Ý của câu thành ngữ này là chỉ người biết khó vẫn làm, là người có tinh thần và nghị lực rất kiên định.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Liệt Tử-Thang vấn".
Truyền rằng, thời xưa có hai trái núi là Thái Hàng và Vương Ốc. Có một ông già nhà ở phía bắc núi tên là Ngu Công. Do có hai trái núi này, nên mỗi khi đi đâu cũng phải đi vòng một quãng đường rất xa. Ông mới bàn với cả nhà muốn rời hai trái núi này đi. Mọi người đều đồng ý, rồi bàn đem đất đá đào lên sang đổ ở bờ biển phía đông và hướng bắc cách đó khá xa.
Từ đó, Ngu Công cùng các con cháu bắt đầu đào núi. Tuy mỗi ngày chẳng đào được bao nhiêu, nhưng họ vẫn không ngừng kiên trì không mệt mỏi. Bấy giờ, có một cụ già nghe nói việc này mới đến khuyên Ngu Công rằng: "Ông làm như vậy chẳng sáng suốt chút nào cả. Sức lực và tinh thần của ông cũng có hạn thôi, vậy thì làm sao có thể san bằng được hai trái núi này?".
Ngu Công bác lại rằng: "Cụ thật là ngoan cố khiến tôi chẳng biết giải thích thế nào. Dù tôi có chết đi thì còn có các con tôi. Các con tôi chết thì còn có các cháu tôi. Các cháu tôi lại sinh con đẻ cái, rồi đời đời kiếp kiếp cứ thế sinh con đẻ cái vô cùng vô tận, mà núi thì không thể nào ngày một cao lên được, thì còn lo gì mà không san bằng được?".
Về sau, sơn thần thấy Ngu Công vẫn không ngừng đào núi, bèn lên báo với Ngọc Hoàng đại đế, tinh thần của Ngu Công khiến Ngọc Hoàng vô cùng cảm động, bèn sai hai thiên thần xuống trần gian cõng hai trái núi này đi. Từ đó, đường đi không còn bị trở ngại, Ngu Công đi đâu cũng chẳng phải đi vòng nữa.