Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

A Di Đà Phật, Bốn chữ Tỉnh Thức

30/04/201007:32(Xem: 10310)
A Di Đà Phật, Bốn chữ Tỉnh Thức



Thich Thien Thong

A Di Đà Phật,
 Bốn chữ Tỉnh Thức


Nam Mô A Di Đà Phật.

Đã khá lâu rồi, „Lá Thư Tịnh Hữu“ vắng bóng trên Viên Giác. Bắt đầu từ năm 2000, đến giờ sắp sang năm 2004, mà cũng chưa chấm dứt. Nhiều bạn hữu nói nhỏ, “không biết ông Thị Chơn Nghiệp Dọc này còn dài dài đến bao lâu nữa!”.

Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và báo Viên Giác, Thị Chơn (TC) tôi đảo một vòng trong khuôn viên của chùa để thăm các quầy phát hành bánh trái, nước uống và thức ăn chay. Chợt nghe một giọng Huế khá quen thuộc phát ra dưới mái lều che mưa nắng dựng nơi quầy phát hành của Sư Bà Như Tuấn:

- "Ổng muốn đợi cho tụi mình chết rồi mới chỉ cách niệm Phật để về Tây phương Cực Lạc. Tụi mình mà không về được quốc độ của A Di Đà Phật, thì sẽ kiếm ổng để đòi nợ!"
- "A Di Đà Phật. Kính chào quý đạo hữu. Ai nói chi mà hung rứa!"

Tôi quay vào lều và chào mọi người. Những lời thăm hỏi sức khoẻ và mời nhau ăn bánh, uống cà phê đá v.v... nổ rang như pháo. Thật vậy đó. Hàng năm, hai ngày lễ Phật Đản và Vu Lan tại chùa Viên Giác là cơ hội cho người Việt tha phương sống ở xứ Đức và khắp nơi ở Âu Châu gặp lại nhau trong ánh sáng an lạc hạnh phúc nhiệm màu của đấng Thế Tôn. Những người tham dự lễ nhờ đó có được những ngày để “đốt lò hương cũ” - kể lại cho nhau nghe, cùng nhau chia sẻ những vui buồn trên quãng đường tìm tự do, trong các Phật sự công quả ở chùa vào những tháng năm thưở ban đầu bở ngỡ xa lạ nơi quê người. Họ cũng không quên tìm thăm hỏi những ân nhân đã giúp họ trước đây . . .

Bên cạnh việc hàn huyên và tâm sự, những người về chùa tham dự lễ - theo quan niệm của tôi - họ cũng làm “phước” nữa đó, các bạn có nhìn ra không? Đó là Cúng Dường Tam Bảo. Ủa sao kỳ vậy? Đúng thế! Họ đến chùa, ít nhất là cũng thành tâm dâng hương hoa lễ Phật, được nghe Pháp -dù ít hoặc nhiều; và nhờ đó mà cũng hiểu được ý nghĩa của ngày lễ. Đến chùa, ngoài việc phát tâm cúng dường tịnh tài trực tiếp đến Chư Tôn Đức, để hổ trợ quý Thầy Cô có phương tiện hoá duyên, họ còn thỉnh Kinh sách, pháp khí, mua những thức ăn, nước uống do các quầy của các chùa hay gia đình Phật tử phát hành. Đây cũng là cử chỉ cúng dường gián tiếp cho Phật sự của các nơi đó. Như thế, đến chùa tham dự những buổi lễ Phật là hành động Cúng Dường Phật Pháp và Tăng. Hành động này cũng là Bố Thí, hiểu theo nghĩa gián tiếp hoặc trực tiếp cũng được, các bạn à. Vì thế ta đừng có những ý nghĩ phê bình lệch lạc về các quầy hàng phát hành thức ăn chay của chùa; cũng như sự tham dự của thập phương bá tánh trong các dịp lễ Phật tổ chức ở các chùa, Niệm Phật Đường! Mà với tâm thanh tịnh, chúng ta Cúng Dường Tam Bảo -bằng mọi hình thức và phương tiện -. Thế thì hạt giống (nhân) phước đã được tưới tẩm rồi. Ta đâu cần phải chờ đợi cái quả, phải không bạn! Tất cả đều có nhân quả. Cứ xem đó là Phật sự thì nó là Phật sự, tự nhiên ta có an lạc và hạnh phúc tức khắc. Nhưng khi trong tâm ta đến chùa còn chứa chấp những tư duy so sánh, phân biệt thì nó là Chúng sanh sự với sân si, hận thù, ganh ghét, khổ đau. Quán trong khía cạnh bình đẳng - không so sánh và phân biệt - ta sẽ thấy người bán và kẻ mua có cùng Phước như nhau, vì có cùng mục đích: hộ trì Tam Bảo

Đang tâm sự với quý đạo hữungồi cùng bàn, chợt nhìn sang tay phải đối diện, tôi nhận ra một thiếu phụ mà không biết đã gặp ở đâu rồi. Tính tôi rất ngại khi hỏi tên hay nhận quen với bất cứ phụ nữ nào! Vấn đề này phức tạp lắm các bạn à! Cũng chỉ vì mình không muốn làm phiền não cho bất cứ một ai cả, có thế thôi. Cô ta cất tiếng:

- “Anh Diệp, chắc anh còn nhận ra em chứ?”
- “Dạ, thấy quen mà không giám hỏi thăm!”, tôi trả lời.
- “Anh quên rồi đó, không còn nhận ra em nữa đâu. Lệ nè. Lệ Hildesheim ngày xưa đó. Anh còn nhớ không?”
- “Có phải Lệ Hildesheim cùng gia đình đi một trong những chiếc ghe được tiểu bang Niedersachsen đónđầu tiên phải không?”
- “Đúng rồi, anh cũng còn nhớ đó!”
- “Dạ, vì dạo đó đâu có nhiều thuyền nhân đến Đức đâu, nên làm sao mà không nhớ! Chỉ có sau này đông quá thì nhớ không hết. Riêng Sư Phụ mình mới có trí nhớ dai thôi. Lệ còn biết chớ?”
- “Đúng vậy anh à. Lệ mới vừa gặp Thầy để đãnh lễ vấn an thì Thầy nhận ra ngay đó. Thầy còn nhắc sơ về buổi lễ Phật đầu tiên ở Niệm Phật Đường cũ đường Kestnerstr. nữa. Thầy còn hỏi em có gặp Thị Chơn chưa? Em trả lời Thầy là thế nào con cũng gặp anh ấy, vì có Phật sự nào của Thầy mà không có anh ấy đâu. Trong cuốn sách “Đường Không Biên Giới”, Thầy viết và có tặng gia đình con, Thầy đã viết Thầy và anh Thị Chơn như bóng với hình mà, làm sao con quên được, thưa Thầy. Thầy cười. Em cũng thưa Thầy là em còn nhớ trong lần lễ Phật cách đây gần 25 năm, Niệm Phật Đường nhỏ nên tối đến Thầy sắp xếp cho gia đình con có mẹ gìa và ở nhà anh Thị Chơn, dù nhà ảnh cách chùa gần 30 cây số. 
Ảnh đã đưa gia đình con về ngủ qua đêm và sáng sớm tự mình ảnh làm điểm tâm cho gia đình tụi con ăn rồi còn đưa tụi con trở về Hildesheim nữa, mà Hildesheim cách nhà ảnh gần cả trăm cây số lận. Bạch Thầy, gia đình con không quên được những kỷ niệm thân thương này, thưa Thầy. Thầy nói Thầy còn việc khác phải làm, nên sau khi đãnh lễ Thầy lần nữa, em ra ngoài này ngồi giải lao ở đây, không ngờ gặp lại anh. Hồi nãy em có gặp Ba anh trong văn phòng rồi. Bác ấy lớn tuổi mà trông vẫn còn phong độ ghê. Bác nhận ra em ngay lập tức, vì em vẫn thường xuyên liên lạc bằng thư từ với bác để gửi tịnh tài cúng dường chùa và đổi địa chỉ báo Viên Giác. Bác có hỏi em gặp anh chưa? Em nói là ngày nào ngôi chùa Viên Giác này còn thì còn anh Diệp mà, bác khỏi lo, thế nào con cũng gặp ảnh! Anh Diệp à. Bao năm rồi em vẫn đi chùa trong những lễ lớn. Càng lúc em thấy nhiều người lạ hơn quen. Dù rằng như vậy, nhưng những kỷ niệm và dấu ấn thân thương trong những thời gian đầu cũng khó quên được, phải không anh? Con người đã bị cuộc sống cuốn trôi theo vật chất, nên phần tinh thần, nhất là ân và nghĩa người ta dần quên hết rồi anh à. Thầy mình vẫn thường nhắc và nói: uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Thầy vẫn thường lập đi lập lại, theo em thì Thầy có ý muốn nhắc nhở mọi người những gì mình được hưởng ngày hôm nay chính là kết quả của những nhân trước; nếu mình biết trân quý nó thì nó cũng là cái nhân của hiện tại cho cái quả tương lai phải không anh? Ý Thầy em hiểu là như vậy, không biết có đúng không? Đúng hay không thì em cũng vẫn và chỉ là một con người có tình cảm, biết ân nghĩa và trọng nhân quả, như Thầy thường dạy. Nãy giờ em nói lung tung lang tang, xin anh cảm phiền, vì ít khi em có dịp được tâm sự với ai như anh.”
- “Bây giờ cuộc sống gia đình cô ra sao rồi?” Tôi cắt ngang và hỏi.
- “Những thăng trầm của cuộc đời ai cũng có. Nhưng bây giờ thì em an phận với những gì mình hiện có. Lớn tuổi rồi, có còn gì để mà ham thích nữa anh! Chỉ có một chuyện, may quá gặp anh em mới hỏi. Lá thư Tịnh hữu anh viết trong báo Viên Giác, em đọc rất kỷ và đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy thấm thía. Vì em đang bị một chứng bệnh như anh.”
- “Bệnh gì vậy?”, tôi hỏi.
- “Mười mấy năm nay, em làm nghề bồi chạy bàn bưng thức ăn cho khách. Trong khoảng mấy năm vừa rồi, em không còn cử động được cánh tay trái nữa, nó hình như bị liệt vậy. Em chán đời lắm, nhưng vì gia đình và tương lai của con cháu, em phải gắng gượng cho qua ngày. Để tâm hồn được an lạc, em thực tập những gì anh viết trong những lá thư Tịnh hữu đăng trong báo Viên Giác đó. Nó giúp tâm hồn em được nhiều an lạc lắm. Nhưng đoạn cuối của sự tu tập, em muốn hỏi anh là anh niệm Phật như thế nào để hồi phục được cho đến ngày hôm nay như những gì anh đã thực nghiệm. Mà điều này quý bác lớn tuổi hay những người có bệnh mới quan tâm đó anh. Những ai còn mạnh khoẻ hay bọn trẻ, em tin chắc rằng họ sẽ không tin những gì anh đã sống và chết để thuật lại cho họ biết đâu. Chỉ những ai đói thì mới biết thèm ăn, có khát thì mới thèm uống. Khi đã đói và khát mà được cho ăn và uống thì mới biết thưởng thức và biết thế nào là ăn, biết thế nào là uống. Nghĩa là có chết thì mới biết sống như thế nào, phải không anh?”

Tịnh hữu mến,
Mượn tâm sự của người khác để ghi lại, thấy dài dòng như vậy, nhưng trên thực tế câu chuyện nó mau lắm. Vì khi người ta cất giọng thì đã gió thoảng, mây trôi! Chụp lại không kịp. Phật pháp nói thân khẩu ý tạo nghiệp. Cái ý và cái thân (hành động) thì ta ít hoặc khó thấy, nhưng cái khẩu thì chứng kiến thường xuyên. Và nghe mỏi lỗ tai nữa. Nếu cái lổ tai con người mà biết mỏi, thì chắc nó là bộ phận mau mỏi trước nhất. Các bạn thử nghiệm lại xem, trong mỗi người chúng ta, thân khẩu và ý cái nào hoạt động nhiều nhất trong ngày. Nói rằng cái ý làm chủ cái thân và khẩu, nhưng theo tôi quán nghiệm thì thấy, rằng cái thân và khẩu của chúng ta nó thường chạy lẹ hơn cái ý. Vì cái ý không “kịp” làm chủ thân và khẩu. Khi hồi tưởng lại, thì cái quả nó đã có rồi. Bởi thế nói rằng: Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả, thật không sai. Nên kinh sách và quý Thầy thường nhắc nhở và khuyên chúng ta phải luôn thực tập Chánh Niệm. Chánh niệm - có thể thực tập bằng nhiều phương tiện như các phương pháp thiền, niệm Phật, trì chú, tụng kinh . . . Và chánh niệm sẽ giúp cho ta bớt tạo nhân Phật Pháp chỉ và hướng dẫn chúng ta những con đường ra khỏi luân hồi. Mà luân hồi là một chuổi của nhân - duyên - quả liên tục, không có đầu và không có kết. Nên mới gọi là luân hồi. Tôi còn nhớ lúc còn ở ngoài Đà Nẳng, tôi vẫn thường được nghe người ta nói: đi ra đi vô thằng cha khi nãy!. Câu nói trên thường để ám chỉ những nhân vật trên trường chính trị. Đổi người này, thay người khác lên nắm quyền; nhưng thật ra thì chẳng có gì thay đổi cho người dân được nhờ, mà cứ kiểu bình cũ rượu mới, cứ thế mà luân phiên nhau. Luân hồi cũng là một dạng như vậy: bình cũ rượu mới! Bình cũ (y báo), ở đây ý nói cái nghiệp, còn rượu mới (chánh báo) là cái hình trạng, hoàn cảnh gia đình và xã hội họ đang mang!

Khi chúng ta còn hít vào và thở ra được, dù có hay không có chánh niệm, cái Thân và cái Khẩu nó quan trọng lắm. Còn cái Ý luôn bị cái Thân và Khẩu trói buộc và làm nô lệ cho chúng. Nghĩa là, Ý là công cụ để phục vụ cho cái Thân và Khẩu (tài - sắc - danh - thực - thuỳ). Còn cái Thân và Khẩu chỉ phục vụ cho Ý khi chúng ta lễ bái (thân), tụng kinh - trì chú - niệm Phật (khẩu) trong chánh niệm mà thôi. Tôi nói là trong chánh niệm, chứ không phải hành trì trong vọng niệm. Nếu hành trì trong vọng niệm, thì đó là cái Ý phục vụ cho thân và khẩu rồi, phải không. Thể nghiệm được điều này, ta mới thật sự hiểu được thế nào là: đồ tể buông đao thành Phật. Vì Thân buông hay Ý buông? Cho nên mới nói: mê ngộ khác và giống nhau ở cái “biết chuyển”. Trong thuật ngữ “biết chuyển” có hai động từ đó bạn. Ta phải cẩn thận, vì đã , đang và sẽ có quá nhiều “biết” mà chưa “chuyển” được đó!

Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Đức Thế Tôn đã quá từ bi trao cho ta chiếc chìa khoá để mở cánh cửa giải thoát, nghĩa là ra khỏi luân hồi. Chìa khoá thì ai cũng có đó. Có người còn cất, giữ kỷ và bao nhung, mạ vàng nữa là! Nhưng có biết “xử dụng” hay không là chuyện khác. Biết “xài” thì thành Phật, bằng không - dù có cầm chắc nó trong tay!- thì cũng vẫn còn chúng sanh. Trong ví dụ này thì tạm dùng động từ “mở”. Nhưng trong sự hành trì thì dùng động từ “chuyển”. Người học Phật chúng ta đều biết, không ai dám can đảm nói là tôi tu hành để hết nghiệp cả - trừ phi thành Phật, mà tu hành là để “chuyển nghiệp hay hoán cải”, từ bất thiện chuyển sang thiện, từ ác chuyển sang lành, từ mê chuyển qua giác. . .

Viết đến đây,tôi chợt nhớ lại câu chuyện mà vẫn thường được tôi kể cho mọi người nghe, khi có liên quan đến nhân quả - nghiệp báo - luân hồi. Câu chuyện này tôi đã đọc rất lâu rồi, đăng trong một tạp chí Phật giáo ở hải ngoại và trích từ trong kinh sách, nên chỉ còn nhớ nội dung. Không biết các bạn có đọc qua câu chuyện “Đức Phật và Thanh Kiếm” chưa. Thôi để tôi nhớ đến đâu, kể hầu bạn đến đó vậy. Câu chuyện xin được tóm lược như sau:

“Trong một thời giảng pháp, bổng nhiên có một thanh kiếm hiện ra trước Phật. Phật dùng thần thông bay lên cao, xuống thật sâu trong lòng đất v.v... Làm thế nào chăng nữa, thanh kiếm vẫn lù lù trước mặt. Đệ tử của Phật đang ngồi nghe pháp rất đông và ngạc nhiên vô cùng về hiện tượng này. Một đệ tử Phật đã đắc quả A La Hán đứng lên, đến chỗ Phật ngồi, đi vòng quanh chỗ ngồi của Phật 3 lần, đãnh lễ Thế Tôn xong rồi bạch rằng: Kính lạy Đức Thế Tôn, chúng con thấy có hiện tượng kỳ lạ là có một thanh kiếm hiện ra trước Thế Tôn. Và Thế Tôn đã dùng thần thông qua lại, lên xuống, nhưng thanh kiếm vẫn còn hiện hữu trước Thế Tôn. Chúng con kính xin Đức Thế Tôn dạy cho chúng con biết cớ sao lại có hiện tượng như vậy?
Đức Thế Tôn giảng: Thưở Ngài còn là một chúng sanh và hành hạnh bồ tát. Ngài đang đi trên một thương thuyền có nhiều thương gia buôn bán giàu có. Nhờ thần thông, Ngài biết hiện diện trên thuyền có một kẻ cướp. Và tên cướp này muốn nhận chìm thuyền để giết người, cướp của. Lúc đó, Ngài phải đắn đo suy nghĩ lắm rằng mình có nên giết kẻ cướp này không? Nếu giết hắn thì ta phạm tội sát sanh. Nếu không giết hắn, thì ta sẽ để bao nhiêu mạng người phải chết dưới tay của hắn. Thì cũng là gián tiếp đồng loã với sát sanh. Nhưng nếu mà mình biết mà không cứu hàng trăm sinh mạng khác thì tội này sẽ rất nghiêm trọng cho người hành hạnh bồ tát.

Nên Ngài có ý nghĩ rằng nếu Ngài giết kẻ cướp thì chỉ mang tội sát sanh đối với một mạng người. Còn để cho hàng trăm người khác bị kẻ cướp lấy đi mạng sống, thì Ngài sẽ mang tội sát sanh gấp trăm lần. Mà nhân nào thì quả đó. Cuối cùng Ngài quyết định giết kẻ cướp, để cứu mạng sống cho hàng trăm sinh linh khác. Thế là Ngài chụp thanh kiếm của tên cướp, lúc hắn không để ý, và đâm chết hắn. Vì đã huỷ diệt một sinh mạng, nên Ngài phải trả cái quả sát sanh này. Thanh kiếm đang lơ lững trước Ngài dụ cho sự muốn trả thù của tên cướp bị giết. Nhưng nay Ngài đã thành Phật và không còn bị sanh tử luân hồi trói buộc nữa. Sau khi giảng xong, Đức Phật đưa chân ra phía trước cho thanh kiếm xuyên qua chân rồi nó tự biến mất. Nên Đức Thế Tôn mới giảng cho đại chúng biết rằng: chỉ khi nào ra khỏi sanh tử luân hồi thì mới hết nghiệp."

Câu chuyện Ngài Ngộ Đạt Quốc Sưtrong kinh Thủy Sám cũng đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng, ngày nào còn mang thân người trong cõi đời này - dù có gọi là “đạt đạo” (nhưng thế nào là đạt đạo?) chăng nữa - chỉ cần móng lên một vọng niệm thì hậu quả sẽ còn thê thảm hơn Ngài Ngộ Đạt nữa đó các bạn à.

Chúng ta cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe Chư Tôn Đức Cao Tăng thường nói: ai tu hành mặc ai, quan trọng là cái chết. Điều này quá dễ hiểu thôi, vì cái chết là quả của cái sống. Sống như thế nào, thì chết như thế ấy, lúc đó không thể che đậy và giấu diếm được!. Còn muốn chết như thế nào, thì phải biết sống ra sao. Nghĩa là, khi cái Thân và Khẩu không còn làm việc được nữa, thì cái gì hoạt động trong khi không còn thở ra hít vào được nữa các bạn. Xin thưa đó là cái Tâm, Duy Thức học gọi là A Lại Da Thức. Cho nên các Ngài nói, lúc còn thở được thì qươ chân múa tay, miệng nói đủ điều. Nhưng cái Tâm của các vị đó lúc ngưng thở - nhất là trong Trung Ấm Thân - mới là điều quan trọng.

Tôi không thể nào quên được, khi Sư Bà Đàm Lựu, một vị tu hành đạo cao đức trọng như thế, mà đến lúc ngưng thở, Sư Bà vẫn gắng hơi sức cuối cùng để nhắc nhở đệ tử của Người: các con đừng khóc lóc than van, mà hãy gắng niệm A Di Đà Phật thiệt nhiều cho Sư Bà đi. 

Những việc tôi kể trên chỉ muốn hết lòng thưa cùng các bạn để quả quyết một điều rằng:

“chỉ có tự ta
mới giải quyết được
cái nghiệp và sự sanh tử luân hồi của chính mình,
chứ tuyệt đối không một ai
có đủ khả năng để giúp mình được cả”

Đến giờ này cũng còn quá ư là nhiều người vẫn còn chưa tin được lời thệ nguyện của Phật A Di Đà:

“Nếu có chúng sanh, muốn sanh nước ta, 
hết lòng tín nguyện, cho đến mười niệm,
nếu chẳng đặng sanh, chẳng thành chánh giác”

Trong lời nguyện trên, ta thấy Đức A Di Đà tha thiết, ân cần muốn nhắc nhở chúng ta sự chuyển ý. Nghĩa là biết buông đao. Và buông đao bằng cái biết (kiến tánh) chứ không phải là hành động. Nó cũng là ý nghĩa của “tiếng vỗ một bàn tay”! Trong khi đó Đức A Di Đà còn cho ta đến Mười Niệm. Nhiều quá!

Lúc còn thở được,mỗi người trong chúng ta đều mang một hoài bảo để hoàn thành một sự nghiệp. Theo tôi, sự nghiệp nào cũng mang tính cách quan trọng như nhau - tùy góc nhìn và quan niệm riêng của mỗi người - nên không có gì để so sánh, phân biệt cả. Có khác chăng là ở nhân quả tạo ra để hoàn thành sự nghiệp đó mà thôi. Sự nghiệp càng lớn, nhân quả càng dầy! Đã mấy ai tránh khỏi điều này. Mà cái từ “Sự Nghiệp” cũng có cái ý nghĩa hay hay của nó đó các bạn: “Sự” và “Nghiệp”, phải chăng là một hành động
(sự) tạo ra nghiệp. Nếu nhìn theo một góc độ nào đó! Cái nhân gây ra chắc chắn sẽ là những chủng tử được nạp (save tiếng Anh, speichern tiếng Đức) vào A lại da, thức thứ tám. Bởi thế, A lại da thức là cái bộ nhớ (Memory, Speicherplatz) vô cùng kinh khủng của con người. Cái bộ nhớ của máy vi tính khi tắt máy, cúp điện, nó sẽ không làm việc tiếp tục nữa. Nhưng cái bộ nhớ của con người nó không bao giờ ngưng nghỉ hoạt động, dù mình có muốn cũng không được, vì nó là mình và mình là nó! Những gì được giữ lại trong bộ nhớ này là tất cả những “ghi nhận” , dù rằng vô ký, nhưng đối với nó vẫn là cái Ý (vô ký)

Vì thế, trong lúc hôn mê, trong trung ấm thân hay trong tình trạng hôn mê của tôi lúc bị liệt toàn thân, cái bộ nhớ này nó làm việc dễ sợ và kinh khủng lắm các bạn à, như là bị ERROR vậy. Lúc còn kiểm soát và làm chủ được các cơ phận, ta dùng Thân và Khẩu để đánh lừa nó, để trốn chạy nó. Nhưng giờ thì ta không thể cử động và nói chuyện, hát hò v.v... được. Thì nó tự do tung hoành, chạy lung tung; nó là cán cân công lý trong một “phiên toà định nghiệp”, nó phán xét những “sự nghiệp” ta đã tạo nên; nó là cuốn phim return những gì ta đã làm lúc còn thở được. Chính ta đóng đủ các vai những thành phần nhân sự trong một phiên toà như quan toà, bị cáo, trạng sư biện hộ, công tố viện, bồi thẩm đoàn . . .

Vì thế nội dung Lá Thư Tịnh Hữu không ngoài mục đích tha thiết kêu gọi các Tịnh hữu lúc ta còn thở được hãy “nạp vào bộ nhớ đó” bằng những hạt giống A Di Đà Phật. A Di Đà Phật trong sự tỉnh thức- tỉnh thì không mê và thức thì không ngủ - (người ta gọi cách khác là chánh niệm) trong từng hành động, trong từng hơi thở ra vào, trong từng ý niệm v.v. . .Vì thế tôi gọi “A Di Đà Phật là Bốn Chữ Tỉnh Thức”. Nếu được như thế thì lúc đó dĩa cân của cán cân công lý A lại da sẽ nghiên về cảnh giới A Di Đà Tây Phương Cực Lạc. Không có phương pháp nào khác cả. Và chỉ có về đó thì mới hết sự nghiệp luân hồi, để nhận những sự nghiệp khác do Phật A Di Đà thọ ký. Mà nhờ bốn chữ A Di Đà Phật để được và duy trì sự tỉnh thức thì cuộc đời này sẽ không còn “mê ngủ” nữa!

Muốn có được một sự chuyển tâm trong thần thức trung ấm thân - , chỉ có cách duy nhất (như đã trình bày) và không có cách nào khác là gieo trồng nhân A Di Đà Phật vào thức thứ tám, memory - bộ nhớ của con người lúc còn hít vào và thở ra được. Để ít ra trong giai đoạn trung ấm thân còn biết định hướng cho sự chuyển ngiệp. Còn cho rằng thực tập để tâm thức không bám vào một gì cả, thì lúc đó sẽ chẳng biết gì hết. Mà chẳng biết gì hết thì cũng là một cái biết đó, nhưng biết cái gì? Và cũng có thể là bất cứ cái gì cũng được, thì sẽ loạn (error)! Vì Không có một pháp gì “tự” nhiên mà thành được. Nếu có, thì hóa ra nghịch lại nguyên lý “trùng trùng duyên khởi” của nhà Phật rồi!

Lại nữa, cách đây hơn 2500 năm, Thái Tử Tất Đạt Đa đã quyết tâm toạ thiền để tìm đạo giải thoát để chỉ chúng sanh những phương tiện ra khỏi khổ đau của sanh tử luân hồi. Ngài Tất Đạt Đa đã hạ thủ công phu trong 49 ngày để vượt qua mọi thử thách, hàng phục nội ma và điều phục ngoại chướng . . . để thành đạo chánh chân. Cũng như vậy, trung ấm thân phải cần 7 x 7 = 49 ngày để chuyển nghiệp, đầu thai vào các cõi thánh hay phàm, lành hay dữ. Mối tương quan và sự trùng hợp của con số 49 ngày thiền định của Thái Tử Tất Đạt Đa và 49 ngày của trung ấm thân tôi đã nghiệm được sau khi tâm niệm được 4 chữ A Di Đà Phật. Sự tương trùng này cho đến nay tôi chưa thấy ai nói đến, và tôi cũng chưa đọc được ở đâu!

Bạn hữu mến.

Sau khi tôi bấm chuông liên tục gọi cấp cứu và theo lời nói của vị bác sĩ thì y khoa bất lực (ít nhất là đến giờ phút đó!) để giải quyết bệnh trạng của tôi - vậy ai cứu tôi? Rồi tôi đã nổ lực để trì tất cả những câu thần chú mà tôi đã học để nhờ hồng ân chư Phật, chư Bồ Tát gia trì. Tất cả đều vô vọng. Vì tôi không thể nào tụng bằng tâm đến chữ thứ tư của một câu chú. Song song đó, như đã kể, bộ nhớ A lại da của tôi làm việc rất căng thẳng. Cuốn phim sự nghiệp nó quay lại rất rõ ràng từng chuyện, từng cảnh. Mình không thể lẫn trốn nó được bằng cách vận động tay chân, hay nói chuyện v.v... Tất cả đều vô hiệu, ý tưởng của tôi không thể điều khiển bất cứ một bộ phận nào của thân thể được nữa. Tôi buồn, tôi thất vọng, tôi tủi, tôi hận, tôi hụt hẫng . . . Có thể dùng cụm từ hụt hẫng để nói lên tâm trạng trong trung ấm thân cũng có ý nghĩa hay hay của nó! Cứ mỗi lần mất chánh niệm, tôi thường nhớ đến Sư Phụ, nhớ chùa, nhớ Phật sự, nhớ đến đạo hữu . . . Nơi đây, con thành thật xin lỗi Ba Mẹ, vợ con, những người thân và sự nghiệp. Vì khi con nhớ đến Cha Mẹ, vợ con, sự nghiệp thì con không giải quyết được gì cả. Vì bộ nhớ A lại da của con lại đưa con trở về với những ràng buộc thế gian, mà chính con trong thời điểm đó đã bất lực đối với cái “sự nghiệp” của mình rồi! Đồng thời những cái nhớ về gia đình nó còn làm con hụt hẫng thêm. Lúc đó con thương cha mẹ, vợ con vô cùng. Cái tình thương đó nó đã giúp con phải biết định tâm để định hướng đi cho tương lai. Mà lối ra ở đâu? Chính là cửa Phật. Mà Phật và Bồ tát thì con chưa thấy chi cả. Chỉ có nhớ đến chùa, đến Sư Phụ, đến Phật sự, đến những lần công phu tụng kinh trên chùa, đến những chuyến tháp tùng Sư Phụ làm Phật sự phương xa. . . Tâm trạng này chính là giai đoạn của sự Biết Chuyển Tâm Ý. Nhờ vào những chủng tử đó, nên tôi mới biết trì chú và niệm Phật. Tất cả mọi nổ lực, hạ thủ công phu không thành. Cuối cùng tôi thí mạng mình cho Đức Phật A Di Đà. Tôi đã vận dụng hết tất cả những thành công lực mà tôi có để niệm
(bằng tâm) lục tự: Nam Mô A Di Đà Phật. Nhưng cũng không được nữa. Tụng (bằng tâm) chỉ được đến Nam Mô A, rồi Mô A Nam, rồi A Nam Mô . . . không qua được chữ Di. Tôi cũng không thể niệm theo hơi thở được, như lúc còn làm chủ được hơi thở. Vì tôi không còn điều khiển bất cứ một bộ phận nào trên thân thể của mình được nữa. Mồ hôi ra như tắm! Và tôi sợ. Bạn biết tôi sợ gì không? Tôi sợ rằng bây giờ mình quyết tâm về cõi A Di Đà Cực Lạc - nghĩa là Tín và Nguyện đã trọn- mà không niệm được lục tự (Hành) thì biết sẽ đi về đâu. Bổng dưng tôi nhớ đến Sư Phụ và đã từng trì tụng Kinh Đại Bát Niết Bàn cùng Người – lúc đầu chỉ có hai thầy trò. Tôi còn nhớ có đoạn viết rằng vào thời mạt pháp, tất cả những kinh sách không còn nữa, chú Lăng Nghiêm sẽ bị quên trước nhất, 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật cũng sẽ không còn ai nhớ mà chỉ còn có 4 chữ A Di Đà Phật mà thôi. Bạn biết, lúc đó tôi như người ngồi trong hầm tối mà thấy ánh sáng le lói xuyên qua một vết nức trên tường vậy. Nỗi vui mừng và sự an lạc đã chan chứa trong tôi. Thế là tôi bắt đầu niệm 4 chữ A Di Đà Phật. Nhưng A Di Đà. Đà Di A, Di A Đà . . . Cũng chỉ được có 3 chữ thôi, không qua được chữ Phật. Cái sợ đến với tôi bây giờ còn khủng khiếp hơn trước, thôi hết rồi bạn ơi!. Biết làm cách nào, dùng phương tiện gì để biết được 4 chữ. Nước mắt chảy dài. Cặp mắt liếc qua, liếc về, liếc lên trên rồi xuống dưới để cầu cứu. Nhưng khi nhìn xuống phía dưới, ánh mắt tôi chạm trán lòng bàn tay của mình. Tôi thấy những ngón tay có lóng. Mỗi ngón tay có 3 lóng và kể cả đầu ngón tay thì có tổng cộng 4 lóng! A, vậy là tôi đã tìm được cái phao rồi các bạn ơi! Thế là tôi bắt đầu nhìn từng ngón tay để nhớ từng lóng tay mà niệm A Di Đà Phật cho đủ 4 chữ. Nhưng đến ngón cái thì “ngọng”. Vì ngón cái kể cả đầu ngón tay thì chỉ có 3 lóng thôi!

Chính mình đã tìm và chế ra phương tiện rồi sử dụng nó;
và cũng chính mình bị “kẹt” bởi những phương tiện đó!

Chắc bạn còn nhớ câu chuyện thiền về ngón tay chỉ mặt trăng chứ. Thấy Thầy dùng ngón tay chỉ lên trời. Một thiền sinh cũng bắt chước chỉ ngón tay lên trời. Vị Thầy thấy vậy, chặt đứt ngón tay của chú ấy đi. Chú ấy đã “tỉnh” ra, khi chỉ tay lên trời mà không thấy ngón tay đâu nữa.

Tâm trạng của tôi cũng tương tự như vậy. Đến lúc tôi cũng phải biết “xả” phương tiện. Khi đến ngón tay cái, tôi đọc thêm một lóng “không lóng” cho đủ 4 lóng để thành A Di Đà Phật. Cứ thế, tôi liên tục giữ tâm niệm A Di Đà Phật nương vào nhìn lóng tay. Và tôi đã thiếp đi lúc nào cũng chẳng hay.

Tóm lại, bạn biết tôi phải phấn đấu và làm việc với cái bộ nhớ A lại da của tôi trong suốt thời gian từ chiều tối đến nửa đêm để có thể còn biết niệm 4 chữ A Di Đà Phật như thế nào rồi. Sự phấn đấu và quyết tâm này - như tôi vẫn thường nhắc đến thường xuyên - rất ư là quan trọng trong trung ấm thân, nhất là trong cận tử nghiệp, để “hoán nghiệp”. Quan trọng ở chỗ là “tự lực” của chính mình.

Nếu cho rằng tu theo pháp môn Tịnh Độ,niệm A Di Đà Phật, là cầu tha lực không có tự lực, thì tôi cho rằng đó là một quan niệm sai lầm quan trọng. Ta phải cẩn thận, cái gọi là “tha lực” trong Tịnh Độ A Di Đà cũng chính là “tự lực”. Vì không thể có tự lực mà không có tha lực; và không thể có tha lực ngoài tự lực.

Tự lực và tha lực trong Tịnh độ A Di Đà 
là điều kiện ắt có và đủ
để giải phương trình “Ta bà - Cực Lạc” .

Nếu hiểu trên tinh thần “tuỳ cơ và tuỳ thời”, nghĩa là “khế cơ và khế lý” của nhà Phật, thì ta thấy rằng, tất cả những pháp môn của Như Lai chỉ là những phương tiện hướng dẫn chúng ta thực tập để ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, và tất cả đều phải nương nhờ vào tha lực. Vì:

Tha lực và phương tiện, Tự lực là cứu cánh.

Phương tiện và cứu cánh không thể lầm lẫn được. Nếu hiểu theo cách khác thì:

Tự lực là Nhân và Tha Lực là Duyên để đạt được cái Quả

(gì gì đó theo sở nguyện riêng của mỗi người!).

Nhờ vào phương tiện các lóng tay, tôi giữ được chánh niệm nơi 4 chữ A Di Đà Phật. Và tôi đã thiếp đi trong tâm thức an lạc A Di Đà Phật.

Khi người quét dọn đụng cán chổi vào cạnh giường nghe keng keng . . ., như tiếng nhạc pháp trổi lên ở quốc độ A Di Đà, tôi vẫn nhiếp tâm niệm A Di Đà Phật, nhưng chưa mở mắt ra được, vì mình có điều khiển được nó đâu. Thích thì nó mở, không thì nó sụp xuống. Khi nó mở thì tôi ghi nhận được cảnh xung quanh , còn nó đóng thì tối om, hoặc chỉ thấy ánh sáng lờ mờ như người mù nhìn mặt trời vậy. Đó là nói về cái thấy nó như vậy.

Ngược lại, hai lổ tai thì nghe rõ hết mọi tiếng động, tiếng nói chung quanh. Cái nghe này, nếu mình không làm chủ được nó trong 49 ngày khi hết thở và trung ấm thân, thì chính cái nghe này nó dẫn dắt mình đó các bạn! Các Tịnh hữu phải ghi nhớ điều này cho thật kỷ. Bằng không thì chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi. Nên mới nói “nhất tâm bất loạn” là vậy. Nói cách khác, có tu hay không tu sẽ khác nhau trong giai đoạn trung ấm này!

Hai lổ tai tôi liên tục tiếp nhận được tiếng nói của những người chung quanh giường bệnh. Ồ! thì ra mình đang còn tiếp tục thở ở cõi gọi là ta bà, tiếc ơi là tiếc! Chắc trách nhiệm và bổn phận mình chưa hoàn mãn nên phải còn tiếp tục ở lại cõi này giải quyết cho xong. Chưa được về!

Như các bạn đã biết, tôi bị liệt toàn thân, chỉ mở được hai con mắt, nên ai làm gì thì làm - họ cho ăn bằng ống dây, lau mình, thay quần áo, lấy máu . . . Tất cả tôi đều thấy và nghe, nhưng không thể phản ứng gì được.

Hôm trước, thần thức tôi đấu tranh mãnh liệtđể về A Di Đà quốc độ. Hôm sau, A lại da thức của tôi cũng phải tiếp tục đấu tranh để tiếp tục sống. Và để sống như thế nào với một cái thân không biết cử động. Vì mắt còn mở, tim còn đập nên y khoa cho rằng thân này vẫn còn sống! Trường những người bị Koma (liệt và nhắm mắt), có lẽ y khoa gọi họ là người “sống chết”! Sống, vì tim còn đập; chết, vì họ nằm đó bất động như cái xác - ví như người chết nằm trong hòm (tim hết đập và hết thở, chỉ khác với người “sống chết” chỗ đó).

Nhưng! người “chết thật”, người “sống chết” và người “còn mở mắt” như tôi có một điểm duy nhất không khác nhau: đó là sự hoạt động của A lại da thức. Y khoa có thể dùng phương pháp EKG để đo được sự hoạt động mạch não của người “sống chết” và “tôi”. Nhưng sự hoạt động của A lại gia giữa ba chúng tôi không khác và cũng không giống.

- Khác là ở chỗ: hôm trước A lại gia của người “thật chết” và “tôi” cùng đấu tranh mãnh liệt chế ngự thức thứ bảy (Mạt na thức) để được nhất tâm bất loạn và định hướng khi “hết sống”, cũng như không bị 6 thức kia (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý) quấy nhiểu.

- Còn giống, thì giống ở thời điểm ngày hôm sau: A lại gia thức của người “sống chết” và “tôi” cũng phải đấu tranh kinh khủng, cũng để kềm chế thức thứ bảy (Mạt na thức) và để định hướng cho cái sống tiếp tục, nhưng bây giờ thì thức thứ bảy bị 6 thức kia khống chế.
Đây là hai bộ mặt của một sự cố, tưởng rằng nó mâu thuẩn, nhưng trên thực tế nó là trợ duyên cho ta hiểu được câu: “ta bà là cưc lạc”, “chúng sanh và Phật”. Điểm then chốt nằm trong ở chỗ “biết chuyển”.

Khi tôi thấy được, nghe được và cảm xúc được (nhưng chưa cử động được) thì những cảm giác xuyên qua 6 giác quan này đã khống chế thức thứ bảy, và ảnh hưởng đến “tâm niệm A Di Đà Phật” của tôi. Lúc đó, tôi không nhìn vào các lóng tay để biết 4 chữ A Di Đà Phật nữa, mà tôi đã có thể “tâm niệm liên tục” được rồi, chứ không phải “luôn miệng” niệm (vì miệng không cử động được)! Tâm thì niệm, nhưng mỗi cảm xúc được 6 thức kia đưa tới đều ảnh hưởng đến tâm niệm Phật của tôi. Câu niệm Phật bị gián đoạn liên tục, vì phải thoả mãn thức thứ bảy (ngã)! Thôi không xong rồi!

Trường hợp này tương tự như người tu Tịnh độ trì niệm lục tự Nam Mô A Di Đà Phật. Miệng thì mấp máy liên tục; tay thì lần chuổi liên tù tì. Nhưng trên thực tế, tôi biết chắc chắn, mắt, tai, mủi, lưởi, thân và ý của họ chạy theo huyễn cảnh bên ngoài. Điều này chúng ta thấy thường lắm. Miệng thì niệm Phật, nhưng bất chợt nghe điều gì nghịch ý hay thuận ý thì cất tiếng lên ngay! Có người, tay thì lần chuổi mệt nghỉ, mà miệng thì thảo luận, hí luận, bàn chuyện thế sự . . . Thấy chẳng khác gì người robot! Vì làm sao có hai cái đầu được: một cái để niệm Phật, còn một cái khác để tư duy.

Các bạn ơi! Lúc đó tôi rất hoảng sợ. Cái sợ này tương tự cái sợ lúc tôi không tâm niệm A Di Đà Phật được như trong ngày hôm trước. Bộ nhớ A lại da của tôi tiếp tục làm việc để tìm ra phương tiện, làm sao có thể nhất tâm được mà khỏi bị 7 thức kia chi phối. Lúc đó tôi không có trì được một câu chú nào hết, mà chỉ cố gắng giữ thật chắc 4 chữ A Di Đà Phật trong tâm thôi.

Cuối cùng tôi mới nhớ đến câu kệ:

nếu có chúng sanh muốn sanh nước ta, 
hết lòng tín niệm; cho đến mười niệm;
nếu chẳng đặng sanh; chẳng thành chánh giác.

Tín và nguyện thì mình có rồi đó, nhưng hành như thế nào đây. À, “mười niệm”. Đúng vậy. Phật A Di Đà đã chỉ cho ta cách “hành” rồi đó, mà hầu hết chúng ta không để ý đến. Cứ liên tù tì niệm, niệm đứt hơi! Nhưng kết quả không thấy gì, vì sự dụng nhân không đúng!

Thật vậy đó bạn. Có những vị chí thành niệm lục tự nam Mô A Di Đà Phật, mà kết quả là tâm trí không bình thường. Nên có vị hỏi tôi:
- “Đạo hữu Thị chơn ơi, tại sao có chuyện đó?”
- “Thưa rằng điều đó dễ hiểu thôi. Vì họ đâu có “nhất tâm” niệm Phật, ai niệm chứ đâu phải họ niệm? Ngoài ra thì họ vẫn như người bình thường chưa hề biết niệm Phật, có vậy thôi. Chỉ vì mình nhìn thấy họ lần chuổi, miệng thì thầm, niệm cái gì đó “như gió” -chứ đâu có phải niệm Phật-, nên mình đặt thành vấn đề. Riêng tôi, họ chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác, chứ chưa biết niệm Phật là gì. Nên cũng đừng thắc mắc!

Đúng rồi “mười niệm”.Nhưng làm sao biết đến mười. Phương tiện 4 lóng trên ngón tay, tôi đã sử dụng. Vậy đào đâu ra được 10 lóng? Thật nan giải. Lúc đó tai tôi thoáng nghe bên giường bệnh kế bên. Có một thiếu phụ dẫn một cháu bé đến thăm ông (ngoại hay nội gì đó tôi không biết). Thiếu phụ nói với ông lão:

- “Cha ơi, cháu biết đếm số rồi đó cha à.”
- “Cháu đếm cho ông nghe đi”. Ông cụ nói. Đứa bé không đếm hết được. Ông cụ bảo:
-”Thôi cháu đọc theo ông nè! eins (một), zwei (hai), drei (ba), vier (bốn), fünf (năm), sechs (sáu), sieben (bảy), acht (tám), neun (chín), zehn (mười). 
Câu chuyện xảy ra và nói bằng tiếng Đức.

Các bạn ơi! Quả thật có bồ tát thị hiện giúp tôi đó. Tịnh hữu có tin không? Tôi thầm cảm ơn Chư Phật và Chư Bồ tát. Tôi bắt đầu thực tập phương pháp “tâm niệm 4 chữ A Di Đà Phật và đếm từ một đến mười rồi trở lại từ một đến mười, không cần biết là bao nhiêu cả”. Và tôi bắt đầu:
A Di Đà Phật (một) A Di Đà Phật (hai) 
A Di Đà Phật (ba) A Di Đà Phật (bốn)
A Di Đà Phật (năm) A Di Đà Phật (sáu) 
A Di Đà Phật (bảy) A Di Đà Phật (tám) 
A Di Đà Phật (chín) A Di Đà Phật (mười)

Cứ như thế mà tâm niệm. Hết mười, xong trở lại một đến mười. Nhờ vậy mà tôi mới khống chế được mọi chi phối của 7 thức kia.

Phương pháp này được tôi đặt tên: “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật”:
- chỉ dùng tâm để niệm 4 chữ A Di Đà Phật từ 1 cho đến 10, rồi bắt đầu trở lại từ 1 đến 10;
- tâm niệm;
- không niệm ra tiếng;-
- không dùng chuổi hay bất cứ một phương tiện nào khác;
- không cần biết là bao nhiêu niệm;
- trong tất cả mọi lúc, mọi hành động, kể cả vào những nơi bất tịnh - nghĩa là không để hở một “sát na” nào mà không có 4 chữ A Di Đà Phật. Ví dụ: bạn đang niệm đến A Di Đà Phật (năm), bổng có người hỏi gì đó, bạn ngưng tại tâm niệm số 5 để trả lời, khi xong tâm bạn vẫn tiếp tục tâm niệm sang A Di Đà Phật 6 . . .10 và cứ tiếp tục. Nếu khi bạn trả lời xong, mà không nhớ lúc dừng tâm niệm ở câu thứ mấy A Di Đà Phật, thì cứ bắt đầu lại từ đầu A Di Đà Phật 1, A Di Đà Phật 2, . . . A Di Đà Phật 10, A Di Đà Phật 1 . . .

Khi có người đến thăm, và kể những điều không đúng sự thật, nói thiếu nhân quả, tôi muốn lên tiếng lắm chứ, nhưng không nói được, nên tức lắm bạn à. Cái tức đó chi phối sự tâm niệm Phật của tôi. Tôi vội quay trở về với 4 chữ A Di Đà Phật và từ một đến mười. Nhưng phải gắng lắm mới đến mười, bằng không, nữa đường bị “đứt đoạn”. Chưa đến mười thì cái tâm đã chạy theo cái thức thứ 7 rồi.

Sự kiện này rất vô cùng quan trọngmà tôi phải luôn nhắc nhở bạn đồng tu Tịnh độ. Bạn cứ tưởng tượng, tôi đang nằm trong hòm, có ai đó đến phúng điếu, kể lể những việc quá khứ lúc tôi còn thở. Gỉa dụ, anh A. là người trước đây cho tôi mượn 10 đồng. Nhưng khi anh A. đến trước linh cửu và muốn chứng tỏ cho mọi người hiện diện tấm lòng “độ lượng” của anh ta, nên thảm thiết lên tiếng: ôi anh Thị Chơn ơi! ngày trước anh mượn tôi 1000 đồng, nay chúng ta đôi người đôi ngã, anh cũng chẳng cần bận tâm làm chi, xem như là giữa chúng ta không có ai nợ ai gì hết! và tôi cầu nguyện cho anh sớm về cõi cực lạc.

Ui chao! nghe đến đây, tôi chắc khó mà về cực lạc rồi đó! Vì tôi sẽ nổi tam bành lục tặc lên mà chỉ có đi địa ngục thôi chứ làm sao mà về cực lạc được, phải không Tịnh hữu!

Trên đây chỉ là một ví dụ. Nhưng thật tế, nếu bạn tham dự nhiều đám tang thì cũng sẽ chứng kiến nhiều cảnh vui lắm. Không có giúp ít gì cho người chết cả và kể cả cho người còn thở. Kèn, chuông trống inh ỏi, tiếng tụng niệm chát chúa; chưa nói đến việc bàn ra tán vào của người hộ niệm nữa. Chẳng hạn như: ơ, lúc bác ấy sống hay niệm chú Đại Bi lắm, mình nên tụng Đại bi đi. Người khác, không phải vậy, tôi sống gần bác ấy nên biết bác thích tụng chú Vãng Sanh hơn, mình thỉnh Thầy tụng chú Vãng sanh tốt hơn! . . .
Tâm trạng của người đang năm trong hòm, cũng như trong 49 ngày (trung ấm thân) rất hoang mang và hụt hẫng. Riêng cá nhân họ còn nhiều điều phải làm và “sự nghiệp” chưa xong, mà nay phải bất lực. Họ tủi, oán, hận đủ điều. Thật ra họ chẳng biết thích cái gì cả - chỉ có người còn thở thích mà thôi. Có ai dám nói rằng họ biết người chết ưa thích gì? Ngay như mình đây, đang còn sống mà còn chưa biết mình muốn gì nữa, huống hồ biết người chết thích gì!.

Người chết rất cần được sự chỉ dẫncho một hướng đi để giúp họ giải quyết những cái gì mà chưa “làm hết” và còn “muốn làm tiếp tục”. Nhưng chúng ta là Phật tử, học Phật pháp để làm gì? Để lợi mình và lợi cho người. Nhưng phần lớn chỉ nghỉ lợi mình trước, mà ít nghỉ đến lợi người! Nhưng trong hoàn cảnh đó, lợi người là trên hết. Ta phải can đảm “quyết tâm” chỉ cho người chết biết “nhất tâm” xả bỏ hết tất cả những cái gì họ “chưa làm hết” và “muốn giải quyết tiếp”, mà chỉ nhất tâm niệm A Di Đà Phật để thênh thang về chốn ấy. Về được nơi ấy rồi, thì cái gì “chưa làm” cũng sẽ làm xong, và cái gì “muốn làm” cũng sẽ được làm.

Còn nữa. Những ngày cúng thất. Phải nấu món này, xào món kia, chưng bông màu này, đừng chưng bông kiểu đó, người chết không “ưa”. Đã chết rồi, biết gì mà ưa với thích! Ưa hay thích là vì người cúng ưa và thích thôi! Phải không các bạn. Tôi tạm dừng tư tưởng về vấn đề này nơi đây, có duyên sẽ viết trong một lá thư khác..

Nhân đây, tôi gửi tặng bạn bài “Pháp ngữ cho hương linh” được Thầy Hạnh Tấn đọc bên linh cửu của cô Thiện Hạnh Nguyễn Thị Hiền để suy gẩm và sử dụng:

Thưa vong linh (tên họ pháp danh) yên lặng lắng nghe!
Người đời thường nói: „Sống gửi, thác về“ Tuy nhiên, sống ở gửi thì nhiều người biết. Nhưng thác về đâu thì mấy ai hay? Giờ này vong linh đi về đâu? Về với ông bà tổ tiên? Hay về với cát bụi cỏ cây? Nếu vong linh về với ông bà tiên tổ, thì vong linh biết ông bà tiên tổ ở đâu không? Còn về với cát bụi cỏ cây, thì vong linh về đó làm gì?

Thưa vong linh!
Vong linh nên ngĩï rằng: Ông bà tổ tiên lúc ra đi, cũng như vong linh bây giờ ra đi vậy. Nghĩa là kẻ trước người sau, chẳng ai biết ai cả. Vong linh còn biết rằng thân mọi loài mọi vật đều được cấu tạo bằng nhiều nguyên tố như đất, nước, gió, lửa v.v..., nếu về với cát bụi cỏ cây thì như vậy nay phải trả lại cho lửa, cho gió, cho đất và nước. Trong kinh Đức Phật dạy: trong thân thể con người và các loài hữu tình khác, có thứ luôn thay đổi và có thứ mãi mãi chẳng hề đổi thay. Thứ thay đổi là vật chất, còn thứ không thay đổi là tinh thần, là Phật tánh, là tâm thức. Khi thứ không thay đổi này còn tồn tại trong cái thân thể hay thay đổi thì nó có tác dụng như thấy, nghe, hay biết và tạo tác nghiệp thiẽn ác v.v. . . Nhưng khi thân vật chất này, vì lý do gì không thể duy trì sự sống được nữa, thì cái tinh thần tâm thức đó sẽ theo các nghiệp thiện ác mà mỗi người khi còn
sống đã làm có thể sanh vào một thân khác, loài khác và sống trong thế giới khác.

Thưa vong linh!
Kinh Phật dạy: „Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân“ . Nghĩa là muôn vàn của cải không mang theo được thứ gì cả. Chỉ có nghiệp thiện ác theo mình mà thôi. Như vậy, vong linh khi sinh tiền đã giữ năm điều răn như lời Phật dạy. Sau khi lâm chung, thiện nghiệp đó dẫn dắt vong linh sinh vào cõi người - cõi chúng ta đang sống, khổ nhiều vui ít. Hoặc vong linh khi còn sống đã làm mười điều lành như lời Phật dạy. Lúc mãn phần, các nghiệp lành đó sẽ nâng đổ vong linh sinh lên các cõi trời - cõi đó khổ ít vui nhiều. Và cứ như thế tiến lên các cõi Thánh xuÃt thế gian như A La Hán, Bồ Tát và chư Phật, sau khi tu tập theo 37 phẩm trợ đạo, sáu độ và muôn hạnh lành có lợi ích cho chúng sanh trong nhiều đời nhiều kiếp. Ngược lại, nếu chúng sanh nào lúc còn sống làm năm điều ác, mười điều chẳng lành, sau khi thân này tan rã, nghiệp xấu đó sẽ lôi cuốn vong linh đó sinh vào các nơi tăm tối, dơ bẩn, đói khát và đau khổ. Và nếu không may phải đi vào các đường này thì chỉ có khổ, không có vui và rất khó trở lại làm thân người. Các đường khổ đó là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Các cõi này có ngay ở thế gian chúng ta đang sống chứ không phải ở đâu xa cả.

Thưa vong linh!
Trên đây là những giáo điều, những pháp ngữ để khuyên chúng sanh làm lành, răn cấm chúng sanh làm các việc ác, để kiếp sau và cũng ngay cả hiện tại và tương lai đồng sa vào các thế giới khổ, để lên các cõi vui như trên đã nói. Đến đây vong linh đã nghe rõ và vong linh có thể tự biết mình sau khi chia tay thân nhân quyến thuộc v.v.. . sẽ dii về đâu. Vong linh hãy tự chọn một trong mười cõi đó để tái sanh và chính vong linh tự biết rõ hơn ai hết - cũng như người từ nước này sang nước khác, tự biết mình khổ hay vui là do của cải thiện hay ác, gọi là nghiệp cûa mình mang theo mà thôi. Và chính ngay cä thân thuộc cũng chÌ biết một phần nào cuộc sống khổ vui của vong linh ở thân sau và thế giới mà vong linh sẽ đến mà thôi.

Vậy trước khi làm lễ trà tỳ thiêu hủy giả thân, đưa vong linh về thế giới khác, vong linh nên phát tâm trong giờ phút ngắn ngủi này, sám hối các vọng nghiệp, hồi hướng các thiện duyên, để các vọng nghiệp cũ được tiêu trừ thì các phước lành mới phát sinh được. đồng thời vong linh phát tâm quy y Tam bảo, giữ năm giới cấm trong tương lai, trong kiếp sống khác. Nghĩa là một niềm hồi quang phản chiếu thật sự, như thắp lên một ngọn đèn, bao nhiêu bóng tối trong một ngôi nhà tăm tối lâu nay thấy đâu biến mất. Rồi từ đó sẽ nhờ pháp lực tiếp dẫn vong linh từ trần gian này về Phật quốc khác. Vong linh hẳn đã nghe rõ và tự nguyện làm theo lời Pháp ngữ . Vong linh làm được như vậy thì hân hạnh vô cùng.

Giờ đây xin mời tất cả thân nhân tang quyến, cùng tất cả Phật tử và mọi người hiện diện, hãy vì vong linh và cho vong linh đồng thanh hộ niệm:

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Dại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Tịnh hữu mến.

Tôi thực tập “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” và “biết” đếm từ câu từ một đến mười, rồi trở lại từ một đến mười - không qua mười một!
Sau hai tuần, đến ngày 15.06.1985, tôi bổng dưng cử động và phát âm bình thường trở lại, như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên việc đi đứng cũng phải tập, vì hai tuần lễ nằm liệt không cử động được. Giọng nói thì hay bị lấp, vì cơ lưởi bị yếu, cần phải tập phát âm theo âm Đức, chứ nói tiếng Việt thì không có vấn đề.

Nhờ Hồng ân của Tam Bảo, phước đức của ông bà tổ tiên, cha mẹ nên tôi đã bình phục. Đó là nói đến tha lực. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là sự tự lực. Nên khi cho rằng tu Tịnh độ “cầu” tha lực là không đúng, cá nhân tôi quả quyết như vậy.

Từ đó đến nay, và mãi cho đến sau này, tôi chỉ “tâm niệm”, chứ không niệm ra tiếng, 4 chữ A Di Đà Phật và biết đếm từng câu A Di Đà Phật từ một đến mười và bắt đầu trở lại từ một đến mười.

Rốt cuộc rồi Lá Thư Tịnh Hữu, bắt đầu năm 2000, đến năm 2004 cũng xong, tổng cộng 4 năm. Thật tế, tôi không có pháp môn Tịnh độ gì cả để chỉ bày cho ai cả. Tôi chỉ có kinh nghiệm và chứng nghiệm Phật pháp trong lúc tôi bị liệt để kể lại cho các bạn biết từng diển biến tâm lý của tôi ra sao thế thôi. Bạn và tôi là những người Phật tử, là những “hành giả” (người thực tập) chứ không phải là những “độc giả”, “học giả”.

Vậy ta hãy luôn tinh tấn thực tập 4 điều sau đây:

Chúng sanh vô số lượng, thệ nguyện đều độ khắp, 
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch, 
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học,
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.


Tôi và bạn không khác, chết là lẽ đương nhiên. Nhưng sống như thế nào mới là điều đáng tư duy.

Tịnh hữu mến.

Thật ra tôi chẳng có “pháp môn” gì cả. Tất cả những gì tôi thực tập đều từ Phật pháp, gián tiếp là đọc kinh sách và nghe Chư Tôn Đức giảng (VĂN). Tôi còn được một may mắn, hay nói cách khác có nhân duyên lớn, được gần gủi Sư Phụ để học hỏi sự tu hành và đạo hạnh của người. Và cứ thế mà thực tập (TƯ và TU). Nhưng TU cần phải có CHỨNG (không phải là dở chứng!) nữa. Tôi không dám lạm bàn về sự CHỨNG này, vì tôi còn phải tu tập nhiều nữa. Chỉ có “cơn bệnh” của tôi đã giúp tôi NGHIỆM được những gì đã học hỏi và thực tập. Và những điều này tôi mạn phép thuật lại cho các bạn “đồng pháp tu” thôi, để trao đổi và sách tấn nhau.

Từ năm 1985, sau khi khỏi bệnh và vì biết “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” mà tôi còn thở đến ngày nay. Phương pháp niệm Phật của tôi được ứng dụng từ “thập niệm ký số”, một trong mười cách niệm Phật mà Chư Tổ Tịnh Độ đã lập ra. Chỉ có điều, như tôi đã nói là “khi niệm phải biết mình niệm, chứ không có cái đầu thứ hai để niệm!. Mà muốn biết mình niệm và giữ được câu niệm Phật, cốt yếu là giữ trong 10 niệm, số nhiều không quan trọng. Và chỉ niệm trong tâm, không nhất thiết phải ra tiếng. Ai niệm ra tiếng cũng được, nhưng quan trọng là niệm trong tâm”.

Cho nên tôi đã dõng mãnh lập thệ rằng:

“nếu ai giữ được10 câu niệm A Di Đà Phật 
mà không được Phật A Di Đà và Tam Thánh đến đón,
thì tôi sẽ vì khẩu nghiệp
mà bị đoạ vào ngục vô gián thay cho mọi người”.

Nhưng bên trên là nói lúc ngưng thở. Còn 4 chữ A Di Đà Phật giúp ta trong lúc còn thở ra sao? Như tôi đã trình bày, bốn chữ A Di Đà Phật từ một đến mười sẽ giúp ta:

- một là: huân tập vào A lại gia thức (thức thứ 8) chủng tử A Di Đà Phật;
- hai là: điều phục và hàng phục được 7 thức còn lại.

Tôi xin đơn cử những trường hợp mà chúng ta tự thân sẽ nghiệm được như sau:

1. giữ được sự tỉnh thức (chánh niệm): khi bạn quét nhà, bạn vẫn niệm A Di Đà Phật từ một đến mười, thì bạn không cần phải quét cho thiệt lẹ, cho mau xong. Nói theo cách khác là “quét nhà để quét nhà!”;

2. trong khi quét nhà, mỗi “vọng niệm” (những tư tưởng về quá khứ, hiện tại và tương lai) nổi lên, bạn cứ tiếp tục giữ con số mà bạn mới vừa niệm và niệm cho đến mười rồi trở lại. Được như vậy thì “hàng rào A Đi Đà Phật” làm gì có khe hở cho bất cứ một “lọn gió tư tưởng” nào xuyên qua được;

3. cũng như vậy, đang quét nhà mà nghe người khác nói tốt hay nói xấu về mình, mà vẫn tiếp tục niệm như trên, thì mình đâu có bị cái “nghe” nó chi phối. Mà cái nghe không bị chi phối thì mình cũng không bị “cái miệng nó sai khiến”, rồi còn có thể “tay chân” múa theo nữa;

4. cũng như vậy, nhìn một bông hoa đẹp, mà vẫn “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” ta vẫn thưởng thức được cái đẹp của bông hoa để không khởi tâm “chiếm đoạt” , so sánh ,phân biệt, chê bai, . . .;

5. cũng như vậy cho các thức kia.

Nếu chúng ta thực tập thường xuyên - nghĩa là đi đứng nằm ngồi ngủ nghĩ, kể luôn những lúc vào những nơi bất tịnh v.v. . ., mà “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” - thì tôi dám bảo đảm với các bạn rằng, đến một lúc nào đó, bạn thấy rằng cuộc sống này rất có ý nghĩa và thời gian đối với chúng ta như vô nghĩa. 24 tiếng đồng hồ vẫn còn ít để sống lợi mình và lợi người!

6. Đến một chừng mực khác, bạn “tâm thập niệm A Di Đà Phật” trước khi ngủ và ngủ thiếp lúc nào không biết. Đến sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, trong tâm bạn vẫn còn A Di Đà Phật. Thì bạn cũng không biết rằng mình đã có ngủ hay không, mà chỉ biết rằng mình chỉ có niệm Phật không mà thôi;

7. có những trường hợp, trong giấc mơ, bạn gặp điều không lành mà vẫn còn biết niệm A Di Đà Phật để tránh nạn;

8. khi bạn gặp ác mộng, nhưng trong giấc mộng bạn quên đi câu niệm A Di Đà Phật. Giựt mình thức dậy, đổ mồ hôi hột, sực nhớ đến câu niệm A Di Đà Phật, bạn niệm và tiếp tục ngủ, giấc mộng khi nảy sẽ quay trở lại và bạn biết niệm A Di Đà Phật để cứu nạn hay thoát nạn.

9. khi cần nghỉ ngơi, bạn chỉ cần tìm một chỗ yên lặng, ngồi nằm gì cũng được, rồi nói trong tâm rằng: tôi sẽ tâm thập niệm 10 phút A Di Đà Phật . Bạn sẽ “ngủ mà không ngủ”, nhưng khoảng 10 phút không cần đồng hồ báo thức, hay nhờ ai đánh thức, mà bạn cũng “tỉnh lại” và tâm thần rất sảng khoái, như đã ngủ một giấc dài say sưa;

10. thực tập đến một lúc nào đó, những cảm giác do 6 thức kia đem lại (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý) sẽ không còn bị thức thứ 7 (mạt na) lừa dối bạn nữa. Mà bạn sẽ “thấy và biết” được tất cả NHÂN - DUYÊN - QUẢ của mọi sự kiện. Ví như “vật soi vào gương”, nhưng cái gương ở đây ví là cái gương theo Ngài Huệ Năng, còn cái “Tâm thập niệm A Di Đà Phật” là hành động lau gương của Ngài Thần Tú!.

Đến giờ và mãi mãi sau này, tôi vẫn “Tâm Thập Niệm A Di Đà Phật” cùng trì thêm chú (Đại Bi và Đại Trí Văn Thù Sư Lợi), nhưng lúc nào cũng trì 10 biến; nếu có trì tiếp thì cũng trở lại từ 1 đến 10, không thêm mà cũng không bớt!. Tôi tập giữ con số “từ 1 đến 10” để huân tập vào bộ nhớ của mình.



TT_Thich_Thien_Thong
Kính bạch Thầy Thiện Thông.


Con, Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, nhờ duyên Thầy mà đến nay con mới làm xong lời nguyện của mình. Con xin đãnh lễ Thầy. Và con không bao giờ quên được những trợ duyên khác vô cùng quan trọng đã giúp con “thắng phiên toà định nghiệp” chính là Cha mẹ, Thầy Bổn Sư, chư Tôn Đức, đạo hữu thiện tri thức, Phật sự và tất cả các pháp, trên hết là Phật pháp.

Nguyện đem công đức này, 
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

Nam Mô A Di Đà Phật.

Viết xong ngày 24 tháng 12 năm 2003, Hannover tức ngày mồng hai tháng mười một thiếu âm lịch năm Quý Mùi.
Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2011(Xem: 9049)
Hiện nay, thời khóa mỗi ngày của tôi nhất định phải có là: sáng sớm thức dậy tụng phẩm Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm, Kinh Kim Cang, bài kệ phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa, kinh Phổ Môn, kinh A Di Đà” rồi hoàn kinh niệm Phật. Nếu tụng ra tiếng thì hơn 2 tiếng đồng hồ, nếu tụng thầm thì trên dưới một tiếng rưỡi. Năm nay tôi đã 94 tuổi nên chỉ thực hiện thời khóa bằng cách tụng thầm mà thôi, chứ tụng ra tiếng thì không nỗi nữa rồi. Sở dĩ tôi nói kỹ như vậy để chúng ta biết rõ cách tu tập của mình là phải có sự liên tục hằng ngày. Không nên lúc có, lúc không. Tụng kinh niệm Phật ngoài mục đích chính yếu là vãng sanh Cực Lạc ra, còn có tác dụng hàng phục những phiền não nghiệp chướng, khiến cho những thiện căn công đức được tăng trưởng. Nếu mỗi ngày tu hành đều đặn như vậy, tất nhiên lần lần bớt đi phần phàm phu sanh tử mà tiến lần trên con đường Hiền Thánh giải thoát.
27/01/2011(Xem: 12058)
Pháp môn Tịnh Độ cao cả không cùng, rộng lớn như trời che đất chở. Đây là Pháp môn tổng trì của chư Phật ba đời, là đạo mầu đặc biệt trong một đời giáo hóa của đức Thích Ca.
16/12/2010(Xem: 6103)
Một cư sĩ học giả viết trong một quyển sách đã xuất bản, trong đó có lập lại một lời nói của đức Phật không được đúng như trong kinh đã ghi, điều này có thể tạo cho Phật tử hiểu lệch lạc về đạo Phật dẫn tới một đạo Phật mê tín. Họ nói Đức Phật nói rằng: “… Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi Thánh địa này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và duyên lànhvà nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối cùngtại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới thanh nhàn..”
02/12/2010(Xem: 1073)
Về thời thượng cổ, người ta chưa có cơ khí gì để đo lường thời gian mà chỉ có một ít dụng cụ thô sơ. Dụng cụ đó là cái đồng hồ thái dương...
10/11/2010(Xem: 8280)
Đức phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ. Trong Kinh Bi Hoa nói rằng: "Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện trì".Khi ấy tại cõi Tản đề lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: một là Đông thắng thần châu, hai là Nam thiệm bộ châu, ba là Tây ngưu hóa châu, và bốn là Bắc cu lô châu, tiếng nhơn hiền đồn dậy bốn phương, đức từ thiện đượm nhuần khắp xứ, nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẳn lòng ái kính.
30/10/2010(Xem: 889)
Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.
28/10/2010(Xem: 776)
Đời Chu Tương Vương (651-617 trước D.L.), Tần Mục Công làm bá chủ các nước ở tây phương. Nhà vua có một người con gái.
28/10/2010(Xem: 1148)
Có một chàng tên Giang Thu San, quê ở An Huy, vốn người phong nhã, tính ưu ngao du sơn thủy. Gặp buổi ngày xuân, chàng liền rủ bạn sang Kim Lăng thưởng xuân.
21/10/2010(Xem: 2915)
Ý của câu thành ngữ này là chỉ chim chóc bị săn bắn hết rồi thì cất cung nỏ vào kho. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Sử ký - Việt thế gia".
20/10/2010(Xem: 838)
"Xích thằng" là tơ hồng hay chỉ hồng. "Nguyệt lão" là ông già dưới trăng do chữ "Nguyệt Hạ Lão Nhân", nói tắt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]