Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02 - Văn khuyên phát tâm Bồ-đề

24/04/201318:00(Xem: 9190)
02 - Văn khuyên phát tâm Bồ-đề


Khóa Hư Lục
Tác giả:Hoàng Đế Trần Thái Tông
Dịch giả:HT. Thích Thanh Kiểm

---o0o---

QUYỂN THƯỢNG

---o0o---

Văn Khuyên Phát Tâm Bồ-Đề

Ôi! Vật quý nhất đời chỉ là vàng ngọc vậy. Song xét tới chỗ quan trọng, chỗ luyến tiếc, lại không thể sánh bằng thân mạng. Ví như có nhà giầu sang, được người vời làm đại-tướng, dùng vàng làm áo giáp hộ thân, đến lúc lâm chiến, khi gươm đao tiếp nhau, có lúc phải bỏ áo giáp kéo gươm mà chạy, chỉ mong bảo toàn tính mạng, áo giáp bằng vàng kia, đâu còn đoái hoài đến. Liền biết, cái quý trong của vàng cũng không đủ so sánh với thân mạng chính là nghĩa đó. Người đời nay không thế, lại quý vật mà khinh thân. Họ không biết thân này có 3 điều khó gặp. Những gì là ba. 1.- Trong vòng lục đạo, duy con người là quý. Đến khi nhắm mắt qua đời, tối tăm mờ mịt, chẳng biết chỗ đi về đâu. Hoặc vào đường địa ngục, A-tu-la hay ngã quỷ, súc sinh, chẳng được làm người, đó là điều khó gặp thứ nhất. 2.- Đã được làm người, hoặc lại sinh vào chốn man-di, tắm cùng khúc sông, ngủ cùng giường niệm, tôn ty lẫn lộn, trai gái sống chung, chẳng đượm gió nhân, không nhuần Thánh hóa, đó là điều khó gặp thứ hai. 3.- Tuy được sinh nơi văn-hóa nhưng sáu căn chẳng đủ, bốn thể không toàn, mù điếc ngọng câm, gù khom khập khiễng, miệng mũi hôi thối, thân hình nhớp nhơ, thấy chẳng cùng gần, chúng không thích tới. Tuy ở chỗ văn minh cao độ, nhưng khác gì ngoài chốn hoang-vu, đó là điều khó gặp thức ba. Nay đã được làm người, được sinh nơi trung-tâm văn-hóa, lại sáu căn đầy đủ, thật đáng quý thay. Phàm người ở đời, chỉ bon chen đường danh lợi, thương tổn tinh thần, mệt nhọc thể xác, bỏ phần cao quý nơi thân mạng mình, theo cái đáng khinh nơi của cải nọ, chẳng khác gì như kẻ ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên mép (1). Tuy nói thân này là quan trọng, nhưng vẫn chưa quan trọng bằng chí đạo. Nên Khổng-Tử nói: "Buổi sớm được nghe đạo, chiều có chết cũng vui" (2). Lão-tử nói: "Ta sở dĩ có cái lo lớn, vì ta có thân" (3). Đức Thế-Tôn khi cầu đạo thì bỏ thân cứu hổ. Há chẳng phải đều là chỗ khinh thân trọng đạo của ba bậc Thánh-nhân đó sao? Than ôi! Cái quan-trọng của thân mạng còn nên bỏ để cầu đạo vô-thượng bồ-đề, nữa là phần đáng khinh nơi vàng bạc của báu mà lại luyến tiếc ư! Ôi! Trong ấp mười nóc nhà, còn có người trung tín (4), lẽ nào tất cả ở đời, há lại không có người thông-minh sáng suốt hay sao? Hãy nghe theo lời ấy, nên chăm lo tu học, chớ có nghi ngờ. Trong kinh nói: "Một khi mất thêm người, muôn kiếp khó trở lại. Thật đau đớn xiết bao! Thế nên Khổng-Tử nói: "Người mà không chịu làm, ta chẳng biết làm sao được".

Ôi! xét cho rõ: Trăm năm ánh sáng, trong một sát-na; bốn đại huyễn thân, đâu hay lâu đặng. Trọn ngày ruổi rong nghiệp thức (5), quanh năm đắm đuối trần-lao (6). Không biết một tính viên-minh, chỉ theo sáu căn tham dục. Giàu sang nhất mực, khó tránh 2 chữ vô thường; công danh nhất đời, chẳng thoát một trường đại mộng. Tranh nhân tranh ngã, rốt cuộc thành không. Khoe giỏi khoe hay, đều là chẳng thật. Gió lửa tiêu tan bao già trẻ, núi khe rủa nát mấy anh hùng. Mái xanh chưa mấy, tóc bạc vội lấn dần; kẻ mừng vừa đi, người viếng len chân tới. Một bao máu mủ, chuỗi năm luyến tiếc ân-tình; bảy thước xương khô; rông rỡ tham lam của báu. Thở ra khôn bề thở lại, ngày nay khó đợi ngày mai. Sông yêu chìm nổi chẳng lúc ngơi, nhà cháy nấu nung ngày nào hết. Chẳng nguyện xa lìa lưới nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Diêm-La-Vương bỗng chốc lại đòi. Thôi Tướng-công (7) nào cho thêm hạn. Ngoảnh lại người thân đều chẳng thấy, cuối cùng nghiệp báo tự mình mang. Quỷ vương ngục tốt, mặc sức khảo tra; rừng kiếm núi đao, vô phương chống đỡ. Hoặc giam trong vòng vây sắt, hoặc ở dưới núi ốc-tiêu (8). Chịu vạc dầu thời muôn chết ngàn sinh, phải chém chặt thời một dao hai khúc. Đói nuốt sắt nóng, khát uống đồng sôi. Mười hai giờ cam chịu đắng cay, năm trăm kiếp chẳng thấy hình dạng. Chịu hết tội nghiệp, lại vào luân hồi. Mất hẳn dáng người thuở xưa, đổi ra thân hình hiện tại. Đội yên ngậm sắt, mang lông đeo sừng. Lấy thịt nuôi người, đem thân trả nợ. Sinh bị khổ đau dao thớt, sống gặp tai vạ lửa sôi. Chồng chất oán thù, cùng nhau rỉa thịt. Khi đó mới hối, học đạo không nền. Chi bằng gấp rút đảm đương, chớ để đời này lỡ dở.

Thích-Ca văn-phật, bỏ hoàng cung đến thẳng tuyết sơn; Cư-sĩ Bàng-Công (9) đem gia tài hết dìm biển cả. Chân-Võ (10) chẳng lên ngôi báu, chi lo tu hành; Lã-Công (11) đã chuộng thần tiên, còn siêng tham vấn. Tô học-sĩ (12) thường thân Phật-Ấn, Hàn-Văn-Công (13) còn lễ Đại-Điên. Bùi-Công (14) đoạt hốt ở Thạch-Sương, Phòng-Tướng (15) hỏi pháp nơi Quốc-Nhất. Diệu-Thiện (16) chẳng kén phò-mã, thành Phật không ngờ; Lục-Tổ (17) vừa gặp khách hiền, nghe kinh đốn ngộ. Đạo Thiền nếu không thú vị, Thánh hiền sao chịu quy-y. Hoa-Lâm (18) cảm 2 cọp theo hầu, Đầu-Tử có 3 chim báo sáng. Lý trưởng-giả (19) giải kinh mà thiên-trù dâng cỗ, Tu-Bồ-Đề (20) tĩnh tọa mà Đế-Thích tung hoa. Đạt-Ma (21) một dép về Tây, Phổ-Hóa (22) rung chuông bay bổng. La-Hán (23) tham thiền ở Ngưỡng-Sơn hòa-thượng. Nhạc-Đế (24) thọ giới ở Tư-Đại thiền-sư. Kính-Sơn (25) đến nay vẫn được Long-Vương dâng cúng; Tuyết-Phong (26) từ trước, hay khiến người gỗ mở rừng. Đó là những thể nghiệm nhân do, chớ tự sinh nghi ngờ lùi bước. Cáo đồng (27) còn nghe pháp Bách-Trượng, ốc văn hay hộ kinh Kim-Cương (28). Mười ngàn cá bơi (29) nghe hiệu Phật hóa làm Thiên-Tử năm trăm dơi lượn (30), nghe tiếng pháp đều đặng Thánh-hiền. Trăn nghe sám (31) được sinh thiên, rồng nghe kinh mà ngộ đạo (32). Vật kia còn hay lãnh ngộ, nữa người sao chẳng hồi tâm. Hoặc có kẻ vùi đầu ăn uống mà uổng một đời, hoặc có kẻ lầm lối tu hành mà không xét lại. Hay đâu, bồ-đề tính-giác, ai nấy viên-thành; sao biết, bát nhã căn lành, người người đầy đủ. Hỏi chi đại-ẩn, tiểu-ẩn (33), chẳng kể tại gia xuất gia. Không nề tăng tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không gái trai, chẳng nên trước tướng. Người chưa tường còn chia tam-giáo (34), Liễu được thấu đều ngộ nhất tâm. Nếu hay chiếu sáng rọi về, đều được thấy tánh thành Phật. Lại nữa, thân người dễ mất, Phật pháp khó nghe. Muốn vượt sáu ngả mãi xoay tròn, chỉ có nhất thừa là đường tắt. Nên tìm chính kiến, chớ tin ta sư. Ngộ được chính là chỗ vào, làm xong mới hay thoát tục. Bước bước xéo đạp thật địa, đầu đầu mang đội hư không. Khi dùng thời muôn cảnh đều phô, thu lại thời mảy may hết sạch. Vượt lên chỗ chẳng tương quan sinh tử, thấu tới cơ khó thấu hiểu quỷ thần. Là phàm là thánh, cùng vào một đường; hoặc oán hoặc thân, cùng chung hổng mũi. Thật ngộ như thế, con trệ nửa đường. Ngưng nói hướng thượng tam huyền (35), cần rõ một bước sau chót (36). Hãy nói, tức là hiện nay gọi cái gì là một bước sau chót.

Non xanh thoai thoải nhìn trời rộng,
Sen biếc ngạt ngào đượm nước hương (37).

* Chú Thích

(1)Ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên mép- đều là những tỷ dụ, ám chỉ cho kẻ ngu, chỉ ham cái lợi nhỏ trước mắt, mà bỏ mất cái lợi ích quan trọng.

(2)Buổi sớm được nghe đạo:Sách Luận-ngữ, thiên Lý-nhân, Đức Khổng-Tử nói: "Chiêu văn đạo tịch tử khả hỷ".

(3)Ta sở dĩ có cái lo lớn, vì ta có thân- Đạo-Đức Kinh, ngài Lão-Tử nói: "Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân".

(4)Trong ấp mười nóc nhà còn có người trung tín- Lấy câu trong sách Luận-ngữ: "Thập thất chi ấp, thượng hữu trung tín.

(5)Nghiệp-thức - Nghiệp-thức là hoặc của căn bản vô-minh. Tâm nguyên của bản giác vốn không có tướng-động từ lúc đầu, nhưng thình lình bị lay động bởi bất giác, đó là nghiệp-thức.

(6)Trần-lao - Phiền não của 5 dục, sáu trần làm ô nhiễm nơi thân tâm thanh tịnh mà phải khổ, nên gọi là trần lao. 5 dục: Tài, sắc, danh, thực, thụy; 6 trần tức là 6 cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

(7)Thôi-tướng-công:Chỉ quỷ sứ canh ngục.

(8)Dưới núi ốc-tiêu: Ở đáy biển có núi rất lớn gọi là ốc-tiêu. Dưới núi ốc-tiêu có địa ngục A-tỳ, lửa thường nung đốt, núi thường nóng chảy.

(9)Bàng-Công cư-sĩ:Tức là Bàng Uẩn, hiệu là Đạo-Huyền, người huyện Hành-Dương, Trung-Quốc, vốn theo nho nghiệp, tư chất thông-minh, sau tham thiền ở Thạch-Đầu Hy-Vậnh, hoát nhiên liễu ngộ, và đắc pháp ở ngài Mã-Tổ Đạo-Nhất.

(10)Chân-Võ:Đời nhà Hán, Thái-tử vua nước Trịnh-Lạc, khi sinh ra có nhiều điểm lạ, lớn lên có chí trừ khử ta ma, vượt biển Đông gặp thiên thần trao cho bảo kiếm. Chân-Vũ tu luyện ở núi Đông-Hải 42 năm thành công, ngay ban ngày bay lên không, được vâng mệnh Thượng-đế trấn thủ phương Bắc. Vốn tên là Huyền-Võ sau đổi là Chân-Võ.

(11)Lã-Công:Tức là Lã-Đồng-Tân, người Kinh-Triệu đời Đường. Chính tên là Nham, tên chữ là Đồng-Tân, lại gọi là Lã-Tổ, hiệu là Thuần-Dương-Tử, một người trong bát tiên của Đạo-Giáo.

(12)Tô học-sĩ:Tức Tô-Thức, tên chữ là Tử-Chiêm, hiệu là Đông-Pha cư sĩ, người Mi-sơn, đời Tống. Viếng chùa Kim-sơn ở Tô-châu, gặp Phật-Ấn Liễu-Nguyên thiền sư, vấn đáp về thiền-đạo, phục tài cao của Phật-Ấn , liền cỡi đai ngọc để tại chùa Phật-Ấn kỷ niệm.

(13)Hàn-Văn-Công:Tức Hàn-Dũ, người Xương-Lê đời Đường, đậu Tiến-sĩ. Vì dâng biểu can vua Hiến-Tông rước Xá-Lợi Phật vào cung, nên bị đày đi Trào-Châu. Ở đây, Hàn-Dũ có viết thư mời Đại-Điên Thiên-sư chùa Linh-sơn ở phía tây Trào-Châu để tranh luận về đạo cùng nhau đi lại nhiều lần, sau quy-y Đại-Điên.

(14)Bùi-Công: Tức Bùi-Hưu, một người học Phật đời Đường, họ Bùi, tên Hưu, tên chữ là Công-Mỹ, đậu Tiến-sĩ, giao du cùng ngài Khuê-Phong Tông-Một, thông đạt kinh Hoa-Nghiêm, sau đắc Pháp ở Ngài Hoàng-Nghiệt Hy-Vận thiền-sư. Đoạt hốt - các quan đại thần xưa, khi triều vua tay thường cầm cái hốt ở tay đế tâu bạch, hay thụ mệnh, ngoài ra dùng để ghi chép những sự kiện cho nhớ. Vậy đoạt hốt có nghĩa là, Bùi Hưu bị đoạt mất chí khí ở ngài Thạch-Sương. Thạch-Sương: Tức Thạch-Sương Khánh-Chư, cao tăng đời Đường, thuộc họ Thanh-Nguyên, tham thiền ngài Qui-Sơn, thấu được áo chỉ, trụ ở núi Thạch-Sương, châu Đàm, được vua Đường Hy-Tông ban áo cà-sa gấm.

(15) Phòng-Tướng: Tức Phòng-Huyền-Linh, tên hèm là Văn-Chiêu, 18 tuổi đậu Tiến-sĩ, giúp Đường Thái-Tông dấy nghiệp, làm chức Tể-Tướng, được phong tước Lương-Quốc-Công. Quốc-Nhất: Tức Đạo-Khâm thiền sư, người huyện Côn-Sơn thuộc Tô-Châu, được Đường Đại-Tông vời vào cung hỏi đạo, ban cho hiệu Quốc-Nhất thiền-sư.

(16)Diệu-Thiện:Tức Diệu-Thiện công-chúa, tiền thân của Bồ-Tát Quán-Thế-Âm. Nam-Sơn Tuyên Luật-sư thường hỏi thiên-thần về duyên khởi của Đức Quan-Âm. Thiên-Thần thưa: Về kiếp quá khứ xưa kia có vua Trang-Vương, phu-nhân tên là Bảo Ứng sinh được 3 gải. Con lớn là Diệu-Dục, con thứ là Diệu-Ân, con út là Diệu-Thiện. Diệu-Thiện chỉ chuyên việc tu hành, không lập phò-mã (cũng tương tự như sự tích chùa Hương-Tích Việt-Nam).

(17)Lục-Tổ: Tức Tổ Huệ-Năng, Tổ thứ 6 của Thiền-tông đời Đường, cũng gọi là Đạik-Giám Tuệ-Năng. Ngài họ Lư, mồ côi cha từ lúc 3 tuổi, nhà nghèo, phải đi kiếm củi nuôi mẹ. Một ngày mang củi vào chợ bán, nghe người đọc kinh Kim-Cương, liền nẩy ý chí xuất-trần nhập đạo.

(18) Hoa-Lâm: Tức Hoa-Lâm thiền-sư.

Đầu-Tử:Tức Đầu-Tử Nghĩa-Thanh thiền-sư.

(19) Lý Trưởng-giả:Trưỡg-giả họ Lý hay trưởng-giả họ Trần, ám chỉ người giải kinh hay mà được chư Thiên cúng dường thức ăn.

(20) Tu-Bồ-Đề: Một vị trong thập đại đệ-tử của Phật, giải không bậc nhất. Một hôm Tôn-giả Tu-Bồ-Đề nogì thiền-định, chư Thiên mưa hoa tán thán. Tôn-giả hỏi: "Trong không mưa hoa tán thán đó là người nào?" Chư Thiên nói: "Tôi là Trời Đế-Thích". Tôn-giả nói: "Ngươi cớ chi tán thán?" Đáp: "Tôi trọng Tôn-giả khéo nói Kinh Bát-Nhã". Hỏi: Ta chưa từng nói một chữ trong kinh Bát-Nhã, tại sao ngươi tán thán?" Đế-Thích thưa: "Tôn-giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nói không nghe, là chân Bát-Nhã".

(21) Đạt-Ma:Tức Bồ-Đề Đạt-Ma. Tổ thứ 28 Thiền-Tông ở Ấn-Độ, đệ nhất Tổ ở Trung-Quốc. Ngài sang Trung-Quốc thời đại Nam-Bắc triều, ở chùa Thiếu-Lâm. Khi mất táng ở núi Hùng-Nhĩ. Theo truyền thuyết nói."Có sứ-giả Trung-Quốc đi sứ Ấn-Độ, trên đường về, gặp Đạt-Ma chỉ đeo một chiếc dép, đang trở về Ấn-Độ. Khi về báo với vua Lương, vua sai đào mộ Đạt-Ma xem, thấy trong mộ chỉ có một chiếc dép".

(22) Phổ-Hóa:Tức Phổ-Hóa hòa-thượng ở Trấn Châu, đời Đường, đệ tử của Bàn-Sơn Bảo-Tích thiền-sư, thường giúp Lâm-Tế Nghĩa-Huyền thiền-su hoằng hóa. Bình thường khi vào chợ, ngài rung chuông và nói: "Đầu sáng lại xua đầu sáng, đầu tối lại xua đầu tối, xua gió xoáy bốn phương tám hướng lại, xua cả hư không lại".

(23) La-Hán: Tức La-Hán Quế Thâm, người Thương-Sơn, đời Đường, phái Thanh-Nguyên. Ngưỡng-Sơn: Tức Ngưỡng-Sơn Tuệ-Tịch, đắc pháp ở Qui-Sơn Linh-Hựu thiền-sư.

(24) Nhạc-Đế: Tức thần chúa-tể núi Đông-Nhạc Thái-Sơn. Tư-Đại thiền sư: Tức Tuệ-Tư đại-sư, hiệu là Tư-Đại hòa thượng. Tư thiền-sư còn gọi là Nam-Nhạc Tư-Đại thiền-sư.

(25) Kính-Sơn: Tức Vô-Chuẩn sư-phạm, tông Lâm-Tế, tham vấn Tú-Phong thiền-sư, vâng chiếu chỉ ở chùa Kính-Sơn, được ban hiệu: "Phật-Giám Thiền-Sư".

(26) Tuyết-Phong:Tức Tuyết-Phong Nghĩa-Tồn, hệ Thanh-Nguyên đời Đường, pháp tư của Đức-Sơn Tuyên-Giám. Người gỗ mở rừng: Dụ xa lìa được suy nghĩ phân biệt.

(27) Cáo đồng: Theo công-án Bách-Trượng Dã-hồ - "Mỗi khi ngài Bách-Trượng thượng đường, thường có một lão tăng đến nghe pháp, rồi theo chúng giải tán. Một hôm không đi, Bách-Thượng hỏi: Đứng đó là ai? Lão tăng thưa: Tôi từ thời Phật Ca-Diếp đời quá khứ, thường trụ ở núi này, có một học nhân hỏi: "Người đại tu-hành, lại phải rơi vào nhân quả chăng?" Tôi đáp: "Chẳng rơi vào nhân quả". Do đó tôi bị đọa làm thân cáo đả 500 kiếp. Nay xin hòa-thượng thay cho một chuyễn ngữ". Bách-Trượng nói: "Chẳng mờ nhân quả" (bất muội nhân quả). "Lão tăng nghe nói xong đại ngộ".

(28) Ốc vặn hộ kinh Kim-Cương:Theo điển, kinh Kim-Cương bị rơi xuống nước, cả bầy ốc xúm lại mà đỡ bộ kinh lên cạn.

(29)Mười ngàn cá: Theo điển, mười ngàn con cá do nghe kinh, mà kiếp sau thác sinh làm vua.

(30) Năm trăm dơi: Tây-vực ký chép: Bờ Nam-Hải có một cây khô, có 500 con dơi ở trong hốc cây, vì ham nghe người đọc kinh, bị lửa đốt nóng mà không hay, nên bị cháy cả, được hóa kiếp thành người, bỏ nhà học đạo, đều thành Bồ-Tát.

(31) Trăn nghe sám: Vợ vua Lương-Võ-Đế, vì ác nghiệt, chết phải đọa làm kiếp trăn, báo mộng cho vua tụng kinh sám hối, được thác sinh lên trời.

(32) Rồng nghe kinh: Theo điển, Bồ-Tát Văn-Thù giảng kinh cho bầy rồng nghe, mà đều giác ngộ.

(33) Đại ẩn, tiểu ẩn: Đại ẩn, ẩn dật nơi chợ búa. Tiểu ẩn, ẩn dật nơi núi rừng.

(34) Tam giáo: Phật-Giáo, Nho-Giáo, Lão-Giáo.

(35) Ngưng nói hướng thượng tam huyền: Tức hãy ngưng nói con đường hướng thượng, nghĩa là hướng thượng tới chỗ cùng cực, thời cần phải một bước nữa hướng hạ để hóa độ, nên phải cần rõ một bước sau chót (yếu liễu mạt hậu nhất trước).

Tam huyền: Tức tam cú, tam huyền, tam yếu.

Tam cú (ba câu): Tăng hỏi Lâm-Tế thiền-sư: Thế nào là câu thứ 1? Sư đáp:

"Tam yến ấn khai chu điểm trắc,

Vị dung nghĩ nghị chủ tân phân".

(Nói về mặt thật tướng của vô vị chân nhân).

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ 2? - Sư đáp:

"Diệu giải khởi dung vô trước vấn,

Au hòa tranh phụ tiệt lưu cơ".

(Nói về mặt biểu hiện của vô vị chân nhân).

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ 3? - Sư đáp:

"Khán thủ băng đầu lộng ổi lỗi,

Trừu khiên đô lai lý hữu nhân".

(Nói về phương diện hành vi của vô vị chân nhân).

Tam huyền, tam yếu: Trong một câu có đủ tam huyền môn. Trong một huyền môn có đủ tam yếu. Có quyền, có thật. Vậy danh từ tam huyền, tam yếu không chỉ rõ số mục nhất định là gì? Có thể số 1 là "có", số 2 là "không", số 3 là chẳng phải "có, không".

Đó là một quá trình tư-duy rất thiết-yếu và huyền diệu.

(36) Một bước sau chót - (Mạt hậu nhất trước). - Mạt hậu có nghĩa là cuối cùng, chí cực, nghĩa cùng cực của chí đạo. Nhất trước nghĩa là một bước đi, một nước cờ, hay một câu. Vậy một bước sau chót có nghĩa là một bước, một câu cùng cực của Phật-đạo.

(37) Hay câu này diễn tả về diệu thú hiện thành của chân-như pháp-tánh. Cũng như câu: "Sơn thị sơn, thủy thị thủy".

---o0o---

Vi tính: Việt Dũng

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/04/2012(Xem: 11477)
Đầu tiên cần nhớ lại định nghĩa về nghiệp xấu – bất cứ hành động nào mà kết quả là khổ đau, thông thường là một hành động thúc đẩy bởi sự ngu dốt, gắn bó hay thù ghét.
18/04/2012(Xem: 10274)
Ban cho với lòng vị tha có ý nghĩa rèn luyện từ chiều sâu của trái tim trong một thái độ rộng lượng chẳng hạn mà chúng ta không tìm cầu bất cứ một phần thưởng hay kết quả nào cho chính mình. Hãy nghĩ về hành vi từ thiện và tất cả những lợi ích của nó như chỉ hướng đến lợi ích của người khác. Mặc dù từ thiện có thể được tiến hành bởi những ai tìm kiếm lợi ích cho chính họ, chẳng hạn như ai đấy hiến tặng từ thiện nhằm để trở nên nổi tiếng, bố thí vị tha hoàn toàn không liên hệ đến lòng vị kỷ.
18/04/2012(Xem: 5860)
Giống như năm yếu tố của môi trường vật chất - không, đất, nước, lửa, và gió - là vô giới hạn, vì thế chúng sinh mà con người vị tha tìm cầu để hướng dẫn ra khỏi khổ đau tới thể trạng giác ngộ là vô giới hạn trong con số. Sức mạnh trái tim của Bồ tát là như thế, các ngài cam kết với nhiệm vụ này trong việc hổ trợ tất cả chúng sinh - mà không có bất cứ giới hạn nào của thân hay thù, quốc gia hay chủng tộc - từ mỗi một loại khổ đau.
18/04/2012(Xem: 5303)
Một khi đã phát sinh thái độ vị tha đặc biệt là tự chúng ta phải mang đến lợi ích cho tất cả chúng sinh bằng việc giải thoát họ khỏi khổ đau và nổi kết họ với hạnh phúc, chúng ta phải lượng định chúng ta có khả năng để hoàn thành điều này hay không trong tình trạng hiện tại. Hầu hết chúng ta thường sẽ quyết định rằng chúng ta không có. Thế thì tiến hành như thế nào?
14/04/2012(Xem: 5421)
Cùng với từ ái, bi mẫn là khuôn mặt của lòng vị tha. Đấy là một cảm giác từ chiều sâu của trái tim mà chúng ta không chịu đựng nổi khổ đau của người khác mà không hành động để giải thoát. Khi bi mẫn được lớn mạnh hơn, ý chí của chúng ta cũng lớn lên tương ứng để chính mình cố gắng vì ợi ích của tất cả chúng sinh, ngay cả nếu ta phải làm việc ấy đơn độc.
13/04/2012(Xem: 14990)
Hiện tại chúng ta niệm Phật là niệm tự tâm. Vì tự nơi mỗi chúng sanh ai cũng có Phật nhân, mà, khi đã có Phật nhân thì liền có Phật quả - là thành Phật...
12/04/2012(Xem: 4027)
Về nhà chỉ có một lối, nhưng phương tiện thì có nhiều ngã. Đức Phật dạy có nhiều pháp môn tu, nhưng chuyên tu một pháp nào cũng đều được liễu ngộ cả.
12/04/2012(Xem: 5541)
Phật Pháp Cao Siêu Khó Nghĩ Bàn Là Người Học Đạo Lắm Gian Nan Siêng Tu Tịnh độ Đúng Chân Lý Quyết Được Vãng Sanh Đến Lạc Bang. Ánh hào quang của Đấng Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni tỏa ra vô vàng tia sáng chiếu khắp vũ trụ nhân sinh. Lúc ấy đã biểu hiện được lòng từ bi bao la của Đức Phật, xoa dịu bao vết đau thương của tất cả chúng sanh và ban nguồn an vui bất tận cho muôn loài. Giáo lý của Đức Thế Tôn quả là cao siêu tuyệt diệu, có đủ năng lực đưa người từ bến mê sang bờ giác, từ sanh tử đến quả vị Niết bàn an vui tự tại, nếu ai thực hiện tu theo giáo pháp của Ngài đã thuyết.
07/04/2012(Xem: 5215)
Lời Khai Thị Của Ấn Quang Đại Sư Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc, thành tựu việc tốt cho người. Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn: hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm. Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm, phải tức thời bỏ ngay. Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối. Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương. Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa bại hoại. Hãy coi mọi người đều là Bồ Tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu. Nếu quả có thể tu hành được như những đ
06/04/2012(Xem: 7008)
Chúng ta phải biết rằng: Nếu người học đạo mà chưa hiểu thấu rõ cái nguồn cội của tự tâm và vạn pháp thì không thể nào rời Phật ra được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]