A Di Đà thân vàng, thắm hào quang chiếu sáng duỗi cánh tay, đến trong nhà ông, ông Trình Chi vui mừng rơi lụy thưa rằng Hân hạnh được Như Lai vì con ma đảnh (rờ đầu) và y phục phủ trên đầu con, Phật liền đưa tay rờ đầu và dùng áo ca sa phủ trên mình ông.

Ngày kia trong khi quán tưởng niệm Phật, cũng lại thấy thân mình vào trong ao thất bảo đại trì, hoa sen xanh, trong, xem màu nước trong veo vắt, dường như không bờ mé, trong ao có một người, nơi đầu có viên quang (hào quang tròn) trước ngực có dấu hình chữ vạn chỉ nước trong ao mà rằng Nước bát công đức này, ngươi khá uống đi! Ông Trình Chi uống nước, ngọt thơm cả miệng. Bèn thức dậy còn biết mùi thơm của nước, phát hực mấy lỗ chân lông, ông bèn nói đây là duyên Tịnh độ ta đã đến vậy.

Chư Tăng trong hội Lô Sơn đều nhóm họp, ông Trình Chi tới trước tượng Phật đốt hương kê trên trán chúc rằng Con nhờ Đức Phật Thích Ca để kinh giáo lại, cho nên biết có Đức Phật A Di Đà. Vậy con nguyện đốt nén hương này, trước cũng dường Thích Ca Như Lai, kế cúng dường Phật A Di Đà, sau cúng dường trong hội Pháp Hoa, Phật và Bồ Tát chúng, cho đến mười phương Phật Bồ Tát chúng, cầu nguyện cho chúng hữu tình đồng sinh về Tịnh độ.

Chúc nguyện xong, cùng cả thảy nói lời từ biệt, quay mặt hướng Tây vững ngồi xếp bằng, ngậm miệng nín hơi quy tịch, tuổi thọ được 59.

ĐỜI ĐÔNG TẤN, ÔNG QUAN CÔNG TẮC

Ông Công Tắc là người trong hội Bạch Liên Xã, là hội tu Tịnh độ của ngài Huệ Viễn. Qua đời, người bạn của Tắc bắt được tin qua đất Đông Kinh, chùa Bạch Mã làm chay thất, siêu độ thấy cả cây rừng chùa am, đều ửng hiện sắc vàng, giữa hư không có tiếng kêu nói Ta là Quan Công Tắc đây, bấy lâu cầu nguyện vãng sinh về Cực Lạc bửu quốc, nay đã về đặng rồi nên ta trở lại đây báo tin cho người bạn biết. Nói rồi đi đâu mất, không thấy nữa.

ĐỜI TẤN, CHỨC HÀN LÂM HỌC SĨ

ÔNG TRƯƠNG KHẢN

Ông Trương Khản lúc bình sinh làm việc tích thiện, tín trọng đạo Phật, vái tụng chú Đại Bi Đà la ni mười vạn biến để nguyện sinh về Tây phương. Khi tụng vừa xong, tuổi quá lục tuần (60), thoạt nghe trong mình có bệnh cảm, nắm tay lần chuỗi, miệng niệm Phật A Di Đà. Liền nói với người rằng Tây phương Tịnh độ hiện ở giữa căn nhà phía Tây kia, Đức Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen. Thằng cháu của tôi là “Ông Nhi” ở trong ao thất bảo hoa sen, trên đất vàng toàn bằng Kim Sa, lễ Phật vui mừng.

Nói rồi giây lát, niệm Phật mà qua đời, “Ông Nhi” là tên thằng cháu của Khản mới 2, 3 tuổi mà qua đời được vãng sinh trong ao thất bảo vậy.

ĐỜI TỐNG, ĐẤT GIANG LĂNG

ÔNG TĂNG TÊN ĐÀM GIÁM

Ông Đàm Giám, tu hành thận trọng, thường nguyện thân này được về nước An dưỡng (Tịnh độ) được thấy Phật A Di Đà. Cho nên mỗi khi ông làm được chút lành chi, đều hồi hướng cầu sinh về Tịnh độ. Một ngày nọ, trong khi ông đương ngồi thiền định thấy Phật A Di Đà đem nước rải trên mặt nói rằng Ta rửa trần cấu cho ngươi, sạch tâm niệm ngươi, cùng thân nghiệp, khẩu nghiệp ngươi đều được nghiêm tịnh. Rồi ở trong bình lấy ra một bông sen đưa cho ông cầm.

Đàm Giám khi xuất định, thuật lại cho chúng Tăng trong chùa nghe và tỏ lời từ biệt. Rồi thì đêm thanh, thoắt một mình đi dưới mái hiên, tay lần chuỗi niệm Phật A Di Đà gần đến canh năm tiếng niệm càng khuya càng lớn.

Kịp đến sáng y theo lệ thường các đệ tử đến hầu hạ và thăm hỏi, thì thấy ông ngồi kiết già không cục cựa, xúm lại gần xem thời ông đã thị tịch còn hơi nóng nóng.

ĐỜI NAM TỀ ĐẤT DƯƠNG ĐÔ

ÔNG TĂNG TÊN HUỆ TẤN

Ông Huệ Tấn ngoài 40 tuổi, nguyện tụng Kinh Pháp Hoa, mới cầm quyển kinh, bắt sinh bệnh, ông vái cầu nguyện tả một trăm bộ Pháp Hoa để sám hối nghiệp chướng, xin tiền mua giấy tả kinh vừa xong thì là bệnh ông vừa hết.

Ông nguyện đem công đức tả kinh hồi hướng sinh về Tịnh độ. Bỗng nhiên giữa thinh không có tiếng rằng Việc ngươi làm đã xong, nguyện ngươi cũng đã toại sinh về Tịnh độ kia, chẳng phải ngươi chớ ai!

Huệ Tấn nói Tôi không dám mong cầu bậc thượng phẩm, miễn được về bậc hạ phẩm, cũng được bậc bất thối chuyển vậy.

Khi ấy đời Tề Ninh niên hiệu thứ 3, ông Tấn không bệnh mà tự nhiên qua đời hưởng thọ được 80 tuổi. 

TRIỀU HẬU NGỤY XỨ BÍCH CỐC

ÔNG TĂNG TÊN ĐÀM LOAN

Ông Đàm Loan, trước gặp ông Đào Ẩn Quân trao cho kinh tiên 10 quyển. Loan vui mừng tự đắc, tưởng là phép thần tiên chắc đặng vậy.

Sau gặp ông Tăng Bồ Đề Lưu Chi, vấn nạn rằng Đạo Phật có đặng trường sinh không ? Và có được khỏi già và khỏi chết không ?

Lưu Chi đáp Trường sinh bất tử chính là đạo Phật ta vậy. Nói xong liền lấy đưa cho ông quyển Kinh Thập Lục Quán nói rằng Ngươi khá đọc quyển kinh này, thời không còn đi lại trong ba cõi, không còn lui tới trong sáu đường sang trọng, nhục vinh, mất còn, họa phước, nên hư, không với có không còn dính mắc, đó là trường thọ vậy. Trường thọ có số kiếp thạch vậy, có số hà sa vậy. Song số kiếp thạch và hà sa còn có hạn lượng, chớ số thọ mạng của người đã sinh Tây phương không bao giờ cùng tận. Đấy là phép trường sinh bất tử của họ Kim Tiên (Đức Phật) ta vậy.

Ông Đàm Loan càng thâm tín liền đốt kinh Tiên, mà chuyên tu theo Kinh Thập Lục Quán. Dù thời gian thấm thoát trải qua cơn trời lạnh rét, nắng chang dời đổi, tật bệnh ráp thân, cũng không lúc nào là lúc thối chí ngã lòng và giải đãi. Chúa nước Ngụy thương chí hướng của ông, lại khen ông là người biết tự hành hóa tha, lưu truyền pháp môn Tịnh độ rất rộng, bèn tặng hiệu ông là Thần Loan.

Thần Loan ngày kia bảo các kẻ đệ tử ông rằng Khổ trong địa ngục, các ngươi chẳng khá đừng chẳng sợ, nghiệp lành nơi chín phẩm sen, chẳng khá đừng chẳng tu (là tu). Nhân đó ông bảo các đệ tử cao tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật.

Thần Loan quay mặt về hướng Tây nhắm mắt cúi đầu mà qua đời, khi đó cả Tăng và ngươi tục đồng nghe những tiếng âm nhạc, từ góc trời phía Tây thổi tới, giây lâu mới dứt.

ĐỜI TÙY TẠI CHÙA KHAI GIÁC CÓ

ÔNG TĂNG TÊN ĐẠO DŨ

Ông Đạo Dũ niệm danh hiệu Phật A Di Đà lên cốt Phật bằng cây Chiên đàn bề cao ba tấc, xong rồi ông chết, trong bảy ngày tỉnh lại thuật nói.

Trong khi thấy Phật A Di Đà, Ngài hỏi Tại sao ngươi tạo tượng ta rất nhỏ thế ?

Tôi bạch Tâm tưởng lớn thời lớn, tâm tưởng nhỏ thời nó nhỏ. Nói dứt lời, tượng kia lớn đầy khắp cả hư không.

Phật lại bảo Ngươi trở về bổn quốc dùng nước thơm tắm rửa, ngày mai, chừng giờ sao mai mọc Ta đến rước ngươi. Kịp đến giờ, quả nhiên thấy các ông hóa Phật đến rước, hào quang sáng chiếu đầy nhà, chúng nhân ai nấy đều nghe và thấy ông Đạo Dũ qua đời. Nhằm thời niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 8.

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT KINH SƯ

ÔNG TĂNG TÊN THIỆN ĐẠO

Ông Thiện Đạo, trong niên hiệu Trinh Quán thấy hội tu Tịnh độ cửu phẩm của ngài Tây Hà Xước Thiền lập. Ông xin vào tu tập, cần lao khổ hạnh, như cứu lửa cháy đầu. Mỗi khi ông vào điện lễ Phật, chắp tay quỳ gối, hết lòng niệm Phật. Nếu không phải kiệt lực, thời ông chưa nghỉ. Dù mùa trời lạnh, ông cũng lại niệm cho tháo mồ hôi mới chịu. Để nêu tấm lòng chí thành của ông hy sinh với Phật.

Lúc ra ngoài, liền vì chúng nhân giảng nói pháp môn Tịnh độ, không hề tạm bỏ những việc làm có lợi ích, tuổi ngoài 30, không bao giờ có chút ngủ nghỉ.

Tu theo pháp Ban Châu (niệm Phật đứng), pháp Hành Đạo (đi niệm), và pháp lễ Phật (vừa lạy vừa niệm). Cùng pháp Phương Đẳng (niệm Phật được chánh định). 

Có chỗ nói pháp Ban Châu là cả ba nghiệp thân, khẩu, và ý không gián đoạn và đều được thanh tịnh niệm Phật.

Ông dùng mấy pháp niệm đây, để làm trách nhiệm cho mình giữ gìn hạnh không phạm, không ngó tới nữ nhân, không cầu danh lợi, xa bặt các sự lý luận.

Mỗi khi làm Phật sự, lấy sự tịnh thân để cúng dường. Những ẩm thực, y phục có dư, đem hộ cho kẻ thiếu, có món ăn ngon, nhũ, lạc, đề hỗ, ông nhường lại không dám uống. Ai có cho tiền thời mua giấy tả kinh (A Di Đà) trên 10 muôn bộ. Họa ảnh tượng cõi Tịnh độ trên 300 bức.

Thấy chùa hư tháp sập đều tu bổ, thắp đèn cúng Phật nối ánh sáng hằng năm không tắt, ba y (y ngũ, y thất, và y đại). Bình bát, tự mình xếp và rửa, tự đầu chí cuối y như vậy không thay đổi, chẳng cùng với chúng đồng đi, vì ngừa có những khi nói qua việc đời, khuyết phạm chánh hạnh, lần hồi truyền pháp môn Tịnh độ cho người tu vô số.

Khi đó có người đến hỏi Người lành niệm Phật sinh về Tịnh độ, sự ấy có thật không ?

Đáp Như người niệm toại chí nguyện người. Nói rồi ông liền niệm Nam mô A Di Đà Phật một tiếng, tự nhiên trong miệng phóng ra một đường hào quang. Niệm 10 tiếng, nhẫn đến 100 tiếng hào quang cũng y như vậy.

Ông thường dùng bài kệ này khuyến hóa người đời tu. Kệ rằng

Tiệm tiệm kê bì hạt phát,

Khan khan hành bộ lung chung.

Giả nhiên kim ngọc mãn đường,

Nan miễn duy tàn lão bệnh.

Nhậm thị thiên ban khoái lạc

Vô thường chung thị đáo lai.

Duy hữu kinh lộ tu hành.

Đảnh niệm A Di Đà Phật.

Dịch nghĩa

Lần lần tóc bạc da gà,

Chân đi lóng cóng bộ là cò ma.

Dầu cho vàng, ngọc đầy nhà,

Khó mà tránh khỏi cái già bệnh suy

Dầu cho nghìn món vui gì ?

Vô thường rốt cuộc cũng thì bỏ đi.

Chỉ có đường tắt tu trì.

Một câu A Di Đà Phật ấy thì đem theo.

Nhắc lại vua Cao Tôn thấy ông tu hành tinh tấn, từ thỉ chí chung không hề thối chuyển, mỗi khi niệm Phật trong miệng thường bay ra những đạo hào quang làm cho dân chúng trong đất Tràng An (thành vua) đều bắt chước làm theo. Tỏ ra đời là một cảnh thái bình. Vua mừng khen tặng và ban hiệu chùa ông là Quang Minh Tự.

Có chỗ nói Ông Thiện Đạo tức là Đức Phật A Di Đà hóa thân. Và có chỗ nói Hậu thân (thân đời sau) ông Thiện Đạo tức là ngài Pháp Chiếu Đại Sư vậy.

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT THÁI CHÂU

ÔNG TĂNG TÊN HOÀI NGỌC

Ông Hoài Ngọc, nhất sinh tu tịnh nghiệp (niệm Phật) gần 40 năm. Thời kỳ vua Thiên Bửu tức vị năm đầu. Trong khi ông Ngọc đương niệm Phật, thoạt thấy cảnh Tây phương các vị Thánh chúng đông đến hằng hà sa số, trong đó có một người, tay bưng ngân đài (đài bạc) đến trước đưa cho ông Hoài Ngọc. Ngọc nói Như tôi đây, bổn vọng (ý muốn) cái kim đài (đài vàng). Vì sao hôm nay ngân đài đến đây ? Nói rồi, ngân đài ẩn mất, người bưng đài cũng ẩn. 

Từ đấy ông Ngọc càng gia công tinh tấn khổ hạnh đến 21 ngày, người trước bưng kim đài đến bảo rằng Do pháp sư tinh cần khổ hạnh, nên đặng sinh lên bậc thượng phẩm. Lại nói Sinh bậc thượng phẩm ắt trước thấy Phật, vậy ngài ngồi yên, đợi chút Phật Ngài đến. Chưa bao lâu dị quang (hào quang lạ) chiếu sáng cả nhà. Lại ba ngay sau, hào quang lạ lại phát ra nữa. Hoài Ngọc nói Nếu nghe mùi hương lạ đây, chắc là báo thân ta đã mãn. Liền cầm bút đề bài kệ như vầy

Thanh tịnh kiến khiết vô trần cấu.

Liên hoa hóa sinh vi phụ mẫu.

Ngã kim thập kiếp tu đạo lai.

Xuất thị Diêm phù yểm chung khổ.

Nhất sinh khổ hạnh siêu thập kiếp.

Vĩnh ly Ta bà quy Tịnh độ. 

Nghĩa là

Sáng suốt trong sạch không nhơ bợn.

Hoa sen hóa sinh là cha mẹ.

Ta đã mười đời tu đến nay.

Sinh cõi Diêm phù nhàm các khổ.

Một đời khổ hạnh vượt mười kiếp.

Hằng lìa Ta bà về Tịnh độ.

Viết kệ xong, hương lạ bốn phía bay lại. Đệ tử có người thấy Phật, thấy hai vị Bồ Tát đồng ngồi đài vàng, một bên đài, có nghìn trăm vị hóa Phật, từ góc trời phía Tây giáng xuống tiếp rước ông Hoài Ngọc. Hoài Ngọc hết lòng cung kính chắp tay vui vẻ, lên ngồi kim đài theo Phật đi về nước An dưỡng một giây.

An dưỡng tức là nước Cực Lạc. Hào quang lạ tức là bấy lâu chưa từng thấy hào quang Phật, bấy giờ mới thấy nên gọi hào quang lạ.

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT PHÂN CHÂU ÔNG TĂNG

TÊN KHẢI PHƯƠNG VÀ VIÊN QUẢ

Ông Khải Phương và ông Viên Quả là hai vị Pháp sư, chuyên tâm quán tưởng Tịnh độ. Kế năm tháng, trong khi quán tưởng, đồng biết thân mình đến ao thất bảo đại trì. Trong ao có tấm màn báu lớn, thân hai ông liền vào trong ấy, thấy đức Quan Âm và Thế Chí, hai vị Bồ Tát đang ngồi trên hai bửu tòa đài Liên Hoa, còn dưới tòa có nghìn vạn hoa sen đầy dẫy. 

Đức Phật A Di Đà từ hướng Tây lại ngồi trên một cái hoa sen rất lớn, cả phóng hào quang chiếu suốt mười phương. Ông Khải Phương và ông Viên Quả lễ Phật và bạch Phật Thưa Đức Đại Từ! Giả sử chúng sinh cõi Diêm phù (cõi Ta bà), này y theo kinh dạy niệm Phật có được sinh về đây không ?

Phật dạy Như niệm danh hiệu Ta đều đặng sinh về nước Ta, không có một người nào là người niệm Phật, mà không sinh về được bao giờ. 

Hai ông Khải Phương và Viên Quả lại thấy quốc độ kia, đất đai bằng phẳng, tràng báu lưới ngọc trên dưới xen pha. Lại có một ông Tăng, từ xa đi lại bảo Khải Phương và Viên Quả rằng Ta đây là Pháp Tạng vậy (tiền thân Phật Di Đà). Bởi do nguyện đời trước của ta nên nay đến đây rước hai nhà ngươi.

Khải Phương và Viên Quả, cũng cứ ngồi trên xa báu đi tới trước, lại biết thân mình ngồi trên hoa sen báu. Lại nghe Phật Thích Ca và đức Văn Thù Bồ Tát, khen ngợi cõi Tịnh độ. Đi tới trước, lại có một bửu điện rất lớn. Điện ấy có ba cấp đường bằng ngọc. Cấp đường thứ nhất toàn người thế tục đi. Cấp đường thứ hai Tăng và tục phân nửa (nửa Tăng nửa tục). Bước qua cấp đường thứ ba duy có Tăng chứ không có tục. Đức Phật chỉ đó mà bảo hai ông Khải Phương và Viên Quả rằng Phong cảnh đây, để dành cho những chúng sinh cõi Diêm phù đề (cõi Ta bà), người nào niệm Phật, thời sinh về ở đây. Vậy hai người hãy tự gắng.

Bấy giờ Khải Phương, Viên Quả trực giác thức dậy (xuất định), kể chuyện cho các đồ đệ (đệ tử) nghe sự tích này. Qua 5 ngày sau, hai ông không bệnh tự nhiên nghe tiếng chuông, thế mà các người khác không nghe. Ông Khải Phương và Viên Quả nói Tiếng chuông ấy là cái việc của ta, nói rồi vui vẻ trong giây lát hai ông đồng lâm chung một lượt (vì đồng một tịnh nghiệp).

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT CHÂN CHÂU
ÔNG TĂNG TÊN TỰ GIÁC

Ông Tự Giác, do có phát nguyện mà được đức Quán Thế Âm Bồ Tát, dẫn ông đến yết kiến Phật Di Đà. Bấy giờ ông Tự Giác tự mừng thầm mình có nhân duyên với đức Đại Bi hóa độ. Liền đi xin tiền đúc tượng đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, bề cao 49 thước (49m) dựng chùa thờ đó. Lời chúc nguyện đã thành tựu.

Đêm đó canh ba thoạt có hai đạo hào quang kim sắc (sắc vàng), ông thấy Đức Phật A Di Đà từ trong hào quang đằng vân giáng xuống có đức Quan Âm và đức Thế Chí theo hầu hai bên. Phật đưa cánh tay sắc vàng rờ đầu ông Tự Giác mà rằng Ngươi ráng giữ lời nguyện đừng có cải đổi, lấy việc lợi người làm trước nhất (lợi vật vi tiên). Rồi đây hãy sinh về ở trong ao thất bảo, đâu chẳng y lời nguyện. Nói rồi ẩn mất.

Cách 11 năm sau, trong đêm ngày rằm tháng bảy thấy có một người ở trong mây hiện ra nửa thân mình, hình như ông trời Tỳ Sa Môn thiên vương, cúi xuống bảo ông Tự Giác rằng Nay đã đến thời kỳ đại đức hãy về nước An dưỡng (Tịnh độ) rồi vậy. Ông Tự Giác nghe nói liền đến trước tượng đức Đại Bi Quán Thế Âm ngồi kiết già, mà thác hóa (chết).

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT LỤC CHÂU ÔNG TĂNG TÊN THIẾU KHƯƠNG

Ông Thiếu Khương trong niên hiệu Trinh Quán năm đầu, đến đất Lạc Hạ nơi chùa Bạch Mã thấy trong chùa có một quyển kinh thường phóng hào quang chiếu sáng, ông thò tay rút ra xem thời là quyển văn của ông Thiện Đạo viết để khuyên người niệm Phật vậy. 

Ông Thiếu Khương nghĩ rằng Nếu ta có duyên với quyển này, thời xin hào quang phóng ra lần nữa làm tin. Nói chưa dứt lời, hào quang liền tủa ra lòa mắt. Thiếu Khương tin sâu vào óc, liền đi qua đất Trường An (kinh thành), lại nhà thờ có thờ tượng ông Thiện Đạo, cả bày lễ cúng. Ông Thiện Đạo ở trên hư không ứng tiếng rằng Ngươi y theo việc của ta lợi lạc cho người đời, thời công đức của ngươi, cũng đồng sinh về nước An dưỡng vậy. Lại gặp một ông Tăng bảo rằng Người muốn dạy người niệm Phật, hãy qua đất Tân Định, nói rồi ẩn mất. Đất Tân Định tức là quận Nghiêm Châu (xứ Trung Hoa) bây giờ vậy.

Thiếu Khương bèn qua xứ kia, thì người ở đất ấy chưa có ai biết niệm Phật, mà ông Thiếu Khương giảng lý nhân quả khuyên niệm, người ta lại còn ghét hơn nữa. Thiếu Khương mới tìm cách đi xin tiền về dụ các đứa con nít cho nó và dạy Phật A Di Đà là bổn sư của các em, nếu các em niệm đặng một tiếng, ta cho một đồng tiền. Các đứa con nít ham tiền, theo tiếng ông niệm mà niệm theo. Sau một tháng ngoài, các em niệm Phật xin tiền số đông. 

Ông Thiếu Khương mới bảo lại Hễ niệm Phật 10 tiếng ta mới cho các em một đồng tiền, các em cũng nghe lời cứ niệm. Như vậy niệm suốt một năm. Bấy giờ không luận kẻ lớn người nhỏ, kẻ quý người tiện, hễ thấy mặt ông Thiếu Khương thời đều niệm A Di Đà Phật. 

Vì duyên cớ như trên, cho nên người niệm Phật đầy cả đường lộ, niệm Phật thuần thục, không còn ai dùng tiếng thô tục. Gia đình cư xử, bạn bè giao tiếp, trước cũng niệm Phật rồi mới nói chuyện. Thật là Cảnh cuộc thuần phong mỹ tục, thiên hạ đời sống vui thú làm sao!

Sau ông Thiếu Khương qua núi Ô Long kiến lập đạo tràng Tịnh độ. Lập đàn ba cấp rủ người ngày đêm niệm Phật. Thiếu Khương trước xướng niệm Nam mô A Di Đà Phật, kế các người niệm rập theo. Khi ông Thiếu Khương đương xướng các người bên cạnh có người thấy một vị Phật, từ trong miệng bay ra. Xướng luôn 10 tiếng, thời có 10 vị Phật cũng từ trong miệng bay ra liền luôn như xâu chuỗi.

Ông Thiếu Khương hỏi Các ngươi thấy Phật chăng ? Như người nào thấy thì quyết định sinh về Tịnh độ.

Song trong số người lễ Phật, mấy nghìn người, nhưng cũng có người hoàn toàn không thấy (do thiếu lòng thành vậy).

Sau rốt ông dạy người, phải đối với nước An dưỡng phát khởi tâm cho tăng thắng (chí thành tâm) và với cõi Diêm phù đề (cõi Ta bà), phải sinh tâm nhàm chán. 

Ông lại nói Hết thảy các ngươi trong giờ phút này, mà hễ ai thấy được hào quang, mới thật là đệ tử ta (ngã chân đệ tử), nói xong liền phóng hào quang lạ vài đường mà viên tịch (chết).

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT TINH CHÂU

ÔNG TĂNG TÊN DUY NGẠN

Ông Duy Ngạn, chuyên tu pháp Thập Lục Quán (16 pháp thiền định). Nhân khi xuất định, thấy đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí hai vị Bồ Tát, hiện thân ở giữa không trung, hồi lâu mà chưa diệt. Duy Ngạn, cúi đầu đảnh lễ sa nước mắt, mà than rằng Ôi! May phúc cho nhục nhãn ta được thấy hình tượng Ngài, nhưng tiếc đời sau không truyền lại.

Vừa nói dứt lời, vừa ưa đàng kia có hai người song song đi lại, tự xưng mình họa sĩ, trong chưa bao lâu, vẽ rồi hai bức tượng của hai vị Bồ Tát. Vẽ rồi hai họa sĩ đâu mất.

Đệ tử thấy lấy làm lạ hỏi. Duy Ngạn nói Hai người ấy đâu không phải là họa sĩ!

Duy Ngạn lại nói Thời kỳ ta về Tây phương đã tới rồi, trong các đệ tử có người nào muốn theo, thời sáng ngày nói cho ta biết.

Có tên Tiểu Đồng Tử nói Thầy cho con theo thầy đi về. Duy Ngạn nói Nếu có muốn đi theo ta thời nên về nhà nói với thân phụ, thân mẫu ngươi đã. 

Lúc Đồng Tử về nói. Cha mẹ nó cười mắng mà nói rằng Con đừng có nói chơi không nên. Đồng Tử trở về chùa, dùng nước thơm tắm gội, tới trước tượng Phật A Di Đà ngồi tréo kiết già mà hóa vãng.

Có người lại cho ông Duy Ngạn hay. Ngạn tới vỗ vai nó mà rằng Ngươi làm thị giả hầu ta, sao mà đi về trước ta vậy.

Nói rồi cầm bút, đốt hương, tới trước tượng hai vị Bồ Tát, làm bài kệ như vầy

Quan Âm trợ viễn thiếp.

Thế Chí phụ diêu nghinh.

Bửu bình quang thượng hiển.

Hóa Phật đảnh tiền minh.

Cụ du thập phương sát.

Trì hoa hầu cửu sinh.

Nguyện dĩ Từ bi thủ.

Đề tượng cộng Tây hành.

Nghĩa là

Đức Quan Âm xa nương dìu dắt.

Đức Thế Chí tới rước đem về.

Bửu bình trên mão bày tỏ rõ.

Hóa Phật trước đầu hiện quang minh.

Đồng đạo mười phương cùng các cõi.

Cầm hoa chờ chực sinh chín phẩm.

Nguyện cánh (tay) từ bi ngài nhiếp thọ.

Dắt dìu về đến cảnh Tây hành (Tây phương).

Viết kệ xong, liền bảo các đệ tử xúm lại trợ niệm (niệm Phật). Mỗi người đều cất tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật, Duy Ngạn mở mắt ngó về hướng Tây, rồi cúi đầu ríu ríu đi.

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT TRƯỜNG AN

NI CÔ PHÁP DANH TỊNH CHƠN

Cô Tịnh Chơn, ở đất Trường An, nơi chùa Tích Thiện, mặc áo bá nạp, đi hành khất (khất thực), cả đời tánh cách không sân, tụng kinh Kim Cang mười muôn bộ, chuyên tinh niệm Phật.

Trong niên hiệu Hiển Khánh năm thứ 5, nhiễm bệnh bảo các đệ tử rằng Ta nội trong tháng năm này, mà mười phen thấy Phật A Di Đà, hai phen thấy thế giới Cực Lạc, trên hoa sen báu, Đồng tử giỡn chơi. Ta chắc đặng vãng sinh về thượng phẩm. Nói rồi ngồi kiết già mà thác hóa hào quang chiếu sáng cả chùa.

(Nếu tu mãn báo thân này, được vãng sinh về Tây phương, từ trong hoa sen sinh, hóa làm thân như Đồng Tử (đứa nhỏ), người tu Tịnh độ thuần thục, thấy Đồng tử chơi giỡn nơi ao thất bảo, thời ngươi đó được biết mình chắc sinh về Tịnh độ).

ĐỜI ĐƯỜNG ÔNG PHÒNG CHỮ

Ông Phòng Chữ chết giấc, hồn xuống dưới Âm phủ ra mắt vua Diêm La.

Vua nói Cứ tra trong sổ bộ thời thấy nhà ngươi đã có lần khuyên một ông già niệm Phật, mà ông ấy đã sinh Tịnh độ, nhờ phước ấy, ngươi cũng được sinh về Tịnh độ, cho nên ta mời người đến đây cho thấy nhau.

Phòng Chữ đáp Ngày trước tôi có nguyện tụng Kinh Kim Cang một muôn bộ và qua non Ngũ Đài, làm lễ đức Văn Thù Bồ Tát nên chưa muốn vãng sinh. 

Vua nói Tụng kinh làm lễ vẫn là việc tốt, song mà sao cho bằng sớm sinh về Tịnh độ.

Vua biết chí hướng của ông không thể ngăn, bèn thả về.

Do đây, thời biết khuyên người tu niệm, chẳng những được vãng sinh, mà lại cảm động đến chốn u minh nữa vậy.

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT TRƯỜNG AN

ÔNG LÝ TRI DIÊU

Ông Tri Diêu giỏi thông kinh Tịnh độ. Lập năm hội niệm Phật, ông làm vị sư phạm trong đại chúng.

Sau nhân có bệnh thoạt nói Ta nay niệm Đức Phật Hòa Thượng để đi về vậy. Nói rồi, rửa mặt súc miệng, bưng lư hương ra trước nhà đảnh lễ Phật. Bỗng nghe giữa thanh không có tiếng nói bài kệ như vầy

Báo nhữ Lý Tri Diêu,

Công thành quả tự chiêu.

Dẫn quân sinh Tịnh độ.

Tương nhĩ thướng kim kiều (Kim Đài)

Nghĩa là 

Tin ngươi Lý Tri Diêu

Công thành quả tự chiêu (đặng).

Dắt ngươi về Tịnh độ.

Đem ngươi lên cầu vàng (Đài vàng).

Ông Tri Diêu nghe rồi, lui lại giường ngồi mà qua đời. Chúng nhân nghe mùi hương lạ, từ góc trời phía Tây bay lại rồi bay đi (hết nghe thơm gọi là bay đi)

ĐỜI ĐƯỜNG PHỐ THƯƠNG ĐẢNG

CÔ DAO BÀ

Cô Dao Bà, nhờ bà Phạm Hạnh khuyên tu niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Khi lâm chung thấy Phật và Bồ Tát đến rước. Dao Bà bạch Phật rằng Con chưa kịp đến tạ biệt bà Phạm Hạnh vì bà có ơn dạy con niệm Phật, xin Phật nán đợi dùm con một chút. Phật đứng giữa hư không, chờ bà Phạm Hạnh đến, cô Dao Bà lễ tạ ơn rồi, đứng mà thác hóa (chết).

ĐỜI ĐƯỜNG ĐẤT TỊNH CHÂU

VỢ ÔNG ÔN TỊNH VĂN

Vợ ông Tịnh Văn đau lâu tại giường, Tịnh Văn khuyên vợ niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tin theo niệm hai năm không dứt, liền thấy cõi Tịnh độ, bèn nói với ông Tịnh Văn rằng Tôi thấy Phật rồi, tháng sau tôi chắc đi về. Lại đem đồ ăn dâng cho cha mẹ, và từ tạ cha mẹ rằng Con nay theo Phật đi về. Xin cha mẹ và chồng ở lại ráng tu niệm, chừng về Tây phương thấy nhau. Nói rồi qua đời (nhắc lại 3 ngày trước thấy hoa sen, lớn bằng vừng mặt nguyệt).

ĐỜI ĐƯỜNG ÔNG TRƯƠNG CHUNG QUỲ

Ông Chung Quỳ, làm nghề sát kê mắc nghiệp báo. Bỗng thấy một người mặc áo đỏ, đuổi bầy gà đến nói mổ mổ, bầy gà xúm lại mổ. Mổ bốn phía rồi lại mổ lên trên hai con mắt đổ máu, chịu khổ đau nhức. Có ông thầy vì trương tượng Phật đốt hương niệm danh hiệu Phật A Di Đà và bảo ông kia niệm, Chung Quỳ nhất tâm niệm. Thoạt vậy nghe mùi hương thơm bát ngát đầy nhà, vui vẻ mà qua đời.

ĐỜI ĐƯỜNG ÔNG TRƯƠNG THIỆN HÒA

Ông Thiện Hòa làm nghề sát trâu, mắc nghiệp báo, khi lâm chung thấy bầy trâu nói tiếng như người rằng Người sát ta, nay ta báo oán. Thiện Hòa cả sợ, nói với vợ rằng Mau thỉnh thấy đến cứu ta! Ông Tăng đến giảng Trong Thập Lục Quán Kinh có nói Bằng người khi lâm chung tướng địa ngục có hiện ra, thời chí tâm niệm 10 tiếng danh hiệu Phật như vầy Nam mô A Di Đà Phật, thời liền đặng vãng sinh về Tịnh độ. 

Thiện Hòa nói Chắc vào địa ngục quá! Rồi không kịp bưng lư hương, tay trái cầm lửa, tay phải nắm nắm nhang, xoay mặt về hướng Tây chuyên thiết niệm Phật. Chưa đầy 10 tiếng, Thiện Hòa nói Ta thấy Phật A Di Đà từ Tây phương đến, cho ta một cái tòa báu. Nói rồi lâm chung.

ĐỜI TÙY ĐẤT THẠCH TẤN QUẬN PHỤNG TƯỜNG ÔNG CHÍ THÔNG

Ông Chí Thông, thấy ngài Trí Giả Đại Sư làm nghi thức Tịnh độ lưu truyền, không xiết vui mừng, không nhổ hướng Tây, không ngồi xoay lưng về hướng Tây, chuyên tâm tu tấn.

Sau thấy chim Bạch hạc, Khổng tước bay lớp lang, từ hướng Tây đến. Lại thấy hoa sen, tướng hào quang, nở, búp ở trước mặt.

Ông Chí Thông nói Bạch hạc, Khổng tước là chim ở cảnh Tịnh độ, còn tướng hào quang hoa sen là chỗ ta gá sinh về vậy. Tịnh độ đã hiện rồi.

Ông liền đứng dậy lễ Phật, ngó Phật mà qua đời. Lúc phần hóa (thiêu), có năm sắc mây lành, đanh phủ trên lửa.

ẤP QUỐC SƠ, CHÙA VĨNH MINH

NGÀI THỌ THIỀN SƯ

Ngài Thiền sư tên Diên Thọ, vốn người đất Đơn Dương. Sau qua đất Dư Hàng. Hồi nhỏ tụng Kinh Pháp Hoa. Lúc ra làm quan Huyện, hằng lấy bớt tiền quan. Tra ra thì ông lấy số tiền ấy, để mãi vật phóng sinh. Triều đình nghị tội đáng chết, dẫn đến Thị Tào (chỗ xử trảm). Tiền Vương (Vua, chủ tiền), sai người nom theo dò xét, nếu nhan sắc biến liền trảm (chém). Bằng không biến đổi về tâu lại.

Quả nhiên, tới giờ gần xử trảm nhan sắc không đổi, mà lại càng vui tươi nói “Chết một mạng, mà cứu được nhiều mạng, dù chết cũng sung sướng nơi lòng”.

Quân hồi trào báo tin. Vua bèn tha được sống và cho đi xuất gia làm ông Tăng. Trong khi ngài đang tham thiền quán tưởng, thấy đức Quan Âm dùng nước cam lồ rưới miệng ông, ông đặng biện tài của đức Quan Thế Âm, thuyết pháp vô ngại. Khi xuống bút là thành sách. Ông viết bộ sách nhan đề là “Vạn Thiện Đồng Quy tập” và bộ “Tông Kính Lục” v.v… cộng vài trăm quyển. Ngài làm trụ trì nơi chùa Vĩnh Minh, non Tuyết Đậu.

Mỗi ngày tụng 108 việc (10 phương Phật, 3 đời Phật, 7 Đức Như Lai, và 88 Phật, cộng 108 việc), tinh tấn tu Tây phương. Lâm chung, ngồi qua đời, khi phần hóa xong, dựng một bửu tháp.

Bấy giờ có ông Tăng, mỗi ngày tới đi nhiễu và lễ bái cái tháp ngài. Người đời thấy lấy làm lạ hỏi, ông Tăng đáp Tôi là ông sư quận Phủ Châu vậy. Nhân đau nặng, hồn đến Âm phủ, đền Diêm Vương, vua nói Mạng nhà người chưa tới tha về. Thấy bên cạnh đền có cái bức tượng hình một ông Tăng khôi ngô nghiêm nghị. Vua Diêm La bảo tôi đến lễ bái cúng dường. Tôi hỏi Tượng này là ai ? Tên quân lại đáp Ngài Thọ Thiền sư ở chùa Vĩnh Minh, Hàng Châu vậy.

Phàm ai chết, cũng đều đến chỗ này, chỉ có một ông Tăng này, không đến chỗ này, mà là đã sinh về bậc thượng phẩm thượng sinh, bên thế giới Tây phương Cực Lạc kia rồi. Nên vua tôi vẽ tượng này thờ nơi đây để cúng dường kính trọng.

Tôi nghe thế nên tôi phát tâm đến đây nhiễu tháp và lễ bái. Do đây mà thấy người tinh tấn niệm Phật đặng Âm phủ vua Diêm Vương chẳng những hoan hỷ và lại còn kính trọng bội phần.

ĐỜI TỐNG ĐẤT MINH CHÂU

ÔNG TĂNG TÊN KHẢ CỬU

Ông Khả Cửu thường tụng Kinh Pháp Hoa cho nên người đời kêu ông là ông Cửu Pháp Hoa cả bình sinh tu nghiệp Tịnh độ.

Triều vua Nguyên Hựu năm thứ 8, tuổi 81 ông ngồi mà tịch. Ba ngày sống trở lại thuật việc Tịnh độ như trong Kinh Thập Lục Quán nói Thấy đài Liên Hoa đều nêu người nào sinh về có tên và họ hẳn hòi

Một cái Tử Kim đài, nêu rằng Triều Đại Tống phủ Thành Đô, chùa Quảng Giáo, ông Cửu Pháp Hoa đã sinh trong đó.

Lại một cái Kim đài, nêu rằng Đất Minh Châu ông Tôn Thập Nhị Loan, được sinh trong đó.

Lại một cái Kim đài nêu rằng Ông Cửu Pháp Hoa Đài (đài này để dành cho ông Cửu Pháp Hoa).

Lại một cái Ngân đài, nêu rằng Đất Minh Châu Bà Từ Đạo Cô Đài (Đài này để cho bà Từ Đạo sinh về ngồi).

Ông Cửu Pháp Hoa, thuật câu chuyện của ông đã thấy, xong lại chết luôn. Cách 5 năm, bà Từ Đạo chết, mùi hương lạ đầy nhà. Lại cách 12 năm, ông Tôn Thập Nhị Loan qua đời, nhạc trời réo rắt từ phía Tây xích lại, giây lâu mới hết.

ĐỜI TỐNG, NON CẤU KÊ,

ÔNG KIM THÁI CÔNG

Ông Thái Công, tên Thích làm nghề võng ngư (chài lưới). Một bữa đổi nghề làm (làm nghề khác), chuyên niệm Phật A Di Đà mỗi ngày một vạn tiếng, trai tố (chay lạt) tu hành, không hề tạm bỏ. Sau không tật bệnh, chỉ nói Ta thấy Phật A Di Đà cùng Quan Âm, Thế Chí, ở trước cửa, ta nay về Tịnh độ vậy.

Qua ngày sau lại nói Ta đã thấy hoa sen vàng đến rước ta vậy. Ông cầm lư hương ngồi yên bắt ấn mà qua đời. Hương thôn xa gần ai cũng nghe âm nhạc, mùi hương bát ngát, phưởng phất cả ngày không phai. Khi ấy, nhằm thời kỳ vua Chánh Hòa năm thứ 6.

ĐỜI TỐNG, ĐẤT ĐÀM CHÂU

ÔNG HUỲNH ĐẢ THIẾT

Ông Huỳnh Đả Thiết, vốn người trong quân lính làm nghề đập sắt, mỗi khi đập sắt, niệm A Di Đà Phật không ngớt tiếng.

Một hôm không bệnh, ông mượn người bạn bên xóm viết dùm bài kệ để ông in ấn tống, đặng khuyên nhiềâu người niệm Phật. Bài kệ như vầy

Đinh đinh đang đang.

Cửu luyện thành cang.

Thái bình tương cận.

Ngã vãng Tây phang.

Dịch nghĩa

Cổn cổn cản cản.

Luyện lâu thành cứng.

Thái bình gần đây.

Ta về Tây phang

Đọc bài kệ rồi, vui vẻ ngồi qua đời như ngủ. Bài kệ này truyền bá đất Hồ Nam rất rộng, người niệm Phật rất nhiều.

ĐỜI TỐNG, PHỦ LÂM AN,

LÀNG HÒA NHÂN, ÔNG NGÔ HUỲNH

Ông Ngô Huỳnh, trước làm ông Tăng, sau hườn tục, trước sau hai đời vợ, sinh đặng hai đứa con, nghề rượu thịt, không nghề mô không làm, thậm chí làm bồi bếp cho người nữa.

Mỗi khi cắt cổ gà, sát vịt, các vật mạng tay cầm đưa lên nói A Di Đà Phật, mau thác kiếp (thân) này đi, rồi giết, niệm Phật vài tiếng. Mỗi khi xắt thịt, một mặt xắt thịt, một mặt niệm A Di Đà Phật, thường niệm Phật không thôi. Dạy người trong thôn, niệm kinh, làm phép sám hối, và khuyên người niệm A Di Đà Phật.

Sau trên con mắt sinh bướu (mọc mụt) như trứng gà rất sợ hãi. Tạo một am cỏ (thảo am) chia giao của cải cho vợ con, rồi ông ngày đêm niệm Phật sám hối. Qua đời vua Thiện Hưng năm thứ 23, mùa Thu ông dặn người bà con trong làng rằng Ngày mai giờ Tuất, tôi (Huỳnh) đi về Tây vậy.

Người tưởng nói chơi cười. Huỳnh đem chén bát, nồi, trách, cho người ta hết. Qua buổi chiều ngày sau ngỏ (nói) cho các đạo hữu tên Hạnh Bà rằng Giờ đây (Huỳnh) đi sắp gần đến, hãy cao tiếng niệm Phật (trợ niệm) giúp tôi, lấy áo vải đổi rượu uống liền viết bài tụng như vầy

Tợ tửu giai không, vấn thâm thiền Tông,

Kim nhật trân trọng, minh nhật thanh phong.

Dịch nghĩa

Tuồng, rượu vốn không, hỏi chi thiền tông.

Ngày nay trân trọng, ngày mai thanh phong.

Đại ý bài tụng này. Câu Tuồng, rượu vốn không là nói muôn pháp rảnh rang không dính mắc, còn có tu chi nữa mà phải nhọc hỏi tới Thiền tông (pháp tu tham thiền).

Câu Ngày nay trân trọng, là nói cái nhân niệm Phật chí thành. 

Câu Ngày mai thanh phong (gió mát) là nói kết quả của sự niệm Phật, là được giải thoát hay được vãng sinh về Tịnh độ.

Ông viết bài tụng xong, ngồi vững chắp tay niệm Phật. Kêu nói một tiếng Phật đến rồi liền tắt hơi.

ĐỜI TỐNG BÀ KINH VƯƠNG PHU NHÂN

Trong niên hiệu triều vua Nguyên Hựu, bà Kinh Vương phu nhân, cùng với kẻ tỳ thiếp (tôi tớ) ba, tinh tu niệm Phật, trong đó có một người thiếp giải đãi, bà phu nhân thét và đuổi. Thiếp kia hối ngộ tinh tấn, lâu rồi nói với các người thiếp khác mà rằng Tôi đêm nay sẽ sinh về Tây phương.

Quả thật đêm đó, mùi hương thơm lạ đầy nhà, thiếp ấy không bệnh mà qua đời. Sáng ngày mấy người thiếp (tớ) đồng sự (đồng một việc giúp đỡ chủ nhà) tới tin cho bà phu nhân hay rằng. Đêm hôm qua tôi chiêm bao thấy thiếp đã chết kia, về dặn gửi lời giã từ bà như vầy Tôi nhờ ơn bà phu nhân dạy quở, tôi tu Tây phương (niệm Phật), nay đã đặng vãng sinh, cảm đức bà vô lượng.

Bà phu nhân đáp là không tin và nói Phải nó mà cho tao cũng chiêm bao, thời tao mới đáng tin.

Quả thật đêm đó, khuya lại bà phu nhân chiêm bao, thấy vong thiếp về tự trần cảm tạ lời y như trước (nhờ bà dạy quở tôi tu Tây phương v.v…)

Phu nhân hỏi Giả sử ta đi về Tây phương có đặng chăng ? Thiếp đáp Đặng, nhưng bà đi theo tôi, phu nhân theo đó, thấy hồ ao rộng lớn, hoa sen hồng, hoa sen trắng lăng xăng, lớn có nhỏ có, hoặc có bông thì héo, có bông khô, đủ thứ không đồng.

Phu nhân hỏi Như vậy đó là vì sao ?

Thiếp trả lời Đây đều là trong thế gian, mà chính là người phát tâm tu Tây phương vậy. Vừa phát một niệm thời sen trong ao mọc lên một đóa hoa. Bằng tâm nguyện tinh tấn, thời hoa sen mỗi ngày nở tốt, cho đến lớn như bánh xe. Bằng tâm nguyện thối lui, thời hoa sen mỗi ngày mỗi khô héo, cho đến phút cùng là hư rụng.

Kế thấy một người ngồi trên hoa sen, chéo áo phất phơ lui tới, mũ ngọc anh lạc trang nghiêm thân mình. Phu nhân hỏi Đây là người nào ? Thiếp đáp Ông Dương Kiệt vậy. Lại thấy một người ngồi trên đài hoa. Thiếp chỉ Còn đây là chú Mã Vu vậy.

Phu nhân hỏi Còn ta sinh về chỗ nào ? Người thiếp dẫn đi cỡ vài dặm xa xa trông thấy một đài vàng xẹt hào quang chiếu diệu. Thiếp nói Đây là chính chỗ của phu nhân hóa sinh bậc thượng phẩm thượng sinh vậy. Phu nhân bây giờ thức giấc, hỏi thăm ông Dương Kiệt và Mã Vu, thì Kiệt đã chết rồi còn Vu thì còn mạnh giỏi. 

Thế cho nên biết rằng Người tu tinh tấn không lui sụt ấy, thân tuy ở cõi Ta Bà, mà thần thức đã gá sinh bên cõi Tịnh độ vậy.

Sau bà phu nhân đến ngày sinh nhật (gọi là ngày đáo tuế). Bà bưng lư hương, đốt nhang đứng trước tượng đức Quan Thế Âm cúng dường cầu nguyện.

Các con và cháu, sắm lễ dâng (chúc thọ) nhưng mà thấy bà đứng trước tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát một cách thẳng thốn và nghiêm trang, coi lại thì hồn đã đi đâu chỉ có cái xác còn lại.

ĐỜI TỐNG BÀ QUAN ÂM HUYỆN QUÂN

Bà Huyện Quân, tên Ngô thị, chồng bà là ông Lữ Hoằng, quan chức Viên ngoại Loan cũng tỏ ngộ Phật lý. Hai ông bà (chồng và vợ) đều là người trai giới lo tu. Bà Ngô thị có hai đứa thị nữ (gái hầu) cũng không ăn đồ huân huyết (cá thịt) gắn bó lo làm Phật sự.

Hôm nọ một đứa thị nữ, ham mộ việc Thiền lý (tu thiền). Báo thân đã mãn, trả xác tứ đại lại cho cõi hồng trần, ôm một linh tánh vui tươi, vừa nói, vừa cười, xuất thần ra khỏi thể, như ve kia lột vỏ vậy. Còn một đứa thứ hai, thời giữ giới cần khổ hoặc có khi trọn tháng không ăn, một ngày uống nước một lần. Bà Ngô thị, tụng chú Quán Thế Âm uống một chén nước mát mà thôi. Bỗng thấy sen vàng đỡ chân ba bông. Lại vài ngày thấy một cái đầu gối (Phật). Lại vài ngày thứ hai, thấy cái mình (Phật). Lại vài ngày thứ ba, thấy cái mặt và con mắt (Phật và Bồ Tát). Ba bông sen vàng xét lại thì là chính giữa Đức A Di Đà, con hai bên thời Quan Âm, Thế Chí hai vị Bồ Tát vậy.

Lại thấy cả đường điện quốc giới (đền đài cõi nước) rõ ràng như thấy chỉ trong bàn tay trong khi xòe tỏa, hiển nhiên là một cõi Tịnh độ.

Bà hỏi gã thị nữ tường tận. Thị nữ đáp cõi Tây phương kia đều là cõi thanh tịnh chỉ toàn người nam, đi kinh hành, vui chơi không có nữ nhân vậy. 

Bà Ngô thị lại hỏi Cõi kia Đức Phật thuyết làm sao ? Thị nữ thưa Tôi mới được Thiên nhãn (chỉ thấy được) chớ chưa được Thiên nhĩ vậy chưa nghe được. Cho nên tôi chỉ thấy người hỏi Phật đáp và Phật chỉ thời tôi thấy có Phật chỉ vậy thôi. Chớ Phật Ngài thuyết pháp làm sao thời tôi không nghe được.

Bà Ngô thị hỏi Tại sao Thiên nhãn là con mắt thấy, Thiên nhĩ là lỗ tai nghe, mà nhà ngươi nói chỉ thấy được, mà không nghe được ?

Đáp Chưa chứng được pháp Thiên nhĩ vì như người tuy có lỗ tai mà bị điếc cho nên dù có lỗ tai mà không thể nghe được. Còn chứng được pháp Thiên nhãn rồi cũng như kẻ con mắt hết bệnh lành sáng lại, thì lẽ dĩ nhiên, ngó thấy đều được sáng suốt.

Thị nữ là tôi, thấy như vậy, cả ba năm nay, chưa từng có một nháy mắt nào, mà không từng thấy trước mặt. Kế bỗng nhiên cảm bệnh tự nói Tôi vãng sinh. Nói vừa rồi là vừa nghỉ thở.

Bà Ngô thị, Xuân mãn Thu qua, một lòng thờ kính đức Quán Thế Âm, đem hết tâm hồn, gởi đường sinh tử, tưởng có linh nghiệm. Mỗi khi trong tịnh thất bà rinh vò, lu, và bình, sắp để vài chục cái trong thất, múc nước rót vô đầy mấy cái, rồi tay cầm cành dương tụng chú Đại bi thấy đức Quan Âm phóng quang trong mấy cái đựng nước. Nước ấy dùng cho mấy người bệnh uống liền được lành mạnh. Do vì tụng chú nước ấy lâu ngày và nước ấy dù để mấy năm cũng không hư (hôi), gặp tiết Đại hàn (trời lạnh) cũng chẳng đông đặc.

Nên người đời tặng hiệu bà là Quan Âm Huyện Quân.

ĐỜI TỐNG BÀ PHÙNG THỊ PHU NHÂN

(Người đàn bà, chồng làm quan theo tục xưa gọi bà phu nhân)

Phu nhân, tên Pháp Tín, tặng hiệu Thiếu Sư, con gái ông Hứa Tuân, gả cho quan Tuyên Sứ là ông Trần Tư Cung. Hồi nhỏ hay bệnh, kịp gả bệnh lại càng hung, Lương y nói Chứng bệnh ngoài khoa dược (nghĩa là không có thuốc trị lành được). Một hôm phu nhân đến chùa, ra mắt ngài Từ Thọ Thâm thiền sư hỏi thăm phương dũ tật (lành bệnh). Ngài Thâm Sư dạy trì trai niệm Phật, phu nhân dẹp hết đồ huân huyết, và dùng đồ trang sức với bao nhiêu y phục quý giá, trải nơi tháp (điện Phật) để cúng dường Phật.

Chuyên niệm pháp môn Tây phương, đi cũng Tây phương, ngồi cũng Tây phương, lúc ăn, lúc nghỉ cũng Tây phương, nói, nín, động, tịnh, cũng Tây phương, châm nước, hiến hoa cũng Tây phương, tụng kinh đi đường cũng Tây phương, trong một phút nghỉ, cái lành mảy may, cũng hồi hướng, làm cầu bến để đi về Tây phương, cả trong 10 năm trường, không chút biếng trễ. Tâm an thể kiện, thần khí chẩm hẩm, người ai đều tôn trọng, thời gian thăm thẳm. Một hôm thoạt viết bài kệ như vầy

Tùy duyên nhậm nghiệp hứa đa niên.

Uổng tác lão, ngưu, vi canh điền.

Đã diệp thân tâm tao qui khứ.

Miễn giao tỷ khổng thọ nhân xiêng.

Nghĩa là 

Theo duyên mắc nghiệp bấy nhiêu năm.

Luống làm trâu lão bắt cày ruộng.

Tóm dẹp thân tâm sớm đi về.

Cho khỏi lỗ mũi chịu người xỏ.

Bà con trong họ lấy làm lạ không hiểu nói cái chi. Phu nhân đáp Ta làm kệ về Tây phương, chớ có cái chi đâu mà lạ. Kế có bệnh nằm, vừa có chút hơi ngặt ngợp, bà liền gượng ngồi dậy nói Thân ta qua Tịnh độ. Diện lễ Phật A Di Đà, Quan Âm bên tả ngó, Thế Chí bên hữu xem. Trăm nghìn muôn ức thanh tịnh Phật tử, cúi đầu chào ta về cõi nước. Hoặc thấy cung điện, rừng, ao, hào quang báu lạ, giống in như trong Kinh Hoa Nghiêm, cùng Kinh Thập Lục Quán đã nói. Đêm đó, người trong gia quyến nghe mùi hương lạ thơm lừng ngào ngạt, trong đời xưa nay chưa từng nghe cái thơm như hương ấy. Sáng ngày cũng y như lệ thường thị tỳ, đồng nữ đến phụng sự hạ hầu. Thì! Chỉ thấy bà để lại một tòa nhà vàng ngọc (thân tứ đại) mà thức thần đã đi đâu vắng. Làm lễ trà tỳ (thiêu) cả 3 ngày mà thây hình như khi còn sống.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

HẾT QUYỂN NĂM

--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2012(Xem: 7478)
Bấy giờ, tại thành Xá-Vệ, có Bà-la-môn Trường-Thân tổ chức đại hội cúng tế rất lớn, các lễ vật gồm bảy trăm con vật và các thức ăn thức uống cũng được chuẩn bị một cách đầy đủ. Thành phần tham dự gồm có dân chúng trong vùng, các viên chức sắc trong cả nước Xá-Vệ đến, đặc biệt hơn nữa là nhiều người từ các nước khác cũng sẽ đến dự kỳ đại hội cúng tế lớn lao này.
12/06/2012(Xem: 5405)
Vào mùa thu Milarepa đi tới một địa điểm được gọi là Gepa Lesum, nơi người dân đang thu hoạch mùa màng. Ngài đang khất thực thì một thiếu nữ tên là Nyama Paldarbum nói: “Ông đi tới căn nhà ở đằng kia, con sẽ gặp ông và tặng ông thực phẩm.”
10/06/2012(Xem: 7419)
Theo truyền thống Tiểu thừa Phật giáo, chúng ta bị dính vào cõi này với sinh, tử, tái sinh và chết đi vô tận bởi chúng ta tham lam mọi thứ và bám chấp vào chúng quá nhiều. Thậm chí mặc dù, bánh xe cuộc đời này mang đến rất nhiều khổ đau cho chúng ta, ta vẫn bám lấy nó. Truyền thống Tiểu thừa nhấn mạnh vào việc loại bỏ các nguồn gốc dù là tốt đẹp của tham luyến. Theo Đại thừa, bởi ngu dốt chúng ta bị kéo vào vòng luân hồi này. Chúng ta chấp nhận những thứ không thật là thật, và chúng ta nghĩ những thứ không thật đó là sự thực đúng đắn duy nhất. Mọi thứ chúng ta nghĩ phản ánh sự hiểu sai lầm về việc mọi thứ thực sự như thế nào. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phát triển cái được gọi là “trí tuệ siêu việt,” để tiêu trừ các nguồn gốc của ngu dốt này.
16/05/2012(Xem: 4789)
Hôm nay, nhân mùa an cư, về đây thuyết pháp nhắc tôi nhớ lại tỉnh Bình Phước là tỉnh đầu tiên mà tôi đã đến hoằng pháp khi tôi mới ra trường vào năm 1958, nên tôi có độ cảm sâu sắc với tỉnh nhà; đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, nhân dân ở tỉnh này đã hy sinh quá nhiều. Vì vậy, giữa những người đã khuất và những người đang sống nơi đây có sự Liên hệ mật thiết, gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng cần phải giúp cho người khuất bóng được siêu thoát thì người sống mới phát triển được ý này trong Phật giáo gọi là âm siêu dương thới.
16/05/2012(Xem: 4513)
Trên bước đường tu hành, mục tiêu của hàng đệ tử Phật là giải thoát sinh tử, đến Niết bàn theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, hay thâm nhập vào các Tịnh độ theo tinh thần Phật giáo Bắc tông. Ở đây, chúng tôi triển khai một phần về thế giới Niết bàn. Thế giới Niết bàn hoàn toàn đối lập với thế giới hữu hạn mà chúng ta đang sống. Thật vậy, tất cả vạn vật hiện hữu ở thế giới Ta bà đều bị sự chi phối của định luật vô thường, khổ, không, vô ngã, không thể khác. Loài người sống trong thế giới sinh diệt cũng không thể thoát khỏi định luật này, gọi là sinh, già, bệnh, chết. Các loài thực vật cũng có bốn tướng là sinh, trụ, hoại, diệt và thế giới cũng trải qua bốn giai đoạn là thành, trụ, hoại, không.
10/05/2012(Xem: 5476)
Một thời Đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ, lúc ấy có Tỳ Kheo Cù Ba Ly (có sách dịch là Cù Ca Lê) đến chỗ đức Phật cúi đầu lễ Phật rồi thưa...
09/05/2012(Xem: 3902)
Pháp môn Tịnh độ theo như huyền ký của Đức Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ ([1]) và Kinh Đại Tập ([1]) là một pháp môn thù thắng và rất thích hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Chư Tổ như các ngài Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Huệ Viễn, Thiện Đạo, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Thiên Như, Liên Trì, Ấn Quang, v.v… cũng đều đề xướng tuyên dương pháp môn Tịnh độ.
09/05/2012(Xem: 5001)
Niệm Phật tu hành bằng chơn tâm là biết được tánh trọng yếu của vấn đề niệm Phật, không quản ngại công tác nhiều, sự tình bề bộn, tuy thân bận rộn mà tâm không bận rộn, không để việc đời vướng mắc mà bị chuyển đổi. Như gương chiếu hình, hình hiện lên không chỗ nương cậy, hình mất đi không lưu dấu; cả ngày công việc đoanh vây, mà vẫn thong dong ngoài vật. Bởi vậy, hàng ngày lợi dụng những lúc: ngủ dậy, trước khi ngủ, trước và sau khi ăn, trước khi làm việc, sau khi làm việc, lúc nghỉ ngơi rảnh rỗi... Tùy thời tùy chỗ mà niệm Phật. Lúc công tác dụng tâm suy nghĩ, tạm thời gác câu niệm Phật, công việc xong rồi lại tiếp tục câu Phật hiệu. Niệm Phật nhiều để thành thói quen niệm Phật, trong tâm có Phật thì sẽ được nhất tâm bất loạn; hiện đời này chứng được “niệm Phật tam muội” càng hay. Đó là: không làm các việc ác, vưng làm các pháp lành, tự thanh tịnh nơi ý, ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh thì lúc mệnh chung mới có thể biết trước giờ chết, thân không bệnh khổ, thần trí trong sáng th
04/05/2012(Xem: 11667)
Trong rất nhiều pháp môn tu tập theo giáo lý Phật giáo, thì mỗi một pháp môn tu tập là mỗi một con đường đi về với quê hương của chính mình, là mỗi một con đường đi về với quê hương chư Phật. Và, Tịnh độ cũng là một trong những con đường giúp ta sớm trở về với quê hương ấy.
01/05/2012(Xem: 10684)
Đạo đức kinh tế theo quan điểm của Phật giáo, tác giả: Peter Harvey, Đỗ Kim Thêm dịch
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]