Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 6: Sám Hối

20/05/201318:23(Xem: 12395)
Phẩm 6: Sám Hối

Kinh Pháp Bảo Đàn

Phẩm 6: Sám Hối

Thích Nữ Trí Hải

Nguồn: soạn thuật: Pháp Hải, dịch: Thích Nữ Trí Hải

Bấy giờ, Đại sư thấy bốn phương trí thức và thường dân ở Quảng-Thiều đều đến núi nghe pháp, bèn thăng tòa bảo chúng:
- Lại đây, Thiện tri thức! Việc này nên từ tự tánh khởi, trong tất cả thời, thường tự tịnh tâm mình, tự tu hạnh mình, thấy Pháp thân của mình, tự thấy Phật trong tâm mình. Tự độ tự thành mới được, không cần đến đây. Các ngài đã từ xa xôi đến tập hội, đều có duyên với nhau, vậy hãy đồng quỳ xuống, trước tiên tôi sẽ truyền cho năm phần hương của tự tánh Pháp thân, rồi trao pháp sám hối Vô tướng.
Chúng đều quỳ, Sư dạy:
- Thứ nhất, giới hương, là tự tâm không quấy, không ác, không ganh ghét, không tham sân, không cướp hại, gọi là giới hương.
Hai định hương, là thấy cảnh tướng thiện ác tự tâm không loạn.
Ba là tuệ hương, là tự tâm không ngại, thường đem trí tuệ quán chiếu tự tánh, không tạo các ác. Tuy tu các điều lành mà tâm không vướng mắc, kính trên thương dưới, xót thương kẻ cô độc nghèo cùng, gọi là tuệ hương.
Bốn giải thoát hương, là tự tâm không vin theo duyên, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, tự tại vô ngại, gọi là giải thoát hương.
Năm giải thoát tri kiến hương, là tự tâm không chạy theo thiện ác, không chìm nơi không, kẹt nơi tịch, mà cần học rộng nghe nhiều, biết tự bản tâm thông đạt lý của chư Phật, hòa ánh sáng tiếp độ mọi người, tâm không nhân ngã thẳng đến Bồ đề, chơn tánh không dời đổi. Ấy là giải thoát tri kiến hương. Thiện tri thức! Hương này mỗi người tự xông bên trong, chớ tìm ở ngoài.
Nay tôi lại vì các người mà trao pháp sám hối Vô tướng, diệt tội ba đời, khiến được ba nghiệp thanh tịnh. Thiện tri thức, hãy nói theo lời tôi:
- “Đệ tử chúng con, từ niệm trước, niệm này và niệm sau, mỗi niệm đều không bị u mê ô nhiễm, từ trước có bao nhiêu tội ác nghiệp u mê, đều xin sám hối, nguyện một lần tiêu diệt, vĩnh viễn không khởi lại.
Đệ tử chúng con, từ niệm trước, niệm này đến niệm sau, mỗi niệm không bị kiêu căng dối trá làm ô nhiễm, từ trước có bao nhiêu ác nghiệp kiêu căng dối trá nay đều sám hối, nguyện một lần tiêu diệt, vĩnh viễn không khởi lại.
Đệ tử chúng con, từ niệm trước, niệm này tới niệm sau, mỗi niệm không bị ganh ghét làm ô nhiễm, từ trước có bao nhiêu ác nghiệp ganh ghét đều xin sám hối, nguyện một lần tiêu diệt, vĩnh viễn không khởi lại”.
Thiện tri thức! Trên đây là pháp sám hối Vô tướng. Sao gọi là sám? Sao là hối? Sám là sám tội trước, từ trước có bao nhiêu ác nghiệp, các tội u mê kiêu mạn dối trá ganh ghét v.v … đều sám hối cả, vĩnh viễn không tái phạm, ấy gọi là sám. Hối là hối lỗi về sau, từ nay trở đi, bao nhiêu ác nghiệp u mê kiêu mạn v.v … nay đã giác ngộ, đều xin vĩnh viễn dứt trừ, không tái phạm, ấy gọi là hối. Do đó gọi là sám hối. Kẻ phàm phu ngu muội chỉ biết sám lỗi trước mà không biết hối lỗi sau, vì không hối nên tội trước không diệt, lỗi sau lại sanh. Tội trước không diệt, tội sau sanh lại, thì sao gọi là sám hối được.
Thiện tri thức! Đã sám hối rồi, nay lại phải phát bổn nguyện lớn. Hãy chú tâm nghe kỹ.
Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.
Tự tánh pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Tự tánh Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.
Thiện tri thức! Quý vị vừa nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Vì sao nói vậy, ấy có nghĩa không phải Huệ Năng này độ. Chúng sanh trong tâm chính là cái tâm tà mê, tâm dối trá, tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm ác độc, những tâm như vậy đều gọi là tâm chúng sanh, mỗi người phải dùng tự tánh tự độ, ấy mới là chơn thật độ. Sao gọi là tự tánh tự độ? Nghãi là trong tâm có những chúng sanh như tà kiến, phiền não, ngu si, thì phải đem chánh kiến mà độ chúng. Đã có chánh kiến thì phải dùng trí Bát nhã đánh đổ ngu si mê vọng, mỗi mỗi chúng sanh phải tự độ lấy. Tà đến thì lấy chánh để độ, mê đến thì lấy ngộ độ, ngu đến lấy trí độ, ác đến lấy thiện độ, độ như thế gọi là chơn chánh độ.
Lại “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” là đem trí Bát nhã của tự tánh mà trừ bỏ tâm tưởng hư vọng.
“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là cốt tự thấy tánh, thường thực hành Chánh pháp, ấy mới là chơn chánh học tập.
“Phật đạo Vô thượng thệ nguyện thành” là thường sanh tâm khiêm hạ, thực hành Chánh đạo lìa mê lìa giác, thường sanh Bát nhã, trừ chơn trừ vọng, liền thấy Phật tánh, thì nói ra bèn thành Phật đạo. Thường nhớ nghĩ việc tu hành, ấy là năng lực của thệ nguyện.
Thiện tri thức! Đã phát bốn hoằng thệ nguyện xong, nay tôi lại truyền giới ba Quy y Vô tướng cho quý vị:
Thiện tri thức! Quy y giác, lưỡng túc tôn. Quy y chánh, ly dục tôn. Quy y tịnh, chúng trung tôn. Từ nay trở đi, xưng Giác làm Phật, không trở lại quy y tà ma ngoại đạo. Vì Tam Bảo nơi tự tánh thường tự chứng minh, nên tôi khuyên Thiện tri thức hãy quy y tự tánh Tam Bảo: Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh.
Tự tâm Quy y Giác, thì tà mê không sanh, ít muốn biết đủ, lìa được tài sắc gọi là Lưỡng Túc Tôn.
Tự tâm Quy y Chánh, trong mỗi mỗi niệm đều không tà kiến, do không tà kiến nên không có tâm nhân ngã cống cao tham ái chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn.
Tự tâm Quy y Tịnh, đối với hết thảy cảnh trần lao ái dục tự tánh tuyệt đối không ô nhiễm mắc vướng, gọi là Chúng Trung Tôn. Tu hạnh ấy gọi là Tự quy y. Kẻ phàm phu không hiểu, ngày đêm cứ thọ giới tam quy, nhưng nói Quy y Phật, thì Phật ở chỗ nào? Nếu không thấy Phật thì dựa vào đâu mà quay về? Thành ra nói sai vậy.
Thiện tri thức! Hãy tự quán sát, chớ dụng tâm sai. Kinh nói rõ Tự quy y Phật là nương Phật nơi mình, không nói quy y Phật khác, Phật nơi mình không nương thì không có chỗ nào nương. Nay đã tự ngộ, quý vị hãy quy y Tam Bảo của tự tâm. Trong điều phục tâm tánh, ngoài kính trọng mọi người, gọi là Tự quy y vậy. Thiện tri thức! Đã quy y Tam Bảo của tự tâm xong, hãy chí thành nghe ba thân của Tự tánh Phật. Tất cả hãy nói theo tôi.
Nơi sắc thân này, quy y Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Nơi sắc thân này, quy y ngàn trăm ức Hóa Thân Phật.
Nơi sắc thân này, quy y Viên Mãn Báo Thân Phật.
Thiện tri thức! Sắc thân là nhà không thể nói nương về.
Thiện tri thức! Ba thân Phật ở ngay trong tự tánh, người đời đều có, chỉ vì tự tâm mê, không thấy tánh nên đi tìm ba thân Phật ở ngoài, không thấy trong tự thân có ba thân Phật. Hãy nghe đây, tôi sẽ chỉ cho quý vị thấy ba thân Phật trong tự tánh. Ba thân Phật từ tự tánh sanh, không do ngoài mà có.
Sao gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân? Người đời tánh vốn thanh tịnh, vạn pháp từ tự tánh sanh, suy nghĩ mọi việc ác thì sanh khởi mọi hành động ác, suy nghĩ mọi việc lành thì sanh hành động thiện. Như vậy, các pháp đều do nơi tự tánh, như trời thường trong, mặt trăng mặt trời thường sáng, chỉ vì mây che mà trời đất mù mịt hôn ám. Nếu gặp gió thổi mây tan, thì trời đất đều quang minh, mọi vật hiện rõ. Người đời tánh thường trôi nổi như đám mây kia. Thiện tri thức! Trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng, trí tuệ thường sáng. Ngoài vướng cảnh thì tự tánh tuệ thường sáng. Ngoài vướng cảnh thì tự tánh bị đám mây vọng niệm ngăn che không được quang đãng. Nếu gặp thiện tri thức, nghe chánh pháp tự trừ mê vọng, trong ngoài sáng suốt, thì nơi tự tánh vạn pháp hiện rõ. Người kiến tánh cũng vậy. Thế gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Thiện tri thức! Tự tâm quy y tự tánh đó là quy y Phật thật. Tự quy y có nghĩa là trừ khử nơi tự tánh những tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm dua nịnh quanh co, tâm dối trá, tâm khinh người, tâm kiêu ngạo tà kiến, cùng mọi hành vi bất thiện trong mọi lúc. Thường tự thấy lỗi mình, không nói điều tốt xấu của người khác ấy là Tự quy y. Thường phải có tâm khiêm hạ, kính trọng mọi người, ấy là kiến tánh thông đạt, không còn trở ngại, ấy là Tự quy y.
Sao gọi là Thiên Bách Ức Hóa Thân? Khi vạn pháp không nghĩ, thì tánh vốn hư không, khi khởi một niệm suy lường, thì gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác hóa ra địa ngục, suy nghĩ việc lành hóa ra thiên đường, độc hại hóa ra rồng rắn, từ bi hóa ra Bồ tát, trí tuệ hóa làm cõi trên, ngu si hóa thành phương dưới. Tự tánh biến hóa rất nhiều, người mê không thể tỉnh giác, niệm niệm thường khởi ác, thường đi đường ác, nếu quay về một niệm lành, liền phát sanh trí tuệ. Đấy gọi là tự tánh Hóa Thân Phật.
Sao gọi là Viên Mãn Báo Thân? Ví như một ngọn đèn có thể trừ bóng tối ngàn năm, một trí tuệ có thể diệt cái ngu vạn năm. Đường nghĩ chuyện về trước, vì đã qua không trở lại. Thường nghĩ về sau, niệm niệm viên minh, tự thấy bản tánh, thiện ác tuy khác mà bản tánh không hai, tánh không hai ấy là thật tánh. Trong thật tánh không nhiễm thiện ác, đấy là Viên Mãn Báo Thân Phật. Tự tánh khởi một niệm ác, thì tiêu diệt nhân lành vạn kiếp. Tự tánh khởi một niệm lành, thì dứt được hằng hà sa ác, thẳng đến Vô thượng Bồ đề. Trong từng mỗi niệm tự thấy tánh, gọi là Báo Thân.
Thiện tri thức! Từ Pháp Thân mà tư lượng tức là Hóa Thân Phật, trong từng mỗi niệm tự thấy bản tánh gọi là Báo Thân Phật. Tự ngộ, tự tu, tự tánh công đức, ấy là Quy y chơn thật. Sắc thân bằng da thịt này chỉ như một cái nhà (sẽ hư hoại) không thể nương được. Cho nên phải ngộ ba thân của tự tánh, mới được biết Đức Phật của tự tâm. Tôi có một bài tụng Vô tướng, nếu tụng và hành trì, thì tội lỗi mê lầm tích chứa nhiều kiếp liền tiêu. Tụng rằng:
Người mê tu phước không tu đạo
Cho rằng tu phước ấy là đạo
Bố thí cúng dường phước vô biên
Ba độc trong tâm xưa nay tạo
Toan đem tu phước mong diệt tội
Đời sau được phước, tội còn nguyên
Chỉ ngay trong tâm trừ mầm tội
Ngay nơi tự tánh chơn sám hối
Được ngộ chơn sám hối Đại thừa
Trừ tà làm chánh liền không tội
Học đạo thường quán nơi tự tánh
Thì liền đồng bậc với chư Phật
Tổ ta chỉ truyền Đốn pháp này
Nguyện cho tất cả đồng thấy tánh
Nếu tương lai muốn tìm Pháp thân
Lìa hết pháp tướng tẩy sạch tâm
Nỗ lực kiến tánh chớ biếng trễ
Niệm xong chợt dứt là xong đời
Nếu ngộ pháp Đại thừa kiến tánh
Chắp tay thành khẩn chí tâm cầu.
Thiện tri thức! Tất cả hãy tụng thuộc, theo đó mà tu, thấy được tánh, thì tuy xa tôi ngàn dặm vẫn như ở gần bên. Nếu không nghe lời này, thì dù có đối diện cũng cách xa thiên lý. Chúc đi bình an!
Chúng nghe pháp không ai là chẳng khai ngộ, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 15738)
Chính tôi được nghe như thế nầy. Một thuở nọ, đức Phật kiết hạ tại núi Kỳ-Xà-Quật, gần thành Vương-Xá với chúng Đại Tỳ-kheo một muôn hai nghìn người. Đó là các vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Ma-Ha Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp, Ma-Ha Ca-Chiên-Diên, Tu-Bồ-Đề, La-Hầu-La, Phú-Lâu-Na, A-Nan, A-Nan-Đà, Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề, Gia-Du-Đà-La, v.v...
08/04/2013(Xem: 17843)
Thành thực mà nói, tôi chưa có được niềm tin rằng mỗi khi có thể bị tai nạn gì thì nên tụng Bồ tát giới Phạn võng, nhưng có một điều rõ rệt là mỗi khi làm gì cho giới ấy thì đang bịnh cũng thư thái thấy rõ. Từ trước đến nay đã có 5 lần như vậy.
08/04/2013(Xem: 19493)
Đại sư tên Huệ Năng, thân phụ họ Lư, húy Hành Thao, thân mẫu họ Lý. Đời vua Đường Vũ Đức năm thứ 3 tháng 9 ở tân Châu, bà Lý Thị nằm mộng thấy trước sân hoa trắng đua nở, có đôi chim nhạn trắng bay, hương lạ tỏa đầy nhà, khi tỉnh dạy thì thụ thai. Bà thanh khiết trai giới, hoài thai sáu năm Sư mới ra đời. Ấy là năm Trinh Quán thứ 12 đời Đường Thái Tông, nhằm năm Mậu Tuất (638DL) ngày mồng 8 tháng 2 giờ Tý.
08/04/2013(Xem: 17666)
Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật ở trong điện quan Thừa Tướng, thuộc phía Đông thành Xá-Vệ. Một hôm mẹ quan Thừa Tướng ấy tên là Duy-Da; sáng sớm dậy, bà tắm gội, mặc áo mầu, rồi cùng những người con dâu đi đến chốn Phật. Đến nơi, cùng nhau cúi đầu lễ sát chân Phật. Lễ xong, tất cả đều ngồi về một bên.
08/04/2013(Xem: 15687)
“Bát Thức Quy Củ Tụng” là một tác phẩm thuộc bộ môn Duy Thức do Ngài Huyền Trang đời Đường biên soạn. Nguyên tác vốn rất dài, khó nhớ, khó thuộc, vì vậy Ngài Khuy Cơ, đệ tử của Ngài Huyền Trang được phép Sư Phụ, đã toát yếu tác phẩm trên thành 41 câu tụng, giúp người tu học Phật được dễ dàng hơn trong việc đọc tụng hằng ngày.
08/04/2013(Xem: 20422)
Việc tự tứ và trai tăng trong ngày Vu lan, và qua đó mà báo hiếu cha mẹ, thì không cần phải nói đến nữa. Điều đáng nói là các chùa nên tổ chức hiệp kỵ cho Phật tử trong ngày Vu lan, sau khi tự tứ và trai tăng. Ngày nay kỵ giỗ của mỗi nhà cũng không thể còn như xưa
08/04/2013(Xem: 6803)
Trong việc học hỏi Phật Pháp, điều căn bản cần phải biết các đặc tánh của tâm và pháp như thế nào mới có thể tìm hiểu thêm pháp học và pháp hành Phật đạo. Kinh Giáo Giới Nandaka và Kinh Giáo Giới Channa đã nói lên hai đặc tánh ấy.
08/04/2013(Xem: 7736)
Quan Thế Âm là danh hiệu của một vị Bồ Tát. Quán Thế Âm dịch nghĩa của chữ Avalokitesvara (Trung Hoa phiên âm là A phạ lô chỉ đê thấp phạt la) của chữ Phạm (Ấn Độ) và có nghĩa là vị Bồ Tát quán sát tiêng kêu cầu của chúng sinh trong thế gian, mà độ cho họ được giải thoát.
08/04/2013(Xem: 10840)
Điều mình không ưa chớ nên trách người. Anh hãy là ngọn đuốc và nơi nương náu cho chính mình anh. Anh đừng nên phó thác vào chốn dung thân nào khác. Muốn bình thiên hạ, hãy bình tâm địa trước đã. Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất!
08/04/2013(Xem: 10286)
Đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, bắt đầu chuyển pháp-luân, độ cho năm vị Tỳ-Khưu là Tôn-giả Kiều-Trần-Như v.v... Sau cùng, Ngài thuyết pháp độ cho ông Tu-bạt-đà-la. Những người nên độ, Ngài đã độ xong. Ngài nghỉ ở giữa hai cây Sa-la và sắp nhập niết-bàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]